Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 23-03-2021] Ngày 21 tháng 7 năm 2018, vào thời điểm bà Vương Thục Mai được trả tự do sau 10 năm thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công, tóc của bà đã bị bạc, bốn chiếc răng của bà ấy bị gãy cùng bảy chiếc khác bị lung lay, và thị lực của bà cũng trở nên không rõ ràng.
Bất chấp tình trạng của bà Vương, cảnh sát vẫn tiếp tục quay lại sách nhiễu và yêu cầu bà viết bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Chồng bà có tình nhân khác và đã bỏ rơi bà khiến bà vô cùng tuyệt vọng. Bà Vương ở với chị gái, người đã chăm sóc cho bà. Ngày 12 tháng 3 năm 2021, sau khi vận lộn với sức khỏe yếu trong gần ba năm, người dân ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh này đã qua đời ở tuổi 59, chỉ một ngày sau khi con trai bà đón bà trở về nhà.
Bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công
Bà Vương từng bị chứng đau nửa đầu, bệnh phụ khoa và các bệnh khác. Sau khi sử dụng hết số tiền tiết kiệm của gia đình, bà phải vay tiền của người thân để tiếp tục việc điều trị y tế nhưng vẫn không thể chữa khỏi bệnh của bà. Việc biết đến Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân vào năm 1998 là một bước ngoặt đối với bà Vương. Tất cả bệnh tật của bà đã biến mất trong vòng một tháng kể từ khi bà bắt đầu tu luyện.
Án tù 10 năm
Kể từ khi chính quyền ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các nhà chức trách đã bắt giữ và sách nhiễu các học viên trong những ngày kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công và các sự kiện lớn của quốc gia.
Ngày 21 tháng 7, trước Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, bà Vương bị bắt trong một cuộc càn quét của cảnh sát và nhà bà đã bị lục soát. Sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, ảnh Nhà sáng lập Pháp Luân Công và ba máy in của bà đã bị tịch thu.
Ngày 8 tháng 10, Tòa án huyện Trầm Bắc Tân truy tố bà Vương và xét xử bà vào ngày 5 tháng 11 năm 2008. Bà đã bị kết án 10 năm tù.
Bị tra tấn trong tù
Ban đầu bà Vương bị giam giữ tại phân khu 8, sau đó bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào ngày 3 tháng 3 năm 2009. Bà chỉ nhận được một chút đồ ăn trong suốt ba tháng. Hàng ngày, bà Vương buộc phải làm việc ít nhất 12 tiếng, phải may áo len từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, và bà bị buộc phải đứng đến 1 giờ sáng trước khi được phép đi ngủ.
Lính canh đã sắp xếp những người bị giam giữ thành một nhóm ba người, nếu một ai trong số họ không phục tùng, cả ba sẽ bị trừng phạt. Để buộc học viên từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công, lính canh thường sắp xếp hai tù nhân và một học viên thành một nhóm. Vì muốn có được thiện cảm của lính canh, những tù nhân này thường xuyên ngược đãi các học viên.
Bởi vì bà Vương kiên định vào đức tin của mình, các lính canh đã liên tục thay đổi tù nhân đi cùng bà và ra lệnh cho họ sử dụng các phương pháp khác nhau để tra tấn bà. Một vài người trong số họ đã treo bà ấy lên đủ cao để chân bà không chạm tới sàn. Thỉnh thoảng họ cũng kéo tóc bà Vương và dúi đầu bà vào một xô đầy nước, khiến bà suýt bị dìm chết. Những người khác thì tát vào mặt và véo đùi bà ấy mỗi ngày. Ngay cả khi bà Vương đang phải lao động cưỡng bức, các tù nhân đôi khi vẫn đánh bà mà không có lý do.
Một tù nhân bị giam giữ vì tội giết người đã tra tấn bà Vương bằng cách buộc bà mở miệng và đẩy vào răng bà ấy. Mặc dù không có thương tích nào rõ ràng, nhưng răng của bà ấy trở nên lung lay và bắt đầu bị đau.
Để ngăn bà Vương luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, các tù nhân thường còng tay bà ấy sau lưng ngay cả khi bà ngủ. Đôi khi họ xé ga trải giường và trói bà trên giường. Họ trói bà ấy chặt đến mức khiến cổ tay bà bị thương. Bởi vì bà Vương hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối bức hại, các tù nhân đã bịt miệng bà bằng băng keo.
Tái hiện tra tấn: Còng tay sau lưng
Tù nhân thường nói với bà Vương rằng: “Nếu chúng tôi không thể trông chừng bà, chúng tôi sẽ bị trừ điểm và chúng tôi không thể giảm thời hạn tù của mình.”
Bà Vương được chuẩn đoán mắc bệnh hạ đường huyết do liên tục bị ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần, cùng 12 giờ lao động cưỡng bức mỗi ngày và một chế độ ăn không đầy đủ. Kết quả là, bà ấy bị chuyển đến phân khu 11 dành cho người già và những người tàn tật vào ngày 25 tháng 1 năm 2012. Lính canh tiếp tục buộc bà phải lao động không công và lần này là làm tăm bông.
Bất chấp tuổi tác cao hay tình trạng sức khỏe yếu, nếu các học viên Pháp Luân Công kiên định vào đức tin của mình, họ sẽ bị tra tấn. Có thông tin cho rằng chính quyền đã đặt một chỉ tiêu tử vong cho phân khu 11, nghĩa là lính canh sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu các học viên chết do bị bức hại.
Bởi vì bà Vương từ chối từ bỏ đức tin của mình, bà đã bị tra tấn bằng hơn 20 cách khác nhau trong suốt 10 năm bị giam giữ. Các hình thức tra tấn bao gồm: không cho ngủ, bị biệt giam, trói trên giường chết. Đôi khi, các tù nhân còn dội nước lạnh vào người bà Vương, kéo tóc bà ấy, treo bà ấy lên cao, dẫm lên lưng bà, không cho bà sử dụng nhà vệ sinh hoặc nước để tắm, cấm bà ấy mua đồ dùng chăm sóc cá nhân và làm nhục bà bằng các cách khác nhau. Miệng bà Vương thường xuyên chảy máu vì bị tát. Có những thời điểm cân nặng của bà ấy giảm xuống chỉ còn 36kg.
Trong suốt thời gian bà Vương ở tù, gia đình bà nhiều lần yêu cầu được vào thăm bà ấy, nhưng lần nào cũng bị lính canh từ chối.
Thậm chí ba tháng trước khi bà Vương được trả tự do, một tù nhân vẫn tát vào mặt và nhét giẻ vào miệng bà sau khi lính canh mắng các tù nhân vì bà kiên định vào đức tin của mình.
Khi chị gái đến đón bà bên ngoài nhà tù, chị bà gần như không thể nhận ra ai đang đứng trước mặt mình.
Bài liên quan:
Bà Vương Tố Mai kiên định tu luyện Pháp Luân Công ở trong tù
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/23/422430.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/24/191554.html
Đăng ngày 16-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.