Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 16-10-2020] Trong tháng 9 năm 2020 có ít nhất 356 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ và 608 người bị sách nhiễu vì đức tin của họ, dẫn đến con số bị bắt và sách nhiễu đến thời điểm này trong năm nay là 4.746 và 5.264.
207 học viên (59%) vẫn đang bị giam tại thời điểm viết bài này. Trong số 964 người bị bắt và sách nhiễu, có 164 học viên đã bị lục soát nhà. 34 học viên bị bắt và 29 người bị sách nhiễu có tuổi trên 65, người già nhất là 90. 16 học viên bị cảnh sát tịch thu 364.000 nhân dân tệ, mỗi người là từ 20-150.000 nhân dân tệ, trung bình là 22.750 nhân dân tệ mỗi người.
Hà Bắc, Hắc Long Giang, Tứ Xuyên, Cát Lâm và Sơn Đông là năm tỉnh dẫn đầu có số lượng học viên bị nhắm đến nhiều nhất. Cả Hà Bắc và Hắc Long Giang đều có hơn 100 học viên bị sách nhiễu trong tháng qua. Những vụ sách nhiễu khác đã được báo cáo ở thành phố Ngân Xuyên, Ninh Hạ và Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên, là sự tiếp diễn của chiến dịch “xoá sổ”, một nỗ lực phối hợp nhằm ép các học viên trong danh sách đen của chính quyền phải từ bỏ Pháp Luân Công.
Nhiều vụ bắt giữ theo nhóm, gồm 32 học viên ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô diễn ra vào ngày 13 tháng 9; 4 học viên ngoài 60 và 70 tuổi sống ở cùng khu dân cư ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm vào ngày 15 tháng 9; và 27 học viên ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 22 và 23 tháng 9 cũng được báo cáo.
Những trường hợp trong tháng 9 đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Ngoài các vụ bắt giữ và tra tấn trong khi bị giam, nhiều học viên đã bị gián đoạn cuộc sống thường ngày cũng như an toàn cá nhân, việc kinh doanh và sức khoẻ bị tổn hại.
Một kỹ sư đã bị sa thải vì đức tin của mình không được vào nhà và buộc phải chuyển đi không lâu sau khi anh mãn hạn tù hai năm. Một phụ nữ 75 tuổi bị giữ lại lương hưu. Một bác sỹ về hưu vẫn bị giam dù bà bị chẩn đoán bệnh ung thư phổi.
Trong một số trường hợp, không chỉ các học viên bị nhắm đến vì đức tin của họ mà người thân cũng bị sách nhiễu, bắt giữ và thẩm vấn. Cháu trai bốn tuổi của một học viên đã không được nhận vào trường mẫu giáo vì bà từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Con trai của một học viên bị giữ làm con tin tại đồn công an sau khi bà trốn thoát khỏi vụ bắt bớ, và phòng khám của con trai của một học viên khác bị ép phải đóng cửa sau khi bà từ chối ký tên vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Dưới đây là tóm tắt về một số vụ bắt giữ và sách nhiễu. Vì sự phong toả thông tin ở Trung Quốc, số lượng học viên bị bức hại vì đức tin của họ không thể luôn được báo cáo kịp thời và mọi thông tin luôn không có sẵn.
Sự tàn bạo của cảnh sát
Cảnh sát đấm vào đầu người đàn ông trong khi bắt giữ ông vì tu luyện Pháp Luân Công
Khoảng 6 giờ chiều ngày 8 tháng 9 năm 2020, ông Hoàng Kiến Quốc ở huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông đã bị bắt giữ.
Cảnh sát lục soát nhà của ông Hoàng Kiến Quốc và tìm kiếm những đồ vật liên quan tới Pháp Luân Công. Trong khi cưỡng chế ông Hoàng lên xe, các cảnh sát đã xé quần của ông và đấm vào đầu ông. Sau khi tới đồn công an, một số cảnh sát đánh đập ông Hoàng, quật ngã ông xuống đất và giẫm lên đầu ông. Ông bị đa chấn thương, đầu và mặt bị sưng lên.
