Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 11-12-2020] Tháng 11 năm 2020, có ít nhất 754 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và 1.284 học viên bị sách nhiễu vì đức tin của họ, nâng tổng số vụ bắt giữ và sách nhiễu tới thời điểm hiện tại lên 5.933 bụ bắt giữ và 7.192 vụ sách nhiễu.
Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Trong 2.038 học viên bị bắt giữ và sách nhiễu, có 285 trường hợp bị lục soát nhà. Cảnh sát tịch thu tổng số tiền 689.110 nhân dân tệ của 26 học viên cùng người thân của họ, từ 1.000 tới 22.000 nhân dân tệ với trung bình 10.032 nhân dân tệ mỗi người. Ngày 9 tháng 11 năm 2020, bà Thôi Vi Vi ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm bị bắt giữ và cảnh sát đã tịch thu của bà hơn 200.000 nhân dân tệ tiền mặt cùng với một lượng lớn tài sản cá nhân trong vụ đột kích nhà.
Tất cả có 144 học viên trở thành mục tiêu, gồm có 64 vụ bắt giữ và 80 vụ sách nhiễu là những học viên trên 65 tuổi với người tuổi cao nhất là hơn 90 tuổi. 31 học viên đã ngoài 80 tuổi.
Cát Lâm, Sơn Đông, Hắc Long Giang, Hà Bắc và Liêu Ninh là năm tỉnh có số học viên bị bắt giữ nhiều nhất. 315 học viên ở Hà Bắc bị sách nhiễu trong tháng vừa qua, tiếp đó là 176 học viên bị sách nhiễu ở tỉnh Hắc Long Giang.
Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động chiến dịch “Xóa sổ” đầu năm này để buộc tất cả các học viên Pháp Luân Công trong danh sách đen của chính phủ phải từ bỏ đức tin của mình, nhiều học viên và thành viên gia đình của họ bị chính quyền sách nhiễu. Khi các học viên từ chối tuân thủ, nhà chức trách đe dọa lục soát nhà hay cấm con cái của họ tới trường. Một quan chức của Ủy ban Chính trị Pháp luật thậm chí còn nói trực tiếp với các học viên rằng “luật pháp phục vụ cho giai cấp thống trị.”
Nhà chức trách cũng tiến hành những vụ bắt giữ nhóm và cá nhân vì các học viên từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, 14 học viên bị bắt giữ trong hai ngày và nhiều học viên bị lục soát nhà. Tài sản cá nhân của họ cũng bị tịch thu.
Ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, phó chủ tịch của Tập đoàn Nông nghiệp và Chăn nuôi Đại Ngọ bị cảnh sát mặc quân phục bắt giữ lúc nửa đêm. Cảnh sát còn bắt giữ người sáng lập tập đoàn, một số thành viên gia đình của ông ấy và một số giám đốc điều hành khác. Phó chủ tịch bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công, trong khi đó người sáng lập tập đoàn bị nhắm đến vì chỉ trích ĐCSTQ.
Ngày 3 tháng 11, bà Cao Quỳnh Tiên, 81 tuổi ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam bị bắt giữ một lần nữa, trước đó một tuần bà đã bị bắt giữ vào ngày 27 tháng 10. Cảnh sát đã cạy cửa xông vào nhà và đưa bà tới trại tạm giam địa phương. Sau khi bà không vượt qua đợt kiểm tra sức khỏe bắt buộc, họ đã tống tiền bà 1.000 nhân dân tệ, sau đó trả tự do cho bà.
Chính quyền còn sử dụng nhiều phương thức khác nhau để bắt giữ các học viên. Ở thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, sở cảnh sát đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ để thuê một căn nhà hai tầng với mục đích tổ chức các phiên tẩy não để bức hại các học viên. Khi cảnh sát đưa các học viên địa phương tới phiên tẩy não, thành viên gia đình và nhân viên ủy ban khu phố địa phương của họ cũng bị đưa tới cùng để buộc các học viên từ bỏ đức tin của mình. Nếu các học viên từ chối thì thành viên gia đình của họ có thể bị liên lụy.
Cảnh sát bắt giữ thành công một học viên sẽ được thưởng. Ở thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, ba cảnh sát của Đồn Công an Thị trấn Hạ Trang được thưởng 3.600 nhân dân tệ vì bắt giữ được một học viên vào ngày 13 tháng 11 năm 2020. Ngày 27 tháng 11, học viên được trả tự do.
Dưới đây là tóm tắt một số vụ bắt giữ và sách nhiễu. Do thông tin bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, số lượng các học viên Pháp Luân Công bị bức hại vì đức tin của họ không phải lúc nào cũng được báo cáo kịp thời, cũng như không phải tất cả thông tin đều sẵn có.
