Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 12-04-2020] Theo thông tin tổng hợp từ trang web Minh Huệ, trong tháng 3 năm 2020 đã ghi nhận 384 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và 363 trường hợp bị sách nhiễu vì kiên định đức tin của họ.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.

Khi việc hạn chế đi lại vì virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán hay COVID-19) dần nới lỏng trên khắp Trung Quốc vào tháng 3, số lượng học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu trong tháng 3 (747) cũng gấp đôi so với tháng 2, với 282 trường hợp bị bắt và 11 trường hợp bị sách nhiễu.

Tại thời điểm viết báo cáo này, 172 học viên vẫn đang bị giam giữ. Một số đang đối mặt với việc bị truy tố sau khi công an gửi hồ sơ của họ đến viện kiểm sát, và nhiều người vẫn bị chính quyền sách nhiễu sau khi được thả.

Trong số 747 học viên bị nhắm đến vào tháng 3, có 313 người bị công an lục soát nhà; 30 học viên bị tịch thu tổng cộng 172.800 nhân dân tệ tiền mặt, từ 200 nhân dân tệ đến 50.000 nhân dân tệ mỗi gia đình, và trung bình 5.760 nhân dân tệ một người.

Các học viên lớn tuổi cũng không ngoại lệ, có 43 học viên từ 65 tuổi trở lên bị nhắm đến vào tháng 3, gồm 29 người bị bắt và 14 người bị sách nhiễu.

Một cụ bà 81 tuổi ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị bắt nhầm và bị giam hai ngày. Một cụ bà khác hơn 80 tuổi ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị công an sách nhiễu và tra hỏi về con gái bà, cũng là một học viên Pháp Luân Công.

475dcb2578048b9be2f3b18cdec0c74f.jpg

Cuộc bức hại diễn ra ở 27 tỉnh và thành phố, với 15 khu vực có số vụ bắt giữ lên tới hai con số, và 9 khu vực có số vụ sách nhiễu ở mức hai con số. Cụ thể, các tỉnh Hà Bắc, Liêu Ninh, Sơn Đông và Cát Lâm mỗi nơi có hơn 40 vụ bắt giữ, tỉnh Hà Nam có hơn 90 vụ sách nhiễu.

bea7958b30f4c65564fc66783aa9e1b0.jpg

Tại thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, vào ngày 1 tháng 3 năm 2020, bà Tằng Tiểu Linh, 53 tuổi, sau khi bị bắt do bị báo chính quyền vì nói với người dân về Pháp Luân Công, đã bị đưa thẳng đến Nhà tù Huệ Châu. Bà đã bị tra tấn thể xác trong tù vì nói với mọi người về đức tin của bà. Không rõ là công an có kế hoạch đệ trình vụ án của bà lên viện kiểm sát địa phương hay không.

Một số học viên đã bị sách nhiễu liên tục nhiều ngày. Ông Tiền Kiến Khoa,79 tuổi, ở thành phố Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị sách nhiễu mỗi ngày từ 15 tháng 3 đến 20 tháng 3. Cuối cùng, ông bị ép phải viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý nguyện của mình.

Trong một vụ sách nhiễu khác, công an thành phố Bảo Định, tình Hà Bắc đã thu thập thông tin mống mắt bên cạnh việc lấy dấu vân tay và dấu gan bàn tay của bà Hạ Lập Hồng, là dấu hiệu cho thấy sự mở rộng thêm cơ sở dữ liệu sinh trắc học để giám sát công nhân.

Tiếp tục chính sách bức hại quốc gia

Không lâu sau khi lệnh phong toả được gỡ bỏ ở huyện Hy Thuỷ, tỉnh Hồ Bắc vào cuối tháng 3, chính quyền huyện đã ra lệnh tăng cường giám sát các học viên Pháp Luân Công địa phương và ngăn họ nói với mọi người về Pháp Luân Công và dịch bệnh. Chính quyền đã treo thưởng 1.000 nhân dân tệ cho bất kỳ ai báo cáo một học viên nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.

