Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 06-06-2021] Trong tháng 5 năm 2021 đã ghi nhận 96 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999.

96 trường hợp mới được báo cáo gồm một trường hợp xảy ra vào năm 2019, có 37 trường hợp vào năm 2020, hai trường hợp vào tháng 1 năm 2021, 32 trường hợp vào tháng 4 năm 2021 và 22 trường hợp vào tháng 5 năm 2021 và hai trường hợp vào năm 2021 không rõ về thời gian xảy ra. Việc đưa tin các trường hợp chậm trễ phần lớn là do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, khiến cho các phóng viên báo Minh Huệ gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập và gửi thông tin.

Trong năm tháng qua, có tổng cộng 592 trường hợp được báo cáo đã bị kết án, bao gồm một trường hợp vào năm 2019, 266 trường hợp vào năm 2020 và 325 trường hợp vào năm 2021. Tổng số trường hợp được xác nhận đã tuyên án trong năm 2020 hiện là 888 trường hợp.

Đối với 96 trường hợp được xác nhận vào tháng 5 năm 2021, những học viên này đến từ 41 thành phố thuộc 21 tỉnh và thành phố. Hà Nam là địa khu có nhiều trường hợp nhất là 31 trường hợp. Hắc Long Giang đứng thứ hai với 10 trường hợp. Các khu vực còn lại có từ một đến sáu trường hợp.

Có 26 trong số 31 học viên bị kết án sai ở Hà Nam là bị kết án cùng nhau, sau khi trở thành mục tiêu trong lần bắt giữ hàng loạt vào năm 2019. 14 học viên khác ở Hà Nam bị bắt cùng ngày cũng bị kết án từ hai đến chín năm tù vào tháng 3 năm 2021. Một nhóm khác bị tuyên án, dù ở quy mô nhỏ hơn, cũng được báo cáo ở Hắc Long Giang, Sơn Tây và Ninh Hạ.

0ac970efe84a11623d71626347c74c58.jpg

Ngoại trừ có ba thời hạn tù chưa xác định và 11 học viên bị quản thúc (chỉ người không phải chấp hành các bản án quy định trong tù trừ khi người chấp hành vi phạm các điều kiện quản chế trong thời gian quy định), 82 học viên còn lại nhận án từ 6 tháng đến 13 năm trong tù. Thời gian trung bình là ba năm mười tháng.

Một số học viên còn bị kết án bí mật và người thân của học viên không có thông tin về địa điểm giam giữ và thông tin chi tiết về phiên tòa xét xử học viên.

667a5773dea7a72332156f7657e08fad.jpg

Có 13 trong số 96 học viên từ 65 tuổi trở lên, với hai trường hợp trong đó là 81 tuổi và một người trong đó phải thụ án chín năm tù. Một ông lão 79 tuổi bị kết án tám năm rưỡi tù.

Một bà lão 72 tuổi bị kết án ba năm tù vào đầu tháng 5 năm 2021, sau khi bị bắt vì tìm cách trả tự do cho con gái mình, người bị giam cầm chỉ bởi đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

ca794ae0dddf1ef7e4958e61da8d3684.jpg

Một nửa trong số 96 học viên đã bị tòa án phạt từ 900 đến 50.000 Nhân dân tệ, với tổng số tiền là 690.900 Nhân dân tệ và trung bình là 14.394 Nhân dân tệ.

Dưới đây là tóm tắt về một số bản án đã được báo cáo trong tháng 5 năm 2021. Danh sách đầy đủ của các học viên bị kết án có thể được tải xuống tại đây.

Kết án theo nhóm

Thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam: 26 học viên Pháp Luân Công bị nhằm vào trong một cuộc bắt giữ hàng loạt bị kết án tù, đơn kháng án bị bác

26 cư dân của thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam đã bị kết án tù từ bảy tháng đến mười ba năm và bị phạt từ 3.000 đến 50.000 Nhân dân tệ vào ngày 30 tháng 12 năm 2020.

Có 17 người trong số các học viên bị kết án tổng cộng lên đến 80 năm và chín học viên khác bị quản chế. Tổng số tiền phạt của tòa án đối với 26 học viên là 499.000 Nhân dân tệ, với mức trung bình 19.192 Nhân dân tệ cho mỗi người.

26 học viên đã bị nhắm vào trong một cuộc bắt giữ hàng loạt hơn 160 học viên trong 2 ngày 30 và 31 tháng 8 năm 2019. Hầu hết các vụ bắt giữ diễn ra từ 4 đến 5 giờ sáng. Được biết cảnh sát và Ủy ban Chính trị và Luật pháp, một cơ quan đứng trên cả luật pháp được thành lập để chuyên đàn áp Pháp Luân Công, đã theo dõi những học viên này từ tháng 4 năm 2019. Vào tháng 7 năm 2019, cảnh sát và các nhân viên ủy ban cư trú đã đến nhà những học viên này, thu thập thông tin về số thẻ căn cước và sổ hộ khẩu của họ. Hầu hết các học viên cũng đã bị chụp ảnh.

26 học viên này đã bị Tòa án Quận Vạn Thành xét xử vào ngày 11 tháng 8 năm 2020. Tòa đã không cho các học viên thuê luật sư, mà chỉ định luật sư để đại diện và thay họ tuyên bố nhận tội.

Thẩm phán đã công bố bản án vào ngày 30 tháng 12 năm 2020. Các học viên đã gửi đơn kháng án nhưng Tòa Trung cấp thành phố Nam Dương đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm mà không thông qua xét xử vào ngày 31 tháng 3 năm 2021.

Ngoài 26 học viên này, 14 học viên khác bị bắt giữ cùng ngày cũng đã bị kết án từ 2 đến 9 năm vào tháng 3 năm 2021.

