Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 12-01-2021] Trong năm 2020, khi Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (virus corona), đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vẫn tiếp tục cuộc bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.

Đại dịch đã không ngăn được việc ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công

Theo thông tin Minghui.org thu thập, có 6.659 học viên đã bị bắt và 8.576 người bị sách nhiễu trong năm 2020. Trong khi số vụ bắt giữ không chênh lệch nhiều so với năm trước đó với 6.109 học viên, thì năm 2020, số vụ sách nhiễu tăng gấp 2,4 lần so với 3.582 người của năm 2019.

Trong tổng số 15.235 học viên bị nhắm mục tiêu trong năm 2020, 3.588 người bị lục soát nhà và 537 người bị đưa đến các trung tâm tẩy não.

Ngoài ra còn có 622 học viên bị kết án tù vì đức tin của họ (một số trong số họ là những người trong 6.659 học viên bị bắt vào năm 2020) và 83 học viên khác bị bức hại đến chết vào năm 2020, cả hai đều đã được đề cập chi tiết trong các báo cáo riêng biệt.

f1e62e5b192225dbd805113d93ecf81c.jpg

Do việc phong tỏa trên toàn quốc sau khi đại dịch virus corona bùng phát, tháng 1 năm 2020 ghi nhận về số vụ bức hại ít nhất. Tuy nhiên, trong vài tháng tiếp theo, các vụ bắt giữ gia tăng đều đặn, với cao điểm vào tháng 4 và đỉnh điểm vào tháng 7.

Trong nhiều năm qua các vụ bắt giữ và sách nhiễu có khuynh hướng xảy ra nhiều nhất vào các tháng 4 và tháng 7, bởi chính quyền thường tăng cường đàn áp vào hai ngày nhạy cảm – ngày 25 tháng 4 và ngày 20 tháng 7. Có khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một cuộc kháng nghị ôn hòa bên ngoài Văn phòng Kháng nghị Quốc gia ở Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, và chưa đầy ba tháng sau, ĐCSTQ chính thức bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7.

Trong thời gian phong tỏa vào nửa đầu năm 2020, nhiều học viên đã bị chính quyền nhắm đến vì việc tăng cường nỗ lực để vạch trần việc ĐCSTQ đang sử dụng các thủ đoạn tương tự như trong cuộc bức hại Pháp Luân Công để che đậy việc bùng phát dịch virus corona.

Một phụ nữ ở tỉnh Hồ Nam đã buộc phải sống xa nhà sau khi các nhà chức trách phát hiện ra bà đã dán áp phích có mã QR có thể kết nối với các trang web ở nước ngoài không bị kiểm duyệt để tiếp cận các thông tin về đại dịch. Một bác sĩ ở tỉnh Ninh Hạ đã bị bắt hai lần, lần đầu tiên vào tháng 3 và sau đó vào tháng 6, vì phân phát tài liệu thông tin. Ngay cả một bé gái mới chín tuổi ở tỉnh Hồ Bắc cũng không tránh được việc bị sách nhiễu sau khi cảnh sát bắt được cô bé dán thông tin trong khu phố nơi cô bé sinh sống.

Chiến dịch sách nhiễu “xóa sổ” trên diện rộng

Bước vào nửa cuối năm 2020, các vụ sách nhiễu bắt đầu nhiều hơn số vụ bắt giữ, do chiến dịch “xóa sổ” được tiến hành trên toàn quốc. Tương tự như chiến dịch sách nhiễu “gõ cửa” vào năm 2017 và chiến dịch có tên quét sạch băng đảng tội phạm vào năm 2018 nhắm vào các học viên vì đức tin của họ, nhà chức trách đã đến gặp mỗi học viên có tên trong danh sách đen của chính quyền và cố gắng buộc họ từ bỏ Pháp Luân Công trong chiến dịch “xóa sổ” mới.

Các trường hợp sách nhiễu sớm nhất trong nỗ lực “xóa sổ” đã được ghi nhận vào tháng 3 năm 2020 tại tỉnh Quý Châu. Có thông tin cho rằng Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL) ở Quý Châu đã ban hành lệnh “chuyển hóa” toàn bộ tất cả các học viên từ năm 2020 đến năm 2023. Lệnh của họ dựa trên một tài liệu (Số 101) do UBCTPL trung ương ở Bắc Kinh phát hành, có tiêu đề “Về việc giảm số lượng học viên Pháp Luân Công.”

Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, UBCTPL – một cơ quan ngoài vòng pháp luật có quyền giám sát an ninh quốc gia, viện kiểm sát và hệ thống tòa án- đã đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa ra các chính sách bức hại.

Cả Phòng 610 địa phương và UBCTPL đều được giao nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại, đã ra lệnh cho các nhân viên cộng đồng và cảnh sát địa phương gây áp lực buộc các học viên phải phục tùng theo. Khi các học viên phản kháng, nhà chức trách sẽ đưa các học viên tới các trung tâm tẩy não và dọa người nhà của các học viên rằng họ sẽ bị mất việc làm nếu không khuyên nhủ các học viên từ bỏ việc tu luyện. Tại các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam, nhà chức trách đã treo thưởng cho một người lên tới 100.000 nhân dân tệ nếu họ báo cáo một học viên Pháp Luân Công.

Một số sỹ quan cảnh sát đã sách nhiễu người nhà của các học viên và đe dọa sẽ không để cho con của họ được học đại học, hòng gây sức ép lên các học viên.

Các vụ sách nhiễu tiếp tục gia tăng trong hai tháng cuối năm 2020. Trong khi từ tháng 3 đến tháng 10, trung bình có 706 vụ mỗi tháng, thì con số này tăng gần gấp đôi vào tháng 11 và tháng 12, lần lượt là 1.285 và 1.358 vụ. Kết quả, nhiều học viên bị đưa đến các trung tâm tẩy não vào tháng 11 và tháng 12, với mức trung bình hàng tháng tăng từ 40 trường hợp trong tháng 3 và tháng 10 lên 110 trường hợp trong hai tháng cuối năm.

Các vụ sách nhiễu trong tháng 11 và tháng 12 năm 2020 tăng gấp 5 và 6,7 lần so với năm 2019.

9ae15ce62e0a079311ad9ff2bac2824e.jpg

Cuộc bức hại trên diện rộng

Các vụ bức hại trong năm 2020 đã diễn ra ở 304 thành phố thuộc 29 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Hà Bắc đứng đầu danh sách với nhiều học viên nhất (2.373), tiếp theo là Hắc Long Giang, Sơn Đông, Cát Lâm, Tứ Xuyên và Liêu Ninh. Tỉnh thứ bảy Hồ Bắc, tâm chấn của đại dịch, đã ghi nhận tổng cộng 589 trường hợp. Mười tám tỉnh khác cũng ghi nhận các trường hợp bức hại lên tới ba con số (từ 105 đến 480). Bốn tỉnh còn lại báo cáo từ 4 đến 87 trường hợp.

Năm 2020 cũng chứng kiến ​​nhiều học viên cao tuổi hơn bị nhắm mục tiêu. Có 1.188 (7,8%) học viên trên 65 tuổi bị bắt giữ hoặc sách nhiễu trong năm 2020, gấp đôi so với năm 2019 với 583 học viên. Trong nhóm tuổi 70 đến 80, 419 học viên đã bị bắt trong năm 2020. 17 học viên ở độ tuổi 90, trong đó người lớn tuổi nhất đã 94 tuổi.

01909c36f4cec27dad767c6b5dc8378c.jpg

Trong năm 2020, nhiều học viên bị bắt đã bị tra tấn dã man và kết quả là ít nhất sáu người qua đời. Một phụ nữ đã qua đời trong trại tạm giam của cảnh sát bốn ngày sau khi bị bắt vào ngày 13 tháng 5. Một phụ nữ khác qua đời vài giờ sau khi bị bắt vào ngày 18 tháng 6. Hai nữ học viên bị đánh đập tới chết vài ngày sau khi bị bắt vào cuối tháng 6.

Từng ngồi tù 11 năm, một học viên nam đã qua đời một tháng rưỡi sau khi bị bắt vào tháng 8. Một học viên nam khác đã qua đời vào tháng 10 vì bị tra tấn trong trại giam, hai tháng sau khi ông bị bắt trong một vụ bắt giữ tập thể.

15.235 học viên bị nhắm mục tiêu đến từ mọi tầng lớp trong xã hội bao gồm 320 chuyên gia, chẳng hạn như giáo sư đại học, giáo viên trung học, luật sư, bác sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ, nhà báo, thông dịch viên, tác giả và diễn viên múa.