Một giáo viên về hưu 74 tuổi bị công an đánh đập tàn bạo
Khoảng 10 giờ sáng ngày 4 tháng 9 năm 2020, khi ông Lôi Chánh Hạ, 74 tuổi, đang ở nhà con gái tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, thì sáu công an đã xông vào. Ông Lôi, một giáo viên trung học về hưu, đã phản kháng nỗ lực bắt giữ của công an, ba công an đã đẩy ông xuống ghế sofa, còng tay ông ra sau lưng và lấy kính mắt của ông. Hai nhân viên khác kéo ông ra ngoài và đẩy ông vào trong xe công an. Một chiếc giày của ông bị tuột rơi ra trong quá trình bắt giữ.
Vợ ông Lôi, bà Lý Vệ Quần, bị đẩy ngã xuống đất khi cố ngăn công an bắt giữ chồng bà. Công an còng tay phải của bà và đưa bà đến đồn công an.
Cô con gái đang ôm con nhỏ mới 10 tháng tuổi của ông bà đã cố gắng ngăn công an đánh mẹ cô. Cả cô và đứa bé đều vô cùng sợ hãi và bật khóc.
Sau khi cặp vợ chồng già bị đưa đến Đồn công an Khai Nguyên Lộ, nhân viên Vương Quốc Khánh 24 tuổi đã xé bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, bức ảnh tịch thu từ ông Lôi, và nhục mạ ông và Pháp Luân Công.
Công an sau đó đưa hai vợ chồng vào phòng thẩm vấn. Nhân viên Vương còng tay ông Lôi và cố gắng ép ông điểm chỉ dấu vân tay vào biên bản thẩm vấn. Khi ông Lôi không làm theo, Vương đã đẩy ông về phía góc phòng sau đó đấm vào ngực, vào cổ và đập đầu ông vào tường. Vương cũng định dùng đầu gối thúc vào chân ông Lôi nhưng bị bà Lý ngăn lại.
Vương quay sang túm tóc bà Lý và toan đánh bà. Bà hét lớn vào mặt anh ta: “Anh dám!” Vương buông tóc bà Lý ra nhưng cầm một tấm cao su và đập mạnh vào bàn tay đang bị còng của ông Lôi. Sau đó anh ta rời đi, để mặc cổ tay của ông Lôi đang chảy máu vì bị đánh.
Đến trưa, công an đã thẩm vấn bà Lý và thả bà vào khoảng 6 giờ chiều.
Ông Lôi đã được đưa đến bệnh viện vào buổi tối để kiểm tra sức khỏe. Công an đã thẩm vấn ông một lần nữa sau khi trở về. Ông vẫn kiên quyết không ký vào biên bản thẩm vấn.
Sau 35 giờ bị giam giữ, ông Lôi được thả vào khoảng 9 giờ tối ngày hôm sau. Công an đã không tháo còng tay của ông cho đến tận lúc được thả.
Ngày 10 tháng 9 năm 2020, bà Kỷ Thục Quân và bà Bành Hà bị bắt ở thị trấn Thổ Mộc, thành phố Trương Gia Khẩu khi họ đến đó để truyền rộng thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Họ còng tay bà Kỷ và bà Bành lại với nhau và đẩy họ lên xe cảnh sát. Còng tay cứa sâu vào cổ tay của bà Bành khiến bà có những vết bầm tím đen ở cổ tay. Tại đồn công an, khi hai học viên từ chối bước ra khỏi xe, cảnh sát kéo họ ra và đưa họ vào sân trước của đồn công an. Giày của họ bị tuột ra, tay áo bị rách và lưng của họ bị thương.
Bà Kỷ hối thúc cảnh sát không tham gia vào cuộc bức hại. Anh ta từ chối lắng nghe và lăng mạ Pháp Luân Công cùng Nhà sáng lập pháp môn. Khi hai học viên đang hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” để phản đối, một cảnh sát đá vào tay bà Kỷ, tát vào mặt bà và sử dụng giày để đập vào miệng bà khiến miệng của bà bị sưng lên. Sau đó, trời bắt đầu đổ mưa và cảnh sát cũng ngừng việc ngược đãi bà Kỷ.
Cùng ngày, cảnh sát đưa bà Kỷ và bà Bành tới Trung tâm Tẩy não Đại Hoàng Trang. Họ tuyệt thực để phản đối sự bức hại. Mặc dù bà Kỷ được trả tự do vào chiều ngày 12 tháng 9, nhưng bà Bành vẫn bị giam trong trung tâm tẩy não.
