Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 04-12-2021] Trong tháng 11 năm 2021, Minh Huệ Net đã ghi nhận 63 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Trong số 63 trường hợp mới xác nhận được này, có một trường hợp xảy ra trong năm 2020, 3 người trong tháng 2 năm 2021, 2 người trong tháng 7 năm 2021, 4 người trong tháng 9 năm 2021, 23 người trong tháng 10 năm 2021 và 30 người trong tháng 11 năm 2021. Vì sự kiểm duyệt chặt chẽ ở Trung Quốc, các trường hợp bị bức hại không thể luôn được báo cáo đúng thời điểm hoặc không thể luôn có đầy đủ thông tin.

Các học viên bị kết án thuộc 33 thành phố thuộc 17 tỉnh và khu vực, phân bố ở Sơn Đông (10), Hà Bắc (8), Liêu Ninh (8) là ba vùng chiếm số lượng cao nhất; 14 vùng khác có từ 1 đến 5 trường hợp.

Các học viên bị kết án từ 6 tháng đến 10 năm với mức trung bình mỗi người là 3 năm 2 tháng. Một số học viên bị kết án dài hạn và còn bị phạt tiền nặng. Một học viên ở tỉnh Quý Châu bị kết án 10 năm cùng 50.000 nhân dân tệ tiền phạt. Ông cũng bị cảnh sát tịch thu 80.000 nhân dân tệ trong khi họ lục soát nhà của ông. Một học viên ở tỉnh Quảng Đông bị kết án 8 năm cùng 80.000 nhân dân tệ tiền phạt.

16 học viên bị kết án có độ tuổi từ 60 trở lên, gồm những người ngoài 70 và 80 tuổi. Một học viên 79 tuổi bị kết án 4 năm.

Một số học viên bị kết án vì chia sẻ với người khác về việc họ đã khỏi bệnh nhờ tu luyện Pháp Luân Công; một số bị kết tội vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại; và một phụ nữ bị bỏ tù chỉ vì dán những câu đối có thông tin về Pháp Luân Công trên cửa nhà bà.

Sau đây là tóm tắt về một số trường hợp được báo cáo trong tháng 11 năm 2021. Danh sách đầy đủ của các học viên có thể được tải tại đây (bản PDF)

Các bản án nặng

Ba người dân ở Quý Châu bị kết án lên tới 10 năm tù

Ngày 25 tháng 10 năm 2021, Toà án quận Nam Minh ở thành phố Quý Dương đã kết án 3 cư dân ở quận Quý An Tân (một thành phố cấp quận), tỉnh Quý Châu.

Ông Trương Đình Tường bị kết án 10 năm cùng 50.000 nhân dân tệ tiền phạt.
Bà Trương Vi bị kết án 8 năm tù cùng 30.000 nhân dân tệ tiền phạt.
Bà Bàng Bình bị kết án 3 năm tù cùng 10.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Bà Trương, 58 tuổi, và bà Bàng, 62 tuổi, đều là nhân viên nghỉ hưu ở nhà máy thiết bị máy, bị bắt giữ vào ngày 18 tháng 4 năm 2019 trong khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Ông Trương, 52 tuổi, nhân viên của một nhà máy thiết bị máy khác, bị hơn 30 cảnh sát bắt giữ tại nhà riêng vào ngày 21 tháng 4 năm 2019. Cảnh sát đã tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, điện thoại di động và 80.000 nhân dân tệ tiền mặt của ông. Gia đình ông thường xuyên tới trại giam để thăm ông, nhưng lần nào cũng bị từ chối và chỉ được phép gửi tiền cho ông.

Chủ toạ Y Lỵ đã tích cực tham gia vào việc kết án các học viên Pháp Luân Công. Trước đây, bà ta đã kết án bà Điền Đức Ngọc (ngoài 70 tuổi) vào năm 2018 và bà Lý Nguyên Hữu vào năm 2020, cả hai học viên này đều bị kết án 3 năm tù.

Người đàn ông Quảng Đông bị kết án tù dài và phạt nặng

Gần đây ông Tăng Phồn Kiệt ở thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông đã bị kết án 8 năm tù và phạt 80.000 nhân dân tệ.

Ngày 26 tháng 1 năm 2021, ông Tăng bị bắt tại nhà. Tòa án quận Mai Huyện đã xét xử ông hai lần, lần đầu vào ngày 20 tháng 7 và lần sau vào ngày 23 tháng 9 năm 2021. Luật sư đã biện hộ vô tội cho ông và chỉ ra việc thiếu cơ sở pháp lý của cuộc bức hại. Gia đình ông Tăng đã tham dự phiên tòa thứ hai và phiên tòa này chỉ kéo dài vỏn vẹn 20 phút.

Ông Tăng không phải là người duy nhất trong gia đình bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Cha ông Tăng là ông Tăng Hải Bình đã bị bắt vào ngày 21 tháng 6 năm 2018 và bị kết án 5 năm tù vào tháng 3 năm 2019. Cha vợ ông Tăng là ông Chu Hiền Sinh cũng từng phải thụ án 5 năm tù và đã được thả vào cuối năm 2020.

Năm cư dân Hà Bắc bị kết án lên tới tám năm tù vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 15 tháng 10 năm 2021, năm cư dân thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Cảnh Phúc Hà bị kết án 8 năm tù và phạt 10.000 nhân dân tệ.
Ông Ủy Quốc Thân bị kết án 3 năm tám tháng tù và phạt 5.000 nhân dân tệ.
Bà Vương Tú Hồng bị kết án 3 năm tù và phạt 3.000 nhân dân tệ.
Bà Phó Thụy Anh bị kết án 3 năm tù và phạt 3.000 nhân dân tệ.
Bà Lục Thải Vân bị kết án 1 năm 5 tháng tù và phạt 3.000 nhân dân tệ.

