Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-05-2020] Theo thông tin Minh Huệ tổng hợp, số lượng học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ đã gia tăng đều từ tháng 1 năm nay.
Tháng 4 năm 2020 đã ghi nhận 508 học viên bị bắt (tăng hơn ba lần so với tháng 1) và 670 người bị sách nhiễu (tăng hơn bảy lần so với tháng 1) vì đức tin của họ. Tại thời điểm viết báo cáo này, 220 học viên đã bị bắt trong tháng 4 vẫn bị giam giữ.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp từ năm 1999.
Sau khi Vũ Hán bị phong toả vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, cuối cùng công chúng đã biết về sự bùng phát của dịch bệnh virus corona. Các học viên sớm nhận ra ĐCSTQ đang sử dụng những chiến thuật tương tự trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công để che đậy sự lây lan của virus và sự chết chóc kinh hoàng.
Khi nhiều học viên bước ra và nỗ lực phơi bày sự xử lý sai lầm về dịch bệnh của ĐCSTQ, số lượng các học viên bị bắt giữ và sách nhiễu đã gia tăng. Cuộc đàn áp trầm trọng hơn trong tháng 3 và kéo dài sang tháng 4 sau khi lệnh phong toả bị dỡ bỏ hoặc nới lỏng.
Đáng chú ý là sau khi phong toả Vũ Hán bị dỡ bỏ vào ngày 8 tháng 4, đã có sự gia tăng các vụ bắt giữ và sách nhiễu học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hồ Bắc, từ 6 vụ bắt giữ và 2 vụ sách nhiễu vào tháng 3 lên 43 và 53 trong tháng 4.
Một nhân tố khác góp phần gia tăng bức hại trong tháng 4 liên quan đến hai ngày kỷ niệm: “Ngày 25 tháng 4” và “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới”, được tổ chức xung quanh ngày 13 tháng 5.
Ngày 25 tháng 4 đánh dấu kỷ niệm 10.000 học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện ôn hoà ở Bắc Kinh vào năm 1999 để tìm cách giải cứu nhiều học viên bị bắt giữ phi pháp trước đó. Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, ngày 13 tháng 5, kỷ niệm ngày Pháp Luân Công được truyền ra công chúng vào năm 1992.
Những ngày kỷ niệm như vậy được ĐCSTQ xem là “nhạy cảm chính trị”, và chính quyền thường xuyên tăng cường đàn áp xung quanh những ngày này nhằm nỗ lực ngăn chặn học viên đẩy mạnh nỗ lực phơi bày cuộc bức hại.
Hơn nữa, những cuộc họp chính trị thường niên của ĐCSTQ (còn gọi là “Lưỡng Hội”) ở Bắc Kinh – Đại hội Nhân dân Quốc gia và Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc – bị hoãn từ tháng 3 đến tháng 5 vì dịch bệnh virus corona, cũng khiến công an sách nhiễu nhiều học viên hơn, đe doạ họ không được đi ra ngoài trong thời gian dịch bệnh.
Một công an ở Bắc Kinh tiết lộ rằng họ sẽ được thưởng 5.000 nhân dân tệ cho mỗi học viên bị bắt. Một công an ở tỉnh Hồ Bắc nói rằng họ hứa thưởng 1.000 nhân dân tệ cho bất kỳ ai tố giác một học viên nếu người này nói về Pháp Luân Công.
Một người đàn ông ở Bắc Kinh bị sách nhiễu trong khi vẫn còn đang thương tiếc cho người vợ và cha mình vừa mới qua đời gần đây. Một bà cụ 84 tuổi bị giám sát liên tục vào những ngày trước ngày 25 tháng 4.
Những nguyên nhân khác dẫn đến các vụ bắt giữ và sách nhiễu học viên trong tháng 4 gồm việc họ cùng nhau đọc các bài giảng của Pháp Luân Công hay chỉ đơn giản là giải cứu các đồng tu đang bị giam giữ.
