Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 05-10-2021] Tháng 9 năm 2021 đã ghi nhận 101 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999.
Trong số 101 trường hợp mới được báo cáo, 16 trường hợp trong nửa đầu năm 2021, 5 trường hợp trong tháng 7 năm 2021, 28 trường hợp trong tháng 8 năm 2021 và 50 trường hợp trong tháng 9 năm 2021. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, cuộc bức hại không phải lúc nào cũng được báo cáo kịp thời, cũng như tất cả các thông tin không phải lúc nào cũng đều có sẵn.
Tại thời điểm viết bài, có tất cả 928 trường hợp bị kết án đã được báo cáo từ giữa tháng 1 tới tháng 9 năm 2021 với trung bình 103 trường hợp trên một tháng.
Các trường hợp bị kết án trong tháng 9 diễn ra tại 19 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Năm tỉnh đứng đầu với số trường hợp hai con số là Sơn Đông (16), Hắc Long Giang (14), Liêu Ninh (14), Cát Lâm (13) và Hà Bắc (13). 14 khu vực còn lại có số trường hợp bị kết án là 1 con số.
Án tù của các học viên từ 3 tháng tới 12 năm, với trung bình là 3 năm 3 tháng. Án tù dài nhất, 12 năm, là của một người đàn ông ở Thiên Tân. Vợ và con gái ông cũng tu luyện Pháp Luân Công bị kết án 10 và 7 năm.
35 học viên vẫn chưa biết tuổi, có 4 học viên ngoài 40 tuổi, 5 học viên ngoài 50 tuổi, 2 học viên ngoài 60 tuổi, 15 học viên ngoài 70 tuổi và 9 học viên ngoài 80 tuổi. Đặc biệt, một người đàn ông 88 tuổi cùng vợ của ông 82 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang đều bị kết án ba năm tù.
Ngoài ra, 37 học viên bị tòa án phạt tổng số tiền là 500.000 Nhân dân tệ, trung bình 13.514 Nhân dân tệ trên một người. 19 học viên trong số họ bị phạt từ 1.000 tới 8.000 Nhân dân tệ và 18 học viên còn lại bị phạt từ 10.000 đến 50.000 Nhân dân tệ.
Dưới đây là thông tin tóm tắt các trường hợp được báo cáo trong tháng 9 năm 2021. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể được tải xuống tại đây (PDF).
Án tù nặng
Cha mẹ và con gái bị kết án từ 7 đến 12 năm vì kiên định đức tin
Ông Lý Quốc Khánh là một tổng quản lý của một công ty điện lực ở Thiên Tân. Ngoài thời gian làm việc ở công ty, ông cùng với vợ là bà Vu Ba và con gái họ Lý Lôi kinh doanh một công ty tổ chức hôn lễ.
Bà Vu và cô Lý bị bắt lần đầu vào ngày 15 tháng 5 năm 2019 trong khi đang lái xe ra khỏi khu chung cư của họ. Sau đó, cảnh sát lục soát nhà họ và tịch thu máy in, máy fax và ba chiếc xe hơi riêng. Ông Lý cũng bị bắt trong ngày hôm đó. Cha ông vì quá đau lòng trước các vụ bắt giữ đến mức bị đột quỵ và phải nhập viện.
Ông Lý bị huyết áp cao và cô Lý bị đau dạ dày khi bị giam giữ ở trong đồn công an địa phương. Sau đó gia đình ba người này đã bị đưa tới trại tạm giam Quận Ninh Hà.
Đầu tháng 3 năm 2020, Viện Kiểm sát Quận Ninh Hà đã truy tố họ. Tòa án Quận Ninh Hà đã kết án ông Lý 12 năm tù, bà Vu 10 năm và cô Lý 7 năm tù.
Cựu công chức bị kết án 8,5 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công
Ngày 9 tháng 7 năm 2019, ông Lý Nguyên Đông ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông bị tố cáo và bị bắt giữ vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.
Cảnh sát cố gắng đóng băng tài khoản ngân hàng và tịch biên đất đai của ông, tuy nhiên đã từ bỏ ý định sau khi phát hiện rằng ông không có tiền tiết kiệm cũng như nhà riêng.
Ngày 29 tháng 9, vụ án của ông Lý đã được chuyển tới Viện Kiểm sát Quận Hải Châu. Ông đã bị truy tố và sau đó hồ sơ của ông đã được chuyển sang Tòa án Quận Hải Châu vào ngày 21 tháng 11 năm 2019.
Một năm sau, ông Lý bị đưa ra hầu tòa vào ngày 4 tháng 11 năm 2020. Không có nhân chứng nào xuất hiện trước tòa để đối chất. Công tố viên buộc tội ông phân phát ổ đĩa flash chứa thông tin về Pháp Luân Công, nhưng lại không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho cáo buộc đó.
Ngày 31 tháng 8 năm 2021, tòa án tuyên án ông qua video, và ông đã bị kết án 8,5 năm tù và phạt 30.000 Nhân dân tệ.
Ông Lý Nguyên Đông, một người dân gốc thành phố Hóa Châu, tỉnh Quảng Đông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 5 năm 1999, hai tháng trước khi chính quyền cảnh sát Trung Quốc phát động cuộc bức Pháp Luân Công, và cuộc bức hại này vẫn kéo dài đến ngày nay.
Vì đã viết thư cho Văn phòng Kháng nghị Trung ương và đến Bắc Kinh ba lần để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, ông Lý đã hai lần bị lĩnh án một năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Tam Thủy, vào các năm 2000 và 2002.
Hòng ép ông từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh đã từng cấm ông ngủ trong hơn 20 ngày. Ông từng gục xuống đất và lăn ra ngủ vì quá mệt mỏi, nhưng lính canh liền lập tức làm ông tỉnh dậy, đánh đập, sốc điện ông và cắm tăm vào móng tay của ông.
