Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 05-04-2021] Khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bước sang năm thứ 22 vào năm 2021, có thêm 27 học viên Pháp Luân Công được báo cáo đã qua đời trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân truyền thống dựa trên Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, vô số học viên bị bắt giữ, giam giữ, kết án và tra tấn. Cho đến nay, Minh Huệ Net đã ghi nhận hơn 4.500 học viên đã qua đời trong cuộc bức hại. Nhiều trường hợp vẫn chưa được xác nhận do thông tin bị phong tỏa ở Trung Quốc.

Trong 27 trường hợp mới được xác nhận, có 11 trường hợp qua đời trong khoảng từ tháng 6 tới tháng 12 năm 2020. 9 trường hợp qua đời trong tháng 1 năm 2021, 3 trong tháng 2 và 4 trong tháng 3.

Trong 27 học viên, có 17 người là nữ ở 16 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Trong khi hầu hết các khu vực có 1 hoặc 2 học viên qua đời, thì Hắc Long Giang có 3 trường hợp và Liêu Ninh có 5 trường hợp. Ngoại trừ ba học viên hiện chưa biết tuổi, 24 học viên còn lại có tuổi từ 46 đến 85.

Hai học viên qua đời ở nhà tù đang trong thời gian thụ án. Hai học viên khác cũng qua đời trong khi đang bị giam giữ, họ qua đời sau vài tháng lâm vào tình trạng nguy kịch do bị ngược đãi.

Nhiều người trong số 23 học viên còn lại không chịu đựng được sự bị bắt giữ liên tục, sách nhiễu không ngừng và án tù nặng. Một người đàn ông đã qua đời sau khi vợ ông bị bức hại đến chết vào 16 năm trước. Một người phụ nữ và mẹ chồng của bà đã qua đời cách nhau hai tháng, trong khi đó chồng bà vẫn đang phải đi trốn để tránh việc bắt giữ và em chồng thì bị kết án.

Dưới đây là tóm tắt một số trường hợp mới qua đời. Danh sách đầy đủ của 27 học viên có thể được tải ở đây

Chết trong nhà giam

Cụ bà 76 tuổi đột ngột qua đời trong thời gian thụ án tù

Giữa tháng 1 năm 2021, gia đình bà Đinh Quế Anh bị giáng một đòn nặng nề khi Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam đột ngột thông báo rằng người thân của họ mới qua đời ở tuổi 76. Trước đó, gia đình bà Đinh còn không biết rằng bà đã bị kết án tù vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Vài ngày sau, nhà tù đã vội vã hỏa táng thi thể của bà.

2021-4-3-i083823_01.jpg

Bà Đinh Quế Anh

Bà Đinh là một cư dân ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam bị bắt giữ tại nhà riêng vào ngày 28 tháng 8 năm 2019. Bởi Trại tạm giam Thành phố Côn Minh đã cấm gia đình tới thăm bà và nhà chức trách cũng không cập nhật tình trạng vụ án của bà cho gia đình, nên họ vẫn nghĩ rằng bà đang bị giam giữ trong trại tạm giam và họ thường xuyên tới Đội An ninh Nội địa để yêu cầu trả tự do cho bà.

Một lính canh của Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam đã thông báo cho gia đình rằng bà Định đột nhiên mắc “một căn bệnh cấp tính” vào ngày 14 tháng 1 và bà đã qua đời lúc 8 giờ 53 phút sáng ngày 15 tháng 1. Ngày 19 tháng 1, nhà tù hỏa táng thi thể bà mà không giải thích thêm về tính trạng của bà. Trước khi bị bắt giữ, bà Đinh hoàn toàn khỏe mạnh, gia đình nghi ngờ rằng bà qua đời do sự ngược đãi ở trong tù chứ không phải do mắc bệnh như nhà tù tuyên bố. Sau khi bà Đinh qua đời, gia đình mới nhận được bản án của bà. Tòa án Quận Ngũ Hoa kết án bà bốn năm tù giam vào ngày 10 tháng 7 năm 2020.