Sau 10 ngày, vết bầm tím trên cánh tay bà Kỷ vẫn còn rất đậm
Bà Kỷ Thục Quân
Cuộc sống hàng ngày bị gián đoạn, công việc kinh doanh và sức khoẻ bị ảnh hưởng
Cựu kỹ sư không có nơi ở và buộc phải di chuyển hết nơi này đến nơi khác vì đức tin của mình
Sau khi anh Từ Vĩnh Thanh, một kỹ sư điện ở Thượng Hải, mãn hạn tù hai năm vào ngày 28 tháng 11 năm 2019, anh đã bị nơi làm việc sa thải. Không có khả năng chi trả tiền thuê căn hộ, vốn tăng gấp ba lần từ tháng 1, anh đã phải chuyển đến một nơi ở mới vào cuối tháng 4.
Anh Từ Vĩnh Thanh
Không mất quá nhiều thời gian để những người cảnh sát quấy nhiễu anh tìm được địa chỉ mới của anh. Vào ngày 31 tháng 7, anh Từ phát hiện thấy một chiếc xe hơi màu trắng đỗ bên ngoài ngôi nhà mới thuê của mình, với hai người đang nhìn chằm chằm vào anh. Năm ngày sau, vào ngày 4 tháng 8, chủ nhà của anh Từ yêu cầu anh chuyển đi trong một tuần vì ủy ban thôn đang có kế hoạch phát triển đất đai mới. Ông ta liên tục ép anh Từ phải chuyển đi ngay và hứa sẽ cung cấp một số tiền bồi thường để trang trải chi phí chuyển đi.
Không muốn bị công an phát hiện ra kế hoạch chuyển đi của mình, anh Từ đã nhờ một người bạn giúp anh tìm kiếm nơi ở mới. Không lâu sau khi anh tiết lộ địa chỉ mới của mình cho chủ nhà, hóa ra là một công an đã nghỉ hưu, bạn anh đã bị cảnh sát sách nhiễu và hăm doạ không được giúp anh về nhà ở của mình. Một nhóm cảnh sát khác cũng sách nhiễu anh Từ vài tuần sau đó.
Trong dịp Tết Trung thu ngày 1 tháng 10, khi anh Từ về quê ở tỉnh Chiết Giang để thăm mẹ, tất cả đồ đạc của anh đã bị chủ nhà chuyển đến nhà kho của thôn, mặc dù anh đã trả đầy đủ tiền thuê nhà tháng 10.
Hiện anh Từ không có nơi ở và phải di chuyển hết nơi này đến nơi khác.
Sau 10 năm bị giam giữ, một người phụ nữ Thượng Hải 75 tuổi gần đây đã bị giữ lại lương hưu
Bà Lý Mỹ Trân, 75 tuổi, từng làm việc tại Nhà máy Khai thác Than tỉnh Giang Tây trước khi nghỉ hưu. Vào tháng 8 năm 2020, bà nhận được cuộc gọi từ Lý Thanh, thủ quỹ nhà máy yêu cầu gửi phán quyết bản án 4 năm tù giam vào năm 2012 vì tu luyện Pháp Luân Công và Giấy chứng nhận được trả tự do cho Sở An sinh Xã hội tỉnh Giang Tây.
Bà Lý đã không tuân thủ và việc chi trả lương hưu của bà vì thế đã bị dừng vào tháng 9. Bà gọi cho thủ quỹ Lý để hỏi lý do và được giới thiệu đến Sở An sinh xã hội để được giải đáp. Khi bà Lý gọi cho Sở An sinh Xã hội thì không có ai trả lời bà.
Bức hại mới nhất này của bà Lý là tiếp sau bởi nhiều vụ bắt giam, cùng với năm năm lao động cưỡng bức và bốn năm tù.
Giáo viên tiểu học buộc phải rời khỏi nhà
Đầu tháng 9, Vương Hán Minh, Phó Ban Chính trị và Pháp luật ở thành phố Thư Lan, tỉnh Hắc Long Giang, đã tổ chức một cuộc họp với hiệu trưởng các trường trong thành phố và lệnh cho họ phải đưa tất cả giáo viên tu luyện Pháp Luân Công của trường đến các trung tâm tẩy não.