Các vụ bắt giữ
Người phụ nữ Cát Lâm bị bắt sau khi cảnh sát đột nhập vào nhà lúc nửa đêm
Vào tối ngày 17 tháng 11 năm 2020, hơn một chục cảnh sát đã tụ tập bên ngoài một căn hộ ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm và giành hai giờ tiếp theo để cố gắng cạy cửa nhà của một học viên bằng xà beng và búa.
Cuối cùng thì cảnh sát đã đột nhập vào nhà của người học viên lúc 11 giờ đêm và bà Tôn Á Trân đã bị bắt đi vào khoảng nửa đêm từ nhà của chị gái bà, nơi bà đang ở để trốn tránh bức hại vì đức tin của bà đối với Pháp Luân Công.Người phụ nữ 60 tuổi này hiện đang bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não ở Khách sạn Kim Kiều, do Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công.
Bà Tôn Á Trân
Bà Tôn bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2004. Khi bà nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại một trung tâm mua sắm vào ngày 3 tháng 2 năm 2018, bà đã bị cảnh sát bắt giữ. Nhà của bà sau đó bị lục soát và bà bị đưa đến trại tạm giam thành phố Cát Lâm. Gia đình bà đã tốn rất nhiều tiền để giải cứu bà. Bà bị kết án 1,5 năm tù với ba năm quản chế. Sau bảy tháng bị giam giữ, bà được trả tự do.
Tuy nhiên, bà đã bị quản thúc chặt chẽ khi trở về nhà và được lệnh phải báo cáo với ủy ban khu dân cư hàng tháng. Vì bà Tôn không có ý định từ bỏ đức tin của mình, tám người từ Phòng 610 địa phương và ủy ban khu dân cư đã bất ngờ đến nhà bà vào một ngày tháng 3 năm 2019. Họ quay video nhà bà và tìm kiếm xung quanh để tìm các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công, cố gắng bức hại bà lần nữa.
Những người thân của bà Tôn cũng bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Anh rể của bà bị kết án hai năm lao động cưỡng bức vào năm 2001; Con trai của anh rể bà (hay còn gọi là cháu trai bà) bị tra tấn đến chết ở tuổi 30; Vợ cháu trai bà bị kết án lao động cưỡng bức hai lần với tổng thời gian là ba năm; Chị gái anh rể bà cũng bị rối loạn tinh thần sau khi bị cưỡng chế uống thuốc gây tổn hại hệ thần kinh trong khi đang bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức và chồng bà đã ly hôn bà.
Người mẹ bị bắt khi yêu cầu trả tự do cho con gái
Cô Thẩm Mộng Đình và mẹ ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy lần lượt bị bắt vào tháng 11 năm 2020 vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Cô Thẩm hiện đang bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não được chuyển đổi từ khách sạn, còn mẹ cô là bà Chu Bình thì hiện không rõ tung tích.
Từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 11 năm 2020, cảnh sát đã ở bên ngoài nhà của bà Chu. Họ cắt cáp internet của bà, dây chuông cửa và cũng yêu cầu cháu trai của bà gõ cửa, nhằm dụ bà ra mở cửa.
Bà Chu đã đóng cửa và nói rằng bà có quyền tự do tín ngưỡng để tu luyện Pháp Luân Công và các cảnh sát đang vi phạm nhân quyền.
Nhâm Miên Huy, Đội trưởng Đội An ninh Nội địa, nói với bà từ bên ngoài: “Nhân quyền nào? Đừng nói về điều đó với chúng tôi. Những gì chúng tôi làm là tước bỏ quyền của bà. Chúng tôi chính là quyền. Chúng tôi sẽ buộc bà phải thay đổi suy nghĩ và đứng về phía Đảng Cộng sản”.
Vào khoảng 5:40 chiều ngày 19 tháng 11 năm 2020, cô Thẩm bị bắt trên đường trở về nhà sau giờ làm việc. Phương tiện cá nhân của cô đã bị tạm giữ.
Sau khi con gái bị bắt, bà Chu đã hàng ngày đến Đội An ninh Nội địa và Phòng 610 để yêu cầu trả tự do cho con gái bà.
Vào sáng ngày 26 tháng 11, bà Chu tìm thấy xe của con gái mình trong khu phố của bà. Bà cũng được biết không lâu sau khi con gái bà bị bắt, cô đã bị đưa đến chương trình tẩy não ở Khách sạn Duy Dã Nạp.
Bà Chu đến Khách sạn Duy Dã Nạp để tìm con gái vào lúc 10 giờ sáng ngày 26 tháng 11, nhưng bà đã không bao giờ trở về nhà kể từ đó.
Chồng của bà Chu biết bà cũng đã bị bắt, nhưng cảnh sát từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào về bà.
