Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 27-06-2021] Trong nửa đầu năm 2021, 67 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc được xác nhận đã qua đời. Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân truyền thống dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, vô số người đã bị cuốn hút bởi những nguyên lý thâm sâu và thu được lợi ích sức khỏe. Lo sợ sự phổ biến ngày càng tăng của môn tập, chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch toàn quốc vào tháng 7 năm 1999 để cố gắng loại bỏ môn tập này.

Kể từ đó đã có hàng trăm nghìn học viên bị sách nhiễu, bắt giữ, giam giữ, bỏ tù và tra tấn. Tổng cộng có 4.660 trường hợp tử vong đã được Minh Huệ Net ghi lại tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2021. Nhưng vì thông tin kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc, nên con số thực tế rất có thể cao hơn nhiều.

Các trường hợp tử vong mới được xác nhận trong nửa đầu năm 2021 bao gồm 1 trường hợp xảy ra vào năm 2017, 2 trường hợp vào năm 2018, 2 trường hợp vào năm 2019, 20 trường hợp vào năm 2020 và 42 trường hợp vào năm 2021. 20 trường hợp mới được xác nhận vào năm 2020 cũng nâng tổng số trường hợp tử vong năm ngoái từ 83 lên 103 trường hợp.

4d0e8f96fbf37d7b5787ef7a9f2ef8b0.jpg

fd179547b1e34f6023f295800411e7c4.jpg

Trong 67 học viên thì có 36 người là nữ, đến từ 22 tỉnh và thành phố. Bốn tỉnh có số người chết mới được báo cáo nhiều nhất là Liêu Ninh (11), Cát Lâm (9), Hắc Long Giang (8) và Hà Nam (4). Các tỉnh này cũng nằm trong năm khu vực có tỷ lệ người chết cao nhất được xác nhận vào năm 2020.

29b39ed4eadef83061be3f6ff75bdbf6.jpg

Đặc biệt, có ba trong số bốn học viên tử vong ở tỉnh Hà Nam đã chết trong khi bị giam cầm, gồm một người đàn ông 54 tuổi đã chết hai tháng sau khi bị giam, một người đàn ông khác khoảng 50 tuổi đã chết trong trại giam một tháng sau khi bị bắt, và một ông lão 63 tuổi đã chết sau một năm rưỡi giam cầm và gia đình không được nhìn thấy thi thể của ông trước khi hỏa táng.

Mười học viên khác đến từ Sơn Đông (3), Nội Mông (1), Giang Tô (1), Liêu Ninh (1), Tứ Xuyên (1), Vân Nam (1), Chiết Giang (1) và Hắc Long Giang (1), bốn trong số họ là phụ nữ, cũng chết trong khi bị giam giữ.

Một giáo viên 55 tuổi đã chết trong tù vào tháng 11 năm 2020, mười ngày trước khi ông được thả. Một bà lão 76 tuổi chết trong tù vào tháng 1 năm 2021. Tháng 2, tháng 3 và tháng 4 năm 2021, mỗi tháng đều lần lượt có ​​hai, một và ba người chết khi bị giam giữ, cũng như bốn trong số sáu trường hợp được xác nhận vào tháng 6 đến nay. Số người chết khi bị giam cầm vào tháng 5 năm 2021 là chưa rõ ràng do thông tin kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Đáng chú ý, đối với các trường hợp tử vong vào tháng 6 năm 2021, một người đàn ông Nội Mông chết một ngày sau phiên điều trần và một cư dân Sơn Đông chết một ngày sau khi bị bắt.

Trong khi một số học viên sống sót sau khi bị tra tấn trong tù, họ đã chết ngay sau khi được thả, trong đó có một ông lão 83 tuổi chết vài giờ sau khi được đưa về nhà thở bằng bình oxy. Toàn bộ cơ thể ông có màu đen và xanh. Một phụ nữ 54 tuổi đã chết hai tháng sau khi được thả.

Hầu hết các học viên khác đã qua đời sau nhiều thập kỷ sống tha hương, bị quấy rối, giam giữ và tra tấn.

Những người đã tử vong đến từ mọi tầng lớp của xã hội, bao gồm một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, một giáo viên, một kỹ sư và một kế toán. Ngoại trừ 14 học viên không rõ tuổi, 53 học viên khác có đội tuổi từ 46 đến 85, với độ tuổi trung bình là 64.

cdd8024b795321cf3e22cb439292df47.jpg

9cfc1372397f8114fa6f94ea97837bfb.jpg

Các học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết trong nửa đầu năm 2021

Hàng thứ nhất (từ trái sang phải): Công Phi Khải, Lưu Tú Phương, Đinh Quế Anh, Mao Khôn, Lữ Quan Như

Hàng dưới (từ trái sang phải): Lữ Tùng Minh, Lý Hồng Vỹ, Tạ Đức Văn, Lý Thải Nga, Trương Thuý Thuý.

Dưới đây là tóm tắt của một số trường hợp tử vong. Danh sách đầy đủ của 67 người đã qua đời có thể được tải xuống tại đây. Các trường hợp khác đã được đề cập trong các báo cáo trước đây:

Báo cáo về 13 trường hợp học viên qua đời trong tháng 4 năm 2021

27 học viên Pháp Luân Công đã qua đời từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021

13 người chết trong lúc bị giam cầm

Một giáo viên cấp hai đã qua đời trước khi mãn hạn tù 10 ngày, gia đình nghi ngờ ông bị mổ cướp nội tạng