Trong thời gian ông thụ án, Cơ quan Quản lý Giám đốc Cảng Thành phố Mậu Danh đã đình chỉ công tác và sau đó ông buộc phải từ chức. Vợ của ông cũng đã ly dị ông do áp lực quá lớn từ cuộc bức hại.
Sau khi được trả tự do, ông Lý chuyển đến thành phố Quảng Châu (thủ phủ của tỉnh Quảng Đông) và làm những công việc lặt vặt trang trải cuộc sống.
Vi phạm thủ tục pháp lý
Người đàn ông Hà Bắc bị kết án tù, cảnh sát tịch thu tài sản có giá trị
Ông Nghiêm Tú Hồng, một cư dân ở thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án 4,5 năm tù vào đầu tháng 9 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công.
Cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông Nghiêm vào ngày 24 tháng 8 năm 2017. Mặc dù ông Nghiêm đã trốn thoát, các cuốn sách Pháp Luân Công, máy tính, máy in, 30.000 tệ tiền mặt, 3 thẻ ghi nợ ngân hàng và một giấy chứng nhận tiền gửi của ông đã bị thu giữ.
Sau khi phải sống xa nhà trong 3 năm, ông Nghiêm đã bị bắt vào ngày 29 tháng 10 năm 2020 sau khi cảnh sát xác định được nơi ở tạm thời của ông sau một thời gian dài theo dõi. Cảnh sát đã đánh ông trong khi bắt giữ, làm ông bị thương ở đầu và hai chân. Hơn 30.000 tệ tiền mặt, xe đạp điện và xe máy của ông đã bị thu giữ, nhưng cảnh sát tuyên bố họ chỉ lấy 20.000 tệ từ ông.
Gia đình ông Nghiêm đã nhiều lần đến đồn cảnh sát địa phương để yêu cầu họ trả lại những đồ bị thu giữ. Cảnh sát đã trả lại khoảng 12.000 tệ tiền mặt và giữ lại 8.000 tệ làm cái gọi là “phí cảnh sát”. Họ cũng từ chối giải thích sự chênh lệch 10.000 tệ trong số tiền mặt bị thu giữ.
Khi gia đình ông Nghiêm yêu cầu cảnh sát Trịnh Mộng Khản, Trưởng phòng An ninh Quốc gia Huyện Quảng Tông, phóng thích ông, Trịnh đã đòi 30.000 tệ để trao đổi và cũng ra lệnh cho ông Nghiêm viết một bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Việc bắt giữ ông Nghiêm đã được phê duyệt vào ngày 12 tháng 11 năm 2020 và ông bị truy tố vào ngày 24 tháng 12. Từ tháng 12 năm 2020, gia đình và luật sư của ông đã bị từ chối vào thăm ông mỗi lần họ đến trại tạm giam Huyện Quảng Tông. Cái cớ được đưa ra là hệ thống thăm thân của trại tạm giam bị hỏng và họ không thể xử lý yêu cầu vào thăm.
Luật sư lại đến gặp ông Nghiêm vào ngày 18 tháng 5 năm 2021 nhưng vẫn bị từ chối được vào gặp ông. Chỉ khi luật sư dọa sẽ khởi kiện trại tạm giam này thì các lính gác mới đồng ý cho luật sư vào.
Ông Nghiêm bị đưa ra xét xử tại Tòa án Huyện Quảng Tông ngày 20 tháng 8 năm 2021. Luật sư của ông được thông báo vào ngày 7 tháng 9 rằng ông đã bị kết án 4,5 năm tù. Luật sư của ông hiện đang kháng án thay cho thân chủ của mình.
Ông Nghiêm mới phải nhập viện nhưng chưa rõ lý do. Gia đình ông đến bệnh viện và gọi tên ông từ bên ngoài tòa nhà bệnh viện, vì họ lại bị từ chối được vào thăm. Khi ông Nghiêm đáp lại họ, một số cảnh sát đã xuất hiện ở cửa sổ và đe dọa sẽ bắt gia đình ông nếu họ lại tiếp tục gọi ông.
Bốn cư dân Tứ Xuyên bị kết án tù sau hai năm bị giam giữ
Vào đầu tháng 8 năm 2021, bốn cư dân ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên bị Tòa án Huyện Lô kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Đằng Vạn Anh đã bị kết án 9 năm tù, bà Lôi Hoán Anh bị kết án 5 năm tù, bà La Thái Hội bị kết án 3,5 tù và bà Cẩu Chính Quỳnh bị kết án 3 năm tù.
Bà Cẩu bị bắt giữ vào ngày 2 tháng 8 năm 2019 và ba học viên đều là chủ cửa hàng bị bắt giữ vào ngày 21 tháng 8 năm 2019.
Trong phiên xét xử sơ thẩm của bốn học viên tại Tòa án Huyện Lô vào ngày 13 tháng 7 năm 2020, thẩm phán không cho phép gia đình các học viên tham dự phiên tòa xét xử hay xem phát trực tiếp tại hành lang của phòng xét xử.
Luật sư chỉ ra một số vi phạm của cảnh sát trong khi xử lý các vụ án gồm lục soát nhà của học viên mà không mặc quân phục, có một cảnh sát đột nhập vào nhà (theo luật pháp yêu cầu cần có ít nhất hai cảnh sát), cũng như không xuất trình giấy tờ tùy thân và lệnh khám, và sau đó không cung cấp danh sách tài sản bị tịch thu.
Trong hơn 40 nhân chứng mà cảnh sát liệt kê, không một ai có mặt để thẩm tra chéo trước tòa hay nói cụ thể trong lời khai nhân chứng của mình những gì các học viên đã làm. Hình ảnh và video sử dụng làm bằng chứng truy tố cũng không chỉ ra những gì học viên đang làm với cáo buộc “hoạt động tội phạm hình sự”.