Không lâu sau, giám đốc của bộ giáo dục địa phương và hiệu trưởng trường đã sách nhiễu bà Vu Hiểu Quyên hai lần trong một tuần và đe doạ bà phải tham gia phiên tẩy não và từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Ngày 30 tháng 9, các viên chức trường lại sách nhiễu bà Vu và yêu cầu chồng bà là ông Lý Chiêm Huy phải gây áp lực để bà phục tùng. Họ cũng đe doạ yêu cầu nơi làm việc của ông Lý và người con trai sai thải họ nếu ông không thể thuyết phục được vợ.
Dưới áp lực to lớn, ông Lý đã xé các sách Pháp Luân Công của bà Vu, đánh đập, tát vào mặt và giật tóc bà. Hai tay bà đầy vết bầm tím. Ba người thân của bà cũng đến và cố gây áp lực để bà ký vào các biên bản từ bỏ Pháp Luân Công.
Khi bà Vu vẫn từ chối hợp tác, con trai bà doạ sẽ nhảy từ trên lầu xuống và hiệu trưởng trường bà nói ông ấy sẽ mất việc nếu bà tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Hiện bà buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại.
Cặp vợ chồng doanh nhân bị bắt vì đức tin của mình khiến gia đình và khách hàng bị sốc
Anh Chu Dũng là kỹ sư điện tự động hoá cùng với vợ mình là cô Lưu, người đang khởi nghiệp kinh doanh máy tự động hoá tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị bắt và nhà của họ đã bị lục soát vào ngày 9 tháng 9 năm 2020.
Cảnh sát tuyên bố rằng cô Lưu đã bị tố cáo vì phân phát tờ rơi về Pháp Luân Công. Cô Lưu hiện đang bị giam tại Trại tạm giam địa phương và anh Chu thì bị giam tại một trung tâm tẩy não.
Việc đôi vợ chồng bị bắt giữ đã khiến hai đứa con, một cháu hiện đang học trung học phổ thông và cháu còn lại đang học trung học cơ sở cùng với bố mẹ già của họ lâm vào hoàn cảnh nguy khốn. Vì hai người họ đang hỗ trợ khách hàng phát triển hệ thống máy tự động mới nên việc họ bị bắt giữ đã gây gián đoạn trong hỗ trợ kỹ thuật và thiệt hại tài chính cho khách hàng.
Một giáo viên dạy vật lý bị bắt khi đang giảng dạy và bị ra lệnh phải từ bỏ tín ngưỡng của mình
Buổi sáng ngày 8 tháng 9 năm 2020, ông Lý Nguyên Khánh, một giáo viên vật lý trung học phổ thông ở thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, khi đang dạy học thì một nhóm quan chức vào lớp và đưa ông đi.
Sau đó, ông Lý bị đưa vào một phòng họp của trường. Trong cả buổi sáng, Trưởng Phòng 610 địa phương đã cố bắt ông Lý viết bản cam kết tuyên bố từ bỏ tín ngưỡng của mình. Khi ông Lý kiên quyết rằng ông sẽ không từ bỏ việc tu luyện Pháp Luân Công, những quan chức đó đã đe dọa đuổi việc ông ngay ngày hôm đó.
Vào ngày 21 tháng 9 năm 2020, Thường Bách Bích, hiệu trưởng của Trường Trung học phổ thông thị trấn Vọng Xuyên, đã không cho ông Lý dạy học nữa và thay vào đó là sắp xếp ông làm những công việc lặt vặt.
Một bác sỹ về hưu vẫn đang bị giam giữ vì kiên định đức tin dù được chẩn đoán ung thư
Bà Hà Đảng Linh, một bác sỹ về hưu bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ sau khi bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi.
Ngày 22 tháng 9 năm 2020, bà Hà, một cư dân ở khu tự trị Kiềm Đông Nam, tỉnh Quý Châu bị bắt giữ sau khi cảnh sát nhìn thấy bà đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công thông qua hệ thống camera giám sát.
