[MINH HUỆ 03-01-2022] Năm 2021 ghi nhận có tổng cộng 1.187 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vì đức tin của họ, một môn tu luyện thân tâm còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999.
Trong 1.187 trường hợp kết án này, có 7 trường hợp diễn ra vào năm 2019, có 288 trường hợp năm 2020 và 892 trường hợp vào năm 2021. Theo thông tin mới, tổng số trường hợp kết án được xác nhận trong năm 2020 hiện đã được cập nhật lên thành 910. Vì thông tin ở Trung Quốc bị kiểm duyệt nghiêm ngặt nên không phải lúc nào các trường hợp kết án cũng có thể được báo cáo kịp thời, cũng như không phải thông tin nào cũng có thể tìm được.
(*) Dữ liệu thu thập từ ngày 01/01/2021 đến 31/12/2021
Trong số 892 trường hợp kết án vào năm 2021, tháng 3 có nhiều trường hợp nhất (107), tiếp theo là tháng 4 (98) và tháng 12 (86). Các tháng khác có số trường hợp dao động từ 41 đến 84.
Các học viên bị kết án đến từ 27 tỉnh và thành phố. Liêu Ninh (142), Hắc Long Giang (125), Cát Lâm (109), Sơn Đông (102) và Hà Nam (90) là năm tỉnh có nhiều vụ tuyên án nhất. 20 khu vực khác có số trường hợp từ 10 đến 78. Phúc Kiến và Quảng Tây, mỗi nơi có một trường hợp.
Đặc biệt, các tòa án ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam, đã kết án tù 41 học viên. Tất cả đều là mục tiêu trong một vụ bắt giữ hàng loạt hơn 100 học viên vào ngày 30 tháng 8 năm 2019. Án tù của họ xê dịch từ 7 tháng đến 13 năm.
Các học viên bị kết án thuộc mọi giai tầng xã hội, trong đó có một cựu giáo viên dạy nhạc, chủ khách sạn, bác sỹ về hưu, chủ tiệm thẩm mỹ viện và kỹ sư tàu thuyền.
Khi nghe tin về vụ bắt giữ chủ nhà hàng, ông Dương Kiến Lục ở tỉnh Hà Bắc, 415 người dân làng của ông Dương đã ký vào một bản tuyên thệ để ủng hộ ông. Tuyên bố của dân làng cho biết, “Chúng tôi ở khu phố Bán Pha. Chúng tôi rất sốc khi hay tin ông Dương Kiến Lục bị bắt. Người dân ở các thôn lân cận đều biết ông ấy tu luyện Pháp Luân Công và là một người tốt. Bất cứ ai cần giúp đỡ, ông luôn sẵn lòng giúp họ. Chúng tôi không biết nhiều về những đạo lý to lớn của Pháp Luân Công, nhưng chúng tôi biết ông ấy không làm gì sai khi trở thành một người tốt. Ông ấy đã bị giam gần tám tháng qua. Xin hãy thả ông ấy ra để ông được đoàn tụ với gia đình.” Song, không màng đến lời cầu khẩn của người dân, ông Dương vẫn bị kết án 8 năm tù và đơn kháng cáo của ông đã bị tòa án cấp trên bác bỏ.
Sau khi ông Đinh Quốc Thần, một gia sư toán ở tỉnh Liêu Ninh, bị bắt vào năm 2019, vợ ông đã gọi điện cho học sinh và cha mẹ của họ để báo tin ông không dạy kèm được nữa. Một số học sinh rất buồn và khóc. Cha của một học sinh nói với vợ của ông Đinh: “Con trai tôi đang khóc, chị à. Lúc mẹ nó bảo nó tìm lớp học khác, nó nói: “Con không tìm được giáo viên nào tốt như thầy Đinh. Con không muốn học lớp phụ đạo nào khác. Con chỉ muốn học thầy Đinh thôi.” Ông Đinh sau đó bị kết án 2 năm tù giam, trong khi ông vẫn hôn mê sau khi bị xuất huyết não.
(*) 61 trường hợp quản chế tại gia và 2 án phạt tiền không có án tù không được phản ánh trên biểu đồ này
Ngoại trừ 61 học viên bị quản chế, 34 người không rõ thời hạn, và 2 người khác bị tòa án phạt tiền nhưng không có án tù, những người còn lại bị kết án từ 3 tháng đến 14 năm, trung bình là 3,5 năm.
Tổng cộng 448 học viên đã bị tòa án phạt tiền hoặc bị cảnh sát tống tiền với tổng số tiền hơn 6 triệu Nhân dân tệ, trung bình mỗi người bị phạt 14.860 Nhân dân tệ. Trong đó, 204 học viên bị phạt từ 5.000 Nhân dân tệ trở xuống, 106 học viên bị phạt từ 5.000 đến 10.000 Nhân dân tệ, 120 người bị phạt từ 10.000 đến 50.000 Nhân dân tệ và 18 người bị phạt trên 50.000 Nhân dân tệ.
(*) Biểu đồ trên đây thể hiện 430 học viên bị kết án đã xác định được độ tuổi
Trong số 430 học viên được biết độ tuổi tại thời điểm tuyên án, có 32 học viên ở độ tuổi 80; 122 người ở độ tuổi 70; 122 người ở độ tuổi 60; 102 người ở độ tuổi 50; 41 người ở độ tuổi 40; 9 người ở độ tuổi 30; 1 người ở độ tuổi 20 , và trẻ nhất 19 tuổi.
Học viên trẻ tuổi nhất là cô Lý Huệ, sinh viên năm nhất của Trường Điều dưỡng Duy Phường ở tỉnh Sơn Đông. Cô đã bị trường trả đũa khi cô từ chối tiêm vắc-xin covid. Biết cô tu luyện Pháp Luân Công, nhà trường đã báo cảnh sát bắt cô ấy. Cô đã bị kết án bảy tháng với khoản tiền phạt 5.000 Nhân dân tệ, vì cảnh sát tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong phòng ký túc xá của cô.
Học viên cao tuổi nhất bị kết án là 88 tuổi, gồm ông Tân Dục Lương bị kết án 1 năm, và ông Từ Thụ Quân là 3 năm. Vợ của ông Từ, bà Vương Truyền Vân, 82 tuổi, cũng bị kết án 3 năm. Một cụ bà 90 tuổi cũng phải đối mặt với án tù sau phiên xử vào ngày 28 tháng 10 năm 2021.
Ông Lưu Hy Vĩnh, 80 tuổi, không được thả ra sau khi mãn hạn ba năm tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Thay vào đó, mấy tháng sau, các nhà chức trách tiếp tục giam giữ ông và tăng thời hạn thêm 4 năm nữa. Ông đã bị tước quyền tại ngoại để điều trị y tế mặc dù đang trong tình trạng nguy kịch, và đã qua đời vào ngày 29 tháng 12.
Ba học viên khác cũng qua đời sau khi bị kết án vào năm 2021, bao gồm một người vợ 53 tuổi, một người mẹ 55 tuổi và một người cha 65 tuổi.
Nhiều học viên bị ngược đãi một cách tàn bạo trong tù, cả về thể chất lẫn tinh thần, khi các cai tù tìm cách ép họ từ bỏ đức tin của mình. Một số học viên bị cưỡng chế học Phật giáo trong quá trình tẩy não, một số bị bắt lao động nặng nhọc không công trong tình trạng bị bỏ đói, và nhiều người khác bị đánh đập liên tục, cấm ngủ và sốc điện.
Để lay chuyển ý chí của các học viên và không để gia đình họ nhìn thấy thương tích của họ, chính quyền thường từ chối quyền thăm thân của các học viên. Một số trường hợp được đưa tin như một ông lão 68 tuổi bị liệt một chân, một người đàn ông 49 tuổi bị suy thận và tim, và một bà cụ 84 tuổi bị tật ở chân và suy giảm thính lực.
Thậm chí, sau khi một cư dân ngoài 50 tuổi ở thành phố Phụ Tân, tỉnh Liêu Ninh, bị đột quỵ trong nhà tù, chính quyền đã từ chối cho bà được tại ngoại để điều trị y tế, và còn đòi gia đình bà 200.000 Nhân dân tệ để bà được thả. Vì gia đình bà không có khả năng trả số tiền này nên bà vẫn bị giam giữ.
Không chỉ bị tước quyền thăm thân, hầu hết các học viên còn bị chặn thư từ với gia đình. Một phụ nữ Sơn Đông, mặc dù gia đình đã gửi cho bà mấy bức thư theo diện gửi bảo đảm và hệ thống theo dõi thư cũng xác nhận những bức thư đã được nhận và ký tên, nhưng bà Vương Thúy Anh sau đó nói với gia đình rằng bà chỉ nhận được một lá thư; gia đình bà cũng chỉ nhận được một lá thư viết bằng nét chữ bắt chước chữ của bà Vương, trong đó khen ngợi nhà tù và các cai tù. Gia đình bà rất lo lắng cho bà và băn khoăn tại sao nhà tù lại từ chối thư từ của họ và bịa ra một bức thư giả danh bà.
Đối với một số học viên, cuộc bức hại vẫn tiếp tục ngay cả khi họ mãn hạn tù. Ông lão 80 tuổi kể trên đã bị kết án thêm 4 năm nữa sau 3 năm thụ án, và một ông lão 76 tuổi, sau thời gian 4,5 năm thụ án, bị giam ở trung tâm tẩy não trong 36 ngày trước khi được về nhà.
Khi tuyên bố kết thúc phiên tòa xét xử cô Diệp Tiểu Băng vào ngày 12 tháng 10 năm 2021, các luật sư của cô nói: “Cuộc đấu tranh chính trị chống Pháp Luân Công theo lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với sự phối hợp của ngành công an và ngành tư pháp, đã vượt xa phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Các công tố viên và thẩm phán, những người được trả lương bằng tiền của người đóng thuế, đã bị biến thành vũ khí chính trị để bức hại những người tốt, và không còn làm đúng bổn phận là người đại diện cho công lý. Mặc dù cả bộ máy quốc gia được huy động để bức hại Pháp Luân Công, nhưng các học viên càng trở nên kiên cường hơn khi nhẫn chịu cuộc bức hại suốt 22 năm qua. Vô số người mới trên khắp thế giới cũng đã bước vào tu luyện.
“Thiện nhất định sẽ chiến thắng ác, và mỗi chúng ta đang đứng trước một lựa chọn sẽ quyết định tương lai của chính mình”, các luật sư nói.
Dưới đây là thông tin chi tiết hơn về các trường hợp kết án vào năm 2021. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể được tải xuống tại đây.
Bốn trường hợp tử vong
Bản án vào năm 2021 gây ra cái chết của 4 học viên, trong đó có một cụ ông 80 tuổi, một người mẹ 55 tuổi và một người cha 65 tuổi.
Ngày 9 tháng 4 năm 2021, khi gia đình ông Lưu Hy Vĩnh đến nhà tù để đón ông, họ lại phải đau buồn khi biết ông lão 80 tuổi vừa mãn hạn tù 3 năm, đã bị cảnh sát bắt đi. Ông bị kết án thêm 4 năm 4 tháng sau đó và sinh bệnh tiểu đường và ứ dịch trong ngực. Chính quyền đã còng tay và cùm chân ông vào giường bệnh trong thời gian ông được điều trị.
