Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-03-2021] Mặc dù bà Lưu Tú Phương lâm bệnh nặng, các nhà chức trách vẫn buộc bà phải ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và ghi hình bà. Tình trạng của bà nhanh chóng xấu đi trong đau đớn tột cùng. Sáu tháng sau, vào lúc 8 giờ 55 phút tối ngày 29 tháng 1 năm 2021, bà đã qua đời ở tuổi 68.

2021-3-29-liu-xiu-fang_01.jpg

Bà Lưu Tú Phương

Cái chết của bà Lưu là kết thúc bi thảm sau hàng loạt những thống khổ mà bà đã phải chịu đựng kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm vào năm 1999. Trong cuộc bức hại kéo dài 22 năm qua, bà đã bị bắt tám lần và cũng kết án lao động cưỡng bức ba lần và một lần lĩnh án tù. Bà liên tục bị tra tấn và nhiều lần ở bên bờ vực của cái chết. Bà đã sống sót sau các cuộc tra tấn trong trại giam, nhưng cuối cùng cũng không chống chọi nổi với sự đau khổ về mặt tinh thần và tổn hại sức khỏe mà các cuộc tra tấn đó gây ra.

Tu luyện Pháp Luân Công

Trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, bà Lưu, một cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang từng bị bệnh thấp tim, hen suyễn, mất kiểm soát đại tiểu tiện và sưng đùi. Hàng ngày bà phải vật lộn mưu sinh. Bà nói nếu không phải vì hai đứa con nhỏ, bà có thể đã tự sát.

Vào ngày 23 tháng 5 năm 1995, bà quyết định tu luyện Pháp Luân Công sau khi biết đến những lợi ích sức khỏe to lớn của môn tu luyện. Không lâu sau, tất cả bệnh tật của bà đều biến mất và bà bắt đầu một cuộc sống mới.

Đánh đập tàn bạo trong trại tạm giam

Bà Lưu đã đến Bắc Kinh để thỉnh cầu cho quyền tu luyện Pháp Luân Công ngay sau khi chính quyền cộng sản phát động cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999. Bà bị đưa trở lại Giai Mộc Tư và bị giam giữ 15 ngày. Cảnh sát đã tống tiền bà 200 Nhân dân tệ.

Bà Lưu bị đưa trở lại trại tạm giam vào cuối tháng 1 năm 2000. Trong trại tạm giam, một lính canh đã đánh bà bằng một thanh tre dài 1 mét, dày 2 cm và ngay lập tức khiến bà ngã quỵ xuống. Sau đó anh ta ra lệnh cho bà đứng dậy và đánh bà một lần nữa. Anh ta lặp lại sự tra tấn này nhiều lần, khiến mông và đùi của bà Lưu bầm tím.

Khi bà trở lại phòng giam, các tù nhân đã hỏi thăm bà. Bà đã cho họ xem các thương tích trên cơ thể mình. Tất cả đều rất sốc. Tù nhân phụ trách phòng giam nói với bà: “Bà đừng ngồi lên chiếc ghế đẩu nhỏ đó (một công cụ tra tấn), nếu không mông của bà sẽ [càng nghiêm trọng hơn], toàn bộ sẽ bị mưng mủ.”

Sau một tháng bị giam giữ, gia đình bà Lưu đã phải nhờ đến các mối quan hệ và phải nộp 1.000 Nhân dân tệ để bà được thả. Một năm sau đó, những vết bầm tím trên mông của bà vẫn còn hằn rõ.

Án lao động đầu tiên: Trói vào giường chết

Vào ngày 4 tháng 10 năm 2000, bà Lưu bị bắt lần thứ ba tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vì phản đối cuộc bức hại. Bà bị đưa trở lại Giai Mộc Tư và bị giam một năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Tây Cách Mộc. Vì bà đã xóa một biểu ngữ có thông tin vu khống Pháp Luân Công, một lính canh đã tát vào mặt bà và thời hạn giam giữ của bà bị kéo dài thêm ba tháng.

Khi bà Lưu từ chối xem các video tẩy não phỉ báng Pháp Luân Công, một lính canh khác đã kéo bà xuống nhà kho ở tầng dưới. Đầu tiên, cô ta nhốt bà vào một chiếc giá để đồ và sau đó trói bà vào giường chết ở tư thế “đại bàng sải cánh” trong một tuần.

Bà Lưu kể lại: “Sự đau đớn khi bị trói vào giường chết thật khó có thể miêu tả được. Vô cùng đau đớn! Họ còng tôi chặt đến mức tôi không thể cử động được, hoặc không chiếc còng sẽ cứa vào da thịt tôi. Ngay cả khi tôi cần đi vệ sinh, họ vẫn giữ lại một tay tôi bị khóa chặt trên giường. Tôi bị đau ngực dữ dội, cảm giác như phía trước và phía sau ngực bị ép vào nhau.”

2004-12-4-dalian9.jpg

Tái hiện phương thức tra tấn: trói vào giường chết

Bị từ chối nhận vào trại lao động do sức khỏe yếu

Lần bắt giữ thứ tư của bà Lưu xảy ra vào khoảng 7 giờ tối của một ngày trong tháng 5 năm 2002. Bà bị cảnh sát phát hiện phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công tại một chợ đêm. Bà bị đưa đến trại tạm giam địa phương vào buổi tối và bị lục soát nhà vào ngày hôm sau.

Tại trại tạm giam, lúc đầu bà bị trói trong tư thế đại bàng sải cánh trong một ngày. Ba tuần sau, bà lại bị đưa tới trại lao động cưỡng bức, nhưng trại từ chối tiếp nhận bà do sức khỏe yếu và bà đã được thả.