Một thợ chụp ảnh 25 tuổi mới tu luyện Pháp Luân Công cách đây không lâu đã bị bắt vì phát tờ rơi Pháp Luân Công. Một phụ nữ 77 tuổi đã bị bắt sau khi bị ghi hình trên xe buýt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Những người khác đã bị bắt vì cùng nhau học các bài giảng của Pháp Luân Công.

Ngoài sách nhiễu, có hàng chục vụ bắt giữ tập thể được báo cáo trong suốt năm, bao gồm 18 học viên ở thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông bị bắt vào ngày 14 tháng 6; hơn 10 học viên ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây bị bắt vào ngày 26 tháng 7; 21 học viên ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam bị bắt vào ngày 27 tháng 10; và hơn 80 học viên ở thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 12.

Đáng chú ý, ba trong số các học viên bị bắt tại Tây An vào ngày 26 tháng 7 đều ở độ tuổi 80, bốn học viên đã ngoài 70 tuổi và một học viên khoảng 60 tuổi.

Một đại gia đình ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị bắt hai lần trong bảy ngày xung quanh thời điểm Tết Trung thu vào ngày 1 tháng 10, đây là một ngày lễ truyền thống đoàn viên gia đình.

Ngoài những vụ bắt bớ và tra tấn trong tù, nhiều học viên đã bị sách nhiễu trong cuộc sống hàng ngày gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn cá nhân, công việc kinh doanh và sức khỏe bị tổn hại.

Một kỹ sư bị đuổi việc và bị từ chối khi thuê nhà trọ và buộc phải thay đổi chỗ ở ngay sau khi anh hết thời gian thụ án hai năm. Một bác sĩ đã nghỉ hưu vẫn bị giam giữ mặc dù bà đã được chẩn đoán mắc ung thư phổi.

Trong một số trường hợp, không chỉ bản thân các học viên bị nhắm mục tiêu vì đức tin của họ, mà cả các thành viên trong gia đình họ cũng bị sách nhiễu, bắt giữ và thẩm vấn. Cháu trai bốn tuổi của một học viên đã không được nhận vào trường mẫu giáo vì bà cháu từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.

Con trai của một phụ nữ đã bị bắt làm con tin trong đồn công an sau khi cô ấy trốn thoát khỏi việc bị bắt và phòng khám của con trai của một học viên khác buộc phải đóng cửa sau khi bà ấy từ chối ký một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Lớn lên trong sự chứng kiến ​​việc bức hại đối với cha mẹ mình, một thanh niên đã suy sụp vì mất người cha trong cuộc bức hại, trong khi mẹ thì vẫn đang bị giam giữ. Giờ đây, chàng trai trẻ đang tìm kiếm công lý cho mẹ mình, người vẫn bị giam giữ kể từ đó và phải đối mặt với án tù.

Một số học viên đã phải chịu đựng sự giam giữ và tra tấn kéo dài hàng thập kỷ trước khi tiếp tục bị nhắm mục tiêu vì đức tin của họ. Một phụ nữ ở thành phố Ngân Xuyên, tỉnh Ninh Hạ, đã lại bị bắt sau khi đã chịu án trong 13 năm. Một người đàn ông khác ở thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, người đã bị giam giữ tổng cộng 15 năm, đã bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát vào giữa tháng 12.

Bức hại tài chính

Cảnh sát đã tống tiền hoặc tịch thu tổng cộng 7.284.097,56 nhân dân tệ từ 401 học viên trong các vụ bắt giữ, trung bình 18.165 nhân dân tệ/1 người. Ngoài ra còn có 161 học viên khác đã bị đình chỉ lương hưu vào năm 2020. Hầu hết họ bị buộc phải trả lại khoản lương hưu mà họ đã nhận được trong thời gian bị giam cầm vì kiên định đức tin của họ, mặc dù cả Luật Lao động và Luật Bảo hiểm Xã hội của Trung Quốc đều không quy định rằng lương hưu của một người sẽ bị đình chỉ khi họ đang trong thời gian thụ án.

Khi bà Trương Văn Khanh bị thương ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh trở về nhà vào tháng 6 sau thời gian thụ án tù 4 năm vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, bà đã vô cùng đau đớn khi biết rằng cha bà đã qua đời một năm trước đó. Bà đã bị giáng thêm một đòn nặng nề khi phát hiện ra rằng 27 năm cống hiến công tác của bà đã bị lãnh đạo đơn vị công tác xóa bỏ, khiến bà không được hưởng lương hưu. Giờ đây, một cựu giáo viên âm nhạc 52 tuổi, sống với mẹ già ở tuổi 80, đang gặp khó khăn về tài chính to lớn, chật vật kiếm sống.

Anh Nhậm Hải Phi ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã bị tịch thu 500.000 nhân dân tệ tiền mặt và vật tư máy tính trị giá hơn 200.000 nhân dân tệ trong thời gian bị bắt vào ngày 26 tháng 6. Anh bị suy tim và thận sau khi bị ngược đãi trong trại giam.

Bà Triệu Hỷ Khánh, 85 tuổi, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt tại nhà vào ngày 14 tháng 7. Cảnh sát đã lục soát nhà của bà và tịch thu 250.000 nhân dân tệ tiền mắt bà tiết kiệm được. Mặc dù bà đã được thả vào ngày hôm sau, nhưng cảnh sát đã từ chối trả lại tiền cho bà.

Học viên cao tuổi bị bức hại

Các học viên cao tuổi bị bức hại đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2020. Mặc dù tuổi cao, một số học viên vẫn bị đánh đập và ngược đãi sau khi bị bắt.

Ngược đãi thân thể và bị biệt giam

Bà Trần Quế Phân, 80 tuổi, ôm cuốn sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) trước ngực trong khi bị bắt vào ngày 14 tháng 8 năm 2020. Cảnh sát đã giữ tay và chân của người phụ nữ ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên này và kéo bà lên xe và đưa bà đến đồn công an. Bà được thả vào khoảng 6 giờ chiều. Hai tuần sau, tay bà vẫn còn in hằn dấu vết ở chỗ cảnh sát véo.

Sau khi ông Lôi Chánh Hạ, 74 tuổi, ở Trùng Khánh bị bắt tại nhà của con gái ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây vào ngày 4 tháng 9 năm 2020, một cảnh sát đã đẩy ông vào một góc phòng thẩm vấn, đấm vào ngực ông, lấy tay ghì vào cổ và đập đầu ông vào tường. Một sĩ quan khác định dùng đầu gối thúc vào chân ông Lôi, nhưng vợ ông Lôi, người bị bắt cùng ông, đã ngăn lại.

Bà Triệu Phượng Lan, 82 tuổi, ở thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt tại nhà vào ngày 21 tháng 6 năm 2020. Khi bà gặp khó khăn khi đi lại và nói chuyện, cảnh sát đã cưỡng chế khiêng bà xuống cầu thang. Tại đồn công an, cảnh sát đẩy bà ngồi vào một chiếc ghế tựa và khiêng bà lên cầu thang đến phòng thẩm vấn.

Công an đã thẩm vấn bà liên tục từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Họ nói rằng họ đã cố gắng tìm kiếm bà ở nhà nhưng không thấy. Họ cáo buộc bà vi phạm điều kiện tại ngoại và liệt bà vào danh sách truy nã. Cuộc thẩm vấn đã khiến bà Triệu sợ hãi, và bà vẫn còn rất yếu sau khi được đưa về nhà vào cuối ngày hôm đó.

Bà Nghiêm Nghi Học, 90 tuổi, ở thành phố Thạch Hà Tử, tỉnh Tân Cương, đã bị bắt trước hội nghị của ĐCSTQ vào ngày 22 tháng 5 và bị biệt giam cho đến đầu tháng 8. Bà gầy hốc hác đi và bị đau lưng dữ dội khi được thả.

Bà Chu Thiện Hội, 73 tuổi, ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, cũng bị biệt giam sau lần bắt giữ thứ 13 vì tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 8 tháng 9 năm 2020.

Đình chỉ lương hưu

Ngoài việc ngược đãi về mặt thể chất, một thủ đoạn tàn khốc khác được sử dụng để bức hại các học viên cao tuổi là việc đình chỉ lương hưu.

