Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 05-09-2021] Trong tháng 7 và tháng 8 năm 2021 vừa qua có 884 người vô tội ở Trung Quốc bị bắt giữ và 2.057 người bị sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

91d4a34b7d4dc8e19bad8505cb329c02.jpg

Cho đến nay vào năm 2021, 4.175 vụ bắt giữ đã được báo cáo, gồm 731 vụ diễn ra vào năm 2020. 2.956 vụ diễn ra vào nửa đầu năm 2021, 300 vụ vào tháng 7 và 157 vụ vào tháng 8.

Trog số 8.236 vụ sách nhiễu được báo cáo trong năm nay, 7 vụ diễn ra vào năm 2016; 1.189 vụ vào năm 2020; 6.103 vụ vào nửa đầu năm 2021; 609 vụ vào tháng 7 và 290 vụ trong tháng 8.

57a02b66727b12ed6e1f6092380f7fb4.jpg

Trong 2.941 trường hợp (884+2.057) mới được xác nhận trong tháng 7 và 8, các học viên đến từ 30 tỉnh và thành phố. Ba tỉnh đứng đầu danh sách là Hà Bắc (553), Sơn Đông (548) và Tứ Xuyên (301), Cát Lâm (226), Liêu Ninh (204), Thiểm Tây (147), Hắc Log Giang (143) và Hồ Bắc (113) xếp từ hạng 4 đến hạng 8 với hơn 100 trường hợp. 17 khu vực khác chiếm hai con số và năm tỉnh có một con số. Địa điểm của một trường hợp bị sách nhiễu không rõ.

Trong số các học viên bị nhắm đến, 427 người bị lục soát nhà, 466 người vẫn bị giam và 17 người bị buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.

64ad5439666ad543f2e244808535e219.jpg

Có tổng cộng 229 học viên trên 65 tuổi với 6 người hơn 90 tuổi. Đặc biệt, một cư dân 98 tuổi ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công và bị nhốt nhiều giờ trong một cái lồng sắt tại đồn công an.

Sau đây là một số vụ bắt giữ và sách nhiễu xảy ra trong tháng 7 và tháng 8 năm 2021.

Cảnh sát bạo hành

Các nhân viên nhà hàng bị bắt và bị thẩm vấn

Khoảng 8 giờ 20 tối ngày 22 tháng 7, ông Trần Tân Dã ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đến nhà hàng nơi vợ ông là bà Trần Lệ Huy làm việc vào để đón bà về nhà. Ngay khi ông tới nơi, gần 30 cảnh sát mặc thường phục xông vào và buộc những người khách ở cửa hàng phải rời đi. Khi ông Lưu Hiến Dũng, một người khác cũng tu luyện Pháp Luân Công, cố gắng chống cự, cảnh sát đã đẩy ông xuống đất và còng tay ông.

Cảnh sát đã còng tay ông Lưu, ông Trần, bà Trần và 11 nhân viên nhà hàng khác và buộc họ phải nửa đứng nửa ngồi xổm trong khi cảnh sát lục soát nhà hàng. Một số nhân viên phàn nàn: “Tôi thà quỳ gối. Tôi không thể chịu đựng nổi ở tư thế này nữa!”

Không tìm thấy bất cứ thứ gì liên quan đến Pháp Luân Công, cảnh sát đã tháo dỡ mọi camera trong nhà hàng. Khoảng 10 giờ tối, họ trùm mũ đen lên 14 người, đưa họ vào xe cảnh sát và bắt họ ngồi xổm phía sau.

Một trong số người nhà của nhân viên nhà hàng bị bắt đã theo dõi vị trí điện thoại di động của bà và thấy rằng họ đã bị đưa đến một khách sạn ở huyện Pháp Khố. Sau một đêm thẩm vấn, các nhân viên nhà hàng đã được thả vào hôm sau. Bà Trần được thả vào ngày 21 tháng 8 sau một tháng bị giam trong khi chồng bà và ông Lưu vẫn bị giam.

aa3674d6464cc19aa0ca2565d5b99e15.jpg

Bà Trần Lệ Huy

Các trường hợp khác

e47e0603faa19444585a70f11881f379.jpg

Bà Cung Thuỵ Bình

Bà Cung Thuỵ Bình, một cựu giáo viên tiểu học ở Bắc Kinh đã bị sa thải và bị giam ba lần tổng cộng hơn chín năm, lại bị bắt giữ vào ngày 20 tháng 7 năm 2021. Nhà bà bị lục soát. Bà bị còng tay và cùm chân vì nói chuyện với các lính canh về Pháp Luân Công trong trại tạm giam Quận Thuận Nghĩa. Lính canh cũng bức thực bà khi bà tuyệt thực để phản đối việc ngược đãi.

Ngày 23 tháng 7 năm 2021, bà Lý Lỵ Hồng, một giáo viên trung học ở thành phố Ninh Hương, tỉnh Hồ Nam, đã bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà đã bị đưa đến Trại tạm giữ Ninh Hương vào ngày hôm sau. Trương Kiệt, Trưởng Đồn Công an Bạch Mã Kiều, đã chỉ vào bà Lý và nói: “Tôi sẽ bắn và giết bà.” Trong bảy ngày bị giam, lính canh không cho bà uống nước và hạn chế bà đi vệ sinh. Bà bị còng tay hầu hết thời gian.

Ngày 15 tháng 8 năm 2021, bà Vương Thư Cần ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc đã bị một cảnh sát mặc thường phục đánh đập vì nói chuyện với anh ta về Pháp Luân Công. Bà bị gãy hai xương sườn và được đưa đến bệnh viện.

Ngày 10 tháng 3 năm 2021, bà Dương Hiếu Chi ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Sau khi bị sốc điện bằng dùi cui điện, bà bị cao huyết áp và được bảo lãnh vào ngày 15 tháng 3. Sau đó cảnh sát đã gọi điện thoại sách nhiễu bà và lệnh cho bà phải báo cáo với đồn công an. Bà Dương đã bị đột quỵ sau một cuộc gọi sách nhiễu khác vào ngày 12 tháng 7 và đã yêu cầu được cấp cứu.

