Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 17-05-2021] Trong tháng 4 năm 2021, Minh Huệ Net đã xác nhận thêm 90 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ, bao gồm 12 người trong năm 2020, 2 người trong tháng 1 năm 2021, 2 người trong tháng 2 năm 2021, 25 người trong tháng 3 năm 2021 và 49 người trong tháng 4 năm 2021.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, rất nhiều học viên đã bị bắt giữ, cầm tù, tra tấn, lao động cưỡng bức và thậm chí bị mổ cướp nội tạng.

Các học viên bị kết án được báo cáo trong tháng 4 năm 2021 đến từ 40 thành phố ở 19 tỉnh thành và thành phố trực thuộc trung ương. Các tỉnh có hai con số được ghi nhận là Liêu Ninh (14), Hắc Long Giang (10) và Tứ Xuyên (10), và các khu vực còn lại được ghi nhận một con số.

Các bản án của học viên có thời hạn từ 7 tháng tới 9 năm, trung bình 3,24 năm. Bản án của hai học viên hiện vẫn chưa rõ.

90 học viên bị kết án có tuổi từ 33 tới 81 tuổi, 20 học viên từ 65 tuổi trở lên. Một số học viên bị kết án là các chuyên gia gồm bác sỹ, chuyên gia giáo dục, nhà báo, kỹ sư và giáo viên. 41 học viên bị tòa án phạt từ 1.000 đến 30.000 nhân dân tệ với tống số tiền là 345.000 nhân dân tệ, trung bình mỗi học viên là 8.414 nhân dân tệ.

Dưới đây là tóm tắt về một số bản án đã được báo cáo trong tháng 4 năm 2021. Danh sách đầy đủ của các học viên bị kết án có thể được tải xuống tại đây(PDF).

Bị kết án nhiều lần vì kiên định đức tin

Từng bị cầm tù 10 năm, người đàn ông Bắc Kinh lại bị kết án 9 năm tù

Sau 10 năm bị ngược đãi ở trong ngục tù, ông Thì Thiệu Bình, cư 50 tuổi ở Bắc Kinh lại bị kết án chín năm vì kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

2021-4-15-shi-shao-ping_01--ss.jpg

Ông Thì Thiệu Bình

Ông Thì Thiệu Bình, vốn tốt nghiệp thạc sỹ của Viện Nghiên cứu Hóa học Cảm quang của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã bị cảnh sát bắt giữ tại nhà ở Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 11 năm 2019. Cảnh sát đe dọa gia đình ông và từ chối cung cấp thông tin cập nhật về vụ án của ông.

Mãi đến tháng 4 năm 2021, em trai ông Thì mới nhận được thông báo nói rằng ông Thì đã bị kết án chín năm tù. Ông sẽ thụ án trong Nhà tù Số 2 Bắc Kinh, nơi chủ yếu được sử dụng để giam giữ tử tù hoặc những người bị kết án chung thân, cũng như các học viên Pháp Luân Công.

Trước án tù gần đây nhất, ông Thì từng bị bắt vào năm 2001 và bị kết án 10 năm tù. Lính canh của Nhà tù Tiền Tiến đã chọn ra những tù nhân bạo lực nhất để giám sát và tra tấn ông, hòng ép ông từ bỏ Pháp Luân Công.

Tù nhân thường đánh đập và nhục mạ ông Thì. Họ cũng hạn chế ông sử dụng nhà vệ sinh suốt một tháng, trong khoảng thời gian đó ông không thể đại tiện.

Trong mùa đông, những tù nhân này thường mở cửa sổ để phơi ông trong gió lạnh, và trên người ông lúc đó chỉ có một lớp quần áo mỏng tang. Người ông run rẩy và răng ông va lập cập vào nhau vì lạnh.

Ông thường bị tù nhân cấm ngủ và cưỡng chế ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ mà không được nhúc nhích 20 giờ mỗi ngày, và ông bị ngược đãi như vậy trong nhiều năm.

Các cơ chân của ông đã bị teo rút lại do phải ngồi quá lâu. Thiếu ngủ và áp lực tinh thần quá lớn đã khiến sức khỏe của ông bị hủy hoại.

Từng bị cầm tù trong năm năm, một kỹ sư tiếp tục đối mặt với xét xử vì tu luyện Pháp Luân Công

Vào ngày 22 và 23 tháng 9 năm 2020, hơn 30 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt, bao gồm cả bà Lưu Bá Tân.

Sau khi bị giam giữ sáu tháng, bà Lưu đã bị Tòa án quận Đạo Lý kết án 6 năm tù giam cùng với 20.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 8 tháng 4 năm 2021.

2021-3-10-mh-liubobing_gu7ehvi.jpg

Bà Lưu Bá Tân

Bà Lưu, 57 tuổi, là kỹ sư cao cấp tại Nhà máy thiết bị đo lường Cáp Nhĩ Tân thuộc sở hữu nhà nước. Bà đạt điểm cao nhất ở cấp hai và cấp ba và được nhận vào Đại học Hồ Nam năm 1983. Do căng thẳng học hành trong thời gian dài, bà bị suy nhược thần kinh nghiêm trọng, rối loạn thần kinh và đau đầu mỗi ngày.

Để có con, bà đã thử nhiều loại thuốc tây, thuốc bắc, đủ mọi liệu trình nhưng không có kết quả. Bà được chẩn đoán mắc chứng vô sinh bẩm sinh. Sau đó, bà còn xảy ra mâu thuẫn với gia đình.

