Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 08-11-2021] Trong hai tháng qua (tháng 9 và tháng 10 năm 2021) 764 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ và 1.199 người bị sách nhiễu đã được ghi nhận, dẫn đến tổng số vụ bắt giữ và sách nhiễu được báo cáo trong năm nay đến hiện tại là 4.939 và 9.435 người.

755f705e61630b946b0edd0ef0d93720.jpg

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần và thiền định đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Sáu tỉnh có số vụ bắt giữ và sách nhiễu nhiều nhất là Hà Bắc (353), Sơn Đông (340), Tứ Xuyên (249), Liêu Ninh (129), Hồ Bắc (128) và Cát Lâm (107). 17 tỉnh khác chiếm 2 con số và 5 khu vực ghi nhận dưới 10.

28c160964462bc28778119657cad9337.jpg

Trong số 1.963 học viên bị nhắm đến (764 người bị bắt và 1.199 người bị sách nhiễu), 36 người từ 65 đến 70 tuổi, 105 người ngoài 70 tuổi, 53 người ngoài 80 tuổi và hai người ngoài 90 tuổi.

Là một phần tiếp theo của chiến dịch sách nhiễu “xoá sổ” được phát động năm 2020, chính quyền đã nhắm đến các học viên và đôi lúc là gia đình họ với nỗ lực ép mọi học viên trong danh sách đen của chính quyền từ bỏ Pháp Luân Công. Một số học viên đã bị tra tấn đến tàn tật hoặc mất khả năng lao động trong nhiều năm trước đây lại bị bắt và đối diện với truy tố thêm nữa.

Dưới đây là một số vụ bắt giữ và sách nhiễu được báo cáo trong tháng 9 và tháng 10 năm 2021.

Cảnh sát bạo hành

Người phụ nữ Hắc Long Giang bị cảnh sát đánh đập và tấn công tình dục

Cô Vương Kim Hà, 47 tuổi, ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt vào ngày 6 tháng 10 năm 2021 trong khi đang dừng lại tại một siêu thị. Ba cảnh sát đã bắt cô tới đồn công an và đánh đập cô.

Cô Vương nói rằng ngay khi vừa thanh toán xong tại siêu thị, ba cảnh sát bất ngờ xuất hiện. Họ theo cô ra ngoài và đưa cô đến đồn công an.

Một cảnh sát đánh và đá cô lăn ra đất. Cô cố gắng dùng cánh tay để bảo vệ cơ thể mình. Sau đó anh ta đá vào cánh tay của cô khiến chúng bị sưng và bầm tím. Anh ta cũng đá vào phần thân dưới của cô.

Cảnh sát túm cổ cô lôi sang một căn phòng khác và ra lệnh cho bốn cảnh sát, trong đó có hai nam, lột quần áo và khám người cô. Áo khoác và khăn quàng cổ của cô bị lột ra. Họ còn lục túi quần của tôi. 23 nhân dân tệ tiền mặt mà tôi mang theo bị tịch thu.

Một cảnh sát cố ý đụng chạm cơ thể cô. Khi cô phản đối, anh ta nói: “Tôi chỉ chạm vào cô thôi.”

Cảnh sát còng tay cô rất chặt. Khi cô yêu cầu họ mở nó ra, họ càng siết chặt hơn và đấm vào đầu và tai cô. Một cảnh sát cũng đập đầu cô vào tường và làm động tác tay hình khẩu súng và bắn vào người cô. Cô được thả vào khoảng 4 giờ chiều.

Người phụ nữ 77 tuổi bị thương nghiêm trọng sau khi bị năm cảnh sát bắt giữ và hành hung

Bà Mã Phượng Quỳnh, một phụ nữ 77 tuổi sống tại thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên đã bị 5 cảnh sát đánh đập dã man sau khi bị tố cáo vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Vào ngày 1 tháng 9 năm 2021, bà Mã đã đến một khu chợ địa phương để phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Một người đàn ông đã tố cáo bà với cảnh sát và năm cảnh sát đã đến bắt bà.

Khi bà Mã không chịu đi cùng họ, một cảnh sát đi phía sau bà và đã đè mặt bà xuống đất. Sau đó anh ta còng tay bà lại, quỳ trên lưng bà, khiến bà nghẹt thở, và cố gắng dùng một ngón tay để mở miệng bà ra.

Bà vẫn từ chối hợp tác nên đã bị một viên cảnh sát khác dùng thanh kim loại cạy miệng, cạy răng cửa đã khiến cho lưỡi của bà bị thương. Sau đó, những cảnh sát khác đã kéo bà lên, đẩy bà vào xe cảnh sát và đưa đến đồn công an.

Bà từ chối nói cho họ biết tên của mình và cố gắng giảng chân tướng về Pháp Luân Công. Đáp lại, cảnh sát đã dùng lời lẽ tục tĩu để lăng mạ bà.

Nhìn thấy bà Mã bị thương nặng, họ đã đưa bà đến bệnh viện. Bà đã được tiêm thuốc, nhưng không được cho biết đó là thuốc gì.

Sau đó, bà Mã buộc phải tiết lộ tên của mình. Vì tuổi cao, cảnh sát đã tạm giữ hình sự bà một tháng và phạt bà 1.000 Nhân dân tệ với lý do phát hiện được hai tờ rơi Pháp Luân Công trong túi của bà. Cảnh sát đã không giam giữ bà ngay lập tức mà quyết định để bà về nhà phục hồi sức khỏe.

Trước khi rời đi, bà yêu cầu cảnh sát trả lại chìa khóa nhà cho bà, nhưng cảnh sát nói rằng họ đã làm mất.

Về nhà, bà phát hiện thấy vết cắt dài 4 inch (khoảng 10cm) ở hai bên cổ. Răng cửa hàm dưới của bà bị lệch và chảy máu, và lưỡi của bà có màu xanh đen. Môi và mặt của bà sưng tấy. Một vùng rộng dưới đầu gối của bà ấy bị trầy xước, bàn tay, cánh tay, mu bàn chân và ngón chân đều sưng tấy và bầm tím.

Trong bảy ngày tiếp đó, bà Mã đã không thể ăn uống gì do miệng và lưỡi đều bị đau đớn. Cơn đau sau đó lan sang đến tai bà. Bà chỉ có thể uống nước và ăn những đồ ăn dạng lỏng.

Một phụ nữ Thiểm Tây bị cảnh sát đánh gãy bảy xương sườn

Ngày 18 tháng 6 năm 2021, bà Trương Tuấn Tú ở thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, khi đang làm việc vặt gần huyện Thành Cố thì bị cảnh sát mặc thường phục theo dõi và bắt giữ. Họ còng tay bà mà không cho bà xem thẻ ngành nên bà đã kháng cự. Sau đó họ đánh đập bà tàn bạo đến nỗi bà bị gãy bảy xương sườn, sáu cái bên phải và một cái bên trái.

Cảnh sát đã lục soát người bà Trương và tịch thu tài sản cá nhân của bà, gồm 600 Nhân dân tệ tiền mặt, một máy mp3, một chìa khoá xe máy điện, một thẻ mua quà giá 100 Nhân dân tệ và một cây dù.

Bà Trương đã bị đưa đến phòng thẩm vấn trong đồn công an. Bà từ chối hợp tác và chỉ nói với cảnh sát sự thật rằng tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp ở Trung Quốc và cảnh sát đã vi phạm pháp luật khi bắt giữ người vô tội mà không thông qua quá trình nào. Cảnh sát đã cười vào mặt bà.

Tối hôm đó, cảnh sát đến nhà bà Trương và đe doạ giam giữ bà Trương nếu chồng bà không mở cửa. Họ đã lục soát nhà mà không có giấy khám xét và đã thu giữ máy tính xách tay, tài liệu thông tin và các sách Pháp Luân Công của bà Trương.