Liên tục bị bức hại

Lại bị bắt sau khi bị giam hơn một thập niên

Bà Lưu Hoa Vinh, 68 tuổi, ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt vào giữa tháng 6 năm 2021 và hiện đang bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Thẩm Dương.

Đây là lần thứ tám người cựu nhân viên thư viện này bị bắt vì đức tin vào Pháp Luân Công. Trước đó bà đã bị giam giữ nhiều lần trong một số trại lao động cưỡng bức, trung tâm tẩy não và nhà tù với tổng cộng 12 năm.

Trong khi thụ án ở Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia, bà bị còng tay và nhốt trong một cái kho không có ánh sáng hoặc thông gió trong vài ngày. Các lính canh nam lôi bà ra khỏi phòng giam đến một hành lang và đánh đập bà.

Tương tự bà Lưu, ông Trương Quân Toàn, 53 tuổi, ở thành phố Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây, đã bị bắt vài lần và bị kết án hai lần với tổng cộng 15 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công trước khi lại bị bắt vào tháng 3 năm 2021.

Sau hai lần lãnh án lao động cưỡng bức và một lần lãnh án tù, người phụ nữ bị gù lưng 90 độ bị bắt giữ lần nữa vì đức tin của mình

Một nhóm cảnh sát của Đồn Công an Thiên Phật Sơn đã kéo tới nhà bà Khương Tân Anh vào sáng ngày 22 tháng 7 năm 2021. Họ bắt giữ bà và tịch thu hai ba lô tài sản cá nhân của bà. Họ đưa bà tới một trại tạm giam cùng ngày và giam giữ bà tại đó.

Cảnh sát nói với gia đình bà Khương rằng bà bị camera giám sát ghi hình trong khi đang nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát nhanh chóng nhận ra bà bởi cái lưng gù 90 độ của bà.

ac4abb4f805c94d1fa768e3dea29d000.jpg

Bà Khương Tân Anh

Trước vụ bắt giữ lần này, cảnh sát và nhân viên ủy ban khu dân cư đã sách nhiễu bà Khương trong vài tháng qua và nỗ lực ép bà từ bỏ Pháp Luân Công trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đầu tháng 7 năm 2021. Tuy nhiên, bà đã từ chối phản bội đức tin của mình.

Bà Khương, 65 tuổi, trước khi nghỉ hưu từng làm việc tại Nhà máy Thiết bị Gia dụng khí ga Tế Nam. Bởi bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, bà đã bị bắt giữ nhiều lần và hai lần lãnh án lao động cưỡng bức tới tổng thời gian là 3,5 năm từ năm 2004 đến năm 2007. Bà đã bỏ lỡ rất nhiều mốc quan trọng trong cuộc đời con gái của mình bởi bà liên tục ra vào trại giam vì đức tin của mình. Cụ thể là bà bị giam giữ khi con gái bắt đầu bước chân vào đại học và bà lại bị giam giữ lần nữa khi con gái bà sinh con.

Trong khi bà Khương đang thụ án lao động lần hai vào năm 2007, bà lại bị tra tấn. Bà còn mắc bệnh lao phổi, lao bạch huyết và lao cột sống. Phổi bà bị thủng nhiều lỗ (lỗ lớn hơn nhất có đường kính 7cm) và một số xương đốt sống đã bị hoại tử.

Da ở lưng của bà đã chuyển sang màu đen và hai bên đốt sống thắt lưng có một khối lao lớn, đường kính hơn 10cm. Nướu răng của bà cũng bị biến dạng và có mùi hôi.

Đốt sống thứ 3 và thứ 4 đã bị vi khuẩn lao ăn mòn phần lớn và các xương đốt sống chết đã chèn vào tủy sống khiến bà bị đau tới mức không thể chịu đựng được khi di chuyển chân.

Bác sỹ nói rằng bà sẽ bị liệt nếu không phẫu thuật. Tuy nhiên, khi đó bà quá yếu không thể phẫu thuật. Họ phải kiểm soát sự lây lan của bệnh lao trước.

Ba tuần sau, bà có ca phẫu thuật kéo dài chín giờ đồng hồ. Bác sỹ đã phải cắt bỏ khối lao trọng tâm và các đốt xương sống đã chết, sau đó nối cột sống lại với nhau bằng hai tấm thép với bốn ốc vít cố định. Toàn bộ ca phẫu thuật đã để lại ba vết rạch dài trên thắt lưng của bà, bà bị đau sau phẫu thuật và ngứa ngáy khắp người. Tuy nhiên, ca phẫu thuật đã tiêu tốn của gia đình bà 100.000 Nhân dân tệ, khiến gia đình bà phải chịu áp lực tài chính rất lớn.

Bà Khương vẫn không thể đứng thẳng lưng dù đã phẫu thuật. Theo thời gian, tình trạng lưng của bà ngày càng nghiêm trọng hơn.

Mạng sống bị nguy hiểm

Một người dân Chiết Giang trong tình trạng nguy kịch sau khi tuyệt thực để phản đối sự giam giữ tùy tiện

Ông Lý Kỳ Quốc, quê gốc ở thành phố Vũ Huyệt, tình Hồ Bắc bị bắt giữ vào ngày 18 tháng 3 năm 2021 trong khi đang làm việc tại một công trường xây dựng ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Ông bắt đầu tuyệt thực sau khi bị đưa tới trại tạm giam Âu Hải.

Gần đây, khi luật sư tới gặp ông, ông rất tiều tụy và biến dạng. Ông đã được đưa tới bệnh viện.

d0e0508a120dc4bfd3ffb874958c36c2.jpg

Ông Lý Kỳ Quốc trong lần giam giữ trước

Hai người dân Thượng Hải bị bắt khi chăm sóc một người phụ nữ bị liệt

Bà Ngô Hiểu Kiệt, người bị liệt giường từ năm 2019, hiện đang trong tình trạng nguy kịch sau khi hai người chăm sóc bà bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Ngô cũng tu luyện Pháp Luân Công liên tục bị cảnh sát sách nhiễu.