Đây là lần thứ hai bà Chu và cô con gái bị bắt vì đức tin của họ trong năm nay. Trước đó họ đã bị bắt vào ngày 7 tháng 1 năm 2020 và bị giam trong 13 ngày, sau khi cảnh sát nhìn thấy họ phân phát tài liệu Pháp Luân Công qua camera giám sát.
Ba cư dân ở Sơn Đông bị bắt giữ và lấy mẫu máu trái với mong muốn của họ
Gần đây, một cặp vợ chồng cùng với một người họ hàng ở thành phố Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông đã bị cảnh sát bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát cưỡng chế chụp hình, lấy dấu vân tay và lấy mẫu máu của họ.
Khoảng 1 giờ chiều ngày 11 tháng 11 năm 2020, ông Trương Khắc Lượng bị bắt giữ tại nơi làm việc. Cảnh sát tịch thu chìa khóa và tới nhà ông để cố gắng bắt giữ vợ ông là bà Vương Trung Vân.
Bởi bà Vương khóa cửa bên trong nên cảnh sát không thể xông vào. Họ đợi ở bên ngoài hành lang tòa nhà chung cư của bà từ 1 giờ chiều đến sáng ngày hôm sau.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 12 tháng 11, cảnh sát sử dụng thang máy kéo để leo vào nhà của bà Vương ở tầng 5. Tám cảnh sát lục soát nơi ở và bắt giữ bà Vương cùng với một người họ hàng của họ là bà Phạm Hội Lệ, bà Phạm tới thăm gia đình bà Vương từ ngày hôm trước.
Sau khi đưa bà Vương và bà Phạm tới Đồn Công an Thánh Thành, nơi mà ông Trương cũng đang bị giam ở đó, cảnh sát đã tới lục soát nhà của bà Phạm.
Tại đồn công can, cảnh sát ra lệnh lấy dấu vân tay, chụp hình và lấy mẫu máu của ba học viên. Khi bà Vương từ chối hợp tác, một cảnh sát trẻ đã cưỡng chế nắm tay và kéo ngón tay của bà. Viên cảnh sát đâm mạnh một cây kim vào ngón tay của bà khiến bà Vương ngất xỉu ngay lập tức. Sau đó cảnh sát lấy mẫu máu của bà.
Khi bà Phạm cũng từ chối hợp tác, ba cảnh sát giữ bà xuống sàn nhà trong khi đó một cảnh sát khác kéo cánh tay, cố gắng mở nắm tay và duỗi thẳng ngón tay của bà. Bà hét lên vì đau đớn. Cảnh sát đâm kim vào tay của bà bốn lần mà không có máu chảy ra, sau đó họ mới từ bỏ.
Sáng ngày 13 tháng 11, ba học viên được trả tự do. Tay và chân của bà Phạm bị bong gân khi bà vật lộn với cảnh sát. Bà gặp khó khăn khi đi lại và không thể giơ cánh tay lên được.
Sau 11 năm bị cầm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, một kỹ sư lại bị bắt lần nữa
Ngày 23 tháng 11 năm 2020, bà Vương Mi Hoằng khoảng 60 tuổi là một kỹ sư cao cấp của Viện Thám hiểm Địa chất Hắc Long Giang đã bị bắt ở gần Đại học Hắc Long Giang, thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang vì nói chuyện với mọi người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công .
Bà Vương là một học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Cảnh sát đã tuỳ tiện giam giữ bà 15 ngày tại Trạm tạm giam Áp Tử Quyển. Trước lần bắt giữ mới nhất này, bà đã bị bắt vào tháng 10 năm 2003 và bị tra tấn 11 năm vì không từ bỏ đức tin của mình.
Bà Vương Mi Hoằng và con gái Vu Minh Huệ
Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, bà Vương phải chịu khổ nạn lớn. Cảnh sát của Đồn Công an Tân Hoa đã bắt giữ bà tại nhà của dì bà ở thành phố Mẫu Đơn Giang vào ngày 22 tháng 10 năm 2003. Sáu cảnh sát đã đánh đập bà và lôi bà từ tầng bảy xuống tầng một và ném bà vào trong xe cảnh sát.
Tại đồn công an, một cảnh sát nắm tóc bà và lôi bà lên tầng hai, khiến nhiều tóc bà bị rơi ra. Một cảnh sát khác liên tục đánh vào mặt bà bằng một cuốn sách dày.
Hàng tá cảnh sát thay phiên nhau thẩm vấn bà liên tục trong khi bà bị xích vào một cái ghế sắt trong ba ngày và không được ngủ.
Năm tháng sau, một thẩm phán ở Toà án Khu Ái Mân đã kết án bà 11 năm tù. Bà bị đưa vào Nhà tù Nữ Hắc Long Giang vào ngày 24 tháng 3 năm 2004. Một đội trưởng đã bắt bà phải đứng cả ngày khi bà không được đưa đi làm việc.