Ở các tỉnh Sơn Đông, Giang Tây, Hà Bắc, Liêu Ninh, Quý Châu và Cát Lâm, chính quyền đang tổ chức các phiên tẩy não nhằm “chuyển hoá thành công” các học viên địa phương.

Ở tỉnh Quý Châu, chính quyền địa phương đã ban hành một “kế hoạch số 0”, với dự định sẽ “chuyển hoá” mọi học viên cho đến cuối năm nay. Công an đang đến gặp từng học viên nằm trong danh sách và uy hiếp họ ký vào các tuyên bố ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Họ nói rằng hiện chính quyền đang “khoan hồng” đối với các học viên, nhưng sẽ trừng phạt nghiêm khắc nếu học viên từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Bà Trương Tố Vinh, một cư dân ở tỉnh Hà Bắc và là một nhân viên hưu trí của cục thực phẩm địa phương ở thành phố Trương Gia Khẩu, đã bị nhân viên ở nơi làm việc của bà sách nhiễu. Bà đã bị yêu cầu ký vào ít nhất sáu biên bản khác nhau có nội dung phỉ báng Pháp Luân Công. Họ đe doạ đình chỉ lương hưu của bà và đưa bà đến một trung tâm tẩy não nếu bà không ký. Bà đã từ chối thực hiện.

Chiến dịch đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh và tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công của ĐCSTQ

Theo một người trong cuộc, các uỷ ban ĐCSTQ địa phương đã tổ chức những cuộc họp bí mật khẩn cấp vào tháng 3 để thảo luận về việc tăng cường an ninh mạng và “giáo dục chính trị” sau khi dữ liệu nội bộ về dịch bệnh bị rò rỉ và bị báo cáo bởi các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông ở các nước Tây phương. Các cuộc họp cũng thảo luận các chủ đề như làm thế nào để nâng vấn đề dịch bệnh lên “một mức độ cao hơn”, và chuyển dịch sự giận dữ trong nước đối với ĐCSTQ sang “các lực lượng chống Trung Quốc ở Tây phương.”

Ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, những áp phích và video lăng mạ phỉ báng Pháp Luân Công bắt đầu xuất hiện trên các xe buýt vào cuối tháng 3.

ĐCSTQ không chỉ lợi dụng lòng yêu nước của người dân để đổ lỗi cho Pháp Luân Công là “huỷ hoại hình ảnh Trung Quốc” vì đã phơi bày sự thật về dịch bệnh ra cộng đồng quốc tế mà còn lặp lại những tuyên truyền công kích Pháp Luân Công suốt 20 năm qua là “tà giáo” và “mê tín”.

Ngoài những video phỉ báng Pháp Luân Công, ĐCSTQ cũng chiếu những chương trình truyền hình trên xe buýt công cộng về việc nó đã “cứu” Trung Quốc khỏi người Nhật và đang tự tô vẽ nó là “cứu tinh” số một của đất nước.

Trong một chiến dịch tẩy não khác, ĐCSTQ đang buộc trẻ em tham gia vào các tổ chức liên đới của nó là Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên Tiền phong. Trong khi học sinh tiểu học bị yêu cầu phải tham gia các lớp chính trị hàng tuần, tham gia vào các buổi chào cờ của ĐCSTQ, chụp và gửi hình ảnh của chính mình khi chào cờ và viết báo cáo suy nghĩ hàng tuần, thì học sinh trung học bị yêu cầu phải “học” “lịch sử vẻ vang” của ĐCSTQ, xem các tin tức tẩy não mỗi ngày và làm bài kiểm tra về nó. Một số trường đang sử dụng những dữ liệu này để đánh giá trình bộ chuyên môn cho “học sinh danh dự”.

Dưới đây là tóm tắt về một số trường hợp học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và sách nhiễu trong tháng 3 năm 2020.

1. Các vụ bắt giữ

Cảnh sát bắt nhầm một bà lão 81 tuổi và giam bà hai ngày

Ngày 23 tháng 3, một toán cảnh sát ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bắt giữ bà Cao Quỳnh Tiên, 81 tuổi do nhầm lẫn. Thậm chí sau khi họ nhận ra rằng đã bắt nhầm người, bởi dự định của họ là bắt một học viên Pháp Luân Công khác là bà Dương Đức Anh, không phải bà Cao – nhưng cảnh sát vẫn từ chối thả bà.