Vào tháng 4 năm 1995, bà được một người bạn học giới thiệu về Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi bà bắt đầu tu luyện, mọi bệnh tật của bà đã sớm biến mất và cơ thể của bà tràn đầy năng lượng. Bà mang thai vào tháng 5 năm 1999, bốn năm sau khi bà học Pháp Luân Công.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Lưu đột nhiên bị những người quen xa lánh dù họ đã chứng kiến ​​bà được hưởng lợi ích như thế nào từ môn tập. Dưới chế độ độc tài của chính quyền cộng sản, không ai được phép làm bất cứ điều gì bị Đảng cấm. Người nhà và đồng nghiệp của bà đều cố gắng ép buộc bà ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Áp lực ở cả nơi làm việc và gia đình gần như khiến bà ngạt thở.

Bà Lưu quyết định nói với chính phủ về những trải nghiệm của bản thân và rằng Pháp Luân Công mang lại lợi ích và không có hại. Dù mang thai, bà vẫn một mình đi tàu đến Bắc Kinh, nhưng bà lại bị bắt giữ ngay sau khi tới Bắc Kinh.

Sau khi bị đưa về Cáp Nhĩ Tân, cha bà, người đã trải qua nhiều cuộc vận động chính trị đã rơi nước mắt cầu xin bà từ bỏ Pháp Luân Công. Chồng bà cũng đe dọa sẽ ly hôn hoặc tự tử. Tuy nhiên, bà đã chọn tin vào sự thật và đức tin của mình.

Một tháng sau khi con trai bà ra đời, bà bị công ty cho nghỉ việc vào ngày 10 tháng 4 năm 2000. Bà đã đến nhiều cơ quan chính quyền khác nhau để đòi công lý nhưng vô ích.

Bà Lưu bị theo dõi và sau đó thường xuyên bị cảnh sát quấy rối. Vào ngày 25 tháng 10 năm 2009, bà Lưu bị bắt giữ một lần nữa và sau đó bị kết án 5 năm tù giam.

Khi bà được trả tự do vào tháng 1 năm 2014, chồng bà không thể chịu được áp lực nên đã ly hôn. Con trai bà cũng ra nước ngoài với chồng bà. Bà bị cấm xuất cảnh để gặp con trai mình.

Vì bà từ chối hợp tác với cảnh sát trong một chiến dịch quấy rối vào năm 2017, nên cảnh sát đã từ chối cấp một tài liệu quan trọng mà con trai bà cần để xin được thường trú ở nước ngoài.

Chuyên gia bị nhắm đến

Nguyên cục phó cục giáo dục và vợ bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công

Vào tháng 3 năm 2020, ông Đường Hải Hải, cựu cục trưởng của Cục giáo dục thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt cùng với vợ là bà Tôn Tuyết Trân, không lâu sau khi họ trở về nhà sau chuyến thăm người nhà ở Hoa Kỳ.

Hai vợ chồng bị giam trong trại tạm giam quận Nam Sơn. Gần đây có thông tin rằng ông Đường đã bị kết án một năm hai tháng tù còn bà Tôn bị kết án ba năm tù. Thông tin cụ thể về vụ án của họ hiện vẫn đang được điều tra.

Ông Đường từng công tác tại Trường Trung học Cao cấp thành phố Thâm Quyến, một trường trọng điểm và có thứ hạng cao ở tỉnh Quảng Đông. Nhờ khả năng lãnh đạo xuất sắc của ông, thành tích học tập tốt của học sinh, ông đã được bổ nhiệm làm phó cục trưởng của Cục Giáo dục thành phố Thâm Quyến vào năm 2003.

Tuy nhiên, ngay khi các nhà cầm quyền biết ông tu luyện Pháp Luân Công, ông đã bị cách chức và được phân làm phó viện trưởng của Học viện Truyền thông Thâm Quyến. Chỉ trong vài năm, điểm số trong các kỳ thi đại học của học sinh [của Thâm Quyến] bị rớt xuống vị trí cuối cùng trong toàn tỉnh, và cục giáo dục đã phục chức cho ông Đường để ông quay trở lại giúp đỡ các học sinh. Sau khi ông Đường nghỉ hưu, ông thường tổ chức các buổi hội thảo miễn phí cho các trường học ở Thâm Quyến về các nâng cao chất lượng giáo dục.

Cựu nhà báo bị kết án ba năm tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đức tin của bà

Sau hai năm bị quản thúc tại gia, bà Ninh Hồng, một cựu nhà báo ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã bị kết án ba năm tù ngay tại nhà vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Bà Ninh năm nay 61 tuổi, là một nhà báo đã nghỉ hưu của Đài Phát thanh Nhân dân Tỉnh Tứ Xuyên. Bà đã bị bắt vào ngày 15 tháng 8 năm 2019 sau khi bị tố cáo với chính quyền vì nói với người dân về Pháp Luân Công.

Ban đầu cảnh sát quyết định tạm giam bà 15 ngày. Nhưng sau khi trại tạm giam địa phương từ chối nhận bà vì huyết áp cao, cảnh sát đã thả bà và quản thúc tại gia.

Kể từ đó, cảnh sát, nhân viên ủy ban cư dân, nhân viên quản lý tài sản liên tục sách nhiễu bà, mỗi lần đến ít nhất là năm người, có khi lên đến vài chục người. Các sách Pháp Luân Công của bà bị tịch thu, cảnh sát cũng chụp hình bà. Sau đó các nhà chức trách gây sức ép buộc chủ nhà phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà và đuổi bà ra khỏi nhà.

