Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-11-2021]
Họ và tên: Đàm Phượng Minh
Giới tính: Nam
Tuổi: 82
Thành phố: Cáp Nhĩ Tân
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Chủ cửa hàng ăn uống Ngày mất: 9 tháng 11 năm 2021
Ngày bị bắt gần đây nhất: 2001
Nơi bị giam gần đây nhất: Trại tạm giam số 2 huyện Tân
Sau khi phải chịu đựng hơn 2 thập kỷ đau khổ về mặt tinh thần vì hậu quả của cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một người đàn ông 82 tuổi ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời vào ngày 9 tháng 11 năm 2021. Chỉ vài ngày trước khi ông mất, cảnh sát và các nhân viên của ủy ban cư dân vẫn sách nhiễu ông và vợ ông.
Cái chết của ông Đàm Phượng Minh đã giáng một đòn nặng nữa vào vợ ông là bà Lý Hưng Kiệt, 77 tuổi. Người con trai của hai vợ chồng già đã bị mất tích từ năm 2004 sau khi anh đi phát những tư liệu về Pháp Luân Công, và người con gái của họ đã bị kết án 4 năm tù vào năm 2019, cũng vì tín ngưỡng của mình vào Pháp Luân Công. Với việc ông Đàm nay đã mất, bà Lý, vốn đã bị mù mắt trái sau khi con gái bà bị bắt lần gần đây nhất, phải vật lộn để tự lo cho bản thân mình.
Ông Đàm tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 1998 và đã sớm có thể bỏ nhiều thói quen xấu của mình, bao gồm hút thuốc và uống rượu. Sau khi chứng kiến những thay đổi của ông, vợ, con trai và con gái ông cũng bắt đầu tập Pháp Luân Công. Khi cả con trai và con gái bị chỗ làm của họ cho thôi việc, cả gia đình phải dựa vào cửa hàng ăn uống của ông Đàm mà ông đã mở hơn 10 năm trước.
Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, cuộc sống bình yên và hòa thuận của cả gia đình đã tan vỡ. Tất cả 4 thành viên đã lần lượt bị bắt và bị giam. Do việc sách nhiễu thường xuyên của cảnh sát, ông Đàm đã phải đóng cửa cửa hàng ăn uống của mình. Con trai và con gái ông cũng buộc phải sống xa nhà để trốn tránh cảnh sát.
Ông Đàm bị bắt lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi ông đến chính quyền tỉnh để thỉnh nguyện cho quyền được tập Pháp Luân Công. Ông đã bị giữ ở đồn cảnh sát địa phương trong hơn 10 tiếng đồng hồ và bị bắt phải trình diện với cảnh sát hàng ngày sau khi ông được phóng thích.
Bà Lý cũng đã bị bắt vào năm 1999 vì đi đến chính quyền tỉnh để thỉnh nguyện quyền được tập Pháp Luân Công. Bà đã bị đưa vào danh sách đen của cảnh sát và bị sách nhiễu sau khi bà được phóng thích.
Bà Lý lại bị bắt vào khoảng Tết Nguyên đán năm 2000 và bị giữ ở trại tạm giam số 2 huyện Tân trong 18 ngày sau khi cảnh sát tìm thấy một cuốn sách Pháp Luân Công ở nhà bà. Bà cũng bị bắt phải trình diện ở đồn cảnh sát hàng ngày sau khi bà được phóng thích. Cảnh sát dọa sẽ bắt giam bà nếu bà không tuân theo.
Một vài tháng sau đó, ông Đàm lại bị bắt vào năm 2001 vì đi phát những tư liệu thông tin về Pháp Luân Công. Ông bị giam ở trại tạm giam số 2 huyện Tân trong 40 ngày và gia đình ông đã bị cảnh sát tống tiền 4000 tệ.
Để tránh bị thường xuyên sách nhiễu, ông Đàm và vợ ông đã chuyển đến một quận khác. Nhưng cảnh sát vẫn tìm thấy và sách nhiễu họ, đặc biệt là trong những ngày nhạy cảm về mặt chính trị hoặc khi thành phố tổ chức những hội nghị lớn.
Sau khi con gái họ, bà Đàm Quảng Mỹ, bị bắt vào năm 2018 vì tập Pháp Luân Công, bà Lý đã khóc nhiều đến mức bà bị mất thị lực ở bên mắt trái, khiến cho cuộc sống của họ còn khó khăn hơn.