Ba cư dân Sơn Tây, gồm một cụ ông 78 tuổi, bị bắt vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Ba người dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây đã bị kết án tù vào ngày 30 tháng 4 năm 2021. Ông Trương Biến Anh bị kết án chín năm rưỡi, ông Cung Quốc Khanh, 78 tuổi, bị kết án tám năm rưỡi tù, bà Thưởng Anh bị kết án bảy năm rưỡi và bà Lý Trung Nga bị kết án năm năm rưỡi tù giam.

Các học viên đều bị bắt vào ngày 17 tháng 5 năm 2020. Chính quyền lấy lý do dịch bệnh để ngăn không cho gia đình học viên vào thăm, hoặc gửi đồ dùng hàng ngày cho họ.

Trước khi ông Cung bị kết án, ông thường xuyên bị sách nhiễu trong hai thập kỷ chỉ bởi đức tin của mình. Áp lực tinh thần từ cuộc bức hại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của vợ ông, khiến bà nhiều lần bị hôn mê. Thị lực của bà suy giảm và hiện tại hai mắt bà đã bị mù.

Kể từ khi bà đổ bệnh, ông Cung đều chăm sóc chu đáo cho bà. Mặc dù tuổi tác đã cao, song ông nói rằng tu luyện Pháp Luân Công thực sự đã giúp ông có được sức khỏe tốt và có sức mạnh để vượt mọi khó khăn thử thách trong những năm qua. Ông bị bắt giam đã để lại vợ ông trong tình cảnh bi đát.

Năm học viên bị bắt giữ khi đến nhà một cặp vợ chồng học viên Pháp Luân Công, cả bảy người đã bị kết án

Bảy học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án từ 1 đến 6 năm tù và bị phạt từ 2.000 tệ đến 20.000 tệ. Gia đình họ gần đây đã nhận được thông báo của tòa án về việc nộp tiền phạt nhưng lại không hề nhận được thông báo về các án tù của các học viên.

Vào khoảng 6 giờ chiều ngày 27 tháng 11 năm 2020, cảnh sát đã leo hàng rào vào sân, đập vỡ cửa sổ, rồi đột nhập vào nhà ông Lưu Văn Xương và vợ ông là bà Vương Thục Nhân. Hai vợ chồng chủ nhà cùng với năm vị khách là bà Phùng Tú Mai, Mạnh Thu Diễm, Bạch Lệ Hà, Lưu Thục Anh, Lưu Thục Thu đều bị bắt giữ.

Đến buổi chiều, người nhà của bảy học viên trên đã đến Đồn Cảnh sát Hạnh Phúc Hương để yêu cầu thả người. Vài người con của các học viên đã nói với cảnh sát rằng sức khỏe của mẹ họ đã được cải thiện sau khi tu luyện Pháp Luân Công và họ đã không làm gì sai khi kiên định với đức tin của mình.

Cảnh sát đã từ chối thả các học viên và yêu cầu họ phải ký vào tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Lưu Minh, bí thư thôn đã nói với con trai bà Vương quỳ xuống trước mặt bà và cầu xin bà hãy ký vào bản cam kết từ bỏ tu luyện nhưng bà con trai bà Vương đã từ chối làm theo. Đến chiều tối, sáu học viên nữ này bị chuyển đến Trại tạm giam Cáp Nhĩ Tân Số 2 và ông Lưu bị chuyển đến Trại tạm giam Quận Song Thành.

Ngày hôm sau, cảnh sát đã yêu cầu chồng của năm học viên, hầu hết đã ở độ tuổi 70, ký vào lệnh bắt giữ đã được ghi sẵn từ ngày 8 tháng 12, tức là chỉ một ngày sau vụ bắt giữ chính thức.

Gia đình các học viên đã đến tìm Lưu Minh, bí thư thôn để nhờ ông ta giúp giải cứu người thân của mình. Bí thư Lưu đã yêu cầu mỗi gia đình học viên phải nộp cho ông ta 50.000 tệ để ông ta hối lộ cảnh sát phụ trách vụ án.

Vào ngày 2 tháng 4 năm 2021, Tòa án Quận Đạo Lý đưa bảy học viên ra xét xử qua phiên tòa trực tuyến kéo dài khoảng nửa giờ.

Hai tuần sau khi gia đình các học viên liên hệ với thẩm phán, thẩm phán đã nói với họ rằng bà Vương đã bị kết án sáu năm tù cùng với 20.000 tệ tiền phạt và ông Lưu bị kết án ba năm tù với 10.000 tệ tiền phạt. Năm học viên còn lại mỗi người bị kết án một năm tù cùng với 2.000 tệ tiền phạt.

Có thông tin cho rằng ông Lưu đã bị mắc chứng bệnh động kinh, căn bệnh vốn đã được chữa khỏi từ một năm trước khi ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công nhưng nay nó lại tái phát do những điều kiện sinh hoạt tồi tệ trong trại tạm giam. Hiện gia đình đang rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của ông.

Bốn cư dân Ninh Hạ bị kết án tù

Bốn nữ cư dân sống ở thành phố Thạch Chủy Sơn, khu tự trị Ninh Hạ, bị kết án tù vào ngày 22 tháng 4 năm 2021.

Bà Dư Đức Trinh bị kết án bốn năm tù và bị phạt 30.000 tệ. Bà Trần Tú Bình bị kết án ba năm rưỡi và bị phạt 25.000 tệ. Bà Sử Mỹ Lan bị kết án ba năm hai tháng và bị phạt 10.000 tệ. Bà Lưu Thúy Mai bị kết án ba năm và bị phạt 10.000 tệ.