Những người lớn tuổi cũng không được tha trong những đợt bức hại mới nhất này, họ chiếm 9% trong tổng số 1.178 học viên mục tiêu trong tháng 4, có tuổi từ 65 trở lên với người cao tuổi nhất là 89 tuổi ở thành phố Thiên Thuỷ, tỉnh Cam Túc. Một bà cụ 81 tuổi ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh đã buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị sách nhiễu và giam giữ.
Các học viên không chỉ đối mặt với việc bị lục soát nhà, bắt giữ, giam cầm, bỏ tù và tra tấn tuỳ tiện, nhiều người cũng bị đe doạ đến kế sinh nhai.
Trong số 1.178 trường hợp bị bức hại trong tháng 4, có 314 người bị lục soát nhà và 48 người bị công an tống tiền với tổng số lên đến 220.250 nhân dân tệ, trung bình 4.588 nhân dân tệ mỗi người.
Sau khi bà Lưu Vĩnh Anh ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây kết thúc án tù hai năm, người cựu giảng viên đại học này đã suy sụp khi biết rằng bà đã bị sa thải và lương hưu bị tước đoạt.
Ông Lưu Phát Đình ở huyện Tiểu, tỉnh An Huy, người ở trong tình trạng nguy kịch sau nhiều năm bị bức hại, đã qua đời hai ngày sau khi công an sách nhiễu ông vào ngày 30 tháng 4 năm 2020.
Cuộc bức hại trên toàn quốc
1.178 học viên bị nhắm đến trong tháng 4 cư trú tại 26 tỉnh thành. Tương tự như những tháng trước, Hà Bắc, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và Sơn Đông vẫn là năm tỉnh bức hại nặng nề nhất.
Chính quyền ở nhiều tỉnh, bao gồm Sơn Đông, Giang Tây, Hà Bắc, Liêu Ninh, Quý Châu và Cát Lâm đã sách nhiễu các học viên trên diện rộng và tổ chức các phiên tẩy não nhằm ép họ từ bỏ đức tin.
Ở tỉnh Quý Châu, chính quyền đã đưa ra “kế hoạch xoá sổ” nhằm cưỡng ép mọi học viên địa phương phải từ bỏ đức tin của họ.
Được biết Uỷ ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL) ở Quý Châu đã ban hành lệnh “chuyển hoá” hoàn toàn các học viên từ năm 2020 đến 2023. Lệnh dựa trên Văn bản Số 101 do UBCTPL trung ương ở Bắc Kinh ban hành với tựa đề “Về vấn đề làm giảm số lượng các học viên Pháp Luân Công.”
UBCTPL, một cơ quan ngoài vòng pháp luật giám sát an ninh quốc gia, viện kiểm sát và toà án, đã đóng vai trò trung tâm trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, bao gồm lên kế hoạch và thực hiện những chính sách bức hại trên toàn quốc.
Trong hầu hết các trường hợp, công an và người của uỷ ban dân cư sẽ gọi hoặc đích thân đến gặp các học viên. Nếu các học viên từ chối ký vào những biên bản từ bỏ Pháp Luân Công được chuẩn bị sẵn, họ sẽ đe doạ đưa học viên đến các trung tâm tẩy não hoặc ngăn không cho con cái tìm được việc làm hay học đại học. Ở tỉnh Liêu Ninh, một số học viên là nông dân cũng bị đe doạ thu hồi lại các trang trại mà chính quyền đã phân cho họ.
Những người từng tu luyện Pháp Luân Công nhưng đã từ bỏ vì cuộc bức hại cũng bị sách nhiễu.
Bị nhắm đến vì truyền rộng thông tin về dịch bệnh
Khi những hạn chế đi lại dần dần được nới lỏng trên khắp Trung Quốc từ tháng 3 năm 2020 thì có nhiều học viên Pháp Luân Công hơn bị bắt vì phân phát tài liệu về cuộc bức hại đối với đức tin của họ và sự che dấu dịch bệnh của ĐCSTQ.
