Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 07-04-2021] Trong tháng 3 năm 2021, Minh Huệ Net đã xác nhận thêm 100 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ, bao gồm 25 người trong năm 2020, 5 người trong tháng 2 năm 2021 và 70 người trong tháng 3 năm 2021.

Những trường hợp mới xác nhận đã nâng tổng số học viên đã được xác nhận bị kết án trong năm 2020 lên 839, trong tháng 1 lên 53 và trong tháng 2 lên 125.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, rất nhiều học viên đã bị bắt giữ, cầm tù, tra tấn, lao động cưỡng bức và thậm chí bị mổ cướp nội tạng.

Các học viên bị kết án được báo cáo trong tháng 3 năm 2021 đến từ 46 thành phố ở 20 tỉnh thành và thành phố trực thuộc trung ương. Nhiều nhất là tỉnh Cát Lâm (18), sau đó là Hà Nam (15), Liêu Ninh (11) và Sơn Đông (10). Các bản án có thời hạn từ 2 tháng tới 9 năm, trung bình là 3,91 năm. Bản án của 1 học viên hiện vẫn chưa rõ.


Có tất cả 28 học viên bị tòa án tuyên phạt từ 1.000 đến 80.000 Nhân dân tệ với tổng số tiền là 284.000 Nhân dân tệ, trung bình 10.143 Nhân dân tệ một học viên.

Tại thời điểm bị kết án, có 100 học viên có độ tuổi từ 37 tới 81 tuổi, 17 học viên 65 tuổi hoặc trên 65 tuổi và án tù của họ có thời hạn từ 2 tháng tới 9 năm.

Học viên lớn tuổi nhất là bà Vu Thục Phương ở thành phố Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc bị kết án bốn năm tù.

Bà Hà Hỉ Mai, 70 tuổi, một cựu giám đốc kinh doanh tại Công ty Tiện ích Khí ga Đầm lầy Thành phố Nam Dương ở tỉnh Hà Nam đã nhận được rất nhiều giải thưởng trong công việc. Bà bị kết án 9 năm tù giam cùng 30.000 nhân dân tệ tiền phạt. Chồng của bà là ông Thiếp Lâm Phong bị kết án bốn năm tù giam cùng 10.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Dưới đây là tóm tắt về một số bản án đã được báo cáo trong tháng 3 năm 2021. Danh sách đầy đủ của các học viên bị kết án có thể được tải xuống tại đây

Bắt giữ và kết án nhóm

Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm: 14 học viên Pháp Luân Công, trong đó có 7 người trong một gia đình bị kết án từ 7 đến 9 năm

Sau một năm rưỡi bị giam giữ, 14 cư dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị kết án tù vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công.

Bảy trong trong số các học viên bị kết án là thành viên của cùng một gia đình. Trong đó, anh Mạnh Tường Kỳ, 37 tuổi và mẹ vợ, bà Phó Quý Hoa, 55 tuổi, đều bị kết án 7,5 năm.

Cha của anh Mạnh, ông Mạnh Phàm Quân, 59 tuổi; chị dâu của anh, cô Vu Kiện Lỵ, 30 tuổi; Chồng của cô Vu, anh Vương Đông Cát, 40 tuổi; và cha mẹ của anh Vương, ông Vương Khắc Dân, 69 tuổi và bà Vương Phượng Chi, 69 tuổi, đều bị kết án 7 năm.

Bảy học viên khác cũng nhận bị lĩnh án nặng. Ông Giang Đào, 46 ​​tuổi, bị kết án 9 năm. Ông Hầu Hồng Khánh, 49 tuổi; Ông Hàn Kiến Bình, 58 tuổi; Ông Đàm Thu Thành, 44 tuổi; Bà Trương Thiệu Bình, 51 tuổi; Bà Thôi Quế Hiền, 56 tuổi; Bà Lưu Đông Anh (mẹ của con rể bà Thôi), 55 tuổi, đều bị kết án 7 năm.

Tất cả mười bốn học viên đã bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát vào ngày 15 tháng 8 năm 2019. Họ bị Tòa án huyện Lê Thụ xét xử vào ngày 28 tháng 9 năm 2020. Trong quá trình tố tụng, nhà chức trách liên tục ngăn cản luật sư của các học viên đại diện cho họ. Khi luật sư cố gắng đòi công lý cho thân chủ của mình, thẩm phán Thôi Nhân đã nói: “Nếu anh nghĩ tôi đã vi phạm pháp luật thì cứ việc đệ đơn khiếu nại ở bất cứ đâu anh muốn.”