Bà Dư, bà Trần và bà Sử đã bị cảnh sát theo dõi vào ngày 30 tháng 4 năm 2020, khi họ đang phát tài liệu có thông tin về Pháp Luân Công ở một khu dân cư. Cảnh sát đã bắt và lục soát nhà của họ. Dù cảnh sát đã thả họ vào tối hôm đó, nhưng họ bí mật theo dõi những người này sau đó, bao gồm cả việc họ đi đâu và nói chuyện với ai. Một số bức ảnh họ chụp các học viên sau đó, được dùng làm bằng chứng cho việc truy tố.

Cảnh sát đã bắt giữ ba người này một lần nữa vào ngày 16 tháng 5 năm 2020. Học viên thứ tư, bà Lưu, cũng bị bắt vào ngày hôm đó. Để đột nhập vào nhà bà Dư, cảnh sát đã gỡ bỏ lỗ nhìn trên cửa nhà bà từ bên ngoài, rồi sau đó sử dụng một sợi dây để luồn qua khe hở và mở khóa cửa nhà bà. Cảnh sát đã đánh bà Lưu khi họ thẩm vấn bà tại đồn.

Cả bốn học viên đều được bảo lãnh tại ngoại vào tối hôm đó, nhưng họ bị bắt lại vào ngày 27 tháng 7 năm 2020, và bị giam tại trại tạm giam Thạch Chủy Sơn.

Vào ngày 12 tháng 1 năm 2021, Tòa án Quận Đại Vũ Khẩu đã đưa ba học viên ra xét xử thông qua hình thức trực tuyến. Họ nhận được phán quyết vào ngày 22 và ngày 26 tháng 4. Chủ tọa phiên tòa là Vương Giác. Bốn học viên đều kháng cáo. Hai người trong số họ đã nhờ gia đình thuê luật sư để đại diện họ đi kháng cáo.

Người lớn tuổi bị nhắm đến

Tỉnh Hà Nam: Hai cư dân 81 và 66 tuổi bị kết án tù vì kiên định đức tin

Ông Trịnh Gia Kim, 81 tuổi sống ở thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam đã bị kết án một năm tám tháng tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bởi trước đó ông Trịnh đã bị kết án bảy năm rưỡi tù vào năm 2015, nhưng chưa chấp hành án, nên sau phán quyết lần này, ông phải thụ án tổng cộng chín năm và hai tháng.

Một học viên khác, bà Chu Phượng Lan, 66 tuổi, bị kết án bảy năm rưỡi. Cả hai học viên đều đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Tân Hương.

Cả ông Trịnh và bà Chu đều bị bắt vào ngày 28 tháng 8 năm 2020, tại nơi họ thuê để làm tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Máy tính, máy in và một số lượng lớn đồ dùng văn phòng của họ đã bị tịch thu.

Cảnh sát đã thẩm vấn hai học viên tại Đồn Công an Nam Kiều và đưa họ đến trại tạm giam Thành phố Tân Hương vào chiều hôm sau. Ông Trịnh bị từ chối tiếp nhận vì huyết áp cao nguy hiểm và được thả vào buổi tối. Bà Chu hiện vẫn đang bị giam ở đó.

Sau ba phiên xét xử, vào ngày 23 tháng 2, ngày 8 tháng 4 và ngày 8 tháng 5 năm 2021, thẩm phán đã kết án tù hai học viên và mỗi người bị phạt 10.000 Nhân dân tệ.

Kể từ tháng 9 năm 2020, phòng bảo hiểm xã hội địa phương đã đình chỉ lương hưu của ông Trịnh. Phòng bảo hiểm đã giữ lại số tiền này nhằm lấy lại số tiền lương mà ông Trịnh đã lĩnh trong khoảng thời gian từ lần bị bắt giữ trước đó (tháng 11 năm 2014) đến lần bị bắt giữ gần đây nhất (tháng 8 năm 2020). Nhà chức trách tuyên bố rằng theo một chính sách mới, các học viên Pháp Luân Công mà đang thụ án tù sẽ không được hưởng bất kỳ khoản lương và phúc lợi hưu trí nào, mặc dù trong luật lao động của Trung Quốc không hề quy định điều này. Sau lần bị bắt vào ngày 11 năm 2014, ông Trịnh đã được tại ngoại chữa trị y tế, tuy nhiên nhà chức trách cho biết ông vẫn không được nhận bất kỳ khoản tiền hưu trí nào.

Ông Trịnh là một kỹ sư đường sắt đã nghỉ hưu. Ông bị bắt vào ngày 3 tháng 11 năm 2014, và bị kết án bảy năm rưỡi tù giam vào ngày 30 tháng 4 năm 2015. Ông đã kháng cáo lên Tòa Trung cấp Thành phố Tân Hương, tuy nhiên tòa đã trả hồ sơ về tòa cấp dưới vào tháng 7 năm 2015 và ra thông báo xét xử lại. Thẩm phán ở tòa cấp dưới vẫn giữ nguyên bản án bảy năm rưỡi của ông Trịnh sau phiên xử lại.

Cuối năm 2015, ông Trịnh bị đưa tới Nhà tù Trịnh Châu nhưng sau đó đã được bảo lãnh tại ngoại điều trị y tế.

Người phụ nữ 71 tuổi bị kết án lần ba vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Vào tháng 5 năm 2021, bà Đặng Thiên Ngọc, 71 tuổi, ở thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, đã bị kết án bí mật năm năm tù giam.

Bà Đặng bị bắt vào ngày 14 tháng 4 năm 2020 vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà đã được thả vào khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, cảnh sát đã kéo tới lục soát nhà bà ngay trong tối hôm đó và tịch thu các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập và các tài liệu thông tin Pháp Luân Công khác.