Bà Từ Kim Phụng, một cư dân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt ngày 2 tháng 4 sau khi cảnh sát nhìn thấy bà đang treo những tấm áp-phích về Pháp Luân Công. Họ đã lục soát nhà bà và tịch thu các cuốn sách Pháp Luân Công của bà. Cảnh sát cũng đã lấy dấu vân tay và mẫu máu của bà. Mặc dù cảnh sát đã phóng thích bà Từ ngay trong ngày bà bị bắt, họ vẫn đe dọa là sẽ giam bà trong 15 ngày sau khi hết dịch.
Ông Hoàng Cường Sinh
Ngày 7 tháng 4, ông Hoàng Cường Sinh, 52 tuổi, chủ một công ty xây dựng ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt và nhà bị lục soát. Công an đã giam giữ hình sự đối với ông vào ngày hôm sau tại Trại tạm giam Số 2 Thành phố Quảng Châu. Mẹ của ông Hoàng, đã ngoài 80 tuổi, lo lắng về ông đến mức bà không thể ăn ngủ được. Bà đang kêu gọi chính quyền trả tự do cho ông Hoàng ngay lập tức.
Ở thành phố Tân Tập, tỉnh Hà Bắc, bà Vương (tên vẫn đang được điều tra), ngoài 80 tuổi, đã bị bắt ngày 10 tháng 4, sau khi bị tố cáo vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã tống tiền 4.000 Nhân dân tệ của gia đình bà trước khi trả tự do cho bà.
Ông Tôn Chí Văn ở huyện Vĩnh Cát, tỉnh Cát Lâm, bị bắt lần đầu vào ngày 4 tháng 2 năm 2020, sau đó lại bị giam vào ngày 22 tháng 4 và bị giữ tại trại tạm giam Huyện Vĩnh Cát.
Trước khi bắt giữ hai ngày, cảnh sát tìm thấy ông Tôn tại nơi làm việc và đưa ông tới Tòa án Huyện Vĩnh Cát. Nhân viên tòa án nỗ lực buộc ông ký vào một vài biên bản nhưng ông từ chối hợp tác. Gia đình của ông bị từ chối thăm hỏi ông.
Bà Đại Thanh Bình, một cư dân ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã buộc phải rời khỏi nhà từ ngày 18 tháng 4 năm 2020 để tránh bị bắt.
Chính quyền đã nhắm đến bà Đại sau khi nghi ngờ bà treo những áp phích có in mã QR dẫn đến những báo cáo truyền thông hải ngoại về việc che đậy thông tin dịch bệnh của chế độ cộng sản trên một con phố buôn bán sầm uất.
Tối ngày 18 tháng 4 năm 2020, sáu công an thuộc Đồn Công an Khu phố Pha Tử đã xông vào nhà bà Đại để bắt bà. Vì bà Đại không có ở nhà vào hôm đó nên công an đã lục soát nơi ở và đe doạ bắt giữ chồng bà. Sau đó họ đã nhượng bộ khi chồng bà nói rằng ông bị bệnh tim và huyết áp cao.
Công an cũng sách nhiễu em gái của bà Đại và nhiều học viên khác trong vùng nhằm tìm ra bà.
Bị sách nhiễu trước “Lưỡng Hội” ở Bắc Kinh
Từ tháng 4 đã có nhiều học viên tại Bắc Kinh bị sách nhiễu trên diện rộng trước thềm của kỳ họp “Lưỡng Hội” bắt đầu vào ngày 22 tháng 5 năm 2020.
Công an đã lục soát nhà của hầu hết học viên, thẩm vấn họ và buộc họ điền vào tờ câu hỏi trả lời về việc có còn tu luyện Pháp Luân Công không, hoặc họ đã ký vào bất kỳ tuyên bố từ bỏ đức tin nào trước đó chưa.
Vì các trại tạm giam địa phương từ chối nhận các học viên vì dịch bệnh, nên hầu hết học viên đã được bảo lãnh tại ngoại. Một số bị ép phải rời Bắc Kinh và không được quay trở về trước khi kết thúc “Lưỡng Hội”.