Thẩm phán đã công bố phán quyết của họ vào đầu tháng 3 năm 2021.

Bài liên quan: Từng bị cầm tù trong hơn một thập kỷ, người đàn ông Cát lâm lại bị kết án bảy năm vì kiên định đức tin của mình

Thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam: 14 học viên bị nhắm đến trong vụ bắt giữ hàng loạt đã bị kết án từ 2 đến 9 năm

Sau một năm rưỡi tù giam, 14 người dân ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam đã bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Hà Hỉ Mai bị kết án chín năm tù giam cùng 30.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Bà Tào Ái Lan bị kết án tám năm tù giam cùng 30.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Ông Vương Thiết Tráng bị kết án bảy năm tù giam cùng 20.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Ông Thiếp Lâm Phong (chồng bà Hà) bị kết án bốn năm tù giam cùng 10.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Bà Hà Lan Anh, gần 80 tuổi đã bị kết án bốn năm tù cùng 5.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Bà Lật Mỹ Ngọc đã bị kết án bốn năm tù giam cùng 5.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Bà Trương Ngọc Liên đã bị kết án ba năm năm tháng tù giam cùng 5.000 nhân dân tệ tiền phạt

Bà Viên Hỉ Phong bị kết án ba năm tù giam cùng 5.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Ông Khuê Ứng Tường, ngoài 80 tuổi bị kết án ba năm tù giam cùng 5.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Ông Trương Hỉ Bân, 80 tuổi đã bị kết án ba năm tù giam cùng 5.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Ngoài ra còn có bà Viên Đại Linh, ông Cổ Kính An và bà Lưu Phó Vinh bị kết án ba năm án treo cùng 5.000 nhân dân tệ tiền phạt. Ông Ngụy Kiệt bị kết án hai năm án treo cùng 5.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Trước khi nghỉ hưu, ông Vương là Giám đốc Sở Công nghiệp và Thương mại Thành phố Nam Dương. Bởi lên tiếng cho Pháp Luân Công, ông đã phải thụ án ba năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Số 3 Tỉnh Hà Nam từ năm 2001 tới năm 2004. Lính canh trại lao động đã tra tấn ông bằng cách trói ông lại và sử dụng bàn chải đánh răng để chà vào hậu môn của ông.

Bà Tào, 68 tuổi bị bắt giữ bốn lần và bị kết án hai lần với tổng thời gian là 8 năm vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Hà, 70 tuổi, một cựu giám đốc kinh doanh tại Công ty Tiện ích Khí ga Đầm lầy Thành phố Nam Dương, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997. Rất nhiều bệnh của bà gồm đau cổ, bệnh dạ dạy và huyết áp thấp đã nhanh chóng được chữa khỏi. Với sức khỏe tốt, bà hoàn thành công việc tốt hơn và nhận được nhiều giải thưởng. Bà Hà và chồng là ông Thiếp liên tục bị bức hại vì đức tin của mình.

Tất cả các học viên bị bắt giữ vào ngày 30 và 31 tháng 8 năm 2019 trong một vụ bắt giữ hàng loạt hơn 160 học viên. Được biết rằng cảnh sát và ủy ban chính trị pháp luật, một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công đã theo dõi các học viên từ tháng 4 năm 2019. Vào tháng 7 năm 2019, cảnh sát và nhân viên ủy ban khu dân cư đã tới gặp các học viên tại nhà riêng, thu thập thông tin về chứng minh nhân dân và hộ khẩu của họ. Hầu hết các học viên đều bị chụp hình.

Khoảng 4 giờ chiều ngày 29 tháng 8 năm 2019, tất cả các cảnh sát tham gia vụ bắt giữ tập chung tại một địa điểm và được lệnh tắt điện thoại di động của mình. Khoảng 10 giờ tối cùng ngày, họ tiến hành phối hợp bắt giữ và lục soát nhà của các học viên. Các vụ bắt giữ tiếp tục kéo dài tới nửa đêm và mở rộng ra khu vực ngoại ô Nam Dương.

Bản án nặng và liên tục bị bức hại

Người đàn ông Hà Bắc bị kết án 8 năm tù, gia đình đã nộp đơn kháng cáo

Gia đình ông Dương Kiến Lục đang kháng cáo bản án tám năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công của ông.