Sau khi thả bà, cảnh sát cảnh báo chồng bà Trương rằng họ có ý định truy tố bà và đã lệnh cho chồng bà giám sát sinh hoạt thường ngày của bà.

Bị nhắm đến dù sức khoẻ không tốt

Từng bị cầm tù hơn 10 năm, một người đàn ông cao niên lại bị giam giữ bất chấp tình trạng sức khỏe đang nguy kịch

Ngày 10 tháng 6 năm 2021, một người dân 72 tuổi ở thành phố Mẫu Đan Giang, tỉnh Hắc Long Giang bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhà chức trách đã từ chối trả tự do cho ông Vương Tân Dân bất chấp tình trạng sức khỏe nghiêm trọng của ông.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 10 tháng 6, ông Vương tới thăm một học viên khác là ông Trương Đào, thì cảnh sát kéo tới gõ cửa nhà. Khi ông Trương từ chối mở cửa cho cảnh sát, họ đã cạy cửa và xịt hơi cay qua khe cửa vào mắt của ông. Khi ông Trương lùi lại vì đau đớn, cảnh sát đã xông vào, ghì ông xuống đất và còng tay ông lại. Họ đấm vào xương sườn của ông. Ban đầu cảnh sát từ chối cho ông Trương rửa mắt, những họ đã mủi lòng khi thấy ông vật lộn vì đau đớn. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính và điện thoại di động của ông.

Hai người thân của ông Trương, cũng như ông Vương cũng bị bắt giữ và bị đưa tới đồn công an. Hai người thân đã được trả tự do trong cùng ngày. Sau 15 ngày tam giam, ông Trương được trả tự do, nhưng ông Vương vẫn bị tạm giữ hình sự và kể từ đó ông vẫn bị giam giữ tại Trại tạm giam. Có thông tin cho biết ông đang bị lượng đường trong máu vô cùng cao, nhưng nhà chức trách từ chối trả tự do cho ông.

Ông Vương là một nhà nông học cấp cao của Viện Nghiên cứu Thuốc lá Hắc Long Giang đã liên tục trở thành mục tiêu bức hại của chính quyền trong hơn 20 năm qua chỉ vì đức tin của mình.

Ngày 22 tháng 10 năm 2003, ông đã bị bắt giữ và bị kết án 14 năm tù tại Nhà tù Mẫu Đan Giang. Đầu năm 2014, ông bị bệnh viêm tụy cấp nặng và đã được bảo lãnh tại ngoại vào tháng 6 năm 2014. Trước khi hồi phục hoàn toàn, ông đã bị đưa trở lại nhà tù vào ngày 4 tháng 6 năm 2015. Ông đã được trả tự do vào năm 2016.

d3e76ea37ef81b0e30e66453998590f2.jpg

Ông Vương Tân Dân tại thời điểm được bảo lãnh tại ngoại vào tháng 6 năm 2014

Trước vụ bắt giữ lần này, ông Vương từng bị bắt giữ vào ngày 13 tháng 10 năm 2020 sau khi bị tố cáo vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Nhà của ông cũng bị lục soát.

Người đàn ông Liêu Ninh bị liệt từ lần bị cầm tù trước đó hiện lại đang đối mặt với truy tố

Một cựu kỹ sư ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị chấn thương cột sống và bị liệt sau khi bị tra tấn ở trong tù suốt 10 năm vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.

Thế nhưng, cơn ác mộng của ông Lữ Khai Lợi vẫn chưa dừng lại ở đó. Gần đây, vào ngày 20 tháng 6 năm 2201, cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông và bắt giữ ông vì tội “phá hoại việc thực thi pháp luật”. Cảnh sát đã trình hồ sơ của ông lên viện kiểm sát địa phương vào ngày 17 tháng 9 và hiện ông đang bị giam ở trong trại tạm giam và đối mặt với truy tố.

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Lữ đã bảy lần bị bắt giữ, hai lần lĩnh án lao động cưỡng bức và một lần phải ngồi tù oan sai chỉ vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Trong 22 năm qua, tổng cộng ông đã trải qua 13,5 năm ngồi sau song sắt, và bị tra tấn bằng nhiều phương thức khác nhau như giường chết, treo người bằng còng tay, sốc điện bằng dùi cui điện có điện áp cao, v.v.

Năm 2005, bởi chèn tín hiện truyền hình để phát một video phơi bày tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông đã bị kết án 10 năm tù. Lính canh tù thường xuyên sốc điện ông bằng dùi cui, mỗi lần kéo dài vài tiếng đồng hồ. Vào năm 2010, ông đã nhảy xuống từ trên mái một tòa nhà vì không còn chịu đựng được nỗi đau đớn tột cùng về thể xác. Xương cụt của ông bị thương khiến ông bị liệt và không thể kiểm soát được việc tiểu tiện. Ông vẫn phải dùng nạng để đi lại.

6f547836b6720c223e98b43413635f4b.jpg

Ảnh chụp ông Lữ trước cuộc bức hại

9c900c86d53ff2c21d4bb849134c70af.jpg

Ông Lữ sau khi được thả khỏi Nhà tù Cẩm Châu

Ngày 20 tháng 6 năm 2021, cảnh sát của Đồn Công an Mã Lan Tử đã đột nhập vào nhà ông Lữ và bắt giữ ông. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công và tài sản cá nhân của ông. Sau khi nhìn thấy câu đối trên khung cửa nhà ông có nội dung ca ngợi vẻ đẹp của Pháp Luân Công, cảnh sát đã cáo buộc ông tuyên truyền cho pháp môn và yêu cầu hàng xóm của ông phải ra làm chứng chống lại ông. Khi người hàng xóm đó từ chối, cảnh sát đã gỡ câu đối xuống và dùng chúng làm bằng chứng buộc tội ông.

Cảnh sát đã tống ông Lữ vào trại tạm giam Diêu Gia vào ngày 26 tháng 6. Ban đầu, các nhân viên ở đây từ chối tiếp nhận ông vì ông không thể kiểm soát việc tiểu tiện. Tuy nhiên cảnh sát đã gây sức ép buộc họ phải nhận ông và hứa sẽ mang bỉm vào cho ông. Sau đó cảnh sát đã gọi điện gia đình ông và họ đã mang bỉm tới trại tạm giam cho ông. Tuy nhiên, ông Lữ không hề nhận được bỉm, và cuộc sống của ông ở trong trại tạm giam vô cùng khó khăn, đặc biệt là vào mùa hè.

Ông phải lót khăn mặt để đối phó với tình trạng mất kiểm soát tiểu tiện, thêm nữa ông lại phải đi lại mà không có nạng. Người nhà lo rằng ông sẽ đổ bệnh khi sinh hoạt trong điều kiện như vậy. Họ liên tục yêu cầu được bảo lãnh ông tại ngoại để điều trị y tế, nhưng các nhà chức trách luôn từ chối họ. Cảnh sát đã chuyển hồ sơ của ông tới Viện kiểm sát Cam Tỉnh Tử sau khi vụ bắt giữ ông được phê chuẩn vào ngày 8 tháng 7.

Người đàn ông bị cảnh sát đánh đập đến tàn tật cách đây nhiều năm, lại đối mặt với sự truy tố vì đức tin của mình

Bất chấp việc ông Vương Hồng Thư, 63 tuổi bị bại liệt hoàn toàn từ thắt lưng trở xuống, cảnh sát địa phương tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh vẫn cố đưa ông vào tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 22 tháng 8 năm 2020, ông Vương bị bắt sau khi bị tố giác là đã dùng tiền giấy có in thông tin về Pháp Luân Công. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt tại Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công sử dụng nhiều cách sáng tạo để nâng cao nhận thức của người dân về đức tin của họ, bao gồm cả việc in thông tin trên tiền giấy.