Mặc dù bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi trong quá trình kiểm tra sức khỏe bắt buộc, nhưng cảnh sát vẫn từ chối trả tự do cho bà và yêu cầu bà ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Hà từ chối hợp tác và hiện bà đang bị giam trong trại tạm giam Thành phố Khải Lý.
Bởi kiên định đức tin của mình, bà Hà, 59 tuổi từng phải thụ án hai năm lao động cưỡng bức và không ngừng bị tra tấn trong 20 năm qua.
Gia đình bị liên luỵ
Trường mẫu giáo từ chối nhận đứa trẻ bốn tuổi vì đức tin của người bà
Một bé trai bốn tuổi ở thành phố Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc gần đây đã bị từ chối cho vào học ở trường mẫu giáo địa phương vì bà của cháu không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Ngày 6 tháng 9 năm 2020, ngày đầu năm học, cha mẹ đưa bé đến Trường mẫu giáo Thành phố Ma Thành, nhưng bị chặn ở bên ngoài. Hoá ra là Vu Lý, hiệu trưởng của trường đã bị Uỷ ban Chính trị và Pháp luật cùng Phòng 610, hai cơ quan chính quyền có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công, gây áp lực để Vu không cho bé học vì bà của bé, bà Đào Tịch Hoài, người từng dạy 33 năm ở trường này trước khi nghỉ hưu 15 năm trước từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Từ tháng 5 năm 2020, cảnh sát địa phương và lãnh đạo của trường mẫu giáo đã sách nhiễu bà Đào, 70 tuổi, và yêu cầu bà ký vào biên bản hứa từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công hay nói chuyện với mọi người về môn tập. Việc sách nhiễu đã gây áp lực to lớn lên cả bà Đào và gia đình bà.
Kim Tố Phương, phó hiệu trưởng trường, từng nói với bà Đào rằng vì bà không ký vào các biên bản nên tất cả giáo viên của trường đã bị tước thưởng, đây là một chính sách liên luỵ điển hình của chính quyền cộng sản trong cuộc bức hại nhằm gây thù hận với các học viên Pháp Luân Công.
Có lần, một cảnh sát đá vào cửa nhà bà Đào và hét lên: “Bà có ra mở cửa hay không? Nếu không mở cửa, chúng tôi sẽ bắt bà ngay khi bà bước ra ngoài!” Vì bị cảnh sát đe doạ, bà Tào và gia đình không thể ra ngoài trong vài ngày.
Hà Bắc: Con trai của một phụ nữ bị giam làm con tin ở đồn công an
Vào ngày 8 tháng 9 năm 2020, một nhóm cảnh sát đã đến nhà bà Quốc Nguyệt Hà ở thành phố Thiên An, tỉnh Hà Bắc. Họ giả vờ là nhân viên quản lý tài sản và yêu cầu bà Quách mở cửa. Bà Quách không tin và từ chối hợp tác. Họ đã cố dùng một chìa khoá vạn năng để mở cửa nhưng phát hiện rằng cửa bị khoá từ bên trong. Sau đó họ mất hai giờ để cắt trụ khoá bằng cưa sắt.
Bà Quách đã hối thúc cảnh sát ngừng đàn áp các học viên Pháp Luân Công nhưng họ từ chối lắng nghe. Bà hỏi họ: “Các người là cảnh sát của nhân dân. Cạy cửa thì bảo vệ người dân thế nào?”
Bà Quách đã trốn thoát trước khi cảnh sát xông vào. Cảnh sát đã bắt con trai bà và đe doạ kết án anh. Sau một tuần lang thang, bà Quách đã quay trở về vào ngày 14 tháng 9 để đổi lấy sự tự do cho con bà. Cảnh sát hăm doạ sẽ gửi hồ sơ của con bà đến công tố viên trước khi thả anh. Sau đó bà Quách bị đưa đến trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn và bị giam từ đó.
Một phụ nữ Tân Cương là mục tiêu bị bức hại vì đức tin vào Pháp Luân Công, gia đình cũng bị liên lụy
Ngày 29 tháng 9 năm 2020, bà Nghiêm Ngọc Cầm, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Ô Lỗ Mộc Tề thủ phủ của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương đã bị bắt cùng với chồng. Một số người trong gia đình bà không tu luyện Pháp Luân Công cũng bị chính quyền nhắm đến.
