Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 05-01-2022] 132 học viên Pháp Luân Công được xác nhận đã qua đời trong năm 2021 do cuộc bức hại đức tin của họ.

Những trường hợp tử vong mới được ghi nhận bao gồm 2 học viên qua đời vào năm 2017, 3 người vào năm 2018, 2 người vào năm 2019, 24 người vào năm 2020 và 101 người vào năm 2021.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi được phổ truyền ra công chúng vào năm 1992, có rất nhiều người đã sống chiểu theo các Pháp lý cao thâm của pháp môn và thu được nhiều lợi ích về sức khỏe và tinh thần. Lo sợ trước sự phổ biến nhanh chóng của Pháp Luân Công, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999 nhằm tiêu diệt pháp môn này.

Từ đó, hàng trăm nghìn học viên đã bị sách nhiễu, bắt giữ, giam giữ, cầm tù và tra tấn. Tính đến ngày 6 tháng 1 năm 2022, có tổng cộng 4.726 trường hợp tử vong đã được trang web Minghui.org công bố. Nhưng do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.

Năm 2021, có 101 trường hợp tử vong xảy ra trong cả năm, với 60 học viên qua đời từ tháng 1 đến tháng 6.

ebf8d3412dc4a38b9e534e4ddbd10bb1.jpg

Các học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết trong năm 2021

Hàng thứ nhất (từ trái sang phải): Đinh Quế Anh, Lã Quan Như, Mao Khôn, Lã Tùng Minh, Lưu Tú Phương, Tạ Đức Văn

Hàng thứ hai (từ trái sang phải): Lý Thái Nga, Trương Thúy Thúy, Lý Hồng Vỹ, Công Phi Khởi, Khang Ái Phân, Ngô Đông Thăng

Hàng thứ ba (từ trái sang phải): Vương Hương Cúc, Lý Quế Nguyệt, Chu Hiền Văn, Quách Kỳ, Tôn Tú Quân, Sơ Lập Văn

Hàng thứ tư (từ trái sang phải): Quách Hồng Nhạn, Mã Anh, Thường Tú hoa, Phan Anh Thuận, Tống Tú Liên, Phó Quý Hoa

Trong số các học viên đã qua đời, có 85 người là nữ giới, đến từ 25 tỉnh thành. Hắc Long Giang (25), Liêu Ninh (22) và Cát Lâm (15) là các tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất. 22 khu vực còn lại ghi nhận con số từ 1 đến 8.

Trong số 112 học viên đã biết tuổi, họ có độ tuổi từ 39 đến 85. Học viên trẻ nhất là anh Phổ Chính , người đã bị tra tấn đến chết tại Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam vào năm 2017. Các học viên lớn tuổi nhất là bà Lý Cảnh Hà và bà Nhâm Xán Như , hai giáo viên nghỉ hưu, đã qua đời sau khi bị chính quyền sách nhiễu.

Đối với một số học viên lớn tuổi, trước cái chết bi thảm của chính họ, họ còn phải chịu đựng nỗi đau mất con vì cuộc bức hại. Con trai của bà Nhâm Xán Như, anh Viên Giang , đã qua đời cách đây 20 năm vì bị tra tấn. Ông Đàm Phượng Minh, một người cha 82 tuổi , đã không bao giờ gặp lại con trai mình sau năm 2004 khi ông đi phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Ông Đàm hiện đã qua đời và con gái của họ vẫn đang thụ bản án bốn năm vì tu luyện Pháp Luân Công, người vợ 77 tuổi của ông Đàm phải chật vật đối phó với nỗi đau buồn và chăm sóc cho bản thân.

Một ông lão 80 tuổi đã không được trả tự do sau khi mãn hạn 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Thay vào đó, các nhà chức trách đã giam giữ ông Lưu Hy Vĩnh và sau đó vài tháng còn bắt ông chịu thêm thời hạn 4 năm nữa. Ông đã bị từ chối bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế dù trong tình trạng nguy kịch và đã qua đời vào ngày 29 tháng 12.

Còn 8 học viên đã qua đời khác cũng ở độ tuổi 80, 28 người ở độ tuổi 70, 31 người ở độ tuổi 60, 36 người ở độ tuổi 50 và 4 người ở độ tuổi 40. Họ đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm giáo viên, kế toán, bác sỹ, kỹ sư và công nhân nhà máy.

25 học viên đã qua đời trong khi bị giam giữ, trong đó có 13 người tử vong trong tù và 10 người trong trại tạm giam. Một phụ nữ 45 tuổi chết trong đồn cảnh sát và một người đàn ông chết trong bệnh viện, cả hai qua đời chỉ một ngày sau khi bị bắt. Đối với một số học viên đã qua đời trong tù, chính quyền không cho phép gia đình họ nhìn thấy thi thể của người đã mất và buộc họ phải hỏa táng. Những gia đình được phép nhìn thấy thi thể của họ thường cho biết rằng người thân của họ đã bị thương nặng.

Trong số những học viên qua đời, nhiều người đã phải chịu đựng nhiều thập kỷ tù đày và tra tấn trước khi mất. Một bà lão 72 tuổi bị giam trong bệnh viện tâm thần 20 lần, một giáo viên dạy lịch sử 53 tuổi bị kết án 14 năm tù, và một phụ nữ 68 tuổi đã phải thụ án tù lao động và tổng cộng ba án tù trong 17 năm.

Chỉ vài tuần trước khi được trả tự do theo kế hoạch sau khi mãn hạn sáu năm, một bà lão 76 tuổi đã qua đời ba ngày sau khi được lính canh khiêng về nhà trong tình trạng bất tỉnh. Một phụ nữ bị đánh đập đến chết hai ngày trước khi được thả sau khi thụ bản án 5 năm. Một người đàn ông khác đã không được ân xá cho đến một ngày trước khi qua đời vì bị cổ trướng nặng.

Trong một số trường hợp, sự đau khổ về tinh thần do bị sách nhiễu liên tục cũng có thể gây ra cái chết cho các học viên. Sau khi bị sách nhiễu, sức khỏe của người phụ nữ 67 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang vốn đã suy giảm lại trở nên ngày càng xấu đi. Thậm chí sau khi bà qua đời một tháng, chính quyền vẫn gọi điện cho chồng bà và yêu cầu bà phải trình báo với văn phòng ủy ban dân cư địa phương.

Dưới đây là danh sách những học viên đã qua đời vào năm 2021. Danh sách đầy đủ của 132 học viên đã qua đời có thể được tải tại đây (bản PDF).

Qua đời trong khi bị giam

Bị kết án 4 năm ngay sau khi hoàn thành bản án 3 năm, cụ ông 80 tuổi tử vong trong tù

2cb7ec01b52e3fa30d9c6f22f1d93003.jpg

Ông Lưu Hy Vĩnh

Ngày 9 tháng 4 năm 2021, khi người nhà ông Lưu Hy Vĩnh tới nhà tù để đón ông, họ đã suy sụp khi biết rằng ông lão 80 tuổi, người vừa mãn hạn tù ba năm, đã bị cảnh sát đưa đi. Ông bị kết án thêm 4 năm 4 tháng, sau đó ông mắc bệnh tiểu đường và ứ dịch trong ngực. Các nhà chức trách đã còng tay và cùm ông vào giường bệnh trong khi ông đang được điều trị.

Ngày 9 tháng 12, ông Lưu phát sinh một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác. Khi được đưa đến bệnh viện, ông ngồi trên xe lăn đặt trong lồng sắt ở phía sau xe tải. Gia đình ông đã rất sốc khi thấy khuôn mặt, tay và chân của ông đều bị sưng phù. Dường như ông đã bị liệt và không thể nói rõ. Khi cháu gái của ông cố gắng chỉnh lại khẩu trang cho ông, thì lính canh đe doạ cô và không cho gia đình đến gần.

Các lính canh yêu cầu gia đình ông Lưu phải chi trả toàn bộ các chi phí điều trị y tế của ông. Họ tuyên bố rằng ông có sức khỏe kém từ trước khi bị bắt và họ không chịu trách nhiệm về tình trạng của ông. Gia đình ông nhiều lần nộp đơn xin bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế cho ông nhưng đều bị từ chối.

