Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-12-2021]

Tên tiếng Trung: 康爱芬 (Khang Ái Phân)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 63
Thành phố: Giai Mộc Tư
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: Ngày 18 tháng 11 năm 2021
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng:Ngày 17 tháng 6 năm 2021
Nơi giam giữ cuối cùng:Trại tạm giam Giai Mộc Tư

Ngày 17 tháng 6 năm 2021, bà Khang Ái Phân bị bắt giữ và bị đưa đến một trại tạm giam địa phương vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999.

Trong thời gian bị tạm giam, bà phát bệnh tim nặng, phù nề toàn thân, không thể tự đi lại, mất thị lực cả hai mắt và bị khó thở.

Ngày 7 tháng 8 bà được thả và bị quản thúc tại gia. Không lâu sau, cảnh sát nộp hồ sơ của bà lên viện kiểm sát để tìm cách cầm tù bà. Do bị sách nhiễu liên tục, sức khỏe bà giảm sút nghiêm trọng, và bà đã qua đời vào ngày 18 tháng 11 năm 2021.

Chỉ ba ngày trước khi mất, công tố viên và cảnh sát đã đến nhà bà để yêu cầu bà ký vào bản “Thông báo về Quyền và Nghĩa vụ tố tụng của nghi phạm hình sự.”

b09fae3d3c3dbf7506b2c77e018e244d.jpg

Ảnh chụp bà Khang vào những năm trước

b1009f99ff990bf7597556b05c93f004.jpg

Ảnh chụp bà Khang trong những năm gần đây

fa8d76418e1ff0511b3c43a3db919d14.jpg

Đôi chân bị phù nề của bà Khang sau lần bị bắt giam gần nhất

Tu luyện Pháp Luân Công

Bà Khang Ái Phân sinh ngày 17 tháng 2 năm 1958, là người thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang. Từ nhỏ bà đã mắc bệnh bại liệt do bị nhiễm khuẩn. Khi lớn lên, bà bị chứng nhiễm độc niệu, tiểu không kiểm soát và từng bị lao phổi. Tháng 4 năm 1996, bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Không lâu sau, các triệu chứng bệnh đều biến mất. Bà cũng trở nên hòa nhã và biết quan tâm tới người khác hơn. Chứng kiến sự thay đổi của bà, bố mẹ và chị em của bà cũng bắt đầu bước vào tu luyện Pháp Luân Công.

Bị bắt lần thứ nhất vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công tại Bắc Kinh

Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Khang bị bắt giữ 7 lần, 1 lần bị kết án lao động cưỡng bức và 1 lần bị giam giữ tại trung tâm tẩy não. Mỗi lần như vậy, chồng bà phải nộp cho cảnh sát hàng ngàn nhân dân tệ để bão lãnh bà tại ngoại. Bà còn thường xuyên bị sách nhiễu.

Bà bị bắt lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 2 năm 2000 tại Bắc Kinh khi bà đến đó để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đưa bà trở lại Giai Mộc Tư và giam bà tại trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư.

Bà cho hay điều kiện sinh hoạt trong trại tạm giam thật kinh khủng. Bà có thể nghe thấy lính canh đánh các học viên Pháp Luân Công mỗi ngày. Hơn 30 người bị giam trong một căn phòng nhỏ, chỉ có thể ngồi ngủ vào ban đêm. Đồ ăn được cấp giống như thực phẩm cho lợn ăn.

Sau khi bị tạm giam 50 ngày, bà Khang bị cảnh sát đe dọa sẽ tống bà vào Trại Lao động Cưỡng bức. Để bà được về nhà, chồng bà phải chi 1.000 nhân dân tệ để thiết đãi cảnh sát và còn phải đưa cho họ 7.000 nhân dân tệ tiền mặt.

Bị bắt lần thứ hai vì phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công

Ngày 13 tháng 2 năm 2001, bà Khang bị bắt lần thứ hai trong khi đang phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đe dọa sẽ tống giam bà và tống tiền gia đình bà 3.000 nhân dân tệ.

