Bài viết củaphóng viên báoMinh Huệ
[MINH HUỆ 05-05-2021] Từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 năm 2021, 2.857 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là đã bị cảnh sát bắt giữ và bị sách nhiễu trong đó có 1.090 vụ bắt giữ và 1.767 vụ quấy rối.
Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện thiền định đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Trong 1.090 vụ bắt giữ mới được xác nhận, có 168 vụ diễn ra vào năm 2020, 95 vụ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2021, và 826 học viên khác bị bắt trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2021.
Đối với 1.767 trường hợp quấy rối, 7 trường hợp từ năm 2016, 155 trường hợp xảy ra vào năm 2020, 143 trường hợp xảy ra từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2021, và 1.459 trường hợp khác từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2021.
Do thông tin bị phong tỏa ở Trung Quốc, nên thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công không phải lúc nào cũng được báo cáo kịp thời, cũng như tất cả thông tin đều có sẵn.
Gia tăng bức hại vào tháng 3 và tháng 4 năm 2021
Xem xét các trường hợp được báo cáo trước đây, tổng số lần bắt giữ trong tháng 1 và tháng 2 năm 2021 đã được cập nhật thành 297 và 165 vụ, và các trường hợp quấy rối được xác nhận vào tháng 1 và tháng 2 năm 2021 hiện là 256 và 228 vụ. So với hai tháng đầu năm 2021, tháng 3 và tháng 4 chứng kiến sự gia tăng các vụ bắt bớ. Tổng cộng 826 vụ bắt giữ vào tháng 3 và tháng 4, gấp 1,8 lần tổng số 462 vụ trong tháng 1 và tháng 2. Thêm nữa, có 1.459 sự cố kết hợp với quấy rối vào tháng 3 và tháng 4, gấp ba lần tổng số 484 vụ việc trong tháng 1 và tháng 2.
Để đi sâu vào các vụ việc xảy ra trong tháng 3 và tháng 4 năm 2021, thì 546 (66%) trong số 826 học viên bị bắt vẫn bị giam tại thời điểm viết bài. Tổng cộng 232 (28%) học viên bị bắt và 80 (5% trong số 1.459) học viên bị sách nhiễu và nhà bị lục soát.
Có 90 người bị bắt và 100 người bị sách nhiễu ở độ tuổi trên 65. Học viên lớn tuổi nhất bị sách nhiễu đã 94 tuổi ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Một số học viên bị nhắm đến đã nghỉ hưu, trong khi những người khác đến từ mọi tầng lớp xã hội, như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, kế toán, quản lý nhà máy, luật sư và y tá. Đối với những người làm việc cho cơ quan nhà nước, chính quyền đang cố gắng kích động sự căm ghét đối với các học viên bằng việc đe dọa đình chỉ tiền thưởng cuối năm của tất cả nhân viên. Hai giáo viên ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, bị huỷ việc thăng tiến và ban lãnh đạo nhà trường đe dọa sẽ sa thải họ nếu họ không từ bỏ Pháp Luân Công.
Hà Bắc (350), Sơn Đông (346), Tứ Xuyên (263), Hắc Long Giang (220), và Liêu Ninh (182) là năm tỉnh có nhiều trường hợp bị bức hại nhất được báo cáo, tiếp theo là Hồ Bắc (169) và Cát Lâm (160). Mười bốn tỉnh khác có tổng số các trường hợp là hai chữ số và tám tỉnh có tổng các trường hợp là một chữ số. Một trường hợp bị quấy rối không có thông tin rõ ràng về địa điểm.
Dưới đây là một số các vụ bắt giữ và quấy rối xảy ra vào tháng 3 và tháng 4 năm 2021.
Bị nhắm đến trước các ngày nhạy cảm
Bị bắt trước kỳ họp “Lưỡng Hội” ở Bắc Kinh
Bắt đầu từ giữa tháng 2 năm 2021, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công địa phương, với lý do duy trì ổn định trước Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc diễn ra từ ngày 4 đến 11 tháng 3.
Trong một số trường hợp, hàng chục cảnh sát và viên chức ủy ban khu dân cư đã đến nhà của một học viên để yêu cầu họ không được rời khỏi địa phương trong thời gian diễn ra các sự kiện. Ở một số nơi, cảnh sát cũng thường xuyên kiểm tra các học viên tại nhà mỗi ngày.
Ngày 7 tháng 3 năm 2021, cô Hoắc Chí Phương, 57 tuổi, đi giao đồ ăn cho cha của mình. Vài giờ sau đó vào buổi chiều, cảnh sát lục soát nhà và bắt cô.
