Bài viết của Thạch Minh

[MINH HUỆ 12-01-2021] Trong khi Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch virus corona trong năm 2020, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa dựa trên Nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn.

Theo thông tin được Minghui.org thu thập, 6.659 học viên đã bị bắt và 8.576 người bị sách nhiễu trong năm 2020. Trong khi số vụ bắt giữ không chênh lệch nhiều so với năm trước đó với 6.109 học viên, thì năm 2020 chứng kiến ​​số vụ sách nhiễu tăng gấp 2,4 lần so với 3.582 người vào năm 2019 do chiến dịch “Xóa sổ” được thực hiện trên toàn quốc.

Tương tự như chiến dịch sách nhiễu “Gõ cửa” vào năm 2017 nhằm vào các học viên vì đức tin của họ, cảnh sát và các nhân viên ủy ban khu dân cư đã đến gặp mọi học viên trong danh sách đen của chính quyền nhằm ép họ phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công trong chiến dịch “Xóa sổ” mới.

Nhưng chiến dịch “Xóa sổ” cũng nhắm mục tiêu đến các thành viên gia đình của các học viên để đáp ứng chỉ tiêu. Khi các học viên từ chối ký vào bản tuyên bố từ bỏ, nhà chức trách đã gây áp lực buộc gia đình họ phải ký vào bản tuyên bố thay cho các học viên. Tại các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam, nhà chức trách đã treo thưởng 100.000 Nhân dân tệ cho những ai báo cáo về trường hợp học viên Pháp Luân Công.

Trong năm 2020, nhiều học viên đã bị tra tấn dã man và bị sỉ nhục khi bị giam giữ. Hai học viên nữ đã bị đánh đến chết vài ngày sau khi họ bị bắt vào cuối tháng Sáu. 81 học viên khác cũng đã qua đời sau khi bị tra tấn trong khi giam giữ hoặc sức khỏe của họ bị suy sụp sau hai thập kỷ chịu bức hại.

Trong tổng số 15.235 học viên bị nhắm mục tiêu trong năm 2020, 1.188 người từ 65 tuổi trở lên. Ngoài ra còn có 17 học viên ở độ tuổi 90, với người lớn tuổi nhất là 94. 401 học viên đã bị tống tiền hoặc tịch thu tổng cộng 7.284.097,56 Nhân dân tệ trong thời gian bị bắt giữ, trung bình 18.165 Nhân dân tệ mỗi người.

Ngoài các vụ bắt giữ và sách nhiễu, 622 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án vì đức tin của họ trong năm 2020, với 114 người trong số họ từ 65 tuổi trở lên và 11 người ở độ tuổi 80. Các mức án tù từ 3 tháng đến 14 năm, trung bình là 3 năm 4 tháng.

Các học viên bị kết án đến từ 149 thành phố thuộc 27 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Liêu Ninh (68), Sơn Đông (57), Tứ Xuyên (57), Hà Bắc (56), và Cát Lâm (50) là các tỉnh có nhiều trường hợp. 15 tỉnh báo cáo trường hợp bị kết án hai con số và bảy tỉnh còn lại có các trường hợp một con số. Tỉnh Hồ Bắc, là tâm chấn của đại dịch, đứng thứ sáu trong danh sách với 35 trường hợp.

Trong số các học viên bị kết án, 265 người trong số họ đã bị tòa án phạt, với số tiền là 2.788.234 Nhân dân tệ và trung bình là 10.522 Nhân dân tệ/người.

Dưới đây là một số trường hợp bức hại trong năm 2020.

Một phụ nữ bị đánh đập đến chết sau 16 ngày bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lý Linh ở thôn Đại Trương Gia, thành phố Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông, đã bị một quan chức thôn và một nhóm dân phòng bắt giữ vào ngày 28 tháng 6 năm 2020, sau khi bị tố cáo vì sở hữu tài liệu Pháp Luân Công.

Họ đưa bà tới một ngôi nhà bỏ hoang để thẩm vấn. Bà Lý từ chối tiết lộ thông tin rằng bà lấy tài liệu từ đâu. Hai trong số các dân phòng đã ra sức đánh đập để buộc bà phải khuất phục. Sự đánh đập tàn bạo khiến một số răng của bà bị rụng và miệng của bà bị rách. Có một vết thương ở bên lồng ngực trái của bà và khắp cơ thể bà đầy những vết bầm tím. Theo một người cao niên trong làng được yêu cầu trông coi bà nói rằng một trong số các dân phòng còn sử dụng gậy để chọc mạnh vào ngực bà.

Bà Lý vẫn từ chối từ bỏ đức tin của mình hay trả lời những câu hỏi của họ. Một trong những thủ phạm đưa bà ra ngoài để “sửa đổi bà”. Anh ta đá rất mạnh vào bà khiến bà mất thăng bằng và đập mông xuống tảng đá bên ngoài cửa. Sau đó, trời bắt đầu mưa và anh ta buộc bà phải đứng dưới trời mưa một thời gian dài. Bà tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi.

Ngày 13 tháng 7, bà Lý được đưa tới một phòng khám tư nhân để “hồi sức” và được thông báo là đã qua đời. Ngay sau đó, nhà chức trách đưa thi hài bà về cho gia đình. Những dân phòng đứng bên ngoài và nói rằng họ sẽ không rời đi trừ khi gia đình hỏa táng thi thể bà ngay ngày hôm đó. Những người thân của bà không còn lựa chọn nào khác là phải làm theo yêu cầu của họ. Trong khi đang thay quần áo cho bà, người thân nhận thấy nhãn cầu của bà lồi ra và to hơn bình thường.

