Bài viết của phóng viên Báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 18-12-2020] “Trái tim tôi như vỡ ra hàng nghìn mảnh khi tôi nhìn thấy xác cháu nằm đó”, bà Nhâm Xán Như dừng lại. “Nhưng tôi đã cố gắng hết sức có thể.”
“Đôi mắt của cháu vẫn còn đang khép hờ. Tôi nhẹ nhàng vuốt mi để mắt cháu khép lại. Tôi chạm vào vầng trán lạnh và ôm lấy bàn tay cứng đờ của cháu.” Bà Nhâm, một người mẹ đã mất đứa con trai duy nhất của mình gần hai thập kỷ trước đã hồi tưởng lại cơn ác mộng tồi tệ vẫn còn ám ảnh bà cho đến tận bây giờ.
“Tôi gần như ngất đi khi nhìn thấy chân phải của cháu – toàn bộ là màu đen từ đầu gối trở xuống. Có một vết to bằng lòng bàn tay tôi trên bắp chân của cháu và một vết bằng ngón tay cái của tôi ở bên dưới bàn chân cháu, nơi da thịt không còn và xương bị lộ ra. Toàn bộ chân của cháu đã bị teo như cây củi khô. Đó hoàn toàn khác xa người con trai mà tôi vẫn hình dung.”
Bà Nhâm đã không gặp con trai mình, anh Viên Giang, trong gần một năm trước khi anh qua đời. Bà biết về việc anh bị bắt vào tháng 8 vì tu luyện Pháp Luân Công, nhưng không biết gì về việc anh vừa trốn khỏi nơi giam giữ, nơi anh bị tra tấn tàn bạo.
Lần cuối cùng bà gặp anh là trước khi bà và chồng lên đường đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện với chính quyền trung ương vào tháng 12 năm 2000 về việc bức hại đức tin của họ. Cả hai đều bị bắt và tạm giam. Khi bà Nhâm được trả tự do vào đầu mùa hè năm 2001 sau 5 tháng bị giam giữ, bà thấy nhớ anh Viên, người đã phải rời thị trấn để tránh bị bắt giữ.
Sau đó, tin tức về việc anh bị bắt được biết vào cuối tháng 8 năm 2001. Bà Nhâm và chồng đã tìm ra nơi anh Viên bị giam giữ và cố gắng đến thăm một vài lần, nhưng đã không bao giờ được phép vào trong. Bà chỉ muốn gửi cho anh một số quần áo ấm, vì trong những ngày đó, trời ở đây đang trở nên lạnh hơn so với thành phố quê nhà Lan Châu ở vùng Tây Bắc Trung Quốc của họ.
Bà cũng lo lắng cho sự an toàn của anh, khi biết rằng các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt là những người không chịu khuất phục, thường xuyên bị tra tấn và ngược đãi trong các trại tạm giam. Bà hiểu con trai mình quá rõ — anh không bao giờ dao động đối với đức tin của mình. Cuộc điện thoại vào sáng ngày 9 tháng 11 đã không gây ra sự bất ngờ cho bà.
Sau khi cúp máy, bà vội vã đến nhà của một học viên địa phương, nhưng do dự trước khi bước vào phòng. Anh đã ở đó, cậu con trai yêu quý của bà, đã nằm chết. Anh mới 29 tuổi, một cậu thanh niên trẻ tuổi với đầy triển vọng và vẫn còn rất nhiều những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời đang ở phía trước.
Anh Viên, bà Nhâm và trải nghiệm bi thảm của gia đình họ về việc bị bắt, giam giữ, tra tấn và qua đời không phải là trường hợp duy nhất. Khổ nạn tương tự đã xảy ra với hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công và gia đình của họ trên khắp Trung Quốc, kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm môn tu luyện vào tháng 7 năm 1999 và phát động một cuộc bức hại tàn nhẫn nhắm vào các tín đồ.
Với tư cách là người điều phối và là người liên lạc chính của trung tâm hỗ trợ ba tỉnh phía Tây Bắc, việc bắt giữ và cái chết của anh Viên đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ các nhà chức trách địa phương. Nhiều học viên địa phương đã bị liên lụy, bao gồm cả cha mẹ anh và những người đã giúp đỡ anh.
Anh Viên Giang
I. Câu chuyện của anh Viên Giang
Tốt nghiệp từ trường Đại học Thanh Hoa danh tiếng
Gia đình anh Viên quê gốc ở huyện Đặng Khẩu, Nội Mông. Là con út trong gia đình 4 người và là người con trai duy nhất, anh Viên sinh ngày 24 tháng 8 năm 1972, tại thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, với bố mẹ đều là giáo viên. Cha của anh, Giáo sư Viên Trợ Quốc, là chủ nhiệm Khoa Vật lý tại Đại học Sư phạm Tây Bắc. Mẹ của anh, bà Nhâm Xán Như giảng dạy tại trường tiểu học liên kết của trường đại học.
Anh Viên là người có sức khỏe yếu và hay ốm khi còn nhỏ. Anh được chẩn đoán mắc bệnh viêm cơ tim và vòm họng ở trường trung học và đã phải nghỉ học một năm. Sau khi quay lại với tư cách là một học sinh trung học, anh đã tham gia Cuộc thi Vật lý Quốc gia hàng năm lần thứ sáu và đứng thứ năm ở tỉnh Cam Túc. Anh tốt nghiệp trung học năm 1990 và được nhận vào trường đại học danh tiếng bậc nhất quốc gia, Đại học Thanh Hoa, để theo học ngành Kỹ thuật điện tử.
Mặc dù có thành tích học tập tuyệt vời, anh Viên vẫn rất ốm yếu trong những năm đầu học đại học. Anh cũng có thói quen xấu là hút thuốc và uống rượu trong thời gian đó.
Khám phá khoa học phi thường
Anh Viên lần đầu tiên nghe nói về Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1993. Tình cờ, anh tham dự một buổi giảng Pháp do Nhà sáng lập là Ngài Lý Hồng Chí tổ chức tại thành phố Đại Liên và đã trở thành một học viên. Anh sớm bỏ việc hút thuốc và uống rượu và mọi bệnh tật của anh cũng đều biến mất. Khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng, anh ấy đã có sự thay đổi cơ bản từ bên trong.