Vào ngày 3 tháng 12 năm 2019, khi ông Dương và vợ là bà Vương Huệ Quân đang nói chân tướng Pháp Luân Công với người dân ở một khu chợ thì bị cảnh sát bắt giữ. Được biết những cảnh sát này đã theo dõi họ từ trước. Hai ngày sau bà Vương đã được thả, còn ông Dương vẫn bị giam trong trại tạm giam Tuyên Hóa kể từ đó.

Ông Dương bị xét xử tại Tòa án Quận Tuyên Hóa vào ngày 4 tháng 9 năm 2020. Luật sư đã bào chữa vô tội cho ông và đọc một bản tuyên thệ có chữ ký của 415 dân làng ủng hộ ông Dương. Con gái ông cũng biện hộ vô tội cho cha mình.

Gần đây thẩm phán tuyên bố ông Dương đã bị kết án tám năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ. Hiện gia đình đang giúp ông kháng cáo.

Bị tra tấn đến tàn tật, người phụ nữ Giang Tây một lần nữa bị kết án 8 năm tù.

Trong tháng 3 năm 2021, Minh Huệ Nét đã xác nhận rằng người phụ nữ 56 tuổi đã bị cầm tù để thụ án tám năm tù.

Ngày 25 tháng 3 năm 2020, bà Lý Mỹ Liên, 56 tuổi ở thành phố Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây bị bắt giữ và vụ bắt giữ của bà được phê chuẩn vào ngày 22 tháng 4. Ngày 6 tháng 5 năm 2020, bà được đưa tới Bệnh viện Thành phố Ưng Đàm vì lý do sức khỏe.

Vào ngày 30 tháng 10 năm 2020, bà Lý cùng các học viên khác bị đưa ra xét xử từ xa và bà bị kết án tám năm tù.

Trước bản án lần này, bà Lý đã hai lần bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức với tổng thời gian hơn ba năm và một lần bị kết án năm năm tù.

Năm 2000, bà Lý bị đánh đập, bị còng trên giường chế và bị bức thực trong khi đang ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây. Năm 2002, bà bị đưa tới Nhà tù Nữ Giang Tây sau khi bị kết án. Bà bị đá, bị treo giò và bị cắt gân kheo chân.

Trong khi đang bị cầm tù, chồng và một trong số cha mẹ của bà đã qua đời, do đó con trai bà phải tự lập. Công việc kinh doanh đang khởi sắc của bà cũng bị buộc phải đóng cửa.

Vào ngày 30 tháng 3 năm 2012, bà Lý bị bí mật đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây hai năm, mặc dù không có thủ tục pháp lý nào được phép làm như thế. Trong khi lao động cưỡng bức lần hai, bà bị trói trên ghế cọp, bị đánh đập và tiêm thuốc không rõ nguồn gốc.

Người già bị nhắm đến

Cụ bà 81 tuổi bị kết án bốn năm vì treo một tấm biểu ngữ

Gần đây Minhhui.org đã xác nhận được rằng bà Vu Thục Phượng, 81 tuổi, đã bị kết án bốn năm tù và hiện vẫn đang bị giam giữ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Bà Vu ở thành phố Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc đã bị bắt vào tháng 1 năm 2020 sau khi bị camera giám sát ghi lại khi đang treo một tấm biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Mặc dù hai chân bà bị tàn tật, thính lực bị thương tổn, nhưng các nhà chức trách vẫn kết án bà và đưa bà đến Nhà tù Nữ Lan Châu để thụ án.

Đây là lần thứ hai bà Vu bị kết án vì kiên định đức tin. Trước đó bà từng bị bắt vào ngày 25 tháng 3 năm 2006 vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Sau khi bị hơn tám tháng bị giam giữ bà đã bị bí mật kết án trong Nhà tù Nữ Lan Châu.

Trong khi bà ở trong trại tạm giam, lính canh đã tra tấn bà hòng cưỡng ép bà từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng bà vẫn luôn kiên định đức tin của mình.

Người phụ nữ 68 tuổi bị kết án 7,5 năm tù

Bà Trương Tố Anh 68 tuổi ở thành phố Hoài An, tỉnh An Huy đã bị kết án 7,5 năm tù vào tháng 3 năm 2021.