Các học viên bị bắt trong một cuộc bắt giữ quy mô lớn của cảnh sát vào ngày 18 tháng 6 năm 2020. Bà Cảnh, bà Phó và ông Úy đã được bảo lãnh tại ngoại vì lý do sức khỏe. Bà Lục và bà Vương hiện vẫn đang bị giam trong trại tạm giam Số 1 thành phố Đường Sơn.

Trong phiên xét xử tại Tòa án Tuân Hóa vào ngày 15 tháng 9, ông Úy đã xác nhận rằng chỉ trong vài giờ cảnh sát đã ba lần trùm đầu ông bằng một chiếc túi nhựa có chứa một thứ thuốc gì đó. Ông gần như ngạt thở vì và không thể ngừng khóc. Đầu óc ông không còn được tỉnh táo và đã lặp lại những gì cảnh sát bảo ông nói.

Công tố viên tuyên bố rằng họ đã trả lại 8.400 nhân dân tệ trong số 18.400 nhân dân tệ tiền mặt tịch thu của ông Úy, nhưng ông Úy nói rằng ông chưa bao giờ nhận lại được khoản tiền đó. Ông Úy nói thêm rằng trước phiên xét xử, cảnh sát của Đồn Công an Sa Lưu Hà đã đe dọa ông và khám xét nhà của ông một lần nữa. Cảnh sát cũng buộc ông ký tên và điểm chỉ vào một biên bản khai rằng 10.000 trong số 18.400 nhân dân tệ tịch thu của ông là án phạt đối với ông và ông cũng không nên mong đợi lấy lại 8.400 nhân dân tệ còn lại.

Trong phần tự bào chữa của mình, bà Cảnh đã đưa ra một số món đồ lưu niệm của Pháp Luân Công, những thứ mà cảnh sát đã dùng làm bằng chứng để buộc tội bà và các học viên khác. Bà nói: “Hãy nhìn chúng xem, làm thế nào để tôi phá hoại việc thực thi pháp luật bằng những thứ này?” Bà cũng nói rằng việc thực hành đức tin là quyền của bà và nó vốn được hiến pháp bảo vệ.

Tỉnh Sơn Đông: Người đàn ông bị kết án ba năm tù và bị tịch thu 170.000 nhân dân tệ

Ngày 18 tháng 12 năm 2020, ông Hoàng Chí Lực ở huyện Bàng Âm, tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt tại căn hộ cho thuê của mình. Cảnh sát tịch thu 170.000 nhân dân tệ tiền mặt mà ông chuẩn bị để mua nhà, họ từ chối trả lại số tiền đó. Con trai và bố mẹ vợ của ông cũng đều bị bắt và bị tạm giam trong thời gian ngắn.

Kể từ đó ông Hoàng không được phép gặp người nhà. Gần đây có báo cáo cho rằng ông đã bị kết án 3 năm tù vào tháng 7 năm 2021 và bị đưa đến Nhà tù Tỉnh Sơn Đông.

Đây là lần thứ hai ông Hoàng, 48 tuổi, quê ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Hoàng từng làm việc tại bộ phận kỹ thuật của nhà máy sản xuất tấm thạch cao và giành được giải thưởng “10 thanh niên tiêu biểu”. Ông bị mất việc sau khi bị bắt giữ vào tháng 4 năm 2007 và bị kết án 3 năm tù tại Nhà tù Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Vì từ chối lao động cưỡng bức, tháng 12 năm 2009 ông bị quản thúc bởi đội nghiêm quản trong 32 ngày.

Trong thời gian ông thụ án, vợ ông quay về nhà bố mẹ mình ở Bàng Âm cùng đứa con trai 8 tuổi. Sau khi được trả tự do, ông cũng chuyển đến đó. Cảnh sát Từ Châu phát hiện ra, họ đuổi theo ông đến Bàng Âm và đe dọa sẽ hủy hộ khẩu của gia đình ông nếu như ông không từ bỏ Pháp Luân Công.

Người phụ nữ Sơn Đông bị kết án vì kiên định đức tin, hàng nghìn nhân dân tệ tiền mặt và xe hơi của bà bị cảnh sát tịch thu

Ngày 24 tháng 3 năm 2021, bà Tang Thư Linh ở thành phố Liêu Ninh, tỉnh Sơn Đông bị bắt giữ trong khi đang đi tới huyện Diêm Sơn, tỉnh Hà Bắc. Cảnh sát tịch thu xe hơi cùng các tài sản cá nhân của bà.

Sau đó cảnh sát đã trình hồ sơ vụ việc của bà Tang lên Viện Kiểm sát thành phố Lạc Lăng. Gia đình đã thuê luật sư cho bà, nhưng phó chánh án của Tòa án thành phố Lạc Lăng là Hoàng Soái đã tìm cách ngăn cản vị luật sư này đại diện cho bà.

Ngày 16 tháng 10 năm 2021, bà Tang bị xét xử thông qua video và luật sư đã biện hộ vô tội cho bà. Thẩm phán đã kết án bà 3,5 năm tù.