Ảnh chụp màn hình video cảnh sát bắt giữ cô Hoắc trước lễ kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập ĐCSTQ
Một nhóm cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông Tôn Chấn Thiết vào khoảng 6:30 sáng ngày 14 tháng 4 năm 2021. Một cảnh sát đã giơ một tờ giấy mà anh ta nói là lệnh bắt giữ và cất nó đi trước khi ông Tôn có thể đọc nó. Trước khi bắt giữ người dân 61 tuổi sống ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm này, cảnh sát đã chụp ảnh ông và 26 cuốn sách về Pháp Luân Công của ông.
Một sĩ quan tuyên bố việc bắt giữ là để “duy trì sự ổn định xã hội”, vì Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập ĐCSTQ sẽ diễn ra trong vài tháng nữa.
Khi gia đình ông Tôn đến Đồn cảnh sát Đông Trạm một ngày sau khi ông bị bắt để yêu cầu thả ông, cảnh sát rất thô lỗ không cho họ vào đồn. Họ nói ông Tôn bị đưa đến Trại tạm giam Vi Tử Câu nhưng không cho biết ông bị giam ở đó bao lâu.
Gia đình của kỹ sư nhiệt điện cao cấp này chưa dám nói với cha ông về việc ông bị bắt vì lo ngại ảnh hưởng của tin tức này đối với sức khỏe ông lão 90 tuổi đang hồi phục sau cơn đột quỵ. Trước khi bị bắt, ông Tôn thường tới thăm và đưa ông ra ngoài đi dạo hoặc giúp ông tắm rửa. Ngoài bố đẻ, ông Tôn cũng thường xuyên tới thăm hỏi bố mẹ vợ và nấu ăn cho họ.
Ngoài vụ quấy rối ở Trường Xuân, cũng có nhiều vụ quấy rối ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, để “duy trì sự ổn định” trước Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập ĐCSTQ. Một số học viên đã buộc phải sống xa nhà để trốn tránh cảnh sát.
Bà Trương Vỹ, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, bị bắt vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 4 tháng 4 năm 2021, sau khi bà từ chối ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà hiện đang ở Trại tẩy não Khánh Linh. Cảnh sát cũng đe dọa bắt chị gái của bà là bàTrương Phàm.
Bạo lực của cảnh sát
Người phụ nữ Tứ Xuyên bị giam giữ một tháng và hàng ngày bị cưỡng chế ngồi trong thời gian dài
Bà Từ Chí Quỳnh, 69 tuổi, ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt không lâu sau khi rời khỏi nhà vào sáng ngày 9 tháng 3 năm 2021. Chín cảnh sát chặn bà trên phố và đưa bà về nhà. Họ tịch thu sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, đĩa DVD thông tin, quần áo và hơn 1.000 nhân dân tệ tiền mặt của bà Từ.
Bà Từ bị đưa đến đồn cảnh sát thị trấn Mông Dương và bị còng tay vào ghế kim loại để thẩm vấn.
Sau khi bị cưỡng chế ngồi qua đêm, vào ngày hôm sau, bà Từ đã bị đưa tới bệnh viện để kiểm tra y tế. Sau đó, bà đã bị đưa tới trại tạm giam thành phố Thành Đô.
Bởi tay phải của bà đã bị gãy trong quá trình bị cảnh sát bắt giữ, nên sau đó bà đã phải nhập viện bốn ngày. Cảnh sát vẫn còng tay bà và bắt bà đeo cùm nặng trong suốt thời gian đó.
Sau một tháng bị giam giữ và tra tấn, bà Từ đã được thả vào ngày 9 tháng 4 năm 2021.
Cảnh sát đe dọa đập vỡ cửa nhà của một người dân ở Hải Nam
Vào khoảng 10 giờ 11 tối ngày 7 tháng 4 năm 2021, sáu cảnh sát đến nhà ông Triệu Phong Tuệ ở thành phố Quỳnh Hải, tỉnh Hải Nam, rồi liên tục gõ cửa trong một giờ. Do không có ai mở cửa, cảnh sát đe dọa sẽ đập vỡ cửa để vào nhà.
Ông Triệu Phong Tuệ
Cảnh sát liên tục đạp cửa, hét lên: “Đây là cơ hội cuối cùng của ông! Nếu bây giờ ông mở cửa thì không sao, nếu không chúng tôi sẽ xông vào. Tốt hơn hết ông nên suy nghĩ kỹ lại!”
Cảnh sát đứng bên ngoài cửa nhà ông Triệu
Cảnh sát quay lại nhà ông Triệu lúc 4 giờ 27 phút chiều ngày hôm sau và cũng sách nhiễu hàng xóm của ông Triệu. Họ bỏ đi vào lúc 5 giờ chiều.