Trong lúc ông đang bị thẩm vấn tại đồn công an Hồ Nam Dương, tấm thép được cấy vào lưng dưới của ông do vết thương từ những lần bị giam trước đó vì tu luyện Pháp Luân Công đột nhiên bị gãy. Ông bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Cảnh sát đưa ông đến ba bệnh viện. Cả ba nơi đều xác nhận phần dưới của tấm thép đã bị nứt. Cảnh sát đã bốn lần đưa ông đến nhiều trại giam địa phương khác nhau nhưng đều bị từ chối.

Ngày 27 tháng 8 năm 2020, ông Vương được tại ngoại sau khi bị buộc nộp 5.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh. Cảnh sát thông báo rằng số tiền này sẽ được hoàn trả cho ông sau một năm nhưng gia đình ông sẽ bị liên lụy nếu ông vi phạm điều kiện tại ngoại.

Ngày 9 tháng 8 năm 2021, cảnh sát tên Dương Bằng gọi cho con gái ông Vương và yêu cầu cô nói với bố mình đến đồn công an vào ngày hôm sau để trả lời một số chất vấn về thời gian tại ngoại của ông. Ông Vương được vợ và con rể đưa đến đồn công an theo yêu cầu. Dương Bằng hỏi ông Vương rằng năm ngoái ông có đi ra khỏi địa phương không, hay ông có liên lạc với các học viên Pháp Luân Công khác hay với người đã đưa cho ông những tờ tiền giấy mà ông đã tiêu dùng vào năm 2020 không.

Dương Bằng nói rằng bởi vì thời gian tại ngoại của ông Vương sẽ hết hạn trong hai tuần nữa nên họ sẽ đệ trình hồ sơ của ông lên Sở cảnh sát thành phố Thẩm Dương, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ lên viện kiểm sát và sau đó là tòa án. Ông ta ra lệnh cho ông Vương phải ở nhà và chuẩn bị triệu tập bất cứ lúc nào.

Ngày 24 tháng 8 Dương lại gọi cho con gái ông Vương và triệu tập bố cô để thẩm vấn vào một ngày sau đó.

Dương đã ghi hình ông Vương khi ông ấy đi cùng với Dương đến Sở cảnh sát huyện Thiết Tây vào ngày hôm sau. Cảnh sát còn chụp hình lại khuôn mặt ông để nhận dạng và kiểm tra vết thương trên lưng ông.

Bởi vì ông Vương không thể ngồi nên ông được đặt trên chiếc ghế dài. Vương Vũ, phó cảnh sát trưởng buộc tội ông đã quảng bá Pháp Luân Công. Ông ta đe dọa ông Vương không được liên lạc với bất kỳ ai và cảnh cáo ông phải ở nhà và chờ bị triệu tập. Ông ta còn hỏi ông Vương có ý định thuê luật sư không. Cuộc thẩm vấn kéo dài 20 phút. Sau đó ông Vương được về nhà.

Bị giam trong bệnh viện tâm thần hay trung tâm tẩy não

Cựu công chức bị sa thải vì kiên định đức tin, nay lại bị tống giam lần thứ chín

Gần đây, một cư dân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, người từng bị giam giữ tám lần trong nhiều trung tâm tẩy não khác nhau vì tu luyện Pháp Luân Công, lại bị bắt một lần nữa và đưa tới một trung tâm tẩy não.

6eacb515b38e30766d5ec6a28329b833.jpg

Bà Chu Ái Lâm

Bà Chu Ái Lâm, 53 tuổi, là một cựu kiểm toán viên của Cục Công Thương quận Kiều Khẩu, đã bị ba sinh viên đại học báo cáo vì nói với mọi người về Pháp Luân Công trên đường phố vào ngày 29 tháng 7 năm 2021. Cảnh sát đã bắt giữ bà vào khoảng ngày 14 tháng 9 năm 2021 và giam bà 15 ngày trong Trại tạm giữ Số 1 thành phố Vũ Hán. Tại thời điểm bà được thả vào ngày 29 tháng 9, cảnh sát đã chặn bà ở cổng, khiêng bà vào xe công an và đưa thẳng tới Trung tâm tẩy não Ngạch Đầu Loan.

97de616da1c2d33a34971e37ab8a33c9.jpg

Bà Chu đang bị cảnh sát khiêng đi

Trước vụ bắt giữ gần đây nhất, bà Chu từng bị giam giữ tổng cộng tám lần trong các trung tâm tẩy não khác nhau, gồm Trung tâm tẩy não Ngạch Đầu Loan, Trung tâm tẩy não Đan Thủy Trì, Trung tâm tẩy não Nhị Đạo Bằng và Trung tâm tẩy não tỉnh Hồ Bắc ở Vũ Hán. Vì không từ bỏ Pháp Luân Công, bà đã bị bức thực, đánh đập, biệt giam và treo người lên bằng cổ tay trong nhiều ngày.

Ngoài việc bị giam giữ, bà Chu còn bị Cục Công thương quận Kiều Khẩu sa thải và bị điều chuyển làm thư ký tại một văn phòng trực thuộc cục.

3b14b1d319914f75c9e4b6875a56dc0e.jpg

Trung tâm tẩy não Ngạch Đầu Loan

Khi bà Chu bị giam trong Trung tâm tẩy não Ngạch Đàu Loan sau vụ bắt giữ ngày 2 tháng 10 năm 2014, chính quyền đã yêu cầu đơn vị công tác phải cử hai nhân viên tham gia hỗ trợ việc “chuyển hóa” bà Chu, và những người này giám sát bà 24/24. Khi đơn vị công tác không thể chuyển hóa bà, Phòng 610 đã tống tiền đơn vị công tác của bà 8.000 nhân dân tệ/tháng trong vòng hai tháng. Số tiền này được trích từ tiền lương của bà Chu và nó được dùng để trả cho những người mà họ thuê để giám sát bà.

Tháng 6 năm 2016 bà Chu bị bắt một lần nữa vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Sau 15 ngày tạm giam hành chính, bà bị giam trong Trung tâm tẩy não Ngạch Đầu Loan bảy tháng cho đến Tết Nguyên đán năm 2017. Các nhà chức trách đã thuê ba người giám sát bà và giữ lại 63.000 nhân dân tệ tiền lương của bà để trả cho họ (100 nhân dân tệ/người/ngày).

Một người phụ nữ ở Thiểm Tây bị đưa vào bệnh viện tâm thần vì không chịu từ bỏ đức tin của mình

Bà Trương Thái Hà, một nhân viên bệnh viện ở thành phố Bửu Kê, tỉnh Thiểm Tây, đã bị bắt giữ tại nơi làm việc vào ngày 26 tháng 8 năm 2021. Lúc đầu bà bị giam giữ tại một khách sạn và sau đó bị chuyển đến Trung tâm Phục hồi chức năng Vương Gia Nhai, thực chất đó là bệnh viện tâm thần của thành phố. Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, bệnh viện đã được trưng dụng làm một trong những nơi giam giữ các học viên Pháp Luân Công.

Gia đình của bà Trương không hề hay biết gì về nơi giam giữ bà cho đến ngày 7 tháng 9 khi họ đến đồn cảnh sát địa phương để hỏi về trường hợp của bà. Khi họ đến bệnh viện tâm thần để thăm bà, lính canh đã không cho họ gặp trực tiếp, mà chỉ thông qua một cuộc gọi video. Có thông tin rằng Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Bửu Kê đã ra lệnh bắt giữ bà và sẽ không chấp thuận thả bà ra trừ phi bà viết tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 13 tháng 9, chồng bà trở lại đồn cảnh sát để yêu cầu thả tự do cho bà, cảnh sát cũng yêu cầu ông viết một tuyên bố từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công và đe dọa sẽ bắt ông.