Bà Du Tú Anh, 76 tuổi, ở Thượng Hải, đã nhận được thông báo từ Văn phòng An sinh Xã hội vào cuối tháng 11 năm 2020 yêu cầu phải trong vòng năm ngày phải báo cáo cho họ cùng với các tài liệu về việc bà bị cầm tù trước đây vì tu luyện Pháp Luân Công. Thông báo cảnh báo rằng lương hưu của bà sẽ bị tạm dừng chi trả nếu bà không đến đúng hạn để xác minh bản án một năm tù của mình vào năm 2016.

Biết rằng thời hạn năm ngày chỉ là cái cớ và nhà chức trách có thể sẽ tạm dừng chi trả lương hưu của bà dù bà có xuất hiện hay không, bà Du vẫn đến văn phòng an sinh xã hội. Bà nói với họ: “Tôi đang đối mặt với việc bức hại một cách hệ thống. Các ông đã bắt tôi một cách bất hợp pháp, kết án tôi một cách bất hợp pháp, và bây giờ các ông định lấy đi tiền trợ cấp lương hưu của tôi một cách bất hợp pháp nữa.”

Bất chấp sự phản đối của bà Du, nhân viên văn phòng an sinh xã hội vẫn khăng khăng rằng họ phải tuân theo lệnh của người quản lý và tạm dừng việc chi trả tiền lương hưu cho bà.

Trong khi đã có nhiều trường hợp chính quyền đình chỉ lương hưu của các học viên hòng ép họ phải trả lại số tiền họ đã nhận trong thời gian thụ án, bà Du là trường hợp thứ hai bị văn phòng an sinh xã hội đã đình chỉ lương hưu được xác nhận trong những tháng gần đây, chỉ vì trước đó họ đã bị kết án vì kiên định đức tin. Một học viên khác là ông Dương Hòa Giang, 82 tuổi, ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị giữ lại lương hưu kể từ tháng 9 năm 2020.

Trong trường hợp của bà Ngụy Tú Anh, mặc dù bà đã thắng kiện Văn phòng An sinh Xã hội (VPASXH) địa phương vì đã khấu trừ lương hưu của bà, nhưng VPASXH vẫn từ chối tiếp tục chi trả cho bà. Thay vào đó, họ liên tục sách nhiễu bà và ép bà trả lại hơn 100.000 nhân dân tệ mà bà đã nhận trong thời gian ngồi tù oan sai vì tu luyện Pháp Luân Công. Giờ đây, bà phải đối mặt với áp lực lớn hơn sau khi tòa án địa phương đứng về phía VPASXH và phong tỏa tài khoản ngân hàng của bà để buộc bà phải trả lại số tiền.

903b14994acee755d0db88a744851641.jpg

Bà Ngụy Tú Anh

Tác động của cuộc bức hại đối với gia đình

Đối với nhiều học viên lớn tuổi, họ và vợ chồng họ nương tựa vào nhau để xoay xở cuộc sống hàng ngày. Khi họ bị bắt hoặc bị sách nhiễu vì đức tin của mình, các thành viên trong gia đình họ phải đối mặt với những khó khăn vô cùng lớn.

Bà Trần Lan Chi, 85 tuổi, ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vào ngày 20 tháng 2 năm 2020, sau khi bà đưa cho một cậu thanh niên trẻ tuổi cuốn sách nhỏ về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà của bà và tịch thu sách và các vật dụng cá nhân khác của bà.

Mặc dù bà Trần đã được trả tự do trong ngày hôm đó, nhưng chồng bà đã vô cùng hoảng sợ trước cuộc truy quét của cảnh sát và nhanh chóng đổ bệnh. Ông đã nằm liệt giường trong vài tháng và qua đời vào khoảng tháng 9 năm 2020.

Ông Thành Đức Phú, một cựu quân nhân 73 tuổi ở Trùng Khánh, đã liên tục bị tát vào mặt, bị gãy hai chiếc răng và khiến cánh tay bị thương sau khi ông bị bắt vào ngày 7 tháng 3 năm 2020. Cảnh sát đã trình vụ việc của ông lên công tố viên, người đã truy tố ông. Hai ngày trước cuộc gặp của ông với thẩm phán vào ngày 3 tháng 12, cảnh sát đã bắt giữ vợ ông và đe dọa để bà bỏ ông. Sợ bị liên lụy, bà ấy đã thu dọn quần áo và quay trở lại nơi ở trước khi kết hôn của bà, để lại ông Thành chật vật tự chăm sóc bản thân.

Cô Tào Nguyệt Linh, 40 tuổi, và mẹ cô là bà Trần Nham, 71 tuổi, đã bị kết án tù vì cùng đức tin vào Pháp Luân Công, cách nhau hai năm, lần lượt vào năm 2016 và 2018. Vào ngày 10 tháng 5 năm 2020, 18 tháng sau khi cô Tào trở về nhà, bà Trần cũng được trả tự do. Chỉ ba tháng sau, cô Tào lại bị bắt trên đường đi thăm các con trai. Vì tìm cách trả tự do cho con gái, bà Trần đã lại bị bắt vào ngày 21 tháng 9. Hiện người chồng 78 tuổi của bà đang ở một mình, phải vật lộn để tự chăm sóc bản thân.

Bi kịch đối với gia đình và tác động của cuốc bức hại lên con trẻ

Khi ĐCSTQ ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, họ không chỉ nhắm mục tiêu vào khoảng 100 triệu học viên mà còn bao gồm cả các thành viên trong gia đình họ. Trong 22 năm qua, trong khi nhiều học viên bị bắt, bị tra tấn và bị cầm tù, gia đình của họ cũng phải chịu đựng nỗi đau đớn khôn nguôi. Một số người trong số họ sau đó đã chọn lựa rời bỏ các học viên, một số thấy sức khỏe của họ bị suy giảm do áp lực, và một số người khác đứng lên đòi công lý và ủng hộ những người thân yêu của họ trong việc giữ vững đức tin.

Sau khi bà Kim Mẫn ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, bị bắt vào ngày 11 tháng 9 vì nói chuyện với một tài xế taxi về Pháp Luân Công. Cha bà, ở độ tuổi ngoài 80 đã bị chỉ dẫn đi lòng vòng khi hỏi về tình trạng vụ việc của bà.

Cha của cô Bốc Như Mai, người sống với cô Bốc, đã vô cùng kinh hãi khi cảnh sát đến lục soát nơi ở của họ vào ngày 16 tháng 4 năm 2020, điều này làm cho căn bệnh giai đoạn cuối của ông diễn biến nặng hơn và ông đã qua đời một tháng sau đó. Mặc dù cô Bốc ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, đã được thả vào ngày hôm sau, nhưng nhà chức trách vẫn tiếp tục sách nhiễu cô. Cô con gái 12 tuổi của cô từng nói với một công tố viên đến hỏi họ rằng: “Mẹ tôi không làm gì sai, cũng không làm hại ai cả. Tôi không thể chấp nhận được nếu ông kết án mẹ tôi.“

Cảnh sát đã ập vào nhà cô Vu Ái Lệ vào khoảng 6 giờ sáng ngày 15 tháng 7 năm 2020 và bắt giữ cô. Việc bắt giữ và giam giữ sau đó của cô Vu đã gây ra khó khăn vô cùng cho chồng cô, người đang nằm liệt giường sau khi bị đột quỵ nhiều năm trước.

Cô Vu không phải là người duy nhất trong gia đình bị nhắm đến vì đức tin của mình. Cả mẹ cô, bà Lương Đức Cần và em gái của cô, cô Vu Ái Cát, đều từng bị bức hại. Sau khi bà Lương được trả tự do sau một vụ bắt giữ vào năm 2015, bà đã kinh hãi đến mức ngã quỵ mỗi khi nghe thấy tiếng bước chân ngoài hành lang hoặc tiếng gõ cửa.

Cô Vu Ái Cát bị kết án tù ba năm vào ngày 21 tháng 1 năm 2016. Cha của cô đã lên cơn đột quỵ sau khi biết được cô bị kết án và đã qua đời. Chỉ một tuần sau đó, chồng cô đã ly dị cô để tránh bị liên luỵ trong cuộc bức hại và đã lấy đi tất cả tài sản chung của họ. Cô Vu lại bị giáng một cú sốc khi nơi làm việc của cô đã đến nhà tù và thông báo rằng cô đã bị sa thải, không lâu sau khi cô bị chồng ly hôn. Cô Vu đã trở nên trầm cảm và luôn thu mình lại sau khi được thả. Cô không thể giao tiếp với mọi người hay làm việc.