Sau khi lục soát nhà bà và ép bà đi kiểm tra sức khoẻ, họ đã đưa bà đến trại tạm giam Thành phố Côn Minh, tuy nhiên, cơ sở này đã từ chối nhận bà vì tuổi tác đã cao.

Cảnh sát đã đưa bà Cao quay trở lại đồn công an, giam bà hai ngày và tống tiền gia đình bà 1.000 nhân dân tệ.

Sách nhiễu sau khi được thả

Trong số các học viên được thả sau khi bị bắt, một số người vẫn đang bị chính quyền sách nhiễu.

Ngày 14 tháng 3 năm 2020, bà Thịnh Tú Văn ở thành phố Cao Bi Điếm, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt sau khi bị nhân viên quản lý thành phố để ý vì phân phát tài liệu về dịch bệnh. Không lâu sau đó công an đã đến và bắt bà.

Dù bà Thịnh đã sớm được thả, nhưng công an đã quay lại và sách nhiễu bà vài ngày sau đó. Họ ra lệnh cho bà phải ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã từ chối hợp tác.

Sau đó công an đã ra lệnh cho nhân viên an ninh trong khu phố của bà Thịnh theo dõi bà. Mỗi khi bà ra ngoài, bà phải cho họ biết bà đi đâu và trong bao lâu.

Bà lão 76 tuổi đối diện với việc bị truy tố

Bà Đồng Tố Thanh, một cư dân 76 tuổi ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã bị bắt vào tháng 3 năm 2020, sau khi bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Ngày hôm sau, bà đã được thả sau khi kết quả kiểm tra sức khoẻ cho thấy huyết áp của bà đang cao ở mức nguy hiểm.

Vài ngày sau khi được thả, công an đã thông báo cho con của bà rằng họ đã chuyển hồ sơ vụ án của bà đến Viện Kiểm sát Quận Nam Sơn với tội danh “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ được quy chuẩn của chính quyền Trung Quốc nhằm khép tội Pháp Luân Công.

Công an đã cấm bà Đồng rời Thâm Quyến trong vài tháng tới và nói rằng bà phải báo cáo cho họ mỗi khi họ triệu tập.

Người phụ nữ Quảng Đông bị bắt vì truyền rộng thông tin về đức tin của bà

Bà Tằng Tiểu Linh, 53 tuổi, một cư dân thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt vào ngày 11 tháng 3 năm 2020, sau khi bị báo chính quyền vì nói với người dân về Pháp Luân Công.

Cảnh sát đã đưa bà đến Nhà tù Huệ Châu sau khi bắt bà. Vì bà Tằng nói với những người bị giam khác về Pháp Luân Công và từ chối lao động khổ sai, lính canh tù đã bắt bà phải nằm úp mặt xuống đất, với hai tay và hai chân bị xích vào những chiếc neo ở trên sàn nhà. Một lính canh bảo bà rằng: “Nếu bà nói về Pháp Luân Công, thì nói với sàn nhà ấy.”

Cảnh sát thẩm vấn chồng bà Tằng, tra hỏi về nơi bà cùng các học viên khác học những bài giảng của Pháp Luân Công, và nơi bà lấy tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Họ nói với chồng bà: “Nếu ông khai ra hết những thông tin đó, thì trong vòng một tháng chúng tôi sẽ thả vợ ông ra, bằng không, bà ta sẽ bị giam ba tháng.” Không rõ là chồng bà có làm theo hay không.

Trước lần bắt giữ gần đây nhất, cảnh sát đã theo dõi bà Tằng và hai lần đe dọa bà không được tiếp tục phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Hà Bắc: Một phụ nữ trở thành mục tiêu vì đức tin của mình, dữ liệu sinh trắc học bị thu thập và gia đình bị sách nhiễu

Ngày 19 tháng 3 năm 2020, nhiều cảnh sát của Đồn Công an An Túc đã tìm anh trai của bà Hạ Lập Hồng, lấy điện thoại di động của ông và buộc ông đưa họ tới nơi ở của bà Hạ.