Bà Ngô Hiểu Kiệt phải nằm liệt giường sau một tai nạn xe hơi cách đây nhiều năm. Bà cảm thấy tuyệt vọng đến mức thường nghĩ đến việc tự tử. Cuộc sống của bà đã thay đổi sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2012. Bà đã sớm bình phục và có thể sống một cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, vào năm 2019, chồng bà đột ngột qua đời và gia đình yêu cầu bà bán nhà để chia tài sản cho họ. Bà đã bị chấn thương và mất khả năng tự chăm sóc bản thân.

Với con trai vẫn đang học đại học, bà Ngô nằm liệt giường và không thể đi lại hoặc thậm chí không cử động được cổ đã phải nhờ đến các học viên Pháp Luân Công địa phương mang thức ăn cho bà và đôi khi ba ngày bà mới ăn một lần.

Bất chấp hoàn cảnh của bà, ủy ban dân cư địa phương và các sỹ quan từ Đồn Công an Cam Tuyền đã cưỡng chế thu thập mẫu máu của bà vào tháng 4 năm 2021. Hai tháng sau, họ tịch thu tất cả các sách Pháp Luân Công của bà và không khóa cửa để họ có thể ra vào bất cứ lúc nào tùy ý.

Hai học viên địa phương là bà Ngô Dục Cầm (không có quan hệ họ hàng với bà Ngô Hiểu Kiệt) và bà Vương Liễm Ngọc đã tình nguyện chăm sóc bà Ngô. Vào ngày 28 tháng 6 năm 2021 khi họ đến thăm và giúp bà dọn dẹp giường, một người nào đó đột nhiên gõ cửa, yêu cầu bà Ngô Hiểu Kiệt ký nhận trên một gói hàng.

Bà Ngô chưa bao giờ đặt một gói hàng nào, nhưng hai người khách của bà đã mở cửa và ngay lập tức gần mười cảnh sát đã ập vào. Dù không có lệnh khám xét, họ đã lấy đi tất cả các sách Pháp Luân Công mà hai học viên đến thăm đã đưa cho bà Ngô và máy nghe nhạc tập Pháp Luân Công của bà. Bà Ngô Dục Cầm và bà Vương sau đó bị bắt và đưa đến trại tạm giam Phổ Đà.

Sau 11 giờ 30 phút tối đêm đó, hai cảnh sát đã quay lại sách nhiễu bà Ngô Hiểu Kiệt và yêu cầu bà ký vào lệnh khám xét, tuy nhiên bà đã từ chối tuân thủ.

Người lớn tuổi bị bức hại

Mẹ vợ của một cảnh sát trưởng bị giam giữ và thẩm vấn suốt một ngày

Cụ bà Trần Nguyên Chi, 80 tuổi, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị bắt giam một ngày, sau khi bị một người đàn ông tố giác vì nói đã nói với anh ta về Pháp Luân Công.

Sáng ngày 5 tháng 8 năm 2021, bà Trần đã nói chuyện với người đàn ông đó khi bà đang trên đường đi mua đồ tạp hóa. Anh ta đã túm tay bà và nói: “Hãy nói điều này tại đồn công an.” Anh ta cũng chụp hình bà Trần.

Khi bà Trần chống cự, hai nhân viên bảo vệ đã đến. Ba người họ cùng nhau lôi bà đến Đồn Công an Trung Hoa Lộ gần đó.

Phó trưởng đồn công an họ Vương và một cảnh sát họ Dư đã đưa bà Trần tới phòng thẩm vấn. Một người trong số họ nói với bà: “Chúng tôi biết con rể Lý Kiệt của bà là đồn trưởng của chúng tôi, nhưng hiện anh ta đang đi họp. Hôm nay chúng tôi sẽ thẳng tay trừng trị bà.”

Trong suốt một ngày, gần 10 cảnh sát đã thay nhau cố gắng gây áp lực lên bà Trần, ép bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã từ chối.

Khoảng 4 giờ chiều, Vương và Dư ra lệnh cho bốn sỹ quan khác giữ chặt bà Trần. Sau đó, họ còng tay bà và cưỡng chế bà phải điểm chỉ vào một văn bản đã chuẩn bị sẵn.

Khi bà Trần phản đối việc bức hại, Vương nói với bà: “Bà cứ việc đi kiện tôi. Tôi không sợ.” Nhiều phần da trên cổ tay của bà bị còng tay cứa rách và rỉ máu.

Vào lúc 9 giờ tối, cảnh sát gọi cho con trai của bà Trần và bảo anh đến đồn công an. Họ nói rằng họ định đưa bà đến trung tâm tẩy não địa phương, nhưng đã hủy bỏ do đại dịch. Họ yêu cầu con trai bà ký tên vào một tài liệu khống nào đó. Bà Trần trở về nhà cùng con trai vào lúc 10 giờ 30 tối.

Trước vụ bắt giữ bà Trần, con rể bà, cảnh sát trưởng Lý Kiệt và vợ đã từng yêu cầu bà ký tên vào vài biên bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối ký tên vào đó và họ đe dọa sẽ đoạn tuyệt quan hệ với bà.

Ông lão 85 tuổi bị xét xử trong văn phòng thôn, bị ép ký tên từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công

Ngày 20 tháng 8 năm 2021, ông Trương Vạn Tín, một ông lão 85 tuổi ở thôn Trương Trang Hô, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã đưa đến văn phòng thôn, tại đây thẩm phán Toà án Huyện Loan Nam tuyên bố ông sẽ bị xét xử tại chỗ vì ông tu luyện Pháp Luân Công.

Các viên chức nói với ông Trương rằng họ chỉ làm cho có hình thức. Nếu ông ký vào một biên bản từ bỏ Pháp Luân Công, họ sẽ để ông yên và ông có thể tự do tu luyện Pháp Luân Công tại nhà. Bị họ lừa nên ông đã ký vào biên bản đó.

Khoảng 11 giờ sáng, con gái không Trương, người chưa từng được thông báo về bất kỳ “phiên xử” nào, đã đến văn phòng thôn tìm ông.

Sau khi nhận ra việc gì đang diễn ra, cô bảo với các viên chức rằng phiên xử là phi pháp và hỏi tên của họ. Không ai cho cô biết tên. Một người nói rằng họ đang xử lý vụ án theo luật.