Trong khi người lớn phải chịu vô vàn khó khăn, con cái của họ cũng không tránh khỏi việc bị tổn thương.

Sau khi ba cư dân của thành phố Thạch Hà Tử, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, bị bắt và bị đưa đến trung tâm tẩy não vào tháng 11 năm 2020, gia đình và con cái của họ bị bỏ lại trong cảnh khốn cùng.

Cảnh sát đã sách nhiễu con gái của bà Triển Anh, cô Trâu Hiểu Vũ, người cũng đã bị bắt và giam giữ vì đức tin của cô trong quá khứ. Người phụ nữ trẻ bị đánh đập và buộc phải đứng nhiều giờ trong thời gian bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não. Không chịu nổi áp lực, cô đã nhiều lần tự dày vò bản thân. Cô không thể di chuyển và bị câm trong một khoảng thời gian. Mặc dù cô đã dần hồi phục sau khi được thả, cô ấy vẫn bị câm, run rẩy một cách không tự chủ và cảm thấy yếu ở chân khi cô căng thẳng.

Sau vụ bắt giữ bà Vương Hiểu Anh và chồng bà là ông Bào Phong, con của họ đã đến đồn công an lúc 9 giờ tối để tìm kiếm cha, nhưng đã bị ngăn lại. Đứa trẻ đã bật khóc và ở lại đồn công an cho đến 2 giờ sáng. Cảnh sát phải đưa đứa trẻ về nhà để thu dọn quần áo cho hai vợ chồng. Đứa trẻ thường gặp ác mộng về những vụ bắt giữ và bật khóc khi thức giấc.

Cô Vu Minh Huệ, một nhà thiết kế thời trang hiện đang cư trú tại Vương quốc Anh, đã phải lớn lên trong sự chứng kiến ​​việc ngược đãi đối với cha mẹ cô. Cha của cô, ông Vu Tông Hải, một thủ thư, đã bị kết án 15 năm tù vào năm 2001 vì treo biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Mẹ của cô, bà Vương Mi Hoằng, một kỹ sư cấp cao tại Viện thăm dò địa chất Hắc Long Giang, đã bị kết án 11 năm tù vào năm 2003 và bị tra tấn không ngừng trước khi lại bị bắt vào ngày 23 tháng 11.

Cô Vu Minh Huệ và mẹ cô bà Vương Mi Hoằng trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999

Trong khi ông Hoàng Trụ Phong, một cựu kỹ sư ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, vẫn bị giam giữ và phải đối mặt với việc bị truy tố vì đức tin của mình, nhà chức trách đã buộc chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê nhà của gia đình và ra lệnh cho vợ ông, bà Tạ Nguyệt Trân, cùng người con trai 15 tuổi phải chuyển ra ngoài trong vài ngày kế tiếp. Hiện con trai của họ, một học sinh lớp 9, do chịu áp lực to lớn đã không muốn đến trường nữa.

Trong một vụ việc khác, cảnh sát đã tóm lấy đứa con trai 10 tuổi của ông Khổng Linh Pha và đẩy vào chiếc xe tuần tra của cảnh sát và ra lệnh cho cháu phải chỉ đường đến nhà người chú của mình (nơi ở của người con trai khác của ông Khổng). Cậu bé đã bị tổn thương tâm lý bởi sự việc này.

Dưới đây là thông tin vắn tắt về nhiều vụ bắt giữ và các trường hợp bị sách nhiễu khác.

Các trường hợp sách nhiễu trong chiến dịch “xóa sổ”

Cắt nguồn điện và nước của các học viên như một hình thức trừng phạt

Bốn viên chức ở thành phố Kiến Tam Giang, tỉnh Hắc Long Giang, đã đột nhập vào nhà của bà Lưu Sỹ Ngân vào ngày 30 tháng 8 năm 2020, và một trong số họ đã ghi hình lại mọi thứ. Họ ra lệnh cho bà ký vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Họ rời đi khi bà từ chối tuân thủ nhưng hai ngày sau đã quay lại để gây áp lực với bà. Bà đã từ chối mở cửa. Để trừng phạt, họ đã cắt nguồn nước và nguồn điện của nhà bà.

Hai viên chức đã quay trở lại vào ngày 3 tháng 9 và một lần nữa vào ngày 4 tháng 9. Họ đe dọa sẽ đuổi việc con gái bà nếu bà Lưu không ký vào bản tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Họ cũng đe dọa sẽ tạm dừng chi trả lương hưu cho bà. Có thời điểm, hàng ngày đều có một người ngồi trong chiếc xe hơi đậu dưới đường nơi bà sinh sống theo dõi bà.

Khiến gia đình của các học viên chống lại họ

Nhà chức trách địa phương đã nhiều lần sách nhiễu bà Mã Quế Trân ở thành phố Linh Vũ, khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ. Cho dù họ đã cố gắng rất nhiều lần, nhưng bà vẫn luôn từ chối ký vào bản cam kết. Họ đe dọa sẽ tịch thu đất nông nghiệp và căn hộ cho thuê của bà và đuổi học cháu trai của bà. Tuy nhiên bà vẫn từ chối. Các nhà chức trách sau đó đã tìm đến các thành viên trong gia đình bà và đưa ra những lời đe dọa tương tự.

Sinh kế bị đe dọa, con trai của bà Mã và em trai bà đã đến nơi làm việc của bà vào ngày 25 tháng 10 năm 2020, và cố gắng ép buộc bà ký vào bản tuyên bố. Khi bà từ chối, họ đã mắng mỏ và đánh đập bà. Họ nắm lấy tay bà, bẻ cong các ngón tay của bà lại và ấn dấu vân tay của bà vào bản tuyên bố đã chuẩn bị sẵn, điều này gần như làm gãy ngón tay của bà.

Chồng làm đơn ly hôn để tránh bị liên lụy

Bắt đầu từ tháng 11 năm 2020, một bí thư chi bộ địa phương thường xuyên gọi điện cho bà Trương Huyền Văn, yêu cầu bà ký vào bản tuyên bố từ bỏ tu luyện. Tống Túc Lương, phó bí thư chi bộ thị trấn Hà Bạn ở thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, đã đe dọa bà Trương bằng công việc giảng dạy của bà. Tống cũng đe dọa sẽ đình chỉ lương hưu của chồng và khiến con cái của họ bị sa thải.

Khi bà Trương nói với Tống rằng tu luyện Pháp Luân Công là quyền hợp pháp của bà và ông không nên vu khống đức tin của bà, Tống đã gọi cho chồng của bà Trương. Ông ta ra lệnh cho chồng bà ép buộc bà phải từ bỏ đức tin bằng mọi cách hoặc không ông có thể không được nhận lương hưu nữa.

Tống sau đó cũng gọi cho con gái của bà Trương và hỏi thông tin về người chủ lao động của bà. Ông ta cũng nói chuyện với con trai của bà Trương và khủng bố anh. Trong vài ngày tiếp theo, cả gia đình đã gây áp lực cho bà Trương và cố gắng thuyết phục để bà Trương từ bỏ việc tu luyện.

Lo sợ bị liên lụy, chồng của bà Trương đã ly hôn với bà.

Sách nhiễu hàng ngày

Vào tháng 9 năm 2020, các viên chức và cảnh sát đã sách nhiễu các học viên ở thành phố Cảng Châu, tỉnh Hà Bắc bằng cách xuất hiện ở nhà họ hàng ngày và đến tối muộn mới rời đi. Có lúc họ còn ở đó cho đến tận sau nửa đêm. Người đứng đầu và bí thư ở địa phương đã yêu cầu cấp dưới của họ phải đến nhà các học viên như đi làm hàng ngày cho đến khi họ ký văn bản từ bỏ tu luyện.

Bạch Hồng Kiên, bí thư thôn Thạch Gia và bốn người khác đã đến nhà của bà Trương Triệu Anh ngày 22 tháng 9 năm 2020. Bạch đã nói với bà Trương, 78 tuổi, rằng các văn bản đã được chuẩn bị sẵn và bà chỉ cần điểm chỉ vân tay vào các văn bản này. Bà đã từ chối thực hiện và không để họ quay video ở nhà bà. Các chức trách đã gọi con trai bà và yêu cầu anh thuyết phục mẹ mình phải ký văn bản nhưng bà đã không nhượng bộ trước áp lực.