Một người đàn ông 54 tuổi bị từ chối tạm tha y tế đã qua đời sau hai tháng bị cầm tù

Ông Nhạc Thái Vân, 54 tuổi, quê ở huyện Ngu Thành, tỉnh Hà Nam đã qua đời sau hai tháng bị cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Vào ngày 21 tháng 8 năm 2020, ông đã bị bắt giữ tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ông đã sống ở đó được vài năm. Cảnh sát Hàng Châu cáo buộc ông gửi tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công.

Ông Nhạc đã tuyệt thực trong bốn tháng và thường xuyên bị bức thực. Hàng ngày bác sỹ trại tạm giam còn tiêm vào người ông những loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Vào cuối tháng 12 năm 2020, ông bị kết án một năm bốn tháng tại Nhà tù Số 2 Hàng Châu. Sau khi bị đưa tới nhà tù, ông tiếp tục tuyệt thực.

Mặc dù ông ở trong tình trạng nguy kịch, lãnh đạo nhà tù vẫn cấm gia đình vào thăm ông và từ chối yêu cầu tạm tha y tế của họ. Thậm chí nhà tù còn cho rằng ông Nhạc cố ý tự làm mình bị thương.

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2021, nhà tù thông báo cho gia đình ông Nhạc rằng ông vừa qua đời. Con trai ông Nhạc cho hay, khi ở trong bệnh viện, anh thấy thi thể của cha mình chỉ có da bọc xương. Nhà tù từ chối mọi trách nhiệm về cái chết của ông Nhạc. Họ đe dọa gia đình ông không được tiết lộ thông tin nếu không sẽ bị mất việc làm. Nhà tù đã đưa cho gia đình ông Nhạc 30.000 Nhân dân tệ như một khoản bồi thường cho cái chết của ông.

Sơn Đông: Người đàn ông hôn mê ở trong trại tạm giam đã qua đời sau khi bị cảnh sát rút bộ thiết bị hỗ trợ sự sống

Trong khi ông Diêu Tân Nhân vẫn hôn mê sau cơn đột quỵ, nhà chức trách đã rút bỏ thiết bị hỗ trợ sự sống và chuyển ông từ phòng chăm sóc tích cực của bệnh viện đến một viện dưỡng lão không có thiết bị y tế cần thiết để chăm sóc. Một tuần sau, người đàn ông 51 tuổi này đã qua đời, để lại vợ và một đứa con.

Khoảng 9 giờ tối ngày 22 tháng 4 năm 2020, ông Diêu là một cư dân thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông bị đột quỵ sau gần 10 tháng bị bắt giữ vào ngày 3 tháng 7 năm 2019. Sáng sớm ngày 23 tháng 4, ông được phẫu thuật cắt mở hộp sọ tại Bệnh viện Nhân dân Thành phố Long Khẩu. Hai ngày sau, bác sỹ tiến hành phẫu thuật mở khí quản và đặt máy thở cho ông.

Khi vợ ông Diêu tới bệnh viện để hỏi về tình trạng của ông, cảnh sát đã ngăn cản bác sỹ và y tá cung cấp thông tin về ông cho bà. Họ còn từ chối chiếu video giám sát có cảnh quay liên quan tới những việc xảy ra với ông Diêu trong trại tạm giam.

2021-2-8-longkou-yao-xinren_01_pa1xsoe.jpg

Ông Diêu sau ca phẫu thuật cắt mở hộp sọ

Mặc dù ông Diêu vẫn hôn mê sau ca phẫu thuật, cảnh sát vẫn ở bên ngoài phòng chăm sóc tích cực để theo dõi ông trong 9 tháng sau đó và ngăn mọi người đến gần ông. Ông không bao giờ tỉnh dậy được nữa và ngày càng tiều tụy.

2021-2-8-longkou-yao-xinren_02_le2honh.jpg

Cảnh sát canh chừng ông Diêu trong bệnh viện

Ngày 4 tháng 2 năm 2021, cảnh sát và các nhân viên bệnh viện đã đưa ông Diêu ra khỏi phòng chăm sóc tăng cường và chuyển ông đến Viện dưỡng lão Đông Giang, nhưng cơ sở này không có bất kỳ thiết bị y tế nào để chăm sóc cho ông. Ông Diêu đã qua đời vào khoảng 1 giờ 40 phút sáng ngày 11 tháng 2.