Ông Phan Tự Quân ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô bị bắt giữ vào tháng 5 năm 2015 và tuyên bản án tù năm năm rưỡi vào năm 2016 ở Nhà tù Hồng Trạch Hồ. Vào ngày 8 tháng 11 năm 2020, trước 10 ngày ông được trả tự do, gia đình ông được triệu tập tới nhà tù để “gặp ông”. Khi tới nơi, họ nhìn thấy thi thể của ông trong nhà xác. Một bác sỹ nhà tù cho gia đình xem một trong số các cơ quan nội tạng của ông (chưa rõ chi tiết) và nói rằng họ đã hoàn thành việc khám nghiệm tử thi và xác định rằng ông Phan chết do đột quỵ.

b141bf4c779b567629719648f728b15f.jpg

Ông Phan Tự Quân

Gia đình ông Phan không chấp nhận giải thích và nghi ngờ người nhà 55 tuổi của họ bị mổ cướp nội tạng vì ông đã được khám và xét nghiệm tăng cường trong lần cầm tù đầu tiên ở Nhà tù Hồng Trạch Hồ từ năm 2002 tới năm 2010. Họ tin rằng thông tin sức khỏe của ông đã được lưu trữ trong một số cơ sở dữ liệu để phục vụ cho việc cấy ghép tạng và ông đã được chọn sau khi bị kết án năm năm rưỡi ở cùng nhà tù vào năm 2016.

Trong 22 năm bức hại Pháp Luân Công, có rất nhiều báo cáo từ nhân chứng và bác sỹ Trung Quốc tiết lộ số lượng lớn học viên Pháp Luân Công ở trong tù và các sở giam giữ khác đã bị mổ lấy nội tạng để bán và cấy ghép trong các bệnh viện quân đội và bệnh viện nhà nước vì lợi nhuận.

Ban đầu, khi nhà tù đề nghị bồi thường cho gia đình, họ đã không đồng ý và kiên quyết đệ đơn kiện nhà tù. Gia đình đã nhượng bộ sau khi bị các quan chức thôn và xã gây áp lực.

Ba tháng sau đó, thi thể của ông Phan đã bị hỏa táng và ông được chôn cất tại một nghĩa trang trong thôn. Gia đình ông từ chối tiết lộ cho Minh Huệ Net về số tiền mà gia đình đã nhận được từ nhà tù.

Bà lão 76 tuổi đột ngột qua đời trong lúc giam cầm

Gia đình của bà Đinh Quế Anh đã bị giáng một đòn nặng nề khi Trại giam nữ tỉnh Vân Nam số 2 thông báo cho họ vào giữa tháng 1 năm 2021 rằng người thân của họ vừa qua đời. Trước đó, gia đình của bà thậm chí không biết bà đã bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhà tù đã hỏa táng thi thể bà chỉ vài ngày sau đó. Lúc đó bà 76 tuổi.

929d3c1042b8b89867751bf9064127c2.jpg

Bà Đinh Quế Anh

Bà Đinh là cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bà bị bắt tại nhà vào ngày 28 tháng 8 năm 2019. Vì Trại tạm giam thành phố Côn Minh đã cấm gia đình đến thăm bà Đinh và chính quyền không cập nhật tình trạng của bà cho họ, nên họ vẫn nghĩ bà đang ở trại tạm giam và thường đến Đội An ninh Nội địa để yêu cầu thả bà Đinh.

Một lính canh Nhà tù nữ tỉnh Vân Nam số 2 thông báo với gia đình về việc bà Đinh bị “bệnh cấp tính” vào ngày 14 tháng 1 và qua đời lúc 8 giờ 53 sáng ngày 15 tháng 1. Nhà tù đã hỏa táng thi thể bà vào ngày 19 tháng 1 mà không giải thích về tình trạng của bà. Bởi bà Đinh hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bị bắt, nên gia đình nghi ngờ việc bà có thể đã chết vì bị ngược đãi ở trại tạm giam, chứ không phải do bệnh tật, như các quan chức nhà tù tuyên bố.

Chỉ sau khi bà Đinh qua đời, thì gia đình bà mới nhận được bản án. Bà Đinh bị Tòa án quận Ngũ Hoa kết án bốn năm tù vào ngày 10 tháng 7 năm 2020.

Một người đàn ông 54 tuổi bị từ chối tạm tha y tế đã qua đời sau hai tháng bị cầm tù

Ông Nhạc Thái Vân sống tại huyện Ngũ Thành, tỉnh Hà Nam đã qua đời sau hai tháng bị cầm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công, ông qua đời ở tuổi 54.

Vào ngày 21 tháng 8 năm 2020, ông đã bị bắt giữ tại Hàng Châu, nơi ông sinh sống trước đây một vài năm. Cảnh sát Hàng Châu cáo buộc ông gửi tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công.

Ông Nhạc đã tuyệt thực trong bốn tháng và thường xuyên bị bức thực. Hàng ngày bác sĩ trại tạm giam còn tiêm vào người ông những loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Vào cuối tháng 12 năm 2020, ông bị kết án một năm bốn tháng tại Nhà tù số 2 Hàng Châu. Sau khi bị đưa tới nhà tù, ông tiếp tục tuyệt thực.

Mặc dù ông ở trong tình trạng nguy kịch, lãnh đạo nhà tù vẫn cấm gia đình vào thăm ông và từ chối yêu cầu tạm tha y tế của họ.

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2021, nhà tù thông báo cho gia đình ông Nhạc rằng ông vừa qua đời. Con trai ông Nhạc cho hay, khi ở trong bệnh viện, anh thấy thi thể của cha mình chỉ có da bọc xương. Nhà tù từ chối mọi trách nhiệm về cái chết của ông Nhạc. Họ đe dọa gia đình ông không được tiết lộ thông tin nếu không sẽ bị mất việc làm. Nhà tù đã đưa cho gia đình ông Nhạc 30.000 nhân dân tệ như một khoản bồi thường cho cái chết của ông.