Sau tám giờ tối, một trong những viên chức này đột nhiên túm tay bà Trương, ấn ngón tay bà vào mực in và đặt dấu vân tay của bà lên giấy tờ rồi họ nhanh chóng rời đi.

Cụ bà 80 tuổi phải chịu tẩy não và đánh đập

Bà Lệ Quế Lan, 80 tuổi, ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã nghỉ hưu từ Viện Nghiên cứu Kiểm soát Không lưu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Lan Châu. Bắt đầu từ tháng 8 năm 2020, các nhà chức trách địa phương đã liên tục sách nhiễu bà tại nhà riêng hoặc yêu cầu các viên chức cộng đồng xuất hiện trước cửa nhà bà. Những người này đến nhà bà từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày. Họ chất vấn và chụp ảnh tất cả các khách đến nhà bà.

Các nhà chức trách đã phá khóa cửa nhà bà Lệ và lục soát nơi ở của bà. Họ thậm chí còn đến Thượng Hải để đe dọa cháu bà Lệ nhằm nỗ lực ép họ thuyết phục bà của mình từ bỏ tu luyện.

Một lần các nhà chức trách đã đưa bà Lệ vào một căn phòng trống và bắt bà phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công từ 7 giờ 30 phút sáng đến 3 giờ chiều. Họ tăng âm lượng lên hết cỡ và cậy mắt bắt bà phải xem. Khi bà chống cự, họ luân phiên véo và đấm bà. Bà bị một nắm đấm vào đầu và ngã xuống đất. Họ gọi y tá đến xem bà ra sao và bà bị tăng huyết áp, có vấn đề về tim. Nhưng họ không chữa trị cho bà bà đẩy bà vào một ngôi đền để tiếp tục tẩy não.

Ba năm sau khi chồng bị tra tấn đến chết, người phụ nữ Thiên Tân vẫn phải đối mặt với sự sách nhiễu của chính quyền

Kể từ tháng 11 năm 2020, các nhà chức trách ở Thiên Tân đã sách nhiễu bà Mạnh Hiến Trân. Họ liên tục gõ cửa hoặc gọi điện cho bà và đe dọa sẽ bắt giam bà lại nếu bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngoài chiến dịch “xóa sổ”, các nhà chức trách cũng nhắm mục tiêu vào bà Mạnh nhằm ngăn chặn bà phơi bày cái chết do bị tra tấn của chồng bà, ông Dương Ngọc Vĩnh, người cũng tu luyện Pháp Luân Công.

Cả ông Dương và bà Mạnh đều bị bắt vào ngày 7 tháng 12 năm 2016 và bị đưa đến trại tạm giam quận Vũ Thanh. Ông Dương đã tuyệt thực và bị đeo một thiết bị tra tấn, trong khi bị còng tay và đeo xích chân rất nặng. Các lính canh đánh ông bằng gậy tre cho đến khi mông ông bị chảy máu. Họ cũng ra lệnh cho các tù nhân đánh đập và tấn công tình dục ông, bao gồm cả cấu véo bộ phận sinh dục và kẹp núm vú. Chưa đầy tám tháng sau khi bị bắt, ông Dương đã qua đời trong trại giam vào ngày 11 tháng 7 năm 2017. Cơ thể của ông có màu xanh đen và có dấu vết của những thanh tre dưới móng chân.

Các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau bị bức hại

Từng bị tra tấn và tấn công tình dục ở trong tù, bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình bị bắt giữ một lần nữa vì lên tiếng cho đức tin của mình

Sau khi chịu đựng sáu năm rưỡi tù đày và tra tấn, một cựu bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình bị bắt giữ một lần nữa vào ngày 8 tháng 4 năm 2020 vì truyền rộng thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

bd09b6b9f3950b3b69ac589f8c68c2fa.jpg

Bác sỹ Lý Lực Tráng

Bác sỹ Lý Lực Tráng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang trở thành mục tiêu trong một vụ bắt giữ tập thể 11 học viêncủa công an Đại Khánh, một thành phố cách Cáp Nhĩ Tân khoảng 50km vào ngày 7 và ngày 8 tháng 4.

Bác sỹ Lý 47 tuổi tốt nghiệp Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân năm 1995 và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cùng năm đó. Bởi kỹ năng chuyên môn xuất sắc của mình, ông nhanh chóng trở thành một bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Cơ sở Số 1 của Trường Y khoa Cáp Nhĩ Tân. Ông nổi tiếng vì luôn luôn đi xa để giúp đỡ những bệnh nhân của mình. Một bệnh nhân của ông không có tiền nhưng rất cần được phẫu thuật. Bác sỹ Lý đã trả tiền cho việc xét nghiệm máu và phẫu thuật với tổng số tiền khoảng 1.000 nhân dân tệ trong khi lương của ông tại thời điểm đó là 300 nhân dân tệ.

Sau khi chính quyền cộng sản bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bác sỹ Lý nhiều lần bị bắt giữ và nhà bị lục soát vì kiên định đức tin của mình. Ông từng hai lần thụ án lao động cưỡng bức và một lần thụ án tù với tổng thời gian là sáu năm rưỡi.

Sau khi được trả tự do, bác sỹ Lý suy sụp khi biết rằng bệnh viện đã sa thải ông. Không thể tìm được việc làm ở bệnh viện khác, ông phải đi bán quần áo trên đường phố.

Trong những năm bác sỹ Lý bị giam cầm, cha mẹ của ông bị áp lực vô cùng lớn. Họ đã tới trại lao động và nhà tù để thăm ông hàng tháng. Lo lắng cho con bị tra tấn, cha của ông bị trầm cảm và mẹ của ông bị sụt khoảng 20kg chỉ trong vài tháng. Bà thường phải uống thuốc ngủ để có thể ngủ. Mái tóc bà nhanh chóng chuyển sang màu xám và bà bị cao huyết áp. Bà nhiều lần bị ngất.

Họa sĩ góa chồng ở Bắc Kinh bị bắt giữ một lần nữa vì kiên định đức tin

Mất chồng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, một họa sĩ ở Bắc Kinh, người đã từng hai lần bị cầm tù, lại bị bắt giữ vào ngày 19 tháng 7 năm 2020 vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Vụ bắt giữ bà Hứa Na xảy ra chỉ một ngày trước 20 tháng 7, ngày đánh dấu 21 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà bà vào ngày 20 tháng 7 năm 2020, và tịch thu toàn bộ thiết bị kỹ thuật số và máy ảnh của bà. Người cha già của bà hiện đang bị bơ vơ một mình ở nhà mà không được biết nơi con gái mình đang bị giam giữ.

88176f156fd4f18e84d059febe9c683f.jpg

Bà Hứa Na

Bà Hứa sinh năm 1968, trong một gia đình họa sĩ, và bản thân bà cũng là một họa sĩ từng được trao giải thưởng. Chồng bà là ông Vu Trụ, một cựu sinh viên của Đại học Bắc Kinh danh tiếng, là một nhạc sĩ và thông thạo nhiều thứ tiếng khác nhau.

Sau khi chính quyền cộng sản phát động bức hại Pháp Luân Công, bà Hứa đã bị bắt vào tháng 7 năm 2001 vì đã cho các học viên ở nơi khác là những người đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công tá túc. Bà đã bị kết án năm năm vào tháng 11 năm 2001 và thụ án trong Nhà tù Nữ Bắc Kinh. Ở đó bà bị biệt giam, cấm ngủ, không được phép tắm rửa, và tước quyền vào thăm của thân nhân.

Bà Hứa và ông Vu bị bắt vào ngày 26 tháng 1 năm 2008 khi đang trên đường trở về nhà sau một buổi biểu diễn. Ngày 6 tháng 2, ông Vu đã tử vong sau 11 ngày bị giam giữ, hưởng dương 42 tuổi. Bà Hứa bị kết án ba năm tù vào ngày 25 tháng 11 năm 2008.

Kỹ sư Giang Tô lại bị cầm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, các luật sư đại diện pháp lý cho ông bị chính quyền trả đũa

Ông Mã Chấn Vũ vẫn bị theo dõi sau khi mãn hạn tù ba năm vì gửi thông tin về Pháp Luân Đại Pháp cho các nhà lãnh đạo ĐCSTQ. Ông Mã, một cựu kỹ sư tại Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, được trả tự do khỏi Nhà tù Tô Châu, tỉnh Giang Tô vào ngày 19 tháng 9 năm 2020 và được đưa về quê nhà ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Hiện ông đang sống trong một căn hộ do cảnh sát chỉ định và bị giám sát gắt gao.