Bà làm việc trong một căn phòng có hai cái máy lớn vận hành với nhiệt độ 180 °C. Mùa hè đặc biệt mệt mỏi và nó ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của bà theo thời gian.
Quản lý nhà tù đã chuyển bà đến một đội khác vào tháng 11 năm 2006 vì bà kiên định đức tin của mình. Tại đó mỗi ngày bà phải ngồi trên một cái ghế nhỏ trong thời gian lâu, khiến mông, lưng và chân của bà bị thương. Một tù nhân được chỉ định giám sát và theo dõi bà cả ngày bất kể bà làm gì. Bà bị mắng mỏ nếu nói chuyện với các học viên khác.
Bức hại diễn ra tệ hơn vào tháng 2 năm 2008. Chính quyền đưa bà vào Đội 6 và một tội phạm nghiêm trọng với lịch sử bức hại các học viên cũng được chuyển đến đó. Căn phòng lạnh và ẩm ướt và bà Vương bị đau lưng, có vấn đề về tim và bị ho. Một ngày, khi bà Vương đang ngồi thiền trên giường, một lính canh và người tội phạm nghiêm trọng kia đã lôi bà ra khỏi giường và tấn công bà. Trong quá trình này, đầu gối phải của bà bị đập xuống đất mạnh đến nỗi nó gây ra thương tích vĩnh viễn.
Tháng 12 năm 2011, quản lý nhà tù đã tách bà Vương ra khỏi khác học viên khác và cho hai tù nhân giám sát mỗi cử động của bà. Bà không thể nói chuyện với những học viên khác và phải xin phép khi phải làm những việc đơn giản như mua nhu yếu phẩm.
Chồng bà Vương là ông Vu Tông Hải cũng là một học viên Pháp Luân Công. Ngày 12 tháng 11 năm 2001, ông bị bắt giữ, sau đó kết án 15 năm và bị nhốt trong Nhà tù Mẫu Đơn Giang, tại đây ông thường xuyên bị đánh đập và tra tấn. Năm 2006, ống lệ của ông bị vỡ sau một trận đòn. Các lính canh đổ nước lạnh lên người ông vào mùa đông năm 2009. Họ làm ông gãy xương sườn và chân trong những lần đánh đập tàn bạo. Ngực của ông bị thương nặng đến nỗi khó thở. Hầu hết răng của ông bị rơi ra. Tim và đầu của ông bị huỷ hoại nghiêm trọng do bị sốc điện. Dù bị thương nhưng ông vẫn phải lao động nặng nhọc.
Con gái ông, bé Vu Minh Huệ, bị đưa đến một trung tâm tẩy não khi mới 12 tuổi. Cô bé phải đi qua lại giữa Nhà tù Nữ Cáp Nhĩ Tân và Nhà tù Mẫu Đơn Giang để gặp cha mẹ. Lính canh thường xuyên không cho cô gặp bố mẹ vì họ từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Ông nội của cô bé, một người đàn ông khoẻ mạnh, lo sợ cho sự an toàn của con trai và bị chính quyền khủng bố. Ông đã qua đời trong khi con trai và con dâu bị bức hại.
Cát Lâm: Một phụ nữ bị bắt vì đức tin vào Pháp Luân Công, người mẹ chồng 87 tuổi bị cảnh sát hăm dọa
Bà Vương Quốc Phân, một giáo viên hưu trí ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt và bị giam trong một tuần vì đức tin vào Pháp Luân Công. Người mẹ chồng 87 tuổi của bà cũng bị cảnh sát sách nhiễu và hăm doạ.
Lúc 6 giờ chiều ngày 16 tháng 11 năm 2020, một nhóm cảnh sát đã gõ cửa nhà bà Vương nhưng bà từ chối mở cửa.
6 giờ sáng hôm sau, năm cảnh sát đến trên 2 xe công an. Một người gõ cửa nhà bà lần nữa, giả vờ là kiểm tra dân số. Không biết đây là một mánh khoé, mẹ chồng của bà đã mở cửa và năm cảnh sát xông vào.
Không trình thẻ cảnh sát, họ hỏi bà Vương có còn tu luyện Pháp Luân Công không. Bà không trả lời trực tiếp mà thay vào đó là cố giải thích rằng tu luyện Pháp Luân Công là quyền tự do tín ngưỡng của bà và không vi phạm pháp luật.
Họ từ chối lắng nghe và tiếp tục lục soát nhà bà. Ba cuốn sách Pháp Luân Công, một máy tính xách tay, một điện thoại di động, một radio và thẻ căn cước của bà bị tịch thu. Nhà bà thành một mớ hỗn độn, quần áo bị lôi ra khỏi tủ và bị vứt bừa bãi dưới đất.
Khi mẹ chồng của bà nói với cảnh sát rằng không ai nấu ăn cho bà nếu họ bắt bà Vương, một cảnh sát đã hăm doạ bà và đổ lỗi cho bà đã dùng tuổi tác của mình làm cái cớ.