Sơn Đông: Người đàn ông hôn mê ở trong trại tạm giam đã qua đời sau khi bị cảnh sát rút bỏ thiết bị hỗ trợ sự sống

Trong khi ông Diêu Tân Nhân vẫn hôn mê sau khi bị đột quỵ, các nhà chức trách đã rút bỏ thiết bị hỗ trợ sự sống và chuyển ông từ phòng chăm sóc tích cực của bệnh viện đến một viện dưỡng lão không có thiết bị y tế cần thiết để chăm sóc. Một tuần sau, người đàn ông 51 tuổi này đã qua đời, để lại vợ và một đứa con.

Ông Diêu, một cư dân thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông, bị đột quỵ lúc 9 giờ tối ngày 22 tháng 4 năm 2020, gần 10 tháng sau khi bị bắt vào ngày 3 tháng 7 năm 2019. Các bác sỹ đã phẫu thuật mở hộp sọ cho ông vào sáng sớm ngày 23 tháng 4 tại Bệnh viện Nhân dân thành phố Long Khẩu. Hai ngày sau, bác sỹ cũng mở khí quản để đặt máy thở cho ông.

Khi vợ của ông Diêu đến bệnh viện để hỏi về tình trạng của ông, cảnh sát cũng từ chối cho phép bác sỹ hay y tá cung cấp thông tin của ông Diêu cho vợ ông. Thậm chí, họ còn từ chối không cho xem video giám sát của ông Diêu, liên quan đến những gì xảy ra với ông ở trại tạm giam.

5a87d1f76964ce062cf14042a76e85b8.jpg

Ông Diêu sau ca phẫu thuật cắt mở hộp sọ

Mặc dù ông Diêu vẫn hôn mê sau ca phẫu thuật, cảnh sát vẫn ở bên ngoài phòng chăm sóc tích cực để theo dõi ông trong 9 tháng sau đó và ngăn mọi người đến gần ông.

9ce4506d92aca78b280425e9d3cac308.jpg

Cảnh sát canh chừng ông Diêu trong bệnh viện

Cảnh sát và các nhân viên bệnh viện đã đưa ông Diêu ra khỏi phòng chăm sóc tăng cường và đưa ông đến Viện dưỡng lão Đông Giang vào ngày 4 tháng 2 năm 2021, nhưng cơ sở này không có bất kỳ thiết bị y tế nào để chăm sóc cho ông. Ông Diêu đã qua đời vào khoảng 1 giờ 40 phút sáng ngày 11 tháng 2.

Hà Nam: Một người đàn ông qua đời trong khi bị giam giữ gần 1,5 năm

Sau khi ông Quách Bảo Quân ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam qua đời trong lúc giam cầm vào ngày 14 tháng 3 năm 2021, lính canh ở trại tạm giam thành phố Trịnh Châu số 3 đã không cho phép gia đình được xem thi thể ông hoặc cho họ xem báo cáo khám nghiệm tử thi.

Ông Quách bị bắt vào ngày 10 tháng 11 năm 2019 sau khi bị tố giác vì phát tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công. Ông bị đưa ra xét xử thông qua hình thức trực tuyến tại trại tạm giam vào ngày 13 tháng 6 năm 2020. Sau đó, ông đã tuyệt thực trong bảy tháng. Lính canh giữ ống dẫn thực ở trong mũi ông trong suốt phiên toà.

Ông Quách bị kết án hai năm và bị phạt 20.000 nhân dân tệ vào ngày 29 tháng 6. Ông đã kháng án nhưng toà án trung cấp vẫn giữ nguyên bản án vào ngày 28 tháng 8.

Vì ông tiếp tục tuyệt thực nên tình trạng của ông tiếp tục xấu đi. Đầu tháng 12 ông ở trong tình trạng nguy hiểm và phải nhập viện.

Ngày 3 tháng 12, con trai và con dâu của ông cũng được vào thăm ông trong bệnh viện, đây là lần đầu tiêu họ gặp ông kể từ khi ông bị bắt hơn một năm trước. Con trai ông nói rằng ông rất hốc hác. Đôi môi rất khô, da nứt nẻ và hai mắt sưng phồng.

Không rõ khi nào ông Quách bị đưa về lại trại tạm giam trước khi qua đời. Ông qua đời ở tuổi 63.

Tỉnh Hắc Long Giang: Người đàn ông 69 tuổi đột ngột tử vong trong nhà tù khi đang thụ án vì đức tin của mình

Ngày 4 tháng 4 năm 2021, ông Lữ Quan Như, một cư dân ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời trong khi đang thụ án bảy năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhà tù Thái Lai cáo buộc rằng ông Lữ Quan Như qua đời do bị đột quỵ, nhưng gia đình ông nghi ngờ rằng có thể ông đã bị tra tấn đến chết.

40354245b3ba023e6922679460a1ca8c.jpg

Ông Lữ Quan Như

Ngày 9 tháng 11 năm 2018, ông Lữ bị bắt giữ trong một cuộc truy bắt hơn 60 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Khánh và thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang. Trong khi ông đang bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Đại Khánh, cảnh sát đã thẩm vấn ông, buộc ông phải đeo cùm và đứng trong nhiều giờ.

Khi ông Lữ tuyệt thực để phản đối sự bức hại, lính canh đã bức thực ông khiến ông nôn ra máu và bị suy tim. Ông đã ở bên bờ vực của cái chết và được hồi sức nhiều lần tại bệnh viện.

Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ đưa ông ra xét xử vào ngày 6 tháng 6 năm 2019. Hai luật sư đã biện hộ vô tội cho ông và ông cũng tự biện hộ cho mình. Ngày 1 tháng 7 năm 2019, thẩm phán kết án ông bảy năm tù giam cùng với 40.000 nhân dân tệ tiền phạt. Ông đã kháng án, nhưng ngày 23 tháng 7 Tòa án Trung thẩm thành phố Đại Khánh đã giữ nguyên bản án mà không mở phiên xét xử.