Hà Nam: Một người đàn ông qua đời trong khi bị giam giữ gần 15 năm

Ngày 14 tháng 3 năm 2021, ông Quốc Bảo Quân ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã qua đời ở trong nhà giam, lính canh của trại tạm giam Số 3 Thành phố Trịnh Châu đã ngăn cản gia đình nhìn thi thể của ông hoặc cung cấp báo cáo khám nghiệm tử thi cho gia đình.

Ngày 10 tháng 11 năm 2019, ông Quách bị bắt giữ vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Ngày 13 tháng 6 năm 2020, ông bị xét xử từ xa trong trại tạm giam. Khi đó, ông đã tuyệt thực được bảy tháng. Lính canh giữ ống dẫn thực ở trong mũi ông trong suốt phiên toà.

Ông Quách bị kết án hai năm và bị phạt 20.000 Nhân dân tệ vào ngày 29 tháng 6. Ông đã kháng án nhưng toà án trung cấp vẫn giữ nguyên bản án vào ngày 28 tháng 8.

Vì ông tiếp tục tuyệt thực nên tình trạng của ông tiếp tục xấu đi. Đầu tháng 12 ông ở trong tình trạng nguy hiểm và phải nhập viện.

Ngày 3 tháng 12, con trai và con dâu của ông cũng được vào thăm ông trong bệnh viện, đây là lần đầu tiêu họ gặp ông kể từ khi ông bị bắt hơn một năm trước. Con trai ông nói rằng ông rất hốc hác. Đôi môi rất khô, da nứt nẻ và hai mắt sưng phồng.

Không rõ trước khi qua đời ở tuổi 63 ông Quách có bị đưa trở lại trại giam hay không.

Những cái chết do bị bức hại trong thời gian dài

Người đàn ông bị buộc phải sống vô gia cư để tránh bị bức hại, mẹ và vợ ông đã qua đời, em trai bị cầm tù

Ông Viên Quang Vũ đã mất cả mẹ và vợ trong chưa đầy ba tháng. Em trai ông thì bị kết án ba năm tù. Ông buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công.

2021-3-20-mh-licaie.jpg

Bà Lý Thái Nga, người mẹ quá cố của ông Viên

2021-3-20-mh-zhangcuicui.jpg

Bà Trương Thúy Thúy, người vợ quá cố của ông Viên

Ông Viên, một cư dân 54 tuổi ở huyện Lễ Tuyền, tỉnh Thiểm Tây, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào mùa xuân năm 1997. Ngay sau khi tu luyện Pháp Luân Công, nhiều bệnh hành hạ ông trong nhiều năm đã biến mất như chứng đau nửa đầu, đau dây thân kinh, loét dạ dày và bệnh gan. Sau khi nhìn thấy sự thay đổi của ông, vợ ông là bà Trương Thúy Thúy, em trai ông là ông Viên Huy Vũ, em dâu là bà Lý Oánh và mẹ là bà Lý Thái Nga cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 22 tháng 5 năm 2000, hai anh em ông Viên bị bắt giữ. 40 ngày sau, ông Viên Quang Vũ bị kết án 2,5 năm lao động cưỡng bức và ông Viên Huy Vũ bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức. Tại Trại Lao động Cưỡng bức Tảo Tử Hà, ông Viên Quang Vũ thường xuyên bị lính canh đánh đập. Họ giam ông trong phòng biệt giam và cùm ông trên giường trong tư thế “đại bàng sải cánh”. Hai tù nhân được chỉ định giám sát ông cả ngày lẫn đêm. Ông không được phép ngủ và cũng không được đắp chăn ấm vào mùa đông. Thỉnh thoảng các tù nhân còn lấy nước tiểu đổ vào quần của ông.

