Bài của phóng viên Minh Huệ tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-08-2021] Theo tin từ Minh Huệ Net, từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 8 năm 2021, 101 giáo viên và cựu giáo viên ở Trung Quốc đã bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần nhưng bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999.

Tháng 1 năm 2021, một giáo viên đã nghỉ hưu khoảng 80 tuổi ở huyện Thần Châu, tỉnh Hà Bắc, bị bắt và bị kết án 10 năm tù giam tại nhà tù Bảo Định.

Tháng 1 năm 2020, một giáo viên ở Thiên Tân bị kết án 9 năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ (4.640 USD).

Tháng 2 năm 2021 một giáo viên ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, vốn bị hôn mê một tháng trước khi bị kết án hai năm tù.

Tháng 3 năm 2020, một giáo viên bị cảnh sát thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm vì đã gửi thư cho thủ tướng Trung Quốc kêu gọi ông chấm dứt cuộc bức hại. Cô bị kết án ba năm rưỡi tù giam.

Tháng 8 năm 2018, một giáo viên trung học bị cảnh sát thành phố Hà Thành, tỉnh Liêu Ninh bắt giữ vì họ chưa đạt chỉ tiêu [bắt giữ]. Tháng 5 năm 2019, cô đã bị xét xử và bị tuyên án ba năm rưỡi tù giam cùng khoản tiền phạt 5.000 nhân dân tệ.

Sau đây là một số trường hợp các giáo viên bị kết án trong ba năm qua.

Những giáo viên bị kết án trong năm 2018

1. Một cựu giảng viên môn Toán bị kết án 3 năm rưỡi tù giam vì đã chia sẻ với mọi người về đức tin của mình.

70f21f02068677a61a121f62a28a35bc.jpg

Bà Vương Gia Phương

Bà Vương Gia Phương, 54 tuổi, là một cựu giảng viên môn Toán ở tỉnh Quảng Đông đã bị kết án 3 năm rưỡi tù giam vào ngày 24 tháng 8 năm 2018 vì đã chia sẻ với mọi người về đức tin của bà đối với Pháp Luân Công. Bản án này xảy ra chưa đầy 2 năm sau khi bà được trả tự do sau 9 năm bị cầm tù cũng vì đức tin của mình.

Bà Vương bị bắt vào ngày 27 tháng 10 năm 2017 tại lối vào công viên Liễu Hoa Hồ, thành phố Quảng Châu.

Cảnh sát giải bà đến trại giam quận Việt Tú. Một lính canh đã đá bà, khiến bà bị đau gan cấp tính. Sau nhiều tháng bị giam giữ, tóc bà bị bạc trắng.

Ngày 9 tháng 4 năm 2018 bà bị tòa án quận Lệ Loan xét xử với tội danh “vi phạm thực thi pháp luật“, một cái cớ tiêu chuẩn dùng để buộc tội học viên Pháp Luân Công.

Ngày 24 tháng 8 năm 2018 bà lại ra tòa và bị tuyên án 3 năm rưỡi tù giam. Bà phản đối bản án và tuyên bố sẽ kháng cáo.

2. Cô Xa Bình Bình bị kết án 3 năm tù sau khi bị giam cầm 4 năm trong tù.

23c45b975f9a71b2447950ff36a97425.jpg

Cô Xa Bình Bình

Cô Xa Bình Bình có bằng thạc sĩ và dạy tại Học viện Giáo dục Thể chất Cát Lâm ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Ngày 26 tháng 1 năm 2018 cô bị bắt vì giảng rõ sự thật cho mọi người về Pháp Luân Công. Ngày 30 tháng 11 năm 2018, thẩm phán tòa án quận Triều Dương tại Trường Xuân đã xét xử và kết án cô 3 năm 2 tháng tù giam mà không thông báo cho gia đình hay luật sư của cô.

Trước đó cô Xa Bình Bình đã thụ án 4 năm tại nhà tù nữ Cát Lâm. Cô đã bị đánh đập, bức thực và xịt nước ớt vào mắt khiến mắt bị bong võng mạc. Cô không được điều trị và giờ đây hầu như đã bị mù một mắt.

3. Giảng viên đại học “trốn chạy” bị bắt giữ

Ngày 13 tháng 7 năm 2018 cô Nguỵ Tu Quyên, một giảng viên tại trường Cao đẳng Sư phạm thuộc Đại học Bắc Hoa ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã bị xét xử tại Tòa án Cao Tân, vì cô đã từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Cô cho rằng việc tập Pháp Luân Công và sở hữu các sách Pháp Luân Công là hợp pháp. Cô bị kết án hai năm và bị phạt 5.000 nhân dân tệ. [Tuy nhiên] Cô đã nộp đơn kháng cáo.

db3730c4d2a72e4db461087d01534409.jpg

Cô Nguỵ Tu Quyên

Cô Nguỵ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 và tất cả bệnh tật của cô đều biến mất. Cô đã làm việc chăm chỉ và các học sinh đều tôn trọng cô. Cô cũng giành được các giải thưởng cho trường.