Bất chấp tình trạng sức khỏe của ông, ngày 30 tháng 7 năm 2019, trại tạm giam vẫn đưa ông tới Nhà tù Hô Lan để thụ án mà không thông báo cho gia đình. Lính canh nhà tù nói rằng ngay cả khi ông bị tàn tật, họ vẫn sẽ tiếp nhận ông.

Kế toán viên qua đời trong khi đang thụ án 11,5 năm vì kiên định đức tin

Trong khi trại tạm giam đang đợi kết quả của bản kháng cáo 11 năm rưỡi tù của bà Mao Khôn, một kế toán ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bị đưa đến phòng cấp cứu vào ngày 9 tháng 4 năm 2021. Gia đình đã thay mặt bà để nộp đơn bảo lãnh chữa trị y tế. Nhưng trước khi họ có cơ hội nộp đơn, bà Mao đã qua đời tại bệnh viện vào tối ngày 11 tháng 4. Lúc đó bà 57 tuổi.

Tương tự với trường hợp của ông Lữ, gia đình bà Mao cũng nghi ngờ tra tấn là nguyên nhân gây ra cái chết của bà.

fbcb9f606e7814814613986412edddf7.jpg

Bà Mao Khôn

Bà Mao bị bắt tại nhà vào ngày 10 tháng 7 năm 2019. Cánh tay của bà bị gãy và mặt bà bị sưng tấy trong lần bắt giữ bạo lực này. Có rất nhiều cảnh sát lục soát nhà bà Mao trong ngày bắt giữ, từ 4 giờ chiều đến tận 2 giờ sáng ngày hôm sau. Nhiều tài sản cá nhân và tài liệu có thông tin về Pháp Luân Công bị tịch thu. Bố mẹ của bà Mao, khoảng 80 tuổi sống cùng với bà, đã bị cảnh sát dọa sợ. Họ khóc ngoài hành lang trong lúc cảnh sát lục soát nhà họ.

Ngày 28 tháng 12 năm 2020, bà Mao bị đưa ra xét xử và sau đó bị kết án 11 năm rưỡi tù với số tiền phạt là 20.000 nhân dân tệ.

Một đại tá về hưu qua đời trong tù, gia đình nghi ngờ ông bị ám hại

Vào tối ngày 12 tháng 4 năm 2021, gia đình của ông Công Phi Khải nhận được cuộc gọi từ lính canh và được biết vị đại tá đã nghỉ hưu 66 tuổi ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông vừa được đưa đến bệnh viện để hồi sức cấp cứu. Một lúc sau, lính canh đã gọi lại và nói rằng ông Công đã qua đời vì đột quỵ.

3e359f92f3d4171e94702f71f285ba53.jpg

Ông Công Phi Khải

Khi gia đình ông Công đến bệnh viện vào sáng hôm sau, bác sỹ và chức trách nhà tù từ chối cho họ nhìn thấy thi thể ông. Với sự phản đối mạnh mẽ của gia đình, anh trai và cháu trai của ông Công cuối cùng đã được phép vào quan sát thi thể của ông, nhưng không được chụp ảnh hoặc quay video.

Theo anh trai của ông cho biết, đầu của ông Công bị thương và sưng lên và có máu trong tai.

Trong suốt một năm rưỡi trước khi ông Công qua đời, nhà tù đã không cho phép gia đình đến thăm ông, lấy lý do là vì đại dịch. Gia đình cho biết họ không biết gì về tình hình sức khỏe của ông và theo video giám sát do lính canh cung cấp, ông Công trông yếu ớt và nằm trên giường vào buổi tối ngày ông qua đời. Một bác sỹ nhà tù đã đến đo huyết áp cho ông, nhưng bác sỹ đã bỏ đi mà không thực hiện bất kỳ biện pháp điều trị nào cho ông. Khoảng 8 giờ 32 phút tối, ông Công bị ngã xuống đất và không thể di chuyển, nhưng xe cấp cứu tận 9 giờ tối mới tới nơi.

Trong khi lính canh gọi điện cho gia đình báo rằng ông Công bị đột quỵ và qua đời là do ông không tuân thủ điều trị bệnh huyết áp cao, gia đình ông đặt câu hỏi tại sao nhà tù không thông báo sớm hơn về tình trạng của ông hoặc tạm tha ông để điều trị y tế.

Ông Công bị bắt trong một lần bắt giữ theo nhóm vào tháng 10 năm 2017. Sau đó ông bị kết án bảy năm rưỡi tù với 20.000 nhân dân tệ vào ngày 20 tháng 7 năm 2018.

Từ năm 2020, lấy lý do dịch bệnh, Nhà tù tỉnh Sơn Đông đã cắt liên lạc với gia đình ông. Gia đình ông nói họ không biết ông sống thế nào ở trong tù.

Theo thông tin được Minh Huệ Net xác nhận, từ nửa sau năm 2020, lính canh đã bắt tù nhân làm việc từ 5 giờ sáng đến 7 hoặc 9 giờ tối không nghỉ. Khi ông Công và các học viên khác từ chối lao động không lương, họ bị giữ trong phòng để xem băng hình phỉ báng Pháp Luân Công.

Sau đó, ông Công bắt đầu bị huyết áp cao và chóng mặt. Trông thấy việc ông Công đang dựa vào tường vì chóng mặt, tù nhân Lý Phong đã nói với ông: “Cái gì thế này? Không ổn à? Đừng giả vờ. Ông sẽ không chết được đâu.”

Tù nhân Lý còn nói với các tù nhân: “Ông Công chỉ đang giả vờ (sắp chết). Thật tuyệt vời nếu ông ta làm thế.”