Đến tháng 9 năm 2001, khắp cơ thể ông Viên Quang Vũ toàn là những vết ghẻ nở và nhiễm trùng. Lính canh cưỡng ép ông ngủ trên sàn bê tông trong sáu tháng liên tiếp. Với mục đích làm nhục và cưỡng ép ông từ bỏ Pháp Luân Công, thỉnh thoảng lính canh lột quần áo của ông và yêu cầu ông đứng khỏa thân ngoài sân để “sát trùng” cho ông trong giờ ăn.

Cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu ông Viên Quang Vũ sau khi ông được trả tự do vào tháng 7 năm 2002. Cảnh sát liệt ông vào danh sách giám sát và yêu cầu ông thường xuyên báo cáo cho họ khiến ông không có được cuộc sống bình thường.

Ngày 30 tháng 6 năm 2008, hai anh em ông Viên bị bắt giữ một lần nữa. Sau 15 ngày tạm giam, cả hai người đều bị kết án 1 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Tảo Từ Hà. Sau hai tháng đánh đập và tra tấn, khiến ông Viên Quang Vũ ở bên bờ vực của cái chết và sau đó họ cho ông được tại ngoại.

Ông Viên và bà Trương phải sống xa nhà để tránh sự bức hại, nhưng họ lại bị bắt giữ một lần nữa vào ngày 17 tháng 7 năm 2014 trong khi đang làm việc gần thành phố Tây An cách nhà họ ở Lễ Tuyền khoảng 30km.

Trong khi thẩm vấn ở đồn công an, cảnh sát đá ông Viên ngã xuống đất và đổ nước vào mũi của ông. Họ còn kéo tay ông ra sau lưng, ép ông cúi người xuống cho đến khi đầu ông chạm đất. Sau đó một cảnh sát đã nắm tay ông và cưỡng ép ông điểm chỉ vào một biên bản.

Ngày hôm sau, ông bị đưa tới trại tạm giam Quận Nhạn Tháp. Đến cổng trại giam, cảnh sát tát vào mặt ông khiến tai trái của ông bị điếc vĩnh viễn. Lính canh còn đánh đập và còng ông vào một tấm gỗ. Sau đó, họ còng tay và cùm ông trong ba tháng liên tiếp. Thời điểm được tháo còng tay, ông không thể duỗi thẳng cánh tay của mình.

Sự tra tấn liên tục khiến ông Viên đã lâm vào tình trạng nguy kịch vào ngày 5 tháng 2 năm 2015. Ông phải nhập viện một tháng và sau đó được đưa trở lại trại tạm giam. Cảnh sát vẫn giam cầm ông thêm bốn tháng và sau khi không thể thu thập được bằng chứng buộc tội ông, họ đã cho ông được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 19 tháng 6 năm 2015.

Ngày 28 tháng 9 năm 2019, cảnh sát xông vào nhà ông Viên một lần nữa. Họ đẩy ông xuống đất, còng tay ông và lục soát nơi ở của ông. Khi đó cả mẹ và vợ ông đang bị ốm nặng. Cảnh sát khiến họ rất kinh hãi tới mức ngất xỉu.

Sau một vài lần hồi sức tại bệnh viện, bà Trương đã tỉnh lại và trốn thoát cùng ông Viên.

Sau khi xuất viện, mẹ của họ là bà Lý đã chuyển tới ở cùng con gái của họ. Nhưng cảnh sát vẫn liên tục đến sách nhiễu gia đình.

Ngày 29 tháng 11 năm 2020, bà Lý đã qua đời ở tuổi 75. Hai tháng sau, ngày 3 tháng 2 năm 2021, bà Trương đã qua đời trong khi đang trốn chạy.

Hai vợ chồng cùng bị chết trong cuộc bức đàn áp vì tín ngưỡng của mình cách nhau 16 năm

Một người đàn ông góa vợ ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã không trụ được trước cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công kéo dài suốt 2 thập kỷ qua và đã qua đời ở tuổi 56 vào ngày 20 tháng 1 năm 2021. Trước khi chết, ông Dương Truyền Quân đã bị bắt giữ nhiều lần và bị kết án tù 2 lần, tổng cộng 9 năm. Vợ ông, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã mất đi sinh mạng 16 năm trước sau khi phải chịu những đòn tra tấn tàn bạo của cảnh sát nhà tù.