Ngày 9 tháng 12, ông Lưu bị biến chứng trở nặng và được đưa đến bệnh viện trên chiếc xe lăn đặt bên trong cũi sắt phía sau xe tải. Gia đình ông bàng hoàng khi thấy mặt, tay và chân của ông Lưu đều bị sưng phù. Dường như ông đã bị liệt và không thể nói năng rõ ràng. Khi cháu gái của ông định chỉnh lại khẩu trang cho ông, lính canh liền đe dọa cô và không cho gia đình lại gần.
Lính canh yêu cầu gia đình ông Lưu phải trả toàn bộ viện phí cho ông. Họ tuyên bố rằng sức khỏe của ông đã kém từ trước khi bị bắt nên họ không chịu trách nhiệm về tình trạng của ông. Gia đình ông liên tục xin cho ông được tại ngoại để điều trị, nhưng đều bị từ chối.
Ông Lưu qua đời tại bệnh viện vào ngày 29 tháng 12. Nhân viên nhà tù không cho con trai ông đưa thi thể của ông về, mà họ tự đưa đến nhà tang lễ vì sợ bị gia đình anh tố cáo. Cảnh sát đã canh giữ thi thể của ông cho đến khi hoàn tất việc hỏa táng vào ngày 1 tháng 1.
Khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông Lưu đã nhiều lần bị tống giam vì giữ vững đức tin và nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Ông bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức sau một vụ bắt giữ vào tháng 4 năm 2002 và bị kết án 3,5 năm sau một vụ bắt giữ khác vào ngày 24 tháng 7 năm 2008. Sau lần bắt cuối cùng vào ngày 9 tháng 4 năm 2018, ông bị kết án 3 năm mà không qua xét xử tại tòa án. Bà cụ vợ ông đã tìm đủ cách đòi thả ông ở đồn cảnh sát địa phương, sau đó, một cảnh sát bảo bà: “Lần này, chúng tôi sẽ cho ông ấy chết!”
Bà Phó Quế Hoa đã qua đời hai tháng sau khi vào tù với thời hạn 7,5 năm. Chính quyền từ chối cho gia đình xem thi thể của bà và chuyển thi thể bà đến một nhà tang lễ mà không thông báo cho họ. Họ không cho gia đình bà nhìn mặt bà lần cuối mà không có lính canh giám sát. Mặc dù gia đình bà liên tục yêu cầu điều tra cái chết của bà, các quan chức nhà tù đã gây áp lực buộc họ phải hỏa táng thi thể bà càng sớm càng tốt.
Bà Phó bị bắt vào ngày 15 tháng 8 năm 2019, cùng với chồng, con gái lớn, hai con rể và cha mẹ của hai con rể chỉ vì họ tu luyện Pháp Luân Công. Con gái út của bà được thả vì có con nhỏ ba tháng tuổi. Chồng bà Phó và mẹ chồng của con gái út của bà được thả sau 15 ngày giam giữ, những người còn lại bị kết án 7 hoặc 7,5 năm tù vào tháng 2 năm 2021. Bà Phó và con gái lớn của bà bị đưa vào Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm vào ngày 27 tháng 5 năm 2021. Họ bị giam giữ và giám sát nghiêm ngặt ở khu số 8. Họ bị bắt ngồi ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ mỗi ngày, và bị tước quyền thăm thân và quyền gặp luật sư.
Trường hợp thứ ba là ông Sơ Lập Văn, đã qua đời vào ngày 1 tháng 7 năm 2021, chưa đầy 5 tháng sau khi ông mãn hạn tù. Ông Chu bị bắt vào ngày 22 tháng 9 năm 2019. Mặc dù trường hợp của ông bị tòa án bác bỏ hai lần vì không đủ bằng chứng, nhưng cảnh sát vẫn không thả ông. Ngày 9 tháng 2 năm 2021, ông bị kết án 8 năm tù và được thả ngay sau đó vì lâm bệnh nặng. Cảnh sát tiếp tục quấy nhiễu ông vào tháng 4 năm 2021, khiến ông buộc phải sống xa nhà. Ông mất ngày 1 tháng 7 năm 2021 ở tuổi 65.
Trước lần bị kết án cuối cùng, ông Chu đã phải ngồi sau song sắt 9 năm và bị tra tấn. Ông đã phải thụ ba án giam cầm trong trại lao động, bao gồm một án 3 năm và hai án 1 năm (được tại ngoại để điều trị y tế sau 20 ngày bị giam giữ sau khi mãn hạn tù năm đầu tiên), và một án 5 năm tù.
Học viên thứ tư là bà Hồ Hán Giảo ở thành phố Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, đã qua đời 13 ngày sau khi bị đưa vào tù để thụ án bốn năm. Bà Hồ bị bắt vào ngày 15 tháng 3 năm 2021, sau khi bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà bị xét xử tại Tòa án Huyện Hiếu Xương vào ngày 16 tháng 6 năm 2021, và bị kết án vào cuối tháng 6. Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) Thành phố Hán Xuyên, một cơ quan ngoài pháp luật chuyên trách chỉ huy cuộc bức hại Pháp Luân Công, đã gây áp lực buộc chồng bà phải từ bỏ luật sư và cấm anh bàn về cái chết của bà Hồ với các học viên Pháp Luân Công khác ở địa phương.
Bị kết án trong tình trạng bệnh tình nguy kịch
Ngoài các trường hợp tử vong, còn có nhiều học viên khác, sau khi bị bắt, cũng bị ngược đãi dưới nhiều hình thức. Một số còn phát sinh triệu chứng bệnh, đôi khi rơi vào tình trạng bệnh nặng, thậm chí nguy kịch, nhưng họ vẫn bị kết án tù.
Ngày 23 tháng 2 năm 2021, gia đình ông Đinh Quốc Thần nhận được thông báo của Tòa án Quận Cẩm Châu, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh rằng ông Đinh bị kết án 2 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ. Vào thời điểm tuyên án, ông Đinh đã rơi vào tình trạng hôn mê gần một tháng vì xuất huyết não do bị tra tấn. Vợ ông, bà Diêm Thanh Hoa, bị kết án 3,5 năm tù và mức tiền phạt 8.000 Nhân dân tệ.
Ông Đinh, một gia sư môn toán 50 tuổi, và bà Diêm bị bắt vào ngày 10 tháng 7 năm 2019. Bà Diêm được tại ngoại vào tối cùng ngày, còn ông Đinh bị giam giữ và tra tấn tại Nhà tù Đại Liên. Ông bị xuất huyết não và mất thính giác ở cả hai tai. Ông được tại ngoại vào ngày 1 tháng 10 năm 2019, song lại bị đột quỵ xuất huyết lần thứ hai vào ngày 27 tháng 1 năm 2021, do liên tục bị cảnh sát quấy nhiễu. Ông được đưa đi cấp cứu và hiện vẫn đang trong tình trạng thực vật.
Ngày 30 tháng 4 năm 2021, mười ngày sau khi bà Vương Triêu Anh được đưa về nhà bằng xe cứu thương, một tòa án địa phương đã cử người tới nhà bà tuyên bố rằng người cư dân Bắc Kinh này đã bị kết án 2,5 năm tù và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ.
Gia đình bà Vương đã chất vấn các cán bộ tòa án tại sao vẫn kết án bà sau sáu tháng bà bị tra tấn đến mức tiều tụy, kiệt quệ như vậy. Cán bộ tòa án bèn quẳng bản án lại rồi chạy ra xe cảnh sát. Gia đình bà Vương hỏi cảnh sát: “Bà ấy bị tra tấn đến nông nỗi này, các vị đã không ngó ngàng gì, mà còn kết án bà ấy. Các vị chỉ muốn bà ấy chết (vì bị bức hại), phải không?“ Viên cảnh sát nói, anh ta chỉ làm theo lệnh của cấp trên, trước khi vội vàng lên xe.
Bà cụ Vương tiều tụy đến mức không ngồi được khi được đưa về nhà vào ngày 20 tháng 4 năm 2021, sau thời gian bị tạm giam
Bà Tôn Ngạn Trí, 78 tuổi, một cư dân thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bắt đầu bị đau dạ dày ở trại giam, không lâu sau khi bà bị kết án bí mật 5 năm vì phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bác sỹ phát hiện một khối u có kích thước gần 10x11cm trong bụng bà. Hiện, bà đang rất yếu và chồng bà rất lo lắng cho bà.
Tương tự như bà Tôn, ông Phạm Vĩ, 63 tuổi, ở thành phố Bến Tây, tỉnh Liêu Ninh, bị bỏ đói trong trại giam địa phương và bị cấm ngủ vào ban đêm. Ông thường xuyên bị lẫn và không lâu sau đã suy giảm trí nhớ. Ngày 29 tháng 11 năm 2021, mặc dù ông Phạm, suýt ngất xỉu trong phiên điều trần, nhưng thẩm phán đã từ chối khi con trai ông đề nghị nghỉ giải lao để ông được nghỉ ngơi. Thẩm phán còn ép ông Phạm phải nhận tội, trước khi kết án ông 3 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ.
Bà Giả Phượng Nghi, một cư dân Bắc Kinh, được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt vào ngày 10 tháng 12 năm 2021, 22 ngày sau khi bà bị đưa đến một nhà tù địa phương để thụ án 3,5 năm. Bác sỹ phát hiện bà bị bệnh dạ dày nặng và bệnh thấp khớp, lượng tiểu cầu cực kỳ thấp, khoảng 20.000 tiểu cầu trên mỗi microlít máu. Số lượng tiểu cầu bình thường dao động từ 150.000 đến 450.000 trên mỗi microlít máu.
Ban đầu, nhà tù không cho gia đình bà Giả đến thăm trực tiếp, nhưng sau đó họ đã chấp thuận cho họ có một cuộc gọi điện video với bà. Bà nói rằng bà hoàn toàn khỏe mạnh trong quá trình khám sức khỏe tại trại tạm giam. Khi ở trại tạm giam trước khi bị đưa vào nhà tù, bà bắt đầu bị ban xuất huyết (trên cơ thể xuất hiện những đốm màu tím). Bà không ngủ yên trong vài tuần đầu ở nhà tù. Không rõ đó có phải là nguyên nhân khiến tình trạng của bà tệ đi hay không.
Bị kết án vì không từ bỏ Pháp Luân Công trong chiến dịch “Xóa sổ”
Với chiến dịch “Xóa sổ” đang diễn ra theo lệnh của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cảnh sát và các cán bộ ủy ban khu dân cư tiếp tục quấy nhiễu các học viên trong danh sách đen của ĐCSTQ và ra lệnh cho họ từ bỏ đức tin của mình. Một số bị kết án khi không chịu nhượng bộ chính quyền.
Ông Chu Tác Lượng, 52 tuổi, cư dân thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, bị Tào Lâm Vĩ từ ủy ban dân cư địa phương tìm tới vào ngày 19 tháng 4 năm 2021 và ra lệnh cho ông ký một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Ông Chu từ chối tuân theo và cố gắng giải thích với Tào rằng ông không làm gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công. Tào đe dọa sẽ đưa ông vào trung tâm tẩy não hoặc nhà tù địa phương nếu ông vẫn nhất quyết muốn tu luyện Pháp Luân Công. Ngày hôm sau, bốn cảnh sát lại tới tìm ông Chu và yêu cầu ông ký vào bản cam kết. Ông từ chối và bị bắt ngay sau đó.