Ngày 30 tháng 9, công an sách nhiễu và lục soát nơi ở của em gái bà Nghiêm. Vào buổi tối, con trai của bà Nghiêm và bạn gái của anh cũng bị bắt. Công an đã thẩm vấn và hỏi nhiều thông tin cá nhân của họ, nhưng từ chối cung cấp bất kỳ thông tin gì về trường hợp của bà Nghiêm.
Trong vài ngày tiếp theo, công an tiếp tục sách nhiễu em gái và anh trai bà Nghiêm, khiến họ vô cùng mệt mỏi về mặt tinh thần.
Gia đình bà Nghiêm đã từng đến đồn công an để hỏi về trường hợp của bà. Họ đã đợi cả buổi sáng, nhưng công an đã từ chối gặp hoặc cung cấp bất kỳ thông tin nào cho họ.
Vào ngày 4 tháng 10 bà Nghiêm đã bị chuyển đến cơ sở giam giữ do Phòng 610 quận Thiên Sơn quản lý. Không rõ liệu chồng bà, người không tu luyện Pháp Luân Công, có còn bị giam giữ hay không.
Các học viên lớn tuổi bị nhắm đến
Vào đầu tháng 9 năm 2020, bà Trình Tư Quế, 80 tuổi, sống tại huyện Lô, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt khi bà trở về nhà từ tiệm tạp hoá. Họ đưa bà tới đồn công an Đắc Thắng. Một sĩ quan cho bà xem lướt qua tờ giấy ở trước mặt và nói rằng bà đã chính thức bị bắt và sẽ bị giam giữ.
Bà Trình bị giam tại đồn công an từ 2 giờ chiều đến 8 giờ tối. Sau đó cảnh sát đưa bà đến huyện Hợp Giang ở kế bên và cố gắng đưa bà vào trại tạm giam Hợp Giang. trại tạm giam đã từ chối tiếp nhận bà vì bà không đạt kết quả kiểm tra sức khỏe. Cảnh sát đã gọi cho người con trai tới đón bà. Cảnh sát đã đe doạ sẽ quay trở lại tìm bà.
Đây là lần thứ hai trong tháng bà Trình bị bắt. Lần đầu bà bị bắt là vào ngày 19 tháng 7 năm 2020 vì phân phát tài liệu có thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và thu nhập nhiều thông tin cá nhân của bà, bao gồm dáng đi, giọng nói, dấu vân tay và dấu tay. Bà Trình được bảo lãnh tại ngoại vào khoảng 11 giờ đêm hôm đó. Cảnh sát đã từ chối trả lại các sách Pháp Luân Công khi bà yêu cầu họ trước khi rời khỏi đồn công an.
Khoảng 3 giờ chiều ngày 8 tháng 9 năm 2020, sáu cảnh sát đã xông vào nhà bà Hồ Tú Hoa 83 tuổi ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông và bắt đầu chụp hình và quay phim nơi ở của bà.
Cảnh sát giơ nhanh một mảnh giấy trước mặt người chồng 87 tuổi của bà Hồ mà không để ông kịp đọc và nói rằng nó là lệnh khám xét nhà họ.
Trong khi một cảnh sát giữ tay bà Hồ thì những người khác lục soát xung quanh và tịch thu các sách cùng tài liệu thông tin Pháp Luân Công và chìa khoá phòng ngủ của bà.
Vẫn đang hồi phục sau đợt phẫu thuật, chồng bà Hồ còn rất yếu, ông đã bị cảnh sát làm kinh sợ và không ngừng run rẩy. Khi cảnh sát sắp đưa bà Hồ đến đồn công an, ông đã nói với họ với giọng run rẩy: “Các người không thể đưa bà ấy đi. Tôi đang dựa vào bà ấy để chăm sóc tôi.” Cảnh sát đã bỏ ngoài tai lời cầu xin của ông và vẫn bắt giữ bà Hồ.
Sau vài giờ thẩm vấn, bà Hồ đã được đưa trở về nhà vào khoảng 8 giờ 30 phút tối cùng ngày. Chồng bà đã ngã bệnh và bị liệt giường từ đó.
