Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 14-03-2020] Chính quyền cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục bức hại Pháp Luân Công trong khi đang nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus corona tại Trung Quốc. Trong tháng 2 vừa qua các vụ bắt giữ học viên Pháp Luân Công gia tăng. Theo số liệu Minh Huệ Net thu thập, trong tháng 2 năm 2020 đã có 282 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ, 15 người đã bị kết án và 113 người bị sách nhiễu bởi kiên định đức tin của họ.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Sau khi kết án 193 học viên Pháp Luân Công vào tháng 12 năm 2019 và tháng 1 năm 2020, tốc độ xử lý của hệ thống tòa án của chính quyền cộng sản chậm lại trong bối cảnh lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được thực thi trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong tháng 2 năm 2020 là 282 người tăng gấp đôi so với tháng 2 năm ngoái là 140 người. Năm nay, có 132 học viên đang bị giam giữ tại thời điểm viết bài, 113 học viên khác bị chính quyền sách nhiễu.
Một số học viên đã bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì đã khuyến khích người dân niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” để cũng được chuyển nguy thành an, giống như những người đã bình phục sau khi bị nhiễm virus corona bằng cách niệm chín chữ chân ngôn này.
Trong số 395 học viên bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin của họ trong tháng 2 năm 2020, 16 người ở độ tuổi 70 và năm người ở độ tuổi 80. Tổng số có 193 học viên bị lục soát nhà cửa. Chính quyền đã tống tiền tổng cộng 244.234 Nhân dân tệ từ 26 học viên với mức trung bình là 9.394 Nhân dân tệ một người.
Tám tỉnh và các thành phố đã báo cáo các vụ bắt giữ ở mức hai con số, gồm có tỉnh Hà Bắc (43), tỉnh Sơn Đông (38), tỉnh Liêu Ninh (37), tỉnh Hắc Long Giang (29), Bắc Kinh (21), Cát Lâm (19), Quảng Đông (16), và Thiên Tân (16); 15 khu vực còn lại báo cáo các vụ bắt bớ ở mức một con số.
15 học viên bị kết án trong tháng 2 thuộc sáu tỉnh và địa khu, gồm tỉnh Hà Bắc (5 học viên), tỉnh Cát Lâm (3), tỉnh Sơn Đông (3), thành phố Thiên Tân (2), tỉnh Liêu Ninh (1) và thành phố Thượng Hải (1). Thời hạn bản án dao động từ 7-9 năm, với mức án trung bình là 4,27 năm.
Các vụ sách nhiễu được báo cáo ở mức hai con số ở các tỉnh: Tứ Xuyên (27), tỉnh Sơn Tây (17), tỉnh Hà Bắc (15) và Bắc Kinh (11); 14 khu vực khác có các vụ sách nhiễu ở mức một con số.
Tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch, đã báo cáo có bảy vụ bắt bớ và hai vụ sách nhiễu.
Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án trong tháng 2 năm 2020 có thể tải xuống tại đây.
Các học viên bị kết án
Ba cư dân Hà Bắc bị kết án vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đối với đức tin của họ
Ngày 26 tháng 2 năm 2020, ba cư dân thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc bị kết án vì đã chạm khắc hồ lô mang thông điệp Pháp Luân Công.
Ông Hàn Tuấn Đức, 72 tuổi, bị kết án 8,5 năm tù giam. Bà Lý Diễm Thu 68 tuổi và cô Tôn Lệ Anh 42 tuổi, bị kết án tám năm tù giam.
Ba học viên này bị bắt giữ vào ngày 30 tháng 8 năm 2019. Cảnh sát đã tịch thu nhiều máy chạm khắc và lục soát nhà của các học viên.
Trái hồ lô với thông điệp “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” được viết ở phần thân trên
Bà Tôn và cô Lý đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Huyện Cao Dương vào ngày 24 tháng 12 năm 2019. Ông Hàn đã bị xét xử trước đó, và phán quyết của các vụ việc vẫn đang được điều tra.
Gia đình bà Tôn đã quyết định kháng cáo. Nhưng bởi dịch bệnh virus corona ở Trung Quốc và lệnh phong tỏa, gia đình bà Tôn không có cách nào để tới tòa án để nộp đơn kháng cáo.