Ngày 23 tháng 11 năm 2016 cô bị bắt tại ga xe lửa Trường Xuân trên đường đến thăm người họ hàng. Trại giam từ chối nhận cô vì lý do sức khoẻ. Cảnh sát lại thả cô ra sau khi tống tiền gia đình cô với số tiền là 5.000 nhân dân tệ.

Cô Nguỵ và chồng cũng là giảng viên trường Đại học Bắc Hoa đã bị bắt giữ và đưa đến trung tâm tẩy não Sa Hà vào ngày 1 tháng 8 năm 2014. Sau đó cô Nguỵ được tạm tha vì lý do sức khỏe. Ngày 13 tháng 4 năm 2015 chồng cô bị kết án 3 năm tù giam và 5 năm quản chế sau khi bị giam giữ hơn 8 tháng.

4. Giảng viên trường Cao đẳng Hàng không Không quân lại bị tù giam

Ông Diêu Thành Húc là một cựu giảng viên trường Cao đẳng Hàng không Không quân tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Ngày 30 tháng 1 năm 2018 ông bị tòa án quận Phụng Hiền xét xử và kết án 2 năm tù giam. Thẩm phán và công tố viên đã bôi nhọ Pháp Luân Công và ra lệnh cho ông Diêu phải từ bỏ đức tin của mình.

Những giáo viên bị kết án trong năm 2019

1. Một giáo viên xuất sắc được tuyên dương và bị kết án 8 năm tù

Ông Châu Phổ Chiếu tốt nghiệp trường Đại học Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Ông từng dạy tại trường Trung học Đào Lâm Kiều, huyện Ninh Hương, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Ông đã một lần được khen thưởng “Giáo viên trẻ xuất sắc“ và “Chuyên gia giảng dạy” vì ông đã làm việc chăm chỉ, chân thành, tốt bụng và vị tha. Bạn bè đều yêu thích và tin tưởng ông.

Bởi vì ông Châu không từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công nên chính quyền đã bắt giữ ông vào ngày 12 tháng 10 năm 2017. Sau một năm bị giam giữ, ông đã bị kết án 8 năm vào năm 2019.

Trước thử thách thách mới đây, chính quyền đã đưa ông vào trại lao động cưỡng bức trong 15 tháng vì đã viết “Pháp Luân Đại Pháp là tốt“ trên đường quê tại huyện Ninh Hương.

Sau khi được thả ra, ông quyết định rời khỏi nhà vào năm 2007 vì cảnh sát cố gắng bắt ông lại. Trường học nơi ông dạy học đã sa thải ông vào năm 2014 và ông phải dạy thêm để kiếm sống.

2. Ba giáo viên tại thành phố Tuy Hóa bị kết án tù sau vụ bắt giữ hàng loạt.

Ngày 24 tháng 5 năm 2019 các thẩm phán tòa án thành phố Yên Thế, tỉnh Hắc Long Giang đã kết án 7 học viên đến từ thành phố Tuy Hóa. Các học viên đã nộp đơn kháng cáo. Ba trong số họ là những giáo viên, gồm: bà Vương Phương, bà Triệu Đình Đình bị kết án 2 năm tù giam, và bà Cao Cẩm Thục bị 1 năm tù giam và bị phạt 5.000 nhân dân tệ.

Bà Vương Phương vốn là một giáo viên tiểu học, đã qua đời vào ngày 31 tháng 12 năm 2020 chỉ 2 tháng sau khi bà mãn hạn tù, hưởng thọ 54 tuổi.

Bà Vương bị bắt vào ngày 3 tháng 10 năm 2018. Sau khi bà bị chuyển đến nhà từ nữ Hắc Long Giang, bà đã bị ngược đãi về thể chất lẫn tinh thần, khiến bà bị đau đầu, tê tay, mất trí nhớ, ngất xỉu và cao huyết áp.

Đầu tháng 10 năm 2020 bà trở về nhà và được biết là bà đã bị trường tiểu học Thượng Chí đuổi việc, nơi mà bà đã dạy học được 30 năm và được biết đến là một giáo viên được đáng kính và quý mến.

Chỉ 2 tuần sau khi bà bắt đầu dạy thêm tại một văn phòng tư nhân để giải quyết khó khăn tài chính, bà bị ngất xỉu tại nhà vào ngày 30 tháng 12. Bà được đưa đến bệnh viện, được chẩn đoán bị xuất huyết não. Ngày hôm sau bà qua đời.