Sáng ngày 24 tháng 4, bà Chu Tố Hà và con trai là anh Lưu Khoát bị bắt giữ. Công an đã tịch thu các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công (sách và tờ rơi) và thẩm vấn họ tại Đồn Công an Hậu Sa Dục. Hai mẹ con đã bị đưa đến trại tạm giam Thuận Nghĩa vào ngày 26 tháng 4 năm 2020.
Ngày 24 tháng 4, bốn công an đã xông vào nhà của cụ bà 84 tuổi Lý Tú Chi. Vì bà Lý không có ở nhà nên công an đã lục soát nơi ở và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính và các tài sản cá nhân khác của bà.
Sau khi bà Lý trở về, công an đã cố bắt bà đến đồn công an nhưng bất thành vì sự phản kháng mạnh mẽ từ phía gia đình.
Bà Dương Uyển Hinh bị bốn công an sách nhiễu vào ngày 25 tháng 4. Họ hỏi bà còn tu luyện Pháp Luân Công không và hăm doạ bà, yêu cầu bà không được ra ngoài phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Hai công an đã ở bên ngoài nhà bà Dương và đi theo bà khi bà ra ngoài mua đồ tạp hoá.
Ngày 27 tháng 4 năm 2020, ông Dương Ngọc Lương và con gái 24 tuổi cô Dương Đan Đan đã bị bắt giam nhiều ngày.
Ông Dương bị bắt chỉ năm ngày sau khi vợ ông là bà Cao Diễm qua đời sau nhiều thập niên bị bức hại. Hai vợ chồng từng phải đi trốn trong 10 năm. Chỉ hai ngày sau khi họ trở về, công an đã bắt giữ họ và kết án mỗi người hai năm lao động cưỡng bức.
Khi bị giam, cả hai vợ chồng đều bị tra tấn tàn bạo và tẩy não nhằm buộc họ phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Ông Dương bị suy đa tạng còn bà Cao bị huyết áp cao mãn tính và rối loạn nội tiết.
Chính quyền vẫn tiếp tục sách nhiễu họ sau khi họ được thả, dẫn đến cái chết bi thảm của bà Cao ở tuổi 49.
Chỉ hai tuần trước khi bà Cao qua đời, cha của ông Dương đã qua đời vào ngày 7 tháng 4.
Bà Cao Diễm
Cô Dương Đan Đan
Qua đời sau khi bị sách nhiễu
Ông Lưu Phát Đình, một nông dân ở huyện Tiêu, tỉnh An Huy đã qua đời vào ngày 2 tháng 5 năm 2020, hai ngày sau khi chính quyền địa phương sách nhiễu ông. Công an đã sách nhiễu ông dù ông đang bị ung thư phổi nặng.
Ông Lưu đã bị đột quỵ sau khi bị lột trần, bỏ đói và phải lao động nặng nhọc sau lần bắt giữ vào ngày 17 tháng 11 năm 2015. Dù đã không còn chút sức lực nào, ông vẫn bị án tù 3,5 năm tù, dẫn đến sức khoẻ của ông bị huỷ hoại hoàn toàn. Tháng 1 năm 2019, ông phải chống gậy khi ra tù và thường ho ra máu.
Sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, ông Lưu đã nhập viện và phải hoá trị trong vài tháng. Ngay khi trở về nhà, người của Phòng 610 Huyện Tiêu, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công, đã sách nhiễu ông và cố ép ông từ bỏ đức tin của mình. Tình trạng của ông đã tiếp tục xấu đi trong vài tháng sau đó vì bị áp lực tinh thần to lớn.
Ngày 30 tháng 4 năm 2020, người của Phòng 610 Huyện Tiêu lại sách nhiễu ông Lưu dù ông đang nửa mê nửa tỉnh và cận kề cái chết. Họ hăm doạ gia đình và lấy điện thoại của ông để kiểm tra xem gần đây ông đã liên lạc với học viên nào. Ông Lưu đã qua đời vào ngày 2 tháng 5 năm 2020, ở tuổi 74.