Người đàn ông 83 tuổi thụ án bảy năm tù vì kiên định đức tin của mình đang trong tình trạng nguy kịchÔng Hoàng Khánh Đăng, 83 tuổi, cư dân thành phố Lạc Thanh, tỉnh Chiết Giang, người đang thụ án 7 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, đang trong tình trạng nguy kịch. Gia đình ông nhận được cuộc gọi từ Nhà tù Số 2 Hàng Châu vào giữa tháng 11 năm 2020 và được thông báo rằng ông đã được đưa đến bệnh viện để hồi sức cấp cứu. Các nhân viên nhà tù cho biết, ông Hoàng bị phát hiện mắc 6 chứng bệnh và ông có thể qua đời bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, họ từ chối cho ông tại ngoại.

Vào ngày 17 tháng 4 năm 2019, ông Hoàng bị bắt tại nhà cùng với vợ ông, bà Trần Nga Anh, vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Cả hai người họ đều bị đưa đến Trại tạm giam Thành phố Lạc Thanh.

Tòa án Thành phố Lạc Thanh đã kết án ông Hoàng 7 năm tù vào ngày 12 tháng 3 năm 2020. Vài ngày sau, vợ ông được trả tự do. Hiện chưa rõ ông bị đưa đến nhà tù vào thời gian nào.

13 cư dân Hà Bắc bị kết án tù vì cùng nhau đọc sách về đức tin của họ

Vào ngày 13 tháng 7 năm 2019, 13 cư dân huyện Vi Trường, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt khi cùng nhau học các bài giảng của Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát hầu hết nhà của các học viên vào ngày hôm sau và tịch thu sách Pháp Luân Công, máy tính và máy in của họ.

Được biết, cảnh sát đã theo dõi 36 học viên ở Vi Trường trong bảy tháng, trước khi bắt giữ họ trong buổi đọc sách chung.

Mặc dù Viện Kiểm sát Huyện Loan Bình đã trả lại hồ sơ của các học viên vì không đủ bằng chứng vào tháng 11 năm 2019, nhưng cảnh sát đã từ chối thả các học viên và nộp lại hồ sơ một tháng sau đó. Công tố viên đã truy tố họ vào ngày 19 tháng 1 năm 2020 và chuyển vụ việc của họ đến Tòa án Huyện Loan Bình.

Các học viên đã bị đưa ra xét xử vào ngày 28 tháng 9 năm 2020 và bị kết án tới sáu năm với số tiền phạt 10.000 Nhân dân tệ vào ngày 30 tháng 10 năm 2020.

Sau 12 năm giam giữ, người đàn ông Ninh Hạ bị kết án thêm 14 năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công

Ông Mã Trí Vũ, một người dân thành phố Ngân Xuyên, tỉnh Ninh Hạ, bị kết án 14 năm tù và phạt 30.000 Nhân dân tệ vào ngày 17/12/2020.

Ông Mã Trí Vũ 50 tuổi là một cựu lái xe đường sắt bị bắt vào ngày 5 tháng 6 năm 2020 trong khi đang tìm việc tại thành phố Cố Nguyên, tỉnh Ninh Hạ. Ông đã tuyệt thực để phản đối bức hại tại trại tạm giam Thành phố Cố Nguyên. Gia đình ông nhiều lần đến đồn công an và trại tạm giam địa phương để yêu cầu trả tự do cho ông, nhưng đều không có kết quả. Trại tạm giam cũng không cho gia đình ông vào thăm ông.

Trước lần kết án mới đây nhất, ông Mã đã nhiều lần bị bắt và bị giam giữ trong 12 năm.

Trang Minghui.org đã công bố một thông báo của “Tổ chức Quốc tế đưa những kẻ bức hại Pháp Luân Đại Pháp ra trước công lý” vào ngày 21 tháng 7 năm 2013, tìm cách bắt giữ Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, kẻ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, và đồng phạm phải chịu trách nhiệm về những tội ác chống lại các học viên Pháp Luân Công.

Đã bảy năm trôi qua kể từ thời điểm đó, và cuộc bức hại vẫn đang diễn ra tràn lan.

Với tình trạng nhân quyền tồi tệ nhất dưới thời ĐCSTQ, Trung Quốc một lần nữa bị Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ liệt vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo. Đây là năm thứ 21 liên tiếp Trung Quốc nằm trong danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ trong suốt 21 năm qua đã bộc lộ bản chất tà ác chống lại loài người của nó. Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Đại Kỷ Nguyên, rằng mặc dù người dân thế giới biết bản chất độc tài của ĐCSTQ nhưng họ đã phớt lờ điều đó, một phần vì các nhà hoạch định chính sách đối ngoại trước đây tin rằng thương mại kinh tế và hợp tác có thể khiến ĐCSTQ “ít nhất cũng hòa nhập với các nước trên thế giới trên cơ sở công bằng và có đi có lại”, để cuối cùng, mấy thập kỷ sau mới nhận ra rằng ý tưởng này là “sai lầm một cách nghiêm trọng”.

Sau khi chứng kiến ​​cách ĐCSTQ che đậy đại dịch và can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, người dân thế giới đã thấy rõ hơn bản chất thực sự của nó. Chỉ bằng cách giải thể ĐCSTQ, cuộc bức hại đối với tất cả người dân Trung Quốc mới chấm dứt và hòa bình của thế giới mới được khôi phục.

Bài liên quan:

83 học viên Pháp Luân Công qua đời bởi cuộc bức hại trong năm 2020


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/12/418420.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/13/189900.html

Đăng ngày 04-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share