Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-07-2021] Trong nửa đầu năm 2021, 667 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là đã bị kết án tù vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Các trường hợp mới được ghi nhận bao gồm 7 trường hợp trong năm 2019, 271 trường hợp vào năm 2020 và 389 trường hợp vào năm 2021, nâng tổng số trường hợp bị kết án đã được xác nhận vào năm 2019 lên 781 trường hợp và năm 2020 là 893. Sự chậm trễ trong việc báo cáo các trường hợp chủ yếu là do việc thông tin bị kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc, khiến các phóng viên của Minh Huệ gặp khó khăn trong việc thu thập và gửi thông tin.

84ead9765ada08d08b2bec7ad764bd8d.jpg

Cuộc bức hại trên phạm vi toàn quốc

667 học viên bị kết án đến từ 154 thành phố thuộc 26 tỉnh và thành phố. Hà Nam (70), Liêu Ninh (68), Hắc Long Giang (65), Cát Lâm (55) và Sơn Đông (54) là năm tỉnh có nhiều trường hợp nhất. 16 khu vực khác báo cáo trường hợp ở mức hai con số và năm tỉnh còn lại báo cáo trường hợp một con số.

9d94cda50188f023e385f0ed39e48958.jpg

Trong khi một số tỉnh đông bắc như Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm vẫn là những nơi trọng điểm trong việc thực hiện các chính sách bức hại của chính quyền trong hai thập kỷ qua, thì cuộc bức hại đã leo thang ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc trong hai năm qua. Trong một báo cáo trước đó về các trường hợp tử vong ghi nhận trong nửa đầu năm 2021, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và Hà Nam cũng chiếm bốn vị trí đứng đầu về số người tử vong nhiều nhất.

Trong số 70 bản án ở Hà Nam, 40 bản án trong số đó là kết quả của một vụ bắt giữ hàng hoạt với hơn 160 học viên ở thành phố Nam Dương vào tháng 8 năm 2019. Riêng Tòa án quận Uyển Thành đã kết án 26 học viên, với các mức án từ bảy tháng đến 13 năm (phán quyết của một học viên bổ sung là chưa được biết rõ). Hiện vẫn đang điều tra xem tòa án nào đã kết án 14 học viên khác, những người bị kết án từ hai đến chín năm tù.

Ngoài vụ bắt hàng loạt vào năm 2019, cảnh sát ở Hà Nam cũng đã đi khắp đất nước kể từ năm 2019 để bắt giữ các học viên vì đăng thông tin về Pháp Luân Công trực tuyến, dẫn đến việc ba học viên Trùng Khánh bị kết án vào tháng 6 năm 2021 và một số học viên từ các tỉnh khác đối mặt với việc truy tố.

Kết án theo nhóm

Với nhiều vụ bắt giữ nhóm trong vài năm qua, việc tuyên án theo nhóm cũng trở nên thường xuyên hơn, thường là những mức án nặng nề.

Ngoài việc kết án 40 học viên ở Nam Dương, tỉnh Hà Nam, được đề cập ở trên, sáu cư dân khác của thành phố Chu Khẩu trong cùng tỉnh cũng đã bị kết án từ ba đến bảy năm vì cùng nhau đọc sách Pháp Luân Công. Cảnh sát đã theo dõi các học viên trong hơn một tháng trước khi bắt giữ họ và tất cả đều bị lục soát nhà cửa.

Tại thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, 9 học viên bị kết án từ 8 tháng đến 12 năm và bị phạt từ 10.000 đến 30.000 nhân dân tệ. Trước khi xét xử, thẩm phán buộc luật sư của các học viên phải rời đi và sắp xếp để các luật sư do tòa án chỉ định nhận tội thay cho các học viên. Các thành viên trong gia đình cũng không được phép trực tiếp tham gia các phiên xét xử mà phải theo dõi thông qua hình thức trực tuyến.

Trong số 14 học viên đã bị Tòa án huyện Lê Thụ ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm kết án từ bảy đến chín năm tù, bảy học viên đến từ một đại gia đình. Các thẩm phán đã công bố các bản án sau khi nói với gia đình các học viên một ngày trước đó rằng họ vẫn chưa đưa ra các phán quyết, mặc dù các bản án đã được xác định trước bởi cấp trên theo thông tin từ một người trong cuộc.

Sau khi các thẩm phán từ chối cung cấp cho gia đình các học viên một bản sao của các bản án, viện dẫn quyết định của cấp trên, trại tạm giam cũng ngăn luật sư của các học viên đến thăm họ khi các luật sư cố gắng thu thập thêm thông tin về các bản án.

Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Trường Xuân (một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công) đã ban hành một lệnh mới yêu cầu rằng tất cả các nhân viên tư pháp xử lý các vụ án Pháp Luân Công có quyền từ chối các cuộc gặp với người nhà của các học viên. Các học viên không nhận tội không được phép thuê luật sư ngoại tỉnh. Họ chỉ có thể thuê luật sư địa phương. Không cơ quan chính quyền nào được phép tiếp nhận bất kỳ ai kháng cáo liên quan đến vụ việc Pháp Luân Công. Ngoài ra, các trường hợp Pháp Luân Công không được xử lý theo luật pháp mà thay vào đó là theo chỉ dẫn từ “chính sách của chính quyền”.