Con gái ông Trương không đồng ý và chỉ trích họ vì bí mật xét xử người cha của cô.

Sau đó, một người tự nhận là luật sư của ông Trương. Con gái ông nói rằng họ chưa từng thuê luật sư cho ông và hỏi tên anh ta. Anh ta đã từ chối trả lời.

Ông Trương từng bị bắt vào tháng 4 và tháng 8 năm 2019 sau khi bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại một khu chợ. Từ đó, chính quyền thường xuyên sách nhiễu ông tại nhà và gây áp lực để khiến ông từ bỏ Pháp Luân Công khiến ông và gia đình bị áp lực mạnh mẽ.

Từng bị liệt một phần cơ thể do tra tấn, người phụ nữ 72 tuổi lại bị sách nhiễu vì đức tin của mình

Kể từ tháng 3 năm 2021, bà Ngô Quế Phương, 72 tuổi ở thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam đã bị ủy ban khu phố sách nhiễu nhiều lần và bắt giữ. Sự sách nhiễu khiến bệnh tim của bà Ngô tái phát và bà phải nằm viện nửa tháng; con trai út của bà vừa được xuất viện đã lại phải nhập viện và cần chăm sóc đặc biệt sau khi nghe tin bà Ngô bị sách nhiễu.

Đây không phải là lần đầu bà Ngô bị nhắm đến vì đức tin của mình. Trước đó bà đã bị bắt 9 lần và bị tra tấn. Sự tra tấn khiến bà bị liệt hơn nửa năm; cánh tay của bà đã bị liệt vĩnh viễn.

Các trường hợp khác

Bà Thái Tú Phương, 98 tuổi, ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt vào ngày 14 tháng 5 năm 2021 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà đã bị nhốt trong một cái lồng sắt ở đồn công an. Cảnh sát đã lấy chìa khoá của bà và lục soát nơi ở của bà. Bà được bảo lãnh vào khoảng 8 giờ tối cùng ngày.

Cũng ở thành phố Cát Lâm, cảnh sát đã xông vào nhà ông Hà Văn Hội 86 tuổi và hỏi người giảng viên đại học về hưu này có còn tu luyện Pháp Luân Công không. Họ đã tịch thu các sách Pháp Luân Công, một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và tài liệu Pháp Luân Công của ông. Cảnh sát không bắt ông Hà do tuổi tác của ông nhưng họ đã bắt anh Ngô Đức Tu, người được ông Hà thuê để chăm sóc ông.

9c2a5df4338bcb544e6787042c4b4f3d.jpg

Xe hơi bên ngoài nhà ông Hà trong cuộc đột kích

Gia đình bị ảnh hưởng

Một người phụ nữ ở tỉnh Sơn Đông bị bắt vì tín ngưỡng của mình sau lễ ăn hỏi của con trai, lễ cưới phải hoãn lại

Bà Mã Cần và chồng bà lái xe về nhà vào lúc khoảng 7 giờ tối ngày 28 tháng 3 năm 2021 sau lễ ăn hỏi của con trai mình. Ngay khi bà bước ra khỏi xe, một cảnh sát đã đẩy bà Mã ngã xuống đất và ghì lên cổ bà. Kính mắt của bà bị vỡ và mặt bà bị thương sau khi ngã đập xuống đất.

Cảnh sát đã dùng 8 tiếng tiếp theo để lục soát nhà bà Mã mà không có lệnh khám nhà hay bắt giữ. Sau đó họ mới xuất lệnh khám nhà sau khi đã làm việc đó.

Bà Mã, 52 tuổi, là cư dân của thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, đã bị đưa đến đồn cảnh sát Thái Sơn Lộ vào nửa đêm và bị tạm giam hình sự vào ngày hôm sau.

Trong khi bà Mã vẫn bị giữ ở đồn cảnh sát, con trai bà đã đến đó để đề nghị cảnh sát trả lại con dấu của công ty tư nhân của mình. Cảnh sát đã cố đẩy anh ra khỏi sảnh và một cảnh sát đã quát anh, “Tao là luật pháp!” Khi con trai bà Mã chống cự, cảnh sát đã nắm cổ áo anh và đẩy anh vào một xà-lim biệt giam.

Bà Mã tình cờ chứng kiến sự tàn bạo của cảnh sát đối với con mình khi bà đi đến sảnh để dùng nhà vệ sinh. Lo lắng về sự an toàn của gia đình mình, bà đã gặp ác mộng hàng đêm kể từ đó và thường hét lên: “Đừng bắt con tôi!”

Khi biết con trai mình bị bắt, chồng bà Mã đã gọi điện cho đường dây nóng của thị trưởng. Mặc dù cảnh sát đã đồng ý phóng thích người con trai, họ vẫn bắt cậu thanh niên trẻ tuổi này phải trình diện tại đồn cảnh sát hàng ngày trong vài ngày tiếp theo đó.

Vào ngày 26 tháng 4, bà Mã bị chuyển đến trại tạm giam Thành Dương. Bà đã bị cả cảnh sát lẫn viện kiểm sát triệu tập.

Khi gia đình bà đến Viện Kiểm sát Thành phố Bình Độ 2 ngày sau đó để nộp giấy ủy quyền của bà, nhân viên lễ tân đã từ chối tiết lộ là công tố viên nào đang phụ trách trường hợp của bà, nói rằng gia đình bà không có quyền được biết.

Sau 14 ngày bị giam ở trại tạm giam Thành Dương, bà Mã bị chuyển đến trại tạm giam Số 2 Thành phố Thanh Đảo, nơi bà vẫn bị giam giữ cho đến ngày hôm nay.

Khi luật sư của bà vào thăm bà ở trại tạm giam ngày 22 tháng 6 năm 2021, bà Mã nói rằng trí nhớ của bà đã giảm sút rất nhiều trong vài tháng qua và bà khó có thể nhớ được điều gì.

Chồng bà Mã cũng thường xuyên đến đồn cảnh sát để tìm cách giải cứu bà. Cảnh sát tiết lộ rằng họ đã đưa bà Mã vào danh sách bị truy nã sau khi bà trốn thoát khỏi nơi giam giữ 11 năm trước. Họ nói rằng bà không thể trốn thoát trong khi bị còng tay và cùm chân và họ hiện đang cố gắng tìm ra ai là người đã để cho bà đi.