92f0a974d22b9709978909d27682646f.jpg

Ông Mã Chấn Vũ

Cảnh sát đã đe dọa gia đình ông Mã, bao gồm cả mẹ của ông, bà cụ đã ngoài 80 tuổi, và yêu cầu họ không được liên lạc với vợ ông. Họ cũng đe dọa các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở địa phương và ra lệnh cho họ không được liên lạc hoặc đến thăm ông Mã, đe dọa sẽ bắt giữ nếu họ làm như vậy.

Vợ của ông Mã, bà Trương Ngọc Hoa, cựu Chủ nhiệm Bộ môn tiếng Nga của Đại học Sư phạm Nam Kinh, hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ, bà đã gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào tháng 7 năm 2019 và nói với ông ấy rằng ĐCSTQ đã bức hại chồng bà như thế nào. Trước những nỗ lực tích cực của bà để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đối với ông Mã, các nhà chức trách ở Trung Quốc đang cố gắng ngăn bà liên lạc với chồng của mình.

b0456845c45b8134d9337c11471c484d.jpg

Bà Trương Ngọc Hoa gặp Tổng thống Trump vào ngày 17 tháng 7 năm 2019

Cựu kỹ sư không có nơi ở và buộc phải di chuyển hết nơi này đến nơi khác vì đức tin của mình

Sau khi anh Từ Vĩnh Thanh, một kỹ sư điện ở Thượng Hải, mãn hạn tù hai năm vào ngày 28 tháng 11 năm 2019, anh đã bị sa thải khỏi công việc của mình. Không đủ khả năng chi trả tiền thuê căn hộ đã tăng gấp ba lần kể từ tháng 1, anh đã chuyển đi vào cuối tháng 4.

7a067c048d794560811cc050143c6aba.jpg

Anh Từ Vĩnh Thanh

Không mất nhiều thời gian để cảnh sát tìm thấy địa chỉ mới của anh. Vào ngày 31 tháng 7, anh Từ phát hiện thấy một chiếc ô tô màu trắng đỗ bên ngoài ngôi nhà mới thuê của mình, với hai người đang nhìn chằm chằm vào anh. Năm ngày sau, vào ngày 4 tháng 8, chủ nhà của anh Từ yêu cầu anh chuyển đi trong một tuần vì ủy ban thôn đang có kế hoạch phát triển đất đai mới. Chủ nhà cũng nói rằng ông đã ký thỏa thuận mới với thôn. Ông ta liên tục ép anh Từ phải chuyển đi ngay và hứa sẽ cung cấp một số tiền bồi thường để trang trải chi phí chuyển đi.

Không muốn cảnh sát biết kế hoạch của mình, anh Từ đã nhờ một người bạn giúp anh tìm một nơi ở mới. Không lâu sau khi anh tiết lộ địa chỉ mới của mình cho chủ nhà, người này hóa ra là một công an đã nghỉ hưu, bạn của anh đã bị cảnh sát sách nhiễu và đe dọa không được giúp anh Từ giải quyết vấn đề về nhà ở. Các sĩ quan khác đã sách nhiễu anh Từ vài tuần sau đó.

Khi anh Từ trở về quê nhà ở tỉnh Chiết Giang để thăm mẹ nhân dịp Tết Trung thu vào ngày 1 tháng 10, chủ nhà đã chuyển tất cả đồ đạc của anh đến nhà kho của thôn, mặc dù anh đã trả đầy đủ tiền thuê nhà tháng 10.

Một công an bị sa thải trước thời điểm nghỉ hưu 2 năm vì đức tin vào Pháp Luân Công

Ông Tra Trác Lâm, một cảnh sát 57 tuổi ở thành phố Dư Châu, tỉnh Hà Nam, đã bị sa thải vào ngày 19 tháng 8 năm 2020, vì tu luyện Pháp Luân Công. Theo quy định ông sẽ nghỉ hưu sau hai năm nữa.

Ông Tra Trác Lâm gia nhập quân đội khi mới 19 tuổi. Ông đã phục vụ trong quân đội trong 17 năm liên tục và giành được nhiều giải thưởng trước khi trở thành công an vào năm 1999. Ông đã làm việc rất chăm chỉ và phá nhiều vụ án hóc búa liên quan đến buôn bán ma túy, giết người và cướp của.

Do nhiều năm làm việc nặng nhọc, ông đã mắc nhiều chứng bệnh bao gồm huyết áp cao, đau nửa đầu, căng cứng vai và thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Khi bệnh viêm mũi của ông trở nặng, ông không thể ngủ được. Ông thường kiệt sức khi đứng để tra hỏi những kẻ tình nghi. Ông đã tìm kiếm nhiều hình thức điều trị khác nhau, nhưng đều không hiệu quả.

Không còn chút hy vọng nào, ông đã quyết định thử tập Pháp Luân Công vào năm 2013. Trước sự ngạc nhiên của ông, tất cả các triệu chứng bệnh đã sớm biến mất và ông đã khỏe mạnh trở lại.

Ông Tra cố gắng sống theo các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn của Pháp Luân Công. Ông ngừng nhận hối lộ và không đặt mình lên trước người khác. Trong khi điều tra một vụ đánh nhau liên quan đến một người say rượu, người này đã chửi mắng và suýt đánh ông. Một số đồng nghiệp của ông Tra đã mất kiên nhẫn và chuẩn bị trói người kia lại. Nhưng ông Tra vẫn bình tĩnh và giải quyết vấn đề một cách bình hòa. Những người chứng kiến ​​vụ việc đều rất ấn tượng trước phong thái của ông, vì nhiều công an ở Trung Quốc nổi tiếng là bạo lực và tham nhũng.

Vào năm 2015, hai năm sau khi ông Tra tu luyện Pháp Luân Công, ông đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc, kẻ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999.

Vì đơn kiện của ông, ông đã bị cảnh cáo và không bao giờ được nhận thưởng nữa, số tiền này sẽ lên tới hơn 100.000 nhân dân tệ vào năm 2020. Ông cũng được lệnh phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng ông đã từ chối tuân thủ.

Người quản lý thường xuyên nói chuyện với ông và đe dọa ông Tra sẽ mất việc làm của cả ông và vợ để cố gắng thuyết phục ông từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Người quản lý từng nói với ông: “Ông là công an viên. Ông khác với dân chúng. Quy tắc đầu tiên đối với một công an viên là phải tuyệt đối trung thành với Đảng”.

Vì ông Tra vẫn kiên định không chịu từ bỏ Pháp Luân Công nên ông đã bị sa thải.

Bắt giữ tùy tiện và hành xử bạo lực của cảnh sát

Hắc Long Giang: Một bác sĩ nội khoa bị đánh đập đến chết vì tu luyện Pháp Luân Công (Ảnh đồ họa)

Bà Vương Thục Khôn, một bác sĩ 66 tuổi ở thành phố Hải Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào ngày 2 tháng 7 năm 2020, vài ngày sau khi cảnh sát đánh đập bà hàng giờ trong bệnh viện nơi bà làm việc.

Bà Vương được gọi đến bệnh viện sau nhiều tháng ở nhà do dịch virus corona. Những tưởng bà được gọi để trở lại làm việc nhưng thực tế là bà đã bị cảnh sát truy lùng. Cảnh sát đã cố gắng ép bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và thừa nhận rằng chồng bà cũng tu luyện Pháp Luân Công trong khi ông ấy chưa bao giờ tu luyện. Khi bà Vương từ chối ký vào bản tuyên bố, các nhân viên đã đánh đập bà hàng giờ cho đến khi bà cầu xin họ dừng lại và để cho bà trở về nhà.

Bà Vương bị đau buốt ở chân và phải bò lên cầu thang để trở về căn hộ của mình. Chồng bà nhận thấy bà bị bầm tím khắp người, bị gãy xương bánh chè và người bà ướt đẫm mồ hôi.

Bà Vương đột nhiên bị xuất huyết não vào chiều ngày 1 tháng 7. Bà cảm thấy rất chóng mặt và buồn nôn. Bà qua đời vào khoảng 4 giờ 25 phút sáng ngày 2 tháng 7. Thi thể của bà đã được hỏa táng vào ngày 4 tháng 7.