Ông Lưu qua đời trong bệnh viện vào ngày 29 tháng 12. Các nhân viên nhà tù không cho phép con trai ông đưa thi thể của ông đi. Họ tự đưa thi thể ông đến nhà tang lễ vì sợ gia đình ông sẽ làm đơn tố cáo họ. Cảnh sát đã canh giữ thi thể của ông cho đến khi được hỏa táng vào ngày 1 tháng 1.

Khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông Lưu đã nhiều lần bị tống giam vì kiên định đức tin và nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Ông bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức sau một vụ bắt giữ vào tháng 4 năm 2002 và bị kết án 3,5 năm sau một vụ bắt giữ khác vào ngày 24 tháng 7 năm 2008. Sau lần bắt giữ cuối cùng vào ngày 9 tháng 4 năm 2018, ông lại bị kết án 3 năm mà không qua xét xử. Khi vợ ông tìm cách giải cứu ông tại đồn công an địa phương trong tuyệt vọng, một cảnh sát nói với bà: “Lần này, chúng tôi sẽ cho ông ấy chết!”.

Người phụ nữ 45 tuổi tử vong sau một ngày bị bắt giữ

Cô Lý Song Yến, 45 tuổi, cư dân thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, đã tử vong sau một ngày bị bắt giữ vào ngày 16 tháng 12 năm 2021, vì sản xuất tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cô đã bị thẩm vấn và tra tấn trong gần 30 tiếng đồng hồ tại Đồn Công an Phú Lực. Khi cô đang cận kề cái chết, cảnh sát đã yêu cầu chồng cô đến đón cô sau khi anh tan sở.

Khi chồng cô Lý đến đồn công an, cô đã không thể tự mình đi lại được và được ba cảnh sát khiêng ra. Cô cất giọng thều thào và yếu ớt bảo chồng: “Đi về nhà thôi”.

Cô Lý đã trút hơi thở cuối cùng khi còn đang trên đường về nhà. Ngay khi trở về nhà, chồng cô đã gọi xe cấp cứu nhưng khi xe cấp cứu đến thì phát hiện cô đã ngừng thở.

Mất vợ trong cuộc bức hại đức tin, người đàn ông Sơn Đông qua đời sau một ngày bị bắt giữ Ông Tôn Phi Tiến ở huyện Mông Âm, tỉnh Sơn Đông, đã qua đời một ngày sau khi bị bắt khi đang làm việc trên thửa ruộng của gia đình vào ngày 17 tháng 6 năm 2021. Ngày 18 tháng 6, cảnh sát thông báo cho gia đình ông Tôn về cái chết của ông. Họ nói rằng ông Tôn từ chối xét nghiệm virus corona tại Bệnh viện Trung y huyện Mông Âm, ông đã nhảy từ trên lầu xuống và chết ngay lập tức. Cảnh sát phong tỏa hiện trường và không cho phép bất kỳ ai đến gần.

Khi gia đình ông Tôn nhìn thấy thi thể ông tại Nhà Tang lễ huyện Mông An, họ phát hiện rằng ông bị rỉ dịch não, mất một bên nhãn cầu và bụng của ông hõm xuống. Các nhà chức trách buộc gia đình ông phải hỏa táng thi thể ông 8 ngày sau đó. Họ cũng cấm gia đình ông không được kháng cáo hay đệ đơn kiện gì về cái chết oan ức của ông.

Trước khi ông Tôn bị bắt, con gái của ông (tên riêng là Kiều Kiều), cũng bị bắt tại nhà riêng và đang bị giam tại trại tạm giam Lâm Nghi.

Sau cái chết của ông Tôn, Kiều Kiều hiện đang mồ côi cả cha lẫn mẹ vì mẹ của cô là bà Vu Tại Hoa cũng đã qua đời sáu năm trước sau 11 năm sống phiêu bạt để tránh bị bức hại vì đức tin chung của gia đình họ vào Pháp Luân Công.

Người phụ nữ Hồ Bắc qua đời 13 ngày sau khi bị bắt vào tù

Bà Hồ Hán Giảo ở thành phố Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, đã qua đời 13 ngày sau khi vào tù để thụ án 4 năm. Bà Hồ bị bắt vào ngày 15 tháng 3 năm 2021 và bị kết án vào ngày 16 tháng 6 năm 2021 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Vào 8 giờ tối ngày 9 tháng 11 năm 2021, 13 ngày sau khi bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Bắc, một lính canh gọi cho chồng của bà Hồ và nói rằng bà đã qua đời vì bạo bệnh tại bệnh viện. Các nhà chức trách không cho phép chồng bà nhận thi thể hay xem hồ sơ bệnh án của bà. Họ còn gây áp lực buộc ông phải sa thải luật sư mà ông thuê để đòi công lý cho bà Hồ và cấm ông thảo luận về cái chết của bà với các học viên Pháp Luân Công khác ở địa phương.

Người đàn ông Hà Nam qua đời trong nhà giam sau một tháng bị bắt giữ Ông Lý Hiện Tập ở thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam. Vào khoảng 5 giờ chiều ngày 11 tháng 5 năm 2021, ông đi mua bánh bao cho bữa tối và không trở về nhà. Người chủ cửa hàng nhỏ ở độ tuổi 50 đã bị bắt khi cảnh sát thấy ông nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Bốn cảnh sát của Đồn Công an Bắc Quan đã lục soát hai căn nhà của ông Lý mà không xuất trình lệnh khám xét hoặc giấy tờ tùy thân. Ngày hôm sau, họ ban hành một lệnh tạm giam hình sự và ông Lý bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố An Dương. Vì ông Lý luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trong trại tạm giam, các lính canh đã còng tay và cùm ông lại. Ông đã tuyệt thực để phản đối.

Sáng ngày 13 tháng 6, gia đình ông Lý được thông báo rằng ông đã qua đời vào ngày hôm trước. Theo thông tin từ người nhà nhìn thấy thi thể của ông Lý, ông rất tiều tụy. Đầu ông bị sưng và ông có nhiều vết thương ở lưng và đầu gối. Các nhà chức trách từ chối đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về cái chết của ông.

Người đàn ông Nội Mông qua đời một ngày sau khi bị xét xử vì đức tin của ông Ông Quách Chấn Phương ở thành phố Xích Phong, Nội Mông, đã qua đời một ngày sau khi ông và vợ hầu tòa vì đức tin của họ đối với Pháp Luân Công.

Tối ngày 9 tháng 6 năm 2021, gia đình ông Quách nhận được cuộc gọi từ cảnh sát và được thông báo rằng ông đã qua đời. Họ vội vã đến bệnh viện và thấy hàng cảnh sát mặc thường phục đang canh giữ thi thể ông. Họ phát hiện rằng phần thắt lưng của ông tím tái, có vết thương ở bên trong của một bên đầu gối, và mũi ông có máu. Họ cố gắng xem xét kỹ hơn, nhưng cảnh sát đã ngăn cản họ đến gần thi thể.

Một bác sỹ tại bệnh viện tiết lộ rằng ông Quách không có dấu hiệu nghiêm trọng gì khi cảnh sát đưa ông đến. Không được sự đồng ý của gia đình, cảnh sát đã đưa thi thể của ông Quách đến Nhà tang lễ Quận Tùng Sơn ngay sau đó.

Chỉ một ngày trước khi qua đời, ông Quách và vợ là bà Phùng Ngọc Hoa đã bị xét xử tại Tòa án Quận Tùng Sơn. Theo lời kể của các thành viên gia đình tham dự phiên xử, họ nhìn thấy ông có thể tự ra khỏi xe cảnh sát và đi vào phòng xử án. Ông trông có vẻ rất khỏe mạnh.

Trong khi các nhà chức trách không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về cái chết của ông, gia đình ông nghi ngờ rằng ông đã bị tra tấn đến chết trong trại tạm giam Quận Tùng Sơn.

Ông Quách và vợ bị bắt vào sáng ngày 25 tháng 11 năm 2020. Đây là lần thứ hai họ ra hầu tòa, sau phiên xét xử trước đó vào ngày 8 tháng 4 năm 2021.