Cảnh sát cũng nói rằng họ không có bất cứ bằng chứng nào về việc bà Mã đã vi phạm luật pháp, nhưng họ đang xem xét trường hợp của bà trong khi giam giữ bà. Họ ám chỉ rằng người chồng và con trai bà Mã nên cảm thấy biết ơn, vì họ có thể cũng đã bị bắt giam vì có thể chồng con bà có liên quan đến trường hợp của bà Mã.

Cảnh sát Lý Xuân Dân bảo chồng bà Mã rằng lệnh bắt bà đến từ các cơ quan chức năng ở thành phố Thanh Đảo, chỉ đạo họ xử lý tất cả những trường hợp chưa được giải quyết.

Chồng bà Mã cũng được biết rằng cảnh sát đã theo dõi các hoạt động hàng ngày và các cuộc gọi điện thoại của họ trong một thời gian dài trước khi bắt bà. Thậm chí họ còn dùng cả máy bay không người lái để theo dõi họ.

Con trai bà Mã đã lên kế hoạch kết hôn vào tháng 5. Anh đã quyết định hoãn lễ cưới của mình do mẹ mình bị bắt giam.

Cha mẹ và con gái bị giam giữ vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công

Trong khi cô Lý Sảng vẫn đang bị giam giữ ở Bắc Kinh sau vụ bắt giữ hai năm trước thì cha mẹ cô ở tỉnh Hà Bắc cũng bị bắt giữ vào ngày 16 tháng 6 năm 2021 vì đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công.

Cô Lý, 30 tuổi là người quê gốc ở huyện Lai Thủy, tỉnh Hà Bắc làm việc cho một công ty sản xuất điện tử ở Bắc Kinh. Ngày 11 tháng 8 năm 2019, cô bị bắt giữ trên xe buýt sau khi cảnh sát dừng xe lại để bắt giữ cô. Kể từ đó, cô bị giam giữ tại trại tạm giam Tây Thành ở Bắc Kinh.

42620b64fdece600ce771ffba2152e94.jpg

Cô Lý Sảng

Viện Kiểm sát Quận Tây Thành đã cáo buộc cô tội “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ được chính quyền quy chuẩn hòng khép tội các học viên Pháp Luân Công. Hiện cô đang đợi phán quyết sau phiên tòa phúc thẩm tại Tòa án Quận Tây Thành.

Cha mẹ cô Lý vẫn sống ở huyện Lai Thủy, tỉnh Hà Bắc. Mẹ cô là bà Tống Thục Hoa bị bắt giữ vào sáng ngày 16 tháng 6 năm 2021 sau khi bị tố cáo vì nói chuyện với mọi người ở một khu chợ về Pháp Luân Công. Khoảng 11 giờ sáng, cảnh sát kéo tới lục soát nhà bà và bắt giữ chồng bà là ông Lý Quốc Lâm. Tất cả sách Pháp Luân Công của họ đều bị tịch thu.

Ban đầu cảnh sát giam giữ hai vợ chồng bà tại Trại tạm giữ Huyện Lai Thủy và hứa sẽ trả tự do cho họ sau 15 ngày. Sáng ngày 1 tháng 7, khi con trai của hai vợ chồng bà tới trại tạm giữ để đưa họ về, thì cảnh sát nói rằng họ đang bận cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và yêu cầu anh quay lại vào buổi chiều.

Vào lúc 1 giờ 30 phút chiều, con trai họ quay lại trại tạm giữ và anh được trả lời rằng cảnh sát đã đưa họ đi. Nhưng lính canh từ chối tiết lộ hai vợ chồng bà Tống bị đưa đi đâu.

Sau đó, con trai bà Tống mới biết rằng hai vợ chồng bà vẫn ở trại tạm giữ tại thời điểm anh đến đó vào đầu giờ chiều. Thực tế, 5 giờ chiều cảnh sát mới tới để đưa bà Tống tới trại tạm giam Thành phố Bảo Định và đưa ông Lý tới trại tạm giam Huyện Lai Thủy. Cảnh sát còn yêu cầu con trai họ trả 130 Nhân dân tệ cho chi phí sinh hoạt của họ tại trại tạm giữ. Vụ bắt giữ của họ được phê chuẩn vào đầu tháng 7.

Đôi vợ chồng bị bắt và cha mẹ già của họ bị sách nhiễu

Kể từ tháng 5 năm 2021, một vài thành viên trong một gia đình ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị sách nhiễu vì tín ngưỡng của mình vào Pháp Luân Công.

Một kỹ sư cao cấp khoảng 50 tuổi, ông Hàn Khải đã cố gắng giải thích sự thật về cuộc đàn áp cho các nhân viên cảnh sát và ủy ban dân cư, nhưng họ đã chẳng những không nghe mà còn bắt ông vào ngày 15 tháng 6 năm 2021 khi ông đang trên đường đi làm. Chủ tịch ủy ban dân cư đã cáo buộc ông “có liên hệ với các thế lực nước ngoài” và đưa ông đến Trung tâm Tẩy não Quận Giang An.

Không lâu sau khi ông Hàn bị bắt, vợ ông, một giáo viên tiểu học ngoài 40 tuổi, bà Chu Huệ Vân, cũng đã bị bắt và chính quyền từ chối tiết lộ nơi bà bị giam giữ.

Gần đây, trường của bà Chu đã được chỉ định một hiệu trưởng mới, đồng thời là bí thư đảng ủy trường. Trước khi bà bị bắt, người hiệu trưởng mới này đã phối hợp với các nhân viên của ủy ban dân cư để ép bà Chu từ bỏ Pháp Luân Công, đe dọa rằng bà sẽ bị mất việc nếu bà không tuân theo.