Vào ngày 26 tháng 3 năm 2021, thẩm phán và các nhân viên tòa án đã đi thẳng tới nhà bà Ninh và xét xử bà tại đó. Bà bị kết án ba năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Trước lần bức hại gần đây nhất, bà Ninh từng bị bắt vào ngày 27 tháng 8 năm 2006 vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Trong khi bị giam trong trại tạm giam Huyện Bì, đài phát thanh đã treo lương hưu của bà. Tòa án Quận Vũ Hầu đã kết án bà ba năm tù vào ngày 12 tháng 2 năm 2007, và sau đó bà đã bị đưa tới Nhà tù Dưỡng Mã Hà vào ngày 26 tháng 6.

Bác sỹ về hưu bị kết án 9 năm tù vì viết thư có nội dung về Pháp Luân Công

Ngày 26 tháng 3 năm 2021, bà Vương Kiến Mẫn, 65 tuổi, một bác sỹ về hưu ở thành phố Lai Dương, tỉnh Sơn Đông đã bị kết án 9 năm tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Ngày 4 tháng 9 năm 2020, bà Vương bị bắt khi đang gửi những lá thư có thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công vào một hòm thư tại Công ty Lai Dương Unicom. Cảnh sát đã theo dõi bà trong buổi sáng hôm đó và cố gắng bắt giữ bà.

Đến buổi tối, cảnh sát lục soát nhà bà khi không có ai ở nhà và tịch thu ba chiếc máy tính, bảy chiếc máy in, và một lượng lớn tiền giấy có in thông tin về Pháp Luân Công, và thậm chí là lấy cả dầu đậu nành và rượu của bà. (Bởi sự kiểm duyệt thông tin gắt gao ở Trung Quốc, các học viên đang sử dụng nhiều cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, trong đó có hình thức in thông điệp lên tiền giấy và gửi thư cho công chúng.)

Sau khi cảnh sát chất hết đồ đạc tịch thu lên xe cảnh sát, họ ngắt điện nhà bà Vương và rời đi mà không đóng cửa nhà. Chỉ khi một người họ hàng của bà ghé qua nhà bà vào buổi tối hôm đó, họ mới phát hiện bà đã bị bắt.

Ngày 5 tháng 9, bà Vương bị đưa tới trại tạm giam thành phố Yên Đài và bị giam giữ hình sự. Bà đã bị bắt giữ chính thức vào ngày 12 tháng 10 năm 2020.

Ngày 26 tháng 3 năm 2021, Tòa án trung cấp thành phố Yên Đài đã tuyên án bà 9 năm tù và phạt 20.000 nhân dân tệ.

Sau khi thụ án lao động cưỡng bức cùng con gái, cựu kế toán viên lại bị kết án vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 10 tháng 7 năm 2020, khi bà Yên Bảo Bình đang làm tài liệu thông tin về Pháp Luân Công tại một căn hộ đi thuê, một nhóm cảnh sát đã xông vào và bắt giữ bà. Sau gần 10 tháng bị giam giữ, gần đây, bà đã bị kết án bốn năm tù và phạt 20.000 Nhân dân tệ.

Đây là lần thứ ba bà Yên, một cựu kế toán viên của Học viện Cơ điện Phàn Chi Hoa ở tỉnh Tứ Xuyên, đã bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, bà Yên đã mắc nhiều căn bệnh, từ những cơn đau đầu dai dẳng đến những cơn đau ở các khớp tay khiến bà thức trắng đêm. Bà còn bị đau ở bắp chân và sau đó bị chẩn đoán mắc bệnh viêm gan và nhịp tim không đều. Tất cả bệnh tật của bà đều biến mất ngay sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.

Với lòng biết ơn đối với Pháp Luân Công, bà đã tình nguyện dành thời gian để tổ chức cho các học viên địa phương cùng nhau luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công vào cuối tuần. Ngày càng có nhiều cư dân địa phương đến tham gia.

Bởi kiên định đức tin sau khi cuộc bức hại bắt đầu từ năm 1999, bà Yên đã bị sa thải và bị lĩnh hai án lao động cưỡng bức với tổng cộng gần bốn năm. Chỉ trong sáu tháng, cha mẹ bà đã qua đời, lần lượt vào tháng 12 năm 2006 và tháng 6 năm 2007. Người con gái duy nhất của bà là cô Yên Hồng đã bị cưỡng bức lao động một năm vào năm 2002 khi cô mới 20 tuổi. Cả hai mẹ con thụ án trong cùng một trại lao động.

Một số ví dụ về ngụy tạo bằng chứng truy tố hoặc không chứng minh được tội của bị cáo

Từng bị cầm tù 8 năm, người phụ nữ Ninh Hạ lại bị kết án bốn năm tù vì kiên định đức tin

Ngày 22 tháng 8 năm 2020, bà Thiện Quý Ninh, 54 tuổi, ở thành phố Ngân Xuyên, tỉnh Ninh Hạ bị bắt giữ vì phân phát tài liệu thông tin về việc chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã che đậy dịch bệnh virus corona bằng những chiến lược tương tự như những gì họ đã sử dụng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cảnh sát đã trình hồ sơ của bà lên Viện Kiểm sát quận Tây Hạ vào ngày 28 tháng 9. Công tố viên đã truy tố bà vào ngày 11 tháng 12 và chuyển hồ sơ của bà sang Tòa án quận Tây Hạ.

Ngày 7 tháng 1 năm 2021, bà Thiện bị đưa ra xét xử trực tuyến. Bà đã yêu cầu một phiên xét xử trực tiếp, luật sư của bà ủng hộ rằng luật yêu cầu tòa án phải có sự đồng ý của bị đơn liên quan tới hình thức tổ chức phiên tòa xét xử. Thẩm phán Vương Tiểu Giai ở Tòa án Quận Tây Hạ đã bác bỏ yêu cầu của bà.