Ngay khi cha của bà Hạ mở cửa nhà, một nhóm cảnh sát mặc thường phục xông vào. Họ tịch thu điện thoại đi động của người đàn ông cao niên này và cháu trai của ông. Tiếp đó, họ lục soát nơi ở và tịch thu sách Pháp Luân Công, điện thoại di động cùng các tài sản cá nhân khác của bà Hà.

Biết rằng bà Hạ có một nơi cư trú khác, cũng ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, cảnh sát buộc anh trai của bà phải gọi điện cho bà và yêu cầu bà đợi ông ở đó. Sau đó, cảnh sát lái xe tới ngôi nhà kia của bà Hạ và bắt giữ bà.

Tại Đội An ninh Nội địa Từ Thủy, cảnh sát đã buộc bà Hạ phải thừa nhận rằng bà đã phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công ở một khu dân cư sau khi cho bà xem những bức ảnh chụp từ camera giám sát.

Cảnh sát còn thu thập dấu bàn tay, dấu vân tay và thậm chí cả thông tin về mống mắt của bà để nhận dạng sinh trắc học. Họ cố lấy mẫu máu của bà nhưng không thành công vì bà đã kháng cự quyết liệt.

Bà Hạ được trả tự do vào buổi tối cùng ngày.

Sống sót sau một thập kỷ bị tra tấn trong tù, người phụ nữ Cát Lâm lại bị bắt

Vừa mới sống sót sau một thập kỷ bị bức hại trong tù cách đây vài năm, một phụ nữ 49 tuổi ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, gần đây lại bị bắt giữ lần nữa vì không từ bỏ đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

b5b609822722cf61349cc406fb8af222.jpg

Bà Tống Ngạn Quần trước khi bị bức hại

e4e5b37448eab24165af9cea0ac2f676.jpg

Bà Tống Ngạn Quần sau 10 năm bị ngược đãi và tra tấn trong tù

Ngày 26 tháng 3 năm 2020, một nhóm cảnh sát đã gõ cửa nhà bà Tống Ngạn Quần, vờ lấy cớ là tiến hành điều tra dân số để lừa bà Tống mở cửa.

Cảnh sát nói với bà Tống rằng bức thư mà bà gửi cho Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong đó yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt bức hại Pháp Luân Công, đã bị Bắc Kinh trả lại và rằng Văn phòng Kháng cáo Quốc gia đã lệnh cho họ bắt giữ bà.

Bà Tống nói: “Tôi chỉ đang tìm công lý cho đức tin của mình. Tôi không làm gì sai cả, thế nhưng tôi gần như đã bị tra tấn đến chết ở trong tù. Giờ đây, tôi vẫn còn đang phải gánh chịu nhiều vấn đề về sức khỏe và không thể sinh hoạt một cách bình thường được nữa. Bức thư mà tôi viết cho ngài thủ tướng thì có gì sai đây?”

Mặc dù cảnh sát không bắt giữ bà ngay lúc đó, nhưng họ đã quay lại vào buổi tối và đưa bà tới đồn cảnh sát địa phương. Nhiều kinh sách Pháp Luân Công và những đồ cá nhân có giá trị khác của bà Tống đã bị tịch thu. Bà Tống hiện đang bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Cát Lâm.

Cha của bà Tống đã tìm cách giải cứu con gái tại đồn cảnh sát. Ông nói với cảnh sát rằng việc con gái ông bị cầm tù và tra tấn trong suốt một thập kỷ qua đã gây ra cho con gái ông những tổn thương ghê gớm cả về thể xác lẫn tinh thần. Mặc dù đã nhiều năm trôi qua kể từ khi bà trở về nhà, nhưng bà vẫn chưa hồi phục được. Ông cho biết con gái đã nói với ông rằng việc viết những lá đơn kháng cáo giúp làm vơi đi nỗi đau trong tâm, và ngày nào con gái ông cũng viết như vậy, đôi khi bà còn thức cả đêm để viết.