Thêm hai cảnh sát mặc thường phục hai viên chức từ Ban quản lý khu nhà ở quay lại lúc 10 giờ 59 phút sáng ngày 9 tháng 4. Họ đợi bên ngoài nhà ông Triệu khoảng hai phút rồi rời đi.
Sau đó có thông tin xác nhận rằng ông Triệu, là cựu giám đốc dự án của một ngân hàng địa phương đã bị bị bắt vào ngày 7 tháng 4. Không rõ liệu ông bị cảnh sát bắt giữ tại nhà riêng hay tại một địa điểm nào khác.
Đưa đến trại tẩy não
Cựu luật sư bị giam năm ngày trong một trại tẩy não
Hơn mười cảnh sát của Công an thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã kéo tới lục soát nhà của luật sư vào ngày 11 tháng 4 năm 2021. Sau khi tìm thấy một vài cuốn sách về Pháp Luân Công, họ đã bắt ông Chu Vũ Tiêu.
Luật sư Chu Vũ Tiêu
Ông Chu, 50 tuổi, bị giam trong trại tẩy não năm ngày trước khi được thả vào ngày 16 tháng 4. Cảnh sát tiết lộ rằng họ thường xuyên theo dõi ông. Họ đe dọa sẽ bắt giam ông ở trong trại tẩy não một lần nữa nếu ông tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công.
Là luật sư đầu tiên dám bảo vệ các học viên Pháp Luân Công ở Quảng Đông sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp môn tu luyện tinh thần này vào năm 1999, chính quyền địa phương đã dán nhãn cho ông Chu là “phần tử phản cách mạng” và thu hồi giấy phép hành nghề luật sư của ông.
Bảy người, bao gồm cả một người hàng xóm của ông Tôn Trường Quân, đã đột nhập vào nhà ông và đưa ông đi vào ngày 6 tháng 4 năm 2021. ÔngTôn gọi điện cho gia đình vào tối hôm đó và nói với họ rằng ông đã bị đưa đến một khách sạn và kể từ đó gia đình đã bặt tin ông. Gần đây họ phát hiện ra rằng ông đã bị đưa đến Trung tâm tẩy não Diên Cát.
Những người đã xông vào nhà ông Tôn ở khu Diên Biên, tỉnh Cát Lâm là người của Phòng 610 huyện Uông Thanh và Đội An ninh Nội địa Diên Biên. Trước khi bị bắt, người của Phòng 610 đã gọi cho ông và cảnh báo rằng họ đã lên một kế hoạch đặc biệt để bắt ông phải từ bỏ Pháp Luân Công.
Lần bức hại gần đây nhất của ông Tôn xảy ra sau một năm rưỡi, sau khi ông hết thời hạn 17 năm tù. Ngày 5 tháng 3 năm 2002, ông Tôn và nhiều học viên khác đã chèn tín hiệu sóng truyền hình ở Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, và phát các video trên tám kênh truyền hình cáp giảng chân tướng về Pháp Luân Công và vạch trần những lời nói dối vu khống của chính quyền.
Chính quyền đã điên cuồng thực hiện vụ bắt giữ trên diện rộng vào đêm ngày phát sóng. Khoảng 5.000 học viên ở riêng thành phố Trường Xuân đã bị bắt giữ và bảy người bị chết trong lần bắt giữ này. Có 15 học viên bị kết án từ 4 đến 20 năm tù vào đầu tháng 9 năm 2002. Ông Tôn, khi đó 26 tuổi, bị kết án 17 năm tù ở Nhà tù tỉnh Cát Lâm. Ông đã trải qua những hình thức tra tấn ngoài sức tưởng tượng và gần như đã mất mạng.
Hàng năm, cha mẹ ông Tôn đều đã gần 80 tuổi đi hơn 500km (312 dặm) đến để thăm ông cho đến khi ông được thả vào tháng 12 năm 2019.
Bị chia cách bởi tấm kính ngăn, mẹ ông run rẩy cầm điện thoại và nói với ông trong nước mắt: “Con trai, khi nào con được về? Mẹ sợ rằng cả cha mẹ không thể sống đợi được đến ngày con về.”
Liên tục bắt giữ
Cha mẹ của ông Dương Sỹ Kiệt, ông Dương Văn Sơn và bà Lý Liên Ngọc đã tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 6 năm 1996. Cặp vợ chồng già này cho rằng môn tu luyện này đã nhanh chóng cải thiện sức khỏe của họ. Sau khi nhìn thấy những thay đổi của họ, bốn người con của họ cũng đều bước vào tu luyện Pháp Luân Công.