Bà bị giám sát tại nơi cư trú và sau đó bị bắt một lần nữa vào ngày 18 tháng 10. Ban đầu bà bị giam trong một trại tạm giam ở thành phố Thạch Thủ, sau đó bị chuyển tới trại tạm giam Kinh Châu Số 1 vào ngày 4 tháng 11.

Đến tháng 5 năm 2021, gia đình bà hay tin bà bị kết án 5 năm tù, nhưng chính quyền giữ kín mọi thông tin về thời gian diễn ra phiên tòa và thời điểm bà bị kết án.

Đây là lần thứ ba bà Đặng bị kết án vì kiên định đức tin, lúc đầu là ba năm vào năm 2001 và sau đó là bốn năm vào năm 2009. Phòng An sinh Xã hội Thành phố Kinh Châu đã đột ngột treo lương hưu của bà Đặng vào tháng 2 năm 2019 mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.

Bi kịch gia đình

Một kỹ sư cấp cao lại bị kết án 4 năm sau khi bị bỏ tù 11 năm vì tín ngưỡng của mình

Mong ước của cô Ư Minh Huệ được tái đoàn tụ với bố mẹ mình lại bị tan vỡ khi người mẹ 63 tuổi của cô bị kết án 4 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Kể từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp môn tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999, gia đình ba người của cô Ư ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang mới chỉ được sống cùng nhau chưa đầy 2 năm. Bố cô đã bị bắt vào năm 2001 và bị kết án 15 năm. Mẹ cô bị bắt vào năm 2003 và bị kết án 11 năm.

Từ thời niên thiếu, cô Ư đã phải vật lộn để lớn lên một mình. Sau khi được nhận vào Trường Nghệ thuật Thị giác và Biểu diễn Cambridge vào năm 2012 để học thiết kế thời trang, cô đã chuyển đến Anh quốc và kể từ đó cô vẫn chưa thể quay trở lại Trung Quốc.

Khi bố cô được phóng thích vào năm 2016, hai năm sau khi mẹ cô trở về ngôi nhà trống không, họ đã xin cấp hộ chiếu để đến Anh quốc thăm cô Ư, nhưng cảnh sát đã từ chối và nói rằng họ không có cách nào để có được hộ chiếu.

Vào ngày 31 tháng 3 năm 2020, mẹ cô Ư, bà Vương Mai Hồng, một kỹ sư địa chất, bị bắt lại vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Sau một năm bị tạm giam, bà đã bị kết án 4 năm vào khoảng đầu tháng 5 năm 2021 và bị đưa vào Trại tù Nữ Hắc Long Giang để thi hành án.

13c88a989bd9850827935dc046f29d0b.jpg

Cô Ư Minh Huệ và mẹ cô là bà Vương Mai Hồng

Trong khi đang tham dự một sự kiện ở Anh quốc vào tháng 4 năm 2021 để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp, cô Ư nói: “Tôi không biết khi nào thì mẹ tôi sẽ được trả tự do. Tôi đến đây, hôm nay, để phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc bởi vì mẹ tôi không phạm tội gì trong việc tu luyện Pháp Luân Công cả. Bố mẹ tôi hiện đã ngoài 60 tuổi rồi. Họ đã bị bỏ tù trong hơn 1 thập kỷ. Cuộc sống của họ cực kỳ khó khăn.”

“Tôi rất lo lắng. Tôi hy vọng là họ có thể phóng thích mẹ tôi ngay lập tức và trả lại tự do cho bà. Hãy dừng việc sách nhiễu bà. Không có gì là sai khi tin theo giá trị Chân-Thiện-Nhẫn”, cô nói.

Bà mẹ 72 tuổi lại bị kết án ba năm tù giam vì cố gắng giải cứu con gái mình

Một bà mẹ 72 tuổi bị kết án ba năm tù vào đầu tháng 5 năm 2021, sau khi bà bị bắt vì tìm cách trả tự do cho con gái đang bị giam cầm vì tu luyện Pháp Luân Công.

Con gái bà Trần Nham, cô Tào Nguyệt Linh, bị bắt vào ngày 24 tháng 8 năm 2020, trước khi lên chuyến bay đến Thượng Hải để gặp hai con trai sinh đôi của cô, lúc đó đang ở với chồng cô ở Thượng Hải. Cô đã không gặp họ trong năm năm.

Có 15 người đã đưa cô Tào trở về nhà cha mẹ cô ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, nơi cô đang ở, và lục soát nơi này. Cảnh sát cũng định bắt bà Trần, nhưng bị bố cô Tào ngăn lại.

Trong vài tuần tiếp theo, bà Trần đã đến Đồn Cảnh sát Lôi Phong nhiều lần để yêu cầu trả tự do cho cô Tào nhưng vô ích.

Bà Trần đã đến đồn cảnh sát để yêu cầu trả tự do cho cô Tào vào ngày 21 tháng 9. Sau khi bảo vệ nói với bà rằng cảnh sát trưởng không ở đó, bà Trần đã đến Phòng An ninh Nội địa và gặp trưởng phòng Đồ Cương. Trưởng phòng Đồ đã nói bà Trần quay về đợi ông ta ở đồn cảnh sát. Khi bà Trần quay về đồn cảnh sát thì bị ông Đồ bắt giữ. Họ đưa bà đến trại tạm giam Tân Tân lúc 4 giờ chiều ngày hôm sau.

Gia đình bà Trần gần đây đã xác nhận việc bà bị kết án tù. Bà đã nộp đơn kháng cáo bản án. Không rõ việc con gái bà, cô Tào, có bị kết án hay không.