Liêu Ninh: Một người đàn ông qua đời sau nhiều tháng bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công, chính quyền che giấu chi tiết

Ông Trình Vệ Tinh 54 tuổi là công nhân mỏ nghỉ hưu ở thành phố Hưng Thành, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời nhiều tháng sau khi cảnh sát bắt ông vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Trình bị bắt lúc 10 giờ tối ngày 12 tháng 5 năm 2020, trong lúc đi phát tài liệu có thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát ở Đồn công an Ôn Tuyền đã đến nhà ông trên ba chiếc xe hơi và tịch thu các sách Pháp Luân Công của ông.

Sau đó ông Trình đã qua đời trong khi đang bị giam trong trại tạm giam Thành phố Hồ Lô Đảo. Vì thông tin bị kiểm duyệt chặt chẽ, chi tiết về cái chết của ông vẫn chưa được làm rõ. Một số nguồn tin cho hay ông tử vong vào tháng 1 năm 2021, còn một số nói rằng vào tháng 5 năm 2021.

Một phụ nữ ở Chiết Giang qua đời trong trại giam sau khi bị cưỡng ép phẫu thuật u não

Bà Thi Mông Xảo ở thành phố Vĩnh Khang, tỉnh Chiết Giang đã qua đời vào ngày 6 tháng 6 năm 2021 sau khi đã bị hôn mê hơn hai tháng vì bị cưỡng ép đi phẫu thuật não.

Bà bị bắt vào ngày 12 tháng 2 năm 2020 vì phân phát tài liệu về Pháp Luân CôngTrại tạm giam thành phố Vĩnh Khang liên tục từ chối yêu cầu được vào thăm của gia đình bà với lý do dịch bệnh.

Bà Thi bị kết án 18 tháng tù với khoản tiền phạt 20.000 nhân dân tệ vào ngày 27 tháng 9. Trong khi vẫn đang chờ Tòa Trung thẩm thành phố Kim Hoa ra phán quyết về kháng cáo của bà, trại tạm giam đã thông báo cho gia đình bà vào cuối tháng 3 năm 2021 rằng bà được chẩn đoán u não và phải phẫu thuật ngay lập tức. Nghi ngờ rằng việc bà bị tra tấn đến nguy kịch chứ không phải bị bệnh thực sự, gia đình đã từ chối ký vào giấy đồng ý phẫu thuật, và thay vào đó họ nộp đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho bà.

trại tạm giam từ chối thả bà Thi và ra lệnh cho bệnh viện đưa bà đi phẫu thuật vào nửa đêm. Kết quả là, bà vẫn ở trong phòng chăm sóc đặc biệt sau ca phẫu thuật.

Gia đình bà Thi đã nộp nhiều đơn khiếu nại trại tạm giam vì nghi ngờ lính canh tra tấn người thân của họ. Nhà chức trách trả lời trại tạm giam không vi phạm bất kỳ luật nào và tổn thương não của bà Thi là do khối u gây ra, dù không rõ liệu có cuộc điều tra nào được thực hiện hay không.

Bà Thi đã không tỉnh lại sau ca phẫu thuật. Bệnh viện đã thông báo với gia đình vào tối ngày 6 tháng 6 về việc bà qua đời. Trại tạm giam từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào về bà và trực tiếp đưa thi thể bà Thi từ bệnh viện về nhà tang lễ. Cũng không có thông tin liệu gia đình bà có được phép nhìn thấy thi thể của bà tại nhà tang lễ hay không.

Người đàn ông Nội Mông qua đời một ngày sau khi bị xét xử vì đức tin của mình

Ông Quách Chấn Phương ở thành phố Xích Phong, Nội Mông, đã qua đời một ngày sau khi ông và vợ phải ra tòa vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Vào tối ngày 9 tháng 6 năm 2021 gia đình ông Quách nhận được cuộc gọi từ cảnh sát và được thông báo rằng ông đã qua đời. Họ vội vã đến bệnh viện và thấy hàng chục sỹ quan cảnh sát mặc thường phục đang canh giữ thi thể ông. Họ phát hiện rằng phần lưng dưới của ông tím tái, có vết thương ở bên trong một bên đầu gối và mũi ông có máu. Họ cố gắng xem xét kỹ hơn, nhưng cảnh sát đã ngăn cản họ đến gần thi thể.

Một bác sỹ tại bệnh viện tiết lộ rằng ông Quách không có dấu hiệu nghiêm trọng gì khi cảnh sát đưa ông đến.

Không được sự đồng ý của gia đình, cảnh sát đã đưa thi thể của ông Quách đến Nhà tang lễ Quận Tùng Sơn ngay sau đó.

Chỉ một ngày trước khi qua đời, ông Quách và vợ là bà Phùng Ngọc Hoa đã bị xét xử tại Tòa án Quận Tùng Sơn. Theo lời kể của các thành viên gia đình tham dự phiên xử, họ nhìn thấy ông có thể tự ra khỏi xe cảnh sát và đi vào phòng xử án. Ông trông có vẻ rất khỏe mạnh.

Trong khi các nhà chức trách không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về cái chết của ông, gia đình rất nghi ngờ rằng ông đã bị tra tấn đến chết trong trại tạm giam Quận Tùng Sơn.

Cặp vợ chồng bị bắt vào sáng ngày 25 tháng 11 năm 2020. Đây là lần thứ hai vợ chồng ông Quách phải ra hầu tòa, phiên xử đầu tiên của họ vào ngày 8 tháng 4 năm 2021

Người đàn ông Hà Nam qua đời trong nhà giam sau một tháng bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công

Ông Lý Hiện Tập ở thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, đi ra ngoài để mua bánh bao về ăn tối lúc 5 giờ chiều ngày 11 tháng 5 năm 2021, và ông đã không trở về nhà. Có thông tin cho biết rằng ông bị bắt giữ khi cảnh sát nhìn thấy ông đang nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Bốn cảnh sát của Đồn công an Bắc Quan đã lục soát hai căn nhà của ông mà không xuất trình lệnh khám hay giấy tờ tùy thân. Vào ngày hôm sau, họ ban hành một lệnh tạm giam hình sự và ông Lý bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố An Dương.