Anh Viên tin rằng Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công là đạo lý chân chính của Phật Pháp. Đó là con đường tu luyện chính thống giúp cho mọi người trở nên tử tế. Đó là khoa học phi thường. Anh Viên đã đi theo Sư phụ Lý Hồng Chí đến các thành phố khác nhau trong những tháng sau đó và tham dự năm buổi giảng Pháp của Ngài.
Pháp Luân Công đã cho anh trí huệ và nâng cao nhân cách đạo đức của anh. Bên cạnh việc tự luyện tập, anh Viên còn truyền rộng về môn tu luyện và giúp nhiều người tại Đại học Thanh Hoa bắt đầu việc tu luyện.
Một học viên cũng theo học tại Thanh Hoa vào đầu những năm 90 nhớ lại: “Một giáo sư tham dự khóa giảng Pháp của Sư phụ Lý ở Cáp Nhĩ Tân đã bắt đầu luyện công trong khuôn viên trường. Viên Giang, người đã tham dự khá nhiều khóa học của Sư phụ, là một trong những người đầu tiên thường xuyên tham gia nhóm luyện công tập thể.
“Chúng tôi tập trung vào mỗi buổi sáng tại một vài địa điểm khác nhau trong khuôn viên trường, đôi khi trước đại lễ đường, hoặc gần Công viên Kim Xuân, hoặc trước Đài tưởng niệm Đại học Liên kết Tây Nam Quốc gia (Lianda). Chúng tôi cũng hẹn nhau mỗi tối tại văn phòng quản lý để xem băng ghi hình hoặc nghe băng ghi âm Sư phụ giảng Pháp.”
Sự nghiệp tại Sở Viễn thông Lan Châu
Anh Viên tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa vào mùa hè năm 1995 và chuyển về quê nhà để có cơ hội làm việc với Sở Viễn thông Lan Châu. Là một thanh niên tốt bụng và chân thành, luôn sẵn lòng giúp đỡ, anh Viên ngày càng nổi bật trong giới đồng nghiệp. Thành tích xuất sắc cũng giúp anh được công nhận từ những người quản lý của mình và sự tôn trọng từ các đồng nghiệp tại bộ phận kỹ thuật công nghệ.
Anh Viên đã trở thành người phụ trách trực tiếp của công ty đối với tất cả các vấn đề liên quan đến công nghệ và máy tính. Điện thoại di động không phổ biến vào những năm 90 và hầu hết mọi người đều sử dụng máy nhắn tin. Anh ấy luôn trả lời tin nhắn máy nhắn tin của mình ngay cả khi anh đã hết giờ làm. Anh thường đi đến bốt điện thoại công cộng trong khu phố của mình để gọi lại và luôn trả lời các câu hỏi một cách chi tiết và kiên nhẫn.
Khi Sở Viễn thông Lan Châu mở rộng kinh doanh vào năm 1999 và thành lập công ty con liên kết, công ty TNHH Truyền thông Công nghiệp Phi Thiên, anh Viên trở thành sự lựa chọn hiển nhiên cho vị trí Phó Tổng giám đốc và Giám đốc Công nghệ.
Địa điểm luyện công tập thể tại Đại học Sư phạm Tây Bắc
Ngay sau khi chuyển về quê nhà Lan Châu, anh Viên bắt đầu luyện công tại Đại học Sư phạm Tây Bắc vào mỗi buổi sáng. Lúc đầu, anh chỉ luyện công một mình. Dần dần, ngày càng có nhiều người tham gia cùng với anh.
Anh Viên đã trở về quê nhà cùng với sự chăm chỉ và chuyên môn kỹ thuật công nghệ của mình. Anh cũng dẫn dắt những người khác trong việc tạo ra một vùng đất tịnh độ ở phía Tây Bắc Trung Quốc. Trong hai năm ngắn ngủi, địa điểm luyện công tập thể tại trường đại học khởi đầu chỉ với mình anh Viên giờ đây thường xuyên có hàng chục nghìn người luyện công vào mỗi buổi sáng.
Nhiều địa điểm luyện công tập thể mới mọc lên khắp thành phố. Mọi người tụ tập trong công viên và quảng trường mỗi sáng để luyện công cùng nhau. Dưới ánh nắng ban mai, các học viên ôn hòa đã thực hiện những động tác nhẹ nhàng cùng trong bản nhạc du dương của Pháp Luân Công. Những nhóm luyện công này đã tạo nên một khung cảnh khá ngoạn mục và đẹp đẽ ở Lan Châu được mệnh dang là “Thành phố Vàng”.
Không có quảng cáo hay quảng bá, tu luyện Pháp Luân Công được truyền miệng. Khả năng chữa bệnh kỳ diệu và hiệu quả của môn tu luyện trong việc nâng cao nhân cách đạo đức của xã hội nói chung đã góp phần làm cho Pháp Luân Công trở nên phổ biến rộng rãi và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng lớn.
Số học viên ở vùng Tây Bắc tăng nhanh vào cuối những năm 90. Để giúp đỡ các học viên mới và phối hợp trên các địa điểm luyện công tập thể tốt hơn, anh Viên đã thành lập các trung tâm hỗ trợ tình nguyện viên ở Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc, sau đó là Tây Ninh và Ngân Xuyên, thủ phủ của các tỉnh lân cận Thanh Hải và Ninh Hạ. Anh Viên trở thành điều phối viên và người liên hệ của cả ba trung tâm hỗ trợ.
Mặc dù các khóa học của Pháp Luân Công là miễn phí, nhưng tài liệu in ấn và thuê mặt bằng cho các khóa học này rất tốn kém. Các học viên tại các trung tâm hỗ trợ không chỉ tình nguyện dành thời gian của họ mà họ còn đóng góp bằng cách quyên góp tiền. Là một thanh niên có cuộc sống giản dị, anh Viên đã quyên góp quỹ đáng kể cho các trung tâm hàng năm.