Trong khi bà Trương bị bắt thì con gái bà, cô Vương Cúc Hương, người mẹ của hai đứa con nhỏ vẫn còn đang thụ án bốn năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Trương đã bị giam một tháng tại bệnh viện tâm thần và được thả vào ngày 30 tháng 9.

Thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang: 10 học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong trung tâm tẩy não một tháng

10 người dân ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang đã bị bắt giữ vào ngày 26 và 27 tháng 8 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công. Họ bị giam giữ tại trung tâm tẩy não một tháng và chịu đựng sự tẩy não tăng cường nhằm buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình.

10 học viên gồm: bà Chu Bồi Đình, bà Tương Xuân Á, bà Thẩm Tiểu Huệ, bà Kim Hoa, bà Nguyễn Linh, bà Trịnh Ái Ngân, bà Lý Thái Quân, bà Chu Ái Hoa, bà Quách Xuân Quyên và bà Quách Xuân Hỉ.

Trung tâm tẩy não nằm tại Trường Dạy nghề Trí Phong ở huyện Tượng Sơn. Trường dạy nghề thường được Sở Cảnh sát Huyện Tượng Sơn sử dụng làm trung tâm đào tạo của mình.

Trung tâm tẩy não được tài trợ bởi Ủy ban Chính trị Pháp luật Thành phố Ninh Ba, một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại. Phòng 610 Thành phố Ninh Ba, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công, đã quản lý hoạt động hàng ngày của trung tâm tẩy não này.

Đồng Vĩ Xương, Trưởng Phòng 610 Thành phố Ninh Ba, thường tự mình tham gia tẩy não các học viên, ông ta gọi nó là “tẩy não ngược” để các học viên từ bỏ Pháp Luân Công và đi theo tư tưởng của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Trung tâm tẩy não có ba phiên tẩy não mỗi ngày gồm buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Ngoài Đổng ra còn có Cổ Lương Quân và Lưu, cả hai trước đây từng tu luyện Pháp Luân Công nhưng sau đó đã từ bỏ tu luyện và trở thành chuyên gia trong việc chuyển hóa các học viên, cũng như thuyết giảng. Cổ đã xuất bản một cuốn sách bôi nhọ Pháp Luân Công và ông ta thường dùng cuốn sách này làm tư liệu tham khảo trong các phiên tẩy não.

Nhà chức trách còn thuê nhân viên của ủy ban khu dân cư, các nhà tâm lý học và các thầy khí công để thường xuyên có những buổi gặp gỡ trực tiếp các học viên.

Mỗi học viên bị buộc phải hoàn thành các các bài tập được phân công hàng ngày vốn được thiết kế để tiết lộ trạng thái tinh thần của họ và để các nhà chức trách tìm ra những bước đột phá trong việc phá hủy ý chí tinh thần của họ. Những học viên từ chối trả lời câu hỏi bị buộc phải ngồi cả đêm mà không được ngủ.

Sau khi phiên tẩy não kết thúc vào ngày 28 tháng 9, các học viên bị đưa trở lại đồn cảnh sát địa phương và ủy ban khu dân cư của họ.

Người già cũng không tha

Bà lão 85 tuổi bị bắt và bị quản thúc tại nhà

Ngày 24 tháng 9 năm 2021, khi con trai bà Chu Uý Quần đang ăn trưa tại nhà bà ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam thì cảnh sát xông vào và bắt giữ bà lão 85 tuổi đã về hưu thuộc Đại học Hồ Nam này. Cảnh sát cho biết bà Chu bị một số sinh viên tố cáo vì phân phát tờ rơi Pháp Luân Công. Họ lục soát nhà bà mà không có giấy khám xét và tịch thu những bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, hơn 40 quyển sách Pháp Luân Công, những băng hình tập và một số tài sản cá nhân khác.

Cảnh sát đã đưa bà Chu đến trại tạm giam Số 1 Thành phố Trường Sa. Họ đo chiều cao, cân nặng và thu thập dấu vân tay, vân chân, mẫu máu và nước bọt của bà.

Kế hoạch ban đầu của cảnh sát là giam bà Chu trong trại tạm giam nhưng họ từ chối nhận bà vì tuổi tác cao.

Cảnh sát đã quản thúc bà Chu tại gia và cấm bà rời thành phố Trường Sa. Bà được thả vào khoảng 2 giờ sáng.

Sau nhiều năm liên tục bị bắt giữ và tẩy não, người phụ nữ 80 tuổi lại bị bắt giữ và gia đình bà bị đe dọa

Từ khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công, bà Dương Huệ Lan, 80 tuổi, ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị bắt giữ chín lần, bị giam giữ trong một trại lao động cưỡng bức lần hai trong 20 ngày và kết án ba năm tù cùng với bốn năm quản chế.

Gần đây, vào sáng ngày 20 tháng 8 năm 2021, bà Dương Huệ Lan đã bị tố cáo vì phân phát tờ rơi giới thiệu Pháp Luân Công cho một cửa hàng. Cảnh sát bắt giữ bà trên đường về nhà và đưa bà tới đồn công an.

Trong suốt buổi thẩm vấn, bà Dương khẳng định rằng những gì bà làm là hợp pháp và từ chối hợp tác với cảnh sát. Thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt, cảnh sát đã thu thập được tên và địa chỉ của bà.

Chín cảnh sát đã đưa bà Dương đi cùng với họ về nhà bà. Khi bà Dương từ chối tiết lộ mật mã khóa nhà, cảnh sát đã gọi điện cho con gái bà. Khi con gái bà biết chuyện đang xảy ra, cô nói rằng mẹ mình không làm gì sai và từ chối về nhà để mở cửa cho cảnh sát.

Cảnh sát tiếp tục gọi điện cho con gái và con rể của bà Dương. Cuối cùng, con gái bà đã phải về nhà và cho cảnh sát vào trong. Họ lục soát căn nhà và tịch thu các tài liệu Pháp Luân Công. Tin rằng việc khám nhà là bất hợp pháp, bà Dương cùng con gái đã từ chối ký vào danh sách tài sản bị tịch thu.

Khi cảnh sát ra lệnh cho bà Dương quay lại đồn công an để làm thêm giấy tờ, bà đã từ chối. Sau 20 phút bế tắc, bốn cảnh sát nắm lấy bà và kéo bà ra ngoài. Hai cảnh sát khác đã ngăn cản con gái và con rể của bà khi họ cố gắng không cho cảnh sát đưa bà Dương đi. Khi hai vợ chồng con gái bà lấy điện thoại ra để ghi lại sự việc, thì cảnh sát đã giật điện thoại của họ. Sau đó, hai cảnh sát vặn cánh tay của con rể bà và ghì anh xuống khi anh cố gắng lấy lại điện thoại của mình.

Khi cảnh sát ghi hình con rể bà Dương, thì con gái bà đã hét lớn: “Các anh đã lục soát nhà chúng tôi, bắt cóc mẹ tôi và cướp tài sản của chúng tôi. Tại sao các anh không ghi lại hành vi phi pháp của mình?”

Bà Dương bị đưa vào xe cảnh sát mà không kịp mang giày. Con gái bà đi theo họ tới đồn công an và đợi từ 6 giờ tối tới 1 giờ 30 phút sáng rồi sau đó cô mới có thể đưa mẹ về nhà. Cảnh sát cho biết họ đang lên kế hoạch tiếp tục truy tố bà Dương.