Ông Chu bị tòa án địa phương xét xử vào ngày 20 tháng 7 năm 2021 và bị kết án 4 hay 5 năm. Án tù chính xác đang được điều tra. Ông hiện bị giam giữ tại Trại giam Kim Hoa và bị từ chối quyền thăm thân.
Bà Tăng Kiến Giang, 59 tuổi, cư dân thành phố Hổ Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, đang nấu bữa trưa tại nhà vào ngày 12 tháng 7 năm 2020, thì một nhóm cảnh sát ập vào bắt giữ bà và lục soát nhà bà.
Cảnh sát tuyên bố họ đã theo dõi bà từ tháng 11 năm 2019 để chuẩn bị cho chiến dịch “Xóa sổ” và phát hiện thấy bà gửi thư cho nhiều người về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Khi cảnh sát đưa bà Tăng đi khám sức khỏe làm thủ tục giam giữ bà, bà được phát hiện có huyết áp cao, bệnh tim và bệnh gan. Sau vài giờ thẩm vấn, bà được tại ngoại vào lúc nửa đêm và bị ép phải trả khoản tiền bảo lãnh 1.000 Nhân dân tệ.
Vì bà Tăng bị đột quỵ và đi lại khó khăn khi cảnh sát đệ trình vụ việc của bà lên Viện Kiểm sát Huyện Ký Đông vào tháng 5 năm 2021, công tố viên Lưu Dĩnh đã đến nhà bà để thẩm vấn về vụ việc của bà.
Ngày 23 tháng 9, chín quan chức tòa án đã có mặt tại nhà của bà Tăng dù không hề có bất kỳ thông báo nào trước đó để tổ chức phiên điều trần về vụ án của bà khi chỉ có một mình bà ở nhà. Ngoại trừ thẩm phán Từ Trung Kỳ, không một quan chức nào khác xuất trình giấy tờ tùy thân. Thẩm phán vội vàng thông qua phiên tòa trong vòng chưa đầy một giờ và không cho phép bà Tăng tự bào chữa. Bà bị kết án 1,5 năm tù và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ vào ngày 2 tháng 10. Không rõ tại thời điểm báo cáo này, bà đã bị bỏ tù hay chưa.
Bà Phó Chiếu Thúy, ở thành phố Hải Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, bị ba viên chức quấy nhiễu tại nhà vào ngày 28 tháng 5 năm 2021. Ban đầu họ quay video ghi lại hành vi quấy nhiễu này, nhưng sau đó họ đã tắt camera theo yêu cầu của bà Phó.
Viên chức Vương Vân Đường bảo bà rằng họ đã báo cáo lên chính quyền rằng bà Phó và gia đình bà đã ngừng tu luyện Pháp Luân Công nhằm đạt chỉ tiêu của chiến dịch “Xóa sổ” là chuyển hóa một số học viên Pháp Luân Công địa phương. Ông ta yêu cầu bà Phó hợp tác và cam kết sẽ không tập Pháp Luân Công nữa. Bà Phó trả lời rằng, ông ta báo cáo tình hình là việc của ông ta, nhưng bà không bao giờ cam kết ngừng tu luyện.
Sau đó, cảnh sát rời đi, và ba tuần sau đó, vào ngày 10 tháng 6, họ lại quay lại bắt bà. trại tạm giam địa phương từ chối nhận bà và bà được tại ngoại. Cảnh sát đã thẩm vấn bà trong ba giờ đồng hồ, sau đó đã thả bà ra. Bà bị bắt lại vào ngày 10 tháng 7 nhưng cùng ngày đã được tại ngoại. Bà bị xét xử vào ngày 23 tháng 12 và bị kết án 9,5 năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ. Do quá yếu, tại thời điểm viết bài này, bà đang được quản thúc tại khu dân cư.
Sau hơn hai năm bị giam giữ, ông Lưu Liên Khôn, 52 tuổi, cư dân Thiên Tân, đã bị kết án 5 năm tù vào tháng 10 năm 2021. Ngày 2 tháng 8 năm 2019, cảnh sát đã bắt giữ ông Lưu tại nhà và lục soát cả nơi làm việc và nhà ở của ông. Trước vụ bắt giữ này, cảnh sát đã sách nhiễu ông ba lần.
Việc bắt giữ và kết án ông Lưu nằm trong chiến dịch “Xóa sổ”. Vợ ông cũng bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công. Hai cán bộ của ủy ban làng họ đã tìm gặp bà vào ngày 11 tháng 1 năm 2021, và yêu cầu bà ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Họ cho biết chính quyền dự định tuyên án ông Lưu 7 năm tù và sẽ tuyên mức án nhẹ hơn nếu bà ký đơn. Họ còn dọa sẽ bắt bà và đình chỉ tiền trợ cấp của bà. Bà từ chối tuân theo. Ông Lưu bị kết án 5 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Tân Hải. Các nhà chức trách đã không báo với vợ ông về bản án của ông.
Người cao tuổi cũng không được tha
Trong những năm gần đây, cuộc bức hại đối với các học viên cao tuổi, gồm cả những người đã ngoài 80 tuổi, ngày càng phổ biến. Chính quyền không chỉ kết án những học viên cao tuổi này mà đôi khi còn kết án dài hạn.
Ông Lý Đăng Thần, một giáo viên về hưu 82 tuổi ở thành phố Thần Châu, tỉnh Hà Bắc, bị kết án 10 năm vào tháng 1 năm 2021. Một học viên khác, ông Trịnh Gia Kim, 81 tuổi, cư dân thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, bị kết án vào tháng 5 năm 2021 với mức án 1 năm 8 tháng tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Vì trước đó, ông đã bị kết án 7,5 năm vào năm 2015 nhưng chưa thụ án, nên ông được lệnh phải thụ án tổng cộng 9 năm và 2 tháng sau bản án tù gần nhất.
Bà Mã Tuấn Đình, một giáo viên đại học 81 tuổi về hưu ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, đã bị kết án hai năm tù giam và bị phạt 30.000 Nhân dân tệ vào tháng 9 năm 2021. Vì bà vẫn đang trong thời gian 3 năm quản thúc tại nhà theo một bản án trước đó, thẩm phán phụ trách vụ việc của bà đã đình chỉ việc quản chế và ra lệnh cho bà phải thi hành án với thời gian tổng cộng là 5 năm.
Bản án của bà Mã là một cú sốc đối với chồng bà, ông Đặng Thiết Lục, cũng là một giáo sư đại học về hưu. Ông nhập viện và qua đời vào ngày 9 tháng 11.
Ông Cung Quốc Khanh, 78 tuổi, ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, bị kết án 8,5 năm vào ngày 30 tháng 4 năm 2021. Ba học viên khác cũng bị kết án cùng với ông, với mức án từ 5,5 đến 9,5 năm.
Trước lần gần đây nhất ông Cung bị kết án, ông đã bị quấy nhiễu liên tục suốt hai thập kỷ vì đức tin của mình. Áp lực tinh thần của cuộc bức hại đã ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ ông, khiến bà có lúc rơi vào trạng thái mê sảng. Thị lực của bà dần dần kém đi và hiện bà đã bị mù hẳn.
Từ khi bà đổ bệnh, ông Cung đã chăm sóc bà rất chu đáo. Mặc dù tuổi đã cao, ông cho biết tu luyện Pháp Luân Công thực sự mang lại cho ông sức khỏe tốt và sức mạnh để chịu đựng những khốn khó nhiều năm qua. Khi ông bị cầm tù, bà đã rơi vào tình cảnh khốn cùng.
Bà Vu Thục Phượng, một cư dân 84 tuổi của thành phố Gia Ninh, tỉnh Cam Túc, bị bắt vào tháng 1 năm 2020 sau khi bị camera giám sát ghi lại khi đang treo biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Mặc dù bị đau chân và suy giảm thính lực, bà vẫn bị chính quyền kết án và đưa vào Nhà tù Nữ Lan Châu để thụ án tù.
Nhà tù đã tước quyền thăm thân của bà kể từ tháng 2 năm 2021, với lý do bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Gia đình bà rất lo bà đang bị tra tấn trong tù.
Bà Dương Văn Thục, 80 tuổi và bà Lưu Quế Thanh, 83 tuổi, ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, bị phụ huynh của một học sinh tố giác vì đã nói chuyện với học sinh đó về Pháp Luân Công vào ngày 14 tháng 10 năm 2020. Cảnh sát đã xác định được vị trí của hai học viên qua camera giám sát và theo dõi họ trong hai ngày sau đó. Hai bà bị bắt vào ngày 16 tháng 10, khi đang phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công ở một khu dân cư.
Sau khi được thả vào cuối ngày hôm đó, cảnh sát bắt họ đeo vòng tay theo dõi GPS và cấm họ rời khỏi khu vực do cảnh sát chỉ định. Bà Lưu bắt đầu gặp khó khăn khi đi ra ngoài. Cảnh sát ở bên ngoài căn hộ của hai bà để theo dõi họ. Hai bà là hàng xóm của nhau, và bị cáo buộc là thường xuyên tổ chức tụ tập mỗi khi đến thăm nhau. Sau đó, cảnh sát đã trình vụ việc của họ lên viện kiểm sát, vài lần quấy nhiễu họ, thẩm vấn họ và chụp ảnh họ.
Vì cả hai bà đều từ chối ra tòa, nên thẩm phán đã đến nhà của họ vào ngày 22 tháng 12 năm 2021, để công bố phán quyết của họ. Bà Lưu bị kết án một năm cùng một mức phạt tiền của tòa án. Bà Dương ban đầu được tuyên sáu tháng, nhưng bà không chịu nhận tội và khuyên các cán bộ tòa án không tham gia vào cuộc bức hại, sau đó họ đã tăng thời hạn của bà lên một năm.
Ngoài tùy tiện đưa ra các án tù mới, chính quyền còn tìm cách bỏ tù các học viên đã mãn hạn tù.
Bà An Phúc Tử, một cư dân 82 tuổi của thành phố Diên Gia, tỉnh Cát Lâm, đã bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm vào cuối tháng 9 năm 2021 sau khi chính quyền gia hạn bản án 3 năm đã hết hạn vào năm 2019.
Bà An bị bắt vào ngày 3 tháng 3 năm 2016, khi đang đọc các bài giảng Pháp Luân Công tại nhà của một học viên khác. Bà đã bị Tòa án Thành phố Diên Gia kết án ba năm tù vào ngày 7 tháng 4 năm 2017. Bà đã kháng cáo bản án, nhưng tòa án cấp cao hơn đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu. Do sức khỏe không tốt nên bà được thi hành án tại nhà. Cảnh sát đã bắt giữ bà An một lần nữa vào cuối tháng 8 năm 2021. Tòa án đã gia hạn bản án và ra lệnh giam bà vài tuần sau đó.
Cả gia đình cùng bị kết án
Một số học viên đã bị kết án cùng với người nhà, như cha mẹ và con cái, mẹ và con gái, hoặc vợ và chồng.