Người đàn ông Sơn Đông hôn mê trong trại tạm giam đã qua đời sau khi bị cảnh sát rút bỏ thiết bị hỗ trợ sự sống

Trong khi ông Diêu Tân Nhân vẫn hôn mê sau khi bị đột quỵ, các nhà chức trách đã rút bỏ thiết bị hỗ trợ sự sống và chuyển ông từ phòng chăm sóc tích cực của bệnh viện đến một viện dưỡng lão không có thiết bị y tế cần thiết để chăm sóc. Một tuần sau, người đàn ông 51 tuổi này đã qua đời, để lại vợ và một đứa con.

Ông Diêu ở thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông, bị đột quỵ vào khoảng 9 giờ tối ngày 22 tháng 4 năm 2020, gần mười tháng sau khi bị bắt vào ngày 3 tháng 7 năm 2019. Ông được phẫu thuật mở hộp sọ vào sáng sớm ngày 23 tháng 4 tại Bệnh viện Nhân dân thành phố Long Khẩu. Hai ngày sau, bác sỹ còn tiến hành mở khí quản và đặt máy thở cho ông.

Khi vợ ông Diêu đến bệnh viện để hỏi về tình trạng của ông, cảnh sát đã không cho bác sỹ hay y tá cung cấp cho bà bất kỳ thông tin nào về ông. Họ cũng từ chối chiếu lại video giám sát ông Diêu liên quan đến những gì đã xảy ra với ông tại trại tạm giam.

05acce026595194dd7bbe9d332e6207f.jpg

Ông Diêu sau ca phẫu thuật cắt mở hộp sọ

Mặc dù ông Diêu vẫn hôn mê sau ca phẫu thuật, cảnh sát vẫn ở bên ngoài phòng chăm sóc tích cực để theo dõi ông trong 9 tháng sau đó và ngăn mọi người đến gần ông.

0cf165e9b3a4872eaf71df45d5718196.jpg

Cảnh sát canh chừng ông Diêu trong bệnh viện

Ngày 4 tháng 2 năm 2021, cảnh sát và nhân viên bệnh viện đã đưa ông Diêu ra khỏi phòng điều trị tích cực và đưa ông đến Viện dưỡng lão Đông Giang, nơi không có các thiết bị y tế cần thiết để chăm sóc cho ông. Ông đã qua đời vào khoảng 1h40 phút sáng ngày 11 tháng 2.

Bác sỹ Cát Lâm bị xuất huyết não và qua đời sau đó hai tuần

Bà Tôn Phượng Tiên, một bác sỹ sản khoa 65 tuổi ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm, đã bị cảnh sát bắt giữ trong một cuộc truy bắt của cảnh sát vào ngày 15 tháng 7 năm 2020. Bà và 12 học viên khác bị kết án từ 1,5 đến 10 năm tù vào ngày 26 tháng 7 năm 2021. Bà đã kháng cáo bản án, nhưng đơn kháng cáo của bà bị từ chối vào ngày 29 tháng 11. Bà bị xuất huyết não tại trại tạm giam huyện Nông An lúc 4:30 chiều ngày 3 tháng 12 và được đưa đến bệnh viện. Với sự đồng ý của gia đình bà, bác sỹ đã phẫu thuật cho bà. Ca phẫu thuật kéo dài gần 5 tiếng và bác sỹ cho biết đã thành công.

Sau đó, bà Tôn vẫn hôn mê và được chuyển đến Bệnh viện Trung y Huyện Nông An vào ngày 13 tháng 12. Lúc 12 giờ 40 sáng ngày 15 tháng 12, gia đình bà được thông báo rằng bà đang phải hồi sức. Bà qua đời vào khoảng 1 giờ 30 phút sáng.

Gia đình bà Tôn nghi ngờ rằng chính sự ngược đãi khi bị giam giữ đã dẫn đến tình trạng sức khỏe xấu của bà. Họ cũng quy lỗi cho trại tạm giam vì đã không cho phép họ đến thăm bà trong vài tháng trước khi bà bị cấp cứu. Họ nói rằng nếu họ được gặp bà sớm hơn, họ sẽ hiểu rõ hơn về sức khỏe thể chất và tinh thần của bà và có thể thảm kịch đã không xảy ra.

Gia đình bà cho biết lần cuối cùng luật sư đến thăm bà là vào ngày 26 tháng 8 năm 2021. Trong khi trại tạm giam yêu cầu luật sư phải tiêm vắc-xin phòng bệnh COVID-19, gia đình bà khiếu nại với chính quyền huyện Nông An và họ đã phải chấp nhận.

Nhưng khi luật sư yêu cầu được gặp lại bà vào ngày 9 tháng 10, sau khi bà kháng cáo, trại tạm giam đã yêu cầu văn phòng tư pháp địa phương cấp thư xác nhận, cũng như sự cho phép của thẩm phán của Tòa án Trung cấp thành phố Trường Xuân. Luật sư và gia đình bà đã nộp nhiều đơn khiếu nại đối với thẩm phán Tang Vạn Thành của tòa trung cấp vì đã ngăn cản việc gặp bà nhưng vô ích.

Tử vong trong những hoàn cảnh đáng ngờ

Cả gia đình bị nhắm đến trong một vụ bắt giữ tập thể, người mẹ Cát Lâm qua đời sau hai tháng bị tống giam

Bà Phó Quý Hoa ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời sau hai tháng vào tù để thụ bản án 7,5 năm. Các nhà chức trách từ chối cho gia đình nhìn thấy thi thể của bà và chuyển nó đến một nhà tang lễ mà không thông báo cho họ. Nhà tang lễ cũng ngăn cản gia đình bà xem thi thể của bà và khăng khăng rằng chỉ khi có lính canh ở đó họ mới được phép xem. Bất chấp việc gia đình bà liên tục yêu cầu điều tra cái chết của bà, các quan chức nhà tù đã gây áp lực buộc họ phải hỏa táng thi thể càng sớm càng tốt.

b7d9498966f63bcfd36eb0cf9cbfb44b.jpg

Bà Phó Quý Hoa

Bà Phó bị bắt vào ngày 15 tháng 8 năm 2019, cùng với chồng, con gái lớn, hai con rể và cha mẹ của họ vì tu luyện Pháp Luân Công. Con gái út của bà đã được tha từ khi cô có con nhỏ ba tháng tuổi. Trong khi chồng của bà Phó và mẹ chồng của con gái út được thả sau khi bị giam 15 ngày, những người còn lại bị kết án 7 hoặc 7,5 năm tù vào tháng 2 năm 2021.

Bà Phó và con gái lớn của bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm vào ngày 27 tháng 5 năm 2021. Họ bị giam giữ tại Khu số 8 và bị quản lý nghiêm ngặt. Họ bị buộc phải ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ mỗi ngày, luật sư và người nhà của họ bị từ chối thăm thân.

Một đại tá về hưu qua đời trong tù, gia đình nghi ngờ ông bị ám hại

Tối ngày 12 tháng 4 năm 2021, gia đình ông Công Phi Khải nhận được cuộc gọi từ một lính canh và được thông báo rằng vị đại tá đã nghỉ hưu 66 tuổi ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, vừa được đưa đến bệnh viện để hồi sức cấp cứu. Một lúc sau, lính canh gọi lại và cho biết ông Công đã qua đời vì đột quỵ.

4196593403ccc5e7f4c7696c78b45c05.jpg

Ông Công Phi Khải

Khi gia đình ông Công đến bệnh viện vào sáng hôm sau, bác sỹ và chức trách nhà tù từ chối cho họ nhìn thấy thi thể ông. Với sự phản đối mạnh mẽ của gia đình, anh trai và cháu trai của ông Công cuối cùng đã được phép vào quan sát thi thể của ông, nhưng không được chụp ảnh hoặc quay video.

Anh trai của ông cho biết, đầu của ông Công bị thương, sưng lên và có máu trong tai.

Theo video giám sát do lính canh cung cấp, ông Công trông yếu ớt và nằm trên giường vào buổi tối ngày ông qua đời. Một bác sỹ nhà tù đã đến đo huyết áp cho ông, nhưng bác sỹ đã bỏ đi mà không thực hiện bất kỳ biện pháp điều trị nào cho ông. Khoảng 8 giờ 32 tối, ông Công bị ngã xuống đất và không thể di chuyển, nhưng xe cấp cứu tận 9 giờ tối mới tới nơi.