Người phụ nữ 74 tuổi bị giam giữ vì đăng thông tin về Pháp Luân Công 4 năm trước

Sau hơn ba năm sống xa nhà để tránh bị bức hại vì đức tin của mình đối với Pháp Luân Công, bà Vinh Thiết Văn, 74 tuổi, quê ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt vào tháng 7 năm 2021 và giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Cát Lâm.

Bốn năm trước, vào ngày 6 tháng 10 năm 2017, bà Vinh đã bị bắt khi đang dán các áp phích thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đột kích vào nhà của bà Vinh và tịch thu hơn 100 cuốn sách Pháp Luân Công, hơn 70 áp phích Pháp Luân Công và một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Bất chấp việc bà Vinh được phát hiện mắc chứng huyết áp cao nguy hiểm, cảnh sát vẫn buộc trại tạm giam địa phương giam giữ họ. Sáu ngày sau, khi các học viên được chuyển đến trại tạm giam Thành phố Cát Lâm, các lính canh ở đó cũng từ chối tiếp nhận họ, nhưng vẫn bị cảnh sát buộc phải tiếp nhận.

Ba Vinh đã bị lột trần để khám xét cơ thể khi đến trại tạm giam. Bà bị các lính canh cưỡng chế uống thuốc để giảm huyết áp. Bác sỹ trại tạm giam nói rằng bà phải uống thuốc bất kể thế nào.

Đầu tiên, bà Vinh bị ép uống một viên thuốc màu trắng mỗi ngày trong hai tuần và sau đó là một viên thuốc màu đỏ mỗi ngày trong một tháng sáu ngày.

Vào ngày 14 tháng 11 năm 2017, khi bà Vinh được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh 5.000 Nhân dân tệ, đầu óc bà không được tỉnh táo và không thể nhận ra gia đình của mình. Nhiều ngày sau, mặt bà bắt đầu sưng tấy, bàn tay mưng mủ và các ngón tay bị phồng rộp. Ngón cái bên trái của bà không thể hồi phục ngay cả sau sáu tháng.

Vào ngày 27 tháng 3 năm 2018, một công tố viên đã gọi điện cho bà Vinh và yêu cầu bà đến đó để gia hạn hồ sơ tại ngoại. Khi đến nơi, bà được thông báo rằng bà cần phải đến Tòa án Quận Phong Mãn để gia hạn các giấy tờ.

Vào ngày 20 tháng 4 năm 2018 khi bà Vinh đến tòa, bà đã bị bắt và bị nhốt vào lồng kim loại sau khi từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.

Các nhân viên tòa án đã cố gắng thuyết phục con trai của bà Vinh để thuyết phục bà ký vào bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công, tuy nhiên bà đã từ chối tuân thủ.

Bà Vinh bị giam trong lồng gần như cả ngày. Vào buổi tối, bà bị đưa đến Đồn Công an Giang Nam, nơi cảnh sát cưỡng chế chụp ảnh và thu thập dấu vân tay của bà.

Sau khi trại tạm giam Thành phố Cát Lâm từ chối tiếp nhận, bà bị đưa trở lại tòa án, nơi bà được lệnh ký vào một giấy tờ bảo lãnh mới có đoạn phỉ báng Pháp Luân Công. Bà Vinh đã từ chối ký và các nhân viên tòa án đã cho bà ký vào đơn tại ngoại trống trước khi thả bà.

Vào tháng 7 năm 2018, bà Vinh được thông báo rằng tòa án đã lên kế hoạch xét xử vụ án của bà. Để tránh bị bức hại hơn nữa, bà đã phải sống xa nhà trong ba năm. Vào tháng 7 năm 2021, bà lại bị bắt ngay sau khi bà trở về nhà.

Người phụ nữ 66 tuổi bị tạm giam 19 ngày vì tìm kiếm công lý chống lại án tù oan sai trước đó

Bà Trạch Á Nam, 66 tuổi, ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã bị giam giữ 19 ngày vì cố gắng tìm kiếm công lý cho một án tù oan sai trước đó mà bà đã phải phải gánh chịu vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Bà Trạch bị bắt vào tháng 10 năm 2018 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà đã bị xét xử từ xa qua video vào ngày 26 tháng 5 năm 2020 và bị kết án 2,5 năm tù cùng 3.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 24 tháng 8 năm 2020.

Sau khi được trả tự do vào ngày 8 tháng 4 năm 2021, bà Trạch đã đệ đơn đề nghị yêu cầu xem xét lại vụ án của bà lên Tòa án Trung cấp thành phố Hợp Phì vào ngày 22 tháng 7. Bà cũng gửi lá đơn qua đường thư bảo đảm tới lãnh đạo tòa án, cảnh sát của Đồn Công an Tỉnh Cương, và các công tố viên cùng thẩm phán đã xử lý vụ án của bà.

Đầu tháng 9 năm 2021, bà Trạch tiếp tục nỗ lực của mình bằng cách gửi đơn đề nghị cho thị trưởng thành phố Hợp Phì, bí thư thành ủy, bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, và Trưởng Công an thành phố Hợp Phì.

Ngày 10 tháng 9, bốn cảnh sát của Đồn Công an Ích Dân Nhai cùng vài nhân viên của ủy ban dân cư và quản lý tài sản khu dân cư, đã có mặt ở nhà của bà.

Phó đồn công an nói với bà: “Bà đã viết thư gửi cho bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Hợp Phì. Hiện bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật quận muốn nói chuyện với bà”.

Bà Trạch từ chối hợp tác và nói rằng những điều bà muốn nói bà đã viết hết ở trong lá thư khiếu nại. Cảnh sát khăng khăng rằng bà sẽ phải đi cùng họ. Mặc dù họ đã ban hành giấy triệu tập bà Trạch và bà đã cất nó ở trong một chiếc hộp để ở nhà, song họ đã bí mật lấy lại nó sau khi bắt giữ bà Trạch trong ngày hôm đó.

Bà Trạch bị giam ở trong một khách sạn suốt 19 ngày. Mỗi ngày cảnh sát đều yêu cầu bà phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và không được gửi thư khiếu nại. Những cảnh sát này đều không tiết lộ danh tính. Họ nói nếu bà vẫn viết thư khiếu nại, thì trong thư bà không được đề cập bất cứ điều gì liên quan tới Pháp Luân Công. Bà Trạch khẳng định rằng bà chỉ đang thực hiện các quyền vốn được hiến pháp bảo vệ khi tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã tuyệt thực trong năm ngày để phản đối việc bắt và giam giữ tùy tiện. Bà đã được thả vào ngày 28 tháng 9.

Gia đình bị ảnh hưởng

Liêu Ninh: Một phụ nữ và bốn người khác bị bắt khi đang tổ chức sinh nhật cho người mẹ 89 tuổi của mình

Ngày 3 tháng 9 năm 2021, khi bà Phan Tinh ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh đang tổ chức một bữa tiệc sinh nhật cho người mẹ 89 tuổi của mình thì một nhóm cảnh sát đột nhiên xông vào và đã bắt bà cũng bốn người khách.

Sau đó, cảnh sát tiết lộ với gia đình bà Phan rằng một tháng trước bà đã bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Cảnh sát đã lục soát nơi ở của bà Phan. Họ cũng chuyển người mẹ bị liệt của bà xuống sàn và sau đó lục soát dưới nệm. Máy in, máy tính, các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công cùng các tài liệu thông tin của bà Phan bị tịch thu.

Bốn người khách của bà Phan đã được thả sau đó và bà vẫn bị giam ở trại tạm giam Đan Đông.