Con trai bị mất tích vào năm 2004
Người con trai của hai vợ chồng già là anh Đàm Quảng Phong, mới chỉ tập Pháp Luân Công được 2 tháng khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Anh cũng đã đến chính quyền tỉnh để thỉnh nguyện và bị giam ở đồn cảnh sát trong 5 tiếng đồng hồ.
Anh Đàm đi đến Bắc Kinh vào tháng 10 năm 1999 để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và trở về vài ngày sau đó. Anh lại đi đến Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2000 nhưng đã bị bắt trên tàu hỏa. Cảnh sát giữ anh ở trại tạm giam số 1 huyện Tân trong gần 7 tháng và đã tống tiền gia đình anh 1000 tệ. Kể từ đó, cũng như bố mẹ mình, anh đã thường xuyên bị sách nhiễu và bị bắt phải trình diện với cảnh sát hàng ngày, nếu không anh sẽ bị bắt giam lại.
Vào tháng 12 năm 2000, anh Đàm lại bị bắt tại nhà và bị giữ ở trại tạm giam số 2 huyện Tân trong 5 tháng. Anh đã bị đánh đập vì không từ bỏ Pháp Luân Công và không mặc đồng phục của phạm nhân. Gia đình anh đã bị cảnh sát tống tiền 2000 tệ.
Anh đi phát những tư liệu thông tin về Pháp Luân Công ở gần ga tàu hỏa Cáp Nhĩ Tân vào ngày 2 tháng 5 năm 2004 và không bao giờ trở về nhà nữa. Năm đó anh 37 tuổi.
Những lần bị bắt và bị giam của người con gái
Bà Đàm Quảng Mỹ, 52 tuổi, đã bị bắt vào tháng 10 năm 1999 khi bà đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà đã bị giam trong 1 tháng và bị cảnh sát tống tiền 4000 tệ, và cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà sau khi bà được phóng thích.
Bà Đàm bị bắt phải đi đến đồn cảnh sát vào tháng 6 năm 2000 khi bà đang giặt quần áo tại nhà. Bà đã bị bắt ngay khi đến đó và bị đưa đến trại tạm giam số 1 huyện Tân với cáo buộc là “gây rối trật tự xã hội”. Bà đã tuyệt thực để phản đối sau 2 tháng bị giam. Các lính canh đã tát vào mặt bà, trói bà vào một chiếc ghế tựa với hai cánh tay bà bị trói ra sau lưng và bức thực bà. Mũi và miệng bà bị chảy máu nặng. Bà bị bức thực một lần mỗi ngày trong 9 ngày. Cảnh sát cũng thường xuyên sách nhiễu bà và bắt bà phải trình diện với họ hàng ngày sau khi bà được phóng thích vào tháng 9 năm đó. Bà đã buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại.
Bà Đàm lại đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tập Pháp Luân Công vào tháng 12 năm 2000 và bị bắt. Vì bà từ chối nói cho cảnh sát Bắc Kinh tên mình là gì, họ đã đổ nước lạnh như đá vào quần áo bà, bỏ đói bà và không cho bà ngủ trong 2 ngày. Bà đã được phóng thích 5 ngày sau đó.
Bà Đàm lại bị bắt một lần nữa vào tháng 11 năm 2002 sau khi bà bị cảnh sát phát hiện khi bà trở về nhà để lấy một số quần áo. Bà đã tuyệt thực để phản đối và được phóng thích 6 ngày sau đó. Bà đã không dám trở về nhà và phải đi khỏi thành phố.
Trong khi đang đi trên đường phố ở Cáp Nhĩ Tân khi bà trở về để thăm bố mẹ vào tháng 6 năm 2003, bà Đàm lại bị bắt. Bà đã tuyệt thực để phản đối trong trại giam ở địa phương và bị bức thực. Bà được phóng thích 2 ngày sau đó. Trong 10 năm tiếp theo, bà chủ yếu sống ở xa thành phố để trốn cảnh sát.
Bà Đàm bị bắt lần gần đây nhất là trong một cuộc truy quét của cảnh sát vào ngày 9 tháng 11 năm 2018. Sau khi bà bị kết án 4 năm tù bởi Tòa án Nghi Lan vào ngày 23 tháng 5 năm 2019, bà đã được phép nói chuyện một lúc với bố mẹ mình. Mẹ bà giữ chặt hai tay của bà và không muốn buông ra.
Hiện bà vẫn đang bị giam ở Trại tù nữ tỉnh Hắc Long Giang, bà Đàm không ngờ rằng ngày bà bị xét xử tại tòa là lần cuối cùng bà có thể nói chuyện với bố mình.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/15/433636.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/18/196633.html
Đăng ngày 28-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.