Trong khi lính canh gọi điện cho gia đình báo rằng ông Công bị đột quỵ và qua đời là do ông không tuân thủ điều trị bệnh huyết áp cao, gia đình ông đặt câu hỏi tại sao nhà tù không thông báo sớm hơn về tình trạng của ông hoặc tạm tha ông để điều trị y tế.

Ông Công bị bắt trong một vụ bắt giữ tập thể vào tháng 10 năm 2017. Sau đó, ông bị kết án 7,5 năm tù giam với khoản tiền phạt 20.000 nhân dân tệ vào ngày 20 tháng 7 năm 2018.

Kể từ năm 2020, lấy lý do là đại dịch, các chức trách nhà tù tỉnh Sơn Đông đã cắt đứt mọi liên lạc của ông Công với gia đình. Gia đình ông cho biết họ không hề biết ông sống ra sao trong tù.

Từ nửa cuối năm 2020, lính canh đã buộc các tù nhân làm việc từ 5 giờ sáng đến 7 hoặc 9 giờ tối, hầu như không có thời gian nghỉ. Khi ông Công và các học viên khác từ chối lao động không công, họ đã bị giam trong phòng để xem phim phỉ báng Pháp Luân Công.

Vào thời gian đó, ông Công bắt đầu bị cao huyết áp và liên tục cảm thấy chóng mặt. Thấy ông đang dựa vào tường vì chóng mặt, tù nhân Lý Phương bảo ông: “Có chuyện gì vậy? Cảm thấy không khỏe à? Đừng giả vờ. Không chết được đâu.“

Lý thường nói với các tù nhân, “Công Phi Khải chỉ đang giả vờ (rằng ông ấy sắp chết). Nếu ông ta chết thật thì hay quá”.

Giáo viên qua đời 10 ngày trước khi mãn hạn tù, gia đình nghi ngờ ông bị thu hoạch nội tạng Ông Phan Tự Quân ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, bị bắt ngày 19 tháng 5 năm 2015 và bị kết án 5,5 năm tù giam ở Nhà tù Hồng Trạch Hồ vào năm 2016. Vào ngày 8 tháng 11 năm 2020, 10 ngày trước khi ông được trả tự do theo kế hoạch, gia đình ông được triệu tập đến nhà tù để “thăm ông”. Khi tới nơi, họ nhìn thấy thi thể của ông trong nhà xác. Một bác sỹ nhà tù cho gia đình xem một số cơ quan nội tạng của ông (chưa rõ cụ thể), nói rằng họ đã khám nghiệm tử thi và xác định rằng ông Phan chết do đột quỵ.

8c4aead304e2189b6311cefc2e28b26b.jpg

Ông Phan Tự Quân

Gia đình ông Phan không chấp nhận lời giải thích và nghi ngờ rằng người đàn ông 55 tuổi đã bị giết để lấy nội tạng vì vì ông đã được khám và xét nghiệm tăng cường trong Nhà tù Hồng Trạch Hồ từ năm 2002 tới năm 2010. Họ tin rằng thông tin sức khỏe của ông đã được lưu trữ trong một số cơ sở dữ liệu để phục vụ cho việc cấy ghép tạng và ông đã được chọn sau khi bị kết án 5,5 năm tù tại cùng nhà tù vào năm 2016.

Bà lão 76 tuổi đột ngột qua đời trong khi thụ án tù

Gia đình của bà Đinh Quế Anh đã bị giáng một đòn nặng nề khi Trại giam nữ tỉnh Vân Nam số 2 thông báo cho họ vào giữa tháng 1 năm 2021 rằng người thân của họ vừa qua đời. Trước đó, gia đình của bà thậm chí không biết bà đã bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhà tù đã hỏa táng thi thể bà chỉ vài ngày sau đó. Lúc đó bà 76 tuổi.

89fa0278ceab629dec1725404a0b9efc.jpg

Bà Đinh Quế Anh

Bà Đinh là cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bà bị bắt tại nhà vào ngày 28 tháng 8 năm 2019. Vì trại tạm giam thành phố Côn Minh đã cấm gia đình đến thăm bà Đinh và chính quyền không cập nhật tình trạng của bà cho họ, nên họ vẫn nghĩ bà đang ở trại tạm giam và thường đến Đội An ninh Nội địa để yêu cầu thả bà Đinh.

Một lính canh Nhà tù nữ tỉnh Vân Nam số 2 thông báo với gia đình về việc bà Đinh bị “bệnh cấp tính” vào ngày 14 tháng 1 và qua đời lúc 8 giờ 53 sáng ngày 15 tháng 1. Nhà tù đã hỏa táng thi thể bà vào ngày 19 tháng 1 mà không giải thích về tình trạng của bà. Bởi bà Đinh hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bị bắt, nên gia đình nghi ngờ việc bà có thể đã chết vì bị ngược đãi ở trại tạm giam, chứ không phải do bệnh tật, như các quan chức nhà tù tuyên bố.

Chỉ sau khi bà Đinh qua đời, thì gia đình bà mới nhận được bản án. Bà Đinh bị Tòa án quận Ngũ Hoa kết án bốn năm tù vào ngày 10 tháng 7 năm 2020.

Qua đời vài ngày trước hoặc sau khi mãn hạn tù

Một phụ nữ tử vong trong tù ngay trước khi mãn hạn tù hai ngày

Bà Tô Vân Hà đã qua đời ở trong tù khỉ chỉ còn hai ngày nữa là mãn hạn án tù 5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Tô ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt vào ngày 7 tháng 9 năm 2016 sau khi bị báo cáo vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Để tìm kiếm sự giải thoát cho bà, người chồng nằm liệt giường một thời gian dài của bà đã nhờ cháu gái của bà Tô giúp đẩy xe lăn để đưa ông tới đồn công an, nhưng khi tới đó ông đã bị chặn lại ở bên ngoài.

Bà Tô bị kết án 5 năm tù giam và bị phạt 10.000 nhân dân tệ vào ngày 31 tháng 3 năm 2017. Theo dự kiến, bà ​​Tô sẽ được thả khỏi Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 6 tháng 9 năm 2021, nhưng bà đã qua đời trước đó hai ngày ở tuổi 67.

Một người trong cuộc cho hay, vào ngày 4 tháng 9, tù nhân đã đánh đập bà Tô vì bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, và nhà tù cũng từ chối cấp cho bà thông báo thả người với lý do tương tự. Sau khi đánh đập bà đến chết, lính canh dùng một tấm vải trắng che lên thi thể bà và để nó ở ngoài hành lang của khu số 8. Những tù nhân ở đó rất sợ hãi và không dám ra khỏi buồng giam của họ để đi vệ sinh vào buổi tối.

Một ngày trước khi qua đời, người đàn ông mới được Cục Quản lý Nhà cho tạm tha y tế

Sau chưa đầy một tháng bị cầm tù, ông Lý Chấn Đông ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị cổ trướng nghiêm trọng và không thể ăn uống.

Đầu tháng 10 năm 2021, cảnh sát của Nhà tù Đông Lăng đã liên lạc với gia đình ông Lý và yêu cầu họ chi trả chi phí y tế cho ông. Lúc đó họ mới biết việc ông bị kết án 3,5 năm tù và tình trạng sức khỏe của ông.

Khi gia đình đến thăm ông trong bệnh viện, ông Lý đã tiều tụy, bụng của ông bị trướng lên nghiêm trọng và phải làm thủ thuật hàng ngày để loại bỏ lượng dịch thừa. Bác sỹ nói rằng ông đang bị suy gan và nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bất chấp tình trạng của ông, lính canh vẫn còng tay ông vào giường bệnh và giám sát ông suốt ngày đêm.

Gia đình ông Lý đã đệ đơn yêu cầu tạm tha y tế cho ông nhưng bị từ chối. Nhà tù cũng yêu cầu họ chi trả mọi khoản chi phí điều trị y tế cho ông.