Em gái của ông Dương là bà Dương Sỹ Phân từng bị đau đầu nghiêm trọng và bệnh phụ khoa. Do tác dụng phụ sau một thời gian dài dùng thuốc, người bà gầy hốc hác. Sau khi học Pháp Luân Công, tất cả các triệu chứng bệnh tật của bà đều biến mất và cân nặng của bà cũng tăng lên.
Nhưng cuộc sống hạnh phúc của gia đình không kéo dài được lâu. Nhiều năm kể từ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, cha mẹ và em gái của ông Dương lần lượt qua đời. Ông Dương và hai người em gái khác của ông đã bị bắt giữ và bị giam cầm.
Tháng 5 năm 2006, ông Dương Sỹ Kiệt bị bắt. Cảnh sát cũng buộc vợ ông phải đưa họ về nhà của cha ông để lục soát và tìm thấy một số tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.
Sau đó ông Dương Sỹ Kiệt bị lãnh án cưỡng bức lao động hai năm. Mặc dù được trả tự do trước thời hạn, nhưng chỉ 40 ngày sau khi ông trở về, cha của ông đã qua đời.
Ngày 8 tháng 1 năm 2016, ông Dương lại bị bắt vì đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân. Các sách Pháp Luân Công và một máy đọc sách điện tử của ông đã bị tịch thu. Ông đã được thả sau một tuần bị giam giữ.
Ngay trước lần bị bắt gần đây nhất vào tháng 3 năm 2021, ông từng bị bắt tại nhà vào ngày 5 tháng 5 năm 2020. Một số thẻ nhớ và USB của ông đã bị tịch thu. Ông đã bị giam tại trại tạm giam Thuận Nghĩa trong một tháng.
Hiện ông Dương đang đối mặt với việc bị truy tố sau khi bị tố giác tiêu các tờ tiền có thông tin về Pháp Luân Công (đây là một trong những cách thức sáng tạo của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc để vượt qua sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của chính quyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về cuộc bức hại).
Vào ngày 12 tháng 4 năm 2021, khi ông Lưu Khanh Dư và vợ là bà Trương Sướng đang tổ chức sinh nhật cho ông tại một nhà hàng thì bảy cảnh sát đã xông vào và cưỡng chế hai vợ chồng ông lên xe cảnh sát .
Cảnh sát lấy chìa khóa nhà của hai vợ chồng ông rồi kéo tới nhà của họ ở thành phố Đại Thạch Kiều, tỉnh Liêu Ninh. Họ tịch thu tài sản cá nhân của hai vợ chồng ông, gồm một máy in, máy tính và thẻ ghi nợ ngân hàng.
Gần đây, ông Lưu bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Đại Thạch Kiều và vợ của ông bị giam giữ tại trại tạm giam Doanh Khẩu. Cảnh sát tiết lộ rằng trước khi tiến hành vụ bắt giữ, họ đã giám sát điện thoại di động của ông Lưu hơn một năm.
Người nhà ông Lưu tới nhận xe và quần áo mà họ mặc trong khi bị bắt cho biết rằng có vết máu ở trên quần áo của ông Lưu. Không rõ ông có bị đánh đập và tra tấn hay không.
Nhà chức trách từ chối cho phép luật sư gặp thân chủ của mình và nói rằng vụ án của ông Lưu rất quan trọng vì ông ấy là điều phối viên ở địa phương và đang “thông đồng với thế lực nước ngoài” để in ấn và phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công.
Ông Lưu Khanh Dư
Bắc Kinh: Sau bảy năm bị giam giữ, cựu giáo viên cấp 2 lại bị bắt vì kiên định đức tin
Ông Lý Lan Cường, một cư dân Bắc Kinh, bị bắt vào ngày 23 tháng 4 năm 2021, sau khi bị tố cáo vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Hiện ông đang ở trong Trại tạ giam quận Phòng Sơn.
Ông Lý Lan Cường
Ông Lý, một cựu giáo viên toán cấp hai, 58 tuổi, bị bắt lần đầu vào tháng 8 năm 1999 khi phản kháng cuộc bức hại trên Quảng trường Thiên An Môn. Khi ông trở lại làm việc sau 15 ngày bị giam giữ, nhà trường không cho ông tiếp tục giảng dạy mà phân công ông làm bảo vệ ở cổng trường.
Đầu tháng 12 năm 2001, ông Lý bị đưa đến một trung tâm tẩy não, không được dùng nhà vệ sinh và bị giam trong 20 ngày. Ông bị bắt lại vào tháng 2 năm 2002. Cảnh sát lục soát nhà và giam ông trong một năm rưỡi.