Tòa án đặc biệt để kết án các học viên Pháp Luân Công

69371aa67b71c1111ba60a2ae5a0a68f.jpg

Trong số 667 trường hợp, 424 (64%) bản án được biết là do 170 tòa án tuyên án, bao gồm cả các tòa án cấp quận, thị trấn, huyện và thành phố. Ở hầu hết các thành phố, các vụ việc chỉ được giải quyết bởi một hoặc hai tòa án. Điều này là kết quả của việc thống nhất giao các vụ án Pháp Luân Công cho một hoặc một số tòa án và Viện kiểm sát ở một khu vực để xúc tiến nhanh quá trình truy tố trong những năm gần đây. Ví dụ bao gồm Tòa án quận Triều Dương ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm và Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, cả hai đều được chỉ định để thụ lý các vụ án Pháp Luân Công.

Việc thống nhất như vậy đã góp phần tạo ra nhiều bản án hơn kể từ sau đại dịch. Với việc nhiều học viên bước ra trong năm 2020 để vạch trần cải cách Đảng Cộng sản Trung Quốc che đậy đại dịch bằng các chiêu thuật tương tự như trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, một số đã bị bắt và nhanh chóng bị kết án mà gia đình và luật sư của họ không hề hay biết.

Các nhà chức trách cũng đã sử dụng đại dịch này như một cái cớ để ngăn gia đình và luật sư của các học viên đến thăm họ, cả trong các trại tạm giam trong giai đoạn truy tố và sau khi các học viên đã bị kết án và bị giam giữ.

Vi phạm các thủ tục pháp lý

Từ bắt giữ tùy tiện đến giam giữ bất hợp pháp, từ bằng chứng ngụy tạo đến kết án bí mật, cảnh sát, công tố viên và thẩm phán đã vi phạm pháp luật ở mọi khâu trong quá trình truy tố.

Bà Mạnh Tố Anh ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị trại tạm giam địa phương từ chối nhập viện do bị sốt và huyết áp cao sau khi bà bị bắt vào tháng 10 năm 2020. Cảnh sát đã đặt các chai nước đông lạnh dưới nách bà, bắt bà phải đứng ngoài trời lạnh cóng, và ép bà phải uống thuốc huyết áp. Bất chấp những triệu chứng dai dẳng của bà, cảnh sát buộc trại tạm giam phải tiếp nhận bà. Sau một phiên tòa trực tuyến vào tháng 3 năm 2021, bà Mạnh đã bị kết án bốn năm vào tháng Sáu.

Năm người dân Trùng Khánh đã bị bắt vào năm 2018 và bị xét xử bí mật vào năm 2019 và bị giam giữ trái phép trong gần ba năm trước khi bị kết án từ 5,5 đến 9 năm vào tháng 6 năm 2021. Hai con nhỏ và vợ của một học viên, người không có việc làm, đã bị bỏ lại với vô vàn khó khăn trong thời gian chồng bị giam giữ.

Bác sĩ Trần Thục Cầm ở huyện Long Đức, tỉnh Ninh Hạ, mất tích vào giữa tháng 6 năm 2020. Mặc dù gia đình sau đó biết rằng bà đã bị bắt, họ không được phép đến thăm bà trong trại tạm giam. Vào tháng 6 năm 2021, họ đã xác nhận rằng bà đã bị kết án 4,5 năm tù, nhưng họ vẫn còn mù mờ về các chi tiết liên quan đến vụ án của bà.

Vào cuối tháng 5 năm 2021 khi gia đình ông Lưu Vĩ đến trại tạm giam để thăm ông, họ được thông báo rằng ông đã bị kết án bốn năm. Đây là lần đầu tiên gia đình được cập nhật thông tin về trường hợp của ông sau vụ bắt giữ nhân viên nghỉ hưu của Nhà máy sản xuất ngũ cốc và dầu ở thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây vào tháng 9 năm 2019.

Sau khi yêu cầu được thuê luật sư đại diện cho mình, bà Đoàn Liên Anh ở thành phố Xích Phong, Nội Mông, đã bị thẩm phán kéo từ phòng xử án vào một chiếc ô tô, nơi bà bị xét xử và kết án.

Bà Trần Cảnh Tiệp, 65 tuổi, ở thành phố An Đạt, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị kết án trước khi luật sư được phép đến thăm bà. Sau khi biết về bản án của bà, luật sư đã gọi cho Viện kiểm sát và hỏi công tố viên tại sao họ không thông báo cho ông về phiên tòa. Họ trả lời rằng họ không biết bà Trần có luật sư, mặc dù luật sư đã xem xét hồ sơ vụ việc của bà và gửi Giấy ủy quyền của mình một tháng trước đó.

Trước phiên xét xử của ông Lâm Mậu Thành vào ngày 4 tháng 2 năm 2021, thẩm phán đã cố gắng gây áp lực với luật sư của ông để không đề cập đến việc thiếu cơ sở pháp lý cho cuộc bức hại Pháp Luân Công trong quá trình tố tụng. Sau phiên xét xử thứ hai vào ngày 10 tháng 3, thẩm phán đã kết án người đàn ông ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, 5 năm tù với khoản tiền phạt 30.000 nhân dân tệ vào ngày 27 tháng 5. Thẩm phán cũng từ chối cung cấp bản sao bản án cho luật sư của ông Lâm và nói ông ấy tự tìm kiếm nó trên mạng.