Một người phụ nữ Giai Mộc Tư bị bắt giữ sau khi cảnh sát đột nhập vào nhà

Ngày 21 tháng 11 năm 2020, khi bà Vũ Ngọc Anh trở về nhà sau vài tiếng đi ra ngoài, bà phát hiện chìa khóa nhà bà không mở được cửa nữa. Trong khi cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang này còn đang bối rối, thì vài cảnh sát từ phía sau bà xông lên và mở cửa nhà bà. Vừa nhìn thấy nhà mình bị đảo lộn, bà liền hiểu ra cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà và xới tung nó lên khi không có ai ở nhà.

Một cảnh sát cầm một tờ giấy và thoáng giơ trước mặt bà Vũ, nói rằng đó là lệnh lục soát. Trước khi bà Vũ có cơ hội đọc nó, viên cảnh sát đó đã lấy lại và lục soát nhà bà một lần nữa. Các cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một chiếc máy tính, một chiếc máy in, bốn chiếc điện thoại di động, vài chiếc thẻ nhớ, và máy nghe nhạc của bà bị tịch thu. Người phụ nữ 69 tuổi này đã khiếp sợ đến mức tim đập thình thịch và tay run lên.

Sau vụ bắt giữ gần đây nhất, ban đầu bà Vũ bị đưa tới Đồn Công an Tùng Lâm, sau đó, bà bị đưa tới bệnh viện để kiểm tra y tế và bị đưa trở lại đồn công an. Cảnh sát đã cố lừa bà ký tên vào một tờ giấy trắng nhưng bà đã nhận ra thủ đoạn đó nên đã xé nó đi.

Sau đó, cảnh sát đã gọi điện cho gia đình bà yêu cầu họ đến đồn công an và nói với họ rằng bà sẽ bị giam 10 ngày. Họ cũng dùng điện thoại của bà Vũ để gọi điện cho con gái bà, người hiện đang làm việc xa nhà, và phàn nàn về việc bà đã nộp đơn khiếu nại phản đối cuộc bức hại.

Sau khi cảnh sát nhận được báo cáo kiểm tra y tế của bà Vũ, họ đưa bà tới Trại tạm giam địa phương, nhưng trại này đã từ chối tiết nhận bà vì sức khỏe của bà không đảm bảo.

Bà Vũ đã bị đưa trở lại đồn công an và sau đó được thả ra. Trước khi bà rời đi, cảnh sát đã đưa cho bà bộ chìa khóa mới. Họ nói rằng họ phải thay khóa nhà bà sau khi họ làm hỏng nó trong khi cậy cửa nhà bà.

Cảnh sát tra tấn và làm bị thương hai người lớn tuổi sau khi họ từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công

Hai phụ nữ từ thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, bị bắt vào ngày 3 tháng 12 năm 2020, vì đã phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã thẩm vấn bà Ân Thục Phân, 61 tuổi và bà Điền Diễm Hồng, 56 tuổi, mà không có đại diện pháp lý của họ. Khi các học viên từ chối trả lời các câu hỏi, sĩ quan Lý đã hét lên: “Ném họ vào lồng!”

Hai học viên được xét nghiệm Covid 19 tại một bệnh viện, sau đó bị đưa đến một bệnh viện khác để kiểm tra máu và tim. Vì họ từ chối hợp tác trong quá trình kiểm tra, Lý đã liên tục bảo cấp dưới đối xử thô bạo với họ. Theo chỉ đạo của ông ta, các cảnh sát đã giữ họ trên băng ca và đưa đến các căn phòng khác nhau để làm các xét nghiệm khác nhau.

Lý nói: “Đừng đánh họ và gây ra những thương tổn bên ngoài. Chỉ để họ trên những băng ca như thế này và nó sẽ không gây ra các vết thương nhìn thấy được.” Khi một bác sỹ yêu cầu cảnh sát đi chậm hơn mỗi khi đẩy băng ca qua các ngưỡng cửa, họ trả lời: “Càng gập ghềnh càng tốt! Họ [chỉ hai học viên] không sợ gập ghềnh!”

Lý cũng yêu cầu một nhân viên y tế đến lấy máu của bà Ân. Ông ta và thuộc hạ đè hai cánh tay của bà ấy xuống và lấy áo của bà để che mặt bà. Họ yêu cầu bác sỹ lấy thêm máu của bà và không giúp cầm máu.

Bác sỹ đã chích vào tay bà Điền ba lần để lấy máu của bà. Cánh tay bà vẫn bầm tím nhiều ngày sau đó. Khi cảnh sát đưa bà lên băng ca, bà cảm thấy chóng mặt và gần như ngất đi.

Sau khi trở về từ bệnh viện, cảnh sát lôi họ ra khỏi xe hơi, đưa xuống tầng hầm và đặt họ vào chiếc ghế kim loại. Họ bị xích vào ghế và bị tra tấn. Do bị tra tấn, bà Ân bắt đầu co giật không kiểm soát được và hai cánh tay của bà Điền không ngừng co giật. Để buộc họ nhận tội, một cảnh sát nắm áo bà Điền lôi đi và ném bà vào lối ra vào của tầng hầm. Áo bà bị kéo lên đến tận đầu khiến bà bị hở ngực, nằm trên sàn lạnh lẽo cho đến khi một viên chức thôn đến và giúp bà ngồi dậy.

Khi họ yêu cầu được dùng nhà vệ sinh, cảnh sát đã kéo họ đến một cái sân và buộc họ đi vệ sinh trước mặt sáu nam cảnh sát.

Sau ba ngày bị giam giữ, vào ngày 6 tháng 12, bà Điền bắt đầu bị co thắt và nôn ra máu. Bà Ân cũng nôn ra máu. Chiều hôm đó, cảnh sát đã thông báo cho gia đình của các học viên đến đón họ tại trại tạm giam.

Người phụ nữ bị đánh vào mặt và bị quét khuôn mặt sau khi bị bắt giữ vì kiên định đức tin

Bà Lý Ngọc Quỳnh ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, bị một cảnh sát mặc thường phục phát hiện đang phân phát tài liệu về Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 8 năm 2020. Sau đó các nhân viên Đồn Công an Trấn Giang Tự đã bắt giữ bà.

Công an thẩm vấn bà tại đồn công an, đồng thời tịch thu tài liệu và tiền mặt của bà. Khi bà Lý từ chối trả lời câu hỏi, công an đã cố gắng dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định thân phận của bà. Họ đánh vào mặt bà và ghì đầu bà xuống khi bà phản kháng, cuối cùng, họ đã có thể quét được khuôn mặt bà. Sau khi công an lấy được thông tin và địa chỉ của bà Lý, họ đã triệu tập chồng bà tới đồn công an để thẩm vấn và chụp ảnh ông.

Vào buổi chiều cùng ngày, năm công an đã lục soát nhà bà và lấy đi hơn 30 cuốn sách Pháp Luân Công, một máy nghe nhạc MP3, và một ít tiền giấy có đóng dấu nội dung về Pháp Luân Công ở trên. Đây là một cách thức sáng tạo mà các học viên sử dụng để đối phó với việc kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đức tin của họ.

Vào lúc 10 giờ tối, công an đã đưa bà Lý tới bệnh viện để kiểm sát sức khỏe và lấy máu của bà. Bà bị đưa tới trại tạm giam thành phố và bị giam ở đó 10 ngày, sau đó đã được trả tự do vào ngày 30 tháng 8 năm 2020.

Người đàn ông Hà Bắc lâm vào tình trạng nguy kịch sau một tuần bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công

Anh Đinh Ngọc Minh, bà Hạ Ngọc Vinh và bà Nhâm, ở huyện Hoài Lai, tỉnh Hà Bắc, đang đi dạo trên đường phố vào ngày 14 tháng 7 năm 2020 thì đột nhiên bị bắt và đưa thẳng đến trung tâm tẩy não. Trong khi bà Hạ và bà Nhâm được thả ngay sau đó, còn anh Đinh vẫn bị giam giữ.

Nhân viên của của trung tâm tẩy não đã khám người anh Đinh, tịch thu 100 nhân dân tệ tiền mặt, chìa khóa, và điện thoại di động của an. Họ không cung cấp bộ đồ giường cho anh trong năm ngày, bỏ đói, và cấm anh tắm rửa. Khi anh từ chối xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, nhân viên trung tâm tẩy não đã đánh anh và dùng giầy đập vào đầu và người anh.

Anh Đinh bị đưa đi biệt giam vì hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” khi giám đốc trung tâm tẩy não đến kiểm tra. Nhân viên ở đó dọa sẽ giết anh nếu anh “gây rắc rối cho họ lần nữa”. Con gái anh không được phép vào thăm.