Công tố viên Nhậm Vi đọc bản cáo trạng, buộc tội bà Đan “vi phạm Điều 300 của luật hình sự”, trong đó quy định rằng những người lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật sẽ phải bị truy tố ở mức cao nhất có thể.

Luật sư của bà Đan bác bỏ cáo buộc vô căn cứ với lý do rằng Quốc hội Nhân dân (cơ quan lập pháp của Trung Quốc) chưa từng ban hành điều luật nào coi Pháp Luân Công là “tà giáo”. Tuy nhiên, cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân đã chỉ đạo Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành một giải thích về Điều 300 vào tháng 11 năm 1999, nó yêu cầu bất cứ ai tu luyện hay quảng bá Pháp Luân Công sẽ bị truy tố với mức án cao nhất có thể.

Một bản giải thích mới thay thế bản năm 1999 có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 năm 2017. Bản mới không đề cập tới Pháp Luân Công và nhấn mạnh rằng bất kỳ cáo trạng nào đối với bất kỳ ai liên quan tới tôn giáo phải có cơ sở pháp lý vững chắc. Bởi ở Trung Quốc không có điều luật coi Pháp Luân Công là một tà giáo nên bản cáo trạng chống lại bà Đan thiếu cơ sở pháp lý.

Luật sư hỏi bà Đan rằng liệu bà có tham gia vào bất kỳ tổ chức nào như cáo buộc trong cáo trạng hay không. Bà trả lời rằng Pháp Luân Công không yêu cầu tham gia thành viên hay duy trì một danh sách và bất kỳ ai cũng có thể tự do đến và đi. Bà nói rằng bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công hoàn toàn là vì đức tin vào Pháp Luân Công chứ không phải vì bất kỳ tổ chức Pháp Luân Công nào hướng dẫn bà làm điều đó.

Công tố viên Nhậm cho rằng việc bà Đan phân phát và sở hữu tài liệu Pháp Luân Công là phá hoại việc thực thi pháp luật. Luật sư của bà nói rằng chỉ một phần bằng chứng truy tố được đưa ra trong phiên xét xử trực tuyến – một bức ảnh của tạp chí có chữ “Phần đặc biệt về đại dịch” – không chứng minh thân chủ của ông phá hoại việc thực thi pháp luật. Luật sư nói thêm rằng bản thân bức ảnh không thể chứng minh bà Đan phân phát tạp chí đó.

Luật sư cũng chỉ ra rằng công tố viên Nhậm Vi đã không đưa ra được điều luật cụ thể nào mà bà Đan đã phá hoại hay bà ấy đã gây tổn hại điều gì.

Bà Đan cũng làm chứng cho bào chữa của mình. Bà nói rằng bà tu luyện Pháp Luân Công để trở thành một người tốt và cải biến sức khỏe của mình. Bà lo lắng mọi người đang bị chính quyền cộng sản lừa dối và không thể đưa ra lựa chọn tốt để bảo vệ bản thân trước đại dịch, do đó bà cảm thấy buộc phải nói sự thật cho mọi người bất chấp điều đó đang gây hại cho bản thân mình. Bà nói rằng bà không làm hại bất kỳ cá nhân nào hay xã hội nói chung, bằng cách cung cấp thông tin cho mọi người bà không phá hoại việc thực thi của bất kỳ điều luật nào.

Công tố viên trích dẫn một phần bản giải thích của tòa án tối cao rằng bất kỳ ai phạm tội trong quá khứ và hiện đang tham gia các hoạt động tôn giáo được coi là phá hoại việc thực thi pháp luật. Bà ta cáo buộc bà Đan là người tái phạm tội. Trước vụ bắt giữ gần đây nhất, bà Đan từng bị cầm tù với tổng thời gian là 13 năm vì đức tin của mình, bao gồm hai lần lao động cưỡng bức ba năm (vào năm 1999 và năm 2004), một án tù bốn năm vào năm 2009 và một án tù ba năm vào năm 2015.

Luật sư của bà Đan một lần nữa bác bỏ cáo buộc vô căn cứ của công tố viên. Ông lập luận rằng sự giam giữ trước đây của thân chủ ông là phi pháp vì bà không vi phạm bất kỳ điều luật nào với việc thực hành đức tin của mình. Ngoài ra, trước vụ bắt giữ gần đây nhất bà không tham gia vào bất kỳ hoạt động phi pháp nào, chỉ đơn giản là phân phát tài liệu.

Bà Đan hối thúc thẩm phán và công tố viên làm theo lương tri và không tuân theo chính sách bức hại. Công tố viên thường xuyên ngắt lời bà.

Ngày 25 tháng 2 năm 2021, bà Đan bị kết án bốn năm tù giam cùng với 20.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Tỉnh Sơn Đông: Một phụ nữ bị kết án 5 năm bởi bằng chứng giả

Bà Vương Thúy Anh, 58 tuổi, một công chức nhà nước nghỉ hưu ở thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông bị bắt vào ngày 7 tháng 3 năm 2019 trong khi phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Môt học viên khác là bà Triệu Ái Trân, cũng bị bắt giữ vào buổi tối hôm đó. Mặc dù họ không biết nhau, cảnh sát vẫn gộp vụ án của họ lại và trình lên viện kiểm sát.

Vào ngày 15 tháng 1 năm 2020, Tòa án huyện Quyên Thành đã xét xử bà Triệu và bà Vương. Công tố viên đã liệt kê hơn 1.200 bằng chứng buộc tội họ, nhưng chỉ cho xem một vài bức ảnh mờ nhạt của số “bằng chứng” đó mà không trình vật chứng ra trước tòa.