Bà Cao Cẩm Thục vốn là một cộng tác viên nghiên cứu tại Đại học Sư phạm Tuy Hóa đã về hưu. Bà đã khỏi nhiều bệnh nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Có lần bà giúp đỡ một bé gái 10 tuổi bị cha mẹ bỏ rơi. Việc làm tốt của bà đã làm cho địa phương nổi tiếng. Hai lần bà giành được giải thưởng Nghiên cứu Khoa học Xã hội xuất sắc dành cho dân tộc thiểu số.

Bà Triệu Đình Đình làm việc tại một trường mẫu giáo huyện Tuy Hóa. Bọn trẻ đều yêu quý bà vì bà tốt bụng và đam mê công việc của mình. Bà không bao giờ nhận quà từ các phụ huynh. Nếu phụ huynh cố nài nỉ bà phải nhận, thì hôm sau bà sẽ mua quà tặng lại cho bọn trẻ. Bà thường mua đồ chơi cho bọn trẻ khi chúng tặng kẹo cho bà nhân dịp Giáng sinh. Bà luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp vốn luôn tin tưởng bà.

90f53bb821d30f55f23607c86004b122.jpg

Bà Triệu Đình Đình

3. Giảng viên cấp cao tại trường Cao đẳng Cát Lâm bị kết án 4 năm rưỡi tù giam sau khi thụ án được 12 năm

Ông Trịnh Vĩ Đông người thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm là một giảng viên cấp cao trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Điện tử Cát Lâm. Ngày 6 tháng 3 năm 2000 ông bị kết án và bị tra tấn tại nhà tù Cát Lâm và Thạch Linh Tử tổng cộng 12 năm. Vài năm sau khi mãn hạn tù, ông lại bị bắt một lần nữa và bị kết án 4 năm rưỡi cùng số tiền phạt 10.000 nhân dân tệ vào ngày 30 tháng 10 năm 2019.

dc6824dd8032e4af4656f918353efe4f.jpg

Ông Trịnh Vĩ Đông

4. Mẹ của một công dân Canada bị kết án 4 năm tù vì đã lên tiếng cho đức tin của mình

Bà Trần Ngạn, 51 tuổi, một giáo viên hóa học trường Trung học Cơ sở số 9 Bắc Kinh, bị bắt vào ngày 3 tháng 12 năm 2018 sau khi bị tố giác đã phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Bà từng là giáo viên được giải thưởng tại Bắc Kinh. Bà bị kết án 4 năm tù vì đã không từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công.

Khi hay tin bà bị bắt, nhiều cựu học sinh của bà đã gọi đến Viện kiểm sát huyện Thạch Cảnh Sơn yêu cầu thả bà ra.

Ngày 16 tháng 8 năm 2019 bà Trần Ngạn có mặt tại tòa án huyện Thạch Cảnh Sơn. Bà bị cáo buộc “vi phạm thực thi pháp luật”. Bà không có luật sư đại diện và phải tự bào chữa cho mình.

Thẩm phán Lạc Lâm Diễm, chủ tọa phiên tòa đã ngụy tạo bằng chứng chống lại bà bằng cách đếm số tài liệu mà bà chưa phân phát để tính như là số tài liệu đã phát cũng như đếm số tờ rơi với chỉ vài trang để tính thành những quyển sách và ghép lại thành chứng cứ. Một tuần sau thẩm phán Lạc Lâm Diễm tuyên án bà Trần 4 năm tù. Bà bị đưa đến nhà tù nữ Bắc Kinh.

b6c2e9066dffcef458673339250c3281.jpg

Bà Trần Ngạn

5. Giáo viên Trung học bị phạt hành chính và chịu mức án phi pháp ba năm rưỡi tù giam

Ngày 23 tháng 7 năm 2019, một giáo viên trung học ở thành phố Hà Thành, tỉnh Liêu Ninh bị kết án ba năm rưỡi tù giam và bị phạt 5.000 nhân dân tệ. Ngày 1 tháng 8 ông kháng cáo, yêu cầu được miễn truy tố và nhận lại đồ đạc cá nhân mà cảnh sát tịch thu.

Ông Vương Hoằng Trụ, 43 tuổi, bị bắt trong vụ bắt giữ hàng loạt vào ngày 22 và 23 tháng 8 năm 2018. Cảnh sát bắt ông Vương nhằm đáp ứng chỉ tiêu trong chiến dịch truy quét các thành viên băng đảng. Thay vì bắt giữ các thành viên băng đảng thực sự, chính quyền lại nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Ngày 20 tháng 5 năm 2019 ông Vương bị xét xử tại Tòa án quận Lập Sơn.