Khi Nhật báo Cam Túc, tờ báo lớn nhất của tỉnh, đăng một bài báo vào tháng 7 năm 1998 phỉ báng Pháp Luân Công, anh Viên đã đích thân đến trụ sở tòa báo và chia sẻ với các biên tập viên và phóng viên kinh nghiệm của bản thân về lợi ích từ môn tu luyện. Câu chuyện và sự chân thành của anh đã khiến nhân viên tòa báo cảm động sâu sắc, họ đã thay đổi thái độ đối với việc làm này và sau đó đã đăng tải lời xin lỗi trên báo.
Cha mẹ của anh Viên bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công
Sau khi chứng kiến sự thay đổi đáng kể cả về thể chất và tinh thần của con trai, cha mẹ của anh Viên biết rằng Pháp Luân Công là một môn tu luyện tốt.
Bà Nhâm vào thời điểm đó bị bệnh tim và có vấn đề về gan. Dù đã trải qua hai cuộc đại phẫu nhưng các triệu chứng lại tái phát vào mỗi mùa đông, thậm chí có lúc bà phải nhập viện. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau khi bà bắt đầu tập luyện, mọi bệnh tật của bà đều biến mất.
Cha của anh Viên bị xơ gan vào giai đoạn cuối và đã uống vô số loại thuốc nhưng không đỡ. Hệ thống miễn dịch của ông rất yếu và ông dễ bị ốm. Ông phải đội mũ ngay cả trong mùa hè và không thể ăn bất cứ thứ gì lạnh nếu không ông sẽ bị ốm. Sau khi ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, sức khỏe của ông nhanh chóng được cải thiện và trông ông giống như một người hoàn toàn khác.
Mặc dù đã trải qua nhiều khổ nạn trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng những người dân Trung Quốc cần cù và tốt bụng chưa bao giờ mất đi mối liên hệ thiêng liêng với Thần Phật và luôn tin vào những điều tốt đẹp. Giống như một ngọn hải đăng, Pháp Luân Công, với nguồn gốc sâu xa từ trí tuệ cổ xưa, đã thắp sáng tỉnh Cam Túc, quê hương của Động Ngàn Phật, và thắp lại hy vọng trong mọi người. Sức mạnh kỳ diệu của Pháp Luân Công trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe đã thu hút một lượng lớn sự hưởng ứng ở vùng Tây Bắc. Khi sự hiểu biết của các học viên trở nên sâu sắc hơn, đạo đức của họ cũng được nâng cao và cách nhìn của họ trong cuộc sống thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Cuộc bức hại bắt đầu
Việc Nhật báo Cam Túc xuất bản bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công vào năm 1998 không phải là một sự cố cá biệt. Khi hoạt động này ngày càng phổ biến, nó cũng thu hút sự chú ý từ chính quyền trung ương. Một số quan chức cấp cao đã coi phương pháp tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn này là một mối đe dọa. Tất cả các sách của Pháp Luân Công bị cấm xuất bản vào năm 1996 và các hãng tin tức khác nhau bắt đầu chỉ trích môn tu luyện này. Nhưng không điều gì trong số đó ngăn cản việc phát triển của môn tu luyện. Ước tính đến năm 1999, có gần 100 triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Số lượng tuyệt đối các học viên đã chạm vào nỗi sợ hãi của Giang Trạch Dân, người đứng đầu ĐCSTQ lúc bấy giờ và đã sớm phát động cuộc bức hại trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999 nhắm vào Pháp Luân Công. Một vụ bắt giữ quy mô lớn đã diễn ra vào ngày 20 tháng 7 và tất cả các điều phối viên địa phương đến cấp huyện đều bị bắt giữ.
Anh Viên và bảy học viên khác, bao gồm ông Cát Tuấn Anh, ông Vu Tiến Phương và ông Lý Minh Nghĩa ở thành phố Lan Châu đã bị bắt vào sáng hôm đó. Họ bị đưa đến khách sạn Nhân Dân và khách sạn Hồng Thổ Địa ở Lan Châu và bị giam giữ trong sáu tháng.
Anh Viên đã đi công tác đến thành phố Đôn Hoàng từ ngày 11 tháng 7. Khi anh không trở về vào ngày 21 như kế hoạch, gia đình anh đã liên hệ với nơi làm việc. Người quản lý đã lừa dối cha mẹ anh rằng anh đã đến thành phố khác để công tác, biết rằng anh Viên đã trở về sau chuyến công tác của mình, nhưng đã bị đưa đi khỏi căn hộ thuê của anh vào sáng sớm ngày 20 bởi cảnh sát Lý Bội Xán và Lộ Chí Bân của công an thành phố Lan Châu.
Toàn bộ một tầng của khách sạn Nhân Dân được sử dụng để giam giữ các học viên Pháp Luân Công. Mỗi học viên được đưa vào một phòng riêng biệt và được theo dõi suốt ngày đêm. Gia đình của họ không được thông báo và cũng không được phép đến thăm. Anh Viên đã trải qua sáu tháng tẩy não dữ dội cho đến khi được cho tại ngoại vào ngày 20 tháng 1 năm 2000. Trong sáu tháng tiếp theo, anh được lệnh phải báo cáo với công an thành phố mỗi tuần một lần.
Hiệp lực với công an thành phố, chi nhánh của Phòng 610 (một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công) tại công ty của anh đã đình chỉ công việc của anh Viên vào tháng 1 năm 2001. Anh lại bị giam giữ và trải qua một đợt tẩy não khác. Anh Viên đã quyết định rời thị trấn để tránh việc bị sách nhiễu và giam giữ tùy tiện.
Anh Viên bị liệt vào danh sách truy nã gắt gao trên cả nước. Công an Lan Châu và nơi công tác của anh đã cử một đội tìm kiếm anh ở Bắc Kinh, ở Quảng Châu, quê gốc của cha anh ở Nội Mông, và thậm chí tại nơi ở của anh họ anh trong một thôn làng nhỏ trên núi. Bà Nhâm nhớ lại: “Cảnh sát thường sách nhiễu gia đình tôi sau khi cháu rời đi, cố gắng tìm xem cháu đang ở đâu.”
Bị bắt và tra tấn
Trong khi trốn chạy, anh Viên đã từ bỏ ý định tìm việc làm bằng kiến thức chuyên môn của mình. Sống một cuộc sống rất thanh đạm, anh kết nối với các học viên khác và làm việc để vạch trần những lời nói dối của chính quyền cộng sản bôi nhọ Pháp Luân Công.