Hai án lao động cưỡng bức khác

Vào ngày 12 tháng 12 năm 2002, bà Lưu bị bắt lần thứ năm và bị kết án lao động cưỡng bức hai năm. Ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Tây Cách Mộc, bà bị buộc phải làm công việc hái đậu không công. Lính canh còng tay bà ra sau lưng mỗi khi bà không phải lao động. Hàng giờ bị còng tay khiến người bà run lên vì đau đớn. Tù nhân còn kéo cánh tay của bà để tăng thêm đau đớn. Bà nói rằng lúc đó bà cảm giác một giây dài cả nghìn năm. Khi các lính canh tháo còng tay, bàn tay và cổ tay của bà đã bị sưng tấy nghiêm trọng và huyết áp của bà rất cao.

2011-5-2-minghui-persecution-222413-1.jpg

Tái hiện phương thức tra tấn: còng tay ra sau lưng

Sáu tháng sau bà Lưu được thả, nhưng vào mùa thu năm 2003, bà lại bị bắt một lần nữa sau khi bị báo cáo vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà được thả sau 24 giờ bị giam giữ.

Vào ngày 7 tháng 4 năm 2005, bà Lưu đã bị kết án lao động khi bà bị bắt lần thứ bảy trong khi tới nhà của một học viên Pháp Luân Công. Bà bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ mà không được cử động trong suốt 6 tháng bị giam giữ.

Kết án ba năm tù

Vào ngày 12 tháng 2 năm 2009, hàng chục cảnh sát đã đột nhập vào nhà của bà Lưu và bắt giữ bà. Cảnh sát đã trói bà vào ghế cọp trong năm ngày và không cho phép bà ăn hay ngủ trong ba ngày liên tiếp. Kết quả là bà bị mất kiểm soát việc đại tiểu tiện.

2014-7-5-minghui-pohai-kuxing-laohudeng.jpg

Minh họa phương thức tra tấn: Ghế cọp

Chồng và con trai bà Lưu (đều không tu luyện Pháp Luân Công) đã bị bắt cùng với bà. Cảnh sát đã tát vào mặt chồng bà và trói ông vào ghế cọp trong ba ngày. Họ buộc ông phải lăn tay điểm chỉ vào một tài liệu và giam ông thêm hai ngày trong trại tạm giam. Con trai của bà Lưu cũng bị giam hai ngày, trong đó một ngày bị trói trên ghế kim loại. Hai chiếc điện thoại di động của anh đã bị tịch thu.

Chồng của bà Lưu đã bị tổn thương sau khi bị giam giữ và tra tấn. Đôi mắt ông đờ đẫn và ông trở nên khép mình. Trí nhớ của ông giảm sút và đôi khi quên mất mình đang làm gì. Thậm chí vài năm sau, ông vẫn chưa thể phục hồi.

Trong vòng hai tuần sau khi bà Lưu bị bắt, hai mươi học viên địa phương khác cũng bị bắt vì truyền rộng thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bốn người trong số họ là bà Lưu, ông Phó Dụ, ông Ngô Chí Cương và ông Vu Vân Cương đã bị Tòa án Quận Hướng Dương xét xử và bị kết án lần lượt là ba, năm, sáu và tám năm tù.

Ông Vu bị đánh đập tới chết tại Nhà tù Giai Mộc Tư vào ngày 5 tháng 3 năm 2011. Ông Phó qua đời vào ngày 30 tháng 11 năm 2015 sau khi vật lộn với sức khỏe kém.

Bà Lưu cũng bị suy tim và huyết áp cao do bị tra tấn trong nhà tù, nhưng các lính canh đã từ chối để bà được tạm tha y tế với lý do là bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Công.

Sách nhiễu trước khi qua đời

Bà Lưu đã phải vật lộn với tình trạng sức khỏe yếu sau khi được thả. Bà bị đột quỵ vào tháng 6 năm 2019 và phải nằm liệt giường.

Trong chiến dịch sách nhiễu “Xóa sổ” bắt đầu vào đầu năm 2020, các nhà chức trách ở Giai Mộc Tư đã đến gặp mọi học viên Pháp Luân Công trong danh sách đen của chính quyền và cố gắng buộc họ từ bỏ đức tin của mình.

Vào một buổi chiều vào tháng 7 năm 2020, cảnh sát và chủ nhiệm ủy ban dân cư đã đến nhà của con trai bà Lưu nhằm tìm ra địa chỉ hiện tại của bà. Cháu trai của bà Lưu đang ở nhà một mình đã rất sợ hãi và gọi điện cho mẹ. Con dâu của bà Lưu vội vã về nhà. Cô đã nói với cảnh sát về tình trạng sức khỏe nghiêm trọng của bà Lưu và cô lo lắng rằng nếu đưa cảnh sát đến gặp bà, tình trạng của bà có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhưng cảnh sát nhất quyết đòi nói chuyện với bà Lưu.

Bị cảnh sát cưỡng chế, con dâu của bà Lưu đành phải đưa họ đến nơi ở của bà. Các cảnh sát buộc bà Lưu phải điểm chỉ vào tài liệu đã chuẩn bị sẵn để từ bỏ Pháp Luân Công. Họ cũng ghi hình bà để dùng làm bằng chứng về việc họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Sự sách nhiễu càng làm tình trạng của bà Lưu trở nên nghiêm trọng hơn và bà qua đời sau đó sáu tháng.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/30/八次被绑架-佳木斯刘秀芳遭“清零”骚扰后离世-422751.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/31/191663.html

Đăng ngày 27-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share