Một cặp vợ chồng bị kết án nặng vì tu luyện Pháp Luân Công
Tòa án Quận Ninh Hà gần đây đã kết án nặng một cặp vợ chồng ở Thiên Tân bởi đức tin của họ vào Pháp Luân Công.
Ông Lý Cảnh Trung, một tài xế taxi, bị kết án tới chín năm tù. Vợ ông Lý, bà Đổng Thụ Hương bị kết án 7 năm tù.
Cặp vợ chồng này bị bắt giữ vào ngày 24 tháng 8 năm 2018. Cảnh sát đã lục soát nơi ở và giam họ tại Trại giam Quận Ninh Hà kể từ đó.
Hà Bắc: Một cặp vợ chồng bị kết án vì lên tiếng cho đức tin của mình
Một cặp vợ chồng ở huyện Thương, tỉnh Hà Bắc đã bị kết án tù vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công trong tháng 2 năm 2020.
Tòa án Quận Vận Hà đã kết án bà Bàng Tuệ Hà bảy năm tù giam cùng 20.000 Nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 11 tháng 2 năm 2020. Chồng bà, ông Trương Chấn Vỹ bị kết án một năm tù giam với hai năm thử thách và 5.000 Nhân dân tệ. Vợ chồng bà Bàng đã nộp đơn kháng cáo tới Tòa Trung cấp Thành phố Thương Châu.
Bà Bàng bị bắt giữ vào ngày 15 tháng 1 và ông Trương vào ngày 22 thang 2 năm 2019. Viện Kiểm sát Huyện Thương đã phê chuẩn lệnh bắt và chuyển các vụ việc này tời Viện Kiểm sát Quận Vận Hà.
Ông Trương được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 17 tháng 4. Bà Bàng vẫn đang bị giam giữ ở trong Trại giam Thành phố Thương Châu.
Khi luật sư của bà Bàng tới trại gặp bà vào ngày 28 tháng 4, ông thấy tay bà Bàng bị còng phía sau lưng, một cánh tay bị bẻ ngược ra sau lưng, tay còn lại bị kéo qua vai. Bà đã nói với luật sư rằng bà đã tuyệt thực để phản đối bức hại và đã bị tra tấn, bức thực.
Viện Kiểm sát Quận Vận Hà đã truy tố cặp vợ chồng này và chuyển hồ sơ vụ án của họ tới Tòa án Quận Vận Hà vào ngày 21 tháng 10 năm 2019.
Hai vợ chồng ông Trương hầu tòa vào ngày 27 tháng 12 và luật sư của họ đã đưa ra lời bào chữa vô tội. Hơn 1.000 cuốn sách Mục đích cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản, cuốn sách làm sáng tỏ nguồn gốc và bản chất của chủ nghĩa cộng sản, đã bị tịch thu tại nhà của ông bà và đưa vào làm bằng chứng chống lại họ.
Các vụ bắt bớ và sách nhiễu
Từ khi virus corona bùng phát ở Trung Quốc, đã có một số câu chuyện được chia sẻ trên website Minh Huệ nói về những người đã hoàn toàn bình phục sau khi có các triệu chứng giống như viêm phổi nhờ thành tâm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.
Được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện như vậy, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã dán các áp phích với thông điệp khuyến khích người dân [thành tâm] niệm chín chữ chân ngôn huyền năng đó.
Trong khi người dân Trung Quốc tiếp nhận thông điệp đó và cảm ơn các học viên vì đã nghĩ tới họ trong dịch bệnh, thì cảnh sát huyện Vĩnh Cát, tỉnh Cát Lâm lại bắt giữ ông Tôn Chí Văn, một học viên địa phương vào ngày 4 tháng 2 năm 2020 sau khi thấy ông dán các áp phích thông qua các camera giám sát.
Trương Ba, Trưởng phòng 619 Huyện Vĩnh Cát đã đưa ông Tôn tới Đồn Công an Thành Bắc và sau đó lục soát nhà ông. Tất cả các kinh sách Pháp Luân Công của ông đã bị cảnh sát tịch thu.
Ông Tôn đã được thả vào đêm muộn ngày hôm đó, nhưng cảnh sát đã gửi đoạn video ông treo các áp phích và đoạn video nhà ông bị khám xét tới điện thoại di động của nhiều người dân địa phương. Để vu khống Pháp Luân Đại Pháp, họ đã nói rằng ông đang treo “những khẩu hiệu phản động.”