Để ngăn cản các học viên đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện chính phủ, nhiều thẻ căn cước của các học viên đã bị tịch thu. Các điểm kiểm tra được thiết lập dọc theo các đường cao tốc chính, các chuyến xe buýt và xe lửa đường dài, nơi tất cả hành khách phải xuất trình thẻ căn cước. Nhiều học viên đi mà không có giấy tờ tùy thân đã bị xác minh theo cách này khi cố gắng mua vé hoặc lên tàu.
Vào ngày 30 tháng 8 năm 2001, một chiếc xe buýt ở thành phố Đôn Hoàng đã bị dừng lại và cảnh sát bắt đầu kiểm tra từng thẻ căn cước của hành khách. Anh Viên đã ở trên tàu và không có giấy tờ tùy thân. Anh đã rời quê nhà Lan Châu vào đầu năm để tránh bị bắt.
Cảnh sát trở nên nghi ngờ khi anh Viên không thể xuất trình giấy tờ tùy thân. Họ không mất nhiều thời gian để xác định được anh là học viên Pháp Luân Công đang bỏ trốn và bắt anh. Cuộc khám xét được cho là do Cục Công an Bắc Kinh trực tiếp ra lệnh với hy vọng chặn được hơn một chục học viên có thể đang đi theo con đường đó để đến tỉnh Tân Cương.
Công an tỉnh Cam Túc đã nhanh chóng lập một vụ án chống lại anh Viên và một ủy ban đặc biệt được thành lập để tìm kiếm tất cả các học viên có liên hệ với anh trên khắp ba tỉnh phía Tây Bắc. Các viên chức này đã nhìn thấy một cơ hội chính trị lớn để thăng tiến trong sự nghiệp lên các vị trí cấp cao hơn. Một trong những viên chức trong ủy ban sau đó tiết lộ rằng anh Viên đã bị treo lên và bị đánh đập tàn bạo sau vụ bắt giữ ở Đôn Hoàng.
Sau đó anh bị đưa đến trại tạm giam Tự Nhân Câu ở quận Tây Cố thành phố Lan Châu. Anh Viên ban đầu được cho là đã bị biệt giam nhưng cuối cùng đã chuyển ra khỏi đó sau khi anh phản đối. Tuy nhiên, gia đình anh không được thông báo về địa điểm giam giữ.
Bà Nhâm nhớ lại: “Chúng tôi đã cố gắng để tìm tung tích của con trai tôi. “Khi chúng tôi đến trại tạm giam Tự Nhân Câu, lính canh nói với chúng tôi rằng con tôi không bị giam ở đó. Sau đó, chúng tôi đến trại tạm giam Tây Quả Viên nhưng không thể tìm thấy cháu ở đó, vì vậy chúng tôi quay trở lại Tự Nhân Câu và cuối cùng phát hiện ra cháu đang ở Phân khu số 4. Cuối cùng thì chúng tôi đã tìm ra được cháu vào giữa tháng 10.”
“Cảnh sát Vương Kế Tục từ Công an Lan Châu phụ trách trường hợp của con trai tôi. Khi tôi nói với lính canh rằng tôi sẽ mang quần áo ấm cho con trai tôi, Vương nói rằng ông ta phải gọi người quản lý của mình. Người quản lý đã hỏi ai là người đang nghe điện thoại, vì Vương nói ‘hình như là mẹ anh ta.’ Sau đó tôi được cho biết người quản lý đã đồng ý cho tôi mang một số quần áo vào. Chúng tôi đã trở lại trại giam một vài lần với quần áo và thức ăn nhưng đã không được phép gặp con trai mình.”
Các thành viên trong ban chuyên án đã sớm phát hiện ra chàng trai có vẻ ngoài hiền lành và yếu đuối này lại có một ý chí tinh thần thép. Khi thói quen thẩm vấn thông thường không khiến anh tiết lộ thông tin, họ cho rằng họ cần thêm thiết bị và không gian rộng hơn để có thể gây thêm đau đớn cho anh. Văn phòng Công an đã gây áp lực buộc các quản lý tại cơ quan của anh Viên, Sở Viễn thông, phải tìm cho họ một nơi “thích hợp” hơn.
Bị khuất phục trước yêu cầu của cảnh sát, Sở Viễn thông đã cung cấp Khu công viên Hồng Nhạn mà họ sở hữu phía sau núi Bạch Tháp Sơn. Khu công viên cách năm dặm từ khu vực trung tâm, bao quanh bởi các dãy núi bao phủ với cây lớn sinh trưởng. Thời tiết trở nên lạnh giá và có ít du khách đến thăm, đây là nơi lý tưởng cho việc tra tấn. Cảnh sát nhanh chóng di chuyển anh Viên đến đó, mang theo hai xe tải chở các thiết bị tra tấn.
Cảnh sát không ngại áp dụng đủ mọi cách tra tấn đối với anh Viên. Sau đó, họ tiết lộ rằng anh đã bị trói trong tư thế đại bàng dang rộng với tay và chân của anh dang rộng hết mức có thể. Cảnh sát đã cố bắt anh phải thú nhận rằng anh là điều phối viên chính của 5 tỉnh vùng Tây Bắc nhưng anh đã không bao giờ nói một lời.
Sau đó, cảnh sát đã còng tay anh vào lò sưởi theo cách mà anh không thể ngồi xổm cũng như không thể đứng dậy được. Bị còng trong tư thế khó xử này trong một thời gian dài gây ra cơn đau không thể tưởng tượng được. Theo một người trong cuộc, mặc dù anh Viên có vẻ yếu ớt nhưng sự cứng rắn mà anh thể hiện đã khiến các sĩ quan cảnh sát phải nể phục.
Tái hiện tra tấn: Treo lên và đánh đập
Tái hiện tra tấn: Hai tay bị còng ở tư thế nửa ngồi xổm, tư thế khiến nạn nhân không thể đứng thẳng cũng như không thể ngồi xổm
Bỏ trốn và lùng sục trên toàn thành phố
Bằng một cơ hội kỳ diệu nào đó, anh Viên đã thoát ra khỏi còng tay và cùm chân vào sáng sớm ngày 29 tháng 10 năm 2001, trong khi tất cả lính canh đang ngủ. Anh đi qua một vài cánh cửa và bước ra khỏi tòa nhà.