Trước khi bắt giữ bà Tang, cảnh sát đã đến nhà bà vào ngày 2 tháng 6 năm 2020. Bí thư thôn đã đi cùng với cảnh sát, và mượn thang của một người hàng xóm của bà để cảnh sát trèo qua hàng rào vào nhà bà. Một người hàng xóm khác nhìn thấy những gì đang xảy ra và nói với cảnh sát rằng việc họ vào nhà bà khi không có ai ở nhà là bất hợp pháp. Cảnh sát bỏ ngoài tai và sau khi đột nhập vào nhà bà Tang, họ đã lấy đi hơn 10.000 nhân dân tệ tiền mặt, hai tài khoản ngân hàng trị giá 20.000 nhân dân tệ và hai máy in từ nơi ở của bà. Ngoài ra cảnh sát còn lấy đi thẻ ghi nợ và sau đó còn cho đóng băng tài khoản ngân hàng của bà.

Bốn nông dân bị kết án tù vì kiên định đức tin của họ

Bốn nông dân đã bị cảnh sát lừa bắt đến một trại tạm giam, và tại đây họ bị kết án tù vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Bà Tôn Nguyệt Cần, bà Hứa Minh Hà, bà Trương Hy Phương và bà Trương Mĩỹ Hoa ở thị trấn Tà Điếm, huyện Quan, tỉnh Sơn Đông. Họ đã bị bắt lần đầu tiên vào ngày 12 tháng 9 năm 2018 khi họ đi đến thị trấn Doanh lân cận ở huyện Đại Danh, tỉnh Hà Bắc để phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.

Cảnh sát của Đồn Công an Thị trấn Doanh đã thực hiện các vụ bắt giữ này. Ngày hôm sau, Lý Hồng Na và một số cảnh sát khác của Công an Huyện Đại Danh đã đưa bốn người phụ nữ này đến trại tạm giam Số 3 Thành phố Hàm Đan. Huyện Đại Danh nằm dưới sự quản lý của thành phố Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc.

Lý đã lục soát nhà của bốn học viên và tịch thu nhiều đồ đạc cá nhân của họ. Những đứa trẻ ở nhà đã sợ hãi và khóc trong buổi lục soát. Có thông tin cho rằng gia đình bà Trương Mĩ Hoa đã bị tống tiền hơn 100.000 nhân dân tệ. Điện thoại di động và máy tính của bà cũng bị lấy đi. Chồng bà bị sang chấn tâm lý và phải nhập viện điều trị một tháng. Ba học viên khác bị tống tiền mỗi người ít nhất 30.000 nhân dân tệ.

Bà Trương Mĩ Hoa, bà Trương Hy Phương và bà Hứa đã được thả vào ngày 2 tháng 11 năm 2018. Bà Tôn được thả sau bốn ngày.

Mặc dù các học viên chưa bao giờ nhận được bất kỳ thông tin cập nhật nào từ cảnh sát về vụ việc của họ, nhưng gần đây họ đã bị một số sỹ quan từ Đồn Công an Quận Phì Hương ở thành phố Hàm Đan lừa đến trại tạm giam.

Có thông tin rằng bà Hứa và bà Trương Mỹ Hoà đã bị kết án 1,5 năm, bà Tôn và bà Trương Hy Phương bị kết án mỗi người một năm. Hiện không rõ tên trại tạm giam và toà án nào đã kết án các học viên.

Gia đình của các học viên cũng không rõ tại sao Đồn Công an Quận Phì Hương lại tham gia vào khi họ bị các nhân viên từ Đồn Công an Thị trấn Doanh bắt giữ.

Người già bị nhắm đến

Cụ bà 79 tuổi bị kết án bốn năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 15 tháng 10 năm 2021, khi gia đình bà Vương Cảnh Thuý gọi cho cảnh sát để hỏi về vụ án của bà thì họ hoảng hốt khi biết rằng bà Vương, 79 tuổi đã bị kết án 4 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Toà án cũng rút 10.000 nhân dân tệ tiền mặt khỏi tài khoản ngân hàng của bà mà không thông báo cho gia đình bà biết.

Bà Vương ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt vào tháng 11 năm 2019 sau khi bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công ở một khu chợ. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và cho bà được bảo lãnh vì sức khoẻ kém sau khi giữ bà năm tiếng tại đồn công an. Từ đó, cảnh sát thường xuyên gọi cho con trai bà và lệnh cho ông thay mặt bà ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Mặc dù bà Vương bị suy giảm sức khoẻ và không thể đi lại, cảnh sát lại bắt giữ bà tại nhà vào ngày 8 tháng 5 năm 2021 và đưa bà đến trại tạm giam Số 2 Thành phố Đại Khánh trên xe lăn. Bà đã rơi vào tình trạng nguy hiểm ở đó và được hồi sức. Chính quyền đã cấm gia đình thăm bà sau khi đưa bà trở lại trại tạm giam.

Sau đó Toà án Khu Phát triển Công nghiệp Công nghệ cao Đại Khánh đã kết án bà bốn năm tù. Không rõ là bà có bị đưa đến nhà tù tại thời điểm viết bài không.

Trước lần kết án gầy đây nhất, bà Vương, một cựu nhân viên của Nhà máy Sản xuất Dầu Đại Khánh, đã bị bắt sáu lần. Bà đã bị kết án tù hai lần và lao động cưỡng bức một lần.

Hai người phụ nữ cao niên, 72 và 80 tuổi, bị kết án vì kiên định đức tin

Một công tố viên ở thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông đã hứa sẽ không kết án tù hai cư dân địa phương là bà Lý Quế Vinh (72 tuổi) và bà Tống Thành Khuê (80 tuổi) bởi họ đã cao tuổi, tuy nhiên, bà ta đã đưa ra hai án tù đề nghị cho hai bà, lần lượt là 3 và 1,5 năm. Sau đó cả bà Lý và bà Tống đều bị tuyên án theo mức án đề nghị đó.