Khi thấy gia đình bà có điều kiện tốt về tài chính, cảnh sát thường xuyên sách nhiễu để tìm cách moi tiền của bà. Bà không thể sống một cuộc sống bình thường được nữa nên đã chuyển chỗ ở để trốn tránh cảnh sát.

Bị bắt lần thứ ba: Hứng chịu tra tấn

Tháng 4 năm 2002, một nhóm cảnh sát bao vây bên ngoài nhà bà Khang trong suốt 6 ngày. Họ cho cúp điện, nước khiến cho vợ chồng bà lâm vào cảnh bất tiện. Vì sợ bị bắt nên các con của họ không dám về nhà mà phải ở lại nhờ nhà một người thân.

Khi cảnh sát rút đi, ngay lập tức bà Khang cũng rời khỏi nhà. Bà và hai người chị gái tìm thuê nhà và sống cùng nhau. Cảnh sát đã theo dõi chồng bà và phát hiện ra nơi ở tạm của bà. Đêm ngày 15 tháng 5, họ đột nhập vào nơi ở của bà, bắt giữ bà và hai người chị gái của bà.

Cảnh sát trói bà và một người chị vào “ghế cọp” trong một ngày. Cảnh sát còn chửi rủa họ và phỉ báng Pháp Luân Công. Họ còn bắt bà Khang ngồi lên bức ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công nhưng bà không làm theo. Ngày hôm sau, cả ba người con bị đưa vào trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư.

Trong thời gian bị tạm giam, bà Khang phát bệnh tim và cao huyết áp. Bà tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại và bị nôn ra máu. Trại giam đã tống tiền chồng bà 5.000 nhân tệ sau đó mới thả bà ra. Họ còn nói rằng: “Chúng tôi không bận tâm nếu một học viên Pháp Luân Công chết ở chỗ chúng tôi. Có bao nhiêu người đã chết ở đây rồi [biết không]?! Có một người mới chết cách đây vài hôm đấy!”

Một người chị gái của bà Khang bị kết án hai năm lao động cưỡng bức và chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau. Hiện không rõ thông tin về tình trạng của bà ấy.

Bị bắt lần thứ tư: Bị đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức

Ngày 28 tháng 10 năm 2002, bà Khang bị bắt lần thứ tư khi đang phát tài liệu giảng rõ sự thật về Pháp Luân Công. Bà từ chối hợp tác khi bị cảnh sát thẩm vấn và bị đưa vào trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư vào giữa đêm. Một tháng sau, bà bị kết án lao động cưỡng bức và bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức thành phố Giai Mộc Tư.

Mặc dù lính canh trại lao động đã từ chối tiếp nhận bà vì lý do sức khỏe, nhưng cảnh sát Vương Hoa Dân đã buộc họ phải nhận. Các lính canh và tù nhân thường bắt bà tham gia các buổi tẩy não và ra lệnh cho bà từ bỏ Pháp Luân Công.

Cuộc bức hại đã khiến cho bà Khang phát bệnh tim nghiêm trọng và cao huyết áp. Bà liên tục ói mửa và nôn ra mọi thứ bà ăn vào.

Ba tuần sau, lính canh đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe trước khi thả bà về. Khi về nhà, bà mới biết rằng chồng bà đã bị tống tiền 6.000 nhân dân tệ để chuộc bà ra.

Bị bắt lần thứ năm: Bị giam tại Trung tâm tẩy não

Cuối năm 2012, bà bị cảnh sát và cán bộ ủy ban dân cư bắt giữ tại nhà riêng sau khi bị sách nhiễu liên tục. Trong khi bà bị giam giữ tại Trung tâm tẩy não Y Xuân, hàng ngày gia đình đã đến ủy ban dân cư để yêu cầu thả người. Mười ngày sau, ban quản lý đã đưa bà về nhà.

Bị bắt lần thứ sáu vì cố gắng tham dự phiên tòa xét xử một học viên khác

Ngày 17 tháng 12 năm 2014, bà Khang đón chuyến xe lửa sớm để tham dự phiên tòa cấp cao xét xử bốn học viên tại Kiến Tam Giang. Bà bị bắt trong khi đang tìm kiếm trụ sở tòa án và bị đưa về Giai Mộc Tư vài tiếng sau đó.

