Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 03-09-2021] Tháng 8 năm 2021 đã ghi nhận 91 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, nâng con số học viên được xác nhận bị kết án trong năm nay lên 827.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
91 trường hợp mới được báo cáo gồm 4 người trong năm 2020, 8 người trong nửa đầu năm 2021, 39 người trong tháng 7 và 40 người trong tháng 8 năm 2021.
91 học viên đến từ 16 tỉnh và thành phố. Cát Lâm chiếm nhiều nhất là 25, sau đó là Liêu Ninh (12), Hắc Long Giang (12), Sơn Đông (10) và Hà Bắc (9). 11 khu vực còn lại chiếm từ 1 đến 4 trường hợp.
Minh Huệ có thể xác nhận tuổi của 41 học viên, với người trẻ nhất là sinh viên đại học 19 tuổi. Năm học viên ngoài 30 tuổi, chín người ngoài 50 tuổi, 13 người ngoài 60 tuổi, 10 người ngoài 70 tuổi và ba người ngoài 80 tuổi, người lớn nhất 88 tuổi.
Các học viên bị kết án đến từ mọi tầng lớp trong xã hội và bao gồm các giáo viên, một giám đốc điều hành và một kỹ sư nghỉ hưu.
Các học viên bị kết án tù từ sáu tháng đến 10 năm, trung bình một người là ba năm chín tháng.
23 học viên bị phạt tổng cộng 466.000 Nhân dân tệ, gồm 20 người bị phạt từ 2.000 đến 6.000 Nhân dân tệ, 12 người bị phạt từ 10.000 đến 120.000 Nhân dân tệ, trung bình 14.562 Nhân dân tệ mỗi người.
Sau đây là tóm tắt các trường hợp được báo cáo trong tháng 8 năm 2021. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể tải ở đây (PDF).
Người già và người liệt giường cũng không tha
Ông lão 88 tuổi bị kết án một năm, không ai biết tung tích của ông
Ông Tân, 88 tuổi, một người dân 88 tuổi sống một mình ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt vào năm 2020 khi đi ra ngoài với ba học viên khác để treo băng rôn thông tin về Pháp Luân Công. Sau khi được bảo lãnh, cảnh sát đã chuyển hồ sơ của ông đến Viện Kiểm sát Quận Thuyền Doanh, cơ quan này đã truy tố ông và chuyển hồ sơ đến Toà án Quận Thuyền Doanh.
Tháng 8 năm 2021, thẩm phán Lý Trung Thành đã xét xử và kết án ông Tân một năm tù. Ban đầu, Thừa Phát Lại đã đưa ông Tân đến Trạm tạm giam Thành phố Cát Lâm nhưng nơi này từ chối nhận vì tình trạng sức khoẻ của ông. Ông đã trở về nhà vào ngày hôm đó, nhưng một tuần sau đó lại bị đưa đến một bệnh viện khác để kiểm tra sức khoẻ. Ông đã không trở về nhà sau lần kiểm tra thứ hai và không rõ hiện ông bị giam ở đâu.
Người đàn ông 79 tuổi lâm bệnh nặng bị kết án 5 năm
Ông Tằng Gia Canh, một cựu kỹ sư 79 tuổi, đã bị kết án 5 năm tù vào ngày 28 tháng 7 năm 2021, mặc dù ông bị huyết áp cao nguy hiểm và bệnh tim cũng như thị lực và thính giác suy giảm.
Ông Tằng Gia Canh
Vào ngày 10 tháng 7 năm 2019 ông Tằng ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông bị bắt sau khi cảnh sát cáo buộc ông sử dụng điện thoại của mình như một điểm phát sóng để truyền rộng thông tin về Pháp Luân Công.
Ông Tằng bắt đầu bị huyết áp cao đe dọa đến tính mạng và bệnh tim hai tháng sau khi bị bắt. Đàm Quân Hoa, một lính canh tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Quảng Châu, đã thông báo cho Công an Thành phố Quảng Châu vào ngày 10 tháng 9 về tình trạng của ông Tằng và kêu gọi cảnh sát đẩy nhanh quá trình xử lý vụ việc của ông. Gia đình và luật sư của ông Tằng đã nộp đơn xin được tại ngoại nhưng bị từ chối.
Vào tháng 11 năm 2019, Viện Kiểm sát Quận Hải Châu đã truy tố ông Tằng và chuyển vụ việc của ông sang Tòa án Quận Hải Châu.
Luật sư của ông Tằng đã kiểm tra đoạn video thẩm vấn được ghi vào ngày ông bị bắt và nhận ra rằng biên bản không khớp với video. Trong video cảnh sát hỏi các câu hỏi: Khi bị bắt giữ ông Tằng mang thiết bị gì; ông đã lấy thiết bị phát sóng wifi ở đâu; ông sử dụng thiết bị phát sóng đó như thế nào; ông có sử dụng thiết bị đó để lan truyền thông tin về Pháp Luân Công không; và cảnh sát đã tìm thấy sách cùng tài liệu Pháp Luân Công và một máy tính ở nhà ông phải không.
Trong khi thẩm vấn ông Tằng luôn giữ im lặng. Tuy nhiên, cảnh sát đã ngụy tạo một biên bản thẩm vấn mà có tất cả câu trả lời của các câu hỏi trên, trong đó ông Tằng “thừa nhận” rằng “Khi bị bắt tôi có thiết bị phát wifi màu trắng. Một người ở khu chợ địa phương đã đưa thiết bị cho tôi. Tôi chỉ sử dụng thiết bị để quảng bá Pháp Luân Công. Khi đi ra ngoài, tôi bật thiết bị lên. Cảnh sát đã tịch thu sách cùng tài liệu Pháp Luân Công ở chỗ tôi.”