Tháng 10 năm 2004, ông bị bắt lại chỉ vì sở hữu một số đĩa DVD về Pháp Luân Công. Lần đó ông bị giam trong trại lao động cưỡng bức hai năm rưỡi.
Trong trại lao động, ông bị giám sát chặt chẽ bởi các tù nhân khác, họ cũng không cho ông ăn uống đầy đủ, và không cho ông sử dụng nhà vệ sinh. Ông bị buộc phải ngồi bất động trên một chiếc ghế nhỏ 10 tiếng mỗi ngày. Có ba tù nhân đứng xung quanh để ngăn không cho ông Lý di chuyển.
Vì sợ liên luỵ nên vợ ông đã ly hôn ông. Người cha già của ông cũng đã qua đời vì áp lực.
Vào tháng 8 năm 2015, ông nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu độc tài Trung Quốc, kẻ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công khiến ông bị giam nhiều lần. Cảnh sát đã trả thù bằng cách bắt ông vào ngày 20 tháng 4 năm 2016. Sau ba phiên xử, ông bị kết án ba năm vào ngày 27 tháng 10 năm 2017.
Sự giám sát của quốc gia độc tài ngày nay
Lực lượng cảnh sát ở tỉnh Hà Nam đã tích cực lọc thông tin trực tuyến về Pháp Luân Công kể từ năm 2019. Điều này đã dẫn đến các vụ bắt giữ học viên Pháp Luân Công ở tỉnh khác sau khi cảnh sát Hà Nam phát hiện những học viên này truyền rộng thông tin trên Internet nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Bà Tôn Lệ Quyên và chồng là ông Trương Bảo Quốc ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh. Cảnh sát ở Cẩm Châu đã đến nhà họ để bắt người vào này 25 tháng 4 năm 2021. Họ tịch thu điện thoại di động, các sách Pháp Luân Đại Pháp, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Cả hai đều bị đưa tới Trại tạm giam thành phố Cẩm Châu.
Thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam, cảnh sát đã phát hiện hai vợ chồng đang đăng tải thông tin liên quan tới Pháp Luân Công trên WeChat và báo cáo sự việc này với cảnh sát ở Cẩm Châu, nơi cách Tiêu Tác khoảng 1.600 km.
Vào ngày 27 tháng 4, khi người nhà bà Tôn đi tới Đồn Công an Cúc Viên sau khi hay tin hai vợ chồng bà bị bắt, họ thấy vài cảnh sát ở Tiêu Tác, những người tuyên bố rằng họ đang điều tra vụ án của hai người và hai ngày nữa họ sẽ đưa bà Tôn tới Tiêu Tác.
Người thân của hai học viên cũng nhanh chóng thuê luật sư cho họ. Khi luật sư tới trại tạm giam để thăm bà Tôn vào chiều ngày 28 tháng 4, bà đã bị cảnh sát Tiêu Tác đưa đi. Ông Trương vẫn ở trong trại tạm giam thành phố Cẩm Châu tại thời điểm viết bài.
Cũng trong ngày 28 tháng 4, bốn cảnh sát ở huyện Hoàng, thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam đã di chuyển khoảng hơn 400 km tới thành phố Bạc Đầu ở tỉnh Hà Bắc và bắt giữ ông Lý Bân. Cảnh sát huyện Hoàng đã tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp của ông Lý, tài liệu thông tin và ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một máy tính xách tay, và ba máy nghe nhạc. Khi gia đình ông đi tới Trụ sở Công an Thành phố Bạc Đầu, họ mới hay cảnh sát huyện Hoàng đã đưa ông đi trước đó.
Sau 4 tháng trốn chạy, một phụ nữ Trùng Khánh bị theo dõi và bắt giữ
Bà Hàn Tông Lan bị bắt tại nhà của chị gái ở Trùng Khánh vào ngày 13 tháng 4 năm 2021. Hiện bà bị huyết áp cao ở mức nguy hiểm khi bị giam tại Nhà tù Hợp Xuyên.
Bà Hàn, sống ở Trùng Khánh, 59 tuổi, trước đó bị bắt vào ngày 8 tháng 2 năm 2020, sau khi một cảnh sát mặc thường phục nhìn thấy bà đặt các cuốn sách nhỏ về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên kính chắn gió ô tô.
Cảnh sát xông vào ngay khi cửa được mở và khám xét nhà của bà. Sau đó họ đưa bà đến phòng cảnh sát để thẩm vấn. Do huyết áp cao, bà được tại ngoại vào ngày hôm sau, khi chồng bà nộp số tiền bảo lãnh là 5.000 nhân dân tệ.