Ngoài hai vợ chồng, bố mẹ của bà Chu đã ngoài 70 tuổi, cũng bị sách nhiễu. Bố của bà là ông Chu Khắc Lan, đã nghỉ hưu tại Viện Thăm dò và Thiết kế số 4 thuộc Bộ Đường sắt. Mẹ bà là bà Ô Ngọc Anh. Ông bà Chu đã phát hiện ra một số người đứng ở ngoài theo dõi họ kể từ tháng 5. Vào ngày 8 tháng 6, một số người gõ cửa nhưng ông bà Chu từ chối cho họ vào. Một tuần sau đó, chính quyền đã lắp đặt 2 camera ở bên ngoài nhà ông bà, một cái quay mặt vào cửa trước và cái kia quay vào phòng ngủ.

Bố của ông Hàn đã chết trong đại dịch năm ngoái, mẹ của ông là bà Thái Quế Trân, 81 tuổi, nhân viên đã nghỉ hưu của nhà máy ô-tô, mặc dù đang phải chịu tang nhưng cũng bị sách nhiễu và bị ra lệnh ký vào những bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Chính quyền cũng đe dọa sẽ đưa bà đến trung tâm tẩy não. Hiện bà Thái đang phải sống dưới sự căng thẳng tột độ do sự sách nhiễu và việc bắt giữ của chính quyền đối với con trai và con dâu.

Bị nhắm đến vì lên tiếng

Tên cướp đổi đời sau khi tu luyện Pháp Luân Công lại bị bỏ tù 19 năm vì kiên định với đức tin của mình

Từng là một tên cướp có tiền án, ông Lý Quảng Thanh, 66 tuổi, tin rằng Pháp Luân Công đã thay đổi cuộc đời của ông. Tuy nhiên, ông đã bị bỏ tù 19 năm sau khi bị bắt vào tháng 10 năm 2000 vì thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công của mình. Ông bị bắt một lần nữa vào ngày 5 tháng 8 năm 2021 và đang đối mặt với truy tố vì đức tin của mình.

Ông Lý sống ở thành phố Ứng Thành, tỉnh Hồ Bắc. Năm 24 tuổi, ông bị kết án 18 năm vì tội cướp tài sản. Ông đã ba lần vượt ngục và bị kéo dài thời hạn thêm 11 năm. Năm 1989, ông vượt ngục lần thứ tư và thành công. Tuy nhiên, hàng ngày ông sống trong lo sợ và không thể về nhà đoàn tụ với gia đình. Mặc dù đã xoay sở để bắt đầu kinh doanh và đang làm ăn khá tốt, nhưng ông vẫn cảm thấy tương lai thật mịt mờ và không biết mục đích sống của mình là gì.

Bảy năm sau, vào ngày 15 tháng 6 năm 1996, ông Lý tình cờ gặp một nhóm người đang tập Pháp Luân Công tại Công viên Hồng Sơn ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Bị lôi cuốn bởi âm nhạc mỹ diệu và an hoà, các bài tập nhẹ nhàng chậm rãi, ông bắt đầu quan tâm đến Pháp Luân Công, một môn tu luyện tâm linh và thiền định cổ xưa với các tiêu chuẩn cốt lõi là Chân-Thiện-Nhẫn.

Ông đã mượn một cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, và đọc xong cuốn sách vào đêm hôm đó. Bị thúc đẩy bởi lời dạy sâu sắc và được truyền cảm hứng bởi ý tưởng quay trở lại chân ngã chân chính của một người thông qua nâng cao tinh thần, ông quyết định bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và sống theo Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành một người tốt.

Kể từ đó, ông thay đổi thành một con người khác và bắt đầu lại cuộc sống mới.

Tuy nhiên, cuộc sống yên bình của ông lại tan vỡ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999 do sự phổ biến và phục hưng các giá trị truyền thống của môn tu luyện này.

Bất chấp nguy cơ bị bắt và bị đưa trở lại nhà tù một lần nữa, ông Lý vẫn quyết định đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công.

Tại Bắc Kinh, ông bị bắt và bị đưa trở lại nhà tù ở khu tự trị Tân Cương, nơi ông đã bị tù vì tội cướp tài sản. Nhiều tháng sau, thẩm phán tuyên bố mức án 19 năm tù vì tội vượt ngục trước đó và vì tu luyện Pháp Luân Công.

Sau khi mãn hạn tù vào tháng 1 năm 2019, ông Lý trở về quê nhà ở thành phố Ứng Thành, tỉnh Hồ Bắc. Ông lại bị bắt vào ngày 5 tháng 8 năm 2021 khi đang giúp người dân nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Vài ngày trước lần bắt giữ gần đây nhất, ông Lý đã bị tạm giam một thời gian ngắn. Vào khoảng 9 giờ tối ngày 30 tháng 7 năm 2021, ông bị ba công an chặn lại trên đường khi ông đang đi về nhà sau khi phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Công an đã giật túi xách của ông và đưa ông đến Đồn Công an Thủy Lục.

Công an đã tìm thấy hơn 30 bản sao tài liệu Pháp Luân Công trong túi của ông và chụp ảnh các tài liệu đó. Khi họ hỏi ông lấy tài liệu ở đâu, ông đã từ chối trả lời.

Vào lúc 10 giờ tối, công an đã lục soát nhà ông Lý và tịch thu các sách, tài liệu về Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một đầu đĩa DVD và một máy photocopy.

Ông đã được thả ra tối hôm đó nhưng lại bị bắt lại vài ngày sau. Ông Lý hiện bị giam giữ tại Trại giam Thành phố Hiếu Cảm và có thể bị truy tố một lần nữa.

Chiết Giang: Một phụ nữ bị giam giữ vì gửi tin nhắn có nội dung “Chân Thiện Nhẫn hảo”

Khoảng 6 giờ chiều ngày 24 tháng 6 năm 2021, bà Trần Văn Anh ở thành phố Nhạc Thanh, tỉnh Chiết Giang đã nhận một cuộc gọi từ đồn công an địa phương và yêu cầu bà đến đó. Bà đã bị giam ngay sau khi đến nơi.

Một cảnh sát nói rằng bà Trần đã nói chuyện với những người khác về Pháp Luân Công và phạt bà 10 ngày giam giữ hành chính. Bằng chứng duy nhất mà cảnh sát cung cấp là bà Trần đã gửi một tin nhắn với nội dung “Xin chào, Chân Thiện Nhẫn (ba nguyên lý của Pháp Luân Công) hảo” đến bốn người trong những tháng trước khi bị bắt giữ. Thông tin này được lấy thông qua nhà cung cấp dịch vụ điện thoại của bà Trần.