Hai bà bị bắt lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2020 khi đang ngồi ở gần Tòa án quận Nhâm Thành. Cảnh sát cáo buộc họ “bao vây tòa án”. Nhà của các học viên này đã bị lục soát và sau đó họ đã được bảo lãnh tại ngoại.

Ngày 10 tháng 4 năm 2021, bà Lý bị bắt và bị lục soát nhà một lần nữa sau khi bà bị báo cáo vì đã phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Cảnh sát liên tục sách nhiễu gia đình bà và tống tiền con gái bà một thẻ quà tặng trị giá 2.000 nhân dân tệ, và tuyên bố rằng sẽ tặng nó cho thẩm phán để bà ta sẽ đưa ra bản án nhẹ hơn.

Sau khi cảnh sát trình hồ sơ của bà Lý và bà Tống lên Viện kiểm sát quận Nhâm Thành vào tháng 5 năm 2021, công tố viên Lý Na đã đảm bảo với gia đình họ rằng họ không cần phải thuê luật sư vì thẩm phán rất có thể sẽ để hai học viên hưởng án treo vì lý do tuổi tác. Bà ta nói rằng sẽ không cố gắng kết án tù hai học viên.

Người nhà của hai học viên đều tin lời công tố viên, nhưng sau đó mới phát hiện ra rằng bà ta đã đề nghị mức án lần lượt là 3 năm và 1,5 năm tù dành cho bà Lý và bà Tống.

Khi bà Lý và bà Tống bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Nhâm Thành vào ngày 22 tháng 7 năm 2021, thẩm phán Tự Tân Quốc thường xuyên ngắt lời họ và không cho phép họ đọc xong phần biện hộ của mình.

Ngày 13 tháng 8 năm 2021, tòa kết án bà Lý 3 năm tù cùng khoản phạt 10.000 nhân dân tệ, bà Tống 1,5 năm tù với khoản phạt 5.000 nhân dân tệ. Sau khi họ kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Tế Ninh, gia đình đã thuê luật sư đại diện cho họ. Các luật sư liên tục yêu cầu một phiên xét xử cho kháng cáo của họ, nhưng thẩm phán Vu Kiện Tùng của tòa án cấp cao hơn đã giữ nguyên phán quyết ban đầu của họ mà không tổ chức xét xử.

Ngày 9 tháng 11 năm 2021, khi cảnh sát đến nhà bà Tống để đưa bà đến nhà tù, bà nói rằng người chồng mù của bà phải dựa vào sự chăm sóc của bà và bà không thể để ông ấy ở nhà một mình. Viên chức Vu Dũng Ba đã ra lệnh cho một số người khác cưỡng chế khiêng bà Tống xuống cầu thang và đưa vào xe cảnh sát. Bà đã không vượt qua cuộc kiểm tra sức khỏe và được thả vào cuối ngày hôm đó. Về phần bà Lý, bà đã bị đưa tới cơ sở cách ly vào ngày hôm sau để chuẩn bị cho việc cầm tù.

Người phụ nữ 72 tuổi bị kết án ba năm tù vì kiên định đức tin

Tháng 10 năm 2018, một phụ nữ đã bị bắt giữ vì đệ đơn kiện một lính canh tù đã tra tấn bà trong khi bà bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công và sau đó bị kết án 3 năm 3 tháng tù vào tháng 10 năm 2021.

Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Đàm Xương Dung ở Trùng Khánh đã liên tục bị chính quyền nhắm đến vì kiên định đức tin của mình. Trước lần bắt giữa gần đây nhất, trong quá khứ bà đã bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức vào năm 2001, và 2 án tù, trong đó bản án 9 năm vào năm 2005, và án tù 3 năm vào 2015.

Trong thời gian thụ án bản án đầu tiên ở Nhà tù Nữ Trùng Khánh, bà Đàm đã bị tra tấn và cưỡng bức lao động hơn 10 tiếng mỗi ngày.

Khi thụ án lần hai, lính canh tù, đặc biệt là Đường An Trí, đã đánh đập, chửi rủa và sốc điện bà bằng dùi cui trong thời gian dài. Lính canh cũng cố ép bà ngồi xổm trong thời gian lâu, lạm dụng tình dục đối với bà và không cho bà dùng nhà vệ sinh.

Sau khi được trả tự do, vào ngày 2 tháng 9 năm 2018, bà Đàm đã đệ đơn khiếu nại lên Cục Tư pháp thành phố Trùng Khánh và Cục Quản lý Nhà tù thành phố Trùng Khánh, mô tả lại những tra tấn mà bà phải chịu đựng khi ở trong tù.

Thay vì thấy công lý được thực thi, bà lại bị bắt vào ngày 15 tháng 10 năm 2018, và bị Tòa án quận Giang Bắc xét xử vào ngày 15 tháng 11 năm 2019.

Thẩm phán đã có buổi gặp bà Đàm tại trại tạm giam quận Giang Bắc. Khi bà Đàm yêu cầu được tha bổng, thẩm phán nói rằng ông ta sẽ chỉ làm như vậy sau khi bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà khẳng định mình không làm gì sai khi có tín ngưỡng tâm linh và từ chối thỏa hiệp.

Sau khi bị giam giữ hơn ba năm, bà Đàm đã bị kết án 3 năm 3 tháng tù vào tháng 10 năm 2021. Theo dự kiến bà sẽ được thả vào ngày 14 tháng 1 năm 2022.

Từng bị cầm tù 14 năm, người đàn ông lại một lần nữa lãnh án tù 4,5 năm tù vì kiên định đức tin

Năm tháng sau khi bị bắt trong một đợt truy bắt của cảnh sát vào ngày 20 tháng 6 năm 2021, ông Vương Tân Dân, 72 tuổi, ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án tù.