Chính quyền lại quấy rối bà vào ngày 17 tháng 9 và ngày 29 tháng 10 năm 2020. Trong lần sách nhiễu vào tháng 10 năm 2020, cảnh sát đã cố ép gia đình bà ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công đã chuẩn bị trước. Bà Hàn đã xé biên bản và không cho gia đình ký.
Bà nói điều đó là phạm pháp nếu họ làm điều đó. Họ đã bỏ đi, chỉ ra lệnh con trai bà ra ngoài và ký vào tuyên bố trong xe cảnh sát nhưng anh đã từ chối.
Cảnh sát không chịu thua nên đã gọi điện cho chồng bà nhiều lần vào buổi chiều rồi cưỡng chế ông ra ủy ban khu dân cư. Sau khi ông ký vào bản tuyên bố ở đó, họ ra lệnh cho ông điểm chỉ lên đó, nhưng ông từ chối.
Gia đình bà Hàn sau đó nhận được nhiều cuộc điện thoại yêu cầu bà đến ủy ban khu dân cư để chụp ảnh, khiến cả gia đình lo lắng.
Cảm thấy cảnh sát có ý định bắt bà, nên bà Hàn đã bỏ nhà đi vào ngày 20 tháng 12 năm 2020 để tránh bị bắt.
Bà Hàn nhận được điện thoại của cảnh sát ngày 19 tháng 1 năm 2021, triệu tập bà đến cơ quan công an. Viên chức từ chối nói lý do nhưng đe dọa sẽ bắt bà nếu bà không xuất hiện. Khi bà Hàn hỏi tên và số hiệu cảnh sát, anh ta cúp máy. Vài tháng sau, cảnh sát đã nghe trộm điện thoại của người thân của bà và tìm ra dấu vết của bà bằng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt. Bà bị bắt vào ngày 13 tháng 4 năm 2021, tại nhà của chị gái.
Bắt giữ và giam cầm tùy tiện
Người đàn ông Vân Nam bị đã giam giữ nửa tháng, gia đình chưa rõ tung tích của ông
Ông Hầu Văn Cần, ngoài 50 tuổi, một cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị bắt ngay tại nhà vào ngày 15 tháng 4 năm 2021. Lúc đó, không có ai trong gia đình ông có mặt ở nhà, và sau đó cảnh sát không cung cấp danh sách các đồ vật tịch thu theo như quy định của pháp luật.
Người nhà ông đã đi tới Đồn công an Kim Mã, cơ quan chịu trách nhiệm cho vụ bắt giữ ông Hầu, để hỏi về tình trạng của ông, cảnh sát nói rằng họ không biết Hầu đang bị giam ở đâu.
Sau khi trở về nhà, gia đình ông Hầu gọi điện cho cảnh sát một lần nữa, và được trả lời rằng ông Hầu đã bị đưa tới một trại tạm giam. Nhưng cảnh sát vẫn từ chối đưa ra lý do bắt giữ ông Hầu cũng như tiết lộ địa chỉ của trại tạm giam.
Hiện đã hai tuần trôi qua và gia đình vẫn không nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan đến việc giam giữ ông Hầu, hoặc thông tin về địa điểm giam giữ ông.
Trước đó, ông Hầu, cựu nhân viên của Cục Thủy điện và Bảo tồn nước Côn Minh, đã bị kết án ba năm tù vào năm 2012 vì tặng tài liệu chân tướng Pháp Luân Công cho lãnh đạo đơn vị công tác. Sau khi ra tù, ông Hầu đã bị đuổi việc.
Thành phố Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông: Chín người bị bắt giữ trong vòng bốn giờ vì kiên định đức tin
Chín học viên ở thành phố Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt từ lúc 8 giờ tối và 12 giờ sáng ngày 11 tháng 4 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công.
Chín học viên nói trên bao gồm: Bà Đường Vinh Châu, Hoàng Tăng Hữu (chưa rõ giới tính), bà Lưu Ngọc Tú, bà Lại Thành Muội, bà Thiệu Diễm Phương, bà Lại Lan Anh, bà Lan Thu Hương, Đặng (chưa rõ tên và giới tính), và một người phụ nữ tên Hoa (chưa rõ họ). Ở trong cơ sở giam giữ nơi các học viên bị đưa tới còn có hai học viên khác, và một trong hai người bị chảy máu đầu. Không rõ hai học viên này bị bắt khi nào.
Chín học viên bị bắt cùng ngày bị giam trong các phòng riêng biệt và bị khám sức khỏe toàn diện. Họ cũng bị yêu cầu đọc các câu ngẫu nhiên, có khả năng là để ghi âm giọng nói của họ. Cảnh sát đã đo chiều cao của các học viên và chụp ảnh họ từ phía trước, phía sau, bên trái và bên phải, và còn ra lệnh cho họ ký tên vào một tập giấy tờ khá dầy. Không rõ nội dung ghi trên những giấy tờ đó.