Trong phiên tòa xét xử thứ hai, công tố viên đã cập nhật bản cáo trạng và cho thêm một số tài liệu được cáo buộc là do các học viên phân phát. Ông ta còn chiếu một video mới của các học viên được camera giám sát ghi lại. Nhưng luật sư vẫn lập luận rằng video không chỉ ra được hành động bất hợp pháp nào mà thân chủ họ đang làm.
Các luật sư nhắc lại nhiều lần trong lời bào chữa rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công không có cơ sở pháp lý và không có bằng chứng nào được đưa ra trước tòa có thể chứng minh rằng thân chủ của họ đã vi phạm pháp luật hay gây hại gì cho mọi người và xã hội.
Trong phiên tòa xét xử thứ ba, tòa án đã lần đầu cho phép thành viên gia đình các học viên, những người đã không được nhìn thấy người thân của mình 1,5 năm, tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, chồng và con trai bà La bị cấm tham dự phiên tòa xét xử sau khi họ bị cảnh sát lừa trả lời câu hỏi về các học viên khác và sau đó liệt kê làm bằng chứng truy tố mà họ không hề hay biết.
Thẩm phán và công tố viên đã lặp lại quy trình tố tụng của hai phiên tòa trước và không có “bằng chứng” mới. Bốn học viên khẳng định rằng họ không làm gì sai khi thực hành đức tin của mình. Hai trong số các luật sư đã yêu cầu tha bổng cho thân chủ của họ, nhưng thẩm phán trả lời rằng ông ta không thể làm điều đó.
Cái chết của con trai do bị bệnh thành lời tuyên truyền chống lại đức tin của bà, người phụ nữ Cát Lâm bị kết án lần thứ 3
Tháng 8 năm 2021, người phụ nữ 75 tuổi ở Trường Xuân, Cát Lâm bị kết án ba năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Đây là lấn thứ 3 bà Mã Tú Vinh bị kết án vì đức tin của mình.
Vào ngày 18 tháng 12 năm 2020, bà Mã bị cảnh sát của Đồn Công an Tứ Gian Phòng và Trương Quốc Quân cùng Dương Thành Nghĩa của ban quản lý khu chung cư nơi bà sinh sống bắt giữ tại nhà riêng.
Khi gia đình bà gọi cho cảnh sát để hỏi về vụ án của bà, cảnh sát tuyên bố rằng họ đang điều trị vật lý trị liệu cho bà Mã trong một khách sạn. Sau đó, gia đình mới biết rằng bà bị giam giữ tại bệnh viện nhà tù sau vụ bắt giữ và bà bị chuyển tới trại tạm giam Số 4 Thành phố Trường Xuân vào khoảng tháng 5 năm 2021, và bị giam giữ tại đây.
Tòa án Quận Triêu Dương bí mật kết án bà Mã vào tháng 8 năm 2021. Tòa án từ chối cung cấp thông tin chi tiết về vụ án của bà, gồm cả tên của thẩm phán đã kết án bà.
Bà Mã là nhân viên nghỉ hưu của Học viện Khoa học Nông nghiệp Trường Xuân. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 1 tháng 3 năm 1996, bà bị bệnh tim và bệnh gan rất nặng. Bà còn bị hen suyễn và tê buốt ở đùi. Khi bà tới tham dự các bài giảng Pháp Luân Công, bà không thể tự đi được. Nhưng sau hai giờ nghe bài giảng, bà đã có thể chạy theo để bắt kịp xe buýt.
Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày mà cuộc bức hại bắt đầu, một nhóm cảnh sát, đặc vụ Phòng 610 và phóng viên đã tới nhà bà. Họ yêu cầu xem bức ảnh của con trai đã quá cố của bà và tuyên bố rằng anh đã chết vì tu luyện Pháp Luân Công, mặc dù anh qua đời vì khối u não bẩm sinh. Chính quyền còn thu thập thêm 1.400 trường hợp khác trên cả nước để phỉ báng Pháp Luân Công và biện minh cho cuộc bức hại.
Bà Mã bị kết án chín năm tại Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm vào tháng 10 năm 2008. Bà bị ép phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ mà không được cử động từ 5 giờ sáng cho tới nửa đêm. Mông của bà đã mưng mủ và chảy máu. Bà không được phép nói chuyện với bất kỳ ai. Tù nhân đánh đập và lăng mạ bà khi bà cử động. Bà phải xin phép khi cần sử dụng nhà vệ sinh.
Vào buổi tối, bà bị ép phải ngủ trên hộp nệm mà không có giường, chăn và gối. Lính canh còn ép bà xem những tài liệu tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công và ra lệnh cho bà viết báo cáo tư tưởng. Bà đã có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và được bảo lãnh tại ngoại đề điều trị y tế vào ngày 31 tháng 12 năm 2011.
Minh họa tra tấn: Ngồi trên ghế đẩu nhỏ
Bà Mã bị bắt giữ lần nữa vào ngày 25 tháng 10 năm 2016 và bị Tòa án Quận Lục Viên kết án hai năm tù vào ngày 13 tháng 7 năm 2017.
Bị ép ký vào biên bản thẩm vấn, người phụ nữ Quảng Đông bị kết án 2,5 năm tù
Vào ngày 17 tháng 8 năm 2021, bà Lý Diễm Hà, một người dân thành phố Đông Hoàn, tỉnh Quảng Đông đã bị đưa ra xét xử vì tu luyện Pháp Luân Công. Khi bà Lý và luật sư lập luận rằng không có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc, các thẩm phán đã liên tục ngắt lời họ. Bà Lý bị kết án 2,5 năm tù cùng với 20.000 Nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 7 tháng 9 năm 2021.
Bà Lý Diễm Hà
Vào ngày 8 tháng 2 năm 2021, bà Lý bị bắt tại nhà riêng. Cảnh sát đã thẩm vấn bà qua đêm và không cung cấp bất kỳ đồ ăn thức uống nào cho bà. Trước khi cho phép bà gặp mặt gia đình vào ngày hôm sau, Trần đã ép bà Lý ký vào biên bản thẩm vấn và chụp ảnh bà.