Luật sư của ông Tằng cũng phát hiện ra rằng các nhà chức trách đã giữ một bản sao khác của tài liệu vụ án của ông, nhưng cả công tố và thẩm phán đều không cho phép ông xem nó.
Ông Tằng bị đưa ra xét xử trực tuyến vào ngày 17 tháng 8 năm 2020. Do bị mất thính lực nghiêm trọng, chủ tọa phiên tòa, Chu Chinh Viễn, đã yêu cầu luật sư viết ra những câu hỏi mà ông định hỏi ông Tằng. Khi phiên xét xử được tiếp tục vào buổi chiều, luật sư nhận ra rằng thẩm phán Chu đã loại bỏ một số câu hỏi liên quan đến tính bất hợp pháp của cuộc bức hại Pháp Luân Công, mặc dù ông ta đã hứa sẽ chuyển tất cả các câu hỏi mà ông đã nộp.
Công tố viên đã bổ sung một phần bằng chứng truy tố, đó là ý kiến của luật sư mà ông Tằng đã chuyển đến nhà chức trách khi ông cố gắng giải cứu con trai mình, anh Tằng Hạo, người đã bị bắt và bị kết án trước đó vì cũng có cùng đức tin đối với Pháp Luân Công. Ý kiến của luật sư được viết bởi một luật sư khác, người này nhấn mạnh tính bất hợp pháp của cuộc bức hại Pháp Luân Công và ông Tằng đã sử dụng nó để biện hộ sự vô tội của con trai mình.
Thẩm phán đã tổ chức một phiên xét xử khác vào ngày 23 tháng 9. Công tố viên Hứa Vi Quốc đã đập bàn và tuyên bố rằng ông ta là đại diện cho quốc gia khi luật sư phản đối việc thiếu cơ sở pháp lý cho cuộc bức hại. Hứa đề nghị kết án ông Tằng tám năm tù.
Trong khi chờ đợi phán quyết, sức khỏe của ông Tằng ngày càng giảm sút. Huyết áp của ông không ngừng tăng lên. Khả năng nghe và nhìn của ông ngày càng suy giảm. Ông thường xuyên bị mất ngủ và không thể giữ thăng bằng khi đi bộ.
Các yêu cầu lặp đi lặp lại của gia đình và luật sư để ông được tại ngoại đã bị gạt bỏ và thẩm phán Giả Tồn Cẩm đã không trả lời các cuộc gọi của luật sư.
Vào ngày 28 tháng 7 năm 2021, thẩm phán tuyên bố rằng ông Tằng đã bị kết án 5 năm với khoản tiền phạt 10.000 Nhân dân tệ.
Từng bị cầm tù 8 năm, người phụ nữ 72 tuổi lại bị kết án thêm 8 năm tù
Gần đây bà Cốc Tiểu Hoa, một cư dân 72 tuổi ở Bắc Kinh, đã bị kết án 8 năm tù và 15.000 Nhân dân tệ tiền phạt vì đức tin vào Pháp Luân Công.
Ngày 17 tháng 4 năm 2019, cảnh sát đã bắt giữ bà Cốc, lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng hàng chục điện thoại di động của bà.
trại tạm giam Quận Triều Dương đã từ chối yêu cầu gặp bà Cốc của luật sư trong hơn một năm. Luật sư đã nhiều lần nộp đơn lên tòa án để yêu cầu bảo lãnh tại ngoại cho bà, nhưng đều bị từ chối.
Bà Cốc khẳng định bà không vi phạm pháp luật khi tu luyện Pháp Luân Công và từ chối đeo cùm chân và còng tay.
Ngày 19 tháng 4 năm 2021, Tòa án Quận Triều Dương đã tổ chức phiên tòa xét xử bà Cốc ở trong trại tạm giam. Luật sư của bà không được phép tham dự phiên tòa và bà đã bị kết án vào khoảng tháng 8.
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Cốc liên tục bị chính quyền nhắm đến vì kiên định đức tin. Bà từng bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức vào tháng 1 năm 2002, bị kết án bốn năm tù vào tháng 11 năm 2005 và bị kết án 2,5 năm lao động cưỡng bức vào tháng 1 năm 2009.
Người phụ nữ 74 tuổi bị kết án gần 5 năm vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công
Bà Mã Nhâm, một người dân 74 tuổi ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt giữ tại nhà vào tháng 7 năm 2020. Vì một trong những người nhà của bà đang bị bệnh nặng và phải dựa vào bà để chăm sóc, nên cảnh sát đã để bà được tại ngoại.
Bà Mã Nhâm
Vào ngày 26 tháng 1 năm 2021, cảnh sát đã đệ trình vụ việc của bà Mã lên Viện Kiểm sát Quận Cam Tỉnh Tử. Công tố viên sau đó đã triệu tập bà và hỏi bà một số câu hỏi. Sau khi công tố viên truy tố bà Mã vào ngày 1 tháng 3 năm 2021, bà phát hiện ra rằng công tố viên đã không ghi lại cuộc nói chuyện với bà trong tài liệu vụ việc của mình.
Vào ngày 23 tháng 3 bà Mã nhận được một cuộc gọi từ một luật sư họ Khương, người này tuyên bố rằng ông đã được thẩm phán Đoàn Lệ chỉ định đại diện cho bà. Tuy nhiên bà Mã đã từ chối đồng ý và muốn tự bào chữa cho chính mình.
Một ngày sau, cảnh sát lừa bà Mã đến đồn công an để ký một văn bản và đã bắt giữ bà ngay khi bà đến đó. Vào ngày 25 tháng 3 bà bị đưa đến trại tạm giam Diêu Gia và bị giam giữ ở đây kể từ đó.
Gia đình bà Mã đã phải thuê một luật sư ngoại tỉnh đại diện cho bà vì nhà chức trách ở Đại Liên không cho phép luật sư địa phương biện hộ vô tội cho các học viên Pháp Luân Công. Luật sư vội vã đến Đại Liên, nhưng bị trại tạm giam từ chối cho phép gặp bà Mã.