Một người phụ nữ 73 tuổi bị biệt giam sau khi bị bắt lần thứ 13 vì kiên định đức tin
Bà Chu Thiện Hội, một cư dân 73 tuổi ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã bị biệt giam kể từ khi bị bắt vào ngày 8 tháng 9 năm 2020. Đây là lần thứ 13 bà bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công.
Vì kiên định với đức tin mà bà tin rằng đã chữa khỏi cho mình bệnh dạ dày, viêm khớp dạng thấp và cứng vai, bà Chu đã liên tục bị bức hại và giam giữ. Bà đã bị giam 7 tháng trong một bệnh viện tâm thần và thụ án lao động cưỡng bức 1,5 năm. Trong khi bị giam, bà đã bị tra tấn bằng nhiều hình thức như bị đánh đập, kéo lê trên sàn, bị giẫm lên chân và bắp chân, cấm ngủ và biệt giam.
Bà cũng bị cảnh sát trói chặt bằng sợi dây thừng mỏng trong những tư thế đau đớn, hoặc bị quấn cổ tay bằng dây kim loại mỏng mà cắt sâu vào da thịt. Vì hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối bức hại, tù nhân đã nhét băng vệ sinh bẩn vào miệng bà, cạy miệng bà và bức thực bà bằng nước xà phòng.
Có lần, các tù nhân đã bức thực bà bằng thuốc độc sau khi bà tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. Bà nhanh chóng bị đau đớn cùng cực khắp cơ thể. Bà lăn lộn trên giường và không tài nào chợp mắt được. Khi lính canh đưa bà đến bệnh viện vào ngày hôm sau, phổi và túi mật của bà đã bị tổn thương. Trung tâm tẩy não ngay lập tức quyết định trả tự do cho bà. Bà Chu đã không thể ăn được khi trở về nhà. Bà gần như bị liệt và không thể cử động cổ. Trí nhớ của bà bị giảm sút rất nhiều và bà không thể tự chăm sóc được bản thân.
Hai học viên trên 90 tuổi bị sách nhiễu
Sáng ngày 1 tháng 9, bà Lưu Xán, một học viên 90 tuổi ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã bị một nhân viên bưu điện tố giác khi bà gửi những bức thư có nội dung về Pháp Luân Công. Người nhân viên đã nhận ra bà Lưu khi cô ta vừa nhận các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công từ bà một tuần trước đó.
Một nhóm cảnh sát nhanh chóng xuất hiện và đưa bà Lưu về đồn công an. Dù bà từ chối cung cấp tên và địa chỉ, cảnh sát đã lục soát ví của bà và lấy thông tin từ thẻ xe buýt của bà. Họ đã lục soát nhà bà và tịch thu nhiều tài sản cá nhân của bà.
Hai ngày sau, một học viên 90 tuổi khác ở Thiên Tân cũng bị sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công. Bốn cảnh sát đã đến nhà ông Tống (tên vẫn đang được điều tra) khoảng 7 giờ tối và yêu cầu ông đi cùng họ đến đồn công an.
Ngay khi đến đồn, cảnh sát bảo rằng ông đã bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công ở nhiều nơi. Ông trả lời rằng ông đã được hưởng nhiều lợi ích từ môn này và nhiều vấn đề sức khoẻ của ông, bao gồm bệnh tim, hen suyễn và huyết khối não, đều được chữa khỏi. “Tôi là một bác sỹ, nhưng tôi không thể chữa được bệnh của mình. Nhưng sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi không còn đến bệnh viện nữa và đã có sức khoẻ tốt dù tuổi đã cao.”
Khi ông Tống từ chối ký tên vào biên bản thẩm vấn, cháu trai của ông bị cảnh sát ép phải ký vào. Ông Tống đã trở về nhà lúc 9 giờ 30 tối.
Hai cảnh sát đã sách nhiễu ông lần nữa vào hôm sau và xé cặp câu đối thông tin về Pháp Luân Công trước mặt ông.
Bài liên quan:
Trong tháng 8 năm 2020, 1.184 học viên Pháp Luân Công trở thành mục tiêu bức hại của chính quyền
1.410 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 7 năm 2020
5.313 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ vào nửa đầu năm 2020
938 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 5 năm 2020
1.178 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2020
747 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2020
Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona
194 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 1 năm 2020
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/16/413838.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/22/187919.html
Đăng ngày 03-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.