Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 03-04-2021] Khi ông Lữ Tùng Minh trở về nhà vào năm 2018, sau khi thụ án tù thứ ba vì tu luyện Pháp Luân Công, ông đã vài lần suýt chết bởi tra tấn trong trại giam. Mất khả năng lao động vì bệnh tim nặng, ông phải dựa vào việc nhặt rau thừa ở chợ nông sản để sống qua ngày. Ông hay bị kiệt sức sau khi mang vác đồ nặng và thường xuyên phải nằm nghỉ. Sau ba năm vật lộn với sức khỏe yếu, người đàn ông 53 tuổi này đã qua đời vào tối ngày 28 tháng 3 năm 2021.
Ông Lữ Tùng Minh
Ông Lữ mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ và được cha nuôi dưỡng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm tỉnh Hồ Nam năm 1990, ông giảng dạy lịch sử tại một trường trung học ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Năm 1996, ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân.
Ba năm sau, vào năm 1999, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công. Bởi ông Lữ kiên định đức tin của mình, trường trung học đã sa thải ông và ông đã bị kết án ba lần, tổng cộng 14 năm. Trong thời gian thụ án, ông đã chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau, bao gồm treo người, đánh đập, sốc điện bằng dùi cui và cưỡng bức lao động khổ sai nhiều giờ. Sự tra tấn và ngược đãi đã hủy hoại hoàn toàn sức khỏe của ông. Kết quả là, ông xuất hiện triệu chứng bệnh tim nghiêm trọng và đã cả chục lần cận kề cái chết.
Năm 2006, khi ông Lữ được trả tự do sau khi mãn hạn tù đầu tiên, các nhà chức trách đã gây sức ép buộc vợ ông ly hôn ông. Tòa án trao nhà và quyền nuôi con trai cho vợ ông, khiến ông trở thành người vô gia cư không một xu dính túi. Ông phải làm những việc vặt để kiếm sống, kể cả sửa giày ngoài đường và bán đậu phộng.
Tháng 9 năm 2014, khi ông Lữ bị bắt một lần nữa, người cha ngoài 80 tuổi của ông đã vượt chặng đường gần 50km từ quê nhà đến Trại tạm giam thăm ông, nhưng yêu cầu thăm thân của ông cụ đã bị từ chối.
Án tù đầu tiên
Ông Lữ bị bắt lần đầu vào ngày 11 tháng 3 năm 2001 bởi phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và sau đó ông bị kết án 5 năm tù. Ông bị giam trong ba nhà tù, bao gồm Nhà tù Xích Sơn ở thành phố ích Dương, Nhà tù Tân Thị và Vũ Lăng ở thành phố Thường Đức.
Tháng 2 năm 2002, lính canh đã trói ông vào giường trong tư thế “đại bàng sải cánh” trong sáu ngày. Họ không cho ông ngủ và cố gây áp lực buộc ông phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Mô phỏng: Trói trên giường
Tháng 11 năm 2002, ông Lữ đã viết một câu trong sách “Chuyển Pháp Luân” (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) vào một mảnh giấy. Lính canh trực ca đã lệnh cho tù nhân lấy tờ giấy đó của ông và gọi thêm nhiều lính canh khác tới.
Lính canh buộc tội ông Lữ đã “tấn công” họ và kéo ông trở lại phòng giam. Họ còng tay ông vào các thanh kim loại ở đầu giường trong bảy ngày, họ chỉ tháo còng khi ông phải đi vệ sinh.
Ngoài tra tấn thể xác như vậy, ông Lữ còn bị cưỡng bức lao động khổ sai, đôi khi là 16 tiếng mỗi ngày. Điều này khiến chân của ông bị sưng tấy nghiêm trọng do phải đứng trong thời gian dài. Ông cũng không thể đi lại và phải có người khiêng ông đến xưởng.
Ngày 10 tháng 1 năm 2003, ông Lữ và hai học viên khác đã tuyệt thực để phản đối việc bị cạo trọc đầu. Lính canh đánh đập và bức thực ông. Họ nhét một chiếc ống dẫn thức ăn dài bằng cao su qua miệng vào trong dạ dày khiến dạy dày ông co thắt và làm ông khó thở. Vài phút sau, áp lực trào ngược đẩy cháo ra khỏi dạ dày của ông và văng lên người bác sĩ của nhà tù. Chỉ sau đó họ mới ngừng bức thực ông.
Do ông Lữ từ chối làm việc, lính canh đá và dẫm lên ngực ông. Ông giải thích với họ rằng ông không phạm bất kỳ tội ác nào, nhưng lại bị bắt vì giữ vững đức tin của mình. Ông đã kể lại việc lính canh treo ông lên, hoặc cưỡng bức ông lao động nhiều giờ mỗi ngày, hoặc giam các học viên khác trong phòng biệt giam đầy chuột và muỗi, và bắt họ phải đứng đến 18 tiếng mỗi ngày mà không được cử động.
Lính canh đã tức giận khi nghe “lời phàn nàn” của ông và ra lệnh cho tù nhân treo ông lên khung cửa sổ.
Một tù nhân đã kéo lê ông Lữ trên mặt đất vào ngày thứ tám sau khi ông tuyệt thực, khiến quần dài và đồ lót của ông bị kéo tuột ra. Khi đến xưởng, người này đã đá vào mạn sườn bên phải ngay vị trí gần gan, khiến ông Lữ hét lên trong đau đớn và lúc đó ông cảm giác như tất cả nội tạng của mình bị trật ra. Sau đó, tù nhân này tiếp tục kéo ông đến một cửa sổ và treo ông lên trong mười ngày tiếp theo.