Một bác sĩ bị bắt sáu ngày trước kỳ nghỉ Tết Trung thu và hiện vẫn đang bị biệt giam

Đối với mẹ của ông Giả Quốc Kiệt, Tết Trung thu năm nay (rơi vào ngày 21 tháng 9) đặc biệt cô đơn. Sáu ngày trước kỳ nghỉ lễ Tết Trung thu truyền thống, con trai bà lại bị bắt vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Trong hai thập kỷ qua, người mẹ già đã tận mắt chứng kiến ​​cuộc bức hại đối với Pháp Luân Công. Bà nói rằng thậm chí không thể nhớ con trai mình đã bị bắt bao nhiêu lần. Khi bị bức hại lần đầu, con bà chưa đến 30 tuổi và mới bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một bác sĩ. Vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, ông đã bị mất việc và bị kết án ba lần, tổng cộng là 11 năm. Nỗi lo thường trực về sự an toàn của ông đã ảnh hưởng đến sức khỏe của cha và bà của ông, cả hai đều đã sớm qua đời.

Các nhà chức trách tiếp tục sách nhiễu ông Giả sau khi ông được thả vào năm 2018 khi mãn hạn tù lần thứ ba. Vào tháng 11 năm 2020, khi ông rời thị trấn để đi làm việc, cảnh sát đã triệu tập người mẹ đã ngoài 70 tuổi của ông đến nhà của trưởng thôn Trương Hồng Nghĩa và thẩm vấn bà về nơi ở của ông. Mặc dù người phụ nữ lớn tuổi đã ngừng tu luyện Pháp Luân Công từ nhiều năm trước, nhưng bà cũng bị buộc phải ký vào một bản tuyên bố cam kết rằng bà sẽ không tu luyện nữa.

Vào cuối năm 2020, khi biết rằng ông Giả đang làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, cảnh sát Tắc Sơn đã đến Tây An và giả làm bệnh nhân để thu thập thông tin về ông Giả.

Vào ngày 30 tháng 7 năm 2021, Quách Thiết Sơn, phó Phòng An ninh Nội địa thành phố Vận Thành, Nhâm, trưởng Phòng 610 huyện Tắc Sơn, bí thư thị trấn, bí thư thôn và một số cảnh sát đã tìm thấy ông Giả ở Tây An và yêu cầu ông tham dự một buổi tẩy não trong khách sạn sau giờ làm việc.

Quách cố gắng thuyết phục ông: “Nếu chúng tôi bắt ông tại nơi làm việc của ông, ông sẽ mất việc. Nếu chúng tôi bắt ông tại căn hộ của ông, chủ nhà sẽ đuổi ông ra khỏi nhà. Chúng tôi đang (giúp ông bằng cách) mặc thường phục. Ông phải đến khách sạn cho các khóa học.”

Sau khi ông Giả từ chối tuân thủ, Quách đe dọa sẽ coi ông là “mục tiêu chính”.

Ông Giả bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 15 tháng 9. Ông hiện bị biệt giam và nhà chức trách từ chối tiết lộ cho mẹ ông biết nơi giam giữ ông.

Người mẹ bị bắt vì treo biểu ngữ và con trai vì ủng hộ mẹ mình cũng bị bắt giữ

Vào ngày 8 tháng 5 năm 2021, một biểu ngữ có dòng chữ “Kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13.5” xuất hiện ở khu vực Cô Đảo thuộc mỏ dầu Thắng Lợi, tỉnh Sơn Đông. Khoảng hai tháng sau, những người treo biểu ngữ gồm bà Vương Anh và bà Bạch Hưng Văn bị bắt. Cảnh sát đã lục soát nhà của họ. Ông Lý Long, con trai bà Vương vốn không tu luyện Pháp Luân Công cũng bị bắt giam vì ủng hộ mẹ mình tu luyện.

Lúc 7 giờ sáng ngày 15 tháng 7 năm 2021, khoảng 11 cảnh sát đột nhập vào nhà ông Lý mà không xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân hay lệnh khám xét nào. Trong khi bốn người giữ ông Lý ngồi trên ghế thì có hai người bắt bà Vương và đưa đi.

Trương Thụy, một cảnh sát đeo găng tay và khám xét căn hộ. Ông Lý yêu cầu anh ta xuất trình lệnh khám xét và Trương lấy ra “Giấy chứng nhận khám xét” để chứng minh, trên đó trích dẫn Điều 87 Luật Xử phạt Hành chính Công an của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ông Lý nói: “Theo tôi biết, Điều 87 chỉ dành cho việc khám xét những nơi công cộng. Nếu muốn khám xét nhà riêng thì anh phải có lệnh khám xét; nếu không, những gì anh đang làm là bất hợp pháp”. Trương Thụy đột nhiên tức giận và ra lệnh cho ba cảnh sát còng tay ông Lý.

Cảnh sát lục soát từng phòng và mỗi phòng đều có ghi hình ông Lý như thể ông cho phép họ làm vậy. Họ đặt những vật dụng bị tịch thu bao gồm hai cuốn sách Pháp Luân Công, một máy vi tính, một ổ cứng rời, một máy MP3, một túi xách, hai chiếc điện thoại và sáu ổ đĩa flash vào trong một cái hộp có nhãn “Hộp bằng chứng”. Họ còn tịch thu chìa khóa nhà và chìa khóa xe hơi, đồng thời lục soát xe ông Lý trước khi bắt ông đến đồn cảnh sát. Ông Lý bị bắt ngồi trên một chiếc ghế sắt và bị lấy mẫu tóc, mẫu máu.

Mặc dù ông Lý và bà Vương đã được thả sớm nhưng ông lại bị bắt một tháng sau đó vào ngày 27 tháng 8. Cảnh sát đã lục soát người ông, tịch thu chìa khoá và đưa ông đến một phòng thẩm vấn. Họ không cho ông gọi luật sư riêng và giả mạo biên bản thẩm vấn, tuyên bố rằng họ có quyền chọn ghi hay không ghi những gì. Ông Lý đã từ chối ký vào biên bản. Ông đã được thả vào nửa đêm.

Người chồng bị quản chế tại gia sau khi thuê luật sư biện hộ cho vợ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình

Bà Vương Chí Yến ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây đã bị bảy cảnh sát mặc thường phục đang mai phục ở bên ngoài nhà bà bắt giữ ngay khi bà quay về sau chuyến đi thăm cha mẹ vào ngày 13 tháng 5 năm 2021.

Sau khi cảnh sát trình hồ sơ vụ án của bà Vương tới viện kiểm sát, chồng bà là ông Cao Tú Binh cũng là học viên Pháp Luân Công đã thuê luật sư bào chữa cho bà. Trương Tiểu Bằng của Phòng 610 Thành phố Thái Nguyên cảnh báo ông Cao: “Nếu ông thuê luật sư, chúng tôi sẽ có đủ cách để đối phó với luật sư và gia đình ông.”

Vì ông Cao kiên quyết thuê luật sư và tìm kiếm công lý cho bà Vương, nhà chức trách đã nỗ lực đưa ông tới trung tâm tẩy não. Khi ông từ chối tuân thủ, cảnh sát đã ở bên ngoài nhà ông và không cho bất kỳ ai đến thăm. Ông Cao cùng mẹ già bị mắc bị kẹt trong nhà mà không có thức ăn và nhu yếu phẩm.

Nhà chức trách không chỉ dồn chồng và mẹ chồng bà Vương vào chỗ nguy hiểm, mà họ còn đe dọa mẹ và em trai của bà. Cả mẹ và em trai bà Vương gần như bị mù khi đang thụ án tù trước đây vì tu luyện Pháp Luân Công. Gia đình của chị gái bà cũng là học viên Pháp Luân Công, cũng bị sách nhiễu.

Sau đó bà Vương đã bị truy tố. Nhưng chính quyền vẫn cấm luật sư gặp bà.