Ngày 1 tháng 11 năm 2021, ông Lý đã được chuyển đến khu chăm sóc đặc biệt và đặt máy thở ở một bệnh viện khác. Ngày 9 tháng 11, ông rơi vào hôn mê và sốt cao dai dẳng ở nhiệt độ 41°C.

Sáng ngày 12 tháng 11, lính canh giám sát ông Lý đã báo cáo tình trạng của ông. Hai cảnh sát của Cục Quản lý Nhà tù Thành phố Thẩm Dương đã đến bệnh viện và kiểm tra. Sau khi bác sỹ xác nhận rằng ông Lý sẽ không qua khỏi buổi tối hôm đó, quản lý nhà tù đã ra thông báo chấp thuận tạm tha y tế cho ông và yêu cầu bốn lính canh vốn giám sát ông Lý rời khỏi bệnh viện.

Vợ, con gái, con rể, anh chị em của ông Lý đã đi tới bệnh viện và ở đó với ông. Ông qua đời vào lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau, hưởng thọ 68 tuổi.

Ngày 10 tháng 7 năm 2019, ông Lý bị bắt trong khi đang học các bài giảng của Pháp Luân Công cùng với các học viên địa phương. Cảnh sát đã lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của ông. Ông bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Hòa Bình vào ngày 4 tháng 12 năm 2020 và sau đó bị kết án 3,5 năm tù.

Người đàn ông 83 tuổi bị kết án bảy năm tù vì kiên định đức tin, đã qua đời vài giờ sau khi được đưa về nhà trong tình trạng thở oxy Ông Hoàng Khánh Đăng ở thành phố Lạc Thanh, tỉnh Chiết Giang, bị bắt tại nhà vào ngày 17 tháng 4 năm 2019, vì gửi tin nhắn cho mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Vào ngày 12 tháng 3 năm 2020, sau gần một năm bị giam giữ, ông Hoàng đã bị Tòa án thành phố Lạc Thanh kết án bảy năm tù. Ông đã bị đưa vào Nhà tù số 2 Hàng Châu vào một ngày không xác định.

Vào giữa tháng 11 năm 2020, một lính canh đã gọi điện cho gia đình ông Hoàng và nói rằng ông Hoàng bị phát hiện mắc sáu căn bệnh và đã được đưa đến bệnh viện để hồi sức cấp cứu. Mặc dù tình trạng của ông rất nguy kịch, nhà tù vẫn từ chối cho ông được tại ngoại.

Vào tháng 3 năm 2021, gia đình ông Hoàng nhận được một cuộc gọi khác từ nhà tù và được thông báo rằng ông đã được đưa trở lại bệnh viện để hồi sức cấp cứu.

Sau đó, vào khoảng 2 giờ chiều ngày 26 tháng 3 năm 2021, ông Hoàng được đưa về nhà trong tình trạng thở oxy. Toàn thân ông tím đen. Gia đình nghi ngờ rằng ông đã bị cho uống thuốc độc trước khi được thả. Ông đã qua đời vào buổi tối hôm đó.

Qua đời sau khi bị bức hại thời gian dài

Sức khoẻ bị tàn phá sau ba án tù, cựu giáo viên lịch sử qua đời trong tuyệt vọng

Khi ông Lữ Tùng Minh trở về nhà vào năm 2018, sau khi thụ án tù thứ ba vì tu luyện Pháp Luân Công, ông đã vài lần suýt chết bởi tra tấn trong trại giam. Mất khả năng lao động vì bệnh tim nặng, ông phải dựa vào việc nhặt rau thừa ở chợ nông sản để sống qua ngày. Ông hay bị kiệt sức sau khi mang vác đồ nặng và thường xuyên phải nằm nghỉ. Sau ba năm vật lộn với sức khỏe yếu, người đàn ông 53 tuổi này đã qua đời vào tối ngày 28 tháng 3 năm 2021.

8ae545a124caa082a060352f6d29cc97.jpg

Ông Lữ Tùng Minh

Ông Lữ mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ và được cha nuôi dưỡng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm tỉnh Hồ Nam năm 1990, ông giảng dạy lịch sử tại một trường trung học ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam.

Ba năm sau, vào năm 1999, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Bởi ông Lữ kiên định đức tin của mình, trường trung học đã sa thải ông và ông đã bị kết án ba lần, tổng cộng 14 năm. Trong thời gian thụ án, ông đã chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau, bao gồm treo người, đánh đập, sốc điện bằng dùi cui và cưỡng bức lao động khổ sai nhiều giờ. Sự tra tấn và ngược đãi đã hủy hoại hoàn toàn sức khỏe của ông. Theo đó, ông xuất hiện triệu chứng bệnh tim nghiêm trọng và đã cả chục lần cận kề cái chết.

Năm 2006, khi ông Lữ được trả tự do sau khi mãn hạn tù đầu tiên, các nhà chức trách đã gây sức ép buộc vợ ông ly hôn ông. Tòa án trao nhà và quyền nuôi con trai cho vợ ông, khiến ông trở thành người vô gia cư không một xu dính túi. Ông phải làm những việc vặt để kiếm sống, kể cả sửa giày ngoài đường và bán đậu phộng.

f2f4157037cc53fc8c4eef4e8e3ccfde.jpg

Ông Lữ Tùng Minh chỉ còn sáu chiếc răng khi được thả vào ngày 3 tháng 2 năm 2012, sau khi mãn hạn tù lần thứ hai.

Sau vụ bắt giữ gần đây nhất vào ngày 31 tháng 8 năm 2014, cha của ông Lữ ngoài 80 tuổi, thường xuyên lui tới đồn công an, viện kiểm sát, tòa án, Phòng 610 (một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công), trại tạm giam và chính quyền địa phương, để tìm kiếm sự tự do cho con trai của mình, nhưng vô ích. Người đàn ông lớn tuổi cũng bị trại giam từ chối cho phép đến thăm ông Lữ.

Trong thời gian thụ án bốn năm tại Nhà tù Võng Lĩnh, ông bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ không được cử động 16 tiếng mỗi ngày. Hình thức tra tấn này đã khiến ông thường xuyên bị đau tim và thường xuyên phải cấp cứu hồi sức.

Ngay cả khi bác sĩ đưa ra nhiều thông báo về tình trạng nguy kịch của ông, lính canh vẫn không ngừng bắt ông ngồi trên chiếc ghế nhỏ. Đôi khi ông Lữ nằm lăn ra đất do bị tức ngực dữ dội, dẫn đến huyết áp tăng cao ở mức nguy hiểm. Tuy nhiên, lính canh vẫn không cho ông nằm trên giường theo yêu cầu của bác sĩ.

Không còn nơi nào để tìm kiếm công lý, ông Lữ buộc phải tuyệt thực để phản đối bức hại, khiến sức khỏe của ông ngày càng xấu đi.

Mùa thu năm 2017, một lính canh mới bắt đầu làm việc tại nhà tù đã tra tấn ông Lữ bằng hình thức ngồi và đứng trong thời gian dài một lần nữa, khiến ông lập tức bị đau tức ngực cấp tính. Dù bác sĩ đã đề nghị để ông được tạm tha y tế, nhưng nhà tù vẫn kiên quyết giữ ông và lính canh thường xuyên cấm ông mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt thường ngày. Ông thường xuyên bị bỏ đói và không có đủ quần áo, thậm chí là chăn để giữ ấm.

Ông Lữ được trả tự do vào ngày 31 tháng 8 năm 2018 khi ở trong tình trạng nguy kịch. Ông đã qua đời sau ba năm vật lộn với tình trạng sức khỏe kém và điều kiện sống thiếu thốn.

Bị đánh đập hàng ngày trong suốt 5 năm tù, người phụ nữ đã qua đời sau 1 năm được trả tự do

Sau khi trải qua nhiều lần bắt bớ, lao động cưỡng bức, bỏ tù và tra tấn vô cùng tàn bạo vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, bà Lý Quế Nguyệt, cư dân huyện Y Lan, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào ngày 6 tháng 8 năm 2021 ở tuổi 52.

220ed23a28b01c2f55e9bb61c2898d3a.jpg

Bà Lý Quế Nguyệt khi còn trẻ

66079df5a3bb580f9bc17d062402e2de.jpg

Bà Lý Quế Nguyệt sau khi bị bức hại

Bà Lý đã đến Bắc Kinh hai lần vào năm 2000 để thỉnh nguyện cho quyền tự do tín ngưỡng của mình. Bà bị bắt, bị đánh đập và bị cưỡng bức lao động một năm.

