Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-12-2020] Một cặp vợ chồng ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt vào ngày 15 tháng 7 năm 2020, vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Vào ngày 25 tháng 8, người chồng là ông Khương Toàn Đức, đã qua đời tại nhà sau khi được thả vì tình trạng sức khỏe yếu. Vợ ông, bà Tôn Tú Anh, hiện bị giam trong Trại tạm giam huyện Nông An và đang đợi Tòa án Đức Huệ xét xử.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Dưới đây là bức thư ngỏ của con trai bà Tôn viết cho thẩm phán, hối thúc ông ta hủy bỏ vụ kiện chống lại bà Tôn.

Thưa ngài Thẩm phán, tôi là con trai của bà Tôn Tú Anh. Cảm ơn ông đã dành thời gian đọc lá thư này. Tôi tin rằng ông cũng biết cha tôi, ông Khương Toàn Đức, người vừa qua đời do hậu quả của cuộc bức hại hồi tháng 8 vừa qua. Hiện giờ mẹ tôi vẫn đang bị giam giữ tại trại tạm giam huyện Nông An. Một gia đình hạnh phúc mà tôi từng có giờ đã tan vỡ.

Cha tôi từng làm việc tại Kho dự trữ Lương thực huyện Nông An với vị trí là thủ kho. Ông thường làm việc từ 6 giờ sáng cho đến 8 hoặc 9 giờ tối. Ông thường không có thời gian để nghỉ trưa mà chỉ ăn uống qua loa rồi quay lại làm việc. Công việc vất vả đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông và ông dần dần nghiện rượu và hút thuốc. Tính khí của ông cũng trở nên xấu đi theo thời gian. Khi ông say xỉn, ông sẽ gây gổ và đánh đập mẹ tôi. Đôi khi tôi thấy mẹ tôi khóc một mình trong đêm.

Sau đó, mẹ tôi nghe nói rằng Pháp Luân Công có thể cải thiện sức khỏe và tâm tính của một người, vì vậy cả bà và bố tôi đều bắt đầu tu luyện. Một năm sau, bố tôi thực sự bỏ được thuốc lá và uống rượu. Ông dường như đã trở thành một người khác, bắt đầu quan tâm chăm sóc mẹ tôi. Gia đình tôi đã hạnh phúc và hòa thuận trở lại.

Nhưng cuộc sống hạnh phúc của chúng tôi không kéo dài lâu. Năm 1999, Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc) bắt đầu ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Từ năm 1999 đến năm 2001, cha tôi bị bắt ba lần. Năm 2002, bố mẹ tôi đều bị bắt. Khi đó tôi mới chỉ là một cậu thiếu niên và tôi không thể hiểu hết chuyện gì đang xảy ra.

Không có cha mẹ, anh trai và tôi phải đến nhà bạn bè và họ hàng để xin ăn. Một số người thân đã từ chối và không để chúng tôi vào nhà của họ. Chúng tôi thường cảm thấy cô độc, bất lực và tuyệt vọng. Chúng tôi vật lộn sống qua ngày, và ngày ngày mong ngóng bố mẹ trở về.

Một năm sau, mẹ tôi trở về, nhưng bố tôi thì bị kết án 11 năm. Trong những năm bố tôi bị cầm tù, mẹ tôi đã làm việc rất vất vả để nuôi anh tôi và tôi, cho đến khi cả hai chúng tôi kết hôn và chuyển ra ngoài sống. Tôi không thể tưởng tượng được mẹ tôi đã phải hy sinh lớn nhường nào và mẹ đã trải qua biết bao nhiêu thống khổ và áp lực để nuôi dạy chúng tôi khôn lớn, tất cả đều đều do một mình mẹ tôi cáng đáng.

2004-6-6-tiger_bench--ss.jpg

Minh họa tra tấn: ghế cọp

Đối với cha tôi, ông đã bị tra tấn dã man trong khi bị giam giữ, bao gồm cả tra tấn trên ghế cọp, giường chết, trói chặt, sốc điện và ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ mà không được cử động. Lính canh còn trùm một chiếc túi ni lông lên đầu và dùng que tre vót nhọn đâm vào ngón tay và núm vú của ông.

Trong một lần tra tấn khác, lính canh còng tay ông ra sau lưng và kéo hai tay của ông từ sau lưng, vượt qua đầu ra phía trước. Họ lặp lại điều này hơn mười lần. Sau đó, họ còn vặn cổ tay ông. Hậu quả là cánh tay phải của ông bị gãy và bị tàn tật. Răng của ông cũng bị rụng.