Ngày 18 tháng 10 năm 2001 trước lần bị bắt gần đây, ông Vương bị bắt đến trại lao động cưỡng bức hai năm và bị đuổi việc vì nói với mọi người về Pháp Luân Công.

a1b7cf05314b0c5adf88538903c7e70f.jpg

Ông Vương Hoằng Trụ

6. Giáo sư Quảng Châu bị kết án tù vì đăng thông tin trên mạng xã hội về thông tin bức hại tín ngưỡng của mình

Ngày 29 tháng 1 năm 2019 Tòa án quận Hải Châu ở Quảng Châu đã kết án một giáo sư đại học ba năm rưỡi tù giam và phạt ông 10.000 nhân dân tệ vì đã đăng thông tin về Pháp Luân Công lên mạng xã hội.

Ngày 10 tháng 8 năm 2017 ông Tăng Hạo, 45 tuổi, giáo sư kinh doanh tại Đại học Thiên Hà thuộc Đại học Sư phạm Bách khoa Quảng Đông bị bắt cóc sau khi cảnh sát phát hiện rằng ông đã chia sẻ thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên nền tảng QQ từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 1 năm 2017.

Ông Tăng có mặt ở Tòa án vào ngày 27 tháng 7 năm 2018. Tòa án chấp nhận đề nghị của công tố viên về một mức án nặng nề cho ông Vương và tuyên phạt ba năm rưỡi sau phiên điều trần.

Ngày 26 tháng 6 năm 2019 ông Tăng đã kháng cáo nhưng Tòa án Trung cấp thành phố Quảng Châu vẫn giữ nguyên bản án ban đầu.

459d15e7e9d1d2f2e2e3a6d8d6dccc56.jpg

Ông Tăng Hạo

7. Anh trai qua đời vì bị tra tấn, em gái bị giam giữ lần thứ sáu vì tu luyện Pháp Luân Công

7d340c9ed129aaaef6bdedc57439cb97.jpg

Bà Ngô Nguyệt Hà

Ngày 20 tháng 6 năm 2019 bà Ngô Nguyệt Hà, 62 tuổi và bà Vương Ngọc Bình, 63 tuổi ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt cóc khi đang dán nhãn thông tin về Pháp Luân Công. Hiện họ đang bị giam giữ tại trại giam Song Áp Sơn.

Đây là lần thứ sáu bà Ngô bị giam giữ vì niềm tin vào Pháp Luân Công. Em trai của bà, ông Ngô Nguyệt Thanh bị bắt cóc nhiều lần và bị kết án 12 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông Ngô bị tra tấn dã man và sức khỏe của ông giảm sút nghiêm trọng. Phổi ông bị thủng và cân nặng chỉ còn 36 kg. Ông Ngô qua đời vào ngày 23 tháng 12 năm 2007 khi mới ngoài 30 tuổi.

Bà Ngô là giáo viên ngôn ngữ Trung học ở thành phố Song Áp Sơn. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 12 năm 1998. Trước kia bà bị đau đầu và đau chân kinh niên. Bà đã thử rất nhiều các loại thuốc tây, thuốc Đông y và các môn khí công nhưng đều không có tác dụng. Chưa đầy 20 ngày sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, bệnh của bà đã biến mất.

Tuân theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn, bà Ngô trở nên chân thật và tốt bụng ở cả trong gia đình và nơi làm việc. Bà không còn phàn nàn về chồng mình và làm việc nhà nhiều hơn. Khối lượng công việc của bà ở trường gần như gấp đôi người khác trong việc dạy các lớp phổ thông và cơ sở. Bà không được nhận thêm thù lao nhưng các lớp phổ thông mà bà ấy dạy đều được xếp hạng tốt nhất thành phố. Học sinh đều yêu quý bà, các giáo viên khác và cán bộ nhà trường cũng rất ấn tượng về sự thay đổi của bà. Nhiều người trong số họ đã tham gia tập luyện và với sự hỗ trợ từ nhà trường, họ đã có thể luyện công trong nhà vào những ngày mùa đông lạnh giá.

Những giáo viên bị kết án phi pháp năm 2020

1. Một giáo viên 49 tuổi bị kết án phi pháp chín năm tù

Bà Cao Lệ Quyên, 49 tuổi ở Thiên Tân, bị bắt cóc vào ngày 28 tháng 12 năm 2017. Trong thời gian bị giam giữ tại trại giam số 3 quận Tân Hải, luật sư của bà đến thăm bà vài lần và gia đình bà cũng thỉnh thoảng gửi tiền và quần áo.

Tháng 1 năm 2020 bà Cao bị kết án chín năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ. Tháng 6 năm 2020 khi gia đình bà đến trại giam nộp tiền thì được thông báo là bà không còn ở đó nữa.

Sau đó gia đình bà liên hệ với nhà tù nữ Thiên Tân (nhà tù nữ duy nhất trong thị xã) thông qua Cục quản lý nhà tù để tìm nơi bà bị giam nhưng được báo là bà cũng không có ở đó.

Cuối cùng họ được cho hay có thể bà Cao đang ở nhà tù Tân Hải và đã tìm đến nhưng chỉ được thông báo rằng bà Cao không ở đó và không có khu nữ nào trong nhà tù.