Sau đó cảnh sát liên tục sách nhiễu bà. Họ xé bỏ những câu đối có nội dung về Pháp Luân Công được bà dán trước cửa nhà. Trước khi diễn ra phiên tòa thứ hai vào ngày 8 tháng Giêng năm 2015, cảnh sát luôn theo dõi mỗi khi bà đi ra ngoài. Có lần, họ còn khóa trái nhốt bà ở trong nhà bà.

Tăng cường sách nhiễu

Bà Khang đã nộp đơn kiện hình sự đối với Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Vào lúc 6 giờ 15 phút sáng ngày 31 tháng 7 năm 2015, cảnh sát đến sách nhiễu bà sau khi họ phát hiện ra sự việc.

Tháng 9 năm 2017, cảnh sát lại đến nhà sách nhiễu bà nhưng bà không mở cửa.

Năm 2019, trong một chiến dịch sách nhiễu quy mô lớn, bà Khang buộc phải rời khỏi nhà để trốn tránh cảnh sát. Ngày 29 tháng 7, một toán cảnh sát đột nhập và lục soát nhà bà khi không có ai ở nhà.

Họ tịch thu 50 quyển sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung nhà sáng lập Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, nhiều máy tính, máy in, điện thoại di động, văn phòng phẩm các loại kể cả giấy in, dụng cụ bấm giấy, dao cắt giấy, loa, modem và bộ định tuyến. Số tiền 18.000 nhân dân tệ bà để ở nhà cũng bị lấy mất. Họ còn che lỗ chống trộm (mắt thần) trên cửa và phá ổ khóa trước khi bỏ đi.

Khi chồng bà Khang về nhà, ông không thể mở cửa nên đành phải phá khóa. Bà Khang vẫn tiếp tục lẩn trốn. Sau đó, bà bị đưa vào danh sách “truy nã”.

Bị bắt lần thứ bảy dẫn đến cái chết của bà

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 17 tháng 6 năm 2021, chồng bà Khang trở về nhà sau khi đưa cháu trai đến trường. Trong khi ông đang mở cửa, sáu cảnh sát mặc thường phục đang nấp ở cầu thang ập đến và xông vào nhà ông. Họ nói rằng họ thuộc Công an Tiền Tiến, trong đó có một người tên Triệu Hâm.

Trong khi hai cảnh sát giữ bà Khang, những người còn lại tiến hành lục soát. Họ lấy đi 40 quyển sách Pháp Luân Công, tất cả tài liệu, điện thoại di động và 2.000 nhân dân tệ tiền giấy có ghi thông tin Pháp Luân Công trên đó (Bởi sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt tại Trung Quốc, nhiều học viên đã và đang sử dụng nhiều cách sáng tạo để nâng cao nhận thức cuộc bức hại Pháp Luân Công, trong đó có hình thức in những thông điệp ngắn lên tiền giấy).

Một cảnh sát nói với bà Khang: “Dù bà có đội mũ khi đi ra ngoài, chúng tôi cũng nhận ra bà.”

Chồng bà Khang hỏi cảnh sát vì sao lại bắt bà ấy. Cảnh sát nói rằng đó là lệnh của cấp trên vì sắp diễn ra đại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1 tháng 7.

Sau đó, một số người dân sống cùng khu phố với bà Khang cho phóng viên Minh Huệ biết rằng họ đã thấy các cảnh sát mặc thường phục này đi lại quanh nhà bà Khang vài ngày trước vụ bắt giữ.

Bà đã cố chống cự lại khi bị bắt đi. Cuối cùng bà cũng bị tống lên xe cảnh sát. Sau cuộc thẩm vấn ngắn tại Đội An ninh Nội địa Tiền Tiến, bà bị đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Kết quả cho thấy bà bị cao huyết áp nghiêm trọng. Cảnh sát đã kéo lê bà đi vòng quanh khiến cho bà đi lại rất khó khăn.