Khi nghe tin thẩm phán Đoàn đã lên kế hoạch cho phiên xét xử, gia đình bà đã liên lạc với thẩm phán và yêu cầu bà ta hoãn phiên xét xử. Đoàn đã từ chối và nói: “Tại sao các người không làm việc với luật sư mà tôi đã chỉ định. Có phải các người vẫn chưa tìm được luật sư biện hộ đúng không?“
Luật sư đã đưa ra nhiều yêu cầu được đến thăm bà Mã nhưng đều bị từ chối. Thẩm phán đã tổ chức một phiên xét xử vào ngày 7 tháng 4, ngay sau khi thời gian cách ly 15 ngày của bà Mã kết thúc.
Bà Mã đã bị kết án bốn năm mười tháng tù vào ngày 7 tháng 6 năm 2021.
Một người phụ nữ nằm liệt giường bị kết án 6,5 năm tù
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 10 tháng 8 năm 2021, sáu sỹ quan từ Đồn Công an Thị trấn Hoàng Các Trang đã có mặt tại nhà của bà Vương Hội Lâm và yêu cầu đưa bà đến đồn công an để Tòa án Huyện Loan Nam xét xử.
Sau khi bà Vương, đang nằm liệt giường, từ chối tuân thủ, 11 người từ tòa án đã đến nhà bà lúc 9 giờ sáng. Bí thư thôn và bác sỹ cũng bị cảnh sát triệu tập.
Con gái của bà Vương đã phản đối các nhân viên tòa án, những người đã đến đầy cả nhà của bà, và nói: “Các ông đang làm gì ở đây? Mẹ tôi đã gần 70 tuổi và bà ấy hiện đang nằm liệt giường do cuộc bức hại. Bà đã vi phạm luật gì? Tại sao các ông lại đối xử với bà như vậy?”
Một nhân viên tòa án trả lời: “Đây là công việc, hãy hợp tác với chúng tôi.”
Con gái của bà Vương tiếp tục nói: “Hợp tác? Nếu bất cứ điều gì xảy ra với mẹ tôi, các ông có chịu trách nhiệm không? Nếu các ông không thể giải thích rõ ràng bà đã vi phạm luật nào, các ông không thể tổ chức phiên xét xử.”
Công tố viên không dừng lại và đọc các bằng chứng chống lại bà Vương, bao gồm cả việc bà in sách Pháp Luân Công tại nhà. Con gái bà phản bác rằng tất cả các bằng chứng đều là giả. Cô nói rằng họ không có bất kỳ máy móc gì để in sách và mẹ cô là người chỉ học hết lớp hai ở trường và không biết sử dụng máy tính. Ngay cả khi bà có in sách thì bà cũng không vi phạm bất kỳ luật nào, vì bà đang thực hiện các quyền hiến định của mình đối với tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận, con gái của bà lập luận.
Cuối cùng, thẩm phán đã kết án bà Vương 6,5 năm với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo phá hoại việc thực thi pháp luật” một cái cớ quy chuẩn được sử dụng để hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Bà Vương, người rất ốm yếu và nằm liệt giường đã hỏi thẩm phán rằng bà đã phá hoại việc thực thi pháp luật nào, nhưng ông ta từ chối trả lời. Họ rời đi vào khoảng 11 giờ sáng. Không rõ liệu bà Vương có bị bắt vào thời điểm viết bài hay không.
Bà Vương là mục tiêu trong một vụ bắt giữ tập thể vào ngày 12 tháng 8 năm 2020, khi hơn 100 cảnh sát được huy động để khủng bố, bắt giữ và tra tấn hơn 50 học viên, nhằm buộc họ từ bỏ đức tin của mình. Bà và 12 học viên khác, gồm cả chồng bà, đã bị xét xử lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 7 năm 2021. Vì bà phát sinh các triệu chứng bệnh giữa đường nên thẩm phán đã không kết án bà vào hôm đó, nhưng kết án tất cả học viên khác.
Trong số 12 học viên bị bắt cùng bà Vương, ông Lưu Duy Lập bị kết án 10 năm, bà Trương Chí Lan bảy năm, bà Đông Tú Lan ba năm, ông Tả Đức Sinh hai năm sáu tháng, ông Hầu Kiến Quảng một năm, ông Vương Bảo Trụ 11 tháng, ông Lữ Lập Phát và bà Tất Quán Cần sáu tháng. Bà Lý Ngọc Anh và ông Hồ Ấn Thương hai năm với ba năm quản chế. Bà Thôi một năm với hai năm quản chế. Án của bà Lưu Ngọc Anh không rõ.
Kết án theo nhóm
Huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm: 10 học viên Pháp Luân Công bị kết án từ hai đến mười năm tù
Mười người dân ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm đã bị kết án lên đến 10 năm tù vào ngày 26 tháng 7 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Trương Tú Chi, 64 tuổi, bị kết án 10 năm.
Bà Cao Hiểu Kỳ, 56 tuổi, bị kết án 9 năm.
Bà Thái Ngọc Anh, 66 tuổi, bị kết án 9 năm.
Bà Ngô Đông Mai, 50 tuổi, bị kết án 7 năm.
Cô Vu Giảo Như (con gái bà Thái), 34 tuổi, bị kết án 6 năm.
Ông Đan Vi Hoà bị kết án 6 năm.
Bà Triệu Tú Lan, 66 tuổi, bị kết án 5 năm.
Bà Tôn Tú Anh, 68 tuổi, bị kết án 4 năm.
Ông Trương Kính Nguyên bị kết án 2 năm.
Bà Tôn Phượng Tiên, 65 tuổi, bị kết án 2 năm.