Bốn cảnh sát đã đưa bà Vương từ nhà bà ở tầng bốn xuống xe cảnh sát bên dưới. Bà vẫn mặc đồ ngủ mà không được phép thay đồ.
Bà Vương bị đưa đến Đồn Công an Công Nông và bị nhốt trong một căn phòng. Một cảnh sát giám sát bà. Vào buổi trưa, cảnh sát đưa bà đến một bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ trước khi đưa bà đến sở công an và ép bà chụp hình và lấy dấu vân tay.
Khi mẹ chồng đến đồn công an để chuyển quần áo cho bà, cảnh sát nói với bà rằng nếu bà muốn con dâu được thả sớm thì hãy thay con ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nếu không thì họ không thả con bà. Không rõ là bà lão có bị ép buộc phải hợp tác không.
Sau đó bà Vương bị đưa đến trại tạm giam Vi Tử Câu và bị giam ở đó bảy ngày. Bà đã được thả vào thời điểm viết bài này. Bà nói cảnh sát chưa từng cho bà xem bất kỳ thông báo pháp lý nào hay bảo bà ký vào biên bản gì cả.
Chỉ hai tháng trước khi bị bắt, bà Vương đã nhận những cuộc gọi sách nhiễu từ bí thư chi bộ ở khu dân cư nhà bà.
Các vụ sách nhiễu
Người phụ nữ 76 tuổi bị kết án tù và bị đình chỉ lương hưu vì tu luyện Pháp Luân Công
Cuối tháng 11 năm 2020, bà Vưu Tú Anh đã nhận được thông báo từ Phòng An sinh Xã hội Thượng Hải yêu cầu nội trong năm ngày bà phải nộp cho họ hồ sơ giam giữ trước đây của bà vì tu luyện Pháp Luân Công. Thông báo cảnh báo rằng lương hưu của bà sẽ bị dừng chi trả nếu bà không tới đúng hạn để xác nhận án tù một năm của mình vào năm 2016.
Được biết rằng thời hạn năm ngày chỉ là cái cớ và nhà chức trách có thể đình chỉ lương hưu của bà cho dù bà có mặt hay không. Cư dân Thượng Hải 76 tuổi đã tới Phòng An sinh Xã hội vì bà muốn giải thích cho họ rằng không có cơ sở pháp lý để tước quyền lợi hưu trí mà bà phải khó khăn mới có được.
Bà Vưu nói với nhân viên Phòng An sinh Xã hội rằng bà không làm gì sai khi kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Toàn bộ thủ tục truy tố bà sau khi bà bị bắt giữ vào năm 2016 là phi pháp và bà không ký vào tài liệu hay nhân được bất cứ lệnh giam giữ chính thức nào từ tòa án.
Bất chấp kháng nghị của bà Vưu, nhân viên Phòng An sinh Xã Hội vẫn khăng khăng rằng họ tuân theo lệnh của cấp trên và đình chỉ lương của bà.
Trước đây bà Vưu từng bị bắt giữ vào năm 2006 và bị kết án một năm lao động cưỡng bức vì yêu cầu trả tự do cho chị gái của mình là bà Vưu Tú Vân cũng là học viên Pháp Luân Công và bị bắt giữ.
Ngày 26 tháng 8 năm 2016, bà Vưu Tú Anh bị bắt giữ một lần nữa và bị kết án một năm tù giam. Sau khi bà thụ án xong nhà chức trách đưa bà tới một trung tâm tẩy não để kéo dài thời gian bức hại vì bà vẫn từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Cảnh sát và nhân viên cộng đồng tiếp tục sách nhiễu bà sau khi bà trở về nhà.
Chồng của bà Vưu ngoài 80 tuổi trong tình trạng sức khỏe yếu và đã vài lần rơi vào tình trạng sức khỏe nguy kịch trong 10 năm qua. Khi bà Vưu bị cầm tù, ông phải tự vật lộn để chăm sóc bản thân. Bởi ông đang sống ở tầng sáu, nên con trai ông phải thuê một căn hộ ở tầng một cho ông. Sau khi bà Vu được trả tự do vào năm 2017, nhà chức trách buộc chủ nhà phải kết thúc hợp đồng thuê nhà với gia đình bà và con trai bà phải tìm một căn hộ khác cho họ. Mới đây chồng bà Vưu phải phẫu thuật một lần nữa vì bệnh não.
Người đàn ông 86 tuổi và gia đình liên tục bị sách nhiễu vì đức tin của ông vào Pháp Luân CôngÔng Vương Thành Đường, 86 tuổi và gia đình ở thành phố Kim Xương, tỉnh Cam Túc đã bị chính quyền địa phương liên tục sách nhiễu trong những tháng gần đây vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công.