Bà Đường, học viên Hoàng, bà Lưu và học viên Đặng đã được thả vào ngày hôm sau. Học viên Lại Thành Muội và bà Thiệu bị đưa tới Trại tạm giam huyện Dương Sơn. Bà Lại Lan Anh, bà Lan và học viên Hoa bị đưa tới trại tạm giam thành phố Liên Châu.
Tổng cộng 32 cảnh sát đã kéo đến nhà bà Thiệu trên một chiếc xe buýt và vài chiếc xe cảnh sát. Lúc đó, bà đang chuẩn bị ăn tối với con gái 13 tuổi và con trai 11 tuổi. Cảnh sát gõ cửa nhà nhưng bà từ chối mở, bởi vậy họ liên tục tắt mở nguồn điện nhà bà nhiều lần làm cho đèn nhà bà không ngừng nhấp nháy, khiến các con của bà vô cùng sợ hãi.
Sau một giờ liên tục gõ cửa, cảnh sát đe dọa sẽ phá cửa nếu bà Thiệu không mở. Bà đi xuống lầu và mở cửa. Cảnh sát lao vào và định chụp một chiếc mũ trùm đầu màu đen lên đầu và dùng vải bịt miệng bà, nhưng các con của bà đã ngăn lại.
Cảnh sát đã còng tay bà Thiệu và đưa bà đi, đồng thời cũng tịch thu máy tính, máy in, năm điện thoại di động, các sách Pháp Luân Công, máy cắt giấy và một hộp giấy in của bà.
Tối hôm đó, chồng bà đang đi chơi với bạn bè, ngay khi nghe tin về vụ việc ông đã vội vã về nhà, nhưng cảnh sát không cho con gái ông mở cửa. Ông đứng bên ngoài và chứng kiến cảnh sát đưa vợ mình đi ngay trong đêm.
Vào ngày hôm sau, cả chồng và con gái của bà Thiệu đều bị triệu tập đến đồn công an để thẩm vấn.
Bà Lưu đã bị còng tay và cưỡng chế mang mặt nạ trong lúc bị bắt giữ. Bà không thể nói trong khi bị bắt giữ. Không rõ liệu cảnh sát có bịt miệng bà và bắt bà đeo khẩu trang để che đậy hành vi đó hay không.
Cảnh sát cũng trùm một chiếc mũ đen lên đầu bà Lại Thành Muội và còng tay trong khi họ bắt giữ bà.
Một phụ nữ sống ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị giam 13 ngày vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công.
Bà Vương Tĩnh Đệ, 55 tuổi, bị bắt vào ngày 16 tháng 4 năm 2021. Mặc dù bà không vượt qua cuộc kiểm tra sức khỏe, cảnh sát vẫn gây sức ép buộc trại tạm giam Thẩm Dương số 2 phải nhận bà vào ngày 19 tháng 4. Bà bị giam 10 ngày và trong thời gian đó gia đình không được vào thăm bà. Bà đã được thả vào ngày 29 tháng 4.
Bà Vương từng bị bệnh lao nặng và chứng đau nửa đầu, sự khó chịu về thể chất khiến bà trở nên nóng nảy. Vì thường xuyên gây gổ với chồng nên cuộc hôn nhân của bà đã từng đứng trước bờ vực ly hôn. Con trai bà dần bị trầm cảm do gia đình bất hòa.
Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2007, sức khỏe của bà Vương đã nhanh chóng phục hồi. Bà đảm đương việc nhà và quan tâm đến chồng hơn. Bà cũng chủ động cải thiện mối quan hệ không mấy tốt đẹp của mình với mẹ chồng và mẹ ruột của mình. Sau khi mẹ bà lâm bệnh, bà đã mời mẹ chuyển đến ở cùng và chăm sóc mẹ chu đáo cho đến khi bà cụ qua đời.
Bởi bà Vương sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, và pháp môn tu luyện này đã thay đổi cuộc sống của bà trở nên tốt đẹp hơn như thế nào, bà đã bị bắt và giam giữ vì lên tiếng cho Pháp Luân Công.
Người cao tuổi cũng không tha
Chủ nhà và khách bị bắt vì cùng nhau đọc sách và đã buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại
Vào khoảng 2 giờ chiều ngày 18 tháng 4, ngay khi bảy người dân ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên đến nhà của một người dân khác ở địa phương để cùng nhau học các bài giảng của Pháp Luân Công, một người nào đó tự xưng là người của cơ quan quản lý tài sản đã chặn họ lại và gõ cửa.