Bà Lý ban đầu bị cách ly tại một trại tạm giam trong hơn 30 ngày và sau đó bị chuyển đến trại tạm giam Số 2 Thành phố Đông Hoàn vào ngày 18 tháng 3, tám ngày sau khi cảnh sát đệ trình vụ việc của bà lên Viện Kiểm sát Số 2 Thành phố Đông Hoàn.
Vào đêm đầu tiên bà ở đó, cảnh sát đã thẩm vấn bà từ 8 giờ tối đến 9 giờ tối. Trong sáu ngày tiếp theo, họ thẩm vấn bà từ 10 giờ sáng đến 6 giờ tối mỗi ngày. Những giờ thẩm vấn kéo dài và điều kiện sinh hoạt tồi tàn khiến bà Lý bị trầm cảm.
Bà Lý bị truy tố vào ngày 7 tháng 6 và hồ sơ vụ việc của bà đã bị chuyển lên Tòa án Số 2 Thành phố Đông Hoàn. Tòa án đã thông báo cho luật sư của bà vào ngày 24 tháng 7 rằng dự kiến bà bị đưa ra xét xử thông qua phiên xét xử trực tuyến vào ngày 17 tháng 8 và chỉ có hai thành viên trong gia đình bà được phép tham dự phiên xét xử. Bà Lý đã không được thông báo về phiên xét xử cho đến ngay trước khi phiên xét xử diễn ra.
Trong phiên xét xử vào ngày 17 tháng 8, luật sư của bà Lý đã lập luận rằng không có luật nào cho rằng tu luyện Pháp Luân Công là phạm pháp ở Trung Quốc hay quy cho môn tu luyện này là tà giáo. Hai thẩm phán chủ tọa phiên xét xử ngay lập tức cáo buộc luật sư chống lại quyết định của chính phủ về Pháp Luân Công.
Trong khi thẩm tra chéo các bằng chứng, luật sư yêu cầu các thẩm phán đưa ra bằng chứng truy tố ban đầu. Một trong những thẩm phán lấy ra một túi đựng ổ đĩa flash và ổ cứng. Luật sư cũng yêu cầu được xem các sách Pháp Luân Công được liệt kê và các tài liệu khác. Thẩm phán hỏi ông: “Ông có muốn đọc mọi thứ à?” Luật sư trả lời rằng các thẩm phán phải đưa ra xem tài liệu có bất kỳ nội dung nào vi phạm pháp luật hay không.
Bà Lý cũng kể lại việc cảnh sát đã lừa dối bà ký vào biên bản thẩm vấn vào ngày 9 tháng 2. Bà nói rằng sau khi cảnh sát đưa bà đi xét nghiệm virus corona vào buổi sáng, họ đã đưa bà về nhà để khám xét nơi ở của bà.
Sau khi lục soát nhà, bà bị đưa trở lại đồn công an. Vào lúc 4 giờ chiều, cảnh sát cho biết bà có thể gặp con gái một thời gian ngắn. Tuy nhiên cảnh sát chỉ cho phép bà gặp con gái trong một giây trước khi đưa con gái bà đi. Họ hứa sẽ cho phép bà Lý gặp lại con gái mình nếu bà ký vào biên bản thẩm vấn và các tài liệu khác. Không có gì để ăn trong suốt một ngày và cảm thấy đói và mệt mỏi, bà Lý với tinh thần xuống thấp đã buộc phải ký vào các giấy tờ yêu cầu. Sau đó, cảnh sát cho phép bà nói chuyện với con gái trong vòng một phút.
Trước khi các thẩm phán hoãn phiên xét xử, công tố viên Lục Minh Quân đã đe dọa bà Lý rằng bà sẽ phải đối mặt với mức án nặng hơn nếu bà không nhận tội.
Bà Lý khẳng định rằng bà không vi phạm bất kỳ luật nào trong việc tu luyện Pháp Luân Công.
Trở thành mục tiêu vì lên tiếng cho Pháp Luân Công
Hà Bắc: Một người dân bị kết án ba năm tù giam
Ông Thái Hằng Quân, quê gốc ở thành phố Tân Tập, tỉnh Hà Bắc đã đến thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông vài năm trước để giúp con trai chăm sóc cháu. Ngày 2 tháng 10 năm 2020, cảnh sát đã xông vào nhà con trai ông ở Thâm Quyến và tịch thu một máy tính, hai điện thoại di động và một số vật dụng linh tinh khác bao gồm cả băng keo hai mặt.
Ông Thái đã bị đưa vào diện giam giữ hình sự tại trại tạm giam Long Điền. Cảnh sát tiết lộ rằng họ bắt giữ ông sau khi một camera giám sát ghi hình ông treo các biểu ngữ Pháp Luân Công trong một công viên. Họ nói rằng họ đã theo dõi ông và giám sát các cuộc gọi của ông trong vài năm qua.
Ngày 27 tháng 1 năm 2021, gia đình biết tin rằng cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của ông đến Viện Kiểm sát Diêm Điền vào ngày 14 tháng 1. Họ đã thuê một luật sư để đại diện cho ông.
Vào ngày 10 tháng 9 năm 2021, Toà án Diêm Điền đã đưa ông Thái ra xét xử và kết án ông ba năm tù giam.
Đây là lần thứ hai ông Thái bị kết án vì đức tin vào Pháp Luân Công. Ông từng bị kết án ba năm tù vào năm 2000 tại Nhà tù Thành phố Bảo Định ở tỉnh Hà Bắc.
Cô Tôn Cẩm Huy, 47 tuổi, ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông bị bắt lần đầu vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, sau khi cảnh sát trông thấy tờ lịch có thông tin về Pháp Luân Công ở trong tiệm chụp hình của cô. Họ lấy đi cuốn lịch, lục soát phòng thu của cô và tịch thu 4 máy in, máy ảnh, 2 điện thoại di động, 1 máy tính mà cô sử dụng cho công việc kinh doanh của mình, cũng như một số tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công.