Trước phiên xét xử, cảnh sát đã triệu tập người nhà của hai học viên để thẩm vấn và lừa họ ký tên vào các biên bản thẩm vấn mà không cho họ xem nội dung trong đó viết những gì. Sau đó, người nhà hai học viên phát hiện rằng các biên bản thẩm vấn đó không phải là những gì họ nói với cảnh sát, mà là nội dung bịa đặt nhằm buộc tội người thân của họ.

Tòa án đã lên kế hoạch mở phiên tòa thứ hai vào ngày 5 tháng 2 năm 2021. Nhưng một ngày trước khi diễn ra phiên xét xử, tòa án đã thông báo cho người nhà các học viên rằng phiên tòa bị hủy bỏ vì thiết bị phục vụ cho phiên xét xử trực tuyến bị trục trặc.

Người nhà của các học viên đã liên tục gọi điện thoại cho tòa án để hỏi về ngày diễn ra phiên xét xử mới. Nhưng mãi đến ngày 10 tháng 3, hai ngày trước phiên xét xử thứ hai, chủ tọa phiên tòa Phạm Hồng mới nói cho họ biết. Khi được hỏi tại sao ông ta không thông báo cho gia đình sớm hơn, Phạm trả lời rằng họ không có trách nhiệm phải làm như vậy.

Tại phiên tòa diễn ra ngày 12 tháng 3, công tố viên đã đưa ra hơn 1.000 bằng chứng, trong đó có các sách và tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Ông ta tuyên bố rằng số tài liệu này là do bà Triệu sản xuất theo yêu cầu của bà Vương. Ông ta nói rằng ông ta có lời nhận tội của bà Triệu để hỗ trợ cho cáo buộc này, nhưng bà Triệu phủ nhận việc từng đưa ra lời nhận tội.

Bà nói rằng bà bị viễn thị và khi đó phòng thẩm vấn rất tối, cảnh sát không cho bà đọc kỹ biên bản thẩm vấn trước khi cưỡng chế bà ký tên vào đó.

Bà Vương nhấn mạnh rằng trước đó bà không hề biết bà Triệu, cảnh sát và công tố đã móc ngoặc với nhau để khép tội bà.

Vào ngày 28 tháng 3, gia đình bà Vương đã gọi điện tới tòa án và được thông báo rằng bà đã bị kết án năm năm tù và phạt 20.000 nhân dân tệ. Thẩm phán Phạm từ chối cung cấp bản sao của phán quyết cũng như bất kỳ chi tiết nào khác, và chỉ nói rằng bản án đã được ban hành vào ngày 18 tháng 3, và bà Vương đã yêu cầu kháng cáo tới Tòa án Trung cấp Thành phố Hà Trạch.

Thẩm phán cũng kết án bà Triệu 4,5 năm tù giam cùng với 15.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 18 tháng 3.

Luật sư của các học viên không được phép đề cập đến Pháp Luân Công trong phiên tòa

Ông Tạ Vạn Mãnh, một cư dân thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt tại căn hộ của mình vào ngày 28 tháng 5 năm 2019. Hai vị khách của ông là ông Ngô Thụy/hoặc Ngô Duệ (cũng là người Thâm Quyến) và bà Lý Thụy Hoa (người Bắc Kinh), cũng bị bắt giữ. Công an lục soát nơi ở và tịch thu 10.000 nhân dân tệ tiền mặt và các tài sản cá nhân khác của ông Tạ.

Cảnh sát đã thấy ông Tạ dán tài liệu thông tin về Pháp Luân Công qua camera giám sát, và đã theo dõi và tìm ra nơi ở của ông.

Ngày 29 tháng 10 năm 2020, Tòa án Diêm Điền đưa ba học viên ra xét xử. Bất cứ khi nào các học viên và luật sư đề cập đến Pháp Luân Công gồm cả việc thiếu cơ sở pháp lý của cuộc bức hại, thì thẩm phán Đoàn Huy đều ngắt lời họ.

Khi luật sư của ông Tạ đề cập rằng Hiến pháp Trung Quốc và một nghị quyết do Liên Hợp Quốc bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, thẩm phán Đoàn nói: “Ông không được phép đề cập đến Hiến pháp. Trường hợp này liên quan đến luật hình sự. Ông cũng không thể nói về nghị quyết liên quan tới tôn giáo của Liên Hợp Quốc ở đây, chúng ta là đang ở Trung Quốc, nên chỉ dựa theo luật Trung Quốc”. Khi luật sư của ông Tạ nói tiếp, thẩm phán đã đe dọa sẽ đuổi ông ra khỏi phòng xử án.

Vào ngày 1 tháng 4 năm 2021, thẩm phán công bố bản án của ba học viên. Ông Tạ bị kết án 3,5 năm và bị phạt tiền (hiện chưa biết số tiền). Ông Ngô và bà Lý đều bị kết án 2 năm cùng 3.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Hồ Nam: Một luật sư bị kết án bí mật

Khoảng 5 giờ sáng ngày 28 tháng 10, ông Mạnh Khải, một luật sư, đã bị bắt khi ông đang ra khỏi thị trấn để tham gia một vụ xét xử. Cảnh sát đã đưa ông về nhà khoảng 4 giờ chiều và lục soát nhà.

Ngay khi nghe tin ông bị bắt, gia đình ông đến đồn công an và một cảnh sát nói: “Chỉ với thái độ của ông ấy [không nhận tội], chúng tôi sẽ kết án 10 năm.

