Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-12-2021]

Tên tiếng Trung: 孔凡英 (Khổng Phàm Anh)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 67
Thành phố: Giai Mộc Tư
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Nhân viên nhà máy vải lanh
Ngày mất: 10 tháng 7 năm 2021
Ngày bị bắt cuối cùng: Ngày 6 tháng 11 năm 2013
Nơi giam giữ cuối cùng: Đồn Công an Gia Tây

Trong suốt 22 năm qua, bà Khổng Phàm Anh đã nhiều lần bị bắt, giam giữ và sách nhiễu vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà đã nhiều lần phải thay đổi chỗ ở để trốn khỏi bàn tay cảnh sát, nhưng họ luôn xác định được vị trí của bà ngay sau đó và sách nhiễu bà. Lần cuối cùng cảnh sát sách nhiễu bà Khổng là vào tháng 6 năm 2021, khi đó bà đã không đi lại được và không thể nói chuyện. Việc sách nhiễu này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vốn đã bị tổn hại của bà. Bà Khổng nhanh chóng đổ bệnh và được đưa đến bệnh viện vào ngày 8 tháng 7 năm 2021. Bà qua đời lúc 8 giờ tối ngày 10 tháng 7 ở tuổi 67.

Thậm chí một tháng sau khi bà mất, phía chính quyền vẫn gọi điện cho chồng bà và yêu cầu ông bảo bà đến báo cáo với văn phòng ủy ban dân cư địa phương.

Bị bắt vì kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công

Bà Khổng Phàm Anh, một cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, từng làm việc tại một nhà máy sản xuất vải lanh ở địa phương. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995, bà trở nên tràn đầy sức lực và biết suy nghĩ cho người khác hơn. Khi bà hoàn thành công việc của mình, bà sẽ tận dụng thời gian rảnh rỗi để giúp đỡ đồng nghiệp của mình. Khi các đồng nghiệp của bà nghỉ ốm, bà đã làm giúp họ mà không cần trả thêm tiền công.

Sau khi chính quyền cộng sản phát động cuộc bức hại, bà Khổng đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Vào tháng 6 năm 2000, bà bị bắt tại ga tàu Giai Mộc Tư bởi Mã Đức Nhân của Công an Á Ma, anh ta đã chờ sẵn bà tại đó. Bà đã bị giam 30 ngày và bị phạt 300 nhân dân tệ trước khi được thả.

Tháng 10 năm 2000, bà Khổng lại tới Bắc Kinh. Mặc dù bà không bị bắt trong khi thỉnh nguyện ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn, nhưng bà đã bị bắt nửa giờ sau khi trở về nhà. Bà bị cảnh sát thẩm vấn và ra lệnh viết tuyên bố cam kết sẽ không đến Bắc Kinh hoặc tu luyện Pháp Luân Công nữa. Khi bà từ chối, cảnh sát đã tống bà vào trại tạm giam.

Bà Khổng đã tuyệt thực để phản đối việc bức hại. Vào ngày tuyệt thực thứ tư, bà bị đưa đến trại lao động cưỡng bức, nhưng trại này đã không tiếp nhận bà vì lý do sức khỏe. Cảnh sát vẫn không thả bà và đưa bà trở lại trại tạm giam.

Phòng giam trong trại tạm giam ẩm thấp và bẩn thỉu đã khiến bà Khổng bị ghẻ ngứa khắp người, vô cùng đau đớn.

Vào tháng 12 năm 2000, bà Khổng lại tuyệt thực và được thả vào ngày 2 tháng 1 năm 2001. Bà đã bị giam tổng cộng 81 ngày. Cảnh sát đã cố gắng tống tiền chồng bà 3.000 nhân dân tệ. Vì ông vừa bị cho thôi việc và lương của bà Khổng cũng bị đình chỉ nên ông đã phải vay 1.800 nhân dân tệ để nộp cho cảnh sát.

Mười lăm ngày sau khi bà Khổng trở về nhà, mẹ bà đã qua đời. Căn bệnh ghẻ lở vẫn hành hạ bà khiến không thể ngủ vào ban đêm, bà đã phải rất khó khăn để đến dự đám tang của mẹ mình. Vài giờ sau khi thi thể của mẹ bà được hỏa táng, cảnh sát Lý Tiểu Đông và nhân viên ủy ban dân cư Dương Lão Lục lại đến sách nhiễu và yêu cầu bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà vẫn từ chối. Viên chức Lý vẫn liên tục sách nhiễu bà Khổng trong nhiều năm và đã giữ lại giấy tờ tùy thân của bà, khiến gặp nhiều khó khăn khi giải quyết nhiều công việc.

Bát cháo “hữu cơ”

Vào năm 2002, bà Khổng lại bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát. Cảnh sát lục tung mọi ngóc ngách trong nhà bà và tịch thu một số tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Tại Đồn Công an Gia Tây, cảnh sát thẩm vấn bà Khổng và ra lệnh cho bà phải từ bỏ Pháp Luân Công. Khi họ đưa bà đến trại tạm giam, bà thấy cảnh sát đang đánh đập chồng mình: hai cảnh sát đang vặn và giữ tay ông ở sau lưng và một người thứ ba đang bóp cổ ông. Chồng bà đã hét lớn: “Cảnh sát đang đánh người!”

Bà Khổng đã bị đưa đi trước khi bà có thể cất tiếng. Khi đến trại tạm giam, tình trạng bệnh tim trước đây của bà vốn đã được chữa khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công nay đã tái phát. Bà đau đớn và không còn chút sức lực.