Con trai của ông Vương đã nhận được cuộc gọi vào ngày 23 tháng 10 năm 2020 từ Lưu Quốc Song, bí thư chi bộ thôn nói rằng các viên chức thôn đề nghị ông ta nói chuyện với anh về việc kêu gọi cha anh từ bỏ Pháp Luân Công.
Chiều hôm đó, con trai của ông Vương đã gặp ba viên chức thôn và nói với họ rằng việc tập Pháp Luân Công là lựa chọn cá nhân của cha anh và anh không thể đại diện cho cha anh được. Anh nói thêm rằng cha anh đã có sức khỏe rất tốt nhờ tu luyện Pháp Luân Công.
Các viên chức đe dọa sẽ giữ lại tiền lương hưu của ông Vương nếu ông vẫn từ chối từ bỏ việc tu luyện. Con trai của ông Vương vẫn nhấn mạnh rằng anh không thể thực hiện theo yêu cầu của họ.
Lưu cũng gọi cho con dâu của ông Vương và cố gắng gây áp lực với cô. Cô cũng từ chối tuân thủ và nói rằng ông Lưu nên tự mình nói chuyện với ông Vương.
Bốn ngày sau, vào sáng ngày 27 tháng 10 năm 2020, ba viên chức gõ cửa nhà ông Vương, giả vờ là đang tiến hành một cuộc điều tra dân số. Không rõ liệu ông Vương có mở cửa cho họ hay không.
Hai viên chức khác lại đến sách nhiễu ông Vương vào ngày 29 tháng 10, nhưng ông Vương không cho họ vào.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 10 tháng 11, Lưu tự mình đến thăm ông Vương. Cô Vương Thụ Hoa, con gái của ông Vương đã ngăn Lưu ở cửa ra vào. Lưu nói với họ từ hành lang rằng các viên chức thôn sẽ đưa cho ông Vương 3.000 nhân dân tệ nếu ông đồng ý từ bỏ Pháp Luân Công. Ông nói thêm rằng đó là lệnh của các viên chức cấp tỉnh.
Không lâu sau khi Lưu rời đi, hai viên chức của làng lần lượt ghé qua với lý do để tiến hành một cuộc điều tra dân số.
Lúc 10 giờ sáng, Ngô Kim Chương, bí thư Đảng ủy thị trấn Ninh Viễn, gõ cửa nhà ông Vương. Vì Ngô trước đó đã đến sách nhiễu ông Vương vào tháng 7, cô Vương đã từ chối cho ông vào. Ngô nói rằng ông ta đến chỉ một mình và ông yêu cầu được nói chuyện với ông Vương. Sau khi Ngô hứa sẽ không chụp ảnh ông Vương hoặc gọi cảnh sát, cô Vương đã mở cửa cho ông ta vào.
Ngay khi Ngô vừa ngồi xuống, Kháng Sinh Hoành, một viên chức thị trấn khác gõ cửa và la hét gọi tên cô Vương. Cô hỏi ông Ngô: “Không phải ông nói là một mình đến sao? Người bên ngoài kia là ai? ”
Ngô quát: “Kháng Sinh Hoành, đừng la hét nữa. Tôi sẽ rời đi sớm!“ Ông ta quay lại và nói với cô Vương, “Thấy chưa, tôi không cho anh ta vào. Cô không cần phải mở cửa cho anh ta.”
Cô Vương nói với Ngô: “Có một nguyên tắc của ông Trời đó là thiện ác hữu báo. Luôn có một cái giá phải trả khi người ta làm điều xấu”.
Ngô cười và nói: “Tôi đi ngay bây giờ. Tôi không yêu cầu điều gì quan trọng. Chỉ cần kiểm tra xem ông ấy có khỏe không thôi ”.
“Cha tôi vẫn ổn,” cô Vương trả lời và sau đó mở cửa cho Ngô.
Trước khi cô kịp nhận ra, 5 cảnh sát đã ập vào bên trong. Một người trong số họ cầm máy ghi hình và quay video cô Vương.
Sau khi hai trong số các viên chức làng phủ nhận rằng họ có mặt cùng với cảnh sát, cô Vương nói: “Tôi biết ông, ông họ Liệu tên Vương.”
Không còn gì để che giấu, bốn cảnh sát đã giữ cô Vương và người thứ năm đi đến phòng của ông Vương.
Cảnh sát đã bắt cô Vương lên xe của họ và đưa cô đến văn phòng ủy ban thôn. Cô yêu cầu được nói chuyện với bí thư thôn Lưu Quốc Song, nhưng được thông báo rằng ông ta không có ở văn phòng. Không rõ liệu cô Vương đã được thả vào thời điểm viết bài hay không.