Tấm áp phích mà ông Tôn đã dán có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, và “Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.
Người phụ nữ Cát Lâm bị giam giữ và tra tấn vì dán áp phích Pháp Luân Đại Pháp
Một cụ bà 71 tuổi ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm bị bắt vào ngày 16 tháng 2 năm 2020 sau khi bị tố cáo vì đã dán một tấm biểu ngữ khuyên người dân niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.
Các nhân viên thuộc Đồn Công an Bắc Kinh Lộ đã thẩm vấn bà Trương Tuấn Anh, tra hỏi bà về nguồn gốc của biểu ngữ. Bà từ chối trả lời.
Vì đang có dịch virus corona, các Trại tạm giam địa phương không nhận người, nên cảnh sát đã giam bà Trương ở trong đồn công an hai ngày và sau đó tống tiền gia đình 1.000 nhân dân tệ trước khi đưa bà về nhà vào ngày 18 tháng 2. Cảnh sát đã lục soát mọi căn phòng trong ngôi nhà của bà trước khi rời đi. Họ tuyên bố sẽ trả lại 1.000 nhân dân tệ này sau khi dịch bệnh chấm dứt.
Cảnh sát bắt giữ học viên Pháp Luân Công lúc nửa đêm để “đo nhiệt độ cơ thể”
Cảnh sát ở thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây đã gõ cửa nhà ông Tạ Kiến Tân và vợ là bà Triệu Nhiệm Viễn vào nửa đêm ngày 5 tháng 2 năm 2020 để yêu cầu “đo thân nhiệt“ của họ.
Ông Tạ đã nhắn tin cho một người bà con của ông về sự việc này và nói rằng ông không mở cửa. Sáng hôm sau, người bà con của ông Tạ đã gọi điện cho vợ chồng ông Tạ ngay sau khi đọc tin nhắn, nhưng ông Tạ và vợ ông đã bị cảnh sát bắt giữ.
Gia đình ông đã gọi điện cho Sỹ quan cảnh sát Yan ở Đồn Công an Thất Tinh vào ngày 8 tháng 2 để hỏi về trường hợp của ông bà. Sỹ quan cảnh sát này cho biết hai người họ bị bắt vì đã phát tặng các tài liệu Pháp Luân Công, nhưng anh ta từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào khác.
Khi gia đình ông Tạ gọi điện tới Đồn Công an Thất Tinh một tuần sau đó để hỏi về thông tin về họ, nhưng người cảnh sát trả lời điện thoại đã từ chối cung cấp thêm thông tin và nói với họ chờ đợi thông báo chính thức.
Một tuần sau, khi gia đình của hai học viên này gọi điện đến Đồn Công an Thất Tinh để hỏi thăm về họ, viên cảnh sát nhận điện thoại cũng từ chối cung cấp thêm thông tin về hai học viên và bảo họ đợi thông báo.
Chỉ khi gia đình phàn nàn rằng họ không biết gửi quần áo cho hai người thân của họ đến địa chỉ nào, thì viên cảnh sát đó mới tiết lộ rằng vợ chồng ông Tạ đang bị giam trong trại tạm giam Số 2 trên đường Kim Kê Lĩnh.
Cảnh sát ghi hình một học viên Pháp Luân Công hòng cố gắng khép tội bà
Khoảng 1 giờ chiều ngày 27 tháng 2 năm 2020, khi bà Trương Xảo Lôi, 49 tuổi, ở thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm đang đi trên phố thì bị một người đàn ông đi xe đạp chặn lại, còn một người khác đứng ở phía sau.
Hai người đàn ông này đã ghì bà Trương Xảo Lôi xuống đường, giật túi xách của bà. Sau đó, bà bị đưa tới Đồn Công an Khoái Đạt với hay tay bị còng ra sau lưng. Ngón tay cái và cánh tay phải của bà đã bị thương trong vụ bắt giữ.
Tại đồn, một vài cảnh sát đã thẩm vấn bà Trương và cố gắng ép bà thừa nhận đã phát các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.
Bà Trương từ chối hợp tác. Cảnh sát nói: “Chúng tôi rất khó khăn mới gỡ được những tấm áp phích mà Pháp Luân Công các bà dán lên. Chúng tôi chưa tìm ra ai đã dán chúng, nếu bà không phối hợp, chúng tôi sẽ đổ vấy mọi thứ là do bà làm.”