Sau khi liên tục bị ngược đãi, anh Đinh đã đổ bệnh nặng và phải nhập viện vào ngày 22 tháng 7. Không rõ anh đang bị giam ở đâu tại thời điểm viết bài.

Bức hại nhiều lần

Sau khi chịu án 13 năm, người phụ nữ Ninh Hạ lại bị bắt giữ vì đức tin của mình

Sau khi bị bắt vào ngày 22 tháng 8 năm 2020, cô Đan Quý Ninh, một người dân thành phố Ngân Xuyên, tỉnh Ninh Hạ lại bị bắt giam. Có thông tin cho rằng cô Đan đã tuyệt thực trong sáu ngày tại trại giam Ngân Xuyên để phản đối cuộc bức hại. Gia đình cô đã khóc khi biết về hoàn cảnh của cô, đặc biệt là người mẹ đã ngoài 80 tuổi của cô.

Đây không phải là lần đầu tiên cô Đan bị nhắm đến vì đức tin của mình. Trước đó, cô đã bị kết án ba năm tù lần lượt vào năm 1999 và 2004, và bị kết án bốn năm vào năm 2009 và ba năm vào năm 2015.

Vào năm 1999 và 2005, ông Vương Đức Sinh, chồng cô đã bị kết án bốn và tám năm tù. Trong lần gần đây nhất khi cô Đan bị bắt, chồng cô vẫn đang phải thụ án 13 năm tù.

Sau khi chịu án tổng cộng 15 năm, người đàn ông ở Hắc Long Giang lại bị bắt giữ

Sau khi chịu án tổng cộng 15 năm trong suốt 21 năm qua, ông Khương Doãn Kính ở thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, lại bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát vào giữa tháng 12 năm 2020.

Cảnh sát đã tìm thấy một đĩa ăng ten vệ tinh khi họ lục soát nhà của ông Khương. Sau đó, họ đưa ông đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và lấy mẫu máu. Ông đang bị giam tại trại tạm giam thành phố Hạc Cương và cảnh sát đe dọa sẽ kết án tù đối với ông một lần nữa.

Trước lần bị bắt giữ gần đây nhất, ông Khương, 52 tuổi, đã bị lao động cưỡng bức 2 năm và bị kết án 13 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Cha của ông bị đột quỵ do lo lắng và sợ hãi trước cuộc bức hại và đã qua đời vào năm 2001.

Ông Khương 35 tuổi và con trai ông chỉ mới 7 tuổi khi bị kết án tù năm 2003. Việc bị bỏ tù khiến gia đình ông chịu đau đớn vô hạn. Ông đã trải qua những năm tháng đáng nhẽ là quý giá nhất của cuộc đời mình trong tù và con trai ông đã lớn lên mà không có sự chăm sóc của người cha.

Bắt giữ theo nhóm

Một đại gia đình ở tỉnh Vân Nam bị bắt hai lần trong 7 ngày vì tu luyện Pháp Luân Công

Gần 30 cảnh sát đã đột nhập vào nhà của ông Trương Hưng Vũ, 74 tuổi, một cư dân ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam vào khoảng 7 giờ sáng ngày 29 tháng 9 năm 2020 và bắt giữ ông cùng 9 thành viên của gia đình ông, bao gồm cả 2 đứa cháu gái mới lên 2 và 5 tuổi.

Mười thành viên của gia đình bị đưa đến hai đồn cảnh sát và bị thẩm vấn thâu đêm. Họ được phóng thích vào khoảng 10 giờ tối ngày hôm sau, sau khi trả cho cảnh sát 3.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh tại ngoại.

Cảnh sát cũng lục soát nhà ông Trương và nhà của con trai ông rồi tịch thu những cuốn sách Pháp Luân Công và ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công. Không có lệnh khám nhà hay bất cứ tài liệu pháp lý nào khác được đưa ra trong cuộc vây bắt.

Chín người còn lại trong gia đình ông Trương bị bắt bao gồm anh Trương Phù Dung (con trai cả), anh Trương Phúc Giai (con trai thứ 3), anh Trương Phúc Binh (con trai thứ 4), anh Trương Phúc Thành (con trai thứ 6), và vợ anh là chị Lý Hiền Thúy, anh Trương Phúc Cung (con trai thứ 7), anh Vương Triều Bình (con rể của ông), và hai đứa cháu gái của ông là Vương Đình Như, 5 tuổi, và Trương Nông Từ, 2 tuổi.

Việc bắt giữ này xảy ra chỉ vài ngày trước Tết Trung Thu vào ngày 1 tháng 10 – ngày lễ đoàn viên của các gia đình Trung Quốc. Gia đình ông trở nên rất lặng lẽ và xuống tinh thần trong mùa lễ hội này.

Anh con trai thứ 3 của ông Trương là Trương Phúc Giai đã đặc biệt bị sốc vì việc bắt giữ này. Anh trở nên yên lặng và vẫn bị kinh sợ sau khi trở về nhà.

Trước khi cả gia đình hết sợ hãi, cảnh sát lại quay lại vào sáng sớm ngày 5 tháng 10 và bắt giữ tất cả mọi người trừ người con dâu và hai đứa cháu gái của ông Trương. Bảy người sau đó đã bị đưa đến một trung tâm tẩy não và bị bắt phải xem những video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, bao gồm cả vụ giàn dựng tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn. Họ đã được phóng thích vào buổi tối muộn và trở về nhà vào khoảng 12 giờ đêm.

Thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang: 27 học viên Pháp Luân Công cùng ba thành viên gia đình bị bắt giữ trong hai ngày

Ngày 22 tháng 9 năm 2020, 25 học viên Pháp Luân Công và ba thành viên gia đình bị bắt giữ trong một đợt truy quét của cảnh sát ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Ngày hôm sau có thêm hai học viên nữa bị bắt giữ. Trong ngày diễn ra các bắt giữ cũng có tám học viên khác bị sách nhiễu.

Được biết rằng Hác Vĩ Phu, Phó giám đốc Ủy ban Chính trị Pháp Luật Hắc Long Giang, một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công đã ra lệnh bắt giữ. Cảnh sát bắt giữ học viên theo tên trong danh sách. Họ còn nhận được một khoản tiền thưởng (chưa rõ là bao nhiêu) cho mỗi vụ bắt giữ. Hầu hết các học viên vẫn đang bị giam giữ tại trại tạm giam Số 4 Cáp Nhĩ Tân.

Trong vài năm trở lại đây, cảnh sát Cáp Nhĩ Tân từng tiến hành một số vụ bắt giữ nhóm các học viên địa phương gồm 20 học viên vào ngày 9 tháng 10 năm 2017, 72 học viên vào ngày 9 tháng 11 năm 2018, 17 học viên vào ngày 11 tháng 9 năm 2019 và 11 học vên từ ngày 7 đến ngày 8 tháng 4 năm 2020.

Đầu năm 2019, Sở Công an Tỉnh Hắc Long Giang đã thành lập trung tâm chỉ huy ở Cáp Nhĩ Tân để bức hại Pháp Luân Công. Mục tiêu của trung tâm là giám sát và thu thập thông tin về việc các học viên Pháp Luân Công lan truyền thông tin về đức tin của họ như thế nào.

Dương Ba, Đội trưởng Đội An ninh Nội địa Hắc Long Giang là người phụ trách trung tâm chỉ huy. Được biết rằng ông ta đã tuyển dụng hơn 100 nhân viên và nhận được khoản trợ cấp từ chính phủ trung ương lên tới 10 triệu nhân dân tệ.

Bài liên quan:

Các trường hợp học viên Pháp Luân Công thập tử nhất sinh do bị tra tấn liên tục trong khi bị giam giữ

83 học viên Pháp Luân Công qua đời bởi cuộc bức hại trong năm 2020

2.038 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 11 năm 2020

1.077 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 10 năm 2020

964 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 9 năm 2020

Trong tháng 8 năm 2020, 1.184 học viên Pháp Luân Công trở thành mục tiêu bức hại của chính quyền

1.410 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 7 năm 2020

5.313 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ vào nửa đầu năm 2020

938 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 5 năm 2020

1.178 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2020

747 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2020

Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona

194 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 1 năm 2020


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/12/15235名学员在2020年遭中共绑架骚扰-418447.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/18/189976.html

Đăng ngày 10-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share