Bất chấp tình trạng sức khỏe của bà Khang, cảnh sát gây sức ép để trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư phải tiếp nhận bà. Lính canh nghĩ rằng bà bị đói nên đã bức thực bà. Hành vi tra tấn này khiến cho bà bị đau tim. Bà bị mất thị lực cả hai mắt. Khi tình trạng này kéo dài đến ngày thứ năm, lính canh đã cho tiêm và truyền dịch tĩnh mạch trong bảy ngày liên tiếp.

Việc này chỉ khiến cho tình trạng của bà tồi tệ hơn. Cánh tay bà bị sưng phù khiến cho y tá không thể nào tiêm cho bà được nữa. Sau đó, lính canh bắt bà uống thuốc. Khi lính canh bỏ đi, bà đã nhổ ra vì nghi ngờ đó là thuốc độc. Tuy nhiên, chứng phù nề không thuyên giảm. Bà lại bắt đầu cảm thấy khó thở nghiêm trọng. Ban đêm bà không thể ngủ được mà chỉ có thể ngồi tựa vào gối. Bà bị tăng huyết áp liên tục và không thể nhìn thấy được gì.

Khi thấy bà Khang ở bên bờ vực cái chết, cảnh sát mới thả bà ra và cho quản thúc tại gia từ ngày 17 tháng 8 năm 2021.

Ngày 14 tháng 10, cảnh sát đệ trình hồ sơ của bà lên Viện kiểm sát huyện Tiền Tiến. Ngày 22 tháng 10, Viện kiểm sát thành phố Giai Tư Mộc và Tòa án Trung cấp thành phố Giai Mộc Tư chỉ định Viện kiểm sát huyện Hướng Dương thụ lý hồ sơ của bà.

Kể từ khi về nhà, sức khỏe bà tiếp tục suy yếu. Khi ăn, bà thường bị nôn thức ăn ra. Bà cố gắng ăn nhiều hơn nhưng nhiều lắm cũng chỉ được nửa bát cháo. Đôi chân phù nề khiến cho bà gặp khó khăn khi thay quần áo.

Mỗi tuần, cảnh sát và cán bộ ủy ban dân cư, có khi cả chục người, đến sách nhiễu bà. Tình trạng này khiến cho tinh thần bà căng thẳng trầm trọng.

Ngày 28 tháng 10, ba cảnh sát đưa bà đến Tòa án huyện Hướng Dương mà không hề cho bà biết mục đích của chuyến đi. Khi bà đến nơi, cán bộ tòa án không đồng ý với cảnh sát và hai bên đã có trận tranh cãi lớn tiếng. Cảnh sát đành đưa bà Khang về nhà.

Ngày 8 tháng 11, ba cán bộ từ Viện kiểm sát huyện Hướng Dương lại đến sách nhiễu bà. Họ đưa cho bà bản cáo trạng do công tố viên Trương Hoành Vĩ ký vào ngày 20 tháng 10.

Ngày 10 tháng 11, một cảnh sát và một cán bộ đưa một bác sĩ đến nhà bà Khang. Họ cố thuyết phục bà đi đến bệnh viện điều trị.

Ngày 15 tháng 11, công tố viên và cảnh sát lại đến sách nhiễu bà, ra lệnh cho bà ký vào “Thông báo về Quyền và Nghĩa vụ tố tụng của nghi phạm hình sự.” Khi bà từ chối tuân thủ, cảnh sát ra lệnh cho chồng bà ký thay cho bà nhưng ông cũng cự tuyệt.

Hành động sách nhiễu liên tục của giới cầm quyền đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà Khang. Đôi mắt bà chỉ mới lấy lại thị lực chút ít đã bị mù lại vào ngày 17 tháng 11. Ngày hôm sau bà qua đời lúc 5 giờ 40 phút sáng, ở tuổi 63.

26179571c05e6dfdb6afb0285fa8d1da.jpg

Hình ảnh bà Khang nằm trong quan tài

Thông tin của những thủ phạm tham gia bức hại bà Khang:

Lưu, Trưởng Đội An ninh Nội địa: +86-13846154777
Trương Hồng Lượng (张红亮), cảnh sát viên: +86-13115355575
Triệu Hâm (赵鑫), cảnh sát viên: +86-13603694645

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/5/434385.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/6/196884p.html

Đăng ngày 28-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share