Cảnh sát đã bày tỏ sự cảm thông với bà Tống, nhưng họ cũng nói với cha bà rằng lệnh bắt giữ là chỉ đạo từ trên và họ không thể làm gì khác được. Cảnh sát cũng tiết lộ rằng chính quyền đang lên kế hoạch để kết án bà lần nữa.

Đi lại được sau bảy năm nằm liệt giường, người đàn ông đã bị bắt vì chia sẻ câu chuyện phục hồi kỳ diệu của mình

Sau bảy năm nằm liệt giường, anh Vương Hoài Vũ đã phục hồi thần kỳ sau khi anh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Bởi vì nói với mọi người về câu chuyện phục hồi của mình, anh đã bị bắt giữ vào ngày 29 tháng 3 năm 2020 và hiện đang bị giam giữ tại trại tạm giam huyện Triều Dương.

Anh Vương 32 tuổi ở thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh đã phải vật lộn với bệnh tự kỷ từ khi con nhỏ. Ngoài 20 tuổi, anh bị mắc bệnh yếu chân tay hiếm gặp. Anh gần như bị liệt và không thể làm được bất kỳ việc gì. Bác sỹ không thể tìm ra anh đang bị mắc bệnh gì và gia đình của anh không đủ khả năng chi trả cho chi phí điều trị đắt đỏ thêm nữa.

Mẹ của anh đã chăm sóc cho anh rất tận tình cả ngày lẫn đêm trong bảy năm qua, bao gồm ăn uống và tắm giặt.

Nhiều năm trước, một người bạn của anh Vương đã giới thiệu Pháp Luân Công cho anh. Sau khi nghe audio những bài giảng Pháp, anh Vương đã dần hồi phục khả năng vận động và thậm chí anh có thể mang những vật nặng lên tầng.

Biết ơn sâu sắc sự cải biến mà Pháp Luân Công mang lại cho mình, anh nói với mọi người về câu chuyện của mình và hối thúc họ không tin vào những tuyên truyền dối trá của ĐCSTQ. Bởi nỗ lực của mình, anh đã bị bắt giữ sau khi bị tố cáo vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công và chia sẻ câu chuyện hồi phục của mình với mọi người trong một công viên vào ngày 29 tháng 3.

Mẹ của anh đã gần 70 tuổi lo lắng rằng anh Vương sẽ bị tra tấn ở trong tù và không thể ăn hay ngủ. Trong khi đó, cảnh sát cũng đe dọa bắt giữ cả bà, khiến bà càng đau khổ hơn.

2. Những trường hợp sách nhiễu

Viện cớ kiểm soát dịch bệnh để sách nhiễu

Ở nhiều khu vực, chính quyền đang sử dụng cớ kiểm soát dịch bệnh để sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công.

Ngày 13 tháng 3 năm 2020, hơn mười công an ở Thiên Tân đã sách nhiễu nhiều học viên tại nhà với cái cớ là kiểm tra xem họ có bị nhiễm virus corona hay không. Công an đã tịch thu các sách Pháp Luân Công của họ và chụp hình họ cũng như thu thập mẫu máu và dấu vân tay.

Các học viên bị sách nhiễu ở Thiên Tân gồm có ông Đỗ Bảo Chu, bà Doãn Lộ, bà Vương Kim Quả, bà Lưu Thúy Lan, và bà Giả.

Ở thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc, bà Đường Hoàn Hương và bà Đường Thục Hoa (không phải là họ hàng) bị chặn lại trên đường vào tối ngày 16 tháng 3 năm 2020 bởi nhiều người tự xưng là tình nguyện viên làm việc cho thành phố đang giúp ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Những “tình nguyện viên” này nghi ngờ rằng hai học viên đã phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và tố giác họ với công an.

Tại đồn công an, công an đã thẩm vấn họ cả đêm và lục soát nhà họ vào hôm sau. Dù công an đã thả họ không lâu sau đó, và nói rằng trại tạm giam địa phương đang không nhận người vì dịch bệnh, nhưng vẫn hăm doạ rằng họ có thể đến tìm hai học viên sau khi dịch bệnh kết thúc.