Một người phụ nữ tàn phế bị sách nhiễu và bị ép buộc phải từ bỏ đức tin của mình
Cảnh sát đến gõ cửa nhà bà Miêu Thúy vào ngày 9 tháng 11 năm 2020. Người phụ nữ 63 tuổi vẫn đang phải vật lộn với những hậu quả của lần đột quỵ 7 năm trước từ từ ra mở cửa và thấy cảnh sát ở bên ngoài.
Cảnh sát có vẻ sốc khi thấy những vết bỏng trên hai chân bà. Bà Miêu, một cư dân ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, đã vô tình tự làm bỏng mình vào ngày 30 tháng 9 năm 2020 khi hai tay bà yếu và run đến mức bà đổ cả một ấm nước sôi lên hai chân mình thay vì đổ vào phích. Khi bà cởi quần ra, một mảng da lớn vốn dính vào quần cũng bong ra, nên bà đã phải mặc quần ngắn sau đó. Những vết bỏng trên hai chân bà vẫn còn thỉnh thoảng chảy nước và mủ một tháng sau đó.
Cửa sắt nhà bà vẫn đang đóng, một vài cảnh sát đã quát bà để cho họ vào. Bà từ chối. Một cảnh sát dọa chụp ảnh bà và một người khác bảo bà ký vào một tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Miêu nói với họ những sự thật cơ bản về Pháp Luân Công và đề nghị họ đừng sách nhiễu bà nữa. Từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, bà đã bị bắt một vài lần vì kiên định với đức tin của mình. Bà đã bị kết án tù hai lần, một lần 3 năm và một lần 6 năm. Bà suýt chết vài lần do bị tra tấn.
Cảnh sát cuối cùng đã bỏ đi.
Chiến dịch “Xóa sổ”
Sau khi Ủy ban Chính trị Pháp luật (UBCTPL), một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công phát động chiến dịch “Xóa sổ” trên toàn quốc, nhà chức trách ở Nội Mông Cổ, tỉnh Chiết Giang, tỉnh Hồ Nam, tỉnh Hà Bắc, Thiên Tân và Trùng Khánhđã tiến hành theo lệnh của UBCTPL để buộc tất cả các học viên từ bỏ đức tin của mình.
Thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang
Vào sáng ngày 17 tháng 11, một nhóm cảnh sát đã ngắt nguồn cung cấp điện, nước và mạng internet của nhà bà Tưởng Xuân Á. Họ đã đợi bên ngoài và dự định sẽ bắt bà khi bà đi ra. Đến 2 giờ chiều, khi bà Tưởng, 49 tuổi, vẫn chưa chịu bước ra ngoài, cảnh sát đã yêu cầu một thợ khóa mở cửa và sau đó họ đột nhập vào bên trong.
Cảnh sát đã lục soát nhà của bà Tưởng mà không có lệnh khám xét. Bà bị đưa đến đồn cảnh sát địa phương và bị thẩm vấn qua đêm. Khi cảnh sát thả bà vào sáng hôm sau, họ từ chối trả lại điện thoại di động và máy tính của bà.
Đây là lần thứ hai cảnh sát cố gắng lừa bà Tưởng để bắt bà. Vào ngày 16 tháng 9 năm 2019, một nữ cảnh sát viên gõ cửa nhà bà Tưởng và nói rằng khu vực trần nhà bếp của bà đã bị dột. Khi bà Tưởng đồng ý cho nhân viên vào để kiểm tra đường ống trong bếp của bà, ba nhân nam cảnh sát liền xuất hiện và bắt bà. Bà bị đưa đến một trung tâm tẩy não địa phương và bị giam giữ ở đó trong nhiều tuần.
Các học viên bị nhắm đến bất kể tuổi tác
Ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc nhà chức trách đe dọa bà Vương Tú Anh, một cư dân 70 tuổi ở huyện Thương. Ngày 16 tháng 11 năm 2020, khi bà Vương đang lấy củi ở sân thì một xe cảnh sát đã dừng ở trước cửa nhà bà và có bốn cảnh sát đi ra. Họ kiểm tra để xác nhận đó là nhà của bà. Bà biết lý do họ tới và can đảm đối diện với họ. “Chính là tôi. Tôi tu luyện Pháp Luân Công!”
Một cảnh sát hét: ”Bắt lấy bà ta, giải bà ấy đi!”
Bà Vương nói: “Tôi không phạm bất kỳ tội gì, tại sao các anh bắt tôi? Chỉ vì tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công để duy trì sức khỏe. Tôi có làm phiền đến ai không? Tại sao các anh không bắt giữ những quan chức tham nhũng?”
Cảnh sát nói: “Có người đã tố cáo rằng bà phân phát tờ rơi và lịch của Pháp Luân Công. Bà đã dán những biểu ngữ lên cột điện đúng không? Chúng tôi cần khám xét nhà bà.”