Một năm sau khi chồng qua đời vì bị tra tấn, người vợ và gia đình liên tục bị hăm doạ vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công

Chính quyền ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã liên tục sách nhiễu bà Dịch Thục Anh và gia đình bà đến nỗi cháu gái bà không được học đại học vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Bà Dịch, 68 tuổi đã bị bắt giữ và tra tấn nhiều lần trong 22 năm qua vì kiên định đức tin của mình. Lần sách nhiễu gần đây nhất đối với bà và gia đình xảy ra vào tháng 10 năm 2021, chỉ một năm sau khi chồng bà là ông Trần Hoa Quý qua đời do những vết thương lúc bị công an đánh đập chỉ vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công.

Ngày 14 tháng 10 năm 2021, chín người từ Phòng 610 và thị trấn đã lệnh cho bà ký vào một bức thư từ bỏ Pháp Luân Công.

Họ đe doạ con trai và con dâu của bà Dịch rằng con gái của họ đang học trung học sẽ không được nhận vào đại học trong tương lai nếu bà Dịch không từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Dịch đã từ chối hợp tác.

Kể từ đó, Vương Minh Toàn và Vương Phượng Quần đã gọi điện cho con trai và con dâu của bà Dịch mỗi ngày để hăm dọa họ.

Các vụ sách nhiễu

Hồ Bắc: Một bác sĩ bị giáng chức vì tu luyện Pháp Luân Công lại tiếp tục bị chính quyền sách nhiễu

Ngày 15 tháng 9 năm 2021, ông Uông Lễ Địch, một bác sĩ 56 tuổi ở thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc đã bị triệu tập đến nơi làm việc là Trường Y thuộc Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hồ Bắc để nói chuyện với bốn cảnh sát và một trưởng khoa tại nơi làm việc.

Trong khi một cảnh sát cho biết ông ta họ Triệu, bác sỹ Uông đã biết từ những lần gặp trước đây của ông với cảnh sát địa phương rằng tên thật của Triệu là Hùng Khải và ông ta là đồn trưởng Đồn Công an Nhất Hào Kiều ở quận Ôn Tuyền thành phố Hàm Ninh. Ba cảnh sát khác là Lý Chí Hoa, Hoàng Diễm và Nghiệp từ cộng đồng dân cư.

Ngay khi bác sỹ Uông đến trường, cảnh sát Lý đã bật máy ghi âm của cảnh sát của anh ta. Ông Uông đã bảo anh ta tắt đi, tố cáo anh ta xâm phạm quyền lợi của mình. Lý đã tắt nó đi.

Hùng Khải nói: “Chúng tôi chỉ đến để xem ông có cần giúp đỡ gì không.”

Bác sỹ Uông đáp: “Cảm ơn. Tuy nhiên, 22 năm đã trôi qua từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Tôi không cần bất kỳ sự giúp đỡ gì từ các vị, nhưng tôi nghĩ các vị cần biết sự thật về Pháp Luân Công.”

Ông đã giải thích rằng Pháp Luân Công là môn tu luyện tinh thần dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và ông chỉ đơn giản là cố gắng trở thành một người tốt bằng cách tuân theo các nguyên lý này.

Ông đã cho các cảnh sát xem hai văn bản. Một là cục xuất bản Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm sách và ấn phẩm Pháp Luân Công vào năm 2011 và Pháp Luân Công không có trong danh sách tà giáo của Bộ Công an.

Cảnh sát đã kiểm tra các văn bản cẩn thận và chụp hình. Bác sỹ Uông nói rằng dường như họ chưa từng nghe về các tài liệu này.

Bác sỹ Uông cũng hối thúc các cảnh sát ngừng tham gia cuộc bức hại không có cơ sở pháp lý nào này. “Cuối cùng các vị sẽ phải chịu trách nhiệm vì điều này. Tôi chân thành hy vọng tất cả đều có một tương lai tốt đẹp. Đừng trở thành tội đồ của lịch sử.”

Tất cả họ đều im lặng lắng nghe. Khi rời đi họ cũng mang theo các tài liệu.

Ông Uông đã liên tục bị bắt và giam giữ từ khi cuộc bức hại bắt đầu từ năm 1999. Ông đã bị kết án 3,5 năm tù sau khi bị bắt vào ngày 5 tháng 9 năm 2005. Ông bị tra tấn đến liệt tạm thời ba lần trong khi bị cầm tù.

Vợ của ông bị mất tích khi ông ra khỏi tù trở về nhà vào ngày 11 tháng 4 năm 2009. Ông được biết vợ mình đã bị tâm thần phân liệt sau khi liên tục sợ hãi vì những vụ bắt giữ chồng mình. Ông Uông phải mất bốn năm mới tìm thấy vợ. Con trai họ cũng bị chẩn đoán tâm thần phân liệt vào năm 2015.

Trường học đã bỏ qua việc thăng cấp cho ông Uông vào năm 2002 vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Họ loại bỏ ông khỏi vị trí giảng dạy ngay khi nhà tù thả ông và chuyển ông đến một bệnh viện liên kết, nơi ông chỉ được trả một phần nhỏ so với mức lương trước đó. Năm 2017, chính quyền tiếp tục giáng chức ông, không cho ông chữa trị bệnh nhân mà sắp xếp cho ông làm kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm.

“Chúng tôi sẽ khiến mẹ bà phải đau khổ mỗi ngày”

Vào ngày 18 tháng 8, một bí thư chi bộ đã gọi điện cho bà Khấu Tuệ Bình ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, yêu cầu bà đến văn phòng của ông ta có việc gấp. Bà Khấu đã không đi và người này lại gọi nữa vào ngày 20 tháng 8. Được sự đồng ý của bà Khấu, ông ta đã đến nhà bà vào lúc 10 giờ 40 phút sáng, nhưng ông ta đi cùng với một nhóm cảnh sát.

Một số cảnh sát đã ghi lại cảnh này và tuyên bố rằng họ đang tiến hành chiến dịch “Xóa sổ” để “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. Họ nỗ lực buộc bà Khấu ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng bà từ chối hợp tác.

Vào khoảng giữa trưa, các cảnh sát mang mì ăn liền tới, chuẩn bị cho việc ở tại nhà bà Khấu và thay phiên nhau gây áp lực cho bà. Ban đầu, họ đe dọa sẽ đưa bà tới trung tâm tẩy não địa phương và sau đó nói rằng công việc của tất cả thành viên trong gia đình bà sẽ bị ảnh hưởng. Họ tìm thông tin của các thành viên trong gia đình trước mặt bà để đe dọa bà. Họ còn gọi điện thoại cho em trai của bà Khấu và ra lệnh cho ông thuyết phục bà, nhưng bà Khấu vẫn từ chối tuân thủ.

Sau đó, cảnh sát đã ra lệnh cho một nhóm cảnh sát khác sách nhiễu người mẹ già của bà Khấu. Vào khoảng lúc 3 giờ chiều, những viên cảnh sát này kéo tới và đưa bà Khấu xem những bức ảnh mẹ bà đang kinh hãi sau khi bị đe dọa. Bà Khấu từ chối xem những bức ảnh đó.

Họ nói: “Chúng tôi sẽ khiến cho mẹ của bà đau khổ như vậy mỗi ngày. Bà ấy đã quá già rồi. Nếu một ngày bà ấy không thể chịu đựng được và qua đời, thì đó là lỗi của bà!”

Sau đó, các cảnh sát đã lừa bà Khấu rằng nhiều học viên mà bà biết đã ký vào tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Vẫn muốn thuyết phục bà, họ nói: “Miễn bà không ra ngoài quảng bá Pháp Luân Công hay phân phát tờ rơi, bà có thể tập luyện theo cách nào mà bà muốn và không ai làm phiền bà.”