Bởi ông Lý luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trong trại tạm giam, nên lính canh đã còng tay và cùm ông lại. Ông đã tuyệt thực để phản đối sự bức hại.

Sáng ngày 13 tháng 6, gia đình ông Lý đột nhiên được thông báo rằng ông đã qua đời vào ngày hôm trước.

Theo thông tin từ người nhà nhìn thấy thi thể của ông Lý cho biết rằng ông rất hốc hác. Đầu ông bị sưng phồng và ông có nhiều vết thương ở lưng và đầu gối. Chính quyền từ chối giải thích nguyên nhân gây ra cái chết của ông.

Tỉnh Sơn Đông: Mất vợ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, người đàn ông đã qua đời sau một ngày bị bắt giữ

Ông Tôn Phi Tiến ở huyện Mông Âm, tỉnh Sơn Đông đã qua đời sau một ngày bị bắt giữ khi đang làm việc trên nông trại của gia đình vào ngày 17 tháng 6 năm 2021.

Ngày 18 tháng 6, cảnh sát của Đồn Công an huyện Mông Âm đã thông báo cho gia đình ông Tôn về cái chết của ông. Họ nói rằng ông Tôn từ chối xét nghiệm virus corona tại Bệnh viện Trung y huyện Mông Âm và nhảy từ trên lầu xuống và chết ngay lập tức. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường và không cho phép ai tới gần.

Khi gia đình ông Tôn nhìn thấy thi thể của ông tại Nhà Tang lễ huyện Mông An, họ phát hiện rằng ông đang bị rỉ dịch não, một nhãn cầu của ông bị mất và bụng ông cũng hõm vào trong.

Trước vụ bắt giữ của ông Tôn, con gái ông (tên riêng là Kiều Kiều) cũng bị bắt giữ tại nhà riêng và hiện đang bị giam giữ tại trại tạm giam Lâm Nghi.

Sau cái chết của ông Tôn, Kiều Kiều hiện đang mồ côi cả cha lẫn mẹ vì mẹ của cô là bà Vu Tại Hoa cũng đã qua đời sáu năm trước sau 11 năm sống phiêu bạt để tránh bức hại.

Trong chiến dịch “Xóa sổ” năm ngoái (một nỗ lực phối hợp hòng buộc tất cả học viên Pháp Luân Công nằm trong danh sách đen của chính phủ từ bỏ Pháp Luân Công), một nhóm cảnh sát đã tới nhà ông Tôn và nỗ lực đưa ông tới một phiên tẩy não tại Khách sạn Vấn Hà vào ngày 25 tháng 10 năm 2020.

Bởi ông không có ở nhà, nên cảnh sát đã đe dọa rằng họ sẽ bắt ông đi. Khi con gái ông Tôn cố gắng ngăn cảnh sát chụp hình biển số xe ô tô của cha cô và sau đó cô chụp hình các cảnh sát, một cảnh sát đã túm lấy cổ cô và nói: “Tôi thách cô dám làm thế lần nữa!”

Nhiều ca tử vong sau thời gian dài bị sách nhiễu và tra tấn

Liêu Ninh: Một người phụ nữ qua đời trong hoàn cảnh vô gia cư để tránh bị sách nhiễu liên tục

Sau hai thập niên sống trong tuyệt vọng, bà Khương Diễm Linh ở huyện Nghĩa, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 12 tháng 2 năm 2021 ở tuổi 63.

2ea70e3efbd24f8f78b6efabd5f6ae05.jpg

Bà Khương Diễm Linh trong một bức ảnh không ghi ngày tháng

Cái chết của bà Khương Diễm Linh là một cái kết bi thảm cho sự quấy rối không ngừng của chính quyền vì bà kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Ngày 20 tháng 3 năm 2001, khi bà Khương đang thăm một người bạn thì cảnh sát đột ngột xông vào nhà và bắt giữ bà. Bà bị đưa đến Phòng công an huyện Nghĩa và bị thẩm vấn trong nhiều giờ. Bà được bảo lãnh vào hôm sau sau khi bị tống tiền 3.000 Nhân dân tệ. Cảnh sát chưa từng ngừng sách nhiễu bà.

Sau khi trốn được lần bắt giữ khác vào tháng 7 năm 2004, bà buộc phải sống xa nhà. Trong thời gian này, cảnh sát đã sách nhiễu gia đình bà thường xuyên hơn và đe doạ họ phải đưa bà trở về. Cảnh sát cũng đưa bà vào danh sách truy nã và tìm kiếm bà khắp nơi, càng khiến bà buộc phải duy trì sự di chuyển.

Sau khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong 5 năm 5 tháng, bà đã bị bắt tại một khu dân cư tạm bợ vào ngày 22 tháng 12 năm 2019. Ngày 23 tháng 3 năm 2010, Toà án huyện Nghĩa đã bí mật xét xử bà và kết án 13 năm tù vào tháng 5 năm 2010, một án tù được quyết định trước bởi Phòng 610 thành phố Cẩm Châu và Toà Trung thẩm thành phố Cẩm Châu. Bà đã kháng án nhưng toà án cấp cao hơn vẫn giữ nguyên bản án.

Bà đã phát sinh những triệu chứng bệnh nghiêm trọng trong 10 tháng ở trại tạm giam thành phố Cẩm Châu nhưng bà vẫn bị đưa đến Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh vào ngày 11 tháng 9 năm 2010. Trại tạm giam đã tống tiền gia đình bà 2.000 nhân dân tệ.