Ông Dương, một trong những tình nguyện viên điều phối điểm tập Pháp Luân Công ở Đại Liên, bị đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt khi cuộc đàn áp bắt đầu. Vào lúc 4h15 sáng ngày 20 tháng 7 năm 1999, một nhóm cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông và bắt ông đi.

Không rõ điều gì đã xảy ra với ông Dương sau lần đầu tiên ông bị bắt. Lần bắt giữ thứ hai là khi ông bị giam ở Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia vào năm 2000, ông đã bị bất tỉnh trong 10 tiếng đồng hồ do mệt mỏi vì bị ép lao động khổ sai.

Ông Dương lại bị bắt vào ngày 24 tháng 4 năm 2002, và bị giam ở Trại tạm giam Diêu Gia trong vài tháng. Cảnh sát đã cố đưa ông đến Trại Lao động Mã Tam Gia một lần nữa, nhưng trại lao động đã từ chối nhận ông. Mặc dù cảnh sát đã phóng thích ông sau đó, họ vẫn quản thúc ông tại gia và không cho ông đi làm.

Để bỏ tù ông Dương, cảnh sát đã ngụy tạo bằng chứng chống lại ông và cáo buộc ông tổ chức một hội nghị quốc tế của các học viên Pháp Luân Công tại Đại Liên.

Ông Dương lại sớm bị bắt trở lại. Ông bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Cam Tỉnh Tử vào ngày 21 tháng 1 năm 2003. Ông tuyên bố rằng tu luyện Pháp Luân Công không có gì sai và cho biết cảnh sát đã đánh đập ông và sốc điện ông bằng dùi cui điện trong 3 ngày để bắt ông thú tội. Thẩm phán đã bí mật kết án ông 4 năm tù ở Trại tù Thành phố Đại Liên.

Vì ông Dương tuyệt thực để phản đối cuộc đàn áp, các lính canh đã giam ông trong một xà-lim nhỏ, bức thực ông và nhét sâu ống bức thực vào trong dạ dày ông để khiến ông đau đớn.

Ông Dương lại bị bắt lần nữa vào ngày 19 tháng 6 năm 2007. Ông thường xuyên bị tra tấn đến mức ngất đi và nôn ra máu. Khi ông được đưa đến Bệnh viện Trung tâm Đại Liên, huyết áp của ông rất cao.

Tòa án Quận Tây Cương đã có 2 phiên xét xử trường hợp của ông (phiên đầu tiên vào ngày 14 tháng 9 năm 2007), nhưng công tố viên đã không thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Tại phiên xử thứ 3, công tố viên thậm chí còn không tham dự, thẩm phán đã trực tiếp kết án ông Dương 5 năm tù ở Trại tù Đông Lăng ở Thẩm Dương. Ông đã phản đối bản án tại tòa nhưng thẩm phán đã nhanh chóng rời đi mà không nói một lời nào.

Liêu Ninh: Một phụ nữ 57 tuổi qua đời sau hai thập niên bị bức hại vì đức tin vào Pháp Luân Công

Trong hai thập niên bức hại Pháp Luân Công, bà Tạ Đức Văn đã bị bắt bốn lần và hai lần lãnh án lao động cưỡng bức với tổng thời gian là bốn năm tám tháng. Bà đã chịu mọi hình thức tra tấn vô nhân đạo, đặc biệt là khi ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia. Cư dân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh không thể chống chọi với tra tấn và đã qua đời vào ngày 21 tháng 1 năm 2021 ở tuổi 57.

2021-4-5-mh-xiedewen.jpg

Bà Tạ Đức Văn

Bức hại và sách nhiễu liên tục cũng khiến cha mẹ già của bà Tạ sống trong sợ hãi. Không chỉ bà Tạ, chị gái và em trai bà cũng bị bắt giữ và bức hại vì đức tin chung vào Pháp Luân Công.