Năm 2013, sau khi bị tra tấn đến thập tử nhất sinh, cuối cùng cha tôi đã trở về, nhưng lại bị bắt vào năm 2015 và sau đó là vào năm 2016 cùng với mẹ tôi. Vào ngày 15 tháng 7 năm 2020, cả hai bị bắt thêm một lần nữa. Vào thời điểm bị bắt cha tôi đã rất yếu và ông qua đời vào ngày 25 tháng 8, không lâu sau khi được trả tự do. Mẹ tôi thậm chí còn không được phép gặp mặt ông lần cuối.

Hiện tôi và anh trai đang tập trung toàn lực để giải cứu mẹ mình, người đã 66 tuổi. Vì cuộc bức hại này, bà đã phải chịu đựng quá nhiều. Nhưng dù đau khổ, bà vẫn giữ vững đức tin của mình và chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt. Bà không bao giờ ngần ngại giúp đỡ người khác, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bà sẽ phải chịu thiệt về mình.

Nếu bà thấy ai đó trên xe buýt không có tiền lẻ, bà sẽ trả tiền vé cho họ. Nếu bà nhìn thấy một người lớn tuổi trên phố, bà sẽ giúp họ xách đồ và đưa họ về nhà. Mặc dù bản thân không có nhiều tiền, nhưng bà luôn giúp đỡ khi họ hàng của chúng tôi đến vay tiền của bà. Khi một người thân lừa bà hơn 10.000 nhân dân tệ, bà vẫn không có oán thán người đó.

Tôi không thể hiểu nổi, đối với một người tốt như mẹ tôi, làm sao bà có thể vi phạm pháp luật và “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật?” [Ghi chú của biên tập viên: đây là cái cớ quy chuẩn mà ĐCSTQ sử dụng để kết tội các học viên Pháp Luân Công.] Tôi đã tra cứu trực tuyến và không thấy bất kỳ luật nào cho rằng Pháp Luân Công là một tổ chức tà giáo.

Hiến pháp bảo vệ quyền tự do tôn giáo, là quyền cơ bản không thể bị xâm phạm bởi bất kỳ cơ quan chính phủ, tổ chức hay cá nhân nào. Hiện có nhiều người tại hơn 100 quốc gia và khu vực đang tu luyện Pháp Luân Công, và chỉ ở Trung Quốc, họ mới bị bức hại.

Thật buồn khi thấy rất nhiều người tham gia vào cuộc bức hại do Giang Trạch Dân phát động. Giang có ba chính sách bức hại: “Bôi nhọ thanh danh, hủy hoại thân thể và vắt kiệt tài chính.” Tuy nhiên, không có chính sách nào được ban hành dưới dạng bản cứng mà chỉ được chỉ thị bằng miệng. Tôi nghĩ bản thân họ biết rất rõ rằng một khi Pháp Luân Công được minh oan trong tương lai, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Nhưng nếu không có bất kỳ bằng chứng nào về sự dính líu của họ, các quan chức cấp dưới thực hiện chính sách bức hại đối với họ sẽ trở thành con dê thế tội khi sự thật được phơi bày trước ánh sáng.

Thưa ngài thẩm phán đáng kính của tôi, tôi biết ông cũng đang chịu áp lực từ cấp trên, nhưng ông cũng có tiếng nói của riêng mình. Tôi hy vọng ông có thể đưa ra quyết định dựa trên lương tri của mình và trả lại công bằng cho mẹ tôi. Anh trai tôi và tôi đã mất cha và chúng tôi không thể lại mất thêm mẹ nữa. Trời cao đang nhìn chúng ta. Tôi tin rằng ông sẽ được phúc báo cho sự lựa chọn đúng đắn của mình. Chúc ông và toàn thể gia đình luôn hạnh phúc và bình an. Một lần nữa cảm ơn ông! Con trai của Tôn Tú Anh. Ngày 10 tháng 11 năm 2020.

Bài liên quan:

Từng bị cầm tù 11 năm, người đàn ông Cát Lâm qua đời sau một tháng rưỡi bị bắt giữ vì đức tin của mình

14 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến trong các vụ bắt giữ nhóm ở tỉnh Cát Lâm vẫn đang bị giam cầm


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/8/吉林农安县孙秀英被构陷到法院-儿子呼吁释放-416155.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/27/189033.html

Đăng ngày 08-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share