Bà Thái Ngọc Anh, 66 tuổi và con gái, cô Vu Kiều Như, một kế toán 34 tuổi, là mục tiêu trong một cuộc truy quét của cảnh sát vào ngày 15 tháng 7 năm 2020. Cảnh sát ập vào sau khi khoan một lỗ lớn trên cánh cửa nhà bà ở thành phố Nông An, tỉnh Cát Lâm. Chồng bà Thái, không tu luyện Pháp Luân Công, cũng bị đưa đến đồn cảnh sát địa phương và bị giam giữ trong thời gian ngắn. Bà Thái sau đó bị kết án 9 năm và cô Vu là 6 năm. Tám học viên khác bị bắt cùng họ đã bị kết án từ 2 đến 10 năm.
Một đôi vợ chồng cùng con trai ở thành phố Ninh Hương, tỉnh Hồ Nam, đã bị xét xử bí mật và bị kết án vào tháng 9 năm 2021. Ông Vương Cương, 63 tuổi và vợ là bà Dương Tuấn Anh, cũng 63 tuổi, lần lượt bị kết án 7,5 và 7 năm, và mỗi người bị phạt 20.000 Nhân dân tệ. Con trai của họ, anh Vương Trác, 38 tuổi, bị kết án 3 năm với mức tiền phạt 5.000 Nhân dân tệ và được tại ngoại.
Ngày 24 tháng 7 năm 2020, hơn 20 cảnh sát đã đột nhập vào ngôi nhà ba tầng của gia đình ông Vương và lục soát và tịch thu máy tính, máy in, hàng chục nghìn Nhân dân tệ của hai ông bà, tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công. Máy ảnh và máy tính của con trai họ, là dụng cụ dùng cho studio ảnh của gia đình ở tầng một trong nhà họ, cũng đã bị lấy đi.
Một đôi vợ chồng nữa cùng con gái ở Thiên Tân bị kết án từ 7 đến 12 năm. Ông Lý Quốc Khánh là tổng giám đốc tại công ty điện lực địa phương. Ngoài thời gian làm việc ở công ty, ông cùng với vợ là bà Vu Ba và con gái họ Lý Lôi kinh doanh một công ty tổ chức hôn lễ.
Bà Vu và cô Lý bị bắt lần đầu vào ngày 15 tháng 5 năm 2019 trong khi đang lái xe ra khỏi khu chung cư của họ. Sau đó, cảnh sát lục soát nhà họ và tịch thu máy in, máy fax và ba chiếc xe hơi riêng. Ông Lý cũng bị bắt trong ngày hôm đó. Cha ông vì quá đau lòng trước các vụ bắt giữ đến mức bị đột quỵ và phải nhập viện.
Ông Lý bị huyết áp cao và cô Lý bị đau dạ dày khi bị giam giữ ở trong đồn công an địa phương. Gia đình ba người này bị kết án vào khoảng tháng 9 năm 2021.
Bi kịch gia đình
Đối với các gia đình khác, mặc dù họ không bị cùng kết án, nhưng chỉ cần một người thân bị giam giữ, đã khiến cả gia đình vô cùng đau khổ.
Một tháng sau khi anh Đồ Tinh Quang được trả tự do sau 4,5 năm thụ án tù, vợ anh là cô Hà Thanh Hương, lại bị kết án 6 năm tù, đều vì tu luyện Pháp Luân Công. Đôi vợ chồng sống ở thành phố Mễ Châu, tỉnh Quảng Đông này, trong 10 năm qua, chỉ được ở bên nhau chưa đầy bốn năm, vì cuộc bức hại.
Hai vợ chồng này bị bắt vào tháng 11 năm 2010 và bị kết án 3,5 năm tù mỗi người. Chưa đầy bốn năm sau, vào ngày 12 tháng 4 năm 2017, anh Đồ lại bị bắt vì nói với người dân về Pháp Luân Công trong một công viên. Anh đã bị Tòa án Huyện Mai Giang kết án 4,5 năm tù vào tháng 7 và bị đưa tới Nhà tù Thiệu Quan vào ngày 26 tháng 12 năm 2017.
Trong thời gian anh Đồ thụ án, cô Hà lại bị bắt vào ngày 26 tháng 1 năm 2021, khi đang chuẩn bị rời nhà đi làm. Cô bị kết án sáu năm với số tiền phạt 60.000 Nhân dân tệ vào ngày 5 tháng 11, một tháng sau khi chồng cô được thả.
Sau khi ông Lưu Hồng Xu, một cư dân 54 tuổi ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây, bị bắt vào ngày 27 tháng 9 năm 2020, vì tu luyện Pháp Luân Công, cha mẹ của ông, ngoài 80 tuổi, đã nhiều lần đến sở cảnh sát địa phương để yêu cầu trả tự do cho ông, nhưng vô ích. Mẹ ông đổ bệnh vì suy sụp tinh thần và phải phẫu thuật. Ngay sau khi xuất viện, bà đã đến trại giam để yêu cầu trả tự do cho con trai mình. Lính canh cuối cùng đã cho người mẹ già trò chuyện video với ông Lưu. Khi nhìn thấy khuôn mặt sưng phù của ông, bà đã bật khóc.
Tháng 6 năm 2021, khi lúa mì của gia đình đã chín, cha mẹ ông Lưu yêu cầu cảnh sát thả ông Lưu để ông về nhà thu hoạch lúa mì, nhưng họ lại bị từ chối. Cha của ông Lưu bị ngã tại trụ sở công an huyện và bị thương ở đầu. Ông cụ bị ngất và được đưa đến bệnh viện. Ông cụ đã phải nằm viện mười ngày và được phát hiện là đã bị đột quỵ. Không đủ khả năng chi trả chi phí y tế, ông cụ được đưa về nhà và qua đời ngay sau đó. Sau đó, ông Lưu đã bị kết án bí mật ba năm tù ở trong trại tạm giam.
Bà Trương Thúy, cư dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, hơn 50 tuổi, đang chăm sóc người chồng nằm liệt giường suốt 8 năm qua. Chồng bà bị liệt sau một tai nạn liên lao động vào năm 2013. Kể từ đó, ông phải dựa vào bà trong mọi việc hàng ngày, từ ăn uống, tắm rửa, xoay người trên giường, và đổ phân cho ông. Ngoài chồng, mẹ chồng 80 tuổi của bà Trương cũng phải dựa vào bà Trương nấu ăn và chăm sóc bà.
Sau vụ bắt giữ gần đây nhất của bà Trương vào ngày 16 tháng 9 năm 2020, chồng bà không có ai chăm sóc nên con gái của họ phải đưa ông vào viện dưỡng lão. Sau phiên tòa ngày 16 tháng 9 năm 2021, bà Trương bị kết án 2,5 năm tù giam cùng khoản tiền phạt 20.000 Nhân dân tệ vào tháng 11 năm 2021. Gia đình bà cũng đang gặp khó khăn về tài chính do lương hưu của bà Trương bị đình chỉ vào tháng 6 năm 2021.
Cú sốc tinh thần đã khiến chồng bà đau khổ khôn nguôi. Hiện ông đang trong tình trạng sức khỏe sa sút trong viện dưỡng lão. Mẹ ông cũng phải chật vật để chăm sóc bản thân do căn bệnh thấp khớp ngày càng trầm trọng.
Ngày 22 tháng 12 năm 2021, các cán bộ tư pháp đã gọi cho bà Tưởng Đức Viện và yêu cầu bà đến tòa án để nhận bản án lúc 3 giờ chiều cùng ngày. Bà vừa đến nơi, đã bị một số cảnh sát túm lấy, đẩy vào xe cảnh sát và đưa đi. Chồng bà đã nhận được một bản sao bản án của bà — một năm ba tháng tù giam với khoản tiền phạt 10.000 Nhân dân tệ. Ông không được cho biết nơi thụ án của bà.
Bà Tưởng, một cư dân thành phố Hội Lý, tỉnh Tứ Xuyên, gần 70 tuổi, bị nhắm đến vì đòi công lý cho chồng mình. Lương hưu của bà bị giảm vì bà tu luyện Pháp Luân Công.
Khi chồng của bà Tưởng, ông Trương Chính Hữu, đi nhận lương hưu vào tháng 6 năm 2020, ông ngạc nhiên khi thấy số tiền đó ít hơn bình thường. Ông gọi cho chủ lao động cũ của mình và được cho biết rằng vì ông đi lao động cưỡng bức một năm rưỡi vào năm 2012 vì tu luyện Pháp Luân Công, nên đến tháng 3 năm 2020, cảnh sát đã ra lệnh cho chủ lao động của ông khấu trừ số tiền ông đã nhận trong thời gian bị giam giữ từ tiền lương hưu của ông.
Cảnh sát tuyên bố, theo chính sách mới, các học viên Pháp Luân Công trong thời gian thụ án không được hưởng bất kỳ quyền lợi hưu trí nào. Bởi vì chủ lao động của ông Trương không treo lương hưu vào thời điểm đó, nên hiện họ đang giảm khoản thanh toán hàng tháng của ông để lấy lại tiền.
Cả ông Trương và vợ ông đều khẳng định rằng ông đã bị kết án lao động cưỡng bức vì cuộc bức hại bất hợp pháp và rằng lương hưu là tài sản hợp pháp của ông, và không thể bị chính quyền tùy tiện đình chỉ. Cả hai người đã nhiều lần đến nhà chủ lao động của ông Trương để yêu cầu công ty thanh toán đầy đủ lương hưu cho ông. Nhưng người giám sát của ông đã từ chối, thậm chí còn đe dọa họ.
Bà Tưởng đã viết thư cho văn phòng kháng cáo, ủy ban dân cư địa phương và đồn cảnh sát, song lại bị bắt vào ngày 12 tháng 10 năm 2020. Thẩm phán phụ trách vụ án của bà Tưởng đã tự ý dời phiên xử nhiều lần, trong đó có một lần, luật sư của bà đã đi khoảng 1.500 dặm từ Bắc Kinh đến Hội Lý. Cuối cùng, bà đã hai lần phải xuất trình tại Tòa án Thành phố Hội Lý, vào ngày 19 tháng 5 và ngày 13 tháng 12 năm 2021. Khi luật sư của bà Tưởng không tham dự được phiên điều trần thứ hai do bị trùng lịch với việc khác, thẩm phán đã chỉ định một luật sư khác nhận tội cho bà Tưởng trong khi bà không hề hay biết.
Trong bản án mà chồng bà nhận được vào ngày 22 tháng 12, các quan chức chính phủ mà bà tiếp xúc để đòi công lý cho ông đã được liệt kê là nhân chứng cho “tội” tuyên truyền Pháp Luân Công của bà. Những lá thư kháng cáo đề cập đến Pháp Luân Công và các sách Pháp Luân Công của bà bị tịch thu cũng được liệt kê làm bằng chứng truy tố.
Bức hại về tài chính
Ngoài việc bị kết án nặng, một số học viên cũng bị phạt những khoản tiền lớn. Ngày 14 tháng 10 năm 2021, ông Nhâm Hải Phi và bà Tôn Trung Lệ, cư dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, bị kết án 10 năm và 7 năm với số tiền phạt lần lượt là 100.000 và 700.000 Nhân dân tệ.