Cha của bà Tạ trở nên suy sụp đến nỗi ông ngã bệnh sau lần bắt giữ thứ tư vào năm 2004. Ông vật lộn với sức khoẻ kém trong ba năm và qua đời hai tháng sau khi bà Tạ mãn hạn án giam ba năm.

Sau đó, bà Tạ sống với mẹ mình. Trong những năm gần đây, bà và mẹ đã bán nhà và phải chuyển đi để tránh sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát. Người mẹ ngoài 90 tuổi của bà không có một ngày sống bình an và hiện suy sụp vì sự ra đi quá sớm của con gái.

Sau 8 lần bị bắt giữ và 4 lần bị tống giam, người phụ nữ Hắc Long Giang đã qua đời sau chiến dịch sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công gần đây nhất

Mặc dù bà Lưu Tú Phương lâm bệnh nặng, các nhà chức trách vẫn buộc bà phải ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và ghi hình bà. Tình trạng của bà nhanh chóng xấu đi trong đau đớn tột cùng. Sáu tháng sau, vào lúc 8 giờ 55 phút tối ngày 29 tháng 1 năm 2021, bà đã qua đời ở tuổi 68.

2021-4-5-mh-liuxiufang.jpg

Bà Lưu Tú Phương

Cái chết của bà Lưu là kết cục bi thảm cho những gì bà phải chịu đựng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 22 năm, trong đó cư dân ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt giữ tám lần, ba lần lãnh án lao động cưỡng bức và một lần lãnh án tù.

Khi ở trong tù, lính canh sử dụng gậy tre dày để đánh bà, trói bà trong tư thế “đại bàng sải cánh”, cưỡng chế bà ngồi trên ghế đẩu nhỏ và còng tay bà ra sau lưng một thời gian dài. Sự tra tấn còng tay khiến người bà run lên vì đau đớn. Tù nhân còn kéo căng cánh tay của bà để làm tăng thêm sự đau đớn. Bà nói rằng lúc đó bà cảm giác một giây dài tựa như cả nghìn năm.

2011-5-2-minghui-persecution-222413-1_nttymud_ciigwqr.jpg

Minh họa tra tấn: Còng tay ra sau lưng

Sau khi bà bị bắt giữ vào năm 2009, cảnh sát đã trói bà vào ghế cọp trong năm ngày và không cho phép bà ăn hay ngủ trong ba ngày liên tiếp, khiến bà bị mất kiểm soát việc đại tiểu tiện.

Chồng và con trai bà Lưu (đều không tu luyện Pháp Luân Công) đã bị bắt cùng với bà. Cảnh sát đã tát vào mặt chồng bà và trói ông vào ghế cọp trong ba ngày. Họ buộc ông phải lăn tay điểm chỉ vào một tài liệu và giam ông thêm hai ngày trong trại tạm giam. Con trai của bà Lưu cũng bị giam hai ngày, trong đó một ngày bị trói trên ghế kim loại. Hai chiếc điện thoại di động của anh đã bị tịch thu.

Chồng của bà Lưu đã bị tổn thương sau khi bị giam giữ và tra tấn. Đôi mắt ông đờ đẫn và ông trở nên khép mình. Trí nhớ của ông giảm sút và đôi khi quên mất mình đang làm gì. Thậm chí vài năm sau, ông vẫn chưa thể phục hồi.

Bà Lưu cũng bị suy tim và huyết áp cao do bị tra tấn trong nhà tù, nhưng các lính canh đã từ chối để bà được tạm tha y tế với lý do là bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà Lưu đã phải vật lộn với tình trạng sức khỏe yếu sau khi được thả. Bà bị đột quỵ vào tháng 6 năm 2019 và phải nằm liệt giường.

Trong chiến dịch sách nhiễu “Xóa sổ” bắt đầu vào đầu năm 2020, nhà chức trách đã sách nhiễu bà vào tháng 7 năm 2020 và buộc bà phải điểm chỉ vào tài liệu đã chuẩn bị sẵn để từ bỏ Pháp Luân Công. Họ cũng ghi hình bà để dùng làm bằng chứng về việc họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Sự sách nhiễu càng làm tình trạng của bà Lưu trở nên nghiêm trọng hơn và bà qua đời sau đó sáu tháng.