Từ bên trong sân, hàng rào dường như không cao. Nhưng khi nhảy lên, anh Viên nhận thấy mặt đất bên ngoài lại thấp hơn nhiều, đây là đặc trưng của hàng rào ở vùng miền núi. Anh đã bị ngã và gãy cẳng chân. Không đi được, anh Viên phải bò một đoạn cho đến khi tìm thấy một hang đất nhân tạo.
Bị thương cả bên ngoài lẫn bên trong và tuyệt thực, anh Viên rất yếu và bị bất tỉnh. Đi vào bên trong và bị mất ý thức, sau đó anh nhớ lại mình đã nghe thấy tiếng người đi lại và nói chuyện bên ngoài hang động, cũng như tiếng còi ở phía đằng xa.
Trong vài ngày tiếp theo, còi báo động đã vang lên khắp thành phố Lan Châu. Hai nghìn cảnh sát đang tiến hành một cuộc lùng sục trên toàn thành phố sau khi anh Viên trốn thoát. Tất cả các giao lộ chính, điểm trung chuyển giao thông và nhà ga đều bị phong tỏa. Nhà của các học viên địa phương đã bị khám xét. Hành vi sách nhiễu thậm chí đã buộc một học viên ở độ tuổi 60 phải nhảy ra khỏi cửa sổ của ngôi nhà ở tầng 4 và bị thương ở lưng và chân.
Cuộc lùng sục nhanh chóng được mở rộng bao gồm tất cả các quận, thành phố và thị trấn lân cận. Cấp trên ra lệnh “đào sâu ba tấc đất để tìm ra Viên Giang”.
Các trạm kiểm soát đã được thiết lập tại các con đường lớn và các giao lộ. Ô tô chỉ được vào thành phố nhưng không được phép ra khỏi. Cảnh sát đã rà soát tất cả các khách sạn và nhà nghỉ trong khu vực. Mọi người tự hỏi “Sao có quá nhiều nguồn lực chỉ để tìm kiếm một học viên Pháp Luân Công? Chúng tôi đã không thấy sự huy động lớn như vậy khi kẻ phạm tội giết hại bốn người trốn thoát.“
Khoảng thời gian yên bình ngắn ngủi trước khi qua đời
“Ngay khi con trai tôi trốn thoát, sĩ quan Lộ Chí Bân và một vài người khác đã đến đập cửa nhà tôi. Họ bước vào và nhìn xung quanh nhưng không cho chúng tôi biết bất cứ điều gì. Khi chồng tôi hỏi con trai tôi thế nào, anh ta đổi chủ đề và không trả lời trực tiếp. Khi tôi đi đến chợ, một sĩ quan nhảy ra từ một chiếc xe cảnh sát đang đậu gần tòa nhà của chúng tôi. Anh ta hỏi tôi sẽ đi đâu và nói với tôi rằng đừng đi đâu quá xa và đừng dành quá nhiều thời gian ở bên ngoài.”
Anh Viên đã ở ba ngày bốn đêm trong hang đất. Anh đã đi vào trang trại gần đó vào ban đêm để kiếm một vài củ cải để giữ mạng sống cho mình. Đó là vào cuối thu. Vào buổi sáng và đêm ở khu vực Tây Bắc trời rất lạnh, nhiệt độ có lúc xuống dưới ngưỡng đóng băng. Anh Viên vẫn mặc một bộ quần áo mỏng khi bị bắt vào tháng Tám. Anh trở nên tiều tụy, đói khát và rất đau đớn.
Bên ngoài hang động rất yên tĩnh vào sáng thứ Tư, ngày 3 tháng 11. Anh Viên đã bò cho đến khi tìm được một chiếc gậy để chống và đi ra đường chính. Một tài xế taxi tốt bụng đã đưa anh đến nhà một học viên địa phương, nhà của anh Vương Chí Quân ở quận Tây Cố.
Anh Vương bị người đứng trước cửa nhà làm cho giật mình. Anh Viên bị bầm tím và sưng tấy khắp mặt với máu vẫn chảy ra từ miệng và mũi. Tóc anh bù xù và dính đầy rác. Chiếc áo sơ mi của anh rách nát với những chiếc lá củ cải khô héo treo trên túi áo trước ngực và đôi chân của anh chỉ còn da bọc xương và có màu tím sẫm từ đầu gối trở xuống.
Anh Vương đã bị sốc khi người đàn ông này nói: “Tôi là Viên Giang đây.” Anh không thể cầm được nước mắt của mình – bạn của anh đã phải trải qua nhưng gì mà ra nông nỗi như thế này?
Anh Vương kéo suy nghĩ của mình trở lại, đi xuống cầu thang và trả tiền cho tài xế taxi. Anh ấy đã gọi cho ông Vu Tiến Phương và một số học viên địa phương khác để thảo luận về cách chăm sóc và bảo vệ anh Viên.
Cuộc lùng sục và tìm kiếm anh Viên vẫn chưa dừng lại. Anh Viên không có thẻ căn cước có nghĩa là không bệnh viện nào có thể tiếp nhận anh và thành thật mà nói, các học viên lo sợ bệnh viện sẽ báo cảnh sát nếu họ làm vậy. Họ quyết định chuyển anh đến nhà của con gái ông Vu Tiến Phương để chăm sóc cho anh.
Nhiều lần tra tấn mà anh Viên phải chịu đựng đã gây ra những tổn thương nội tạng nghiêm trọng. Máu không ngừng trào ra từ miệng và mũi. Anh bị mê man và bất tỉnh trong những ngày tiếp theo.
Vào chiều ngày 8 tháng 11, vết sưng trên chân của anh Viên đã giảm. Khoảng 1 giờ đêm, anh ấy ngủ thiếp đi. Anh đã ngủ rất ngon và không trằn trọc như những đêm trước. Những người chăm sóc anh đã rời khỏi phòng. Không ai muốn làm phiền anh – anh đã quá mệt mỏi.
Anh Viên đã ra đi thanh thản trong giấc ngủ đêm hôm đó. Người thanh niên này đã phải chịu đựng sự tra tấn tàn bạo không thể tưởng tượng nổi chỉ vì giữ vững đức tin và chân lý của mình.