Ngày hôm sau cảnh sát đã ra lệnh bắt giữ ông Mạnh và đưa ông đến Trạm tạm giam Số 1 Thành phố Trường Sa. Năm tháng tiếp theo, gia đình đã thuê hai luật sư đến thăm ông nhưng họ đều không gặp được ông trong trại tạm giam.

Cuối tháng 3 năm 2021, khi gia đình đến trại tạm giam để gửi tiền cho ông thì hệ thống máy tính chỉ ra rằng ông không còn ở đó nữa.

Gia đình đã đến đồn công an để hỏi tung tích của ông nhưng họ đều nói không biết gì về ông. Nghi ngờ rằng ông có thể đã bị kết án, gia đình đã đến Nhà tù Trường Sa. Một lính canh nói: “Chúng tôi không thể nói bất kỳ điều gì nếu không được phép từ cấp trên.”

Sau đó, gia đình hỏi liệu có thể gửi tiền và ít quần áo cho ông không. Lính canh trả lời: “Các vị không cần gửi gì cả. Chúng tôi có mọi thứ ở đây. Sau khi học tập [bị tẩy não] ở đây 1,5 tháng, các vị sẽ được thông báo ông ấy bị đưa đến nhà tù nào. Hãy về nhà và chờ thông báo.”

Trước án tù gần đây nhất, ông Mạnh đã từng bị kết án bảy năm tù vào năm 2001 sau khi bị tố giác chuyển 2.000 tờ rơi Pháp Luân Công từ Trường Sa đến thành phố Nhạc Dương, nơi ông đang sống.

Sau khi được thả, ông Mạnh đã chuyển đến Trường Sa để tìm việc nhưng cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông và gia đình.

Một người phụ nữ Hắc Long Giang bị kết án hơn sáu năm tù dựa trên bằng chứng ngụy tạo

Bà Diêu Thục Hà, một người dân ở thành phố Hải Lâm, tỉnh Hắc Long Giang đã đột ngột mất tích vào ngày 29 tháng 10 năm 2020. Các sách Pháp Luân Công của bà ở nhà cũng không còn nữa. Sau khi hỏi xung quanh, gia đình bà xác nhận vào ngày hôm sau rằng bà đã bị bắt sau khi bị người dân tố cáo về việc dán các thông điệp về Pháp Luân Công.

Bà Diêu bị đưa ra xét xử tại Tòa án thành phố Hải Lâm vào ngày 30 tháng 3 năm 2021. Tòa án đã đợi đến ngày xét xử mới thông báo cho gia đình bà về việc này do vậy bà đã không có luật sư đại diện để biện hộ.

Bà Diêu đã khai trong phiên xét xử rằng sau khi bà bị bắt, cảnh sát đã đưa bà đến một cột điện và bắt bà đặt tay mình lên cột điện sau đó chụp ảnh bà. Họ gửi những bức ảnh đó làm bằng chứng truy tố, cho rằng chúng được chụp trong khi bà Diêu đang dán các thông điệp.

Bà Diêu nói rằng ngoài việc dàn dựng các bức ảnh, cảnh sát còn tìm kiếm một số nhân chứng “những người được cho là đã nhìn thấy bà dán thông điệp” và chụp ảnh dàn dựng của họ để kết tội bà.

Vào ngày 8 tháng 4, khi con gái của bà Diêu đến tòa án để hỏi về trường hợp của bà, chủ tọa phiên tòa Khương Tân Côn nói với cô rằng ông đã kết án bà Diêu sáu năm ba tháng tù giam.

Người cao tuổi cũng không được tha

Một cụ bà 81 tuổi bị yêu cầu phải thường xuyên báo cáo cho nhà chức trách trong thời gian thụ án ngoài nhà tù

Vào ngày 13 tháng 1 năm 2019, bà Hác Đình Trân, 81 tuổi, ở Bắc Kinh đã bị bắt sau khi cảnh sát phát hiện bà dán nhãn có in thông tin về Pháp Luân Công.

Ngày hôm sau, sau khi bà Hác bị trại tạm giam Lô Câu Kiều từ chối nhận vì lý do sức khỏe, cảnh sát đã để bà được bảo lãnh tại ngoại một năm. Trong thời gian này, cảnh sát và nhân viên ủy ban cư dân giám sát cuộc sống hàng ngày và thường xuyên sách nhiễu bà.

Vào tháng 5 năm 2019, bà Hác nộp đơn cho ủy ban cư dân để xin rút khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các nhà chức trách đã từ chối yêu cầu của bà và yêu cầu bà phải đóng đảng phí.

Trong tháng 10 năm 2020, cảnh sát lại một lần nữa cố gắng bắt giam bà Hác một lần nữa, nhưng đã thất bại sau khi bà lại không vượt qua cuộc kiểm tra sức khỏe.

Vào tháng 11 năm 2020, Tòa án Phong Đài ở Bắc Kinh đã kết án bà Hác bị một năm tù và phạt 1.000 nhân dân tệ. Thẩm phán cũng ra phán quyết rằng bà bị khai trừ khỏi ĐCSTQ.

Bởi huyết áp cao, trại tạm giam Lô Câu Kiều lại từ chối nhận bà một lần nữa.

Sau khi tòa án yêu cầu bà Hác thụ án bên ngoài nhà tù, các chấp hành viên đã đưa bà tới Cục Tư pháp vào ngày 17 tháng 3 năm 2021, và cài đặt ứng dụng theo dõi trên điện thoại di động của bà. Họ yêu cầu bà mỗi ngày phải quét điện thoại di động ba lần, gọi điện cho họ một lần, và mỗi tháng phải báo cáo với Cục Tư pháp một lần. Bà Hác nói rằng bà sẽ không làm như vậy và yêu cầu các nhà chức trách ngay lập tức chấm dứt bức hại bà và hủy bỏ án tù của bà.