Gia đình của một quản lý khách sạn ở thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, được biết từ một người trong cuộc rằng bản án 7 năm tù dành cho bà Diêm Vệ Tân, 55 tuổi được chỉ đạo bởi chính quyền trung ương. Trong chiến dịch sách nhiễu “Xóa sổ” đang diễn ra, một nỗ lực phối hợp nhằm buộc mọi học viên Pháp Luân Công nằm trong danh sách đen của chính quyền phải từ bỏ Pháp Luân Công, chính quyền đã cố gắng đe dọa các học viên khác bằng cách kết án nặng nề đối với bà Diêm.

Thẩm phán tiết lộ trong phiên xét xử vào ngày 14 tháng 10 năm 2020, rằng ông đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài, họ kêu gọi ông không kết án bà Diêm. Ông ta đã ghi âm một trong các cuộc điện thoại và phát nó trong phiên xét xử. Ông hỏi bà Diêm tại sao lại nhận được những cuộc điện thoại như vậy và đổ lỗi cho bà vì đã “đe dọa” ông.

Nhân khẩu học của các học viên bị kết án

Trong số 667 học viên, 234 (35%) được biết là từ 26 đến 88 tuổi, với độ tuổi trung bình là 62. 16 người trong số các học viên ngoài 80 tuổi. 57 người ngoài 70 tuổi, và 76 người ngoài 60 tuổi.

Một số học viên lớn tuổi bị kết án với những bản án đặc biệt dài, bao gồm một cụ ông 82 tuổi bị kết án mười năm, một cụ ông 81 tuổi bị kết án chín năm, một cụ ông 80 tuổi bị kết án tám năm rưỡi, một phụ nữ 72 tuổi bị kết án chín năm, và một phụ nữ khác ngoài 70 tuổi cũng bị kết án chín năm.

733655be6bef3df2572e3f846b16ddc2.jpg

Các học viên bị kết án thuộc mọi tầng lớp xã hội và bao gồm giáo viên, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, y tá, kế toán và quản lý tài chính. Vì cuộc bức hại, một số bị mất việc làm hoặc buộc phải ly hôn.

Một ví dụ là ông Hàn Húc, người từng làm việc trong bộ phận thương mại của Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thảm tỉnh Cam Túc và cũng là phiên dịch viên cho Phòng Kinh tế đối ngoại và hợp tác Kinh tế của tỉnh. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu, ông đã bị bắt nhiều lần và bị kết án mười năm tù. ông bị đánh đập nhiều lần, còng tay ra sau lưng trong nhiều giờ, bị sốc điện bằng dùi cui điện và bị biệt giam trong sáu năm. Ông Hàn lại bị bắt vào tháng 5 năm 2019 vì tội phân phát tài liệu Pháp Luân Công và bị kết án ba năm vào tháng 2 năm 2021.

Vào tháng 2 năm 2020 Bà Phó Hiểu Lỵ, giám đốc tài chính của một công ty nước ngoài ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, bị bắt tại nhà và bị kết án hai năm vào tháng 4 năm 2021. Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình, bà Phó trước đó đã bị sa thải khỏi vị trí giảng viên tại Đại học Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam và sau đó từ một công ty ở Bắc Kinh. Chồng bà đã ly hôn với bà và lấy hết tiền tiết kiệm của họ.

Một học viên khác ở Thâm Quyến, ông Đường Hải Hải, từng làm việc tại trường trung học cấp 3 Thâm Quyến, một trường trọng điểm, cấp cao ở tỉnh Quảng Đông. Vì thành tích học tập xuất sắc của học sinh dưới sự dạy dỗ của ông, ông đã được đề bạt làm Phó giám đốc Sở Giáo dục thành phố Thâm Quyến vào năm 2003.

Tuy nhiên, ngay khi các nhà chức trách biết ông tu luyện Pháp Luân Công, ông đã bị cách chức và được phân làm Phó Viện trưởng của Học viện Truyền thông Thâm Quyến. Chỉ trong vài năm, điểm số trong các kỳ thi đại học của học sinh [của Thâm Quyến] bị rớt xuống vị trí cuối cùng trong toàn tỉnh, và Sở giáo dục đã phục chức cho ông Đường để ông quay trở lại giúp đỡ các học sinh. Sau khi ông Đường nghỉ hưu, ông thường tổ chức các buổi hội thảo miễn phí cho các trường học ở Thâm Quyến về các nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Đường bị bắt cùng vợ là bà Tôn Tuyết Trân vào tháng 3 năm 2020, ngay sau khi họ trở về từ chuyến thăm người nhà ở Mỹ. Sau một năm bị giam giữ, ông Đường bị kết án một năm hai tháng tù và bà Tôn là ba năm.

Điều khoản kết án, phạt tiền và tống tiền

Ngoại trừ 30 học viên không rõ điều khoản kết án, 33 người bị quản chế và không phải thụ án và hai người chỉ bị phạt tiền nhưng không bị kết án tù, 602 (90%) học viên khác bị kết án tù với các mức án từ bốn tháng đến 14 năm, trung bình là ba năm rưỡi.