Khi một nhóm cảnh sát đang thẩm vấn bà Trương, thì hơn 20 cảnh sát khác tiến hành lục soát nhà bà sau khi đoạt lấy chìa khóa nhà của bà.
Con gái bà Trương, đang là sinh viên đại học và đang phải ở nhà một mình, đã vô cùng sợ hãi trước sự đổ bộ của cảnh sát. Cảnh sát lục soát nơi ở của họ trong hơn ba giờ đồng hồ và lấy đi các sách Pháp Luân Đại Pháp, một máy tính, và hơn 3.000 Nhân dân tệ tiền mặt của bà Trương.
Vào khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau, Công an Huyện Thông Hóa đã điều động tám xe cảnh sát, và họ đã đưa bà Trương với hai tay bị còng tới một khu phố mua sắm sầm uất.
Cảnh sát cố gắng ép bà Trương phải thừa nhận đã dán hoặc phân phát các tài liệu Pháp Luân Công tại một vài nơi trên con phố này. Khi bà từ chối, cảnh sát đã ghi hình lại một địa điểm, và sau đó vu khống bà đã dán tài liệu ở đó.
Bà Trương cố gắng để tránh bị ghi hình, nhưng cảnh sát cầm máy quay bao vây xung quanh bà. Khi nhiều người kéo tới để xem cảnh hỗn loạn này, bà Trương liền hướng về đám đông xung quanh hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!” Cảnh sát liền vội vàng đưa bà đi.
Khoảng 9 giờ sáng, cảnh sát đưa bà Trương về nhà bà, cùng với những đồ đạc đã tịch thu từ nhà bà. Họ để những món đồ đó trở lại chỗ cũ từng cái từng cái một và ghi hình bà đứng cạnh mỗi món đồ.
Bà Trương bị đưa trở lại đồn công an vào khoảng 11 giờ sáng và được thả vào lúc 1 giờ chiều cùng ngày sau khi nộp 3.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh.
Cảnh sát dùng thuốc lá đốt mặt và tay một người đàn ông trong quá trình thẩm vấn
Ông Dương Đình Tiên, ngoài 60 tuổi, là cư dân thành phố Bình Hương, tỉnh Giang Tây đã bị bắt giữ vào ngày 26 tháng 2 năm 2020 sau khi bị tố cáo vì đã giảng chân tướng cho các nhân viên đang trực ban tại lối vào khu phố của ông về Pháp Luân Công.
Sáu cảnh sát của Đồn Công an Hồng Sơn tra hỏi ông Dương đã lấy những cuốn tài liệu Pháp Luân Công đó ở đâu. Ông Dương từ chối trả lời và chỉ nói rằng ông phát tặng những cuốn sách này để mang lại lợi ích cho mọi người.
Trong quá trình thẩm vấn, cảnh sát đã dùng thuốc lá đốt mặt và tay của ông Dương, khiến mặt và tay ông bị bỏng và phồng rộp. Cảnh sát đã tra tấn ông hơn hai giờ đồng hồ và thả ông vào sẩm tối.
Nhiều cư dân Hồ Bắc bị chính quyền nhắm tới
Mặc dù toàn tỉnh Hồ Bắc (tâm chấn của đại dịch virus corona) vẫn đang bị phong tỏa, nhưng nhiều học viên Pháp Luân Công vẫn kiên trì phơi bày cuộc bức hại đức tin của họ.
Bà Trịnh Tôn Tú, 72 tuổi, ở thành phố Mã Thành, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt vào ngày 12 tháng 2 năm 2020 vì phát tặng các tài liệu về Pháp Luân Công. Từ khi được thả vào chiều tối cùng ngày, bà đã phải sống xa nhà để tránh bị bức hại leo thang. Gia đình rất lo lắng cho bà.
Cũng vào ngày 12 tháng 2 năm 2020, bà Lưu Kế Thanh, một học viên khác ở thành phố Mã Thành, bị bắt vì phân phát các tài liệu Pháp Luân Công. Bà đã bị tạm giam trong bảy ngày.