Ngày 8 tháng 2 năm 2021 cuối cùng gia đình bà Cao cũng xác định được nơi bà bị giam giữ chính là nhà tù số 3 quận Tân Hải. Luật sư đã đến gặp bà. Nhưng đến bây giờ vẫn không rõ lý do tại sao các lính canh nói với gia đình bà rằng bà đã bị đưa đi nơi khác.

2. Giáo viên tiểu học bị kết án phi pháp, chồng bị bắt và con gái bị sa thải vì cố gắng giải cứu bà

Ngày 24 tháng 9 năm 2020 bà Châu Tố Vinh, một giáo viên 45 tuổi ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc bị kết án phi pháp ba năm mười tháng tù cùng với 50.000 nhân dân tệ chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Châu đã đệ đơn kháng cáo để phản đối phán quyết này.

Vào ngày 1 tháng 7 năm 2020 chồng bà Châu bị bắt và con gái bà bị đuổi việc vì cùng tìm kiếm công lý cho bà.

470ff65577ab0557b8bcb25c4488f1cf.jpg

Ngày 11 tháng 10 năm 2019 khi bà đang dạy trên lớp, các nhân viên cảnh sát đến sách nhiễu bà. Bà bị bắt tại nhà vào cuối ngày hôm đó và bị đưa đến trại giam thành phố Bảo Định.

Hóa ra là tên trộm trong làng ăn cắp chiếc xe đạp điện của bà và báo cảnh sát sau khi tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong giỏ xe đạp. Nhưng thay vì bắt tên trộm, cảnh sát lại đi bắt bà Châu.

Chỉ trong vòng vài ngày sau, hơn 300 dân làng địa phương đã ký một bản kiến nghị yêu cầu trả tự do cho người giáo viên đáng kính. Nhưng cảnh sát tiếp tục tạm giữ bà và nộp hồ sơ của bà lên viện kiểm sát.

3. Bị tra tấn đến cận kề cái chết, cựu giáo viên bị kết án một lần nữa vì viết thư cho Thủ tướng Trung Quốc

Cuối tháng 12 năm 2020 một cựu giáo viên 50 tuổi ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm bị kết án phi pháp ba năm rưỡi tù vì viết thư cho ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng chính quyền ĐCSTQ để kêu gọi công lý cho Pháp Luân Công.

371bb4b9d3e43a9bfc6fcf5e84a8626c.jpg

Bà Tống Ngạn Quần

Bà Tống Ngạn Quần bị bắt cóc vào ngày 26 tháng 3 năm 2020. Cảnh sát cho biết những lá thư của bà gửi cho ông Lý Khắc Cường đã được Bắc Kinh trả lại và văn phòng Kháng nghị Quốc gia ra lệnh bắt giữ bà Tống.

Ngày 10 tháng 11 năm 2020 bà Tống bị Tòa án thành phố Thư Lan xét xử thông qua một phiên tòa trực tuyến. Luật sư của bà xác nhận là không nhận tội và bà Tống cũng tự làm chứng để bào chữa cho mình.

Cuối tháng 12 gia đình bà Tống được Tòa án thông báo bà bị kết án ba năm rưỡi tù giam. Thẩm phán cho phép bà được kháng án nhưng không có sự hỗ trợ của luật sư và gia đình bà.

Trước đó, bà Tống đã phải ngồi tù 12 năm từ năm 2003 đến năm 2014. Khi được thả ra, bà ở trong tình trạng nghiêm trọng, lúc đó chỉ còn có da bọc xương.

4. Cựu Phó Trưởng phòng Giáo dục Thâm Quyến và vợ bị kết án tù phi pháp

Vào tháng 3 năm 2020 cảnh sát bắt cóc ông Đường Hải Hải và vợ của ông là bà Tôn Tuyết Tân. Ông Đường từng là Phó Chánh văn phòng thành phố Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông. Ông và vợ ông bị kết án phi pháp lần lượt là một năm hai tháng và ba năm. Họ bị giam giữ tại trại giam quận Nam Sơn.

Sau khi trở thành một học viên Pháp Luân Công, ông Đường làm việc chăm chỉ và có thành tích xuất sắc khi giảng dạy tại trường Trung học phổ thông Thâm Quyến. Ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng giáo dục vào năm 2003.

Thông qua năng lực quản lý và sự cống hiến cho giáo dục, ông đã cải thiện chất lượng giáo dục ở các trường trung học cơ sở và tiểu học ở Thâm Quyến.

5. Một giáo viên và vợ bị kết án tù và bị sa thải

Tiến sĩ Huỳnh Vĩnh Thanh và vợ ông là bà Trương Hồng đều làm việc tại Đại học Đồng Lăng ở tỉnh An Huy. Vào tháng 10 năm 2020 tiến sĩ Huỳnh bị kết án phi pháp một năm tù và hai năm quản chế. Vợ ông bị kết án phi pháp hai năm tù. Ban lãnh đạo trường Đại học đã sa thải hai người họ.