4f7bf7e3dd60379968b6bab11ed176f9.jpg

Tổng cộng 248 (37%) học viên đã bị cảnh sát tống tiền hoặc bị tòa án phạt với số tiền từ 500 đến 200.000 nhân dân tệ, với mức trung bình là 13.909 nhân dân tệ / người.

5eb85588ec631d6712a2b78b2c9f4880.jpg

Một số học viên đã bị bức hại liên tục trong hai thập kỷ qua.

Bà Triệu Thục Chi, 63 tuổi, ở thành phố Hô Luân Bối Nhĩ, Nội Mông, đã bị kết án ba năm sau khi bà bị bắt lần thứ chín vì tu luyện Pháp Luân Công.

Từng mười năm bị cầm tù và chịu đựng những trận đòn dã man, bị cấm ngủ, bắt chịu lạnh giá và hạn chế sử dụng nhà vệ sinh đã dẫn đến việc teo cơ ở chân, ông Thì Thiệu Bình, một cư dân Bắc Kinh, 50 tuổi, đã bị kết án thêm chín năm. Gia đình của ông không biết được tin tức gì sau khi ông bị bắt vào tháng 11 năm 2019. Mãi đến tháng 4 năm 2021, em trai ông mới nhận được thông báo rằng ông Thì đã bị kết án chín năm tại Nhà tù số 2 Bắc Kinh, nơi được sử dụng chủ yếu giam giữ các tử tù hoặc những người bị kết án chung thân, cũng như các học viên Pháp Luân Công.

e64f9c93126d962c16464d00ed7b74b8.jpg

Ông Thì Thiệu Bình

Ông Cát Trọng Minh ở thành phố Xích Phong, Nội Mông, người bị kết án 4 năm tù vào tháng 6 năm 2021, đã bị bắt vào tháng 12 năm 2019, sau khi thường xuyên phải rời nhà sống lang bạt trong hơn 10 năm để tránh bị bức hại. Để tìm thấy ông Cát, cảnh sát đã bố trí một đặc vụ đóng giả là một học viên Pháp Luân Công và tham gia một nhóm học Pháp tại địa phương, nơi họ có được thông tin về ông Cát. Khi họ bắt ông, một sĩ quan đã hét lên: “Chúng tôi đã tìm kiếm ông trong nhiều năm!”

Bị bức hại bất chấp tình trạng sức khỏe

Một số học viên đã xuất hiện các triệu chứng sức khỏe yếu kém ngay sau khi bị giam giữ do tình trạng tồi tệ và bị tra tấn trong trại giam, tuy nhiên nhà tù vẫn từ chối yêu cầu tạm tha để điều trị y tế của họ với lý do vì họ không chịu từ bỏ Pháp Luân Công.

Vào ngày 23 tháng 6 năm 2021 khi bà Trương Thụy Quân bị đưa ra xét xử thông qua cuộc họp trực tuyến, một tháng sau khi bà bị bắt vào trại giam, gia đình đã bật khóc khi nhìn thấy bà. Người phụ nữ ở thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, ngoài 50 tuổi, trông hốc hác và phản ứng rất chậm chạp. Việc đi lại thậm chí còn khó khăn đối với bà. Gia đình cho biết họ không thể tưởng tượng được bà đã phải chịu đựng những sự tra tấn gì trong suốt tháng qua và họ rất lo lắng cho bà, đặc biệt là vì bà đã bị kết án 3,5 năm.

Bà Trần Ngọc Ba ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, bị chảy máu ở ngực và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú sau khi bị bắt vào tháng 4 năm 2019. Mặc dù cảnh sát đã trả tự do cho bà vào tháng 7 năm 2019, nhưng họ yêu cầu bà phải báo cáo hàng ngày. Sau gần hai năm bị giám sát gắt gao, bà Trần bị bắt trở lại vào ngày 13 tháng 5 năm 2021 và bị kết án tám tháng hai tuần sau đó.

Vào tháng 2 năm 2019 bà Trương Tuấn Linh, 62 tuổi, ở thành phố Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt và bị kết án một năm. Với huyết áp cao, vấn đề về tim mạch, sưng và đau quanh khu vực bà đã phẫu thuật cắt bỏ vú nhiều năm trước, bà được phép thụ án tại nhà. Vì cảnh sát liên tục đến nhà để sách nhiễu nên sức khỏe của bà tiếp tục giảm sút. Vào ngày 9 tháng 6 năm 2021 cảnh sát đã lại bắt bà và ra lệnh bà phải chịu thi hành án tù 1,5 năm mới. Vì không còn có thể mang chân giả (bà bị cụt chân sau một vụ tai nạn tàu hỏa năm 1981), bà phải sử dụng xe lăn để đi lại trong trại tạm giam.