Bà Khấu trả lời: “Hiến pháp trao quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng cho công dân. Những gì các vị làm là trái với Hiến pháp.”

Kỳ Quốc Hồng, cựu Trưởng Phòng 610, đã gọi cho anh trai bà Khấu vào ngày 26 tháng 8. Họ nói rằng nếu bà Khấu từ chối từ bỏ đức tin của mình, thì ông không thể di cư ra nước ngoài.

Sau đó, Kỳ Quốc Hồng cùng hai cảnh sát khác tới nhà chị gái bà Khấu và đe dọa đóng cửa doanh nghiệp tư nhân của bà. Họ còn gọi điện cho chủ nhà của em trai bà Khấu và yêu cầu chủ nhà không cho người nhà của học viên Pháp Luân Công thuê nhà. Khiến việc kinh doanh của em trai và việc học của các con ông bị gián đoạn nghiêm trọng.

Ngoài ra, các cảnh sát lại lần nữa sách nhiễu mẹ bà Khấu, cũng như con gái mới tốt nghiệp đại học và đang trong tháng đầu thử việc của cô. Cảnh sát đe dọa rằng con gái bà sẽ mất việc bởi sự tu luyện của bà. Con gái bà Khấu gọi điện cho bà và nói rằng sự sách nhiễu này khiến cháu phát điên.

Một người phụ nữ 70 tuổi lại bị sách nhiễu vì đức tin của mình

Khoảng 8 giờ 30 phút sáng ngày 22 tháng 9 năm 2021, hơn 10 cảnh sát mặc thường phục đập cửa xông vào nhà bà Vu Đức Dung. Khi hàng xóm của bà hỏi chuyện gì đang diễn ra, thì cảnh sát phớt lờ họ và liên tục la hét: “Mở cửa ra! Mở cửa!”

Bà Vu, một người dân 70 tuổi ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã hỏi qua cửa: “Ai đó? Các vị từ đâu đến?” Bà nghe thấy một ai đó nói rằng họ đến từ Đồn Công an Vĩnh Ninh. Sau đó, cảnh sát tiếp tục đập cửa. Bà Vu nói với họ rằng bà sẽ không mở của cho đến khi họ xuất trình giấy tờ tùy thân và lệnh khám. Họ phản hồi bằng việc đập cửa càng mạnh hơn nữa.

Một lúc sau, thêm hai cảnh sát đến. Trong khi đang đập cửa, họ hét lớn: “Chúng tôi là cảnh sát, mở cửa ra, mau lên!”

Bà Vu trả lời: “Tôi sẽ không mở cửa bởi vì các vị là cảnh sát. Tôi thách các vị dám xuất trình giấy tờ tùy thân và tài liệu hợp pháp để khám xét nơi ở của tôi. Các vị đang làm việc này chỉ gây tổn hại cho chính mình. Các vị không biết rằng chính phủ đang điều tra hành vi vi phạm pháp luật của cảnh sát trong hơn 30 năm qua? Tôi biết các vị có ý định cưỡng ép tôi đi giống như các vị đã làm bốn năm trước vì tôi tu luyện Pháp Luân Công. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra thêm lần nữa đâu.”

Khi cảnh sát nhận ra rằng bà Vu sẽ không mở cửa cho họ, một trong số họ bắt đầu tuyên bố rằng Pháp Luân Công đã bị chính phủ cấm và bà tu luyện Pháp Luân Công là bất hợp pháp.

Bà Vu nói với họ rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công không có cơ sở pháp lý ở Trung Quốc. Pháp Luân Công không nằm trong danh sách tà giáo do Cục An ninh ban hành và Cục Xuất bản Trung Quốc cũng đã bãi bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công vào năm 2011.

Bà Vu nói tiếp: “Hơn 10 năm trước, khi tôi không ở nhà, các vị đã phá cửa nhà tôi và lấy đi 5.000 Nhân dân tệ của chồng tôi trong ngăn kéo. Lần gần đây nhất khi các vị đến sách nhiễu tôi vào ngày 17 tháng 9 năm 2017, các vị lục soát nơi ở của tôi mà không có lệnh khám và tịch thu mọi thứ các vị nghĩ là có giá trị mà không cung cấp danh sách tài sản tịch thu cho tôi.”

Bà Vu nhớ lại: “Các vị còn ngụy tạo bằng chứng chống lại tôi. Khi các vị hỏi tôi có dán biểu ngữ Pháp Luân Công nào hay không, tôi trả lời rằng tôi giúp một người về hưu dán hai tấm áp phích để bán nhà của ông ấy. Sau đó các vị cáo buộc tôi dán hai tờ rơi Pháp Luân Công. Các vị tìm thấy hai cuốn sách Pháp Luân Công ở nhà tôi và các vị nói có 80 cuốn. Trong khi tôi đang thụ án ba năm tù vì điều đó, nhà của tôi ở nông thôn đã bị sập và chúng tôi không có khả năng để sửa chữa nó. Tôi đã bị bức hại hơn 10 năm. Hiện tại, tôi đang sống tại nhà con trai tôi và các vị vẫn không để tôi yên, cứ như thể chúng tôi vẫn chịu đựng chưa đủ.”

Một nam cảnh sát trong nhóm đe dọa sẽ tìm thợ khóa để cưỡng chế mở cửa. Bà Vu nói rằng nếu họ dám làm vậy, bà sẽ phơi bày họ. Bà nói tiếp: “Nghĩ về những gì cảnh sát các vị đã làm hơn 20 năm qua. Thay vì bảo vệ người dân, các vị đã dùng hết lỗ lực để buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình. Các vị đã khiến cho con cái của các học viên chống lại chính cha mẹ của chúng. Do đó, rất nhiều gia đình đã tan vỡ. Thiện hữu thiện báo và ác hữu ác báo. Bất cứ điều xấu nào các vị làm đều sẽ phải gánh chịu hậu quả.”

Sau đó, cảnh sát đã dịu giọng và nói: “Này, bà có thể ra ngoài để xem một số thứ không? Nó có phải của bà không?” Bà Vu trả lời: “Tôi không cất giữ gì ở bên ngoài. Tôi không quan tâm đó là gì. Nếu các người thích thì có thể lấy nó.” Một cảnh sát đe dọa rằng nếu bà Vu không mở cửa, họ sẽ ở bên ngoài và ngăn không cho bà rời khỏi căn hộ của mình.

Những người này tiếp tục đập cửa trong nửa giờ đồng hồ và cuối cùng họ đã bỏ đi – sau khi cắt điện của bà Vu lần nữa.

Vào 11 giờ sáng ngày hôm sau, khoảng năm hay sáu đặc vụ khác lại tới và đập cửa nhà bà Vu lần nữa. Họ nói họ chuyển cho bà Vu một số thứ. Sau đó, họ thay đổi giọng điệu và nói rằng họ tới để cung cấp cho bà một số thông tin sức khỏe. Họ khăng khăng đòi bà mở cửa. Nhưng bà Vu lần nữa từ chối mở cửa.

Sau khi họ rời đi, một hàng xóm nói với bà Vu rằng bà phải hết sức cẩn thận vì ông ấy thấy cảnh sát mang theo còng và cùm.

Bài liên quan:

2.941 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và sách nhiễu trong tháng 7 và tháng 8 năm 2021

Báo cáo nửa đầu năm 2021: 9.470 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì đức tin của họ

Khoảng 2.857 học viên Pháp Luân Công bị bắt và quấy rối vào tháng 3 và tháng 4 năm 2021

226 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 2 năm 2021

1.216 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và sách nhiễu trong tháng 1 năm 2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/8/433359.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/18/196629.html

Đăng ngày 06-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share