Bắt giữ tuỳ tiện
Năm cư dân Quảng Đông, trong đó một người sắp là cha, bị bắt vì học các bài giảng của Pháp Luân Công
Năm cư dân thành phố Sán Vĩ, tỉnh Quảng Đông đã bị bắt vào ngày 9 tháng 4 năm 2020 trong khi đang đọc sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, tại nhà của ông Trang Hà Xương.
Ông Trang và ba người khách, trong đó có anh Hoàng Thịnh Vĩ, ông Ngô Nghĩa Quốc và ông Trằng Thiểu Lan, đã bị giam giữ hình sự. Vị khách thứ tư, ông Trần Hiển Trấn, đã được bảo lãnh tại ngoại vì sức khỏe kém.
Cảnh sát lấy chìa khóa nhà anh Hoàng và lục soát nhà anh khi không có ai ở nhà. Những đồ đạc có giá trị của vợ anh, trong đó có hàng tá món trang sức bằng vàng, 7.500 nhân dân tệ tiền mặt, máy tính và thẻ ngân hàng, đều bị mất sau cuộc đổ bộ của cảnh sát.
Gia đình anh Hoàng đã trình báo sự việc này với công an, nhưng họ phủ nhận đã lấy những tài sản đó của gia đình anh Hoàng và cũng từ chối điều tra sáng tỏ vụ cướp tài sản trắng trợn này.
Vợ anh đang mang thai ở tháng thứ năm. Vì cô đã từng bị sảy thai, nên gia đình rất lo lắng cho cô và đứa con còn chưa chào đời của cô.
Hắc Long Giang: Sáu học viên Pháp Luân Công bị bắt vì tìm cách giải cứu đồng tu
Sáu học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt vì tìm cách giải cứu một học viên địa phương bị bắt giam vì phân phát tài liệu thông tin về đức tin của họ. Năm người trong số họ đã bị giam 10 ngày.
Tối ngày 9 tháng 4 năm 2020, bà Trương Quân, 67 tuổi, đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở gần thị trấn Hưng Long. Bà đã bị một công an theo dõi.
Dương Xuân Lai, trưởng đồn công an, đã lệnh cho cấp dưới truy tìm bà Trương quanh thị trấn. Họ đã bắt bà và tạm giữ xe hơi của bà.
Trưa hôm sau, gia đình bà Trương và sáu học viên đã đến đồn công an để tìm cách giải cứu bà. Dù công an đã đồng ý thả bà Trương nhưng họ lại bắt sáu học viên kia và tịch thu chiếc xe minivan mà họ mượn của một người bạn. Công an đã lục soát chiếc xe và tìm thấy một số tài liệu Pháp Luân Công.
Công an đã tát vào mặt người tài xế là ông Tôn Thiết Nông mạnh đến nỗi khiến ông ngã xuống đất và cảm thấy rất chóng mặt.
Khi ông Lý Nham cố ngăn công an đánh ông Tôn, công an đã lôi ông vào một căn phòng không có camera giám sát và đánh ông. Họ còng tay ông và ghì ông xuống đất. Một công an mang giầy da giẫm và đi chân lên đầu và mặt của ông, còn một người khác đá vào lưng ông.
Sau khi một học viên họ Trương khác (không có họ hàng với bà Trương Quân) được thả vào khoảng giữa trưa, năm học viên còn lại, gồm ông Tôn, ông Lý, bà Vu Thục Phạm, bà Cao Á Bân và bà Từ Thục Phượng vẫn bị giam và bị thẩm vấn.
Dương uy hiếp các học viên và cảnh cáo họ đừng bao giờ đến thị trấn Hưng Long để phân phát tài liệu Pháp Luân Công nữa. Ông ta cũng doạ rằng con cháu của các học viên có thể bị liên luỵ và bị trừng phạt nếu họ phơi bày cuộc bức hại ra cộng đồng quốc tế, hoặc công bố trên internet số điện thoại của công an (nhiều học viên bên ngoài Trung Quốc đang gọi điện cho công an và hối thúc họ không tham gia vào cuộc bức hại).