Trước khi bi kịch này xảy ra, cô Tào bị bắt tại Thượng Hải vào ngày 2 tháng 4 năm 2015 vì cung cấp thông tin về Pháp Luân Công và bị kết án bốn năm rưỡi vào ngày 25 tháng 3 năm 2016. Cô được trả tự do vào khoảng tháng 3 năm 2019 và bị bắt lại vài tháng sau.

Bà Trần bị bắt chỉ bốn tháng sau khi trở về nhà vào ngày 10 tháng 5 năm 2020, khi mãn hạn ba năm tù vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Hai vợ chồng ở Tứ Xuyên bị kết án 8 năm sau khi bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát

Ngày 27 tháng 4 năm 2021, một cặp vợ chồng ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đều bị kết án tám năm tù vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công.

Ông Lưu Vĩ và bà Ngả Triêu Ngọc đã bị bắt trong một cuộc bắt giữ quy mô lớn 40 học viên Pháp Luân Công địa phương vào ngày 10 tháng 7 năm 2019. Trong cuộc bắt giữ này, rất nhiều cảnh sát kéo tới nhà của hai học viên. Một nhân viên quản lý chung cư cho hay, cảnh sát đã trích xuất hàng chục đoạn video từ camera giám sát, có thể là để tìm kiếm các học viên Pháp Luân Công lui tới nhà hai học viên này.

Vợ chồng ông Lưu bị giam trong trại tạm giam Huyện Bì và bị bắt giữ chính thức vào ngày 17 tháng 8. Công tố viên đã hai lần trả hồ sơ của vợ chồng ông Lưu vì không đủ bằng chứng. Để khép tội hai học viên, cảnh sát đã dùng bạo lực và lấy sự an toàn của gia đình và con cái của họ ra uy hiếp hòng ép họ nhận tội. Hai vợ chồng khẳng định rằng họ không làm gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 3 tháng 4 năm 2020, Viện Kiểm sát Quận Thành Hoa đã truy tố hai vợ chồng. Sau đó, ngày 18 tháng 4 năm 2020, luật sư đã tới trại tạm giam gặp họ. Bởi dịch bệnh, trại tạm giam chỉ cho phép luật sư nói chuyện với họ qua video và cũng giới hạn thời gian cuộc gặp là 20 phút.

Luật sư cũng đi tới Tòa án Quận Thành Hoa để xem hồ sơ vụ án của vợ chồng ông Lưu. Nhân viên tiếp dân nói rằng vụ án vẫn chưa lập án, và từ chối để luật sư tiếp cận tài liệu.

Ngày 9 tháng 3 năm 2021, sau 11 tháng ở trong trại giam, hai học viên đã bị xét xử qua hệ thống trực tuyến trong trại tạm giam. Lính canh không cung cấp ghế hoặc micro cho họ. Do đó, hai học viên phải đứng trong suốt phiên tòa và hét lớn vào chiếc micro gắn trên tường để nói chuyện với thẩm phán.

Phiên tòa thứ hai diễn ra vào ngày 30 tháng 3, và thẩm phán đã kết án họ mỗi người tám năm tù vào ngày 27 tháng 4, cả hai đều đã kháng cáo.

Ngoài vợ chồng ông Lưu, bốn học viên khác cũng bị bắt cùng ngày và cũng lĩnh án nặng. Bà Mao Không bị kết án 11,5 năm. Ông Đỗ Vinh bị kết án 9 năm và phạt 10.000 Nhân dân tệ. Bà Trương Trân Hoa bị kết án 8 năm và phạt 8.000 Nhân dân tệ. Ông Trần Thế Quý bị kết án 7,5 năm và phạt 6.000 Nhân dân tệ.

Trong khi chờ kết quả kháng cáo, bà Mao bất ngờ nhập viện vào ngày 9 tháng 4 năm 2021 và hai ngày sau bà qua đời. Gia đình bà nghi ngờ bà có thể đã bị tra tấn trong khi bị giam giữ.

Bởi giữ vững đức tin của mình khi đối mặt với cuộc bức hại, trong cuộc sống hàng ngày, bà đã phải chịu sự sách nhiễu và giám sát liên tục. Không chịu được áp lực, chồng bà đã ly hôn với bà vào tháng 2 năm 2002. Bà Ngả kết hôn với ông Lưu vào năm 2004. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà khiến bà đã vài lần buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại.

Cặp vợ chồng ở Quảng Tây bị kết án tù, người chồng bị các vấn đề về sức khỏe

Một người dân ở thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây đang bị chảy máu đường tiêu hoá và sưng cổ trong lúc bị cầm tù vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Tình trạng của vợ ông, người bị bắt và kết án cùng ông, hiện vẫn chưa rõ vì nhà tù chặn mọi hình thức liên lạc giữa bà và gia đình.

Ông Tạ Kiến Tân và vợ là bà Triệu Nhâm Viễn bị bắt tại nhà vào nửa đêm ngày 5 tháng 2 năm 2020. Cảnh sát tuyên bố rằng họ đến để đo nhiệt độ của cặp vợ chồng. Sau khi ông Tạ từ chối mở cửa, cảnh sát đã xông vào và bắt họ.

Khi gia đình gọi cho cảnh sát vào ngày 8 tháng 2 để hỏi về trường hợp của họ, một cảnh sát nói rằng hai người bị bắt vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công nhưng anh ta từ chối cung cấp thêm thông tin khác.

Hai vợ chồng đã bị Tòa án Quận Tú Phong xét xử vào ngày 6 tháng 11 năm 2020. Vào ngày 1 tháng 12, thẩm phán đã kết án hai vợ chồng bốn năm với số tiền phạt là 5.000 Nhân dân tệ mỗi người.