6. Giáo sư Đại học Bách khoa Thẩm Dương bị kết án tù phi pháp vì đức tin của mình

Ông Vu Xuân Sinh, 62 tuổi, từng là Phó Giáo sư và Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Cơ khí tại Đại học Bách khoa Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.

Ngày 19 tháng 6 năm 2019 các nhân viên sở cảnh sát Trạm Bắc bắt cóc ông Vu Xuân Sinh. Ngày 29 tháng 4 năm 2020 ông bị xét xử tại Tòa án quận Vu Hồng. Thẩm phán Hác Tinh Nam không công bố phán quyết vào thời điểm đó. Tòa án thông báo với gia đình ông Vu rằng họ phải nộp phạt 5.000 nhân dân tệ và sau khi nộp phạt thì ông Vu vẫn bị kết án một năm tù.

01d4a09193eeba17ecbddd719fec6821.jpg

Ông Vu Xuân Sinh

Ông Vu đã bị bắt giữ phi pháp hai lần trước đó. Trường Đại học đã loại tên ông khỏi danh sách giảng viên trường với lý do ông vẫn kiên định với đức tin của mình.

Những giáo viên bị kết án trong năm 2021

1. Giáo viên hưu trí 82 tuổi bị kết án 10 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Sau nhiều lần bị bắt và được thả ra, một giáo viên hưu trí 82 tuổi tại thành phố Thần Châu, tỉnh Hồ Bắc lại bị kết án 10 năm tù giam vào tháng 1 năm 2021 vì đức tin vào Pháp Luân Công của ông.

Ngày 22 tháng 10 năm 2018, ông Lý Đăng Thuần lần đầu tiên bị bắt tại nhà. Cảnh sát lục soát nơi ở của ông và tịch thu nhiều đồ vật có giá trị lên đến 150.000 nhân dân tệ. Trại giam thành phố Thần Châu từ chối nhận ông vì ông bị cao huyết áp nên đã thả ông về.

Chỉ một tháng sau, vào ngày 23 tháng 11 ông lại bị bắt một lần nữa và bị đưa vào trại giam thành phố Thần Châu. Năm 2019 ông bị bệnh phổi nghiêm trọng và được điều trị trong phòng cấp cứu. Ngày 26 tháng 4 ông được tại ngoại. Ông trở nên tiều tuỵ, mất tự chủ, không thể tự chăm sóc bản thân, chân bị sưng phù.

Cuối tháng 7 năm 2020, ông Lý nhận được thông báo hầu tòa. Một lần nữa ông phải rời khỏi nhà trong một tháng để tránh cảnh sát.

Tháng 1 năm 2021, ông lại bị bắt và bị kết án 10 năm tù giam. Hiện ông bị giam tại nhà tù Bảo Định.

2. Một cựu giáo viên Mỹ thuật bị kết án 6 năm rưỡi tù giam vì đức tin của mình.

Ông Tôn Sĩ Vĩ, 68 tuổi, vốn là một giáo viên nghệ thuật, sống tại thành phố Mục Lăng, tỉnh Hắc Long Giang. Ông từng bị bắt giam tại nhà tù Lệ Giang Khẩu, thành phố Gia Mộc Tư trong 8 năm vì đã hát một bài hát thể hiện lòng biết ơn của học viên đối với Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Ông bị mất việc sau khi được thả ra vào năm 2013.

Tháng 7 năm 2021, ông Tôn bị kết án 6 năm rưỡi tù giam sau lần bị bắt mới đây vào tháng 4 năm 2020 vì đã giúp lắp cửa sổ cho một cụ bà cũng là một học viên Pháp Luân Công.

78fb039fc0ba9f320a5fbfb0e388d449.jpg

Ông Tôn Sĩ Vĩ

Ông Tôn đã nộp hồ sơ kháng cáo chống lại bản án thứ hai này. Ông viết trong bản kháng cáo: “Nếu ai cũng đều tuân theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công thì xã hội này sẽ trở nên tốt đẹp hơn, ít tội phạm hơn. Tôi không hiểu vì sao con người ngày nay không thể phân biệt đúng sai. Chẳng phải xã hội càng có nhiều người tốt thì càng tốt hơn sao? Nhưng tôi không muốn từ bỏ hy vọng. Tôi tin rằng tòa án Trung cấp Mẫu Đơn Giang sẽ giải quyết bất công này và tha bổng cho tôi.”

Bố của viên cảnh sát vốn đã bắt ông Tôn đã đến nhà xin lỗi gia đình ông. Ông nói: “Con trai tôi đã nhận quả báo vì đã bắt giữ ông Tôn. Nó đang phải vật lộn với món nợ lên đến 1 triệu nhân dân tệ, con gái bị suy nhược, vợ vừa ly dị.” Ông ấy đã biếu gia đình một ít củi để đền bù cho hành động sai trái của con trai đối với gia đình ông Tôn.

