Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 16-11-2021]
Tên tiếng Trung: Hồ Hán Giảo
Giới tính: Nữ
Tuổi: 53
Thành phố: Hán Xuyên
Tỉnh: Hồ Bắc
Nghề nghiệp:Không
Ngày mất: ngày 9 tháng 11 năm 2021
Ngày bị bắt gần đây nhất: ngày 15 tháng 3 năm 2021
Nơi giam giữ gần đây nhất: Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Bắc
Bà Hồ Hán Giảo, một người dân thành phố Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc đã qua đời 13 ngày sau khi bị bắt vào tù thụ án 4 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Vào ngày 15 tháng 3 năm 2021, bà Hồ Hán Giảo bị bắt sau khi bị báo cáo vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà đã bị kiểm tra sức khỏe vào buổi chiều và bị tạm giữ hình sự bởi Văn phòng An ninh Nội địa Thành phố Hán Xuyên vài ngày sau đó.
Bà Hồ bị đưa ra xét xử tại Tòa án Huyện Hiếu Xương vào ngày 16 tháng 6 năm 2021. Luật sư đã biện hộ vô tội cho bà. Bà đã bị kết án bốn năm vào cuối tháng 6.
Trong 7 tháng bị giam tại Trại tạm giam Thành phố Hán Xuyên, bà Hồ đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại và bị bức thực.
Vào 8 giờ tối ngày 9 tháng 11 năm 2021, 13 ngày sau khi bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Bắc, một lính canh gọi cho chồng của bà Hồ và nói rằng bà đã qua đời vì bạo bệnh tại bệnh viện.
Vào sáng hôm sau chồng của bà Hồ và một số thành viên trong gia đình vội vã đến nhà tù ở thành phố Vũ Hán và yêu cầu được xem hồ sơ y tế và thi thể của bà, nhưng nhà tù đã từ chối. Chồng bà đã thuê luật sư để đòi lại công lý cho bà Hồ khi trở về nhà vào buổi tối.
Ngày hôm sau, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Hán Xuyên (UBCTPL), một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công, đã gây áp lực buộc chồng bà phải hủy bỏ việc thuê luật sư và cấm ông thảo luận về cái chết của bà Hồ với các học viên Pháp Luân Công khác ở địa phương.
Cuộc bức hại trước đó
Trước khi bị bắt và bị tuyên án gần đây nhất, bà Hồ đã nhiều lần trở thành mục tiêu bức hại vì đức tin của mình.
Vào ngày 13 tháng 9 năm 1999, lần đầu bà bị bắt khi bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà bị giam tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Hán Xuyên cho đến ngày 9 tháng 1 năm 2000, sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 3.000 Nhân dân tệ và 1.800 Nhân dân tệ chi phí sinh hoạt. Mẹ chồng của bà, bà Đường Giảo Anh, người đã đến Bắc Kinh cùng bà, cũng bị giam một tháng và buộc phải trả khoản tiền 3.000 Nhân dân tệ.
Vào ngày 24 tháng 2 năm 2000, cảnh sát đến nhà bà Hồ để sách nhiễu bà. Vì bà không có nhà khi họ đến, họ đã buộc tội bà “thông đồng với các học viên khác”. Họ lục soát nhà của bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin và một máy nghe nhạc. Họ giam bà Hồ trong 15 ngày với tội danh “vi phạm trật tự xã hội” và buộc bà phải trả 450 Nhân dân tệ tiền sinh hoạt phí.
Năm 2001, bà Hồ bị Lưu Kế Tường, người đứng đầu Phòng An ninh Nội địa Hán Xuyên kết án một năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Sa Dương.
Ngay sau khi bà được thả vào tháng 10 năm 2003, Lưu và Tạ Chấn Tinh của Phòng 610 Hán Xuyên đã lại bắt bà và đưa bà đến Trung tâm Tẩy não Thang Tốn Hồ. Gia đình bà buộc phải trả 6.000 Nhân dân tệ.
Vào ngày 2 tháng 8 năm 2007, bà Hồ lại bị bắt sau khi bị báo cáo vì đã phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đưa bà đến trại tạm giam Số 2 Hán Xuyên vào ngày hôm sau, đồng thời sách nhiễu gia đình và tịch thu các sách Pháp Luân Công tại nhà của bà.
Lưu, người của Phòng An ninh Nội địa sau đó đã bắt bà chịu án ba năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tỉnh Hồ Bắc. Vào ngày 27 tháng 8 năm 2007, khi bà bị chuyển đến trại lao động, khuôn mặt của bà bị bầm tím và cơ thể đầy vết thương. Các lính canh không cho phép gia đình đến thăm bà mà chỉ cho phép gia đình gửi quần áo. Bà Hồ đã từng bị cấm ngủ trong hai tháng. Bà được trả tự do vào ngày 3 tháng 8 năm 2008, hai năm trước thời hạn.
Vào ngày 21 tháng 7 năm 2019, bà Hồ lại bị bắt sau khi bị báo cáo vì nói chuyện với những người trên đường phố. Bà bị giam giữ tại trại tạm giam Quận Hán Xuyên trong 15 ngày và bị sách nhiễu tại nhà sau khi được thả.
Bài liên quan:
Năm người dân Hồ Nam đã bị kết án tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/16/433667.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/17/196621.html
Đăng ngày 02-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.