Trong khi trại tạm giam địa phương đã ngừng nhận tù nhân mới vì sự gia tăng gần đây của những trường hợp virus corona trong thành phố, cảnh sát vẫn ép họ nhận bà Trần, theo lệnh của Đội An ninh Nội địa Thành phố Nhạc Thanh.

Các giáo sư cũng bị nhắm đến

Thiên Tân: Một giáo viên bị ép ký vào tuyên bố từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công

Bà Tống Văn Song, một giảng viên ở Học viện Kỹ thuật Công trình Thiên Tân đã bị bắt tại nơi làm việc và bị ép phải ký vào một tuyên bố từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Bà Tống đã bị đánh đập trong quá trình này và một phó đồn công an tuyên bố rằng họ phải đối xử với bà như thế vì họ đại diện cho ĐCSTQ.

Lúc 9 giờ 40 phút sáng ngày 8 tháng 6 năm 2021, bà Tống, 52 tuổi, đã bị bắt tại nơi làm việc bởi người của Đồn Công an Tân Hải và ủy ban dân cư địa phương. Được sự đồng ý của người giám sát, năm người đã cưỡng chế đưa bà Tống xuống tầng ba, đẩy bà vào trong một xe hơi và đưa bà đến đồn công an.

Cảnh sát đã thẩm vấn bà và lệnh cho bà ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công được chuẩn bị sẵn với nội dung ma quỷ hoá môn tu luyện. Khi bà Tống từ chối hợp tác, một cảnh sát đã nắm tay và vai phải của bà, nhấn bà vào tường, sau đó phó đồn là Tôn Hiểu Lượng cố gắng mở bàn tay của bà. Sau đó Thôi Thần tát vào mặt bà liên tục. Bà suýt ngất đi. Mãi cho đến khi Tống hét to số điện thoại của Thôi thì anh ta mới ngừng đánh bà. Cuối cùng họ đã ép bà ký và điểm chỉ lên bản tuyên bố. Họ cũng ghi hình bà.

Tuy nhiên, phó đồn Tôn không dừng lại ở đây. Ông ta tiếp tục ra lệnh cho bà Tống điểm chỉ vào một tài liệu khác với nội dung phỉ báng Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Bà Tống đã giật lấy tờ giấy và ném đi. Sau đó họ đã in ra một tờ khác nhưng bà vẫn từ chối tuân theo. Bà hỏi: “Tôi không phạm tội nhưng sao lại đối xử với tôi như vậy?” Tôn tuyên bố ông ta làm thay cho ĐCSTQ và tất cả cảnh sát phải tuân lệnh của ông ta.

Sau khi giữ bà Tống tại đồn công an trong vài giờ, cảnh sát đã thông báo cho Tôn Kiến Đông, trưởng khoa của bà Tống để đưa bà về nhà khoảng 12 giờ 30 phút trưa.

Ngày hôm sau, Vương Chí Hồng, bí thư chi bộ khoa nơi bà Tống làm việc nói với bà rằng bà đã bị đình chỉ công việc và một phần lương hưu của bà sẽ bị giữ lại trong thời gian đình chỉ. Nhưng việc đình chỉ đã không được thực hiện vì một giáo viên khác đột ngột qua đời và nhà trường không có đủ giáo viên.

Sau bốn năm thụ án vì đức tin của mình, một cựu nhân viên nhà tù lại bị bắt và đối mặt với việc truy tố một lần nữa

Vào ngày 10 tháng 6 năm 2021, một cựu nhân viên nhà tù ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt và hiện đang phải đối mặt với việc bị truy tố vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Vào ngày 10 tháng 6, ông Hầu Hi Tài nhận được cuộc gọi từ cảnh sát Trương Văn và được lệnh đến đồn công an địa phương để lấy máy tính và các đồ đạc cá nhân khác đã bị tịch thu trong một vụ bắt giữ trước đó. Ông Hầu đã đến đó và đã bị bắt.

Ông Hầu trước đó đã bị bắt vào khoảng 7 giờ sáng ngày 19 tháng 4, ngay khi ông rời nhà đi làm. Ông bị giam một tháng tại trại tạm giam Thành phố Cáp Nhĩ Tân và được cho tại ngoại vào ngày 19 tháng 5, sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 2.000 Nhân dân tệ.

Ông Hầu, 53 tuổi, từng làm việc tại bộ phận tài chính của Nhà tù Thành phố Mẫu Đan Giang, tỉnh Hắc Long Giang. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 và cho biết rằng môn tu luyện đã giúp ông mở mang đầu óc và ông có thể xem nhẹ các lợi ích cá nhân.

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, nơi làm việc của ông Hầu đã gây áp lực buộc ông phải từ bỏ Pháp Luân Công. Kể từ đó, ông không bao giờ được thăng chức nữa tại nơi làm việc, do “hồ sơ không tốt” của ông là đã tu luyện Pháp Luân Công. Trong những ngày nhạy cảm liên quan đến Pháp Luân Công, người quản lý cũng giám sát chặt chẽ ông. Nếu có bất kỳ “hành vi cực đoan” nào (truyền rộng thông tin về cuộc bức hại) xảy ra, người quản lý sẽ triệu tập ông để nói chuyện.

Mặc dù ông Hầu bị buộc phải ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, ông vẫn không ngừng tu luyện tại nhà. Vào ngày 31 tháng 3 năm 2008, ông bị bắt sau khi nhà chức trách phát hiện ra rằng ông đã giúp một học viên Pháp Luân Công địa phương tải các tài liệu Pháp Luân Công từ Minh Huệ. Máy tính của ông đã bị tịch thu và không bao giờ được trả lại.

Cảnh sát Bành Phúc Minh trói ông Hầu vào ghế cọp và không cho phép ông nhúc nhích trong cuộc thẩm vấn. Ông cũng bị cấm sử dụng nhà vệ sinh và bị tát vào mặt. Viên sỹ quan đe dọa sẽ bức thực ông bằng nước ớt cay và bắt ông quỳ xuống, nhưng ông đã từ chối tuân thủ.