Ba học viên khác là ông Phùng Lập Tề, ông Lữ Tương Phú và bà Đổng Tú Huy vẫn đang đợi phán quyết.
13 học viên đã bị bắt trong một đợt càn quét của cảnh sát vào ngày 15 tháng 7 năm 2020, trước dịp kỷ niệm 21 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 và lãnh đạo Trung Cộng là Tập Cận Bình sẽ đến thăm khu vực vào ngày 23 tháng 7. Hai học viên khác cũng bị bắt cùng ngày, là ông Khương Toàn Đức (chồng của bà Tôn Tú Anh), đã qua đời sau một tháng được thả vào đầu tháng 8 năm 2020, và bà Nhâm Vĩnh Bình (vợ của ông Trương), đã được thả vào ngày 4 tháng 3 năm 2021 sau khi được hủy truy tố.
Ngày 9 tháng 4 năm 2021, Toà án Thành phố Đức Huệ đã xét xử ông Trương, bà Cao, bà Triệu, bà Tôn Phượng Tiên, bà Thái, cô Vu, bà Tôn Tú Anh và ông Đan. Trong số họ, chỉ có cha của ông Trương được tham dự phiên toà sau khi ông có được thư từ đồn công an địa phương rằng ông không tu luyện Pháp Luân Công. Tất cả thành viên gia đình và luật sư của các học viên khác bị ngăn lại bên ngoài toà án. Chủ toạ phiên toà, Vương Vinh Phú, vẫn tuyên bố ông ta đang xử một phiên toà mở.
Trong phiên xử, tám học viên đều từ chối chấp nhận luật sư do toà chỉ định, những người được chỉ đạo biện hộ có tội cho học viên. Sau khi yêu cầu được luật sư đại diện bị bác bỏ bởi thẩm phán Vương, người đã chế nhạo rằng các học viên không có quyền như vậy, các học viên đã tự biện hộ và đều không nhận tội.
Hai tuần sau, vào ngày 20 tháng 4 năm 2021, bốn học viên khác, gồm bà Trương, ông Lữ, ông Phùng và bà Đổng, đã bị xét xử trực tuyến. Không rõ là bà Ngô bị xét xử khi nào.
Thành phố Mộc Lăng, tỉnh Hắc Long Giang: 4 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì tín ngưỡng của mình
Bốn cư dân ở thành phố Mộc Lăng, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Một người trong số họ đã nộp đơn kháng án, nhưng thẩm phán phụ trách trường hợp này đã từ chối chấp nhận đơn.
Ông Tôn Sĩ Vĩ, một cựu giáo viên mỹ thuật 68 tuổi, bà Thi Anh, bà Cao Vĩnh Lệ, và em trai bà là ông Cao Bằng Quang đã bị bắt và nhà họ đã bị lục soát vào ngày 24 tháng 4 năm 2020.
Ông Tôn Sĩ Vĩ
Bà Thi được đại diện bởi một luật sư do tòa chỉ định, trong khi ba học viên còn lại có luật sư riêng của mình, và tất cả các luật sư đều tuyên bố vô tội cho họ trong phiên xét xử ngày 16 tháng 7. Bản thân những học viên này cũng tự tuyên bố mình vô tội.
Thẩm phán chỉ cho 2 thành viên gia đình của mỗi học viên tham dự phiên xử. Vợ ông Cao Bằng Quang và con gái bà Cao Vĩnh Lệ đã bị cảnh sát lừa ký vào một tài liệu trước phiên xử và sau đó khiến họ trở thành những nhân chứng truy tố mà họ không biết. Thẩm phán Giang Tân Khôn sau đó đã cấm vợ ông Cao và con gái bà Cao tham dự phiên xử với căn cứ rằng họ là nhân chứng truy tố. Vợ ông Cao đã nộp một đơn yêu cầu xóa tên bà khỏi danh sách nhân chứng, nhưng thẩm phán Giang từ chối chấp nhận.
Thẩm phán Giang đã công bố phán quyết đối với các học viên vào ngày 20 tháng 7: bà Cao bị kết án 6 năm 10 tháng; ông Cao và ông Tôn mỗi người bị 6 năm rưỡi và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ, và bà Thi bị kết án 1 năm 3 tháng và bị phạt 3.000 Nhân dân tệ. Bà Thi sau đó đã được phóng thích vì bà đã bị giam đúng bằng khoảng thời gian bị kết án tù. Thẩm phán Giang chỉ thông báo cho các học viên về những bản án mà họ phải chịu, nhưng không thông báo cho các luật sư và gia đình họ biết.
Khi các luật sư của những học viên này được thông báo về việc họ bị kết án vào ngày 27 tháng 7, chỉ còn 3 ngày trước khi khi hết hạn nộp đơn kháng án.
Gia đình của ông Cao đã đến tòa án vào ngày 29 tháng 7 để nộp đơn kháng án cho ông, nhưng chỉ được thông báo rằng thẩm phán Giang không có ở văn phòng [ở Trung Quốc, các tòa án xét xử nhận đơn kháng án và sau đó chuyển đơn cho tòa phúc thẩm]. Họ gọi điện cho thẩm phán Giang và hỏi rằng liệu họ có thể gửi đơn cho nhân viên của tòa được không. Thẩm phán Giang từ chối và tuyên bố rằng ông ta phải đến trại tạm giam để nhận đơn kháng án từ chính ông Cao. Gia đình ông Cao trả lời rằng: “Ông không nhận ngay cả khi chúng tôi đến đây để nộp đơn thì làm sao chúng tôi có thể trông đợi chính ông sẽ đi và nhận đơn?”
Vì không có nhân viên nào của tòa đồng ý nhận đơn kháng án, gia đình ông Cao đã quyết định gửi đơn cho thẩm phán Giang qua đường chuyển phát nhanh. Khi thư chuyển phát nhanh được giao vào ngày hôm sau, thẩm phán Giang vẫn từ chối nhận.