Ông Nhâm và bà Tôn cùng bị bắt vào ngày 26 tháng 6 năm 2020. Cảnh sát đã tịch thu 500.000 Nhân dân tệ tiền mặt và đồ dùng máy tính trị giá hơn 200.000 Nhân dân tệ ở căn hộ của ông Nhâm. Họ cũng xác định vị trí chiếc xe của ông và tịch thu 50.000 Nhân dân tệ tiền mặt được tìm thấy trong xe.
Trong khi bà Tôn được thả vào ngày hôm sau do sức khỏe yếu, ông Nhâm, 46 tuổi, phải nằm viện 19 ngày. Ông bị suy tim và suy thận do bị cảnh sát đánh đập dã man. Sau đó, ông Nhâm đã bị chuyển đến Trại giam Diêu Gia. Người đàn ông vốn khỏe mạnh lại chuyển bệnh tiểu đường nặng và bị ép uống thuốc không xác định. Cuối cùng khi luật sư cũng được phép thăm ông Nhâm sau lần đầu bị đuổi về, luật sư nhận thấy ông tiều tụy và hốc hác.
Ông Hoàng Chí Lực, 48 tuổi, bị bắt tại căn hộ cho thuê của ông ở huyện Mông Âm, tỉnh Sơn Đông vào ngày 18 tháng 12 năm 2020. Cảnh sát tịch thu 170.000 Nhân dân tệ tiền mặt mà ông chuẩn bị để mua nhà và từ chối trả lại. Kể từ đó ông Hoàng không được phép gặp người nhà. Ông đã bị kết án ba năm tù vào tháng 7 năm 2021 và bị đưa đến Nhà tù Tỉnh Sơn Đông.
Ông Hoàng từng làm việc tại bộ phận kỹ thuật của nhà máy sản xuất tấm thạch cao và giành được giải thưởng “10 thanh niên tiêu biểu”. Ông bị mất việc sau khi bị bắt giữ vào tháng 4 năm 2007. Trong thời gian ông thụ án, vợ ông quay về nhà bố mẹ đẻ ở Mông Âm cùng con trai 8 tuổi. Sau khi được trả tự do, ông cũng chuyển đến đó. Cảnh sát Từ Châu phát hiện ra, họ truy tìm ông và đe dọa sẽ hủy hộ khẩu của gia đình ông nếu như ông không từ bỏ Pháp Luân Công.
Bà Vương Kiệt Mai, một giáo viên đã nghỉ hưu 60 tuổi ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bị kết án 3,5 năm tù vào ngày 3 tháng 11 năm 2021, vì nói với mọi người về việc bà đã khỏi hết bệnh tật nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Gia đình bà gần đây lại bị một cú sốc nữa khi văn phòng an sinh xã hội địa phương đình chỉ lương hưu của bà và yêu cầu trả lại các khoản tiền lương hưu đã cấp cho bà từ khi bị bắt vào ngày 21 tháng 2 năm 2021.
Phòng an sinh xã hội tuyên bố rằng chính sách mới quy định người về hưu trong thời gian thụ án không được hưởng bất kỳ khoản lương hưu nào. Gia đình bà Vương lập luận rằng luật lao động Trung Quốc không có quy định nào như vậy và tiền lương hưu là của bà là tài sản hợp pháp của bà, không thể bị chính quyền tùy tiện đình chỉ. Phòng an sinh xã hội dọa sẽ đệ đơn kiện bà Vương nếu bà không trả được “món nợ” của bà cho họ.
Bị bức hại vì lên tiếng
Trong 22 năm qua, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc không ngừng nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, đặc biệt là khi chính quyền cộng sản Trung Quốc thắt chặt hơn nữa việc kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch. Đối với một số người, những nỗ lực can đảm của họ đã bị chính quyền trả đũa, bao gồm cả việc bắt giữ và kết án tù.
Bà Lâu Á Hồng, một cựu kế toán viên 56 tuổi ở thành phố Hứa Xương, tỉnh Hà Nam đã bị kết án bốn năm chỉ vì treo trên cửa nhà những câu đối có nội dung “Trời ban hồng phúc; Tu tâm hướng thiện, Phúc thọ an khang; Kính thiên trọng đức, Như ý cát tường” và phía trên có dòng chữ “Chân Thiện Nhẫn hảo”.
Một đôi vợ chồng ở Bắc Kinh, ông Hình Quốc Khánh và bà Trương Kiệt, lần lượt bị kết án 12 tháng và 10 tháng vào ngày 3 tháng 12 năm 2021, sau khi bị buộc tội đi từng nhà để phân phát các tài liệu về Pháp Luân Công.
Bà Khâu Thiết Linh và bà Vương Kim Huy, hai cư dân thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt vào ngày 4 tháng 6 năm 2021 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Hai xe máy điện của họ đã bị tạm giữ, sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và điện thoại di động của họ đã bị tịch thu. Cảnh sát còn cưỡng chế chụp ảnh họ và thu thập mẫu máu.
Ngày 26 tháng 10, khi họ ra tòa, người chồng ốm yếu, phải ngồi xe lăn của bà Khâu nhờ người nhà bắt taxi để đến tòa trước 8 giờ sáng. Tòa án mở cửa vào lúc 8 giờ 30 phút, cán bộ ở tòa không cho ông vào. Ngày 8 tháng 12, người nhà của hai học viên này biết được bà Khâu đã bị kết án ba năm với khoản tiền phạt 2.000 Nhân dân tệ, và bà Vương bị kết án tám tháng với khoản tiền phạt 2.000 Nhân dân tệ.
Hầu hết các học viên bị cảnh sát và tòa án địa phương bắt và bị kết án, có một vài trường hợp vào năm 2021, trong đó các học viên ở Hà Bắc, Trùng Khánh và Liêu Ninh đã bị cảnh sát mạng ở tỉnh Hà Nam theo dõi. Cảnh sát đã đi hàng trăm dặm để bắt giữ các học viên sau khi phát hiện họ đăng thông tin về Pháp Luân Công trên mạng.
Bà Tôn Lệ Quyên, cư dân thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, bị cảnh sát địa phương và thuộc hạ bắt tại nhà vào ngày 25 tháng 4 năm 2021 tại thành phố Giao Châu, tỉnh Hà Nam, sau khi bị cảnh sát mạng ở Giao Châu tìm thấy vì đăng thông tin về Pháp Luân Công trên WeChat. Không ai trong số hơn 20 cảnh sát lúc đó mặc đồng phục cảnh sát hay xuất trình thẻ chứng minh.
Sau đó, văn phòng an ninh nội địa thành phố Giao Châu đã chuyển vụ việc của bà Tôn tới Đồn Cảnh sát Linh Hà ở Cẩm Châu, sau đó đồn cảnh sát lại trình lên Viện Kiểm sát Thành phố Linh Hải, với cáo buộc “sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một tội danh được định sẵn để kết tội các học viên Pháp Luân Công. Sau phiên điều trần ngày 11 tháng 11, bà bị kết án 5 năm tù và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ.
Bà Khang Khải Hiệu bị kết án 4,5 năm với khoản tiền phạt 80.000 Nhân dân tệ, vì nói với mọi người rằng Pháp Luân Công đã giúp bà đứng được trở lại sau 11 năm nằm liệt giường. Trong phiên tòa xét xử vào ngày 27 tháng 11 năm 2020, bà kể chi tiết về nguyên cớ bà bước vào tu luyện Pháp Luân Công. Bà cho biết, bà từng phải chật vật vì sức khỏe kém và mấy căn bệnh hiếm gặp sau khi sinh con gái. Bà không làm việc được. Mỗi ngày, khi các con đi học về, điều đầu tiên chúng làm là kiểm tra xem mẹ chúng có còn sống hay không. Nhưng vừa bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, tình trạng của bà đã biến mất. Dù rất ngạc nhiên khi nghe kể về sự hồi phục sức khỏe của bà nhờ tu luyện Pháp Luân Công, nhưng thẩm phán vẫn kết án tù cho bà.
Kết án tập thể
Vì tình trạng kiểm duyệt thông tin gắt gao ở Trung Quốc, nhiều học viên đã phối hợp với nhau, dùng nhiều kênh khác nhau để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Khi cảnh sát phát hiện ra, thường dẫn đến những vụ bắt giữ hàng loạt và kết án theo nhóm. Trong rất nhiều vụ kết án nhóm trong năm 2021, nhà cầm quyền đã kết án nặng nhiều trường hợp, có trường hợp lên đến 13 năm. 11 nhà báo công dân khác bị bắt vì gửi ảnh những con đường vắng ở Bắc Kinh trong thời kỳ đại dịch cho truyền thông nước ngoài hiện đang chờ phán quyết sau phiên điều trần vào ngày 15 tháng 10 năm 2021.
Đặc biệt, các tòa án ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam đã kết án 41 học viên Pháp Luân Công. Ủy ban Chính trị và Pháp luật Nam Dương và Cục Công an đã ra lệnh bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công vào sáng sớm ngày 30 tháng 8 năm 2019. Hơn 100 học viên là mục tiêu của vụ bắt giữ này và bị giam ở Nhà tù Nam Dương. Trong đó, 27 học viên đã bị Tòa án Quận Vạn Thành kết án với các mức án tù từ 7 tháng đến 13 năm. 14 học viên khác bị tuyên án từ 2 đến 9 năm, song không rõ tòa án nào đã kết tội họ.
Dưới đây là chi tiết từ một số trường hợp bị kết án theo nhóm.
13 cư dân Hà Bắc bị kết án lên đến 10 năm tù sau khi bị bắt giữ tập thể
13 cư dân thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã hầu tòa tại Tòa án Huyện Luân Nam vào ngày 20 tháng 7 năm 2021, vì tu luyện Pháp Luân Công và đã bị kết án tù từ 6 tháng đến 10 năm.
13 học viên này đã bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát vào ngày 12 tháng 8 năm 2020, khi hơn 100 cảnh sát được huy động để uy hiếp, bắt giữ và tra tấn hơn 50 học viên, nhằm buộc họ từ bỏ đức tin của mình. Một số học viên ở Thiên Tân gần đó, một thành phố trực thuộc trung ương, cũng bị bắt. Ông Đổng Kiến Toàn đã qua đời vào ngày 25 tháng 10 năm 2020 do áp lực quá lớn.
Trong khi hầu hết các học viên được trả tự do và được đình chỉ truy tố, thì hồ sơ vụ án của 13 học viên đã được trình lên viện kiểm sát. Trong đó, bà Trương Chí Lan, bà Thôi Thụ Dụ, bà Lý Ngọc Anh và bà Đông Tú Lan bị giam giữ tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn. Ông Hầu Kiến Quảng và ông Vương Bảo Trụ bị giam giữ tại trại tạm giam Quận Phong Nam. Ông Lưu Duy Lập, bà Vương Hội Lâm, bà Lưu Ngọc Anh, ông Hồ Ấn Thương, ông Tả Đức Sinh, ông Lữ Lập Phát và bà Tất Quán Cần bị quản thúc tại gia.
Ban đầu, Tòa án Huyện Loan Nam lên lịch xét xử các học viên vào ngày 20 và ngày 21 tháng 1 năm 2021, nhưng sau đó lại hủy lịch do bùng phát số ca nhiễm virus corona ở địa phương.