Khi chủ nhà là ông Dương Vân Mậu (74 tuổi) và vợ ông là bà Từ Vân Hoa (66 tuổi) từ chối mở cửa, cảnh sát đã gọi thợ khóa đến phá khóa và xông vào. Bốn nhân viên quản lý tài sản ở bên ngoài nhà, trong khi cảnh sát lục soát bên trong.
Ít nhất 12 cảnh sát đã tham gia vào vụ bắt giữ này. Không ai trong số họ xuất trình thẻ cảnh sát hay lệnh khám xét. Một cảnh sát giám sát chín học viên Pháp Luân Công, trong đó hai người ngoài 80 tuổi và những người khác ở độ tuổi từ 60 đến 70 tuổi, còn các cảnh sát khác lục soát khắp nhà. Các học viên không được phép trả lời điện thoại khi gia đình gọi tới điện thoại di động của họ.
Mãi đến 3 giờ 50 phút chiều, Phù Thao, đội trưởng của Đội An ninh Nội địa, mới xuất trình thẻ cảnh sát của ông ta. Sau 5 giờ chiều, một cảnh sát khác đã tới đưa cái gọi là “Lệnh khám xét”.
Trong cuộc đổ bộ này, cảnh sát đã không ngừng truy hỏi hai vợ chồng rằng máy in và máy tính của họ ở đâu, dường như họ nghĩ rằng các học viên này sử dụng nơi này để in tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát đã ghi hình toàn bộ cuộc đột kích này.
Cảnh sát tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, điện thoại di động, vài cuốn tài liệu Pháp Luân Công, cùng 4.000 Nhân dân tệ tiền giấy có tin thông tin về Pháp Luân Công (bởi sự kiểm duyệt thông tin gắt gao ở Trung Quốc, các học viên đang sử dụng nhiều cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, trong đó có hình thức in thông điệp lên tiền giấy).
Một vị khách của hai vợ chồng học viên này là bà Trần Thu Cúc, 53 tuổi, đã bị tịch thu một chiếc điện thoại di động, 100 nhân dân tệ tiền giấy có in thông điệp Pháp Luân Công.
Sáu học viên bị bắt còn lại là ông La Vưu Phú, 82 tuổi, bà Lương Trân Lâm, 80 tuổi, bà Cẩu Tố Dung, 77 tuổi, bà Trương Kim Tú, 76 tuổi, bà Dương Quỳnh Anh, 67 tuổi, và bà Lưu Hiền Bích, 63 tuổi.
Sau suốt một buổi tối thẩm vấn, các học viên được thả vào khoảng 2 giờ 40 phút sáng. Cảnh sát đe dọa ông Vương và bà Từ rằng họ sẽ quay lại kiểm tra vào hôm sau.
Cảnh sát niêm phong cửa nhà và không cho phép hai vợ chồng ra ngoài. Để tránh bị bức hại thêm nữa, họ đã buộc phải sống xa nhà.
Bà lão 88 tuổi ở Quảng Đông bị sách nhiễu
Từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 3 năm 2021, Hứa Á Thu, chủ tịch ủy ban khu dân cư địa phương, đã đến nhà bà Đinh Gia Hỷ, 88 tuổi ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông và cố gắng thu thập thông tin cá nhân của bà từ những người hàng xóm. Một số người được hỏi liệu họ có thấy bà Đinh cầm theo một cái túi to đi ra ngoài hoặc con bà có tới thăm bà không.
Hàng xóm của bà nói với ông Hứa rằng bà có ba người con, tất cả đều sống trong thành phố với bà. Lo sợ bị liên lụy đến cuộc bức hại, hai con lớn của bà chỉ đến thăm bà vào những ngày lễ lớn, nhưng con gái út của bà thường xuyên đến thăm bà.
Nhiều người hàng xóm cũng nhận xét bà Đinh là một người rất tốt và thường xuyên quét dọn hành lang của khu chung cư, bất chấp tuổi tác của bà.
Vào tháng 11 năm 2020, con gái út của bà Đinh, cô Đào Vĩnh Hồng, đã đệ đơn khiếu nại về việc mẹ cô bị quấy rối liên tục. Thay vì thấy đơn khiếu nại của mình được giải quyết, cô và bà Đing nhận thấy hai camera giám sát mới ở lối vào phía trước của tòa nhà chung cư của bà Đing.
Các bài liên quan:
226 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 2 năm 2021
1.216 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và sách nhiễu trong tháng 1 năm 2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/5/2857424203.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/11/192349.html
Đăng ngày 15-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.