Bị bức hại liên tục
Sau khi mất con trai vì bị cầm tù vì đức tin của mình, một góa phụ lại bị kết án tù bí mật lần nữa
Từng ba lần thụ án lao động cưỡng bức, một lần thụ án tù và mất con trai trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, gần đây một người phụ nữ ngoài 60 tuổi lại bị kết án 6,5 năm tù lần nữa.
Bà Vương Bằng Ảnh ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm bị bắt giữ vào ngày 28 tháng 9 năm 2020 và bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Cát Lâm. Gần đây, gia đình bà mới biết về bản án của bà, nhưng họ vẫn bị che giấu về chi tiết của bản án.
Chồng bà Vương là một công nhân mỏ than đã qua đời trong một tai nạn ở nơi làm việc nhiều năm trước. Bà một mình nuôi dạy con trai là anh Phan Quang với thu nhập ít ỏi của mình và thường tự hỏi tại sao cuộc sống của bà lại đau khổ đến như vậy. Tuy nhiên, bà đã tìm được niềm vui trong cuộc sống sau khi bà bước vào tu luyện Pháp Luân Công.
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi cuộc bức hại đột nhiên bắt đầu, bà Vương đã bị bắt giữ và giam giữ vì lên tiếng cho môn tập. Bởi không đủ tiền mua vé tàu tới Bắc Kinh, bà đã đạp xe đạp và đi hơn 1.100 km tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Sau đó, bà bị bắt giữ và bị kết án một năm lao động cưỡng bức vào năm 2001.
Tháng 11 năm 2002, bà Vương lại bị bắt và bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Sau khi bà Vương bị cầm tù, nhà chức trách còn cấm con trai bà, mới tốt nghiệp đại học, nhận khoản tiền bồi thường, đây là số tiền mà anh cùng mẹ được nhận cho cái chết của cha do tai nạn nghề nghiệp. Anh đã đổ bệnh trước khi tìm được việc làm. Thu nhập thiếu thốn khiến cuộc sống của anh rất cực khổ, điều đó càng làm cho tình trạng sức khỏe của anh tồi tệ hơn.
Thời điểm bà Vương được trả tự do sau khi bị cưỡng ép thụ án thêm một tháng tại trại lao động, con trai bà đã bị ốm nặng chỉ còn da bọc xương. Bà Vương đưa con trai tới bệnh viện nhưng đã quá muộn. Anh đã qua đời vào ngày 10 tháng 4 năm 2004.
13 ngày sau, trong khi vẫn đang thương tiếc cho cái chết của con trai, bà Vương lại bị bắt giữ lần nữa vào ngày 23 tháng 4 năm 2004 và bị kết án một năm lao động cưỡng bức lần thứ 3 tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Trường Xuân.
Sự tra tấn khiến bà Vương bị bệnh tim. Bà xanh xao và vô cùng yếu. Nhưng lính canh vẫn ép bà dậy từ sáng sớm và đứng nhiều giờ vào ban ngày. Bà gần như gục xuống và ngã nhiều lần. Bởi bà vẫn từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, nên thời hạn lao động của bà bị kéo dài thêm năm ngày.
Bà Vương lại bị bắt giữ vào ngày 12 tháng 10 năm 2016 vì phân phát tài liệu thông tin về cuộc bức hại. Toà án Thành phố Thư Lan đã xét xử bà vào ngày 19 tháng 5 năm 2017 và sau đó kết án bà 2,5 năm với 3 năm quản chế cùng tiền phạt 30.000 Nhân dân tệ.
Sau khi bà Vương được trả tự do vào ngày 16 tháng 8 năm 2017, phòng tư pháp địa phương tiếp tục giám sát cuộc sống hàng ngày của bà. Bà sống dưới áp lực vô cùng lớn. Dù đi tới đâu, bà cũng cảm thấy mình đang bị cảnh sát theo dõi.
Từng bị cầm tù 7 năm, người đàn ông Sơn Tây lại lĩnh án 9 năm tù vì kiên định đức tin
Gia đình ông Phó Trường Sinh đã bị giáng một đòn nặng khi ông bị kết án 9 năm tù vào tháng 4 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công. Đây là lần thứ ba cư dân thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Tây này bị kết án vì đức tin của mình.
Trước án tù gần đây nhất, ông Phó, một công nhân mỏ than 63 tuổi, đã bị kết án 3 năm tù vào năm 2006 và thêm 4 năm nữa vào năm 2016. Cả hai lần ông đều thụ án trong Nhà tù Trấn Trung, nơi ông bị tra tấn theo nhiều phương thức khác nhau và cưỡng bức lao động không công cường độ cao.
Ngày 18 tháng 6 năm 2020, chỉ năm tháng được thả khỏi nhà tù sau khi ngồi tù lần hai, ông Phó lại bị bắt do bị tố cáo đã nói về cuộc bức hại.
Trong lúc ông Phó đang bị cầm tù, các nhà chức trách đã đình chỉ lương hưu của ông và yêu cầu gia đình ông phải hoàn trả lại khoản tiền lương mà ông đã nhận trong khi ông đang thụ án tù, viện lý do là một chính sách mới quy định rằng các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì đức tin của họ sẽ không được hưởng bất kỳ khoản tiền hưu trí nào.
Vợ của ông Phó phải vật lộn với tình trạng sức khỏe kém và bản thân không có bất kỳ khoản thu nhập nào. Tuy nhiên, các nhà chức trách đe dọa sẽ đình chỉ công việc của các con của vợ chồng ông Phó nếu họ không trả lại khoản lương hưu đã nhận. Con gái lớn của ông Phó cho biết cô đang xem xét bán ngôi nhà của họ.