Ông Lâm Tương Hoa, ngoài 70 tuổi, một cư dân thành phố Vũ Hán, bị bắt vào ngày 14 tháng 2 năm 2020 vì đã phát các tài liệu Pháp Luân Công. Ông bị đưa tới Đồn Công an Phố Hán Thủy Cao, ở đó cảnh sát đã chụp hình và lấy mẫu máu của ông. Ông được thả vào buổi tối cùng ngày.
Điện thoại di động bị giám sát
Khi chính quyền tiếp tục hạn chế thông tin trong bối cảnh dịch virus corona, một số học viên Pháp Luân Công đã bị [chính quyền] nhắm đến vì gửi đi các thông tin hoặc nói với người dân về tình hình hiện tại qua điện thoại di động của họ.
Ông Trương Trung Bình ở huyện Mộng Âm, tỉnh Sơn Đông bị bắt vào ngày 15 tháng 2 năm 2020 vì gửi một tin nhắn tới một người bạn để khuyến khích bạn ông niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để được bình an trong dịch virus corona. Ông Trương đã bị giam giữ trong tám ngày.
Một học viên ở Thiên Tân đã bị ngừng cung cấp dịch vụ điện thoại di động sau khi cô gọi điện cho họ hàng của mình và nói với họ về cụm từ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.
Cô đã liên hệ với bên cung cấp dịch vụ nhưng được thông báo rằng đó là một “vấn đề chính trị” và dịch vụ di động của cô sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn.
Cảnh sát nói với một người phụ nữ Sơn Đông: “Bà không được phép nói có bao nhiêu người đã chết bởi dịch virus corona Vũ Hán”
Bà Trâu Hoa Hương ở thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông bị bắt vào ngày 25 tháng 2 năm 2020 sau khi bà bị tố cáo vì nói với một nam thanh niên rằng có một số người đã bình phục khỏi dịch bệnh virus corona bằng cách niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.
Ba cảnh sát mặc thường phục đã đưa bà tới đồn công an. Họ nhục mạ và không để bà lên tiếng. Họ cũng thu thập mẫu máu dù không được sự đồng ý của bà và nói bà “không được phép nói có bao nhiêu người đã chết bởi dịch virus corona Vũ Hán”.
Bà Trâu được thả vào cuối ngày hôm đó. Ngày hôm sau, cảnh sát đã tới nhà và tịch thu nhiều sách Pháp Luân Công cùng các tài liệu khác của bà.
Cảnh sát đã tống tiền 40.000 Nhân dân tệ từ gia đình của một người phụ nữ Sơn Đông
Bà Tôn Bí Hương ở thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vào ngày 8 tháng 2 năm 2020 vì đã phát tặng các tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà bà Tôn và tịch thu các sách Pháp Luân Công và tài liệu liên quan.
Bởi vì các trại giam địa phương từ chối tiếp nhận bà Tôn vì đại dịch virus corna nên cảnh sát đã thả bà về nhà. Họ đã tống tiền gia đình bà 40.000 Nhân dân tệ.
Cảnh sát lục soát nhà một cặp vợ chồng để “điều tra về dịch bệnh virus corona”
Tại huyện Trác Lộc, tỉnh Hà Bắc, chồng của bà Khương Chính Lan đã nhận được một cuộc điện thoại từ người chủ nhà trọ vào ngày 24 tháng 2 năm 2020. Chủ nhà cho biết rằng cảnh sát đã tới đó để điều tra về dịch bệnh virus corona và yêu cầu ông về nhà ngay lập tức để trả lời các câu hỏi của cảnh sát.
Chồng bà Khương vội vã trở về nhà, ở đó cảnh sát đã lệnh cho ông phải mở cửa nhà cho họ. Khi họ vừa tới thì thấy một cảnh sát đang cầm sẵn một cái xà beng, chuẩn bị cạy cửa. Cảnh sát đã tịch thu máy tính cá nhân, máy in và các tài liệu Pháp Luân Công của hai vợ chồng.
Cảnh sát định bắt giữ chồng bà Khương, ngoài 70 tuổi, nhưng đã nhượng bộ vì sự có mặt của họ khiến ông lo lắng tới mức bất tỉnh. Ông bị yêu cầu tới đồn công an để trả lời các câu hỏi vào ngày hôm sau.
Bài liên quan:
194 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 1 năm 2020
Bài liên quan bằng tiếng Trung:
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/14/402422.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/16/183662.html
Đăng ngày 27-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.