Khi ông Hầu bị đưa đến trại tạm giam, các lính canh đã lột quần áo của ông để khám xét cơ thể. Họ cạo đầu và cưỡng chế ông mặc đồng phục của tù nhân. Ông bị buộc phải dậy lúc 4 giờ sáng và làm việc hơn mười giờ mỗi ngày và hầu như không được nghỉ ngơi. Công việc bao gồm phân loại đũa và làm đồ thủ công. Mặc dù phải lao động nặng nhọc, các lính canh chỉ cung cấp một ít cháo hoặc một ít thức ăn nghèo dinh dưỡng khác và do vậy ông luôn luôn bị đói.

Ông Hầu được chỉ định sinh hoạt trong phòng giam với các tù nhân mang bệnh truyền nhiễm. Ông không được phép tắm và ông có rận trên người. Nhà vệ sinh nằm trong khu vực ngủ nghỉ và không hề được dọn dẹp, khiến căn phòng luôn bốc mùi hôi thối.

Tòa án Quận Tây An đã tổ chức một phiên xét xử bí mật đối với ông Hầu và đồng tu khác là ông Đái Khải Hồng (cũng là một cựu cán bộ nhà tù) tại trại tạm giam vào ngày 20 tháng 1 năm 2009. Sau đó, thẩm phán đã kết án ông Hầu và ông Đái lần lượt là bốn và năm năm. Cả hai người cũng bị Nhà tù Thành phố Mẫu Đan Giang sa thải ngay sau đó.

Vào tháng 7 năm 2009, ông Hầu bị chuyển đến Nhà tù Giai Mộc Tư, nơi ông liên tục bị đánh đập, chửi bới và bị giám sát liên tục.

Vào tháng 2 năm 2011, nhà tù đã thành lập một Đội quản lý nghiêm ngặt để chuyển hóa những học viên kiên định đức tin của họ. Trong vòng khoảng mười ngày, ba học viên, bao gồm ông Tần Nguyệt Minh, ông Vu Vân Cương và ông Lưu Truyện Giang đã bị tra tấn đến chết.

Vào ngày 17 tháng 2 năm 2011, ông Hầu đã gửi một lá thư cho các lính canh trong Đội quản lý nghiêm ngặt, kêu gọi họ ngừng bức hại các học viên. Khi nhận được bức thư, Nhậm Nham Phong, trưởng Khu số 2 nơi ông Hầu đang bị giam, đã đá và kéo lê ông về văn phòng của mình. Anh ta đánh đập ông một cách dã man, đặc biệt là vào mặt và thái dương. Khi ông Hầu gục xuống đất, Nhậm tiến đến và đá ông hai lần nữa và hét lên: “Đừng giả vờ, đứng dậy!“

Sau khi ông Hầu được các tù nhân khác giúp trở về phòng giam, Nhậm đã lục tìm giường và tủ đựng đồ của ông để xem ông có viết thêm lá thư nào không. Nhậm sau đó kéo tất cả các học viên trong Khu số 2 đến phòng giam để yêu cầu họ không được lên tiếng.

Vào thời điểm ông Hầu được thả bốn năm sau đó, ông đã phải chịu những vết thương nghiêm trọng do bị tra tấn. Vợ ông cũng đã buộc phải ly hôn với ông.

Từng bị bức hại đến tàn tật ở trong tù, kỹ sư Lữ Khai Lợi bị bắt một lần nữa vì kiên định đức tin

Ngày 20 tháng 6 năm 2021, khi vợ ông Lữ Khai Lợi về nhà, bà đã rất sốc khi thấy cảnh sát đang lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của họ, và bà cũng không thấy chồng mình ở nhà.

Sau khi lo lắng tìm kiếm chồng suốt một ngày, bà phát hiện chồng bà đã bị bắt và đưa đến Trại tạm giữ Thành phố Đại Liên. Bà đến nhà tù để gửi một số đồ dùng cần thiết hàng ngày cho ông, nhưng họ chỉ chấp nhận một số tã lót dành cho người lớn sau khi bà thương lượng với họ một hồi lâu.

Ba ngày sau, cảnh sát lục soát nhà họ một lần nữa khi không có ai ở nhà và xé rách cặp câu đối có thông điệp về Pháp Luân Công ở trước cửa nhà họ.

Cảnh sát thực hiện vụ bắt giữ ban đầu tuyên bố rằng họ sẽ thả ông Lữ sau năm ngày. Nhưng vào ngày 25 tháng 6 khi vợ ông đến trại tạm giam để đón ông về nhà, bà thấy ông Lữ bị xe cảnh sát đưa đi.

Sau đó bà biết rằng ông đang bị giam tại trại tạm giam Diêu Gia. Khi bà đến đồn công an để yêu cầu trả tự do cho ông một lần nữa, cảnh sát khẳng định rằng họ chắc chắn không thả ông Lữ và sẽ truy tố ông.

Ông Lữ, một cựu kỹ sư 57 tuổi của Tập đoàn Cần cẩu Đại Liên, đã nhiều lần bị bắt, giam giữ và kết án kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999.

Ông từng thụ án trong trại lao động cưỡng bức từ năm 2000 đến năm 2003. Vào tháng 4 năm 2006, Tòa án Thành phố Liêu Dương đã kết án ông 10 năm tù. Trong nhiều năm, ông ấy đã phải chịu đựng hơn 20 loại hình thức tra tấn khác nhau. Trong một lần, lính canh tù đã dùng nhiều dùi cui điện 150 Vôn sốc điện ông cùng một lúc trong sáu ngày liên tiếp. Ông bị thương và bầm tím khắp người.

Bài liên quan:

Báo cáo nửa đầu năm 2021: 9.470 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì đức tin của họ

Khoảng 2.857 học viên Pháp Luân Công bị bắt và quấy rối vào tháng 3 và tháng 4 năm 2021

226 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 2 năm 2021

1.216 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và sách nhiễu trong tháng 1 năm 2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/5/430444.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/12/195031.html

Đăng ngày 01-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share