Lời kể của bà Nhâm
“Chúng tôi đón con gái út của tôi tại ga tàu khoảng 9 giờ tối vào ngày 8 tháng 11. Khi các học viên gọi điện vào sáng sớm ngày hôm sau, tôi nghĩ đó là con rể của mình gọi. Tôi không nhấc máy và con gái tôi cũng vậy. Khi họ gọi lại, tôi trả lời và được yêu cầu đến nhà của một học viên.
“Tôi biết điều gì đó đã xảy ra. Khi tôi nhìn thấy người học viên, vẻ mặt của anh ấy, tôi biết điều gì đó đã xảy ra. Anh ấy dẫn tôi vào phòng con trai tôi nằm, khi nhìn thấy cháu, tôi gần như ngất đi. Đây không thể là người con trai mà tôi hằng nhung nhớ.
“Cháu chỉ còn da bọc xương và tôi hầu như không thể nhận ra cháu. Mắt cháu vẫn còn hơi mở và máu chảy ra từ miệng và mũi. Đầu óc tôi trở nên trống rỗng và nước mắt chảy dài trên khuôn mặt. Nỗi đau trở nên bao trùm.
“Trái tim tôi vỡ ra thành hàng nghìn mảnh, nhưng tôi đã cố gắng giữ mình tốt nhất có thể. Tôi nhẹ nhàng vuốt mi để mắt cháu khép lại. Tôi chạm vào vầng trán lạnh và nắm lấy bàn tay cứng đờ của cháu.
“Tôi lại gần như ngất đi lần nữa khi nhìn thấy chân phải của cháu – từ đầu gối trở xuống toàn màu đen. Có một vết to bằng lòng bàn tay tôi trên bắp chân và một vết to bằng ngón tay cái của tôi ở dưới bàn chân của cháu, nơi da và thịt không còn và xương lộ ra. Toàn bộ chân của cháu chỉ còn da bọc xương. Đó hoàn toàn không phải là người con trai mà tôi vẫn hình dung.”
Bà Nhâm trở về nhà và báo tin với chồng. Người đàn ông tội nghiệp không biết làm thế nào để ứng phó với sự việc. Bà Nhâm chưa bao giờ thấy ông đau đớn như vậy.
Tuy nhiên, hai vợ chồng không thể để con gái phát hiện ra điều đó. Họ vừa đón cô con gái út từ ngoài huyện về thăm. Cô và anh Viên luôn rất thân thiết và cô sẽ bị sốc bởi việc anh qua đời. Hai vợ chồng giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Họ tiếp đãi con gái của mình cho đến khi cô ấy rời đi mà không nói một lời nào về cái chết của anh trai mình.
Cô con gái cuối cùng đã biết về cái chết của anh Viên trên trang web Minh Huệ. Cô đã không thể tin vào điều đó.
Anh Viên là người mà ông yêu quý và là niềm tự hào của ông. Giáo sư Viên đã tự tách biệt mình khỏi những người khác sau cái chết của con trai. Trong nhiều năm, ông hiếm khi nói chuyện và thường khóc không thành tiếng khi ở một mình. Giáo sư Viên không bao giờ hết đau buồn cho đến tận khi ông qua đời vào tháng 1 năm 2011. Ông không nói gì trước khi chết và ra đi lặng lẽ sau khi nằm trên giường hai ngày.
Để tránh bị cảnh sát sách nhiễu không ngừng, bà Nhâm đã thông báo cho người quản lý của anh Viên về cái chết của anh. Các quản lý công ty và cảnh sát từ công an Lan Châu đã đưa thi thể của anh Viên đi.
Chiếc áo len và áo khoác mà bà Nhâm mang đến trại tạm giam đã không được chuyển đến cho anh Viên. Anh vẫn mặc một chiếc quần mỏng và hai lớp áo mỏng cho đến ngày qua đời.
II. Câu chuyện của bà Nhâm và giáo sư Viên
Khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, bà Nhâm và giáo sư Viên đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện chính quyền trung ương. Họ muốn nói với chính phủ rằng Pháp Luân Công là tốt và bị hiểu nhầm. Tuy nhiên, cả hai đều bị giam giữ trong chín ngày vào tháng 11 năm 2000 tại Đồn Công an An Ninh.
Bà Nhâm lại đến Bắc Kinh vào cuối tháng 12 năm 2000 và bị bắt và bị áp giải về thành phố Lan Châu. Bà bị giam giữ tại Đồn Công an An Ninh trong hai tuần trước khi bị chuyển đến trại tạm giam Số 1 Lan Châu, nơi bà bị giam trong năm tháng. Khi bà được thả vào đầu tháng 6 năm 2001, bà phát hiện ra rằng anh Viên đã rời thị trấn để tránh bị bắt.
Giáo sư Viên đã sống một mình trong vài tháng trong khi con trai ông phải trốn chạy và vợ ông vẫn bị giam giữ. Để ngăn ông đến Bắc Kinh lần nữa, trường đại học nơi ông làm việc đã cử nhân viên theo dõi ông. Ban giám hiệu nhà trường thậm chí còn cố gắng để ông ở lại một địa điểm được chỉ định. Khi điều đó không thực hiện được, họ đã sắp xếp cho một nhân viên chuyển đến và theo dõi ông suốt ngày đêm. Giáo sư Viên phản đối: “Tôi không phải là tội phạm. Các người không thể đối xử với tôi như vậy.”
Vào cuối tháng 8 năm 2001, hai vợ chồng biết về việc anh Viên đã bị bắt trên một chiếc xe buýt ở thành phố Đôn Hoàng. Họ đã rất lo lắng. Sau khi tìm ra nơi anh Viên bị giam giữ, hai vợ chồng đã đến trại tạm giam Tự Nhân Câu vài lần nhưng không được phép gặp con trai.
Vào cuối tháng 10, bà Nhâm phát hiện ra rằng anh Viên đã bị chuyển đến Trại Hồng Nhạn. Bà đến gặp người quản lý của anh Viên, hy vọng sẽ tìm được cách để chuyển một số quần áo ấm và thức ăn cho con trai mình. Giám đốc Sử Minh nói với bà: “Cậu ta đã không nói một lời nào kể từ khi bị bắt. Đừng gửi đồ ăn cho cậu ấy nữa.” Từ những lời của ông Sử, bà Nhâm biết anh Viên có khả năng đã tuyệt thực.