Cựu chiến binh Giang Tô đã qua đời sau 11 năm nằm liệt giường

Sau khi nằm liệt giường trong tình trạng thực vật 11 năm, ông Trương Triêu Quý ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đã qua đời ở tuổi 83 vào ngày 30 tháng 1 năm 2021.

Ông Trương, một quan chức quân đội đã về hưu của Sư đoàn Quân đội Thành phố Tô Châu ở tỉnh Giang Tô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông Trương đã tới chính quyền Thượng Hải để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 21 tháng 7. Sau khi ông trở về, Lưu Song Vinh, Trưởng Phòng An ninh Nội địa Quận Bình Giang nỗ lực bắt giữ ông nhưng không thành công.

Lưu gửi một số yêu cầu tới sư đoàn quân đội để bắt giữ ông Trương, nhưng liên tục bị từ chối. Sau đó, ông ta liên hệ với chính quyền thành phố Tô Châu và Phòng 610 địa phương, một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp được thành lập để bức hại Pháp Luân Công và yêu cầu họ gây áp lực cho quân đội bắt giữ ông Trương.

Bị các nhà chức trách gây áp lực, sư đoàn đã giam giữ ông Trương và giam ông trong một trung tâm tẩy não. Họ còn cưỡng chế ông phải từ bỏ quân ngũ.

Sau khi ông nghỉ hưu, quân đội tiếp tục tẩy não và đe dọa ông. Họ còn giám sát nghiêm ngặt cuộc sống hàng ngày của ông. Khi ông Trương về quê ở gần thành phố Dương Châu trong dịp Tết Nguyên Đán, quân đội đã cử người theo dõi ông trong suốt chuyến đi.

Cùng thời điểm đó, Lưu là Đội trưởng Đội An ninh Nội địa, cảnh sát địa phương và nhân viên ủy ban khu dân cư đã lần lượt sách nhiễu ông Trương và giám sát cuộc sống hàng ngày của ông. Sự sách nhiễu một thời gian dài và áp lực tinh thần đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của ông. Cuối năm 2010, ông bị tàn tật và hoàn toàn mất trí nhớ. Ông ở trong tình trạng thực vật và nằm liệt giường 11 năm, sau đó qua đời vào ngày 30 tháng 1 năm 2021.

Ông Trương không phải là người duy nhất trong gia đình bị nhắm tới vì tu luyện Pháp Luân Công. Vợ ông, bà Trình lần đầu bị bắt giữ và giam giữ hai giờ đồng hồ vào tháng 7 năm 2008. Tháng 3 năm 2013, bà bị bắt giữ một lần nữa và nhà bị sách nhiễu vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Cả con trai và con gái của hại vợ chồng bà cũng bị cưỡng chế ly hôn bởi sự liên lụy trong cuộc bức hại.

Trong suốt 11 năm ông Trương nằm liệt giường, quân đội từ chối hoàn lại các chi phí y tế cho ông mặc dù bảo hiểm của ông đã bao gồm những chi phí đó. Khi bà Trình tìm cách lấy lại chi phí y tế cho chồng, quân đội đã đe dọa bắt giữ và kết án tù bà.

Một phụ nữ Liêu Ninh hàm oan qua đời sau 5,5 tháng ra tù

Bà Trần Vĩnh Xuân, 50 tuổi, một cư dân thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 4 tháng 3 năm 2021, gần 6 tháng sau khi mãn hạn án tù 5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 19 tháng 10 năm 2015, bà Trần, chủ một tiệm giặt là đã bị bắt giữ vì đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Trong một năm bảy tháng bị giam giữ ở trong trại tạm giam Thành phố Doanh Khẩu, lính canh đã ba lần trói bà Trần vào một tấm phản ở tư thế “đại bàng sải cánh” và chỉ cởi trói cho bà khi bà sử dụng nhà vệ sinh hoặc khi bà ăn. Tù nhân đã nhét giẻ vào miệng bà Trần khi bà hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản kháng. Đôi khi, họ còn đổ nước vào mũi bà hoặc giẫm lên ngực bà.