Trong khi đó, các nhà chức trách cũng ra lệnh cho vợ và con gái của ông Phó ký vào các tuyên bố tố cáo Pháp Luân Công, như là một phần của chiến dịch sách nhiễu “Xóa sổ” (một nỗ lực phối hợp để buộc mọi học viên Pháp Luân Công trong danh sách đen của chính quyền từ bỏ Pháp Luân Công). Không rõ vợ và con gái của ông Phó có tu luyện Pháp Luân Công hay không.
Các chuyên gia và chủ doanh nghiệp bị kết án
Một giám đốc điều hành bị kết án hai năm tù
Ông Lăng Kiến Dân, 45 tuổi, giám đốc điều hành tại Cục Cung cấp Điện lực Quận Hải Châu, tỉnh Quảng Đông, đã bị một tài xế tố cáo với cảnh sát khi ông lái xe tới một khu dân cư ở thành phố Quảng Châu và đặt một số tài liệu thông tin về Pháp Luân Công trên kính chắn gió xe hơi của cư dân ở khu vực này vào tháng 7 năm 2019.
Ông Lăng Kiến Dân
Thông qua các video từ camera giám sát, cảnh sát đã xác định được biển số xe của ông Lăng và đưa ông vào diện truy nã.
Khi ông Lăng trở về sau một chuyến đi tới Hồng Kông vào ngày 1 tháng 8 năm 2019, ông đã bị bắt tại hải quan ở thành phố Thâm Quyến. Cảnh sát đã lục soát nhà ông vào khoảng bốn giờ sáng.
Ông Lăng đã bị Tòa án Quận Hải Châu đưa ra xét xử vào ngày 13 tháng 11 năm 2020. Gia đình và đồng nghiệp của ông đã tham dự phiên xét xử. Ông đã tự bào chữa vô tội cho chính mình. Ông kể lại việc tu luyện Pháp Luân Công đã giúp ông có được sự bình an trong nội tâm như thế nào và cho ông dũng khí để đảm nhận những công việc có tính rủi ro cao trong công việc. Ông cũng giải thích rằng nhiều người Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi những tuyên truyền vu khống chống lại Pháp Luân Công do chính quyền đưa ra và có những hiểu lầm về pháp môn tu luyện. Ông đã truyền rộng thông tin với mong muốn mọi người có thể tự tìm hiểu sự thật.
Hai luật sư đã bào chữa vô tội cho ông và cho rằng không có cơ sở pháp lý cho cuộc bức hại. Các luật sư cũng lập luận rằng công tố viên đã không thể đưa ra các bằng chứng cho các cáo buộc chống lại ông Lăng – đó là tội danh “phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ quy chuẩn được sử dụng để kết tội các học viên Pháp Luân Công.
Khi biết về phiên tòa xét xử ông Lăng, nhiều gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của ông nói rằng họ không thể hiểu tại sao một người tốt như vậy lại phải đối mặt với án tù vì đức tin của mình. Một người hàng xóm của ông kể lại cách ông Lăng đã dập lửa tại ngôi nhà mới của một người hàng xóm khác và cứu ngôi nhà khỏi bị cháy.
Vào ngày 30 tháng 7 năm 2021, thẩm phán đã kết án ông Lăng hai năm tù với 3.000 Nhân dân tệ. Ông đã trở về nhà vào ngày hôm sau sau khi thụ án tù.
Một chủ doanh nghiệp nhỏ bị kết án năm năm tù và phạt 120.000 Nhân dân tệ vì đức tin của bà
Bà Dương Lương Anh, ở thành phố Đồng Nhân, tỉnh Hồ Nam đang đợi kết quả kháng án đối với bản án năm năm tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.
Vài năm trước, bà Dương, ngoài 50 tuổi, một người dân ở thành phố Hoài Hoá, tỉnh Hồ Nam đã chuyển đến huyện Ngọc Bình, thành phố Đồng Nhân ở cùng tỉnh cùng chồng và hai người con. Gia đình họ vận hành một doanh nghiệp nhỏ bán mì gạo.
Vào thời gian rảnh, bà Dương đi ra ngoài và nói với mọi người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Bà đã bị một camera giám sát ghi hình khi đang treo một băng rôn tại một điểm du lịch và đã bị bắt vào chiều ngày 8 tháng 10 năm 2019.
Hơn 20 cảnh sát đã đến nhà bà Dương. Họ đá cửa và xông vào. Các sách Pháp Luân Công, tạp chí và 118.000 Nhân dân tệ tiền mặt đã bị tịch thu.
Sau đó bà Dương bị đưa đến trại tạm giam Lão Sơn Khẩu và bị giam ở đó kể từ đó. Toà án Thành phố Đồng Nhân đã tổ chức hai phiên xử vào năm 2021. Hai luật sư đã biện hộ vô tội cho bà.
Có xác nhận rằng bà Dương đã bị kết án năm năm tù và phạt 120.000 Nhân dân tệ. Bà đã kháng án lên Toà án Trung cấp Thành phố Đồng Nhân.
Thế hệ trẻ bị nhắm đến vì đức tin của họ
Sinh viên 19 tuổi bị kết án tù
Vào ngày 22 tháng 4 năm 2021, một giáo viên tại Trường Điều dưỡng Duy Phường và một số cảnh sát đã xông vào ký túc xá của cô Lý Huệ, một sinh viên năm nhất 19 tuổi. Năm cuốn sách Pháp Luân Công, hơn 200 thẻ thông tin về cách vượt qua kiểm duyệt internet ở Trung Quốc, 16 thẻ thông tin về Pháp Luân Công và một chiếc USB của cô đã bị tịch thu.
Biết cô Lý tu luyện Pháp Luân Công, nhà trường đã tố giác cô để trả thù vì cô không tiêm vắc-xin virus corona.