Một cụ bà 73 tuổi bị kết án một năm tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công

Vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công cho một quan chức thôn mà cụ bà 73 tuổi ở thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên đã bị kết án một năm tù giam.

Vào ngày 23 tháng 3 năm 2020, bà Chu Triều Binh bị bắt giữ sau khi bị bí thư thôn tố cáo vì nỗ lực “quảng bá” Pháp Luân Công cho ông ấy.

Cảnh sát lục soát nhà của bà Chu và tịch thu hơn 40 sách Pháp Luân Công cùng tài liệu chân tướng của bà. Bà được tại ngoại sau 15 ngày tạm giam. Cảnh sát đã lắp đặt camera giám sát bên ngoài cửa nhà của bà và yêu cầu bà không được phép tự tiện ra ngoài mà chưa được phép.

Vào tháng 10 năm 2020, nhà chức trách đã đình chỉ lương hưu của bà mà không đưa ra bất kỳ giải thích nào.

Ngày 5 tháng 11 năm 2020, cảnh sát cùng quan chức thôn đã sách nhiễu bà và yêu cầu bà từ bỏ Pháp Luân Công. Họ còn đe dọa con trai và con dâu của bà Chu rằng nếu bà không từ bỏ Pháp Luân Công thì con cái của họ sẽ không được phép đi học đại học hoặc đi tìm việc làm. Bà Chu từ chối tuân thủ và cố gắng giảng chân tướng Pháp Luân Công cho các quan chức, nhưng họ từ chối lắng nghe.

Ngày 10 tháng 11, bà Chu bị tố cáo một lần nữa vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đi hai xe ô tô tới và tịch thu ba cuốn sách Pháp Luân Công, hai cuốn lịch để bàn có thông tin Pháp Luân Công và các tài liệu khác của bà. Họ còn sách nhiễu bà thêm một lần nữa vào tháng 12 năm 2020.

Ngày 6 tháng 1 năm 2021, bà Chu được Tòa án Thành phố Thập Phương thông báo rằng bà đã được bảo lãnh tại ngoại một năm và bà được phép thuê luật sư.

Ngày 16 tháng 4, bà Chu bị đưa ra xét xử và bị kết án một năm tù giam. Ngay sau khi phiên xét xử kết thúc, bà bị đưa trở lại nhà giam.

Những vụ kết án khác

Vài ngày sau khi được đưa về nhà bằng xe cứu thương, người phụ nữ Bắc Kinh bị kết án tù

Mười ngày sau khi bà Vương Triêu Anh được đưa về nhà bằng xe cứu thương, một tòa án địa phương đã cử người tới nhà bà tuyên bố rằng người cư dân Bắc Kinh này đã bị kết án 2,5 năm tù và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ.

2021-5-17-wang-chaoyin_zxjgcla.jpg

Bà Vương được đưa từ trại giam về nhà vào ngày 20 tháng 4 năm 2021

Một cảnh sát dẫn đầu cùng với ba nhân viên của Tòa án Quận Diên Khánh đứng ở sân trước nhà bà và đọc phán quyết. Gia đình bà Vương đi ra ngoài và hỏi họ rằng tại sao vẫn kết án bà trong khi bà đã bị tra tấn đến gầy gò yết ớt và sức khỏe bị tàn phá nghiêm trọng sau sáu tháng bị giam giữ.

Nhân viên tòa án ném bản án sang một bên và chạy trở lại xe cảnh sát. Gia đình bà Vương đã giữ một viên cảnh sát và hỏi anh ta: “Bà ấy đã bị tra tấn thành bộ dạng này rồi, các vị thậm chí còn không thèm nhìn bà ấy lấy một cái mà vẫn kết án bà ấy. Các vị còn muốn bức tử bà ấy nữa sao?” Cảnh sát trả lời rằng anh ta chỉ phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, sau đó cũng nhanh chóng chạy trở lại xe.

Bà Vương bị bắt tại một điểm du lịch vào ngày 6 tháng 10 năm 2020, sau khi bị báo cáo vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà Vương đã tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ tùy tiện và đã bị nhập viện ba lần.

Bất chấp tình trạng sức khỏe của bà, vào đầu tháng 4 năm 2021, bà vẫn bị xét xử từ xa ở trong trại giam. Bà bị còng vào ghế và phải dựa người vào ghế, và bà giữ im lặng trong suốt phiên tòa.

Bởi tình trạng của bà xấu đi, lính canh đưa bà quay trở lại Bệnh viện Công an. Bác sỹ từ chối điều trị cho bà và hối thúc thẩm phán Zhang Wenbin thả bà. Chỉ khi đó thẩm phán mới đồng ý thả bà vào ngày 20 tháng 4.

Gia đình bà cho hay bà nặng hơn 54 kg tại thời điểm bị bắt, và hiện cân nặng của bà chỉ còn chưa đầy 36 kg.

Không rõ liệu thẩm phán sẽ cho phép bà thụ án tại nhà hay yêu cầu công an bắt giam bà trở lại.

Tỉnh Hắc Long Giang: Ba người phụ nữ bị kết án tì vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đức tin của họ

Ba cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang gồm bà Hứa Diễm Bình (60 tuổi), bà Tả Anh (56 tuổi), bà Lý Thục Hiền (71 tuổi) đã bị bắt vào ngày 1 tháng 7 năm 2020 sau khi bị báo chính quyền vì dán tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở một thôn làng. Cảnh sát đã lục soát nhà họ và tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp và máy vi tính của họ.