Mặc dù cô không vượt qua cuộc kiểm tra sức khỏe, cảnh sát vẫn giam cô trong trại tạm giam Thành phố Thái An trong một tháng trước khi thả cô với khoản tiền bảo lãnh 5.000 Nhân dân tệ.
Cảnh sát đã gửi hồ sơ của cô Tôn đến Viện Kiểm sát Thành phố Phì Thành vào cuối tháng 5 năm 2019. Để tránh bị bức hại, cô đã rời nhà vào ngày 17 tháng 6 để tới sống ở một nơi khác.
Đầu năm 2021, khi cô Tôn trở về nhà để đón Tết Nguyên Đán cùng gia đình, hàng chục cảnh sát đã đột nhập vào khoảng 8 giờ tối ngày 9 tháng 2 và bắt giữ cô. Họ tháo cúc và khóa kéo trên quần áo của cô. Khi cô chống lại việc khám xét cơ thể, sỹ quan Vương Hiến Thắng đã nắm lấy tay cô, còng sau lưng và ném cô lên giường. Mũi của cô ấy bị thương và cô ấy bất tỉnh trong vài phút.
Ngày hôm sau, cô Tôn bị đưa tới trại tạm giam Tân Thái nhưng bị từ chối tiếp nhận vì lý do sức khỏe. Cô được thả và bị quản thúc tại gia.
Vào lúc 7 giờ sáng ngày 23 tháng 7 năm 2021, Vương Hiến Thắng đã đột nhập vào nhà và bắt cô Tôn tới Tòa án Thành phố Phì Thành để xét xử cô, nhưng trước đó cô không hề được thông báo về phiên tòa.
Ngày 22 tháng 9, cô Tôn bị kết án hai năm hai tháng tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ. Hiện cô đang kháng cáo.
Bị bức hại liên tục
Sau 11 năm thụ án tù, một người đàn ông Giang Tây bị kết án lần nữa vì tu luyện Pháp Luân Công
Anh La Văn Bân, 43 tuổi, ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây là một giáo viên trung học bị suy sụp tinh thần và mất khả năng lao động sau khi bị cầm tù và tra tấn hơn 11 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Cha mẹ của anh La phải chăm sóc cho anh bởi anh không thể đi làm.
Khi bắt đầu hồi phục, anh La đã ra ngoài để phân phát tài liệu thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công và anh lại bị bắt giữ lần nữa vào ngày 1 tháng 9 năm 2020. Vào tháng 2 năm 2021, trong khi anh đang bị giam giữ tại trại tạm giam Huyện Nam Xương, người mẹ già của anh bị ngã và sau đó bà đã qua đời. Cha của anh La nộp đơn yêu cầu nhà chức trách cho anh được tham dự tang lễ của mẹ, nhưng họ đã từ chối yêu cầu của ông.
Anh La còn bị tước quyền thăm hỏi của gia đình và bị kết án bí mật một năm tù. Gần đây, anh đã được trả tự do sau khi kết thúc thời gian thụ án.
Trước án tù lần này, anh La đã từng bị giam giữ ba lần và kết án tù hai lần, lần đầu anh bị kết án 7 năm tù và sau đó bị kết án 4,5 năm tù. Khi ở trong tù, anh bị biệt giam, tẩy não và tra tấn. Nhà trường nơi anh làm việc đã sa thải anh. Họ còn tịch thu bằng tốt nghiệp và giấy phép giảng dạy của anh.
Sau khi anh La kết thúc thời gian thụ án tù lần hai vào tháng 3 năm 2014, anh bị giày vò bởi những cơn đau đầu không ngừng, co giật, run rẩy và đôi khi còn la hét không kiểm soát. Anh và gia đình nghi ngờ rằng lính canh đã trộn thuốc thần kinh vào trong thức ăn của anh, một hình thức ngược đãi mà nhiều học viên đã phải chịu đựng.
Sau khi bị cầm tù 7 năm, một người đàn ông ở tỉnh Hà Bắc lại bị kết án vì đức tin của mình
Ông Tôn Kiến Trung, một cư dân ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt giữ và bị lục soát nhà vào ngày 22 tháng 7 năm 2020. Sau một năm bị tạm giam tại trại tạm giam Quận Phong Nhuận, ông Tôn đã bị Tòa án Tuân Hoa đưa ra xét xử vào ngày 19 tháng 7 năm 2021 và bị kết án 2,5 năm vào ngày 23 tháng 8.
Từ khi bắt đầu cuộc đàn áp, ông Tôn đã bị bắt nhiều lần. Ông bị tra tấn bằng nhiều thủ đoạn khác nhau trong các trại tạm giam và trung tâm tẩy não, bao gồm cả việc bị khóa trong một cái cũi bằng kim loại, bị sốc điện bằng dùi cui điện, bị còng hai cánh tay ra sau lưng, và bị trói trong tư thế dang chân tay ra bốn phía trên một chiếc giường. Các lính canh cũng bắt ông phải chịu cực hình nóng lạnh và và trùm đầu ông bằng túi nylon. Xương đùi ông đã bị gãy do bị tra tấn.
Ông Tôn đã bị Tòa án Quận Lỗ Bắc kết án 7 năm tù vào ngày 22 tháng 12 năm 2003 và bị đưa đến Trại tù Kí Đông vào ngày 15 tháng 4 năm 2004. Ở đó, ông đã bị biệt giam, bị bức thực và bị còng hai tay ra sau lưng. Hai tù nhân đã được giao theo dõi ông suốt ngày đêm và không cho ông nói chuyện với bất cứ ai.
Khi ông bị biệt giam vào ngày 8 tháng 1 năm 2005, ông Tôn đã bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ. Ông thường bị đánh và một chiếc xương sườn của ông đã bị gãy do bị đánh đập.