Cha của cô Lý mới qua đời trước đó vài tháng. Việc cô bị bắt đã giáng thêm một đòn nặng lên mẹ của cô khiến bà ăn không ngon ngủ không yên. Bà đã nhiều lần đi đến Văn phòng An ninh Nội địa để yêu cầu trả tự do cho cô, nhưng đều bị từ chối.
Trong khi đó, cảnh sát ra lệnh cho mẹ của cô Lý, người cũng tu luyện Pháp Luân Công, viết một tuyên bố từ bỏ tu luyện và viết một lá thư cho cô Lý để thuyết phục cô từ bỏ đức tin của mình. Khi bà từ chối, cảnh sát đã cố gắng lục soát nhà bà. Bà sợ đến mức ngất đi. Khi thấy tình trạng của bà, cảnh sát đã rút lui.
Ngày 12 tháng 8, cô Lý đã bị Tòa án Thành phố Thanh Châu kết án bảy tháng tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ với cáo buộc “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”.
Bốn cư dân Thiểm Tây bị kết án từ 5-9 năm tù vì kiên định đức tin
Anh Trương Bằng (35 tuổi), anh Vương Ngọc Siêu (26 tuổi), anh Tằng Kim Đạt và anh Ma Hải Bằng ở thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây đã lần lượt bị bắt tại căn hộ của họ trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2019, sau khi cảnh sát phát hiện họ phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở huyện Thuần Hóa lân cận. Cảnh sát lục soát nhà họ và tịch thu máy tính, máy in của họ.
Bốn học viên bị giam trong trại tạm giam Huyện Thuần Hóa và sau đó bị Viện Kiểm sát Thành phố Hàm Dương truy tố.
Gần đây được biết anh Trương đã bị kết án 9 năm tù và ba học viên còn lại bị kết án từ 5 đến 9 năm tù.
Vi phạm trình tự pháp luật
Hắc Long Giang: Một phụ nữ bị cảnh sát đánh đập trong khi thẩm vấn, sau đó bị kết án
Ngày 12 tháng 7 năm 2020, bà Quan Diên Phượng, một cư dân ở thành phố Hổ Lâm, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt trong một vụ càn quét các học viên Pháp Luân Công của cảnh sát. Ngày 18 tháng 11, Toà án Huyện Ký Đông đã tổ chức một phiên toà xét xử bà Quan từ xa. Luật sư của bà đã biện hộ vô tội cho bà. Con gái bà đóng vai trò là người biện hộ thứ hai cho bà nhưng chỉ được tham dự phiên tòa khi đến phần tranh luận biện hộ của cô. Chị dâu của bà Quan là người duy nhất trong gia đình được tham dự phiên xử.
Công tố viên đã cáo buộc bà Quan “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”. Cả bà và luật sư đều phủ nhận cáo buộc, cho rằng không có luật nào cấm Pháp Luân Công hay gán nhãn môn này là tà giáo. Thẩm phán nhấn mạnh rằng họ có cơ sở pháp lý cho lời buộc tội này nhưng không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ cho cáo buộc.
Đối với danh sách tài liệu Pháp Luân Công mà tòa án dùng làm “bằng chứng truy tố” mình, bà Quan nói: “Tôi không có mặt khi cảnh sát lục soát nhà mình. Một số đồ vật không phải của tôi. Tôi cũng không ký vào danh sách các đồ vật bị tịch thu.”
Thẩm phán cho rằng chồng bà Quan đã ký vào danh sách thay bà, nhưng luật sư lập luận rằng chồng bà bị chấn thương não và thiếu năng lực nhận thức cơ bản, nên chữ ký của ông không thể được xem là bằng chứng hợp lệ.
Bà Quan cũng chỉ ra một nhân viên họ Ngưu của Đội An ninh Nội địa đã đánh đập bức cung bà. Thẩm phán phủ nhận rằng không có nhân viên nào mang họ Ngưu. Nhưng khi họ mở lại video cảnh sát thẩm vấn bà Quan, trong đó có cảnh người này đã hai lần đánh đập bà Quan tàn bạo. Luật sư lập luận rằng mọi lời khai của bà Quan là không hợp lệ do bà bị ép phải viết ra trong quá trình bị bức cung bằng bạo lực.
Trong suốt phiên xét xử, cảnh sát đi tuần bên ngoài phòng xử án và cố bắt các học viên Pháp Luân Công địa phương đến để thể hiện sự ủng hộ của họ với bà Quan.
Thẩm phán đã tổ chức một phiên toà khác vào ngày 21 tháng 12 năm 2000 trước khi kết án bà hai năm cùng tiền phạt 50.000 Nhân dân tệ.
Hà Bắc: Một người đàn ông bị kết án bí mật 3,5 năm tù giam
Vào ngày 4 tháng 8 năm 2020, ông Hoàng Tỉnh Dân đã bị bắt tại nhà. Vì ông Hoàng sống một mình tại thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc nên cảnh sát thông báo cho gia đình ông về vụ bắt giữ. Sau đó, ông Hoàng đã gọi được cho một người bạn, người này về sau đã thông báo cho cha và chị gái của ông về việc ông bị bắt.
Em gái của ông Hoàng đã thuê một luật sư, người này đã tính 40.000 Nhân dân tệ chi phí pháp lý và 60.000 Nhân dân tệ nữa để “hối lộ thẩm phán viên” (theo lời của vị luật sư này).
Trong lúc gia đình của ông Hoàng vẫn chưa hay biết gì về phiên xét xử ông, ông đã bị kết án 3,5 năm tù thông qua một phiên tòa trực tuyến và đã bị đưa đến Nhà tù Ký Đông. Hiện gia đình ông vẫn chưa biết tòa án nào đã tuyên án ông và tên của thẩm phán viên đã tuyên án là gì. Luật sư của họ cũng không tiết lộ những thông tin đó cho họ.