Khi bà Khổng tuyệt thực để phản đối việc bức hại, bác sĩ của trại tạm giam đã chỉ đạo bốn nam tù nhân bức thực bà. Bác sĩ đã dùng một dụng cụ kim loại để cạy miệng bà khiến vài chiếc răng của bà bị lung lay. Cơ thể bà lên cơn co giật mất kiểm soát khi họ bức thực bà. Khi bác sĩ rút ống truyền thức ăn ra, bà ngã quỵ xuống đất và nôn ra tất cả những gì họ đã bức thực bà.

Bà Khổng rơi vào tình trạng nguy kịch sau vài ngày tuyệt thực. Tuy nhiên, các lính canh vẫn không thả bà ra và bố trí các tù nhân thay phiên nhau theo dõi bà với mỗi ca kéo dài 2 tiếng.

Sau đó bà Khổng đã từ bỏ việc tuyệt thực. Vào buổi chiều, bà quyết định sẽ ăn uống trở lại, một bác sĩ họ Trương mang đến cho bà một bát cháo. Trương cho biết anh ta đã đặc biệt chuẩn bị nó cho bà và trong đó có ngủ cốc hữu cơ. Trong khi bà Khổng không ăn cháo, tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà đã ăn hết.

Không lâu sau, người tù nhân đó bị suy nhược thần kinh. Bất chấp thời tiết giá lạnh, bà ấy cởi bỏ quần áo, chỉ để lại chiếc áo lót, sau đó ngồi ở hành lang bất động và không nói gì. Sau đó, bà Khổng mới nhận ra rằng bác sĩ đã cho chất độc hại vào cháo.

Với hàm răng bị tổn hại nghiêm trọng do bức thực, bà Khổng gặp rất nhiều khó khăn khi ăn uống. Bà cũng liên tục bị nôn mửa trong bữa ăn. Vì tình trạng sức khỏe của bà không được cải thiện, các lính canh đã thả bà sau khi bị giam một tháng. Lần này bà cũng bị tống tiền 300 nhân dân tệ.

Vào ngày 20 tháng 6 năm 2007, cảnh sát đã cố gắng bắt bà Khổng, nhưng bà đã từ chối mở cửa cho họ và cuối cùng họ đã bỏ đi.

Vụ bắt giữ năm 2013

Vào tối ngày 6 tháng 11 năm 2013, bà Khổng bị tố cáo vì đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công gần văn phòng ủy ban dân cư. Người thanh niên tố cáo bà đã cố gắng kéo bà khỏi xe đạp ba lần. Sau khi bà ngã xuống, anh ta túm lấy quần áo của bà và không cho bà đi. Mặc dù bà Khổng lên cơn đau tim khi cảnh sát đến, nhưng họ vẫn đưa bà đến Đồn Công an Gia Tây, lục soát túi xách và tra hỏi bà. Sau đó cảnh sát đã đưa bà về nhà để lục soát nơi này.

Sau khi đưa bà Khổng trở lại đồn công an, cảnh sát bắt bà ngồi trên một chiếc ghế lạnh dựa vào tường. Một giờ sau, bà bị vấn đề ở thận và phải sử dụng nhà vệ sinh hơn mười lần vào buổi tối hôm đó. Bà cũng bị đau dữ dội ở lưng và vùng xương chậu. Bà không thể ngồi dậy và cơn đau khiến bà thức trắng cả đêm.

Sáng sớm hôm sau, trong khi cảnh sát Đậu Kim Phong thẩm vấn bà Khổng, cảnh sát Điền Văn Bân đã túm chặt tay bà và cưỡng chế bắt bà ký vào biên bản thẩm vấn và một số tài liệu khác mà họ không cho bà đọc.

Bà Khổng bị đau dai dẳng ở lưng và không thể ngồi hoặc đứng. Gia đình đã phải nộp cho cảnh sát 2.000 nhân dân tệ để bà được trả tự do.

Sách nhiễu triền miên

Những vụ bắt bớ, giam giữ, tra tấn và tống tiền liên tục khiến bà Khổng sống trong sợ hãi trong suốt hai thập kỷ. Bà đã nhiều lần rời khỏi nhà để trốn khỏi bàn tay cảnh sát, nhưng họ luôn tìm thấy và bắt được bà.

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2020, bà Khổng bị đột quỵ và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt 13 ngày. Bà bị liệt sau cơn đột quỵ và được điều trị thêm tại một trung tâm phục hồi chức năng trong một tháng nữa. Khi xuất viện vào giữa tháng 5, bà vẫn phải ngồi xe lăn để đi lại và gặp khó khăn khi nói chuyện.

Vào tháng 6, bí thư Triệu từ ủy ban khu dân cư đã tìm thấy chồng bà và yêu cầu ông ký một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công nhân danh bà. Bị nhà chức trách đe dọa, chồng bà đã buộc phải ký trong khi một viên chức họ Mã quay video ông.

Sau chuyện này, bà Khổng lại phải chuyển nơi ở và vào tháng 8, bà lại nhận một cuộc gọi từ ủy ban dân cư tại nơi ở trước đó.

Vào tháng 6 năm 2021, hai cảnh sát và một phụ nữ không rõ danh tính lại sách nhiễu bà Khổng. Bà phải ngồi xe lăn, không thể đi lại và nói chuyện. Cảnh sát đã chụp ảnh bà và rời đi.

Bà Khổng đã vô cùng suy sụp sau vụ sách nhiễu gần nhất này. Vào ngày 8 tháng 7, bà bị sụt cân đáng kể và được đưa đến bệnh viện. Bà qua đời hai ngày sau đó.

Hơn một tháng sau khi bà qua đời, một nhân viên cộng đồng địa phương đã gọi lại cho chồng bà và yêu cầu ông bảo bà phải báo cáo với ủy ban khu dân cư.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/1/434229.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/3/196844.html

Đăng ngày 23-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share