Công an đã từ chối trả lại hai chiếc xe hơi bị tịch thu của bà Trương và ông Tôn. Khi bạn ông Tôn, người chủ chiếc xe đến đồn công an để yêu cầu trả lại xe, bản thân ông cũng bị bắt dù ông không tu luyện Pháp Luân Công.
An Huy: Một phụ nữ bị bắt giữ vì kiên định đức tin, con gái bị liên lụy và tổn thương
Một phụ nữ ngoài 60 tuổi đã bị giam trong nhiều tuần sau khi bà bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Con gái bà, bị bắt cùng bà, đã bị công an làm bị thương.
Ngày 25 tháng 4 năm 2020, khi bà Thượng Cần, ở thành phố Mã An Sơn, tỉnh An Huy, đang ở tại cửa hàng của con gái bà, thì hơn mười cảnh sát mặc thường phục xông vào và bắt giữ bà. Cảnh sát cũng bắt giữ con gái bà Thượng khi cô cố gắng ngăn cản họ đưa mẹ mình đi. Cảnh sát còng tay con gái bà Thượng ra sau lưng, hai mẹ con bà Thượng bị đưa tới Đồn Công an Hoắc Lý.
Ngày hôm sau, cảnh sát đã giam giữ hình sự bà Thượng và chuyển bà tới một cơ sở giam giữ. Gia đình bà không hề nhận được thông tin cập nhật nào về bà. Một cảnh sát nói rằng họ đã nhiều lần dự định bắt bà Thượng, và đã theo dõi bà trước khi tiến hành bắt giữ.
Con gái bà Thượng đã được thả vào ngày 26 tháng 4, cảnh sát uy hiếp cô không được tiết lộ việc mẹ cô bị bức hại với Minh Huệ Net, bằng không, họ sẽ lại bắt giữ cô.
Sau khi trở về nhà, cô đã nói việc này với mẹ mình, và cô nhận ra rằng cảnh sát đã lục soát nhà cô và tịch thu các sách Pháp Luân Công của mẹ cô. Cửa hàng của con gái bà Thượng cũng bị lục soát, hai máy tính và một máy in không thấy đâu.
Lo sợ bị bắt giữ, nên con gái bà Thượng đã không thể chợp mắt trong hai tuần. Cô sống trong sợ hãi và có triệu chứng bị hoảng loạn. Cô không thể làm việc được như bình thường kể từ sau khi được trở về nhà.
Người cao tuổi bị bức hại
Cụ bà 81 tuổi buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt giữ vì kiên định đức tin
Bà Vu ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vào ngày 2 tháng 4 năm 2020, sau khi bị báo chính quyền vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Bà đã bị đưa tới Đồn Công an Cát Bố và bị cưỡng chế điểm chỉ vào biên bản thẩm vấn.
Chiều hôm đó, cảnh sát lục soát nhà bà và tịch thu các sách và tài liệu Pháp Luân Công. Sau đó, họ đưa bà trở về đồn công an và thẩm vấn bà thêm vài tiếng đồng hồ trước khi để bà về nhà vào lúc 10 giờ đêm.
Cảnh sát yêu cầu bà phải trở lại đồn công an để báo cáo vào ngày hôm sau. Vì không muốn bị bắt giữ lần nữa, bà Vu quyết định rời xa nhà để thoát khỏi bàn tay cảnh sát.
Sáu phụ nữ, hầu hết đều ngoài 80 tuổi, đã bị sách nhiễu và đối mặt với việc bị truy tố
Trong hai ngày 24 và 25 tháng 4 năm 2020, cảnh sát đã sách nhiễu và lục soát nhà của sáu phụ nữ ở thành phố Mã An Sơn, tỉnh An Huy, tuổi từ 77-86.