Sức khoẻ của bà xấu đi sau khi bà bị tra tấn trong tù. Bà bị bệnh tim, u xơ tử cung và u máu. Bà phải nhập viện sau khi bắt đâu nôn ra máu và sốt kéo dài. Khi đang cận kề cái chết, nhà tù đã thả bà vài ngày sau ngày 30 tháng 4 năm 2011.

Ngay khi bà bắt đầu hồi phục, chính quyền đã đưa bà trở lại nhà tù vào ngày 3 tháng 11 năm 2011 và bà lại bị tra tấn vì không từ bỏ Pháp Luân Công. Sức khoẻ của bà nhanh chóng suy giảm vì bị tra tấn và bà được bảo lãnh lần hai vào ngày 10 tháng 7 năm 2013.

Vì không có được một phút bình yên để hồi phục sức khỏe do bị cảnh sát sách nhiễu, bà Khương đã phải bán nhà và buộc phải sống cảnh phiêu bạt để trốn tránh cảnh sát. Bà đã qua đời tám năm sau đó sau khi chịu đựng những khó khăn và đau khổ không thể tưởng tượng được.

Người đàn ông 83 tuổi bị kết án bảy năm tù vì kiên định đức tin, đã qua đời vài giờ sau khi được đưa về nhà trong tình trạng thở oxy

Ông Hoàng Khánh Đăng là cư dân thành phố Lạc Thanh, tỉnh Chiết Giang, bị bắt tại nhà vào ngày 17 tháng 4 năm 2019 vì gửi tin nhắn văn bản cho công chúng về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Vào ngày 12 tháng 3 năm 2020, sau gần một năm bị giam giữ, ông Hoàng đã bị Tòa án thành phố Lạc Thanh kết án bảy năm tù. Không có thông tin về ngày ông bị đưa vào Nhà tù số 2 Hàng Châu.

Vào giữa tháng 11 năm 2020, một lính canh đã gọi điện cho gia đình ông Hoàng và nói rằng ông Hoàng bị phát hiện mắc sáu căn bệnh và đã được đưa đến bệnh viện để hồi sức cấp cứu. Mặc dù tình trạng của ông rất nguy kịch, nhà tù vẫn từ chối cho ông được tại ngoại.

Vào tháng 3 năm 2021, gia đình ông Hoàng nhận được một cuộc gọi khác từ nhà tù và được thông báo rằng ông đã được đưa trở lại bệnh viện để hồi sức cấp cứu.

Sau đó, vào khoảng 2 giờ chiều ngày 26 tháng 3 năm 2021, ông Hoàng được đưa về nhà trong tình trạng thở oxy. Toàn thân ông tím đen. Gia đình nghi ngờ rằng ông đã bị cho uống thuốc độc trước khi được thả. Ông đã qua đời vào buổi tối hôm đó.

Người vợ qua đời trong sợ hãi khi người chồng đang thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công

Dù bà Mã Anh đã được bảo lãnh và không bị kết án sau lần bắt giữ gần hai năm trước, bà vẫn không thoát khỏi sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát và họ tiếp tục đòi truy tố bà. Do bị sợ hãi và áp lực cùng cực, cư dân 54 tuổi này ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm này đã qua đời vào ngày 26 tháng 4 năm 2021 trong lúc chồng bà vẫn đang thụ án tù giam.

Khổ nạn của cặp vợ chồng này bắt đầu từ ngày 19 tháng 7 năm 2019 khi họ bị bắt vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Lúc 6 giờ 20 phút sáng, Vương Siêu Việt, phó Đồn Công an Trấn Hoa Bì Hán, đã dẫn theo bảy cảnh sát gõ cửa nhà họ. Ngay khi vào nhà, một người giơ thẻ cảnh sát ra và nhanh chóng cất đi mà không cho họ thấy tên. Khi chồng bà Mã là ông Trương Dũng từ chối hợp tác với cảnh sát, họ đã còng tay ông ra sau lưng và xích ông lại.

Khi thẩm vấn hai người tại Sở Công an Quận Xương Ấp, cảnh sát đã trùm đầu họ bằng các túi nhựa đen khiến họ khó thở. Cảnh sát đã còng tay họ trong lúc thẩm vấn. Còng tay chặt đến nỗi tay của họ đều bị tím tái.

Sau đó bà Mã được bảo lãnh vì sức khoẻ kém. Ông Trương bị đưa đến trại tạm giam thành phố Cát Lâm và bị kết án ba năm vào tháng 12 năm 2020.

Sau khi bà Mã được thả, cảnh sát liên tục sách nhiễu và đe doạ bà. Ngày 17 tháng 7 năm 2020, một năm sau khi bị bắt, phó đồn Vương quay lại nhà bà cùng một nhóm công an trên hai xe cảnh sát. Một số lên lầu và gõ cửa nhà bà trong khi những người khác đứng ở dưới lầu và gọi tên bà. Họ cố gắng dùng một chìa khoá chính để mở cửa và đục một lỗ để nhìn trộm vào nhà bà. Khi không thể mở cửa, họ doạ nạt đập nát cửa hoặc thuê thợ khoá. Họ cho biết đang cố gắng chuyển vụ việc của bà Mã đến Viện Kiểm sát Quận Thuyền Doanh.

Do sống trong sợ hãi cực độ và cũng lo lắng cho chồng nên sức khoẻ của bà Mã suy giảm nhanh chóng. Bà đã qua đời vào ngày 26 tháng 4 năm 2021 mà không được gặp chồng lần cuối.

Một kỹ sư qua đời vì kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể chất sau 12 năm bị cầm tù

Một kỹ sư ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào ngày 20 tháng 5 năm 2021, một năm sau khi mãn án tù thứ hai. Ông ra đi đột ngột nên cha mẹ và chị em gái không thể gặp được ông lần cuối trước khi ông chết.