Nhà chức trách tuyên bố rằng mục đích của cuộc bắt giữ theo nhóm này là để “duy trì an ninh” trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1 tháng 7.

Ông Vương bị giam trong trại tạm giam Mẫu Đơn Giang và các nhà chức trách từ chối để ông được tại ngoại điều trị y tế mặc dù lượng đường trong máu của ông rất cao.

Ngày 29 tháng 10, Tòa án Quận Ái Dân đã xét xử ông Vương. Ông đã tự biện hộ vô tội cho mình. Gần đây ông đã bị kết án 4,5 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Đây là lần thứ hai ông Vương, một nhà nông học cấp cao về hưu của Viện Nghiên cứu Thuốc lá Hắc Long Giang, bị kết án tù vì kiên định đức tin trong hơn hai thập kỷ qua.

Trước đó ông đã từng bị bắt vào ngày 22 tháng 10 năm 2003, và bị kết án 14 năm tù trong Nhà tù Mẫu Đơn Giang. Đầu năm 2014, ông bị bệnh viêm tụy cấp nghiêm trọng và đã được bảo lãnh tại ngoại vào tháng 6 năm 2014. Trước khi hồi phục hoàn toàn, ông đã bị đưa trở lại nhà tù vào ngày 4 tháng 6 năm 2015 và sau đó đã được trả tự do vào năm 2016.

599e3d6c3fff84a2562919a9445d1d09.jpg

Ông Vương Tân Dân tại thời điểm được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế vào tháng 6 năm 2014

Trở thành mục tiêu bức hại vì lên tiếng cho đức tin của mình

Người phụ nữ Quảng Đông bị kết án bốn năm tù vì lên tiếng cho đức tin của bà

Ngày 18 tháng 5 năm 2020, bà Lưu Kim Hoán ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông bị bắt sau khi bị báo cáo vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công và đại dịch virus corona.

Ngày 12 tháng 11 năm 2020, bà Lưu bị đưa ra xét xử tại Toà án Quận Hải Châu. Công tố viên Lâm Kế Thâm đã cáo buộc bà để tài liệu thông tin Pháp Luân Công trên tay nắm cửa của chiếc xe hơi cá nhân vào ngày 6 tháng 5 năm 2020. Nhưng lời khai của nhân chứng Lý Hiểu Cần lại nói rằng các tài liệu đã có sẵn ở đó lúc 6 giờ sáng ngày 6 tháng 5, điều này cho thấy rằng những tài liệu mà Lý thấy không phải do bà Lưu phân phát.

Bằng chứng truy tố chống lại bà Lưu còn bao gồm hơn 1.000 tờ rơi Pháp Luân Công mà cảnh sát tuyên bố là đã được tịch thu từ nhà bà. Nhưng những tài liệu này không hề xuất hiện trong danh sách các đồ vật tịch thu do cảnh sát cung cấp, và cảnh sát cũng không có chữ ký hay xác nhận của bà Lưu về số tờ rơi đó theo quy định của pháp luật.

Hai luật sư của bà Lưu cũng biện hộ vô tội cho bà. Họ chỉ ra rằng không có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Mặc dù công tố viên buộc tội bà “phá hoại việc thực thi pháp luật”, nhưng anh ta không cung cấp được bằng chứng để chỉ ra bà đã phá hoại điều luật nào và phá hoại bằng cách nào.

Thẩm phán phớt lờ phần biện hộ của các luật sư nhưng lại lặp lại lời của công tố viên về việc có bao nhiêu tài liệu được cho là đã tịch thu của bà Lưu và bà đã phân phát bao nhiêu tài liệu.

Ngày 16 tháng 11 năm 2021, thẩm phán đã kết án bà Lưu 4 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ.

8608d7986637403ca799612d532334d2.jpg

Bà Lưu Kim Hoán

Một món đồ lưu niệm Pháp Luân Công và một án tù ba năm

Ngày 29 tháng 5 năm 2021, bà Ngô Lệ Hoa và ông Giả Chí Cường ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã nói với một người đàn ông ở trên đường phố về Pháp Luân Công và tặng anh ta một vật lưu niệm Pháp Luân Công. Sau khi họ rời đi, người đàn ông này đã báo cáo hai học viên với cảnh sát, và cảnh sát nhanh chóng đến bắt giữ họ.

Một cảnh sát của Đồn Công an Dân Chủ đã buộc các học viên tiết lộ địa chỉ và sau đó lục soát nhà của họ. Sách Pháp Luân Công của bà Ngô, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một số vật lưu niệm có hình Pháp Luân, một máy tính xách tay và 5.000 Nhân dân tệ tiền mặt có in thông tin về Pháp Luân Công đã bị tịch thu. (Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công sử dụng nhiều cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, trong đó có việc in thông tin trên tiền giấy).

Tuy nhiên trong danh sách tịch thu, cảnh sát chỉ ghi số tiền 3.000 Nhân dân tệ mà không hề đưa ra lời giải thích nào về số tiền 2.000 Nhân dân tệ còn lại. Về phần ông Giả, cảnh sát cũng lấy đi hai cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp từ nhà của ông.

Bà Ngô bị giam giữ hình sự trong trại tạm giam Số 2 Thành phố Cáp Nhĩ Tân. Viện Kiểm sát Quận Song Thành đã phê chuẩn vụ bắt giữ bà và sau đó truy tố bà, cáo buộc bà sở hữu tiền giấy có chứa thông tin liên quan tới Pháp Luân Công.

Ông Giả được thả sau 15 ngày ở trong Trại tạm giữ Thành phố Cáp Nhĩ Tân và được miễn truy tố.