Một lính canh tên là Dương Bân đã sốc điện ông Tôn bằng dùi cui điện trong một tiếng rưỡi vào tháng 1 năm 2006, khiến cho thân thể ông đầy vết lở loét.
Người già bị kết án
Hai vợ chồng ngoài 80 tuổi bị kết án ba năm tù vì kiên định đức tin
Ông Từ Thụ Quân (88 tuổi) và vợ là bà Vương Truyền Vân (82 tuổi) ở thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt vào ngày 30 tháng 8 năm 2017, sau khi bị cảnh sát theo dõi vì đã treo biểu ngữ có nội dung về Pháp Luân Công.
Mặc dù đã được trả do trong ngày do tuổi cao, nhưng các nhà chức trách vẫn liên tục sách nhiễu hai vợ chồng ông Từ. Tháng 8 năm 2021, cảnh sát đã kéo tới nhà của họ và thu thập “chứng cứ” buộc tội họ. Tháng 9 năm 2021, Tòa án Huyện Kế Đông đã tuyên án họ, cả hai vợ chồng đều bị kết án ba năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ.
Một phụ nữ ngoài 70 tuổi bị kết án tù
Bà Cốc Mạnh Hoa, ngoài 70 tuổi, một cư dân ở huyện Tào, tỉnh Sơn Đông bị bắt giữ vào ngày 30 tháng 7 năm 2021, trong khi đang chăm sóc cho người mẹ 100 tuổi đang nằm viện và người chồng tàn tật ngoài 70 tuổi. Đầu tiên, các cảnh sát đưa bà đến bệnh viên và thu thập mẫu máu. Tiếp đến, bà bị đưa đến trại tạm giam Quyên Thành, cơ sở này đã từ chối tiếp nhận bà vì bà tuổi đã cao. Sau đó, bà được bảo lãnh tại ngoại.
Bà Cốc bị buộc tội nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà bị đưa ra hầu tòa vào tháng 8 và bị kết án bốn năm tù.
Kể từ đầu tháng 6 năm 2021, chính quyền ở huyện Tào đã bắt đầu sách nhiễu các học viên địa phương, với lý do duy trì sự ổn định trong dịp kỷ niệm 100 năm chế độ cộng sản. Gần như tất cả các học viên từng bị bức hại từ năm 1999 đều là mục tiêu của đợt sách nhiễu mới này. Hầu hết trong số họ được lệnh phải nói chuyện trực tiếp với cảnh sát, bị quay video và viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Cụ bà 78 tuổi bị kết án bốn năm tù vì đức tin của mình
Ngày 6 tháng 9 năm 2021, bà Quách Liên Thanh, một phụ nữ 78 tuổi ở thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc đã bị Tòa án Quận Bạch Ngân kết án 3 năm rưỡi tù giam. Vì bà đã từ chối từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công, nên thẩm phán đã cộng thêm sáu tháng vào án tù của bà.
Bà Quách đã bị cảnh sát sách nhiễu vào tháng 3 năm 2020 sau khi bà bị tố giác vì đã nói sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công với các sinh viên trên phố. Cảnh sát đã đệ trình hồ sơ của bà lên Viện Kiểm sát Quận Bạch Ngân. Công tố viên đã truy tố và buộc tội bà tái phạm tội vì trước đây bà đã từng bị kết án ba lần chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Quách bị xét xử tại Tòa án Quận Bạch Ngân vào tháng 5 năm 2021. Bà không nhận tội khi làm việc giúp người nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Thẩm phán đã buộc con gái bà ký thay bà tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Quách bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 và bà đã khỏi bệnh tim và các bệnh khác nhờ môn tu luyện này. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà đã bị kết án ba lần vào các năm 2000, 2005 và 2014. Lần cuối cùng bà bị kết án 4 năm rưỡi trong Nhà tù Nữ Tỉnh Cam Túc khi bà đã 71 tuổi.
Một quả phụ ngoài 70 tuổi bị kéo dài bản án tù
Một cư dân ở thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc đã từ chối thụ án sáu tháng tù trước đó vì tu luyện Pháp Luân Công, gần đây đã bị bắt giữ và án tù của bà bị kéo dài thêm một năm.
Bà Lưu Thủ Hội, ngoài 70 tuổi, bị bắt giữ lần đầu vào ngày 25 tháng 4 năm 2019 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà đã được trả tự do vào khoảng nửa đêm và nhà của bà bị lục soát vào ngày hôm sau. Sau đó, cảnh sát đưa bà tới trại tạm giam địa phương, nhưng trại giam từ chối tiếp nhận bà sau khi phát hiện bà đã bị huyết áp cao.
Cảnh sát liên tục sách nhiễu bà Lưu sau khi bà được trả tự do. Vào khoảng tháng 6 năm 2019, bà bị đưa tới Viện Kiểm sát Quận Kiều Tây và được yêu cầu ký vào một số biên bản hồ sơ vụ án. Bà đã từ chối tuân thủ.
Khoảng một năm sau, công tố viên đã truy tố và Lưu. Ngày 27 tháng 5 năm 2020, bà bị Tòa án quận Kiều Tây triệu tập để nhận bản cáo trạng của mình. Vào ngày 3 tháng 7, tòa án thông báo cho bà rằng bà có kế hoạch hầu tòa vào một tuần sau.
Khẳng định rằng mình không làm gì sai khi lên tiếng cho đức tin của mình, bà Lưu đã từ chối tham dự phiên tòa xét xử và đã chuyển nơi ở. Nhưng cảnh sát chỉ mất vài ngày để tìm ra nơi ở mới của bà và cưỡng chế bà tới phòng xét xử. Bà bị kết án sáu tháng cùng với 1.000 Nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 21 tháng 8.
Để tránh thời gian thụ án, bà Lưu phải sống xa nhà. Vào đầu năm 2021, nơi làm việc của người chồng quá cố đang chu cấp cho bà vài trăm nhân dân tệ cho chi phí sinh hoạt kể từ khi chồng bà qua đời, đột nhiên ngừng chu cấp. Khi bà liên lạc với họ, họ yêu cầu bà cung cấp thông tin chỉ ra rằng bà không có bất kỳ nguồn thu nhập nào khác.