Sau khi anh Viên trốn thoát, một chiếc xe cảnh sát đã đậu gần tòa nhà của cha mẹ ông và hai vợ chồng bị theo dõi suốt ngày đêm. Bà Nhâm bị thẩm vấn bất cứ khi nào bà rời khỏi tòa nhà và được yêu cầu “đừng đi đâu quá xa, hãy nhanh chóng trở lại”.
Sau khi nhận thi thể của anh Viên, cảnh sát đã đưa cha mẹ anh đến một tòa nhà ở Đại học Sư phạm và cố gắng tìm hiểu làm thế nào họ phát hiện ra cái chết của anh Viên.
Bà Nhâm nhớ lại: “Cảnh sát Lộ Chí Bân buộc tôi phải viết một tuyên bố nói rằng chúng tôi không yêu cầu khám nghiệm tử thi. Nhưng tôi được biết sau đó, một cuộc khám nghiệm đã được thực hiện mà không có sự cho phép của chúng tôi. Chúng tôi đã bị giữ tại trường đại học suốt đêm cho đến sáng hôm sau.”
“Chúng tôi bị theo dõi và thường bị theo dõi khi ra ngoài. Con gái lớn của tôi đã sống ở nước ngoài hơn hai mươi năm nhưng mặc dù cháu liên tục mời chúng tôi sang thăm, chúng tôi vẫn không thể có được các giấy tờ thông hành cần thiết. Quyền thăm nom con gái của chúng tôi bị tước mất vì đức tin của mình.”
“Các nhân viên đã nghỉ hưu của trường đại học đã nhận được trợ cấp hàng tháng kể từ tháng 3 năm 2001. Nó đã tăng từ 150 lên 230 Nhân dân tệ, sau đó lên 600 Nhân dân tệ và bây giờ là 900 Nhân dân tệ. Nhưng chúng tôi đã không được nhận đồng nào.“
Một người lạ đã đến thăm hai vợ chồng tại nhà một ngày sau khi anh Viên qua đời. Anh ta tự giới thiệu mình là học trò cũ của giáo sư Viên, hiện là một nhà báo và nói với bà Nhâm rằng vợ anh ta cũng tu luyện Pháp Luân Công. Anh ấy yêu cầu bà Nhâm kể cho anh ấy nghe chi tiết về những gì đã xảy ra để anh ấy có thể viết một bài báo và gửi nó đến trang web Minh Huệ.
Bà Nhâm cảm ơn anh ta nhưng từ chối lời đề nghị. Khi giáo sư Viên bước ra khỏi phòng ngủ, người lạ tự xưng là học trò cũ này đã không nhận ra vị giáo sư của mình.
Phó Giám đốc Lý từ cơ quan của anh Viên đã đến thăm vào cuối buổi chiều hôm đó. Sau khi kiểm tra qua lỗ cửa, bà Nhâm đã mở cửa. Tuy nhiên, Lý không đến một mình. Năm người đàn ông mặc trang phục giống nhau đã xông vào ngay sau Lý.
“Đã gần 6 giờ chiều. Cảnh sát Lộ Chí Bân từ Công an Lan Châu và một trưởng công an đi cùng Lý. Trưởng công an đã đưa một nhóm người đến vào cuối đêm hôm đó. Với một máy quay chĩa vào chúng tôi, chúng tôi được hỏi lại về cách chúng tôi phát hiện ra cái chết của con trai mình và những gì đã xảy ra. Ai đó cũng đang ghi chép bằng bút và giấy. Một nhóm hoàn toàn xa lạ, cả nam và nữ, đã được đưa đến để làm thủ tục nhận dạng.”
Vào ngày thi thể của anh Viên được hỏa táng, nhân viên Vương Kế Tục đã đưa một số người lạ mặt đứng đối diện với lò hỏa táng và chỉ vào bà Nhâm để nhận dạng bà.
Một sĩ quan cảnh sát sau đó được đưa đến trại tạm giam Tự Nhân Câu và nói với tất cả những người bị giam giữ cùng phòng giam với anh Viên rằng: “Viên Giang chưa bao giờ bị giam ở đây”, đe dọa họ không được tiết lộ sự thật.
III. Điều gì đã xảy ra với những người đã giúp đỡ anh Viên
Sau cái chết của anh Viên, Bộ phận An ninh Nội địa của Công an Lan Châu đã tiến hành một cuộc lùng sục và bắt giữ trên quy mô lớn. Các học viên đã giúp đỡ anh Viên sau khi anh vượt ngục đã bị bắt lần lượt từng người một.
Cảnh sát Lộ Chí Bân đã dẫn hàng chục người khác đột nhập vào nhà ông Vu Tiến Phương vào ngày 11 tháng 11 năm 2001. Không cần lệnh, họ bắt ông Vu, vợ ông là bà Hạ Phó Anh, con dâu không phải học viên của ông, con rể và thậm chí là bảo mẫu của họ. Ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ đã bị đóng cửa.
Ông Vu bị đưa đến trại tạm giam Huyện Du Trung. Bà Hạ được thả sau hai ngày, nhưng con gái và con rể của họ đã bị giam giữ trong ba ngày và bị phạt 1.000 Nhân dân tệ. Thậm chí sau đó, họ không thể vào nhà riêng cho đến tận sáu tháng sau.
Ông Vu Tiến Phương và vợ là bà Hạ Phó Anh
Ông Vu bị ngược đãi về thể chất tại trại tạm giam Huyện Du Trung. Gia đình ông được thông báo hai tuần sau đó rằng ông đã bị đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức Đại Sa Bình, Trung tâm phục hồi chức năng và bệnh viện ở thành phố Lan Châu do xuất huyết tiêu hóa. Những gì họ không nói với gia đình là ông Vu đã tuyệt thực để phản đối vụ bắt giữ và bị trói vào một chiếc giường kim loại trong bốn ngày liền.