Tranh minh họa phương thức tra tấn: Kéo lê trên mặt đất
Ngày 5 tháng 5 năm 2003, khi ông Lữ cố gắng ngăn lính canh tra tấn một học viên khác, ông đã bị chích điện vào thái dương. Kết quả ông bị ngất xỉu và đập đầu vào một tảng đá khiến đầu chảy rất nhiều máu. Việc này cũng để lại di chứng khiến ông bị mất trí nhớ nghiêm trọng và gặp khó khăn khi nói chuyện và giữ thăng bằng khi đi lại.
Việc bị đánh đập trong thời gian dài, treo lên và lao động nặng nhọc đã khiến ông Lữ bị bệnh tim mạch vành nghiêm trọng. Bất chấp tình trạng của ông, lính canh vẫn tra tấn ông hàng ngày trong ít nhất hai năm.
Án tù thứ hai
Chưa đầy một năm sau khi được trả tự do, ông Lữ lại bị bắt vào ngày 4 tháng 2 năm 2007 chỉ bởi ông phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Ông bị kết án 5 năm tù và thụ án trong Nhà tù Tân Thị.
Vì ông từ chối lao động cưỡng bức, tù nhân đã đánh ông khiến ông bị chấn thương sọ não. Trong một lần khác, tù nhân đặt một mảnh vải ngang miệng ông và kéo mạnh mảnh vải qua hai bên trong khi một phạm nhân khác kéo hai tay ông ra sau lưng và đẩy người về phía trước. Kết quả là, hầu hết răng của ông đều bị lung lay.
Do liên tục bị tra tấn và đánh đập, cuối cùng ông Lữ đã bị rụng gần hết răng. Vào lúc trả tự do vào ngày 3 tháng 2 năm 2012, ông chỉ còn lại sáu chiếc răng. Ông cũng bị cao huyết áp và bệnh tim nghiêm trọng.
Ông Lữ Tùng Minh chỉ còn sáu chiếc răng khi được thả
Án tù thứ ba
Ngày 31 tháng 8 năm 2014, ông Lữ lại bị bắt vì phát tài liệu về Pháp Luân Công. Khi bị giam trong trại tạm giam thành phố Tương Hương, tại đây ông nhiều lần bị đau tim, nhưng các nhà chức trách đã phớt lờ tình trạng của ông và đẩy nhanh quá trình kết án ông.
Dù đã ngoài 80 tuổi, cha của ông Lữ vẫn thường xuyên tới đồn cảnh sát, viện kiểm sát, tòa án, Phòng 610 (một cơ quan ngoài pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công), trại tạm giam và chính quyền địa phương, để tìm kiếm tự do cho con trai, nhưng vô ích. Ông Lữ bị đưa ra hầu tòa vào ngày 9 tháng 12 năm 2014 và bị kết án lần thứ ba. Trong thời gian thụ án bốn năm tại Nhà tù Võng Lĩnh, ông bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ không được cử động 16 tiếng mỗi ngày. Hình thức tra tấn này đã khiến ông thường xuyên bị đau tim và thường xuyên phải cấp cứu hồi sức.
Ngay cả khi bác sĩ đưa ra nhiều thông báo về tình trạng nguy kịch của ông, lính canh vẫn không ngừng bắt ông ngồi trên chiếc ghế nhỏ. Đôi khi ông Lữ nằm lăn ra đất do bị tức ngực dữ dội, dẫn đến huyết áp tăng cao ở mức nguy hiểm. Tuy nhiên, lính canh vẫn không cho ông nằm trên giường theo yêu cầu của bác sĩ.
Không còn nơi nào để tìm kiếm công lý, ông Lữ buộc phải tuyệt thực để phản đối bức hại, khiến sức khỏe của ông ngày càng xấu đi.
Mùa thu năm 2017, một lính canh mới bắt đầu làm việc tại nhà tù đã tra tấn ông Lữ bằng hình thức ngồi và đứng trong thời gian dài một lần nữa, khiến ông lập tức bị đau tức ngực cấp tính. Dù bác sĩ đã đề nghị để ông được tạm tha y tế, nhưng nhà tù vẫn kiên quyết giữ ông và lính canh thường xuyên cấm ông mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt thường ngày. Ông thường xuyên bị bỏ đói và không có đủ quần áo, thậm chí là chăn để giữ ấm.
Ông Lữ được trả tự do vào ngày 31 tháng 8 năm 2018 khi ở trong tình trạng nguy kịch. Ông đã qua đời sau ba năm vật lộn với tình trạng sức khỏe kém và điều kiện sống thiếu thốn.
Báo cáo liên quan:
Giáo viên lịch sử lâm vào tình trạng nguy hiểm về tim do tra tấn gây ra
Giáo viên lịch sử đối mặt với bản án mới sau 10 năm ngồi tù
Tra tấn tàn bạo khiến một giáo viên ở thành phố Tương Đàm chỉ còn sáu cái răng
Ba học viên ở thành phố Tương Đàm bị giam cầm trong nhiều năm, thời hạn gian của họ sẽ kết thúc sớm
Trung tâm tẩy não ở tỉnh Hồ Bắc: “Những gì tôi nói là luật”
Ông Lữ Tùng Minh ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam bị tra tấn ở tù gần mười năm
Học viên Lữ Tùng Minh bị tra tấn ở Nhà tù Xích Sơn
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/3/422900.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/4/191723.html
Đăng ngày 08-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.