2021-7-4-zhangjunling_01.jpg

Bà Trương Tuấn Linh

Một phụ nữ khác, bà Tôn Kế Bình, đã phải thụ án 5 năm, mặc dù chứng rối loạn máu trầm trọng của bà tái phát khi bị giam giữ. Người phụ nữ 68 tuổi ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, từng bất tỉnh và phải nhập viện để truyền máu. Chỉ số huyết sắc tố Hemoglobin của bà nhanh chóng giảm xuống 5g/dL, thấp hơn nhiều so với mức bình thường từ 12,0 đến 15,5 g/dL, điều này cũng khiến bà bị phù toàn thân. Dưới đây là các trường hợp nổi bật được báo cáo trong nửa đầu năm 2021. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể được tải xuống tại đây (PDF).

Học viên cao tuổi bị kết án

Cụ ông 82 tuổi bị kết án 10 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Sau vài lần bị bắt và được thả, một giáo viên về hưu 82 tuổi ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án 10 năm tù vào tháng 1 năm 2021.

Vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Ông Lý Đăng Thần bị bắt lần đầu tại nhà vào ngày 22 tháng 10 năm 2018. Cảnh sát lục soát nơi ở của ông và tịch thu các tài sản cá nhân của ông, tổng giá trị 150.000 nhân dân tệ. Bởi ông bị huyết áp cao, nên trại tạm giam thành phố Thâm Quyến đã từ chối nhận ông, và ông được thả ra.

Ngày hôm sau ông Lý quay trở lại đồn công an địa phương để yêu cầu cảnh sát trả lại số tài sản mà họ đã tịch thu của ông, nhưng cảnh sát từ chối.

Vài ngày sau, ông Lý nhận thấy ai đó đã trèo qua hàng rào và đột nhập vào nhà ông khi ông vắng nhà. Ông nghi ngờ là do cảnh sát làm, họ đang cố gắng tìm thêm các đồ vật có liên quan tới Pháp Luân Công ở trong nhà ông. Ông quyết định rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.

Chỉ một tháng sau, vào ngày 23 tháng 11, ông lại bị bắt và bị đưa vào trại tạm giam thành phố Thâm Quyến. Trước lần bắt giữ thứ hai, cảnh sát từng tống tiền gia đình ông 1.700 nhân dân tệ, họ nói rằng đó là “tiền phí khám sức khỏe” của ông. Năm 2019, ông Lý có vấn đề nghiêm trọng ở phổi và phải được điều trị trong phòng chăm sóc tích cực. Ông được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 26 tháng 4. Lúc đó, ông rất hốc hác, không kiểm soát được việc đại tiểu tiện, không thể tự chăm sóc bản thân, và hai chân của ông sưng vù.

Sau khi khôi phục việc học Pháp và luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công tại nhà, sức khỏe của ông dần dần phục hồi. Nhưng chính quyền vẫn không buông tha ông. Vào cuối tháng 7 năm 2020, ông Lý nhận được thông báo hầu tòa. Ông một lần nữa buộc phải rời khỏi nhà trong một tháng để trốn khỏi bàn tay cảnh sát. Vào tháng 1 năm 2021, ông bị bắt một lần nữa và lập tức bị lĩnh án tù 10 năm. Hiện ông đã bị đưa tới Nhà tù Bảo Định để thụ án.

Bác sỹ về hưu 80 tuổi bị kết án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Vào sáng ngày 6 tháng 11 năm 2020, bà Mã Khôn Phương, một bác sĩ đã nghỉ hưu 80 tuổi ở huyện Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt tại nhà bởi hai cảnh sát mặc thường phục của Công an huyện Liêu Dương. Trong khi các cảnh sát đang lục soát nhà bà, thì có thêm 20 cảnh sát mặc thường phục xuất hiện. Không ai trong số họ xuất trình thẻ cảnh sát. Bà Mã đã cố gắng khuyên cảnh sát không tham gia vào cuộc bức hại, nhưng họ không nghe và ghì bà xuống sàn rồi còng tay bà ra sau lưng.

Một học viên khác là bà Ngô Quế Mai đã tình cờ có mặt ở chỗ bà Mã cũng bị bắt. Các cảnh sát đã dành ba tiếng đồng hồ để lục soát nhà của bà Mã và tịch thu các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, DVD các bài giảng của Pháp Luân Công, máy nghe nhạc và vài nghìn nhân dân tệ tiền mặt của bà. Cả bà Mã và bà Ngu đều bị đưa tới trụ sở công an huyện để thẩm vấn.

Bà Mã bị giam trong phòng tối. Cảnh sát trói bà vào ghế sắt với hai tay và hai chân bị còng vào ghế. Bà Mã từ chối trả lời mọi câu hỏi. Năm tiếng sau đó, khi bà Mã được thả ra khỏi ghế, cổ tay bà sưng tấy và bầm tím. Bà bị đau ở lưng và chân. Chân bà cũng bị tê và bà không thể tự đi lại. Với sự giúp đỡ của gia đình, bà đã được bảo lãnh tại ngoại và trở về nhà vào buổi tối cùng ngày.

Ngày hôm sau bà Ngu bị đưa tới trại tạm giam Liêu Dương. Bởi huyết áp cao, bà bị từ chối tiếp nhận và cũng được tại ngoại. Sau đó cảnh sát đã chuyển vụ án của bà Mã tới Viện Kiểm sát thành phố Đăng Tháp. Ngày 29 tháng 3 năm 2021, Tòa án thành phố Đăng Tháp đã xét xử và kết án bà 3,5 năm tù.