Tòa án Trung cấp Thành phố Quế Lâm đã nhận đơn kháng án của họ vào ngày 16 tháng 12, chín ngày sau khi họ kháng án. Đầu tháng 1 năm 2021, luật sư của bà Triệu đã cố gắng liên lạc với thẩm phán phụ trách vụ kháng án nhưng không được. Sau đó một thư ký toà án nói rằng thẩm phán đã ra quyết định giữ nguyên bản án ban đầu vào cuối tháng 12 năm 2020 nhưng không thông báo cho luật sư. Hiện sáu tháng đã trôi qua nhưng gia đình vẫn chưa nhận được bản án từ toà án trung thẩm.

Bà Triệu bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Quảng Tây ở Nam Ninh vào ngày 9 tháng 2 năm 2021. Giữa tháng 2, khi gia đình gọi cho nhà tù thì lính canh nói rằng họ sẽ không được gặp bà do dịch bệnh. Họ đã viết một bức thư cho bà nhưng không thấy hồi âm. Họ lại gọi cho nhà tù vào tháng 5 và các lính canh vẫn từ chối cung cấp mọi thông tin về bà Triệu.

Ngày 8 tháng 4 năm 2021, ông Tạ bị đưa đến Nhà tù Liễu Châu. Theo luật sư của ông, ông đã bị xuất huyết đường tiêu hoá nhiều lần trong trại tạm giam. Trong lá thư ông gửi cho gia đình, ông cho biết vết sưng ở cổ ngày càng tệ hơn.

Một luật sư ở Cát Lâm bị kết án bảy năm tù, người vợ đang đợi phán quyết

Gần đây, kháng cáo án tù bảy năm của luật sư Đỗ Cảnh Nghĩa ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị bác bỏ. Vợ ông bị bắt sau ông một năm hiện đã bị xét xử vào tháng 12 năm 2020 và hiện đang đợi phán quyết.

Ông Đỗ, khoảng 60 tuổi, bị bắt lúc 6 giờ sáng ngày 9 tháng 9 năm 2019 khi đang đi ra ngoài mua đồ tạp hóa. Sau đó họ đã lấy chìa khóa và lục soát nhà của ông. Mặc dù vợ ông, bà Thôi Ngọc Thu, và con gái họ là cô Đỗ Tân, cũng bị bắt giữ, nhưng họ đã được thả vào khoảng 11 giờ tối cùng ngày.

Ông Đỗ bị nhốt qua đêm tại Đồn Công an Nghĩa Hòa Lộ và bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Trường Xuân Số 2 vào ngày hôm sau. Ông từng phải nhập viện vì bị ghẻ do điều kiện vệ sinh trong phòng giam không đảm bảo.

Hai ngày sau phiên xét xử sơ thẩm ngày 13 tháng 7 năm 2020 của ông Đỗ tại Tòa án Quận Triều Dương, công an đã ập vào nhà và bắt vợ và con gái ông một lần nữa. Trong khi cô Đỗ được thả sau 13 ngày bị giam giữ, bà Thôi vẫn bị giam trong trại tạm giam Thành phố Trường Xuân Số 4.

Trong phiên xét xử thứ hai của ông Đỗ diễn ra vào ngày 28 tháng 9, thẩm phán Trương Đan đã cấm con gái ông tham dự phiên tòa với lý do cô là nhân chứng chống lại ông Đỗ. Khi cô Đỗ đi ra ngoài để tìm một thành viên trong gia đình khác tham gia phiên xử giúp cô, thẩm phán đã bắt đầu tiến hành xét xử và từ chối cho người thân của ông Đỗ vào phòng xử án.

Ngày 10 tháng 12 năm 2020, gia đình ông Đỗ đã nhận được thông báo của Tòa án Quận Triều Dương, nói rằng họ sẽ xét xử bà Thôi vào ngày hôm sau. Thẩm phán nói rằng gia đình không được phép tham dự phiên xét xử, bởi đây là vụ án “rất đặc biệt”.

Gần đây ông Đỗ đã bị kết án bảy năm tù. Gia đình ông không nhận được thông báo về phán quyết. Ông đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân, nhưng cơ quan này đã ra quyết định giữ nguyên bản án ban đầu của ông.

Trước vụ bắt giữ gần đây nhất, bà từng bị kết án một năm vào tháng 4 năm 2002 và một năm rưỡi vào tháng 11 năm 2003, cả hai lần bà đều bị giam trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chủy Tử. Bà thường bị đánh đập, sốc điện, cấm ngủ, cưỡng chế lao động không công trong thời gian dài.

Án lao động lần hai của bà Thôi là một đòn nặng giáng vào người mẹ già của bà. Bà cụ đã ngoài 90 tuổi bị trầm cảm và sớm qua đời. Bởi nhớ mẹ, kết quả học tập ở của cô Đỗ ở trường trung học đã nhanh chóng tụt dốc. Cô từng là một trong những học sinh xuất sắc của lớp, nhưng lại không được nhận vào trường đại học, khiến cô gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc.

Kết án bí mật

Thiểm Tây: Một người đàn ông bị kết án bí mật bốn năm tù

Cuối tháng 5 năm 2021, khi gia đình ông Lưu Vĩ đến trại tạm giam để thăm ông thì được biết rằng ông đã bị kết án bốn năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Đây là lần đầu tiên gia đình được cập nhật thông tin về vụ án của ông sau khi ông bị bắt từ một năm rưỡi trước.

Ông Lưu, một nhân viên nghỉ hưu Nhà máy Sản xuất Dầu và Ngũ cốc ở thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, đã bị bắt gần thành phố Tây An vào tháng 9 năm 2019. Ông Lưu vẫn bị giam trong khi một học viên khác, Trương Tình, bị bắt cùng với ông đã được thả sau 30 ngày bị giam ở trại tạm giam Quận Nhạn Tháp. Công an đã không cho gia đình biết ông bị giam ở đâu.