Cảnh sát đã không bắt bà Giải Hộ Kế (84 tuổi) vì sự phản kháng mạnh mẽ từ phía gia đình bà. Năm học viên còn lại, gồm bà Chu Xuân Anh (86 tuổi), bà Vương Tố Hoa (84 tuổi), bà Thẩm Tuyết Mai (84 tuổi), bà Trần Tú Phương (83 tuổi), và bà Quý Ngân Châu (77 tuổi), đã bị đưa tới đồn công an địa phương để thẩm vấn.
Cảnh sát nói rằng họ đã theo dõi sáu học viên từ tháng 3 năm 2020 sau khi thu hình được cảnh họ phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Họ đều bị tra hỏi về nguồn gốc của số tài liệu.
Mặc dù năm học viên đều đã được thả vào buổi tối cùng ngày, song cảnh sát yêu cầu họ phải quay trở lại đồn công an vào ngày hôm sau để tiếp tục thẩm vấn. Hiện tại, cảnh sát đang chuẩn bị chuyển hồ sơ vụ án của họ tới viện kiểm sát để truy tố.
Người đàn ông Sơn Đông bị sách nhiễu sau khi lên tiếng vì đức tin của mình
Ngày 24 tháng 4 năm 2020, một cư dân thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông đã bị triệu tập đến Đồn Công an Vũ Ninh và được thông báo rằng ông sẽ bị một năm “tại ngoại chờ xét xử”, trong đó yêu cầu ông phải đến báo cáo với công an mỗi khi được triệu tập, và cấm ông rời khỏi quận Mậu Bình nơi ông cư trú.
Không lâu sau khi ông Vương Quân Hằng trở về nhà, ba công an kéo đến và tịch thu hai chiếc điện thoại di động và một chiếc máy tính của ông.
Công an đã sách nhiễu ông Vương kể từ tháng 8 năm ngoái, sau khi phát hiện ông đã viết những chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” lên một bức tường ở nơi công cộng. Công an cũng gọi điện sách nhiễu con trai ông Vương, khiến gia đình ông không thể có được một cuộc sống yên ổn.
Ông Vương, 70 tuổi, có sức khỏe yếu kém trong phần lớn cuộc đời. Ông từng bị viêm khớp dạng thấp ở tuổi 14, nhưng sau nhiều lần thử các phương pháp điều trị khác nhau, sức khỏe của ông không được cải thiện. Ông cũng bị trầm cảm vì tình trạng sức khỏe của mình. Có đôi lúc ông còn ngất xỉu khi đang lái xe. Sức khỏe của ông giảm dần theo năm tháng và ông cũng bị mắc bệnh tiểu đường.
Năm ngoài 60 tuổi, ông Vương biết đến Pháp Luân Công, và sức khỏe của ông nhanh chóng phục hồi. Ông rất biết ơn pháp môn này và cố gắng chia sẻ thông tin về Pháp Luân Công với những người khác để họ có thể được thụ ích từ pháp môn này giống như ông. Tuy nhiên, đây lại chính là lý do khiến ông bị công an bức hại.
Bị sai thải và tước đoạt lương hưu
Đã suýt chết sau hai năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công, bà Lưu Vĩnh Anh gần như suy sụp hoàn toàn khi phát hiện bà đã bị trường học sa thải và lương hưu bị tước đoạt.
Bà Lưu Vĩnh Anh trước khi bị bức hại
Bà Lưu Vĩnh Anh sau hai năm bị ngược đãi nặng nề trong tù
Bà Lưu, 57 tuổi, là một giảng viên lâu năm tại Trường Dân chính Giang Tây ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Bà đã bị bắt khoảng nửa đêm ngày 3 tháng 4 năm 2018. Công an đã xông vào nhà bà và tịch thu máy tính và máy in của bà.
Công an đã xích bà vào một cái ghế dưới tầng hầm của Công an Quận Thanh Sơn Hồ và thẩm vấn bà gần 40 giờ. Công an Trần Lê Minh đã đánh vào đầu bà và đá đầu gối của bà.