Vi phạm thủ tục pháp lý

Trùng Khánh: Một người đàn ông kháng cáo bản án oan sai vì tu luyện Pháp Luân Công

Khi ông Lưu Chí Dân ở Trùng Khánh đệ đơn kháng cáo bản án oan sai vì tu luyện Pháp Luân Công, Hồ Thường Vinh, một lính canh của trại tạm giam Quận Trường Thọ đã giữ lại đơn của ông và không gửi nó đi.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của ông Lưu, cuối cùng Hồ đã phải gửi đơn kháng cáo của ông sau vài tháng chậm trễ. Vào ngày 29 tháng 5 năm 2021, Tòa án Trung cấp Số 1 Trùng Khánh đã gọi điện cho vợ ông Lưu là bà Trương Lỵ và hỏi bà rằng ông Lưu có luật sư đại diện không. Sau đó, bà Trương đã thuê luật sư đã đại diện cho ông Lưu trong phiên tòa xét xử lần đầu để đại diện cho ông lần này.

Ngày 7 tháng 1 năm 2020, ông Lưu bị bắt giữ cùng ông Dương Định Sản khi đang trợ giúp ông Ngô Sinh Hoa, 79 tuổi viết những câu đối thư pháp để tặng miễn phí cho mọi người trước dịp Tết Nguyên đán. Cả ba ông đều là học viên Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Cảnh sát nói Tả Hợp Trường đã tố cáo ba học viên vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Sau đó, có thông tin xác nhận rằng cháu trai của Tả là Tả Thời Dũng đã nhận được một cuốn sách nhỏ giới thiệu Pháp Luân Công từ một học viên khác. Khi Tả Hợp Trường nhìn thấy cuốn sách, ông ta đã tố cáo ông Lưu, ông Dương và ông Ngô, mặc dù ba học viên không biết về cuốn sách đó. Ngày hôm sau, ông Dương và ông Ngô được trả tự do, nhưng ông Lưu vẫn bị giam giữ trong nhà giam.

Cảnh sát cáo buộc ông Lưu “tái phạm” vì trước đây ông đã từng bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát còn cáo buộc ông Lưu đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công mà cư dân địa phương khác đã nhận được từ các học viên khác. Cảnh sát cáo buộc ông Lưu, ông Dương và ông Ngô quảng bá Pháp Luân Công vì một câu đối có nội dung “Pháp (Phật Pháp) mang làn gió xuân làm tươi mới mọi cảnh vật, lòng nhân ái lan tỏa như nắng ấm chan hòa mọi gia đình” có từ “Pháp” ở trong trong câu đối.

Có sự không nhất quán trong lời khai của nhân chứng Tả Hợp Trường. Ban đầu, Tả nói rằng ông ta nhìn thấy cháu trai của mình cầm một tờ câu đối và cuốn sách giới thiệu Pháp Luân Công về mà không nhìn thấy ai phân phát cuốn sách hay bản thân ông ta cũng không nhận được sách giới thiệu. Sau đó, ông ta tự mâu thuẫn với lời khai của mình với việc nói rằng ông Lưu đã đưa cuốn sách cho ông ta. Tả còn cáo buộc sáu học viên gồm hai nữ học viên viết những câu đối thư pháp, trong khi đó chỉ có ông Lưu, ông Dương và ông Ngô viết các câu đối.

Trong phiên tòa xét xử tại Tòa án Quận Giang Bắc diễn ra vào ngày 15 tháng 10, thẩm phán Hoàng Á đã liên tiếp từ chối yêu cầu của luật sư về việc đưa gia đình Tả tới trước tòa để thẩm tra chéo. Thẩm phán còn ngắt lời ông Lưu khi ông đang nói về việc Pháp Luân Công dạy mọi người làm người tốt như thế nào và ở Trung Quốc không có điều luật buộc tội Pháp Luân Công.

Sau phiên tòa xét xử, con gái ông Lưu đã trình ba lời khai của nhân chứng lên tòa án, họ khai rằng ông Lưu và hai học viên chỉ phân phát các câu đối thư pháp và không phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Thẩm phán đã kết án ông Lưu hai năm tám tháng tù giam vào tháng 12 năm 2020.

Bản án lần này của ông Lưu diễn ra sau khi ông kết thúc thời gian thụ án 2,5 năm chưa được ba năm. Ngày 17 tháng 9 năm 2015, ông bị bắt giữ vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vào tháng 5 năm 2015, cựu lãnh đạo chính quyền Cộng sản Trung Quốc về tội phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Vì không đủ bằng chứng để buộc tội ông Lưu, nên cảnh sát đã xé nhỏ một cuốn sách giới thiệu Pháp Luân Công được tìm thấy tại nhà ông thành nhiều mảnh nhỏ và tính mỗi mảnh giấy làm một bằng chứng truy tố.

Trong phiên tòa xét xử diễn ra tại Tòa án Quận Trường Thọ vào tháng 3 năm 2016, cảnh sát đã bắt giữ gần 20 học viên Pháp Luận Công tới tham dự phiên tòa ủng hộ ông Lưu. Thậm chí cả một số người dân đi bộ cũng bị bắt vì tưởng nhầm là học viên Pháp Luân Công.