Có thông tin xác nhận rằng ông Lưu đã bị kết án 10 năm, bà Trương bị kết án 7 năm, ông Tả bị kết án 2 năm 6 tháng, ông Vương bị kết án 11 tháng và cả ông Lữ cùng ông Tất đều bị kết án sáu tháng, bà Thôi là 1 năm tù và 2 năm quản thúc. Bản án của bà Lưu, bà Lý và bà Hồ vẫn đang được điều tra.
Bà Vương bị bệnh trong thời gian chờ xét xử, sau đó đã bị kết án tại nhà trong tình trạng bị cùm vào giường.
Quảng Đông: Người cuối cùng trong chín học viên bị bắt giữ theo nhóm để kết án tập thể Ông Mã Dân Khánh, 52 tuổi, bị kết án 7,5 năm với số tiền phạt 10.000 Nhân dân tệ vào ngày 20 tháng 12 năm 2021. Ông là người cuối cùng trong chín học viên bị bắt vào ngày 9 và 10 tháng 7 năm 2019, bị Tòa án Quận Hải Châu kết án. Chín cư dân của thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã bị nhắm mục tiêu sau khi cảnh sát nghi ngờ họ gửi thông tin Pháp Luân Công qua mạng wifi tại một ga tàu điện ngầm.
Tám người khác bị bắt bao gồm mẹ của ông Mã là bà Vương Tuyết Trinh, bà Lâm Tác Anh, ông Tằng Gia Canh, bà Đàm Sơn Anh, bà Ngô Lệ Quyên, bà Lương Huệ Thiền, bà Trương Huệ, và bà Dương Chí Cương, hầu hết đều ngoài 70 và ngoài 80 tuổi.
Trước khi ông Mã bị kết án, bà Lâm đã bị kết án 1 năm tù với 2 năm quản chế và khoản tiền phạt 2.000 Nhân dân tệ vào ngày 13 tháng 7 năm 2020; bà Ngô bị kết án 1 năm 3 tháng tù vào nửa cuối năm 2020; ông Tằng bị kết án 5 năm vào ngày 28 tháng 7 năm 2021; bà Đàm bị kết án 2 năm với 3,5 năm quản chế vào khoảng tháng 8 năm 2021; và mẹ của anh Mã, bà Vương, bị kết án 4 năm vào ngày 17 tháng 3 năm 2021. Bản án của bà Lương, bà Trương và bà Dương vẫn đang được điều tra.
Mẹ của ông Mã là bà Vương Tuyết Trinh, 77 tuổi, bị đau lưng dữ dội và đôi khi không đi lại được nên phải bò trên sàn. Bà yêu cầu được gặp bác sỹ, nhưng lính canh đã phớt lờ. Một người biết tình cảnh của bà đã nói với gia đình bà vào cuối tháng 10 năm 2020 rằng bà bị bị tra tấn dai dẳng trong Nhà tù Quận Hải Châu. Bà bị thương nặng đến mức không đứng thẳng hay đi lại được. Bà ngồi trên xe lăn khi luật sư đến thăm lần nữa vào ngày 3 tháng 11 năm 2020.
Ông Tằng, 79 tuổi, đã bị huyết áp cao đến mức nguy hiểm đến tính mạng và bệnh tim hai tháng sau khi bị bắt. Gia đình và luật sư của ông đã nộp đơn xin cho ông được tại ngoại nhưng bị từ chối.
Bảy người dân thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt vào ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2020, vì đã gọi điện giảng chân tướng cho người dân về việc chính quyền cộng sản che đậy đại dịch, cũng như kể về những trường hợp bệnh nhân nhiễm virus corona đã phục hồi nhờ niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”.
Cảnh sát cáo buộc họ thực hiện các cuộc gọi truyền giáo và vi phạm Điều 300 của luật hình sự, tức là “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, đây là cái cớ quy chuẩn được nhà chức trách sử dụng để hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công.
Các học viên đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Nhượng Hồ Lộ bốn lần, vào các ngày 17 và 29 tháng 12 năm 2020, ngày 22 tháng 6 và ngày 21 tháng 10 năm 2021. Gia đình họ đã nộp đơn khiếu nại lên chính quyền quận và thành phố và ủy ban giám sát kiểm tra kỷ luật đối với công tố viên Phong và thẩm phán Tiết vì đã truy tố trái pháp luật những người thân của họ. Họ cũng yêu cầu cơ quan chức năng thay kiểm sát viên và chủ tọa phiên tòa xử lý vụ án. Không có cơ quan nào hồi đáp khiếu nại hoặc yêu cầu của họ. Thẩm phán Tiết đã công bố phán quyết của các học viên vào ngày 17 tháng 11 năm 2021.
- Ông Lý Lực Tráng bị kết án 10 năm 8 tháng với khoản tiền phạt 80.000 Nhân dân tệ.
- Bà Đường Trúc Nhân bị kết án 9 năm 4 tháng với khoản tiền phạt 50.000 Nhân dân tệ.
- Bà Triệu Lệ Hoa bị kết án 7 năm 5 tháng với khoản tiền phạt 40.000 Nhân dân tệ.
- Bà Hoắc Hiểu Huy bị kết án 7 năm 3 tháng với khoản tiền phạt 40.000 Nhân dân tệ.
- Bà Đinh Yến bị kết án 4 năm 2 tháng với khoản tiền phạt 30.000 Nhân dân tệ.
- Bà Tiêu Kỳ Hoa bị kết án 4 năm với số tiền phạt 30.000 Nhân dân tệ.
- Bà Lý Diễm Thanh bị kết án 1 năm 10 tháng với khoản tiền phạt 20.000 Nhân dân tệ.
- Ông Lý, bà Đường và bà Hoắc đã kháng cáo các phán quyết.
Bà Đường, hơn 70 tuổi, là một nhân viên về hưu của Nhà máy Vật liệu Bạch kim Wonfram Cáp Nhĩ Tân, đã bị bắt và tống giam nhiều lần trong hai thập kỷ qua. Bà bị bắt lần đầu vào tháng 9 năm 1999 vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Lính canh tại trại tạm giam Quận Triều Dương, Bắc Kinh tra tấn bà và dội nước lạnh lên đầu bà.
Bà Đường đã bị kết án lao động cưỡng bức lần lượt vào tháng 4 năm 2001 và tháng 8 năm 2006, với tổng cộng thời gian thụ án 3,5 năm. Tại Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia, các lính canh đã trói chân, treo bà lên và dùng dùi cui điện sốc điện vào đầu, cánh tay và bàn tay của bà. Các vết thương trên cánh tay trái và bàn tay của bà phải mất một thời gian dài mới có thể lành lại. Các lính canh nói với bà: “Chúng tôi chỉ đang thực hiện mệnh lệnh từ cấp trên. Nếu muốn tìm kiếm công lý, bà cần phải nói chuyện với Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo của chính quyền cộng sản, người đã ra lệnh bức hại vào năm 1999). Đây là công việc của chúng tôi và chúng tôi không có lựa chọn.”
Ông Lý, 48 tuổi, là một cựu bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình. Ông đã bị sa thải khỏi bệnh viện và lĩnh hai án lao động cưỡng bức và một án tù, với tổng cộng là 6,5 năm. Ông đã bị tra tấn và tấn công tình dục kinh hoàng khi bị giam giữ và phải bán quần áo trên đường phố để kiếm sống sau khi được thả.
Bốn cư dân Tứ Xuyên bị kết án tù sau hai năm bị giam giữ
Vào đầu tháng 8 năm 2021, bốn cư dân ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên bị Tòa án Huyện Lô kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Đằng Vạn Anh đã bị kết án 9 năm tù, bà Lôi Hoán Anh bị kết án 5 năm tù, bà La Thái Hội bị kết án 3,5 tù và bà Cẩu Chính Quỳnh bị kết án 3 năm tù.
Bà Cẩu bị bắt giữ vào ngày 2 tháng 8 năm 2019 và ba học viên đều là chủ cửa hàng bị bắt giữ vào ngày 21 tháng 8 năm 2019.
Bốn học viên đã hầu tòa tại Tòa án Huyện Lô vào ngày 13 tháng 7 và ngày 15 tháng 9 năm 2020, và một lần nữa vào ngày 2 tháng 2 năm 2021.
Trong phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án Huyện Lô vào ngày 13 tháng 7 năm 2020, thẩm phán không cho phép gia đình các học viên tham dự phiên tòa xét xử hay xem phát trực tiếp tại hành lang của phòng xét xử.
Luật sư chỉ ra một số vi phạm của cảnh sát trong khi xử lý các vụ án gồm lục soát nhà của học viên mà không mặc quân phục, có một cảnh sát đột nhập vào nhà (theo luật pháp yêu cầu cần có ít nhất hai cảnh sát), cũng như không xuất trình giấy tờ tùy thân và lệnh khám, và sau đó không cung cấp danh sách tài sản bị tịch thu.
Trong hơn 40 nhân chứng mà cảnh sát liệt kê, không một ai có mặt để thẩm tra chéo trước tòa hay nói cụ thể trong lời khai nhân chứng của mình những gì các học viên đã làm. Hình ảnh và video sử dụng làm bằng chứng truy tố cũng không chỉ ra những gì học viên đang làm với cáo buộc “hoạt động tội phạm hình sự”.
Trong phiên tòa xét xử thứ hai, công tố viên đã cập nhật bản cáo trạng và cho thêm một số tài liệu được cáo buộc là do các học viên phân phát. Ông ta còn chiếu một video mới của các học viên được camera giám sát ghi lại. Nhưng luật sư vẫn lập luận rằng video không chỉ ra được hành động bất hợp pháp nào mà thân chủ họ đang làm.
Các luật sư nhắc lại nhiều lần trong lời bào chữa rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công không có cơ sở pháp lý và không có bằng chứng nào được đưa ra trước tòa có thể chứng minh rằng thân chủ của họ đã vi phạm pháp luật hay gây hại gì cho mọi người và xã hội.
Trong phiên tòa xét xử thứ ba, tòa án đã lần đầu cho phép thành viên gia đình các học viên, những người đã không được nhìn thấy người thân của mình 1,5 năm, tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, chồng và con trai bà La bị cấm tham dự phiên tòa xét xử sau khi họ bị cảnh sát lừa trả lời câu hỏi về các học viên khác và sau đó liệt kê làm bằng chứng truy tố mà họ không hề hay biết.
Thẩm phán và công tố viên đã lặp lại quy trình tố tụng của hai phiên tòa trước và không có “bằng chứng” mới. Bốn học viên khẳng định rằng họ không làm gì sai khi thực hành đức tin của mình. Hai trong số các luật sư đã yêu cầu tha bổng cho thân chủ của họ, nhưng thẩm phán trả lời rằng ông ta không thể làm điều đó.
Bắt giữ theo nhóm, rồi tách các vụ án để kết án riêng biệt
Chính quyền thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã điều động gần 70 cảnh sát tuần tra bên ngoài Tòa án Thành phố Lưu Dương, khi bà Trương Linh Cách bị xét xử vào ngày 8 tháng 5 năm 2021. Vào tháng 12 năm 2021, bà Trương, 53 tuổi, bị kết án 4 năm tù và phạt 15.000 Nhân dân tệ.