Toà án Quận Tây Hồ đã xét xử bà ba lần từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2018 và bà bị kết án hai năm tù với án phạt 5.000 nhân dân tệ vào tháng 10 năm 2018.
Trong hai năm bà Lưu bị giam tại trại tạm giam Số 1 Nam Xương, lúc đầu bà bị ép ngủ trên sàn bê tông trần. Trong môi trường nhà tù bẩn thỉu và ẩm ướt, cơ thể bà bị nổi những vết mẩn ngứa vô cùng.
Vì bị phát ban, bà Lưu bị người cùng phòng phân biệt đối xử và làm nhục, sau đó họ ép bà ngủ trong nhà vệ sinh và không cho bà ngồi chung ghế.
Để sống sót qua mùa đông, bà Lưu phải mua bộ đồ giường dày. Nhưng vào mùa hè, lính canh từ chối cung cấp cho bà chỗ cất bộ đồ, nên bà phải ngủ trên bộ đồ giường dày đó ở trong một căn phòng không có máy điều hoà hay quạt, bà Lưu rất nóng và đổ mồ hôi nhiều đến nỗi bà không thể ngủ vào ban đêm.
Khi bà Lưu được thả vào ngày 3 tháng 4 năm 2020, con trai gần như không nhận ra bà – bà hốc hác và hai mắt đờ đẫn. Bà cũng bị rụng nhiều chiếc răng.
Ngay khi trở về nhà, chồng bà Lưu cho biết Phòng 610 đã ép trường học sa thải bà vào tháng 5 năm 2018, chỉ một tháng sau khi bà bị bắt. Các lãnh đạo trường cũng buộc phải có bài phát biểu tự phê bình trước toàn trường và toàn bộ tiền thưởng hàng năm của tất cả nhân viên trong trường đã bị giữ lại. Họ cũng bị ép phải tố cáo Pháp Luân Công và phải hứa là tránh xa pháp môn này.
Giữa tháng 4 năm 2020, bà Lưu đã đến Phòng An sinh Xã hội (PASXH) tỉnh để nộp đơn nhận lương hưu vì bà đã đến tuổi nghỉ hưu từ tháng 9 năm 2018. Nhân viên tiếp tân nói rằng họ không thể tìm thấy hồ sơ của bà trong hệ thống và yêu cầu bà đến hỏi PASXH địa phương.
PASXH địa phương của bà nói rằng trường bà đã không tham gia chương trình an sinh xã hội mãi đến tận sau năm 2014, khi một cuộc cải cách an sinh xã hội lớn được thực hiện. Tuy nhiên, trường của bà đã ngừng đóng tiền bảo hiểm cho bà sau khi bà bị bắt vào năm 2018. Như vậy, bà chỉ có khoảng 3,5 năm đóng bảo hiểm, trong khi chính sách sửa đổi này yêu cầu ít nhất là người lao động phải đóng 15 năm trước khi đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp hưu trí.
Nhân viên PASXH nói với bà Lưu rằng nếu bà muốn nhận lương hưu thông qua chương trình an sinh xã hội, bà phải nộp tiền bảo hiểm cho 11,5 năm còn thiếu. Nếu bà chọn cách trả hàng năm, bà phải đợi đến tận năm 2031 để nhận trợ cấp hưu trí, khi đó bà đã gần 70 tuổi. Hoặc bà có thể trả số tiền còn lại là 120.000 nhân dân tệ trong một lần để nhận khoảng tiền 1.000 tệ mỗi tháng ngay từ bây giờ.
Bài liên quan:
89 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020
747 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2020
Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona
194 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 1 năm 2020
Chức trách thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh vẫn tiếp tục bức hại Pháp Luân Công trong đại dịch
Học viên Pháp Luân Công ở bốn tỉnh bị sách nhiễu vì đức tin của họ
Tỉnh Quý Châu: Sách nhiễu học viên Pháp Luân Công trên diện rộng trong chiến dịch “xóa sổ”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/18/406330.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/25/185208.html
Đăng ngày 07-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.