Ông Tôn vốn là một giảng viên Mỹ thuật trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Mục Lăng. Ông từng mắc nhiều bệnh như loét dạ dày, viêm thận, có máu trong phân, viêm khớp, viêm khí quản, bệnh tim, cường giáp, viêm trĩ và viêm mũi. Tuy cao 1,8 mét nhưng ông nặng không đến 50kg. Ông ốm yếu, tay không làm việc được. Vì đau ốm triền miên, nhiều lúc ông nghĩ đến tự tử.

Gia đình đã tốn rất nhiều tiền để điều trị cho ông nhưng không giúp được gì. Bệnh tình ông chỉ ngày càng tệ hơn. Ông trăn trối với vợ: “Vô vọng rồi! Còn bao nhiêu tiền để lại cho em. Em có thể sống với mẹ và các con.”

Năm 1997, tại thời khắc tuyệt vọng nhất, ông Tôn nghe nói về Pháp Luân Công và bắt đầu luyện tập. Chỉ trong vòng vài tháng, mọi bệnh tật đều biến mất. Ông lấy lại cân nặng bình thường. Ông đã được tái sinh. Ông thật sự cảm thấy hạnh phúc vì không còn bệnh tật và biết ơn Pháp Luân Công.

Tuân theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, ông Tôn trở thành người tốt hơn và tâm tính cũng nâng cao. Vì thành tích giảng dạy xuất sắc của ông, hiệu trưởng trường đặc biệt đề xuất tăng lương cho ông. Sau đó ông được khen thưởng là “Giáo viên xuất sắc trong năm“ của thành phố Mục Lăng.

3. Người phụ nữ Quý Châu bị bí mật bắt giữ và bị kết án 6 năm

Tháng 9 năm 2019, bà Chu Cầm bị bí mật bắt giữ. Từ lúc đó gia đình bà cũng không được phép gặp bà một lần nào. Gần đây, họ đã được thông báo rằng cựu giáo viên tiếng Anh 61 tuổi của trường đại học đã bị bỏ tù và sẽ phải thụ án sáu năm vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Chu sống một mình ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu. Tháng 9 năm 2019, gia đình bà đột nhiên mất liên lạc với bà. Ngày 25 tháng 9, anh họ của bà đã đến nhà bà nhưng không ai mở cửa. Những người hàng xóm cũng không nhớ gần đây có gặp bà hay không.

4. Giáo viên trung học bị kết án 5 năm tù vì lên tiếng ủng hộ Pháp Luân Công

68c3b54c1eb409c9192e8cb77d9edae2.jpg

Bà Phó Yến Phi

Vào ngày 7 tháng 7 năm 2020 bà Phó Yến Phi bị nhân viên sở cảnh sát Hồ Thuận ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm bắt vì bà đã lên tiếng ủng hộ Pháp Luân Công tại một công viên. Bà Phó Yến Phi, 45 tuổi, vốn là một giáo viên trung học tốt nghiệp Trường đại học sư phạm Đông Bắc – khoa Khoa học Đời sống. Bà bị kết án 5 năm tù giam vào ngày 5 tháng 1 năm 2021.

Bà Phó tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 trước khi tốt nghiệp đại học và khỏi bệnh nhờ tu luyện. Bà đã từng bị kết án ba năm và đã bị bắt nhiều lần trước vụ bắt giữ gần đây.

5. Dù đang hôn mê vẫn bị kết án, người đàn ông Liêu Ninh vẫn trong tình trạng mất ý thức nhiều tháng sau đó

46bdb5e9c84a99bb9fe00abebf94d70a.jpg

Ông Đinh Quốc Thần

Một gia sư toán 50 tuổi ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh dẫu đang hôn mê sau khi bị đột quỵ, cả ông và vợ đều bị kết án tù vào ngày 23 tháng 2 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công.

Vì ông Đinh Quốc Thần chưa phục hồi ý thức và vẫn trong tình trạng thực vật kể từ khi bị kết án nên vợ ông, bà Diêm Thanh Hoa, ở nhà để chăm sóc ông. Một lần, ba nhân viên của Tòa án quận Cẩm Châu đã đến nhà để xác minh tình trạng của ông Đinh. Bà Diêm chỉ tay về phía chồng mình vốn đang hôn mê và thở oxy, bà nói: “Ông ấy như thế này là do cuộc bức hại. Các người hãy nhìn lại chính mình. Chúng tôi không đủ khả năng để ông ấy điều trị trong bệnh viện, vì vậy tôi phải chăm sóc ông ấy ở nhà ”.

Nhìn thấy tình hình thực tế, đại diện tòa án nói với bà: “Bà có thể ở nhà chăm sóc ông ấy”.