Người đàn ông trẻ tuổi ở Cát Lâm bị bí mật kết án tù

Kể từ khi đại dịch virus corona bùng phát ở Trung Quốc, một số câu chuyện đã được đăng trên Minh Huệ về những người đã phục hồi hoàn toàn sau khi niệm những câu chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”.

Lấy cảm hứng từ những câu chuyện như vậy, anh Tôn Chí Văn ngoài 30 tuổi, ở huyện Vĩnh Cát, tỉnh Cát Lâm, đã dán các áp phích quanh thị trấn về Pháp Luân Công và những lợi ích sức khỏe của môn tu luyện. Anh Tôn bị cảnh sát chú ý thông qua camera giám sát và bị bắt vào ngày 4 tháng 2 năm 2020.

59ea8a9997970dc081bce3f65b30cd38.jpg

Áp phích do anh Tôn đưa lên với thông điệp về hai câu chân ngôn.

Mặc dù anh Tôn đã được thả lúc 7 giờ tối hôm đó, nhưng anh lại bị bắt vào ngày 22 tháng 4 và bị giam tại trại tạm giam Tây Sơn ở huyện Vĩnh Cát. Sau đó, anh bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Cát Lâm vào đầu tháng 5 năm 2020. Khi gia đình tới Tòa án Huyện Vĩnh Cát để hỏi về vụ án của anh, họ được biết rằng đối với tất cả các vụ án liên quan đến Pháp Luân Công, thẩm phán sẽ không thông báo về phiên tòa cho người nhà của các học viên.

Tháng 9 năm 2020, sau Tết Trung thu, gia đình anh Tôn đã đến trại tạm giam thành phố Cát Lâm để gửi quần áo cho anh, thì phát hiện anh không còn ở đó nữa. Trại giam từ chối tiết lộ tung tích của anh. Cha mẹ anh (cũng tu luyện Pháp Luân Công) phỏng đoán rằng anh đã bị kết án, nên họ đã đi tới các nhà tù trong tỉnh để tìm kiếm anh. Đến tháng 2 năm 2021 (dịp Tết Nguyên đán), Trương Bác, trưởng Phòng 610 huyện Vĩnh Cát, đã sách nhiễu cha mẹ anh Tôn và nói rằng nếu họ ký tên vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, họ sẽ được phép gặp con trai.

Trương nói rằng anh Tôn đã bị kết án 4,5 năm tù nhưng từ chối tiết lộ nơi giam giữ anh. Thông qua nỗ lực tìm kiếm, cha mẹ anh Tôn đã xác nhận được rằng anh quả thực đã bị kết án và đã bị đưa tới Nhà tù Công Chủ Lĩnh. Đến nay gia đình vẫn chưa được vào thăm anh.

Liên tục bị bức hại

Tỉnh Hắc Long Giang: Một người đàn ông bị kết án bí mật 9 năm tù sau khi bị cầm tù 7 năm

Ngày 24 tháng 9 năm 2019, ông Ngưu bị bắt giữ tại nhà chị gái của ông. Một cảnh sát đã kẹp chặt cổ ông từ phía sau khiến ông gần như ngạt thở. Chị gái ông cố gắng ngăn cảnh sát dừng lại nhưng bà cũng bị họ đánh đập.

Cảnh sát còn kéo tới nhà ông Ngưu và tịch thu sách cùng tài liệu Pháp Luân Công và một máy in của ông. Những đồ vật bị tịch thu được chuyển đi bằng hai xe tải.

Sau khi bắt giữ ông Ngưu, cảnh sát đã che giấu gia đình về tình trạng của ông. Vào tối ngày 28 tháng 10 năm 2020, gia đình ông nhận được một cuộc điện thoại và được thông báo rằng họ có kế hoạch đưa ông ra xét xử vào chiều ngày mai. Nhưng họ không nói cho gia đình biết về nơi diễn ra phiên xét xử hay gia đình có được phép tham dự phiên tòa xét xử hay không.

Đây không phải là lần đầu ông Ngưu, một cựu nhân viên của Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân, bị bức hại vì đức tin của mình. Ông bị Tòa án Giao thông Đường sắt Cáp Nhĩ Tân kết án 5 năm tù lần đầu vào ngày 21 tháng 11 năm 2002 vì thuê một căn hộ để in tài liệu Pháp Luân Công.

Vào tháng 5 năm 2010, ba năm sau khi được trả tự do, ông Ngưu đã kết hôn với một học viên khác là bà Tăng Thục Linh. Bà Tăng đã bị tàn tật sau khi bị tra tấn trong trại lao động. Ông Lưu kiếm sống bằng nghề bán các văn phòng phẩm và sửa chữa máy in. Ông cũng đảm nhận hầu hết các công việc trong nhà do bà Tăng không có khả năng lao động.

Sáng sớm ngày 31 tháng 12 năm 2011, một nhóm cảnh sát kéo tới nhà ông khi hai vợ chồng ông chưa ngủ dậy. Một cảnh sát nắm tóc của bà Tăng, giật mạnh bà ngã ra khỏi giường và kéo lê bà dưới đất. Khi ông Ngưu cố gắng ngăn cản họ, cảnh sát đã vây quanh ông và đánh đập ông.