Bà Ngô bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Đạo Lý vào ngày 30 tháng 10 năm 2021. Thẩm phán không cho phép người nhà của bà tham dự phiên tòa. Ngày 17 tháng 11 năm 2021, con trai bà nhận được thông báo rằng bà đã bị kết án 3 năm tù.

Người phụ nữ nằm liệt giường hồi phục nhờ tập luyện Pháp Luân Công, bị kết án vì phân phát tài liệu về đức tin của mình

Một người phụ nữ 73 tuổi tín tâm vào Pháp Luân Công, pháp môn đã giúp bà đứng dậy sau hai năm nằm liệt giường nhưng đã bị cảnh sát bắt giữ và sau đó bị kết án 2,5 năm tù vì nói với mọi người về sự hồi phục thần kỳ của mình. Bà Trần Hoan được thụ án tại nhà, nhưng gần đây đã bị bắt lại và bị giam kể từ đó

2b6e802d60425eaf95382792458998a1.jpg

Bà Trần Hoan

Bà Trần, quê ở tỉnh Hắc Long Giang, bị đột quỵ vào năm 2006 và phải nằm liệt giường trong hai năm sau đó. Bác sĩ đã thông báo về tình trạng nguy kịch cho bà.

Cô con gái út của bà Trần, làm việc ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã đưa bà đến Đại Liên để chăm sóc. Vào tháng 12 năm 2008, bà Trần được một người dân địa phương giới thiệu về Pháp Luân Công. Sau ba ngày luyện tập, bà đã có thể ra khỏi giường và nấu ăn cho con gái của mình.

Vì lòng biết ơn sâu sắc đối với Pháp Luân Công, bà đã nỗ lực chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người, hy vọng rằng nhiều người có thể được hưởng lợi từ pháp môn này. Tháng 12 năm 2010, bà bị bắt lần đầu tiên sau khi bị tố giác vì đã phân phát tài liệu về Pháp Luân Công và bị giam giữ tại đồn cảnh sát Loan Lý trong hai ngày. Khi bà có triệu chứng huyết áp cao, cảnh sát mới thả bà ra.

Trong trận đại dịch vào năm 2020, vào tháng 5 bà Trần lại bị tố giác vì phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà đã bị các cảnh sát từ cùng đồn cảnh sát Loan Lý bắt và được thả vào buổi tối.

Cảnh sát sau đó đã đệ trình hồ sơ của bà Trần lên viện kiểm sát. Sau đó, Viện kiểm sát đã truy tố bà và chuyển hồ sơ của bà lên Tòa án Phổ Lan Điếm. Mặc dù tòa án đã ra lệnh bắt bà vào cuối năm 2020 nhưng bà Trần đã được thả ra sau hai ngày vì tình trạng sức khỏe yếu.

Tháng 4 năm 2021, tòa án đã ra lệnh bắt giữ bà Trần một lần nữa. Bà bị nhốt trong một cái lồng kim loại trong ba ngày và bị chứng cao huyết áp nguy hiểm. Vài ngày sau khi bà được trả tự do, thẩm phán đã kết án bà Trần 2,5 năm tù giam và cho phép bà thụ án tại nhà.

Cảnh sát giám sát cuộc sống hàng ngày của bà Trần. Ngày 16 tháng 8 năm 2021, bà bị Trương Tuấn Trì, một viên chức từ đồn cảnh sát Loan Lý bắt giữ bên ngoài nhà của con gái bà. Bà đã bị giam giữ bất hợp pháp kể từ đó.

Giáo viên về hưu bị kết án 3,5 năm tù vì chia sẻ lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công

Bà Vương Kiệt Mai, 60 tuổi, một giáo viên về hưu ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, từng bị viêm túi mật nặng và mất ngủ. Bởi chồng bà cũng phải vật lộn với sức khỏe yếu, nên hầu hết mọi việc nhà đều do bà gánh vác, khiến bà thường xuyên cáu gắt và dễ nổi nóng. Sau một thời gian ngắn tu luyện Pháp Luân Công, bà đã hồi phục sức khỏe. Bà tràn đầy năng lượng và suy nghĩ cởi mở hơn.

Sau khi dịch bệnh virus corona bùng phát ở Trung Quốc, bà Vương cảm thấy cần phải chia sẻ sức mạnh trị bệnh thần kỳ của Pháp Luân Công cho mọi người để nhiều người có thể được thụ ích giống như bà. Bởi nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công ở gần thành phố Thẩm Dương, nên bà đã bị tố cáo vào ngày 21 tháng 2 năm 2021 và bị cảnh sát của Đồn Công an Cao Khảm ở Thẩm Dương bắt giữ.

Sau gần 9 tháng bị giam giữ tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Thẩm Dương, bà Vương đã bị Tòa án Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ đưa ra xét xử tại trại tạm giam vào ngày 11 tháng 10.

Trước phiên xét xử, trại tạm giam đã yêu cầu luật sư và người bào chữa gia đình nộp lịch trình đi lại của họ trong 30 ngày qua, cũng như giấy xác nhận của nơi làm việc hay ủy ban khu dân cư để xác nhận lịch trình đó. Bởi luật sư đã đi ra ngoài thị trấn để tham dự một phiên tòa xét xử khác, nên ông còn bị yêu cầu phải nộp xét nghiệm phân tử âm tính với virus corona.