Đầu tháng 11 năm 2019, ông Lưu đã bị đưa về lại nơi ở tại Hán Trung. Cảnh sát đã lục soát nhà ông và tịch thu các sách Pháp Luân Công và máy in. Sau đó ông bị giam ở trại tạm giam Huyện Phật Bình dưới quyền quản lý của Hán Trung.

Khi gia đình ông đến trại tạm giam Huyện Phật Bình để thăm ông vào tháng 5 thì ông đã bị chuyển đến trại tạm giam Hán Đài trong lúc chờ kết quả kháng án. Một lính canh cho biết có thể ông sẽ sớm bị đưa đến Nhà tù Vị Nam để thụ án.

Đây không phải lần đầu tiên ông Lưu, ngoài 60 tuổi, bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước đây, ông đã từng bị kết án hai năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Quách Trấn sau khi bị bắt vào tháng 9 năm 2009. Ông lại bị bắt vào tháng 1 năm 2013 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và đã bị Toà án Huyện Nam Trịnh kết án bốn năm tù. Ông đã liên tục bị tra tấn và phải lao động không công ở Nhà tù Vị Nam.

Người phụ nữ Quý Châu bị bắt giữ và kết án bí mật

Kể từ khi bà Chu Cầm bị bắt giữ bí mật vào tháng 9 năm 2019, gia đình bà vẫn không được phép gặp bà. Gần đây, họ được thông báo rằng cựu giảng viên tiếng Anh đại học này đã bị bỏ tù để thụ án sáu năm vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Chu, 61 tuổi, sống một mình ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu. Vào tháng 9 năm 2019, gia đình đột nhiên không thể liên lạc với bà. Bởi không liên lạc được với bà, chị họ của bà đã đến nhà bà vào ngày 25 tháng 9, nhưng không ai mở cửa. Hàng xóm của bà đều nói gần đây họ không trông thấy bà.

Vài ngày sau chị họ của bà Chu quay lại và bà Chu vẫn không có ở nhà. Bà đã báo việc bà Chu mất tích với đồn công an địa phương vào ngày 4 tháng 10, và nhận được thông báo rằng bà đã bị bắt. Khi người chị họ hỏi cảnh sát tại sao lại bắt bà Chu và hiện bà ấy ở đâu, cảnh sát từ chối trả lời.

Trong vài tháng sau đó, chị họ và bạn bè của bà Chu đã đi đến hầu hết các trại tạm giam ở Quý Dương để tìm kiếm tung tích của bà, nhưng vô ích. Cuối cùng, họ đã tìm thấy bà ở trong trại tạm giam Nữ Tam Giang, nằm ở khu vực ngoại ô Quý Dương.

Gia đình bà Chu đã gửi hai khoản tiền mặt cho bà, lần lượt vào tháng 12 năm 2019 và tháng 1 năm 2020. Sau khi đại dịch virus corona bùng phát, trại tạm giam đã ngừng nhận tiền gửi vào.

Gần đây gia đình bà Chu đã nhận được bản án 6 năm tù giam của bà vào ngày 19 tháng 4 năm 2021. Có thông tin rằng bà đã bị đưa đến Nhà tù Nữ Số 1 Tỉnh Quý Châu, và nhà tù cũng không cho bất kỳ ai vào thăm bà.

Người đàn ông Thiên Tân bị bí mật kết án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Gần đây, ông Tiêu Thụ Thanh, ngoài 70 tuổi, đã bị kết án 3,5 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Ông Tiêu bị bắt vào tháng 3 năm 2020, sau khi bị báo cảnh sát vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Mặc dù ông đã sớm được bảo lãnh tại ngoại, cảnh sát vẫn liên tục bắt ông về Đồn Công an Thụy Cảnh để thẩm vấn. Ông cũng bị triệu tập đến tòa án, viện kiểm sát địa phương và bị đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Cảnh sát thu thập mẫu máu của ông mà không có sự đồng ý của ông vào ngày 21 tháng 10 năm 2020 và tháng 3 năm 2021.

Ngày 19 tháng 4 năm 2021, cảnh sát lại đưa ông Tiêu về đồn công an một lần nữa. Họ bảo ông rằng vụ án của ông vẫn chưa đóng lại, và ông sẽ bị đưa ra xét xử. Vào 9 giờ 30 phút tối hôm đó, cảnh sát họ Cận đã tới nhà ông Tiêu và thông báo với gia đình ông rằng ông đã bị kết án 3,5 năm tù với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ thường được chính quyền Cộng sản Trung Quốc sử dụng quy để kết tội các học viên Pháp Luân Công.

Cảnh sát Cận nói rằng ông Tiêu đang bị giam trong trại tạm giam Bắc Thần và vụ án của ông do thẩm phán Quách Hoa Dương của Tòa án Bắc Thần xử lý. Gia đình ông Tiêu không được cung cấp phán quyết chính thức hay bất kỳ tài liệu nào liên quan đến vụ án của ông.

Vài ngày sau, một lệnh bắt giữ được gửi tới gia đình ông Tiêu qua đường chuyển phát nhanh, nhưng họ từ chối nhận.

Các bản án khác

Người đàn ông Tứ Xuyên bị kết án bốn năm tù vì kiên định đức tin

Trong lúc đang kết án tù một cư dân ở thành phố Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên, chủ tọa phiên tòa cho hay họ không tuân theo luật pháp trong việc khởi tố các vụ án Pháp Luân Công, mà chỉ nghe theo chỉ đạo của Phòng 610, một cơ quan ngoài pháp luật được thành lập vào ngày 10 tháng 6 năm 1999 có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công.