Ngày 1 tháng 9, bà Lưu tới ủy ban khu dân cư để xin giấy xác nhận về tình trạng tài chính của mình. Khi bà tới nơi làm việc của chồng để nộp đơn, thì các cảnh sát mặc thường phục đợi ở đó đã bắt giữ bà.
Một ngày sau, bà Lưu bị kết án bí mật một năm tù.
Cụ ông 85 tuổi bị kết án vì nói với người dân về đức tin của mình
Ông Trương Vạn Tín, 85 tuổi, ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt vào ngày 29 tháng 4 năm 2019, sau khi bị báo chính quyền vì nói với người dân về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại một khu chợ nông sản. Bởi tuổi cao (lúc đó ông 83 tuổi), cảnh sát không giam giữ ông và thả ông vào tối cùng ngày.
Ông Trương bị bắt một lần nữa vào ngày 19 tháng 8 năm 2019 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công tại một ngôi chợ địa phương khác. Sau vài giờ thẩm vấn và hăm dọa tại đồn công an địa phương, cảnh sát đã thả ông theo diện bảo lãnh tại ngoại vào lúc 8 giờ tối.
Sau đó, phái chính quyền thường xuyên sách nhiễu ông tại nhà và gây áp lực buộc ông phải ký tên vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, khiến ông và gia đình vô cùng đau khổ.
Cảnh sát đã trình hồ sơ của ông lên Viện Kiểm sát Huyện Loan Nam và cơ quan này đã triệu tập ông vào ngày 13 tháng 12 năm 2019. Công tố viên đe dọa ông, yêu cầu ông không được ra khỏi địa phương và lệnh cho ông phải tới viện kiểm sát để trình báo bất cứ khi nào họ triệu tập.
Ngày 20 tháng 8 năm 2021, ông Trương bị đưa tới ủy ban thôn, và thẩm phán của Tòa án Huyện Loan Nam tuyên bố rằng ông sẽ bị xét xử tại nơi này. Trưởng thôn Trương Chiêm Lợi và hội trưởng hội phụ nữ Trương Thục Anh cũng có mặt tại đó.
Các quan chức nói với ông Trương rằng họ chỉ đang làm thủ tục và nếu ông ký tên vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, họ sẽ để ông yên và ông có thể tự do tập luyện ở nhà. Bị các quan chức lừa dối, ông Trương đã ký tên.
Vào khoảng 11 giờ sáng, con gái ông Trương (vốn không hề được thông báo về phiên tòa), đã đi tới ủy ban thôn để tìm cha mình.
Sau khi nhận thấy những gì đang xảy ra, cô nói với các viên chức chính quyền rằng phiên tòa là bất hợp pháp và cô hỏi danh tính của họ. Không ai trong số họ muốn cho cô ấy biết tên của mình. Một trong số họ nói rằng họ đang xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Con gái ông Trương không đồng ý và chỉ trích những viên chức này vì đã bí mật xét xử người cha già 85 tuổi của cô.
Sau đó một người tự nhận là luật sư của ông Trương. Con gái của ông Trương nói rằng họ chưa bao giờ thuê luật sư cho ông và hỏi tên của ông ta, nhưng ông ta từ chối trả lời.
Ngày 3 tháng 9 năm 2021, ông Trương được thông báo rằng ông đã bị kết án một năm rưỡi tù giam với hai năm quản thúc, cùng khoản tiền phạt 1.000 Nhân dân tệ.
Một giáo viên 81 tuổi về hưu bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công
Bà Mã Tuấn Đình, 81 tuổi, ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông đã bị kết án hai năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Vì bà Mã vẫn đang bị quản chế với thời hạn ba năm trước đó, thẩm phán phụ trách vụ án của bà đã ngừng án quản chế và lệnh cho bà phải thụ án kết hợp năm năm.
Từ năm 1999, khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện cổ xưa, bà Mã, một giáo viên hưu trí ở Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Sơn Đông, đã liên tục bị bắt, sách nhiễu và đưa đến các trung tâm tẩy não.
Ngày 7 tháng 6 năm 2018, bà Mã bị bắt giữ lần nữa. Cảnh sát đã tịch thu tất cả sách Pháp Luân Công và áp phích mà bà dán trên tường ở nhà. Khi được bảo lãnh, cảnh sát đã ép gia đình bà ký vào biên bản thả người thay cho bà Mã sau khi bà từ chối ký.
Ngày 29 tháng 12 năm 2018, Viện Kiểm sát Thành phố Phì Thành đã truy tố bà Mã và kết án bà ba năm cùng bốn năm quản chế vào ngày 13 tháng 6 năm 2019. Bà cũng bị phạt 40.000 Nhân dân tệ.
Bà Mã lại bị bắt vào đầu tháng 11 năm 2020 và nhà bị lục soát vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà đã bị Viện Kiểm sát Quận Thái Sơn truy tố vào ngày 22 tháng 7 năm 2021 và bị Toà án Quận Thái Sơn kết án hai năm cùng tiền phạt 30.000 Nhân dân tệ vào ngày 2 tháng 9. Thẩm phán Toà án Quận Thái Sơn cũng ngừng án quản chế tại gia của Toà án Thành phố Phì Thành vào năm 2019 và lệnh cho bà thụ án kết hợp năm năm.
Người đàn ông 82 tuổi bị kết án ba tháng tù vì kiên định đức tin của mình
Ngày 7 tháng 1 năm 2020, ông Ngô Hoa Tân, 82 tuổi, ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, đi tham dự phiên tòa xét xử bà Tuyên Tiểu Muội và bà Chu Bồi Cầm (là hai học viên Pháp Luân Công) tại Tòa án Quận Ngô Giang. Ngay khi ông đi qua cửa kiểm tra an ninh, các chấp hành viên đã phát hiện trong túi quần của ông bốn tấm thẻ lưu niệm có ghi chữ “Chân Thiện Nhẫn”, tiêu chuẩn của Pháp Luân Công.