Phiên tòa xét xử diễn ra trong một phòng thăm thân rộng 100m2 với hai hàng ghế ngồi. Ngoại trừ thư ký tòa án Đoạn Khả Tâm, ngồi trên một chiếc ghế để đánh máy thủ tục toà án, thì chủ tọa Dương Tùng, một hội thẩm và một chấp hành viên đều đứng trong suốt phiên toà xét xử. Hai thẩm phán khác chỉ có thể đứng ở ngoài hành lang. Hai công tố viên Hầu Dục và Ngụy Hiểu Tuyết ngồi chung một ghế và thay phiên nhau ngồi. Luật sư và người bào chữa gia đình của bà Vương cũng phải ngồi chung một ghế. Bà Vương phải ngồi phía sau hàng rào sắt. Gia đình bà bị cấm tham dự phiên tòa vì họ không nhận được giấy xác nhận của văn phòng cộng đồng.

Luật sư của bà Vương đã biện hộ vô tội cho bà. Ông nói rằng việc cảnh sát bắt giữ và giam giữ bà hơn nửa năm chỉ vì bà đã nói vài lời với người khác là hành vi không thể chấp nhận. Bởi công tố viên cáo buộc bà tội danh được quy chuẩn là “phá hoại việc thực thi pháp luật”, nên luật sư đã hỏi bà Vương phá hoại việc thực thi pháp luật như thế nào và bà phá hoại điều luật nào.

Luật sư nói thêm rằng cảnh sát đã vi phạm thủ tục pháp lý trong khi xử lý vụ án của bà gồm lục soát nhà mà không có lệnh khám và ghi sai ngày bắt giữ. Đồn Công an Cao Khảm ở Thẩm Dương đã yêu cầu Đồn Công an Cao Loan ở Phủ Thuận trợ giúp lục soát nhà bà Vương, nhưng yêu cầu như vậy phải do sở cảnh sát địa phương ban hành chứ không phải giữa các đồn công an với nhau. Điều này khiến việc lục soát nhà bà Vương không có giá trị và tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu từ nhà của bà không thể được chấp nhận làm bằng chứng truy tố ngay từ ban đầu.

Luật sư còn yêu cầu thẩm phán triệu tập nhân chứng ra trước tòa và công tố viên trình ra bằng chứng truy tố để đối chất.

Luật sư nói trong cuối tuyên bố bào chữa của mình: “Việc một người phụ nữ cao tuổi nói với những người lạ về Pháp Luân Công và mong muốn họ được bình an bất chấp thời tiết giá lạnh và đại dịch là điều hoàn toàn xuất phát từ tâm từ bi và lòng tốt của bà. Nếu các vị không tin bà ấy nói, thì ít nhất các vị nên tôn trọng bà ấy. Ngay cả nếu các vị không tôn trọng bà, các vị chỉ cần bỏ đi. Tại sao các vị bắt và giam giữ bà ấy thời gian lâu như vậy?”

Sau phiên tòa xét xử, gia đình bà Vương cũng nỗ lực hối thúc thẩm phán không tham gia vào việc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Thẩm phán không lắng nghe và gần đây đã kết án bà Vương 3,5 năm tù cùng 10.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Một người phụ nữ bị kết án bốn năm vì dán câu đối có nội dung về Pháp Luân Công trên cửa nhà

Ngày 15 tháng 12 năm 2020, bà Lâu Á Hồng, 56 tuổi, ở thành phố Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, đã bị bắt tại nhà không lâu sau khi bà đi mua sắm về. Một nhóm cảnh sát đã xông vào nhà bà và tịch thu máy tính và các sách Pháp Luân Công của bà.

Một cảnh sát tiết lộ rằng họ bắt giữ người cựu kế toán viên này vì những câu đối bà treo trên cửa nhà bà, nội dung là “Trời ban hồng phúc; Tu tâm hướng thiện, phúc thọ an khang; kính thiên trọng đức, như ý cát tường” và phía trên có dòng chữ “Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.

Sau khi kết thúc 15 ngày tạm giam hành chính, bà Lâu bị cảnh sát giam giữ hình sự tại trại tạm giam Du Lâm.

Luật sư của bà đã nộp thư ý kiến pháp lý, hối thúc Viện Kiểm sát quận Nguỵ Đô không phê chuẩn vụ bắt giữ bà. Trịnh Kiến Nghiệp, viện trưởng viện kiểm sát, đã phớt lờ ý kiến của luật sư và vẫn phê chuẩn bắt giữ bà.

Từ đó, viện kiểm sát đã không cho luật sư của bà Lâu biết tình trạng về tình hình vụ việc của bà.

Tháng 3 năm 2021, khi luật sư gọi cho viện kiểm sát thì ông được nói rằng cảnh sát chưa trình hồ sơ vụ việc. Khi ông gọi lại vào ngày 7 tháng 4, thì vẫn được thông báo rằng cảnh sát đang điều tra vụ việc.

Khi ông gọi lại vào ngày 22 tháng 4, một nữ công tố viên nói với luật sư rằng họ vừa mới nhận hồ sơ một ngày trước và bảo ông có thể đến trong tuần để xem hồ sơ.

Ngày 28 tháng 4, khi luật sư đến viện kiểm sát ông đã rất ngạc nhiên khi biết rằng người tiếp tân không tìm thấy hồ sơ vụ án của bà Lâu hoặc là việc nhận hồ sơ không được ghi nhận trên hệ thống máy tính của họ.

Nghi ngờ rằng công tố viên có thể đã truy tố bà Lâu, luật sư đã đến toà án để hỏi về trường hợp của bà. Tiếp tân của toà án cho ông biết rằng công tố viên Trịnh Kiến Nghiệp đã truy tố bà Lâu và chuyển hồ sơ của bà đến toà án vào ngày 22 tháng 4, đây cũng là ngày mà luật sư đã gọi điện lần cuối trước khi tới tòa án.