Khi ông Vu xuất viện vài tháng sau đó vào tháng 4 năm 2002, gia đình ông được yêu cầu trả 4.000 Nhân dân tệ chi phí y tế. Các con gái của ông đã kiếm được một nửa và nơi làm việc của ông cho bà Hạ vay phần còn lại và trả góp tiền hàng tháng từ tiền lương của bà.
Sau khi xuất viện, ông Vu bị giam tại trại tạm giam Đại Sa Bình ở thành phố Lan Châu.
Ông Vu Tiến Phương, vợ ông là bà Hạ Phó Anh, và anh Vương Chí Quân đã bị kết án vào đầu tháng 12 năm 2002 mà không thông qua phiên xét xử công khai.
Cảnh sát Hà Ba từ Công an Lan Châu Khu vực số 16 và năm người khác đã đột nhập vào nhà của con gái ông Vu Tiến Phương và bà Hạ Phó Anh vào tháng 11 năm 2003, bắt bà Hạ và giam giữ bà tại trại tạm giam Số 2 Lan Châu.
Vài ngày sau, ông Vu Tiến Phương bị kết án 5 năm tù, vợ ông là bà Hạ Phó Anh 3 năm và anh Vương Chí Quân 5 năm.
Một học viên khác ở Lan Châu, ông Văn Sĩ Học đã bị bắt tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc vào tháng 2 năm 2002 vì đăng một biểu ngữ Đại Pháp. Sau khi áp giải ông trở về, cảnh sát thuộc Phòng An ninh Nội địa Công an Lan Châu đã ngụy tạo bằng chứng chống lại ông, gộp trường hợp của ông vào trường hợp của anh Viên và kết án ông 8 năm rưỡi tù.
Cái chết của ông Vu Tiến Phương
Ông Vu bị bắt phải ngủ tại một chỗ ẩm ướt và thiếu ánh sáng trên sàn nhà tù, nơi gây ra chứng ghẻ ngứa ngáy khắp cơ thể. Những vết ghẻ này thường có máu và mủ chảy ra. Ông Vu bị lên cơn sốt cao và nằm liệt giường. Ông không thể ăn uống và đang trong tình trạng nguy kịch.
Phòng khám nhà tù đã thông báo cho con gái ông. Sau khi con gái ông nộp 2.000 Nhân dân tệ vào tháng 3 năm 2003 cho Bệnh viện và Trung tâm phục hồi chức năng, Trại Lao động Cưỡng bức Đại Sa Bình, ông Vu đã được tạm tha để điều trị y tế. Ông ở trong tình trạng tồi tệ đến nỗi ông bị đưa ra khỏi trại tạm giam. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng, ông đã bị đưa trở lại trại tạm giam. Sau nhiều lần cầu xin của gia đình và phải trả thêm 4.000 Nhân dân tệ, ông lại được nhập viện.
Ông Vu đã bị bạo hành về thể xác và tinh thần trong suốt 5 năm tù giam cho đến khi được thả vào tháng 11 năm 2006. Ông ấy gầy mòn, không ăn được nhiều và thường xuyên nôn nao. Theo bản thân ông Vu, ông bắt đầu có những triệu chứng này hai tháng trước khi được thả. Vợ ông, bà Hạ, người được thả ba ngày trước khi ông được trả tự do, đã hỏi ông: “Ông không có gì để nói với tôi?” Ông cười nhưng không nói gì.
Sức khỏe của ông Vu tiếp tục suy giảm hàng ngày. Ông không thể ăn bất cứ thứ gì và nôn ngày càng nhiều hơn. Mười hai ngày sau khi được thả, ông Vu đã qua đời sau 6 giờ chiều vào ngày 25 tháng 11 năm 2006.
IV. Phần kết luận
Cuộc bức hại kéo dài 20 năm chống lại Pháp Luân Công không chỉ gây ra đau đớn và khổ sở cho hàng trăm nghìn học viên tuân theo Nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” vô tội và gia đình của họ, nó còn khiến nhiều quan chức ĐCSTQ và cơ quan thực thi pháp luật phạm phải những tội ác không thể tha thứ.
Nhiều kẻ bất lương đã phải nhận quả báo cho những gì họ đã làm và Mã Tây Lâm, Phó Bí thư tỉnh Cam Túc của ĐCSTQ, cũng là người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chỉ đạo và phòng chống tà giáo là một ví dụ.
Mã là quan chức cấp cao nhất của tỉnh Cam Túc phụ trách việc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Vợ ông ta mất năm 2003. Con trai duy nhất của ông là một quan chức cấp cao tại Bộ Tài chính đã chết vì bệnh ung thư gan vào năm sau đó. Con dâu mang theo cháu ngoại ra đi. Con gái của Mã bị thương nặng trong một vụ tai nạn xe hơi và trở thành một người thực vật. Bản thân Mã đã bị cách chức vào tháng 10 năm 2006.
Những người làm việc cùng với Mã cũng phải chịu quả báo. Đội trưởng Hàn Kiếm Phi của Phòng 610 Cam Túc, người làm việc dưới quyền của Mã đã bị bỏ tù. Tổng biên tập Thạch Tinh Quang của Nhật báo Cam Túc, một tờ báo chuyên đăng các bài tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, đã bị một nhân viên bảo vệ giết tại nhà.
Các chế độ bức hại chính tín trong lịch sử đều tự hủy diệt trong chính quá trình này. Chiến dịch bức hại Pháp Luân Công này cũng hoàn toàn phơi bày bản chất xấu xa của ĐCSTQ là “giả, ác , đấu”.
Từ những tuyên truyền và dối trá tràn ngập trên các phương tiện truyền thông nhà nước đến việc tẩy não và tra tấn phổ biến, từ việc bắt giữ và giam giữ tùy tiện đến các bản án cưỡng bức lao động và bỏ tù bất hợp pháp, từ đàn áp và bức hại công khai đến mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công bí mật, cung cấp hoạt động cấy ghép nội tạng sinh lợi, ĐCSTQ đang phá hủy đạo đức của nhân loại.
Để bảo vệ chân lý và vạch trần những dối trá độc ác của chính quyền cộng sản, hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công như anh Viên đã đóng góp những hy sinh to lớn. Các thế hệ tương lai sẽ vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ những anh hùng vô danh này, những người đã chịu đựng những điều không tưởng để đánh thức lương tri của mọi người.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/18/415789.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/20/190005.html