Bà Trương bị bắt vào khoảng ngày 19 tháng 6 năm 2020. Bà đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Thanh Giang Phổ vào ngày 9 tháng 12 năm 2020. Luật sư đã biện hộ vô tội cho bà.

Trong những năm gần đây, chính quyền thành phố Hoài Nam đã chỉ định viện kiểm sát và tòa án quận Thanh Giang Phổ chịu trách nhiệm giải quyết hầu hết các vụ án Pháp Luân Công như là một cách để đẩy nhanh quá trình tuyên án.

Trước bản án gần đây nhất, bà Trương từng bị bắt vào năm 2000 vì làm tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà đã bị thẩm vấn năm ngày, cấm ngủ và bị chiếu ánh sáng mạnh. Sau đó bà bị cưỡng bức lao động ba năm.

Vào ngày 13 tháng 5 năm 2012, bà Trương lại bị bắt trong khi đang cùng các học viên khác học các bài giảng của Pháp Luân Công. Cháu gái 5 tuổi của bà cũng bị cảnh sát bắt đi. Trong khi cháu gái bà đã sớm được đưa về nhà, bà Trương lại bị chuyển tới một trung tâm tẩy não để bức hại thêm nữa.

Bà Trương còn bị bắt một lần nữa và nhà của bà bị lục soát vào ngày 12 tháng 6 năm 2014. Bà đã được bảo lãnh tại ngoại vào ngày hôm sau.

Người phụ nữ 77 tuổi bị kết án bốn năm tù giam

Sau một năm rưỡi bị giam giữ, bà Vương Tuyết Trinh, 77 tuổi, đã không thể tự mình đi lại vì bị ngược đãi trong trại giam. Hiện bà đang đối mặt với tình cảnh thê thảm sau khi bị kết án bốn năm tù vào ngày 17 tháng 3 năm.

2021-4-6-i084823_01.jpg
Bà Vương Tuyết Trinh

Bà Vương Tuyết Trinh, một cư dân thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt vào ngày 9 tháng 7 năm 2019 vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Tòa án Thành phố Quảng Châu đã phê chuẩn bắt giữ bà vào ngày 16 tháng 8 năm 2019. Sau khi tiếp nhận vụ án của bà vào đầu tháng 10, Viện Kiểm sát Thành phố Quảng Châu đã chuyển hồ sơ của bà tới Viện Kiểm sát Quận Hải Châu, và cơ quan này đã truy tố bà vào đầu tháng 11 năm 2019, rồi sau đó chuyển hồ sơ của bà sang Tòa án Quận Hải Châu.

Trong những năm gần đây, Viện Kiểm sát Quận Hải Châu và Tòa án Quận Hải Châu đã được chỉ định giải quyết hầu hết các vụ án Pháp Luân Công trên địa bàn Quảng Châu nhằm đẩy nhanh hơn quá trình truy tố các học viên.

Vào ngày 3 tháng 1 năm 2020, Tòa án Quận Hải Châu đã xét xử bà Vương. Gia đình không nhận được thông báo về phiên tòa. Bà Vương từ chối tiếp nhận luật sư do tòa án chỉ định, bởi người này được chỉ đạo phải thay bà nhận tội. Bà đã tự đóng vai trò là luật sư và cũng tự biện hộ vô tội cho mình.

Bà Vương nói rằng không có luật nào ở Trung Quốc quy định tu luyện Pháp Luân Công là phạm tội và rằng không hề có bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho cuộc bức hại này. Bà khẳng định bà không làm gì phạm pháp. Bà cũng làm chứng chống lại cảnh sát khi họ tiến hành lục soát nhà bà mà không có sự có mặt của bà hoặc người nhà bà và cáo buộc bà phạm “tội” khi cố gắng trở thành một người tốt.

Phiên xét xử bà Vương diễn ra một ngày sau phiên tòa của con trai bà là anh Mã Dân Khánh, cũng là một học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ. Mặc dù họ bị bắt trong cùng một ngày, nhưng bà Vương không biết việc con trai bị bắt giữ cho đến khi bà tình cờ trông thấy anh trong trại tạm giam.

Vào đầu tháng 8, khi luật sư do gia đình bà Vương thuê tới gặp bà, bà nói với luật sư rằng bà đang bị đau lưng dữ dội và đôi khi bà không thể đi lại, nên bà hải bò trên sàn nhà. Bà yêu cầu được khám bác sỹ, nhưng quản giáo đã phớt lờ bà.