Bà Trương bị bắt tại nhà mẹ của bà vào lúc 11 giờ đêm ngày 27 tháng 10 năm 2020. Cùng lúc đó, hàng trăm cảnh sát đã bắt giữ 22 học viên khác, trong đó có 7 học viên tại nhà của ông Lý Chí Cương khi họ đang cùng đọc sách của Pháp Luân Công.
Sau đó, cảnh sát đã đệ trình hồ sơ của 15 học viên bị bắt lên Viện Kiểm sát Lưu Dương, cơ quan này đã trả lại hồ sơ do không đủ bằng chứng từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2021, trước khi phát lệnh truy nã các học viên.
Khác với những lần bắt giữ trước đây, công tố viên đã đệ trình riêng hồ sơ của từng học viên lên tòa án, thay vì gộp thành một vụ án chung. Một người quen với trường hợp này đã tiết lộ với gia đình một số học viên rằng phiên tòa chỉ là hình thức và bản án tù của họ đã được xác định bởi Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương, một cơ quan nằm ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại.
Ngoài bà Trương, ông Lý Chí Cương bị chính quyền cáo buộc tổ chức các cuộc tụ tập của các học viên, đã bị kết án 5 năm 3 tháng vào ngày 21 tháng 12. Bản thân ông Mạnh Khải là một luật sư, cũng bị kết án 3,5 năm. Một cặp vợ chồng, ông Tào Chí Phương và bà Dương Phương, mỗi người bị kết án 3 năm 4 tháng vào ngày 24 tháng 12.
Bị bức hại nhiều lần
Một số học viên bị kết án vào năm 2021 đã nhiều lần bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Người bị mất việc làm, người bị đuổi học, người phải thụ án dài hạn và hầu như không qua khỏi sau khi bị tra tấn dã man.
Bà Đặng Dung Phương, một cựu kỹ sư 63 tuổi tại cảng vụ ở thành phố Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây, đã bị kết án 7,5 năm sau vụ bắt giữ gần đây nhất vào tháng 7 năm 2020. Từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà Đặng đã trải qua bốn án lao động cưỡng bức với tổng mức án là 8,5 năm. Bà đã bị mất việc và bị tra tấn dưới nhiều hình thức, như cấm ngủ, hạn chế sử dụng phòng tắm, đánh đập và cưỡng chế tiêm thuốc.
Sau khi thụ hai án tù lao động và một án tù với tổng thời gian 7 năm, ông Lý Lan Cường, một cựu giáo viên dạy Toán ở Bắc Kinh lại bị kết án 5 năm tù sau vụ bắt giữ gần đây nhất vào ngày 23 tháng 4 năm 2021 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.
Ông La Văn Bân, một cựu giáo viên trung học 43 tuổi, bị suy sụp tinh thần và tàn phế sau hơn 11 năm bị giam cầm và tra tấn chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.
Khi bắt đầu hồi phục, ông La đã ra ngoài để phân phát tài liệu thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công và bị bắt giữ lần nữa vào ngày 1 tháng 9 năm 2020. Vào tháng 2 năm 2021, khi ông bị giam giữ tại trại tạm giam Huyện Nam Xương, mẹ già của ông bị ngã và qua đời sau đó. Cha của ông La nộp đơn yêu cầu nhà chức trách cho ông được về dự tang lễ của mẹ, nhưng bị từ chối. Ông La bị tước quyền thăm thân và bị kết án bí mật một năm tù giam.
Ông Trần Nham, một người đàn ông 59 tuổi ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt vào ngày 23 tháng 4 năm 2021 sau khi bị ông của một cậu bé tố giác vì nói với cháu về Pháp Luân Công. Lần bắt giữ này diễn ra sau 1 năm ông mãn hạn 5 năm tù. Ông bị đưa ra xét xử vào tháng 9 năm 2021 và bị kết án 5 năm. Ngoài các án tù, ông đã phải thụ án hai án tù lao động [cưỡng bức] với tổng thời hạn bốn năm.
Bà Trương Dục Trân, một cư dân thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, 54 tuổi, mặc dù đã bị tàn tật và đang trong tình trạng nguy kịch sau hơn một năm bị giam giữ, nhưng vẫn bị kết án bảy năm. Bà Trương sống độc thân và cha mẹ đã qua đời vì quá đau khổ về cuộc bức hại, nên không có người nhà nào để đi tìm công lý cho bà.
Trước lần bị kết án gần đây nhất, bà Trương đã bị bắt 12 lần và bị giam giữ tổng cộng 9 năm. Trong thời gian thụ án tại Nhà tù Nữ Tỉnh Giang Tây, bà bị trói cổ tay ra sau lưng rồi treo lên từ vị trí cổ tay trong 11 tiếng đồng hồ vào ngày 19 tháng 9 và 3 tiếng vào ngày 20 tháng 9 năm 2005, khiến hai cánh tay của bà bị tàn phế. Đến nay, bà vẫn chưa thể duỗi thẳng cánh tay, nắm tay hay duỗi ngón tay. Bà cũng bị rũ cổ tay, run cánh tay, thỉnh thoảng bị đau nhói ở ngực, cổ và vai.
Bà Trương Dục Trân bị tàn tật, không giơ được tay lên do bị tra tấn trong thời gian bị giam cầm
Mong ước đoàn tụ với cha mẹ của cô Ư Minh Huệ lại tan vỡ khi người mẹ 63 tuổi của cô bị kết án bốn năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, gia đình ba người của cô Ư ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang chỉ được ở bên nhau chưa đầy hai năm. Cha cô bị bắt vào năm 2001 và bị kết án 15 năm. Mẹ cô bị bắt vào năm 2003 và bị kết án 11 năm.
Từ khi còn ở tuổi niên thiếu, cô Ư đã phải vật lộn để tự trưởng thành. Sau khi được nhận vào Trường Nghệ thuật Thị giác & Biểu diễn Cambridge vào năm 2010 để theo học ngành thiết kế thời trang, cô đã chuyển đến Anh, đến nay vẫn chưa thể quay về Trung Quốc.
Khi cha cô được trả tự do vào năm 2016, hai năm sau khi mẹ cô trở về ngôi nhà trống, họ đã xin hộ chiếu để sang Vương quốc Anh thăm cô Ư. Cảnh sát từ chối đơn của họ và nói với họ rằng hộ chiếu của họ sẽ không bao giờ được chấp thuận.
Ngày 31 tháng 3 năm 2020, mẹ của cô Ư, bà Vương Mai Hồng, một kỹ sư địa chất, lại bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Sau một năm bị giam giữ, bà lại bị kết án bốn năm vào đầu tháng 5 năm 2021, và bị giam cầm ở Nhà tù Nữ Hắc Long Giang.
Cô Ư Minh Huệ và mẹ cô, bà Vương Mai Hồng
Còn có những học viên khác bị bức hại nhiều lần như một cựu doanh nhân bị kết án 3 năm sau 10 năm tù và một người đàn ông 65 tuổi ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc bị kết án bốn năm sau 10 năm tù. .
Vi phạm thủ tục pháp lý
Các nhà chức trách đã vi phạm thủ tục pháp lý ở mọi bước trong quá trình truy tố các học viên, từ tùy tiện bắt giữ, thẩm vấn bằng bạo lực và ngụy tạo bằng chứng, đến chặn đại diện pháp lý của các học viên hoặc bí mật kết án họ, mà đôi khi họ không hề hay biết.
Bằng chứng ngụy tạo
Bà Lôi Tiểu Lợi, một cư dân thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, bị bắt vào ngày 25 tháng 3 năm 2021, sau khi bị cảnh sát buộc tội “để tài liệu về Pháp Luân Công tại máy ATM”. Cảnh sát Mã Thông đã bắt bà Lôi nhận tội trong khi thẩm vấn bà tại đồn cảnh sát. Vì bà Lôi thị lực kém, Mã ra lệnh cho người nhà đọc cho bà nghe tài liệu gì đó và yêu cầu bà ký biên bản. Mã đã hỏi số điện thoại của người nhà của bà, nhưng không cung cấp cho họ số điện thoại của anh ta. Mã và một nhóm cảnh sát đã lục soát nhà bà Lôi vào tháng 4 mà không có lệnh khám xét.
Một ngày sau vụ bắt giữ, bà Lôi đã bị đưa đến trại tạm giam Quận Liên Hồ và đến nay bà vẫn đang bị giam giữ ở đó. Sau đó, gia đình bà biết rằng, vào đầu năm 2021 cảnh sát đã thông báo cho ban quản lý nhà về ý định bắt giữ bà. Ban quản lý nhà không thông báo cho gia đình bà, mà bắt tay với cảnh sát để bắt giữ bà.
Vào giữa tháng 6, cảnh sát đã trình hồ sơ của bà Lôi lên Viện Kiểm sát Quận Liên Hồ. Vài tuần sau, công tố viên Trương Diễm Hoa đã truy tố bà với bằng chứng là một bức ảnh chụp một máy ATM tịch thu được tại nhà bà Lôi. Bà Lôi không có mặt trong bức ảnh đó, cũng không có những cuốn tài liệu Pháp Luân Công mà cảnh sát đã đề cập.
Bà Lôi bị xét xử tại Tòa án Quận Liên Hồ vào ngày 13 tháng 8 năm 2021, và bị kết án 3 năm với khoản tiền phạt 5.000 Nhân dân tệ vào ngày 20 tháng 12 năm 2021.
Bạo lực của cảnh sát
Bà Lý Quế Linh, 55 tuổi, ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị kết án 2,5 năm tù vào ngày 26 tháng 9 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công, sau phiên điều trần chỉ kéo dài 5 phút trước đó 4 tháng.
Bà Lý bị cảnh sát của Đồn Cảnh sát Khuê Cốc Đại Nhai bắt giữ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021. Các cảnh sát này đều không xuất trình thẻ nghiệp vụ và cưỡng chế bà Lý điểm chỉ vào danh sách các đồ vật bị tịch thu sau khi lục soát nhà bà. Sau đó, cảnh sát đưa bà Lý tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Cảnh sát đập đầu bà vào cửa. Khi phản đối hành vi bạo lực này, bà bị cảnh sát giữ chặt tay, bịt miệng và véo vào mặt và cổ bà, khiến cánh tay và mặt bà đầy vết bầm tím. Hai cảnh sát đã khiêng bà Lý vào nhà vệ sinh để thử nước tiểu. Họ đặt bà xuống sàn và đá bà. Một nam cảnh sát còn dọa sẽ lấy nước tiểu của anh ta thay cho nước tiểu của bà, nếu bà không hợp tác. Anh ta còn dọa sẽ đốt các sách Pháp Luân Công của bà trước mặt bà.
Ông Úy Quốc Thân, một cư dân 66 tuổi ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, sau khi bị bắt vào ngày 18 tháng 6 năm 2020, đã bị cảnh sát còng tay ra sau lưng. Họ xịt một loại thuốc không rõ tên vào một chiếc túi ni lông và chùm túi đó lên đầu ông. Việc bị cưỡng chế hít hơi độc này đã khiến ông ngạt thở. Đội trưởng Lý Cảnh Quân đẩy chất thuốc độc dạng lỏng tích tụ dưới đáy túi lên cằm ông Úy. Một cảnh sát khác xịt thuốc thẳng vào mắt khiến ông Úy chảy nước mắt.