Sau đó luật sư biết rằng cảnh sát đã chuyển hồ sơ của bà Lâu đến viện kiểm sát vào ngày 12 tháng 3 và công tố viên đã đến trại tạm giam để hỏi bà vài câu hỏi vào ngày 18 tháng 3. Nhưng những việc này không có trong hồ sơ viện kiểm sát và người trả lời cuộc gọi luôn nói với luật sư rằng họ không nhận được hồ sơ của bà Lâu khi ông gọi vào tháng 3 và ngày 7 tháng 4.

Toà án quận Nguỵ Đô đã xét xử bà Lâu vào ngày 26 tháng 5 năm 2021. Luật sư đã biện hộ vô tội cho bà và yêu cầu tha bổng bà. Không ai trong gia đình bà được tham dự phiên toà.

Thẩm phán đã kết án bà Lâu 4 năm tù và phạt 3.000 nhân dân tệ vào đầu tháng 7 năm 2021. Bà đã kháng án nhưng toà án trung cấp vẫn giữ nguyên bản án ban đầu.

Bà Lâu đã bị đưa đến Nhà tù Nữ Tân Hương vào đầu tháng 11 năm 2021. Bà đã tuyệt thực để phản đối bức hại và bị bức thực tàn bạo qua đường mũi. Tra tấn cũng khiến bà bị huyết áp cao dai dẳng.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Lâu trở thành mục tiêu bức hại của chính quyền vì tu luyện Pháp Luân Công, pháp môn mà mà bà tin rằng đã giúp chữa lành bệnh viêm khớp dạng thấp của bà. Trước đây bà từng bị kết án cưỡng bức lao động một năm vào tháng 10 năm 2005 và bị kết án 1 năm tù vào tháng 9 năm 2017.

Người đàn ông Liêu Ninh bị bắt giữ đúng vào ngày sinh nhật đã bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 20 tháng 11 năm 2021, gia đình ông Lưu Khánh Dư đã nhận được thông báo rằng ông đã bị kết án 4,5 năm tù và phạt 10.000 nhân dân tệ. Cư dân thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh này đã bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

0d633e12ac96c1db055da87dae1a9eb6.jpg

Ông Lưu Khánh Dư

Ông Lưu ở thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh bị bắt vào trưa ngày 12 tháng 4 năm 2021 khi đang cùng vợ là bà Trương Sướng tổ chức sinh nhật cho ông tại một nhà hàng. Một ngày trước đó ông bị báo cáo vì phân phát thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công, cảnh sát đã theo dõi ông một ngày trước khi tiến hành vụ bắt giữ.

Cảnh sát lấy chìa khóa nhà từ trong xe hơi của hai vợ chồng và đi từ nhà này sang nhà khác ở trong khu dân cư để tìm ra nhà của ông.

Bà Trương được thả sau 38 ngày bị giam trong trại tạm giam thành phố Doanh Khẩu, còn khi đó ông Lưu vẫn bị giam trong trại tạm giam thành phố Đại Thạch Kiều.

Ngày 13 tháng 8, Viện Kiểm sát quận Trạm Tiền đã truy tố ông Lưu và Tòa án quận Trạm Tiền đã xét xử ông vào ngày 22 tháng 10. Một tháng sau ông bị kết án.

Trước án tù gần đây nhất, ông Lưu từng nhiều lần bị bắt giữ. Ông đã ba lần thụ án lao động cưỡng bức và một năm ngồi tù, với tổng thời gian bị giam giữ là 4,5 năm, chỉ bởi kiên định đức tin.

Người phụ nữ Liêu Ninh bị kết án vì kiên định đức tin, người mẹ già 86 tuổi vô cùng suy sụp

Bà Tùng Hà ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh bị bắt vào ngày 14 tháng 5 năm 2020 trong khi đang dán các áp phích thông tin về Pháp Luân Công. Khi chồng bà tan làm trở về nhà, ông đã rất sốc khi thấy nhà mình trở thành một đống lộn xộn. Các sách Pháp Luân Đại Pháp và máy in ở nhà họ bị lấy đi.

Sau khi vụ bắt giữ bà Tùng được phê chuẩn, chồng bà đã đi tới đồn công an để hỏi về tình hình của bà. Cảnh sát từ chối tiết lộ mọi thông tin liên quan và đe dọa sẽ bắt giữ ông, khiến cho công chức nhà nước này vô cùng áp lực.

Vụ bắt giữ bà Tùng cũng giáng một đòn nặng lên người mẹ già 86 tuổi của bà, người đang sống một mình. Bà cụ đã bật khóc mỗi khi những người con khác của cụ tới thăm và rồi bị đau răng và loét miệng.

Em trai của bà Tùng đã nhiều lần đưa mẹ của họ đến Văn phòng An ninh Nội địa quận Tây Cương để yêu cầu thả bà nhưng vô ích.

Sau đó cảnh sát đã trình hồ sơ của bà Tùng lên Viện kiểm sát quận Tây Cương. Tháng 2 năm 2021 bà bị đưa ra xét xử và sau đó bị kết án bốn năm tù. Đến tháng 7, bà đã kháng cáo lên tòa án trung cấp và tòa án này đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của bà vào tháng 10.

Bài liên quan:

108 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 10 năm 2021

101 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ được báo cáo trong tháng 9 năm 2021

91 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 8 năm 2021

69 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 7 năm 2021

667 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong nửa đầu năm 2021

96 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 5 năm 2021

90 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2021

100 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2021

120 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin trong tháng 2 năm 2021

186 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào tháng 1 năm 2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/4/434358.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/7/196897.html

Đăng ngày 12-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share