Hai vợ chồng ông bị bắt giữ và lãnh án hai năm lao động cưỡng bức. Ngày 8 tháng 2 năm 2012, ông Ngưu bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Tuy Hóa và bà Tăng bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Tiền Tiến. Lính canh từng tra tấn bà Tằng bằng cách nhốt bà trong chuồng lợn.

Tháng 10 năm 2017, cảnh sát kéo tới nhà ông Ngưu và nỗ lực sách nhiễu ông, họ nói rằng đến để gia hạn đơn đăng ký hộ khẩu cho ông. Ông Ngưu không có mặt ở nhà khi cảnh sát tới, do đó họ đã nhờ hàng xóm chuyển lời tới ông rằng họ yêu cầu ông tới đồn công an.

Nghi ngờ cảnh sát đang cố gắng bắt giữ mình, nên ông Ngưu đã nhờ chị gái thay mặt ông tới đồn công an. Mặc dù ban đầu cảnh sát đã gia hạn đơn đăng ký hộ khẩu cho ông, nhưng ngay sau đó họ lại vô hiệu hóa nó và tuyên bố rằng ông Ngưu phải tới văn phòng của họ để chụp ảnh.

Sau đó, thông qua mẹ ông Ngưu, cảnh sát biết được ông có một quầy bán khoai lang nướng. Ngày 31 tháng 10, họ đã tìm thấy ông và yêu cầu ông cung cấp số điện thoại của mình.

Vào ngày 19 tháng 4 năm 2018, cảnh sát sách nhiễu ông một lần nữa tại quầy bán đồ ăn của ông và lấy mẫu mô của ông để chiết xuất DNA. Thời điểm đó, ông Ngưu đang chật vật với sức khỏe yếu do bị tra tấn ở trong nhà giam gồm vỡ màng bụng (một màng mỏng ở trong ổ bụng có tác dụng kết nối và nâng các cơ quan nội tạng), sa trực tràng và bệnh vẩy nến.

Một kỹ sư cấp cao lại bị kết án 4 năm sau khi bị bỏ tù 11 năm vì tín ngưỡng của mình

Mong ước của cô Ư Minh Huệ được tái đoàn tụ với bố mẹ mình lại bị tan vỡ khi người mẹ 63 tuổi của cô bị kết án 4 năm tù vì tập Pháp Luân Công.

Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp môn tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999, gia đình ba người của cô Ư ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang mới chỉ được sống cùng nhau chưa đầy 2 năm. Bố cô đã bị bắt vào năm 2001 và bị kết án 15 năm. Mẹ cô bị bắt vào năm 2003 và bị kết án 11 năm.

Là một thiếu niên, cô Ư đã phải vật lộn để lớn lên một mình. Sau khi được nhận vào Trường Nghệ thuật Thị giác và Biểu diễn Cambridge vào năm 2012 để học thiết kế thời trang, cô đã chuyển đến Anh quốc và kể từ đó cô vẫn chưa thể quay trở lại Trung Quốc.

Khi bố cô được phóng thích vào năm 2016, hai năm sau khi mẹ cô trở về ngôi nhà trống không, họ đã xin cấp hộ chiếu để đi đến Anh quốc thăm cô Ư, nhưng cảnh sát đã từ chối và nói rằng họ không có cách nào để có được hộ chiếu.

Vào ngày 31 tháng 3 năm 2020, mẹ cô Ư, bà Vương Mai Hồng, một kỹ sư địa chất, lại bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Sau một năm bị tạm giam, bà đã bị kết án 4 năm vào khoảng đầu tháng 5 năm 2021 và bị đưa vào Trại tù nữ Hắc Long Giang để thi hành án.

d13e34bece95a108f56abea18ad3900a.jpg

Cô Ư Minh Huệ và mẹ cô là bà Vương Mai Hồng

Trong khi đang tham dự một sự kiện ở Anh quốc vào tháng 4 năm 2021 để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp, cô Ư nói: “Tôi không biết khi nào thì mẹ tôi sẽ được trả tự do. Tôi đến đây hôm nay để phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc bởi vì mẹ tôi không phạm tội gì trong việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cả. Bố mẹ tôi hiện đã ngoài 60 tuổi rồi. Họ đã bị bỏ tù trong hơn 1 thập kỷ. Cuộc sống của họ cực kỳ khó khăn.”

“Tôi rất lo lắng. Tôi hy vọng là họ có thể phóng thích mẹ tôi ngay lập tức và trả lại tự do cho bà. Hãy dừng việc sách nhiễu bà. Không có gì là sai khi tin theo Chân-Thiện-Nhẫn,” cô nói.

e38c6515b4ae9a4a50a07131200be306.jpg

Cô Ư Minh Huệ đứng trước bức tranh “Nước mắt em bé mồ côi” tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Chân-Thiện -Nhẫn vào tháng 6 năm 2013, trong tay cầm một tấm bưu thiếp để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đối với cha mẹ cô.

Bài viết liên quan:

96 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 5 năm 2021

90 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2021

100 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2021

120 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin trong tháng 2 năm 2021

186 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào tháng 1 năm 2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/5/2021/427769.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/9/194007.html

Đăng ngày 24-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share