Ông Lý bị bắt vào tháng 3 năm 2017 và sau đó bị kết án ba năm tù. Sau khi bị đưa đến Nhà tù Phùng Truân vào tháng 11 năm 2018, ông bị ép phải lao động nặng không công. Khi ông phản đối ngược đãi, thì cai ngục đã vặn hai tay ông ra đằng sau lưng và còng lại khiến cho ông bị đau đớn cực độ. Ông cũng không được dùng nhà vệ sinh. Kết quả tra tấn là ông bị tràn dịch phổi và phải nhập viện.

Khi gia đình đến thăm ông Lý vào tháng 9 năm 2019, ông đã bị sụt cân và yếu đến mức không thể đi lại được. Một lính canh đã mang ông ra ngoài và nói rằng ông vừa được hút dịch ra khỏi phổi và khoang ngực tại bệnh viện nhà tù.

Tra tấn và đối xử vô nhân đạo đã khiến sức khoẻ của ông xấu đi nhanh chóng. Cân nặng của ông giảm từ 85kg xuống còn chưa đầy 45kg (ông cao 1m78). Ông không thể tự đi lại, chán ăn và bị khó thở. Da chân ông bị trầy xước vì bị xích suốt ngày đêm. Ban ngày hai tay ông bị còng vào cửa và ông không được dùng nhà vệ sinh. Ban đêm ông bị còng vào thành giường và bị cấm ngủ.

Lúc được thả vào tháng 3 năm 2020, ông gầy đến mức không nhận ra và ho liên tục. Nhưng bất chấp tình trạng sức khoẻ, ông vẫn phải chăm sóc vợ là bà Trần Lệ và mẹ vợ, cả hai đều rơi vào tình trạng tồi tệ sau khi bị bức hại vì đức tin.

Sau khi thụ án ba năm trong Nhà tù nữ Cáp Nhĩ Tân, bà Trần đã bị bệnh tâm thần và thường xuyên cố đốt lửa. Tình trạng của bà Trần đã ngăn ông Lý ngủ ngon vào ban đêm, dẫn đến việc sức khoẻ của ông trở nên xấu hơn. Để làm cho tình cảnh của ông tồi tệ hơn, cảnh sát địa phương đã nhiều lần tìm ông và đề nghị ông chuyển đi. Họ từng gõ cửa nhà ông hơn một giờ vào tháng 4 năm 2021. Bị kiệt quệ về thể chất, tinh thần và tài chính đã khiến ông qua đời vào tháng 5 năm 2021.

Ngoài án tù thứ hai kéo dài ba năm, ông Lý đã từng thụ án chín năm tù vì đức tin của mình. Vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công nên ông đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn, bao gồm treo lên bằng còng tay trong thời gian dài, ngồi lâu trên một cái ghế kim loại, đánh đập, bị đánh bằng dùi cui kim loại, biệt giam và bức thực.

Liêu Ninh: Người đàn ông suy sụp vì các vấn đề sức khỏe do sự tra tấn đã qua đời sau khi được bảo lãnh tại ngoại 3,5 năm

Trong khi đang bị giam giữ vì đức tin vào Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Vĩ đã bị tra tấn tàn bạo và bức thực bằng sữa pha muối mặn trong 29 ngày liên tiếp. Sức khỏe của ông bị tổn hại nghiêm trọng và ông đã được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế. Sau ba năm rưỡi chống chọi với bệnh tiểu đường nặng và các bệnh lý khác, ông Lý đã qua đời ở tuổi 58 vào ngày 8 tháng 6 năm 2021.

b43a292e4b380466559834de12cc9b27.jpg

Ông Lý Hồng Vĩ trước cuộc bức hại

b059b68d0f4441ab3fb10dc146ff9039.jpg

Bức ảnh của ông Lý Hồng Vĩ được chụp vào ngày 30 tháng 12 năm 2017, sau khi ông được bảo lãnh tại ngoại 3 ngày

Ông Lý là cựu nhân viên của Phòng Bất động sản ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân vào năm 1998. Ngay sau khi tu bắt đầu tu luyện, bệnh tiểu đường nặng và bệnh gan nhiễm mỡ của ông đã được chữa khỏi mà không cần sự can thiệp y tế. Một năm sau, chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, nhưng ông chưa từng dao động niềm tin của mình. Bởi kiên định đức tin của mình, ông đã phải lãnh án một năm lao động cưỡng bức sau vụ bắt giữ diễn ra vào năm 2006 và lãnh án bốn năm rưỡi tù giam sau vụ bắt giữ diễn ra vào năm 2016.

Lính canh liên tục đánh đập và sốc điện ông bằng dùi cui điện. Kết quả là thị lực của ông giảm sút và tức ngực.

Ngày 21 tháng 9 năm 2017, khi gia đình tới thăm, có hai người đưa ông ra. Ống quần bên phải của ông xắn lên và có một mụn mủ lớn ở bên bắp chân phải của ông. Thị lực của ông rất kém đến nỗi ngay cả khi áp sát mặt vào kính chắn mà ông cũng không thể nhìn rõ người nhà đang ngồi đối diện ở bên kia kính.

Bệnh tiểu đường nặng khiến ông luôn bị chóng mặt nặng, hốc hác và yếu ớt. Ông bị liệt nửa người bên phải và liên tục cảm thấy khát nước.

Vào ngày 27 tháng 12 năm 2017, ông Lý được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế. Sức khỏe của ông tiếp tục suy giảm và sau 3,5 năm tại ngoại ông đã qua đời vào ngày 8 tháng 6 năm 2021.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/27/427473.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/3/193937.html

Đăng ngày 24-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share