Hai vợ chồng ông đã bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát khắp tỉnh vào ngày 11 tháng 7 năm 2019. Đây là một phần trong nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm “duy trì sự ổn định xã hội” trước lễ kỷ niệm 70 năm cầm quyền.

Bà Diêm được trả tự do ngay ngày hôm đó, còn ông Đinh bị đưa đến trại giam Cẩm Châu. Ông đã tuyệt thực 4 tuần để phản đối việc giam giữ chuyên quyền và sau đó đã bị bức thực. Do bị bạo hành ngược đãi, ông bị mất thính giác và bị đột quỵ. Ông được tại ngoại vào ngày 19 tháng 10 năm 2019.

Ông Đinh tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công khi trở về nhà. Ông đã lấy lại được một số khả năng vận động nhưng vẫn có vấn đề về thính giác.

Cảnh sát đã đệ trình vụ việc của vợ chồng ông lên Viện kiểm sát quận Cẩm Châu vào đầu năm 2020. Họ bị truy tố và hồ sơ của họ được chuyển đến Tòa án quận Cẩm Châu vào ngày 14 tháng 5 năm 2020. Khi vợ chồng ông từ chối tham dự phiên điều trần, cảnh sát và nhân viên tòa án thường xuyên sách nhiễu họ tại nhà.

Vào ngày 27 tháng 1 năm 2021, ông Đinh lại bị đột quỵ và rơi vào hôn mê. Ông đã mất ý thức kể từ đó.

Tòa án quận Cẩm Châu đã tuyên án hai vợ chồng ông vào ngày 23 tháng 2. Ông Đinh bị kết án hai năm và phạt 5.000 nhân dân tệ. Bà Diêm bị tuyên ba năm rưỡi tù giam và bị phạt 8.000 nhân dân tệ.

6. Nữ giáo viên hưu trí 85 tuổi bị kết án ba năm tù

Ngày 2 tháng 7 năm 2021 một giáo viên hưu trí 85 tuổi được thông báo rằng bà đã bị kết án ba năm và bị phạt 10.000 nhân dân tệ vì “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” vốn là cái cớ chung mà ĐCSTQ sử dụng để buộc tội các học viên Pháp Luân Công.

Bà Hàn Quế Vân ở thành phố Dinh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt tại một công viên vào ngày 31 tháng 5 năm 2019 sau khi bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Trong phiên tòa xét xử tại Tòa án quận Trạm Tiền vào ngày 10 tháng 3 năm 2021, bà Hàn đã chứng minh rằng không có luật nào ở Trung Quốc cho rằng tập Pháp Luân Công là phạm tội.

Thẩm phán Vương Phong đã kết tội bà Hàn vào ngày 3 tháng 6 và tuyên án vào ngày 2 tháng 7. “Bằng chứng” được sử dụng để kết tội bà bao gồm việc bà đã tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996 và sở hữu tài liệu Pháp Luân Công ở nhà. Thẩm phán yêu cầu bà phải trả tiền phạt trong vòng mười ngày sau khi nhận được phán quyết. Ông ta cũng sẽ đưa ra một thông báo riêng về thời gian bắt đầu của bà.

7. Giám đốc tài chính bị kết án hai năm vì tu luyện Pháp Luân Công

Một phụ nữ ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đã bị kết án hai năm tù vào ngày 21 tháng 4 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Phó Hiểu Lê, 47 tuổi, là Giám đốc tài chính tại một công ty nước ngoài. Bà bị bắt tại nhà vào ngày 29 tháng 2 năm 2020, sau khi cảnh sát lừa bà mở cửa để đo nhiệt độ cho bà. Sau khi Trung tâm giam giữ Nam Sơn từ chối tiếp nhận bà do đại dịch, cảnh sát đưa bà đến Nhà giam Nam Sơn. Bà bị còng tay và cùm chân. Bà cũng bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ số 4 Thâm Quyến và Trung tâm giam giữ La Hồ trước khi bị đưa đến Trung tâm giam giữ Diêm Điền vào đầu tháng 6 năm 2020, nơi bà đã bị giam giữ kể từ đó.

Bà Phó bị Tòa án quận Diêm Điền xét xử vào ngày 28 tháng 10 năm 2020. Thẩm phán đã kết án bà hai năm tù vào ngày 21 tháng 4 năm 2021. Bà đã kháng cáo bản án vào ngày 3 tháng 5 năm 2021.

Vì bà không đồng ý từ bỏ Pháp Luân Công nên đã bị sa thải khỏi vị trí giảng viên tại Đại học Trịnh Châu tỉnh Hà Nam và sau đó là một công ty ở Bắc Kinh. Chồng bà cũng đã ly hôn với bà và lấy hết tiền tiết kiệm của họ.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/29/430175.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/10/195012.html

Đăng ngày 09-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share