Khi đang thụ án tại Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia khét tiếng, bà Lý đã bị tăng cường tẩy não, lao động cưỡng bức, biệt giam và đánh đập. Bà bị ép phải lao động cường độ cao để làm tăm và các sản phẩm khác nhau để xuất khẩu sang các nước Châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc

Tại Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia, các nữ học viên Pháp Luân Công kiên định từ chối từ bỏ đức tin sẽ bị đưa đến các khu vực dành cho nam và bị các nam tù nhân phạm tội hình sự đánh đập. Bà Lý cũng kể lại có một lần các lính canh cố đưa bà đến một đội dành cho nam, nơi mà bà có khả năng sẽ bị hãm hiếp tập thể. Đây hoàn toàn không phải là một trường hợp cá biệt vì nó đã diễn ra ở trong các trại tạm giam và trại lao động khác ở Trung Quốc.

Vì truyền rộng chân tướng về Pháp Luân Công và cuộc bức hại sai trái, bà Lý đã bị chính quyền địa phương nhắm đến từ năm 2010 đến 2015. Bà đã bị bắt, giam giữ và nhà bị lục soát. Bà phải rời khỏi quê nhà để tránh bị bức hại.

Sau khi chứng kiến cảnh sát lục soát nhà vào tháng 3 năm 2012, người cha già của bà Lý đã bị khó thở và được đưa gấp đến bệnh viện vào ngày hôm sau. Cuối cùng ông đã qua đời trong lúc bà Lý đang lẩn trốn. Cái chết của người cha do bị liên luỵ trong cuộc bức hại đối với đức tin của mình và không thể ở bên cha vào những ngày cuối cùng của ông là hai điều hối tiếc lớn nhất ám ảnh bà Lý đến ngày hôm nay.

Tháng 5 năm 2015, bà Lý bị bắt ở Giai Mộc Tư vì phân phát tờ rơi Pháp Luân Công và bị kết án năm năm tù. Tại Nhà tù Nữ Hắc Long Giang, bà thường xuyên bị đánh đập, phải ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ trong một thời gian dài, bị lạm dụng và bị lăng mạ hàng ngày.

Khi được thả vào ngày 16 tháng 5 năm 2020, bà Lý trông hốc hác. Bà bị đau khắp thân, yếu cơ, buồn ngủ và chán ăn.

Trong một năm sau khi ra tù, đôi khi bà đột nhiên thức dậy vào nửa đêm, run sợ và lẩm bẩm một mình. Thi thoảng bà không chịu ăn cơm cùng gia đình, mà bưng bát đi chỗ khác, ngồi xổm trên nền đất, cúi đầu lặng lẽ ăn. Bà thường tự nhủ: “Họ đã đánh tôi hàng ngày! Ngày nào họ cũng đánh tôi! ” Với vẻ sợ hãi và lo lắng, bà liên tục nhìn xung quanh với đôi mắt đầy sợ hãi và u buồn. Gia đình bà nghi ngờ rằng, khi ở trong tù, bà đã phải dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, gây ra những tổn hại không thể bù đắp được về sức khỏe thể chất và tinh thần của bà.

Sau một năm chống chọi với sức khỏe yếu, bà Lý đã qua đời vào ngày 6 tháng 8 năm 2021 ở tuổi 52.

Người phụ nữ Liêu Ninh qua đời 3 năm sau khi phải chịu 10 năm tù giam và tra tấn liên tục

Ngày 21 tháng 7 năm 2018, vào thời điểm bà Vương Thục Mai được trả tự do sau 10 năm thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công, tóc của bà đã bị bạc, bốn chiếc răng của bà ấy bị rụng cùng bảy chiếc khác bị lung lay, và thị lực của bà cũng giảm, bà nhìn không rõ.

Bất chấp tình trạng của bà Vương, cảnh sát vẫn tiếp tục quay lại sách nhiễu và yêu cầu bà viết bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Chồng bà có tình nhân khác và đã bỏ rơi bà khiến bà vô cùng tuyệt vọng. Bà Vương ở với chị gái, người đã chăm sóc cho bà. Ngày 12 tháng 3 năm 2021, sau khi vật lộn với sức khỏe yếu trong gần ba năm, người dân ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh này đã qua đời ở tuổi 59, chỉ một ngày sau khi con trai bà đón bà trở về nhà.

Bà Vương bị bắt vào ngày 21 tháng 7 năm 2008, trong một cuộc truy bắt của cảnh sát và sau đó bị kết án 10 năm. Tại Nhà tù Nữ Liêu Ninh, bà Vương bị cưỡng ép làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày, phải may áo len từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, và bà còn bị buộc phải đứng đến 1 giờ sáng rồi mới được đi ngủ.

Bởi vì bà Vương kiên định vào đức tin của mình, lính canh đã xúi giục tù nhân giám sát và tra tấn bà. Một vài người trong số họ đã treo bà ấy lên đủ cao để chân bà không chạm tới sàn. Thỉnh thoảng họ còn kéo tóc bà Vương và dúi đầu bà vào một xô đầy nước, khiến bà suýt bị dìm chết. Những người khác thì tát vào mặt và véo đùi bà mỗi ngày. Ngay cả khi bà Vương đang phải lao động cưỡng bức, các tù nhân đôi khi vẫn đánh bà mà không có lý do.

Một tù nhân bị giam giữ vì tội giết người đã tra tấn bà Vương bằng cách buộc bà há miệng và đẩy vào răng bà. Mặc dù không có thương tích nào rõ ràng, nhưng răng của bà trở nên lung lay và bắt đầu bị đau.

Để ngăn bà Vương luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, các tù nhân thường còng tay bà ấy sau lưng ngay cả khi bà ngủ. Đôi khi họ xé ga trải giường và trói bà trên giường. Họ trói bà chặt đến mức khiến cổ tay bà bị thương. Bởi vì bà Vương hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối bức hại, các tù nhân đã bịt miệng bà bằng băng keo.

Do bị ngược đãi liên tục cả về thể chất lẫn tinh thần, cùng 12 giờ lao động cưỡng bức mỗi ngày và chế độ ăn uống quá đạm bạc, bà Vương được chuẩn đoán mắc bệnh hạ đường huyết. Do vậy, bà ấy bị chuyển đến phân khu 11 dành cho người già và những người tàn tật vào ngày 25 tháng 1 năm 2012. Lính canh tiếp tục buộc bà phải lao động không công và lần này là làm tăm bông.

Trong suốt thời gian bà Vương ở tù, gia đình bà nhiều lần yêu cầu được vào thăm bà ấy, nhưng lần nào cũng bị lính canh từ chối. Khi chị gái đến đón bà bên ngoài nhà tù, chị bà gần như không thể nhận ra ai đang đứng trước mặt mình.

Bị tiêm thuốc độc trong thời gian cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, một cựu quan chức chính quyền đã qua đời 7 năm sau khi được thả

Được trở về nhà vào năm 2014 sau khi thụ án 5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Khương Quốc Ba đã phải chịu đựng những biến chứng lâu dài do việc cưỡng chế tiêm thuốc độc trong tù. Ông thường xuyên cảm thấy buồn nôn, nôn nao và chướng bụng, trong phân của ông có dính máu. Ông rất yếu, thường xuyên chóng mặt và đôi khi bị ngất xỉu. Sau 7 năm chống chọi với tình trạng sức khỏe ốm yếu, ông đã qua đời vào ngày 29 tháng 4 năm 2021 ở tuổi 58.