Công an trèo qua hàng rào và dùng cưa để mở cửa nhà một cặp vợ chồng

Một nhóm công an đã sách nhiễu một cặp vợ chồng ở thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Công an đã trèo qua hàng rào nhà họ và dùng một cái cưa sắt để cắt mở cửa.

1c6c01352a4fb95f68feddfcb1c993b1.jpg

Thương Cảnh Cường, trưởng đồn công an, đứng ở bên ngoài tường rào sân nhà của bà Tần Anh Đình

Khoảng 11 giờ 30 phút sáng ngày 24 tháng 3 năm 2020, Thương Cảnh Cường, Trưởng Đồn Công an Trấn Bác Bình, đã dẫn một chục công an và bí thư thị trấn là Tần Quang Cử, tới gõ cửa nhà bà Tần Anh Đình.

Bà Tần và chồng đã từ chối mở cửa. Sau một hồi bế tắc, Thương và nhiều người khác đã trèo qua hàng rào và đi vào sân trước. Thương cũng ra lệnh cho bí thư Tần đem đến một cây búa và một cái cưa sắt để cắt khóa cổng trước.

Ngay sau khi mở được cổng, hơn chục công an đã ùa vào sân. Thấy rằng bà Tần cũng khoá cửa trước, Thương đã cố dùng cưa sắt để mở. Khi nhận ra cưa sắt không thể làm gì được, ông ta đã gọi người mang đến một chiếc máy mài góc.

Trong khi Thương đang đợi máy, những người hàng xóm của bà Tần phẫn nộ bởi sự bạo hành của công an, đã lặng lẽ tắt nguồn điện vào nhà bà Tần. Các hàng xóm cũng từ chối yêu cầu bật điện lại của công an.

Cuối cùng, công an vẫn mở được của nhà bà Tần bằng cưa sắt. Họ lục soát nhà bà và ghi hình căn nhà. Họ cũng tịch thu điện thoại di động có chứa hình ảnh công an xông vào nhà của cặp vợ chồng.

Con trai bà Tần đã vội vã về nhà khoảng 2 giờ chiều khi nghe tin vụ sách nhiễu. Khi về đến thì nhà trở thành một mớ hỗn độn sau vụ đột kích và bà Tần đang ngồi trên sàn sau khi bị công an đẩy ngã.

Con trai bà Tần hỏi Thương: “Các ông đang làm gì vậy? Tại sao lại phá cổng và cửa nhà chúng tôi?”

Thương đã từ chối trả lời và nhanh chóng rời đi cùng với các đồ vật tịch thu được từ cặp vợ chồng này.

Hà Bắc: Nhà của một phụ nữ bị lục soát sau khi camera giám sát ghi hình bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công

Ngày 21 tháng 3 năm 2020, công an thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc đã lục soát và ghi hình nhà bà Lưu Thu Trân. Họ đã tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, máy in và các tài sản cá nhân khác.

Công an cho biết họ đã bắt đầu tìm kiếm bà Lưu sau khi các camera giám sát ghi được cảnh bà dán và phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công vào tháng 2.

Vì không tìm được bà Lưu nên công an đã sách nhiễu con trai bà và liên tục hối thúc anh thuyết phục bà tự đến cục công an trình diện. Việc này gây áp lực to lớn lên con trai bà và nhiều người thân khác.

Công an đã hứa với con trai bà rằng họ sẽ không làm gì bà cả. Tin lời công an, bà Lưu đã đến đồn công an vào ngày 21 tháng 3, sau đó bà bị đưa về nhà và bị lục soát nhà cửa.

Dù công an đã không giam bà Lưu vì đang có dịch bệnh, nhưng sau này bà sẽ bị giam giữ hành chính 11 ngày.

Cừ Vĩnh Quang, đội trưởng Đội An ninh Nội địa địa phương, cũng lệnh cho công an Nguỵ Quang Lỗi đến gặp bà Lưu hai tuần một lần.

Bài liên quan:

33 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin của họ trong thời gian phong toả vì virus corona ở Trung Quốc

Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona

194 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 1 năm 2020

Các toà án của chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 193 học viên Pháp Luân Công khi dịch virus corona mới bùng phát


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/12/403690.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/15/184047.html

Đăng ngày 29-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share