Cảnh sát đã chụp túi lên đầu ông Úy ba lần trong vòng vài giờ. Lúc bị thẩm vấn, đầu ông Úy đã bị ngấm đầy hơi độc dạng sương mù và dưới tác dụng của chất độc này, ông lặp lại bất cứ điều gì cảnh sát bảo ông phải nói. Sau đó, khi được tại ngoại, người nhà nhìn thấy mặt ông thâm đen, khóe mắt sưng tấy và có dấu hiệu bị loét, ông bị bỏng ở cằm và các bộ phận khác trên mặt.
Ngày 15 tháng 10, ông Úy bị kết án 3 năm 8 tháng tù và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ. Cảnh sát từ chối trả lại 8.400 Nhân dân tệ tịch thu lúc bắt giữ ông và cưỡng chế ông lăn tay vào biên lai ghi số tiền đã được trả lại.
Khi bà Quan Diên Phượng, một cư dân thành phố Hổ Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, hầu tòa vào ngày 18 tháng 11 năm 2020, công tố viên đã đưa ra một danh sách các đồ vật bị tịch thu từ bà. Bà Quan lập luận rằng bà không có mặt trong cuộc đột kích và một số đồ vật được liệt kê không phải của bà. Thẩm phán tuyên bố rằng, chồng của bà Quan đã ký danh sách cho bà, nhưng luật sư của bà lập luận rằng chồng bà bị chấn thương sọ não và không có khả năng nhận thức cơ bản, vì vậy chữ ký của anh ta không thể được coi là bằng chứng hợp lệ.
Bà Quan còn cho biết một cảnh sát họ Ngưu đã đánh bà nhằm ép bà nhận tội. Thẩm phán phủ nhận rằng không có cảnh sát nào mang họ Ngưu. Nhưng khi họ phát video cảnh sát thẩm vấn bà Quan thì thấy cảnh sát họ Ngưu đã hai lần đánh đập bà Quan một cách dã man. Bà Quan bị kết án 2 năm với số tiền phạt 50.000 Nhân dân tệ vào khoảng tháng 7 năm 2021.
Kết án không qua xét xử
Bà Trương Quế Quân, một cư dân 72 tuổi ở thành phố Bổn Khê, tỉnh Liêu Ninh, bất ngờ bị cảnh sát thông báo vào ngày 6 tháng 8 năm 2021, rằng bị Tòa án Quận Nam Phân kết án tù giam và bà có 10 ngày để kháng án. Không rõ thời hạn án tù của bà Trương là bao lâu và liệu bà đã đệ đơn kháng án hay không.
Bà Lý Hiểu Hà bị cảnh sát của Đồn Cảnh sát Tiểu Thị, tỉnh Liêu Ninh, bắt tại nhà vào ngày 15 tháng 10 năm 2020. Cảnh sát đến nhà bà bằng bốn chiếc xe ô tô và tịch thu rất nhiều tài sản cá nhân của bà.
Bà Lý được bảo lãnh tại ngoại do không đạt kết quả khám sức khỏe bắt buộc trước khi bị giam giữ theo yêu cầu của trại giam. Cán bộ của Toà án Quận Nam Phân và cảnh sát của Đồn Cảnh sát Tiểu Thị đã tới nhà của bà hai lần để thẩm vấn bà. Chồng bà không tu luyện Pháp Luân Công cũng bị tra hỏi.
Ngày 23 tháng 12 năm 2021, một cán bộ của Tòa án Quận Nam Phân đã đến nhà bà Lý và đưa cho bà bản án mà không cần xét xử. Bà bị kết án 4,5 năm và phạt 10.000 Nhân dân tệ.
Bị kết án trong ô tô
Bà Tôn Tĩnh, chủ sở hữu của một công ty sản xuất thuyền bơm hơi ở Uy Hải, một thành phố ven biển thuộc tỉnh Sơn Đông. Bà bị kết án trong một chiếc xe hơi, với mức án 8 năm. Khi bà Tôn bị từ chối nhận vào trại giam địa phương do huyết áp cao, cảnh sát đe dọa sẽ tái khám sức khỏe của bà vào tháng 2 năm 2022 để xác định xem có bỏ tù bà hay không.
Bà Tôn có hơn 30 nhân viên. Sáng ngày 6 tháng 1 năm 2021, cảnh sát đã xông vào nhà riêng và nhà máy của bà và khám xét cả hai nơi. Toàn bộ nhân viên của bà bị buộc phải giao nộp điện thoại di động của họ cho cảnh sát và không được phép gọi điện cho bất kỳ ai hoặc nhận bất kỳ cuộc gọi nào. Cảnh sát đã theo dõi họ ngay cả khi họ sử dụng nhà vệ sinh hoặc ăn trưa, và đến tối họ mới được ra về.
Sau khi cảnh sát ép trại giam tiếp nhận bà Tôn, mặc dù bà bị huyết áp cao, bà đã bị trầm cảm và huyết áp của bà vẫn rất cao. Bà được tại ngoại vào ngày 21 tháng 3 năm 2021, sau 76 ngày bị giam giữ.
Ngày 3 tháng 12 năm 2021, luật sư của bà Tôn đã đến nhà bà và cùng bà tham gia vào phiên tòa xét xử bà do Tòa án Thành phố Vinh Thành thực hiện từ xa qua video. Đến ngày 17 tháng 12, cảnh sát đã trở lại nhà bà và đưa bà đi khám sức khỏe. Bởi trại giam vẫn từ chối tiếp nhận bà do huyết áp cao, nên cảnh sát phải đưa bà về nhà.
Ngày 21 tháng 12, khi cảnh sát đưa bà Tôn đến tòa án để kết án, bà bị choáng váng và không bước ra khỏi xe. Sau đó, thẩm phán đã đi tới chỗ chiếc xe hơi và tuyên bố rằng bà đã bị kết án 8 năm.
Cảnh sát và thẩm phán không tuân theo luật pháp
Bà Hồ Huy, 54 tuổi, cư dân thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, đến nhà một học viên khác để đọc sách Pháp Luân Công vào ngày 28 tháng 8 năm 2020, nhưng bị cảnh sát theo dõi và bắt giữ. Ngày 24 tháng 9, gia đình và luật sư của bà đã tìm cảnh sát và cố gắng tìm kiếm công lý cho bà. Ngay sau khi luật sư của bà bắt đầu nói về việc bà bị giam giữ tại trung tâm tẩy não, Tống Gia Hy, người đứng đầu Văn phòng An ninh Nội địa, đã ra lệnh cho các cảnh sát kéo luật sư đi. Tống đã quát luật sư: “Ông có thể tiếp tục và gửi đơn khiếu nại tôi vì đã giam giữ thân chủ của ông một cách bất hợp pháp.”
Bà Hồ bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Tương Đô vào ngày 17 tháng 8 năm 2021 và bị kết án 2 năm với số tiền phạt 3.000 Nhân dân tệ vào khoảng tháng 10.
Khi tuyên án ông Dương Hoa Minh, cư dân thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, thẩm phán chủ tọa nói thẳng ra rằng họ không tuân theo luật pháp khi khởi tố các vụ án Pháp Luân Công, mà chỉ cần nghe theo Phòng 610, một cơ quan ngoài luật được thành lập vào ngày 10 tháng 6 năm 1999 chuyên trách việc bức hại Pháp Luân Công.
Ông Dương, 53 tuổi, một nhân viên của Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt khi đang trên đường trở về quê nhà ở Xạ Hồng. Công an ở Thành Đô và Xạ Hồng đều tham gia vào vụ bắt giữ.
Sau khi cảnh sát chuyển vụ án của ông lên Viện Kiểm sát Quận Vũ Hầu, công tố viên đã hai lần trả lại hồ sơ vì không đủ bằng chứng. Cảnh sát đã đe dọa ông Dương và gia đình rằng nếu ông không nhận tội, ông sẽ bị kết án nặng.
Sau khi cảnh sát trình hồ sơ lần ba, công tố viên đã truy tố ông Dương. Ông Dương đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Vũ Hầu vào ngày 21 tháng 4 năm 2021. Ông không nhận tội và lập luận rằng không có luật nào từng hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Ông nói thêm rằng Tổng Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm sách Pháp Luân Công vào năm 2011.
Cho dù thiếu cơ sở pháp lý, thẩm phán vẫn kết án ông Dương 4 năm tù cùng khoản tiền phạt 10.000 Nhân dân tệ vào ngày 12 tháng 5 năm 2021.
Vương Vinh Phú, chủ tọa phiên tòa của vụ án kiện 8 học viên Pháp Luân Công ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm không cho luật sư của họ xem xét hồ sơ vụ án hay biện hộ cho họ trước tòa. Ông ta đã sử dụng ngôn từ xúc phạm và sỉ nhục khi trao đổi với gia đình của các học viên, nói những điều như: “Chúng tôi đã hỏi các tòa án cấp cao hơn về việc này rồi và được bảo như thế đấy (không cho luật sư biện hộ cho các học viên tại tòa).” “Đừng nói với tôi có hợp pháp hay không – chúng tôi làm thế đấy. Tôi bảo cho các vị: Các vụ án Pháp Luân Công là đặc biệt.” “Không được biện hộ là không được biện hộ. Đúng thế, chúng tôi vi phạm pháp luật đấy, thì sao?! Các vị thích kiện ở đâu thì kiện.”
Vương còn tuyên bố: “Kẻ giết người có thể thuê luật sư, còn học viên Pháp Luân Công thì không được!” Ông ta viện dẫn một tài liệu bí mật do Tòa án Tối cao Cát Lâm ban hành để biện minh cho việc vi phạm các thủ tục pháp lý của mình trong việc xử lý các vụ án Pháp Luân Công.
Cả thẩm phán và các cơ quan liên quan khác đều không cho các học viên, luật sư hoặc gia đình của họ xem tài liệu bí mật này, nhưng qua những gì đã xảy ra với các học viên, người ta tin rằng tài liệu bí mật này là về việc tước quyền hợp pháp được xét xử công bằng của các học viên.
Cả tám học viên đều bị kết án oan chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi người nhà của họ kháng cáo các bản án dành cho họ, thẩm phán Tang Văn Thành của tòa án cấp cao hơn cũng yêu cầu các luật sư và luật sư biện hộ là người nhà họ nộp biên bản chứng minh họ không tu luyện Pháp Luân Công. Tang cũng gây áp lực với các bưu điện địa phương và cấm họ gửi bất kỳ hồ sơ kiện cáo nào cho các gia đình này, sau khi ông ta từ chối nhận hồ sơ trực tiếp. Ông ta cũng chỉ thị cho trại tạm giam không cho luật sư vào gặp các học viên.
Các báo cáo liên quan
63 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 11 năm 2021
108 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 10 năm 2021
101 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ được báo cáo trong tháng 9 năm 2021
91 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ được báo cáo trong tháng 8 năm 2021
667 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong nửa đầu năm 2021
96 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 5 năm 2021
90 học viên Pháp Luân Công bị kết an vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2021
100 học viên Pháp Luân Công bị kết an vì đức tin của họ trong tháng 3
120 học viên Pháp Luân Công bị kết an vì đức tin của họ trong tháng 2
186 học viên Pháp Luân Công bị kết an vì đức tin của họ trong tháng 1
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/3/436352.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/5/197996.html
Đăng ngày 23-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.