Ông Dương Hoa Minh, 53 tuổi, một nhân viên của Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt vào ngày 1 tháng 10 năm 2019, khi đang trên đường trở về quê nhà ở Xạ Hồng.

Công an ở Thành Đô và Xạ Hồng đều tham gia vào vụ bắt giữ.

Sau khi cảnh sát chuyển vụ án của ông lên Viện Kiểm sát Quận Vũ Hầu, công tố viên đã hai lần trả lại hồ sơ vì không đủ bằng chứng. Cảnh sát đã đe dọa ông Dương và gia đình rằng nếu ông không nhận tội, ông sẽ bị kết án nặng.

Sau khi cảnh sát trình hồ sơ lần ba, công tố viên đã truy tố ông Dương. Ông Dương đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Vũ Hầu vào ngày 21 tháng 4 năm 2021. Ông không nhận tội và lập luận rằng không có luật nào từng hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Ông nói thêm rằng Tống Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm sách Pháp Luân Công vào năm 2011.

Dù thiếu cơ sở luật pháp, nhưng thẩm phán vẫn kết án ông Dương bốn năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ vào ngày 12 tháng 5 năm 2021.

Tỉnh An Huy: Một người phụ nữ bị kết án tù vì chia sẻ câu chuyện hồi phục sức khỏe sau 11 năm nằm liệt giường nhờ tu luyện Pháp Luân Công

Không bao lâu sau khi sinh đôi hai con gái ở tuổi 32, bà Khang Khải Hiệu đã mắc hội chứng tắc nghẽn vùng chậu và phải nằm liệt giường suốt 11 năm. Bà đã đến khám ở nhiều bệnh viện lớn nhưng đều nhận được câu trả lời rằng đây là căn bệnh hiếm gặp và không thể chữa trị. Bà Khang cũng thử chữa trị bằng Trung y và thử qua khí công, nhưng đều không khỏi. Khi hai con gái của bà lớn lên, mỗi ngày khi trở về sau khi tan học, việc đầu tiên là họ đi xem mẹ mình có còn sống hay không.

Sau đó bà Khang đã nhận được một tờ tài liệu giới thiệu về Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa. Ấn tượng với lợi ích khỏe mà Pháp Luân Công mang lại, bà Khang bắt đầu đọc sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của môn này. Chỉ trong hai ngày đọc sách, bà đã hồi phục sức khỏe một cách thần kỳ.

Vô cùng biết ơn Pháp Luân Công đã mang lại cho mình một cuộc sống mới, bà Khang rất mong muốn được chia sẻ với người hơn về những lợi ích sức khỏe của pháp môn. Khi rảnh rỗi, bà thường ra ngoài nói chuyện với mọi người và phân phát tài liệu thông tin.

Ngày 23 tháng 4 năm 2020, một người hiểu sai về Pháp Luân Công đã báo bà Khang với cảnh sát. Người của đồn công an đã bắt giữ bà, lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, máy tính, máy in và máy ép plastic của bà. Bà bị tạm giữ hình sự tại trại tạm giam Nữ Thành phố Hợp Phì sau khi bị thẩm vấn tại đồn công an.

Cảnh sát đã chuyển vụ án của bà sang Viện Kiểm sát Quận Thuận Sơn vào tháng 7 năm 2020, sau đó hồ sơ của bà chuyển thẳng đến Toà án Quận Thuận Sơn. Cả Viện Kiểm sát và Toà án Quận Thuận Sơn đều là những cơ quan chính phụ trách xử lý các hồ sơ về Pháp Luân Công ở khu Hợp Phì hai năm trước.

Trong phiên xử bà Khang vào ngày 27 tháng 11 năm 2020, chồng bà, người đã không gặp bà trong bảy tháng, không được phép tham dự. Thẩm phán tuyên bố rằng ông được cảnh sát liệt kê là nhân chứng chống lại bà Khang.

Bà Khang đã kể chi tiết sự phục hồi sức khỏe nhờ tu luyện Pháp Luân Công của bản thân và khẳng định rằng bà không hề phạm tội khi chia sẻ câu chuyện này của mình với mọi người. Nghe xong câu chuyện của bà, chủ tọa phiên tòa Ngô Tiểu Thủy đã ngạc nhiên đến mức thốt lên: “Bà nói Pháp Luân Công đã chữa khỏi bệnh cho bà ư?”

Hai luật sư của bà đã bào chữa vô tội cho bà và bác bỏ cáo buộc “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ tiêu chuẩn được chính quyền sử dụng để vu khống và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công.

Luật sư cũng chỉ ra việc không có điều luật nào ở Trung Quốc kết tội Pháp Luân Công, hoặc định nghĩa môn này là dị giáo. Khi luật sư đưa ra một bản sao về thông báo của Cục xuất bản Trung Quốc vào năm 2011, nêu rõ việc bãi bỏ lệnh cấm xuất bản sách về Pháp Luân Công, điều này khiến cho công tố viên bị sốc. Ông ta hỏi: “Có phải ông tải cái này từ Internet?”.

Sau đó thẩm phán đã kết án bà Khang 4,5 năm tù và khoản phạt 8.000 Nhân dân tệ. Bà đã kháng cáo nhưng tòa án cấp cao hơn đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của bà vào ngày 19 tháng 4 năm 2021 mà không tổ chức xét xử. Bà đã bị đưa tới Nhà tù Nữ Tỉnh An Huy.

Báo cáo liên quan:

90 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2021

100 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2021

120 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin trong tháng 2 năm 2021

186 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào tháng 1 năm 2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán:  https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/6/426652.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/10/193639.html

Đăng ngày 27-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share