Sau đó ông Ngô bị bắt và đưa đến Đồn Công an Tùng Lăng. Cảnh sát cưỡng chế ông ngồi vào ghế thẩm vấn và tra hỏi ông về thông tin cá nhân, nơi ông lấy các tấm thẻ, ông đã tu luyện Pháp Luân Công trong bao lâu và tập luyện cùng ai. Ông Ngô khẳng định rằng ông không làm gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công và từ chối cung cấp mọi thông tin về các học viên khác.
Chiều hôm đó, cảnh sát đã lục soát nhà ông Ngô và tịch thu 418 thẻ lưu niệm, 14 cuốn tạp chí có nội dung về việc thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc, 11 bức thư gửi cho công chúng có nội dung về cuộc bức hại, 48 cuốn sách Pháp Luân Công, cùng các đĩa DVD, lịch và máy nghe nhạc. Sau đó họ chụp hình ông Ngô cùng các món đồ nói trên. Trong toàn bộ quá trình, cảnh sát không hề trình lệnh khám xét. Ông Ngô đã được tại ngoại vào chiều hôm sau.
Cảnh sát đã trình hồ sơ vụ việc của ông Ngô lên Viện Kiểm sát Quận Ngô Giang vào tháng 9 năm 2020. Trong tháng đó, công tố viên Zhou xingrong đã triệu tập ông tới viện kiểm sát và ra lệnh cho ông phải từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng ông từ chối.
Ban đầu, Tòa án Quận Ngô Giang đã lên lịch phiên tòa xét xử ông Ngô vào ngày 15 tháng 9 năm 2020, nhưng sau đó đã trì hoãn đến ngày 14 tháng 12 năm 2020. Hai luật sư đại diện cho ông Ngô đã biện hộ vô tội cho ông. Gia đình ông không được phép tham dự phiên tòa.
Thẩm phán nói rằng ông có ý định bác bỏ vụ án, nói rằng “bởi một nguyên nhân bất khả kháng”, ông đã không thể xét xử vụ án trong một thời gian dài. Tuy nhiên, công tố viên vẫn đề nghị mức án 9 tháng tù đối với ông Ngô và khoản phạt 2.000 Nhân dân tệ, với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ thường được các tòa án sử dụng để hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Ngày 28 tháng 5 năm 2021, tòa án triệu tập ông Ngô, và khi ông vừa tới đó, các chấp hành viên cấm ông bước vào trong, thay vào đó họ yêu cầu ông phải đến bên hông tòa nhà và đưa cho ông bản án, theo đó, ông bị kết án ba tháng tù và phạt 2.000 Nhân dân tệ.
Sau đó, ông Ngô bị đưa tới trại tạm giam Ngô Giang và bị giam giữ ở đó tới ngày 27 tháng 8.
Một phụ nữ cao tuổi bị kết án sau khi tòa đã tạm dừng xét xử hai năm
Cách đây hai năm, một tòa án ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đã tạm dừng hồ sơ xét xử trường hợp bà Vương Lan Mai tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, tòa lại mở lại vụ án và kết án bà hai năm tù.
Bà Vương, 75 tuổi, bị bắt giữ khi bà đi đổ rác vào chiều ngày 18 tháng 10 năm 2018. Cảnh sát đã gõ cửa nhà bà trước đó vài giờ. Khi bà từ chối để họ vào, họ đã trốn trong tòa chung cư và bắt giữ bà khi bà ra ngoài. Khi bà không có mặt, cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu các vật phẩm Pháp Luân Công của bà.
Do bà Vương được phát hiện bị huyết áp quá cao, có tiền sử bệnh tim và đột quỵ, trại tạm giam Thành phố Cổ Giao đã hai lần từ chối tiếp nhận bà. Bà được trả tự do và quản thúc tại gia vào ngày 20 tháng 10.
Sau khi trở về nhà, trí nhớ của bà Vương nhanh chóng giảm sút. Bà cho biết bà đã được tiêm thuốc tại bệnh viện và nghi ngờ rằng bà đã bị tiêm thuốc độc.
Sau đó, mặc dù bà Vương đã bị Viện Kiểm sát Quận Nghênh Trạch truy tố vào ngày 2 tháng 1 năm 2019, nhưng Tòa án Quận Nghênh Trạch đã quyết định tạm dừng vụ án của bà vào ngày 2 tháng 4 năm 2019. Hình thức tạm đóng hồ sơ án này chỉ đơn giản có nghĩa là vụ án bị tạm dừng mà không có quyết định cuối cùng, và có thể được mở lại sau.
Vào ngày 5 tháng 8 năm 2021, Quách Hiểu Cầm, thẩm phán phụ trách vụ án của bà Vương, đã triệu tập luật sư của bà đến tòa và thông báo rằng phiên xét xử lại đã được lên lịch. Cùng lúc đó, cảnh sát đã đến nhà của bà Vương và giúp bà kết nối tới một phiên xét xử trực tuyến.
Ngày 19 tháng 8, thẩm phán Quách đã kết án bà Vương hai năm tù và phạt bà 10.000 Nhân dân tệ.
Luật sư của bà Vương nói rằng anh chưa từng gặp một vụ việc nào như vậy, tòa án lại đi kết án một học viên Pháp Luân Công sau khi đã đình chỉ vụ việc nhiều năm.
Bài liên quan:
91 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 8 năm 2021
69 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 7 năm 2021
667 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong nửa đầu năm 2021
96 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 5 năm 2021
90 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2021
100 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2021
120 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin trong tháng 2 năm 2021
186 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào tháng 1 năm 2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/5/432132.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/8/196083.html
Đăng ngày 07-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.