Tứ Xuyên: Người phụ nữ bị kết án bí mật
Bà Suý Huệ Lan, một phụ nữ ngoài 60 tuổi tại thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên bị bắt vào ngày 18 tháng 1 năm 2021 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.
Gần đây, gia đình bà Suý đã bị Tòa án Giáp Giang thông báo nộp phạt thay cho bà. Khi họ đến tòa án để hỏi về vụ việc của bà, họ biết được rằng bà đã bị kết án 3,5 năm tù và bị phạt 2.000 Nhân dân tệ. Nhân viên tòa án đã rút 600 Nhân dân tệ từ tài khoản của bà ở trại tạm giam để đóng một phần khoản tiền phạt này.
Tòa án này tuyên bố rằng họ đã đưa bản phán quyết đối với bà Suý cho đồn công an đã bắt giữ bà. Khi gia đình bà gọi cho cảnh sát, đã không có ai nhấc máy. Cảnh sát còn từ chối trả lại chiếc xe máy của bà đã bị tịch thu trong thời gian bị bắt giữ.
Chiết Giang: Từng bị cầm tù 6,5 năm, một người đàn ông lại bị kết án vì từ chối từ bỏ đức tin
Gần đây ông Chu Tác Lượng, 52 tuổi, một cư dân ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang đã bị kết án tù sau khi bị bắt vì không từ bỏ Pháp Luân Công.
Ngày 19 tháng 4 năm 2021, Tào Lâm Vĩ thuộc ủy ban dân cư địa phương đã đến gặp ông Chu và lệnh cho ông ký vào một biên bản từ bỏ Pháp Luân Công. Ông Chu đã từ chối tuân theo và cố giải thích với Tào rằng ông không làm gì sai khi thực hành đức tin của mình. Tào đã đe doạ đưa ông đến trại tạm giam địa phương hay nhà tù nếu ông vẫn kiên định tu luyện Pháp Luân Công.
Bốn người thuộc Đồn Công an Đông Quan đã tìm đến ông Chu vào hôm sau và lại ra lệnh ông ký vào biên bản. Ông từ chối và đã bị bắt ngay sau đó. Nhà ông cũng bị lục soát.
Ngày 20 tháng 7 năm 2021, toà án địa phương đã xét xử ông Chu và kết án ông 4 hay 5 năm. Án tù chính xác vẫn đang được điều tra. Hiện ông đang bị giam trong trại tạm giam Kim Hoa và gia đình không được vào thăm.
Ông Chu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Vì kiên định đức tin sau khi cuộc bức hại bắt đầu nên ông đã bị bắt và bị giam nhiều lần tổng cộng 6,5 năm.
Một người phụ nữ Liêu Ninh bị kết án tù bí mật
Ngày 6 tháng 8 năm 2021, bà Trương Quế Quân, một cư dân 72 tuổi ở thành phố Bổn Khê, tỉnh Liêu Ninh đột nhiên được thông báo từ một cảnh sát rằng bà đã bị Tòa án Quận Nam Phân kết án tù giam và bà có 10 ngày để kháng án. Hiện chưa rõ thời hạn án tù của bà Trương là bao lâu và liệu bà đã đệ đơn kháng án hay chưa.
Vụ bắt giữ trước đây của bà Trương diễn ra vào tháng 7 năm 2017 vì bà nói chuyện với mọi người trên phố về Pháp Luân Công. Vương Thành Cương, Đội trưởng Đội An ninh Nội địa, đã lừa bà rằng chị gái của ông ta đang bị ốm và muốn học Pháp Luân Công. Bà Trương đồng ý tới để hướng dẫn chị gái ông ấy các bài công pháp Pháp Luân Công vào ngày hôm sau, nhưng bà lại bị bắt giữ và bị đưa tới bệnh viện để khám sức khỏe. Bởi bà có một số vấn đề về sức khỏe, nên cảnh sát phải đưa bà về nhà.
Một tháng sau, vào ngày 30 tháng 8, bà bị bắt giữ lần nữa ở trên phố và bị đưa thẳng tới Tòa án huyện Hoàn Nhân, thẩm phán đã kết án bà ba năm tù tại đây. Bởi bà không vượt qua đợt kiểm tra sức khỏe bắt buộc trước khi nhận vào tù, nên bà đã được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế.
Chu Phúc Thầm, thẩm phán kết án bà Trương cùng một vài cảnh sát đã chặn đường bà ở trên phố vào lúc khoảng 7 giờ sáng ngày 26 tháng 9 năm 2019 và đưa bà tới bệnh viện để khám sức khỏe. Bà Trương phản đối và lập luận rằng bà không làm gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát trả lời rằng đó là lệnh từ cấp trên và họ không có lựa chọn mà phải tuân theo.
Tại bệnh viện, bà Trương được chụp CT đầu, điện tâm đồ, đo huyết áp, khám mắt và khám bắp chân. Bởi bà bị huyết áp cao, nên thẩm phán đã ra lệnh cho cảnh sát đưa bà tới bệnh viện khác để khám chính xác lại lần nữa.
Sau khi khám, bà Trương bị đưa tới Đồn Công an Huyện Hoàn Nhân và được yêu cầu ký vào một biên bản. Bà từ chối tuân thủ và được trả tự do vào lúc 5 giờ chiều.
Gia đình bà Trương nghi ngờ rằng lần tạm giam ngắn hạn vào năm 2019 và án tù lần này của bà có thể liên quan tới án tù vào năm 2017 và nhà chức trách có thể đang nỗ lực ép bà thụ án tù bất chấp tình trạng sức khỏe của bà.
Bài liên quan:
69 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 7 năm 2021
667 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong nửa đầu năm 2021
96 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 5 năm 2021
90 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2021
100 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2021
120 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin trong tháng 2 năm 2021
186 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào tháng 1 năm 2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/3/430344.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/8/194982.html
Đăng ngày 25-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.