Ông Khương từng nói: “Tôi đã phải chịu sự tra tấn không thể tưởng tượng được trong trại tạm giam. Tôi bị bức thực bằng các loại thuốc độc hại và nước ớt cay. Tôi bị nôn mửa ra dịch có màu xanh lá cây. Tôi cũng bị trói vào cây thập tự giá trong 20 ngày và thỉnh thoảng chỉ được hạ xuống trong một thời gian ngắn. Cột sống của tôi bị gãy do bị cọ xát vào khối gỗ. Tôi đã không thể nhìn bằng mắt phải của mình trong một thời gian dài. Tôi đi tiểu khó và một lần bị táo bón trong 26 ngày. Tôi bị giảm xuống còn 45kg chỉ trong ba tuần. Tôi không thể nhớ mình đã đứng trước ngưỡng cửa tử thần bao nhiêu lần.“

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông Khương đã bị bắt 13 lần vì giữ kiên định đức tin của mình. Ông đã phải chịu đựng 77 phương thức tra tấn, trong đó có sốc điện, ngồi trên ghế cọp, và bị ép uống thuốc độc trong khi chịu hai án tù lao động và 5 năm tù giam. Thậm chí, một số tù nhân cho biết họ chưa từng thấy ai bị tra tấn dã man như vậy.

Người đàn ông Ninh Hạ bị ép uống thuốc đã qua đời 1,5 năm sau khi mãn hạn tù

Ngày 31 tháng 7 năm 2021, ông Tống Lai Bình, một cư dân thành phố Ngô Trung, tỉnh Ninh Hạ qua đời một năm rưỡi sau khi mãn hạn tù 18 tháng vì tu luyện Pháp Luân Công.

Tháng 4 năm 2018, lần đầu ông Tống Lai Bình bị bắt và ngay sau đó được tại ngoại. Bốn tháng sau ông bị bắt trở lại. Gia đình chỉ được phép gặp ông một lần vào tháng 3 năm 2019 trước khi ông bị chuyển từ trại giam địa phương đến nhà tù và họ không được gặp mặt nhau mãi cho đến khi ông được thả.

Trước khi bị bắt, ông Tống là người có nghị lực, mạnh mẽ, nhanh nhẹn và có đầu óc nhạy bén. Ngày 10 tháng 2 năm 2020 khi được trả tự do, ông trông tiều tụy và chậm chạp trong suy nghĩ và vận động. Ông thường đi đứng loạng choạng và rất cáu kỉnh. Khi nổi cơn thịnh nộ, ông đập phá đồ đạc và không thể kiềm chế được. Ban đầu, những cơn thịnh nộ xảy ra mười ngày một lần. Nhưng khi tình trạng của ông trở nên tồi tệ hơn thì hai ngày một lần hoặc thậm chí xảy ra mỗi ngày.

Theo hồi ức rất hạn chế mà ông Tống nhớ được khi tỉnh táo là chính quyền đã ép ông dùng thuốc trong suốt quá trình thụ án. Lần đầu khi ông phát hiện các lính canh bỏ thuốc không rõ nguồn gốc vào đồ ăn của mình thì ông đã đổ chúng đi. Sau khi lính canh phát hiện, họ mắng chửi và bỏ đói ông. Mặc dù trại giam cho phép ông ăn uống trở lại bình thường sau khi gia đình ông khiếu nại nhưng ông Tống nhận thấy mình bị mất trí nhớ từ khi chuyển đến nhà tù. Ông hoàn toàn quên động tác của các bài công pháp của Pháp Luân Công mà ông đã luyện trong nhiều năm.

Ngay sau khi ông bị đưa đến Nhà tù Ngân Xuyên, một lính canh đánh ông vì ông từ chối uống một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Sau đó, các lính canh trói ông lại và ép ông uống nó.

Tại Nhà tù Thạch Chủy Sơn, lần đầu ông Tống bị biệt giam ở khu 16. Ông phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ cả ngày và nghe những bài tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công với âm lượng cao. Ngay cả khi chuyển đến khu dành cho các tù nhân lớn tuổi, ông Tống vẫn bị các tù nhân tra tấn và ra lệnh phải từ bỏ Pháp Luân Công.

Một người bên trong tiết lộ rằng ông Tống bị đưa đến bệnh viện quân y để cấp cứu ít nhất hai lần trong thời gian bị giam giữ. Ngay sau khi ông bị chuyển đến Nhà tù Thạch Chủy Sơn, các tù nhân đã nghe thấy những tiếng động lớn bên trong phòng giam của ông và theo sau đó là những tiếng nôn mửa dữ dội. Rồi ông được đưa đến bệnh viện hồi sức. Nhưng sau khi được thả ra thì ông không còn nhớ những gì đã xảy ra nữa.

Cuối cùng, ông Tống không thể chịu đựng nổi những tổn thương thể xác. Ông đã qua đời vào ngày 31 tháng 7 năm 2021 khi 69 tuổi.

5 tháng sau vụ bắt giữ mới nhất, người phụ nữ 63 tuổi qua đời vì kiên định đức tin

Ngày 17 tháng 6 năm 2021, bà Khang Ái Phân bị bắt giữ và bị đưa đến một trại tạm giam địa phương vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà phát bệnh tim nặng, phù nề toàn thân, không thể tự đi lại, mất thị lực cả hai mắt và bị khó thở.

Ngày 7 tháng 8 bà được thả và bị quản thúc tại gia. Không lâu sau, cảnh sát nộp hồ sơ của bà lên viện kiểm sát để tìm cách cầm tù bà. Do bị sách nhiễu liên tục, sức khỏe bà giảm sút nghiêm trọng, và bà đã qua đời vào ngày 18 tháng 11 năm 2021.

6daff0751fb4cbafe321f7fbd6458cbb.jpg

Ảnh chụp bà Khang vào những năm trước

0f8c78d7d87a18c7cf2ee48501c97470.jpg

Bà Khang trong những năm gần đây

9fb8f2d2ebb77f63bd412482c84e1e0a.jpg

Đôi chân bị phù nề của bà Khang sau lần bị bắt giam gần nhất

Qua đời do thường xuyên bị sách nhiễu

Kỹ sư hàng không cao cấp qua đời ở tuổi 46 vì bị tra tấn trong tù và bị sách nhiễu liên tục sau khi ra tù

Bà Ngô Mạnh Hoa, kỹ sư cấp cao của hãng hàng không China Southern Airlines tại Bắc Kinh, đã qua đời vào ngày 6 tháng 7 năm 2021, sau khi bị chính quyền sách nhiễu nhiều lần và sức khỏe suy giảm do bị tra tấn trong tù.

Bà Ngô bị bắt vào ngày 14 tháng 2 năm 2020, sau khi bị tố giác vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Khi bà từ chối để cảnh sát lấy dấu vân tay, năm cảnh sát đá vào chân bà cho đến khi bà khuỵ xuống. Sau đó, họ chụp lấy tay bà và bắt bà điểm chỉ. Bà Ngô bị đưa đi đến một nơi không rõ địa chỉ và bị còng tay vào ghế trong suốt 30 tiếng đồng hồ.

Trước khi tống bà vào trại tạm giam, cảnh sát đã đưa bà đến bệnh viện để khám sức khỏe. Cảnh sát đã bịt miệng bà lại khi bà bắt đầu nói cho y tá và các bệnh nhân về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Ba ngày sau, bà Ngô được tại ngoại vì lý do sức khỏe. Bà trở về nhà mẹ của mình ở cùng khu phố. Bàn tay của bà bị sưng phù, mặt và cánh tay có nhiều vết thương, bà cũng không thể nhấc tay lên được. Vài ngày sau, chân của bà cũng bị sưng và bà đi ngoài ra máu.

Vì không muốn gia đình lo lắng, bà Ngô không bao giờ kể cho họ nghe bà đã bị tra tấn trong đồn công an như thế nào, mà chỉ nói rằng đó là điều mà hầu như không ai có thể chịu đựng được.

Ủy ban cư dân địa phương và cảnh sát liên tục sách nhiễu bà sau khi bà về nhà. Họ cử hai nhân viên an ninh trực ở bên ngoài căn hộ của bà suốt cả ngày trong ba tháng và không cho bà đi ra khỏi nhà. Mẹ của bà sống cùng bà cũng bị cấm đi ra ngoài trong hơn hai tháng. Họ phải nhờ người em gái của bà Ngô sống ở cùng khu phố mua giúp thức ăn và đồ thiết yếu hàng ngày.