Cảnh sát đe dọa chồng bà Hứa: “Bà ấy bị bắt giữ vào ngày 1 tháng 7 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là ngày quan trọng để Đảng Cộng sản thông qua Luật An ninh Hồng Kông. Hiện tại họ đang giam giữ hình sự bà và họ lên kế hoạch kết án bà ít nhất ba năm.”

Sau khi thẩm vấn các học viên tại đồn công an địa phương, cảnh sát đưa họ tới trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư. Trại giam đã từ chối tiếp nhận bà Lý vì bà bị huyết áp cao và đã cho bà bảo lãnh tại ngoại vào ngày 2 tháng 7. Cảnh sát quyết định quản thúc bà tại nhà vào ngày 7 tháng 8.

Sau khi ba học viên bị Viện Kiểm sát quận Hướng Dương truy tố vào ngày 12 tháng 11, gia đình bà Hứa và bà Lý đã thuê luật sư đại diện cho họ.

Bàn đầu Tòa án quận Hướng Dương đã lên kế hoạch xé xử họ vào ngày 31 tháng 12 năm 2020, nhưng sau đó đã lùi đến ngày 18 tháng 3 năm 2021. Cả ba học viên đều không nhận tội. Luật sư của bà Hứa và bà Lý cũng biện hộ vô tội cho họ.

Thẩm phán Tống Đào tuyên án vào cuối phiên xét xử. Bà Lý bị kết án hai năm ba tháng tù. Vì bà đang tại ngoại nên bản án của bà sẽ bắt đầu thi hành từ ngày 31 tháng 3 năm 2021 và kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm 2023. Bà Hứa và bà Tả lần lượt bị kết án 22 và 20 tháng. Cả ba học viên mỗi người bị phạt 5.000 nhân dân tệ.

Người phụ nữ Liêu Ninh bị kết án tù dù đang có tình trạng bệnh lý nghiêm trọng

Bà Phan Học Minh, một cư dân 64 tuổi ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt tại nhà trong một vụ bắt giữ theo nhóm vào ngày 10 tháng 7 năm 2019. Cảnh sát tuyên bố các vụ bắt giữ được thực hiện để “duy trì ổn định xã hội” trước thềm Lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày chế độ cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền. Cùng ngày hôm đó, có ít nhất 34 học viên Pháp Luân Công khác cũng bị bắt giữ và hầu hết đều bị cảnh sát theo dõi từ trước.

Bà Phạm bị giam tại Phòng 412 của trại tạm giam Diêu Gia. Sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát vào đầu năm 2020, chính quyền đã không nhận quần áo và tiền mà người nhà gửi vào cho bà. Trong khi bị giam, bởi điều kiện sinh hoạt tồi tàn và các cuộc thẩm vấn của cảnh sát đã khiến bà Phạm bị bệnh phổi và ho mãn tính.

Vào tháng 4 năm 2021, Tòa án quận Cao Tân Viên đã kết án bà ba năm tù. Sau khi nhà tù từ chối nhận bà vì tình trạng bệnh lý của bà, bà vẫn đang bị giam trong trại tạm giam Diêu Gia tại thời điểm viết bài.

Tỉnh Cát Lâm: Một giáo viên bị cầm tù vì đức tin của mình, con gái bị trầm cảm nặng do vô tình dùng thuốc an thần quá liều

Vào ngày 10 tháng 10 năm 2020, ông Đổng Duy Hưng, là một giáo viên ở huyện Y Thông, tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt tại nơi làm việc và bị giam trong trại tạm giam huyện Y Thông. Cảnh sát đã dùng lá đơn ông kiện Giang Trạch Dân vào năm 2015 là bằng chứng chống lại ông. (Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999).

Trong chiến dịch “Xóa sổ” nhằm cưỡng bức mọi học viên Pháp Luân Công nằm trong danh sách đen của chính phủ phải từ bỏ đức tin của họ, các nhà chức trách đã phát hiện ông Đổng đang bị giam trong trại tạm giam vào tháng 12 năm 2020 và cố gắng gây áp lực ép ông phải ký tên vào một tuyên bố từ bỏ tu luyện mà họ đã chuẩn bị từ trước, nhưng ông từ chối.

Vào ngày 19 tháng 5 năm 2021, ông Đổng bị Tòa án huyện Y Thông đưa ra xét xử. Gần đây có thông tin cho hay thẩm phán đã kết án ông 1,5 năm tù.

Việc ông Đổng bị cầm tù lần này đã khiến con gái ông lâm vào tình cảnh thảm khốc. Lớn lên trong hoàn cảnh phải chứng kiến cha mình liên tục bị bắt giữ và sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công, cô Đổng Khả, mới hơn 20 tuổi, đã bị trầm cảm nặng và phải nhập viện vài lần. Tình trạng của cô càng tồi tệ hơn sau khi mẹ cô buộc phải ly hôn cha cô vì áp lực xã hội.

Cô gái trẻ ngoài 20 tuổi đã gặp khó khăn khi phải tự lo liệu cho bản thân. Vào tháng 1 năm 2021, cô đã dùng thuốc an thần quá liều lượng cần thiết cho một ngày, khiến cô bị hôn mê trong vài ngày. Răng của cô chuyển sang màu đen. Thế nhưng cô gái trẻ sẽ phải đối mặt với tình cảnh thảm khốc hơn sau khi cha cô bị kết án 1,5 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Bài liên quan:

100 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2021

120 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin trong tháng 2 năm 2021

186 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào tháng 1 năm 2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/17/425029.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/24/193307.html

Đăng ngày 01-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share