“Tôi không có bất kỳ tài liệu nào.” Bà chặn cửa và sau đó khóa cửa.
Một cảnh sát thách thức bà: “Nếu bà không có bất cứ thứ gì trong nhà, tại sao bà sợ chúng tôi khám nhà của bà?”
Bà trả lời: “Mặc dù tôi không sở hữu bất cứ thứ gì phi pháp, nhưng tôi cũng không thể để các anh khám xét nơi ở của tôi vì điều đó là bất hợp pháp. Mọi người trong thôn đều biết rằng tất cả các bệnh của tôi đều được trị khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công, gồm có bệnh tim nặng, bệnh huyết áp thấp, đau lưng và đau chân.”
Một cảnh sát khác nói: “Tương lai của con bà sẽ bị hủy hoại vì việc tu luyện của bà.”
Bà từ chối: “Con của tôi rất may mắn vì tôi luôn khỏe mạnh. Do đó chúng không phải chăm sóc hay chi trả những hóa đơn thuốc đắt đỏ cho tôi.”
Bốn cảnh sát không thể tranh luận với bà thêm nữa và đã rời đi.
Ở Trùng Khánh, một người phụ nữ 77 tuổi bị sách nhiễu bảy lần trong ba tuần. Bà Lưu Xương Tú sống ở bán đảo Dung Kiều ở quận Nam Ngạn đã nghỉ hưu tại Tập đoàn Điện lực Trường Giang Trùng Khánh. Cảnh sát đã bắt bà vào ngày 21 tháng 10 năm 2020, trong khi bà đang nói với người khác vì sao cuộc bức hại Pháp Luân Công lại là sai trái. Bà được thả 11 giờ sau đó.
Ngày hôm sau, hai nhân viên cộng đồng địa phương đến nhà bà Lưu vào buổi sáng và một lần nữa vào buổi tối nhưng bà Lưu đã từ chối hợp tác với họ.
Một sĩ quan và một quan chức chính quyền địa phương lại kéo đến nhà bà Lưu vào ngày 3 tháng 11 và quan sát xung quanh. Ba ngày sau, hai người này lại đến nhưng bà không có nhà. Họ lại đến lần nữa vào ngày 10 tháng 11 khi bà đang chuẩn bị bữa trưa. Bà đã từ chối đi cùng họ đến đồn công an. Hai ngày sau, hai người này lại tiếp tục đến gặp bà nhưng bà không có nhà.
Vào sáng ngày 13 tháng 11, bảy sĩ quan và quan chức chính quyền địa phương đã đột nhập vào nhà của bà Lưu. Họ tuyên bố rằng họ chỉ muốn gặp bà. Bà cảnh báo họ rằng việc họ cố ép bà từ bỏ việc tu luyện là vi hiến và rằng việc tu luyện Pháp Luân Công là quyền của bà.
Chính quyền sách nhiễu gia đình học viên
Một số thành viên gia đình các học viên cũng bị sách nhiễu. Ở thành phố Phượng Thành, tỉnh Liêu Ninh, chính quyền tới nhà bà Khương Hồng vào sáng ngày 27 tháng 10 năm 2020. Chỉ có con gái bà Khương ở nhà. Họ yêu cầu cô ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công cho mẹ của mình, nhưng cô từ chối.
Con gái của bà Khương nói: “Pháp Luân Công đã chữa khỏi bệnh cho mẹ tôi. Hà cớ gì mà mẹ tôi lại không được tiếp tục tu luyện?” Khi Dương Quang cố gắng ép cô ký vào bản tuyên bố, cô nói: “Ông không có quyền ép buộc tôi phải ký.” Cô cũng chia sẻ rằng Pháp Luân Công không tham gia vào chính trị. Chính Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khởi xướng cuộc bức hại và công dân có quyền lên tiếng để bày tỏ sự phản đối của họ.
Vừa lúc đó, bà Khương về đến nhà. Dương yêu cầu bà ký vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Khương nói: “Không, tôi sẽ không ký. Nếu tôi ký, nó sẽ không có lợi cho ông.“ Sau đó bà giảng chân tướng Pháp Luân Công với họ.
Ngày hôm sau, Dương và Chu đến nơi làm việc của cháu gái bà Khương để sách nhiễu và đe dọa rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cô nếu cô không ký vào bản tuyên bố thay cho bà Khương. Cô cháu gái bà cũng từ chối.
Bài liên quan:
1.077 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 10 năm 2020
964 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 9 năm 2020
Trong tháng 8 năm 2020, 1.184 học viên Pháp Luân Công trở thành mục tiêu bức hại của chính quyền
1.410 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 7 năm 2020
5.313 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ vào nửa đầu năm 2020
938 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 5 năm 2020
1.178 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2020
747 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2020
Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona
194 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 1 năm 2020
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/11/416210.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/13/188762.html
Đăng ngày 30-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.