Vào cuối tháng 10, một người biết về tình huống của bà Vương đã nói với gia đình bà rằng bà đã bị tra tấn kéo căng ở trong trại tạm giam Quận Hải Châu. Bà bị thương nặng đến mức không thể đứng thẳng người hay đi lại. Bà cũng phải ngồi trên xe lăn khi luật sư tới gặp bà một lần nữa vào ngày 3 tháng 11.

Vào ngày 17 tháng 3 năm 2021, thẩm phán của Tòa án Quận Hải Châu đã xét xử bà Vương qua một phiên tòa trực tuyến và kết án bà bốn năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ. Không rõ con trai bà đã bị kết án hay chưa.

Một người phụ nữ 71 tuổi bị kết án 3,5 năm tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đức tin của bà

Vào ngày 9 tháng 3 năm 2021, bà Trần Đức Xuân, 71 tuổi, ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã bị kết án 3,5 năm tù và phạt 5.000 nhân dân tệ.

Vào ngày 12 tháng 4 năm 2019, bà Trần, một công nhân nhà máy cơ khí về hưu, đã bị bắt cùng với một học viên khác là bà Đường Vĩnh Tiên, sau khi họ bị cảnh sát mặc thường phục ghi hình lại khi đang phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công để nói với mọi người về pháp môn này.

Cả hai người phụ nữ này đều bị đưa tới Đồn Công an Quang Minh. Cảnh sát đã cưỡng chế chụp ảnh và thu thập dấu vân tay của họ. Bà Đường đã được thả vào khoảng 1 giờ sáng, còn bà Trần được thả vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau.

Cảnh sát và một chủ nhiệm ủy ban cư dân đã kéo đến sách nhiễu bà Trần tại nhà vào ngày 9 tháng 7 năm 2019. Họ chụp hình bà và hỏi liệu bà có còn tu luyện Pháp Luân Công hay không. Bà Trần trả lời rằng tất nhiên là bà vẫn tu luyện, một công pháp tốt như thế này bà sao có thể không luyện được.

Vào ngày 29 tháng 6 năm 2020, trong khi chăm sóc cho người chồng nằm liệt giường ở trong bệnh viện, bà Trần đã nhận được điện thoại của Viện Kiểm sát thành phố Bành Châu. Người gọi tới nói rằng họ dự định kết án bà ba năm tù, và yêu cầu bà phải tới báo cáo với viện kiểm sát vào ngày 2 tháng 7.

Bà Trần đi tới viện kiểm sát theo như yêu cầu. Một công tố viên nói với bà: “Bởi bà phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công và bảo mọi người thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên án tù ba năm dành cho bà là nhẹ nhất rồi.”

Công tố viên cưỡng chế bà Trần ký tên vào một số giấy tờ và phạt bà 2.000 nhân dân tệ. Ông ta cũng bảo bà đợi thư thông báo hầu tòa của tòa án.

Vì các viện kiểm sát ở Trung Quốc đều không có thẩm quyền trực tiếp kết án hoặc phạt tiền công dân, nên viện kiểm sát địa phương nơi bà Trần sinh sống có lẽ án tù mà viện kiểm soát đưa ra để đe dọa bà ở trên là án tù mà họ đã đề xuất với tòa án địa phương.

Vào ngày 19 tháng 1 năm 2021, bà cảnh sát đã bắt giữ bà Trần một lần nữa và đưa bà tới bệnh viện để kiểm tra y tế. Sau khi trại tạm giam từ chối tiếp nhận bà vì bà bị huyết áp cao, bà đã được thả vào khoảng 10 giờ đêm.

Vào ngày 9 tháng 3 năm 2021, Tòa án thành phố Bành Châu đã xét xử bà Trần. Bà khẳng định rằng bà đã không làm gì sai và cuộc bức hại này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Vào cuối phiên tòa kéo dài một tiếng đồng hồ, thẩm phán đã kết án bà 3,5 năm tù và phạt 5.000 nhân dân tệ.

Bài liên quan:

120 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin trong tháng 2 năm 2021

186 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào tháng 1 năm 2021

622 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án vì đức tin trong năm 2020

15.235 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt giữ và sách nhiễu trong năm 2020

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/7/423068.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/12/191845.html

Đăng ngày 12-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share