Sau đó, bà Ngô chuyển về nhà riêng của bà. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu và lăng mạ. Trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thường niên và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc toàn quốc (Lưỡng hội) vào tháng 3, bà Ngô bị sưng chân nghiêm trọng. Bà yếu đến mức không thể xuống cầu thang. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn đột nhập vào nhà bà, lăng mạ bà và lục soát nơi ở của bà để tìm tài liệu Pháp Luân Công. Hai nhân viên an ninh đã ở bên ngoài căn hộ của bà hơn mười ngày, và chỉ rời đi sau khi kỳ họp Lưỡng hội kết thúc.

Vì không thể chịu đựng nổi áp lực tinh thần, bà Ngô đã chuyển nhà ra khỏi thị trấn. Mẹ bà đi cùng với bà bởi vì bà ấy không thể tự chăm sóc bản thân được nữa. Khi cảnh sát không tìm được bà, họ lại sách nhiễu em gái bà để tìm ra nơi ở của họ. Cảnh sát đe dọa sẽ cho bà vào danh sách “truy nã“ để truy tìm bà. Bà Ngô qua đời ngày 6 tháng 7 năm 2021 ở tuổi 46.

Sau tám lần bị bắt và bốn lần bị tống giam, người phụ nữ Hắc Long Giang đã qua đời sau chiến dịch sách nhiễu gần đây nhất

Mặc dù bà Lưu Tú Phương lâm bệnh nặng, các nhà chức trách vẫn buộc bà phải ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và ghi hình bà. Tình trạng của bà nhanh chóng xấu đi trong đau đớn tột cùng. Sáu tháng sau, vào lúc 8 giờ 55 phút tối ngày 29 tháng 1 năm 2021, bà đã qua đời ở tuổi 68.

83a8682b394e7c5fd862ba36b2481a75.jpg

Bà Lưu Tú Phương

Cái chết của bà Lưu là kết cục bi thảm cho những gì bà phải chịu đựng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 22 năm, trong đó cư dân ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt giữ tám lần, ba lần lãnh án lao động cưỡng bức và một lần lãnh án tù.

Khi ở trong tù, lính canh sử dụng gậy tre dày để đánh bà, trói bà trong tư thế “đại bàng sải cánh”, cưỡng chế bà ngồi trên ghế đẩu nhỏ và còng tay bà ra sau lưng một thời gian dài. Sự tra tấn còng tay khiến người bà run lên vì đau đớn. Tù nhân còn kéo căng cánh tay của bà để làm tăng thêm sự đau đớn. Bà nói rằng lúc đó bà cảm giác một giây dài tựa như cả nghìn năm.

Người đàn ông Ninh Hạ đã qua đời trong thời gian tạm tha y tế sau khi liên tục bị sách nhiễu Ông Hoàng Vân Long đã được tạm tha y tế trong khi đang thụ án tù 7 năm vì đức tin vào Pháp Luân Công. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó ông vẫn liên tục bị sách nhiễu và đe dọa. Ông phải chống chọi với hai căn bệnh ung thư giai đoạn cuối và sức khỏe ngày càng giảm sút do sợ hãi và đau khổ vì bị sách nhiễu. Ông qua đời vào tháng 11 năm 2021 ở tuổi 68.

Trong 22 năm qua, ông Hoàng, một nhân viên đã nghỉ hưu của Công ty Công nghiệp Than Tĩnh Viễn ở tỉnh Cam Túc, đã nhiều lần bị chính quyền nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Hoàng đã từng đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị bắt và bị cưỡng bức lao động hai năm ở tỉnh Cam Túc. Lính canh trại lao động thường xuyên đánh đập ông, chủ yếu là vào phần ngực và lưng. Kết quả là ông đã bị gãy một số xương sườn. Sau khi ông Hoàng được thả, cảnh sát đã lục soát nhà ông và tống tiền ông nhiều lần. Ông cũng bị bắt và giam giữ thêm vài lần nữa.

Để tránh bị bức hại, ông Hoàng đã chuyển đến thành phố Thạch Chủy Sơn ở Ninh Hạ. Tuy nhiên, ông đã bị bắt giữ trong một cuộc truy bắt của cảnh sát vào ngày 10 tháng 5 năm 2018. Ở trong trại tạm giam, ông Hoàng xuất hiện chứng tiểu ra máu và không thể ăn uống. Trước khi qua đời, ông đã được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và được kết luận mắc hai căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Chỉ sau đó, cảnh sát mới đồng ý cho ông tại ngoại.

Cảnh sát tiếp tục giám sát cuộc sống hàng ngày của ông Hoàng và thường xuyên sách nhiễu ông sau khi ông được thả vào cuối tháng 7. Cuối năm 2018, Tòa án Quận Đại Vũ Khẩu đã kết án ông 7 năm. Sau đó, ông không thể tự đi lại và chăm sóc bản thân. Do tình trạng sức khỏe của ông, thẩm phán đã cho ông được tạm tha y tế.

Công an và các nhân viên ủy ban khu dân cư liên tục đến sách nhiễu và đe dọa ông. Ông đã sống trong sợ hãi suốt thời gian này. Tình trạng bệnh tình của ông ngày càng nghiêm trọng và ông đã qua đời vào tháng 11 năm 2021.

Một phụ nữ cao niên qua đời do bị đau tim sau khi việc nhập học của cháu trai bị hủy bỏ và nhà bị lục soát

Bà Lý Quân Chi là một cư dân của thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Tháng 7 năm 2021, cháu trai của bà thi đỗ một trường cao đẳng quân sự. Cả gia đình con trai bà đều tràn đầy niềm vui và hy vọng.

Tuy nhiên, sau đó cháu trai của bà được thông báo rằng cháu đã trượt vòng thẩm tra lý lịch vì bà Lý tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát còn đột kích vào nhà của con trai bà và tịch thu hai cuốn sách Pháp Luân Công mà bà Lý để lại. Gia đình của con trai bà đã rất sợ hãi và đau buồn.

Lo lắng và trăn trở về tình trạng của cháu mình, bà Lý đã bị suy tim. Sau khi được đưa đến bệnh viện, bà qua đời vào ngày 27 tháng 7 năm 2021 ở tuổi 70.

Bà lão 76 tuổi qua đời hai tuần sau khi liên tục bị sách nhiễu

Một tháng trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 7 năm 2021), cảnh sát địa phương ở huyện Vĩnh Cát, tỉnh Cát Lâm bắt đầu sách nhiễu Vương tại nhà. Mỗi lần bà từ chối mở cửa, cảnh sát thường ở bên ngoài nhà để theo dõi bà.

Ngày 29 tháng 7 năm 2021, đánh dấu mốc 22 năm ngày bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công, cảnh sát đã ập vào nhà bà Vương và tịch thu sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin và máy in của bà.

Trong khi cảnh sát lục soát nhà, bà Vương (sống một mình) đã lên cơn đau tim. Bà đã gọi điện cho con gái để nhờ giúp đỡ. Sau khi con gái bà đến nơi, cảnh sát đã chụp ảnh cô và yêu cầu cô ký tên vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công thay cho bà Vương. Họ cũng cố gắng bắt bà Vương đến đồn công an để thẩm vấn.

Mặc dù cảnh sát không bắt giữ bà Vương vì sợ phải chịu trách nhiệm, nhưng họ vẫn ở đó và thẩm vấn bà, yêu cầu bà cung cấp thông tin về các học viên khác. Bà Vương từ chối trả lời mọi câu hỏi của họ.

Sau khi cảnh sát rời đi, bà Vương đã chuyển tới nhà con gái ở. Một số cảnh sát không tiết lộ danh tính đã gọi điện cho bà Vương và con gái bà hàng ngày để sách nhiễu họ. Sức khỏe của bà Vương nhanh chóng suy giảm và bà đã qua đời vào ngày 6 tháng 8 năm 2021.

Các báo cáo liên quan:

Tháng 1 đến tháng 10 năm 2021: 102 học viên qua đời

Tháng 7 và tháng 8 năm 2021: 24 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo về trường hợp 67 học viên Pháp Luân Công qua đời trong nửa đầu năm 2021

Báo cáo về 13 trường hợp học viên qua đời trong tháng 4 năm 2021

27 học viên Pháp Luân Công đã qua đời từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/5/436400.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/8/198043.html

Đăng ngày 21-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share