Đầu năm 2017, bà Trần bị kết án năm năm tù tại Nhà tù Nữ Thẩm Dương. Bà Trần bị cưỡng ép làm việc nhiều giờ mỗi ngày và không được phép sử dụng nhà vệ sinh hoặc nghỉ giải lao. Những tổn thương về thể chất và tinh thần do bị tra tấn khiến bà sụt cân nhanh chóng. Bà thường xuyên rơi vào trạng thái tinh thần mơ hồ và chán ăn. Năm 2019, bà Trần được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bà đã phải nhập viện ba lần, nhưng tình trạng của bà càng trở nên tồi tệ hơn.

Ngày 18 tháng 10 năm 2020, vào thời điểm bà Trần được trả tự do, chồng bà đã rất đau lòng khi nhìn thấy vợ mình bị bức hại đến người gầy như que củi, tinh thần thất thường và không thể tự đi lại. Bất chấp tình trạng sức khỏe của bà, cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà tại nhà, và bà vẫn sống trong sợ hãi.

Vào ngày 4 tháng 3 năm 2021, sau gần 6 tháng vật lộn với sức khỏe yếu, bà Trần đã qua đời trong bệnh viện.

Người phụ nữ Cam Túc qua đời do bị sách nhiễu trong thời gian dài, có nhiều camera giám sát được lắp đặt thêm trước khi bà qua đời vài tháng

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Khang Thiến Hoa đã liên tục bị bắt giữ, sách nhiễu và giám sát. Bà bị đưa tới trại lao động cưỡng bức một lần và bị giam giữ trong trung tâm tẩy não vì kiên định đức tin của mình. Sự sợ hãi và áp lực đã khiến sức khỏe của bà suy giảm và bà đã qua đời ở tuổi 56 vào ngày 12 tháng 3 năm 2021.

Một vài tháng trước khi bà qua đời, cảnh sát lắp đặt thêm nhiều camera giám sát trong tòa chung cư để giám sát bà.

Bà Khang từng kể lại: “Cuộc bức hại đã khiến gia đình tôi chịu áp lực không thể tưởng tượng được. Sự ngược đãi tinh thần thật sự tàn khốc. Khi cha tôi bị buộc phải ký vào một lệnh bắt giữ của tôi, ông đã suy sụp trong nước mặt. Cuộc bức hại đã gây ra tổn hại nặng nề tới sức khỏe của ông. Ông bắt đầu bị suy tim và phổi, cuối cùng ông đã qua đời.”

“Sau khi mẹ chứng kiến tôi bị bắt giữ nhiều lần, bà rất lo sợ mỗi khi nhìn thấy cảnh sát, bà sợ rằng tôi sẽ lại bị bắt giữ một lần nữa. Bà sống trong sợ hãi mỗi ngày. Còn con gái tôi, cháu đã bật khóc nhiều lần sau khi tôi bị bắt giữ.”

Bà Khang ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc bị bắt giữ lần đầu vào năm 2000 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Vào tháng 12 năm 2000, bà Khang đã bị kết án một năm hai tháng tại Trại Lao động Cưỡng bức Bình An Đài. Bà bị các tù nhân giám sát nghiêm ngặt, bị cưỡng ép lao động nặng nhọc không được trả lương, thường xuyên bị đánh đập và tẩy não. Lính canh từng treo người bà lên (bằng cách treo cổ tay của bà) trong phòng tối trong một khoảng thời gian dài khiến bà không thể cử động được cánh tay của mình trong nhiều ngày.

Bởi bà Khang từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, bà đã bị đưa thẳng tới trung tâm tẩy não ngay sau khi mãn hạn lao động cưỡng bức. Bà bị giam giữ trong trung tâm tẩy não này trong vài tháng.

Năm 2015, sau khi bà đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc vì phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, cảnh sát bắt đầu sách nhiễu bà thường xuyên.

Vào tháng 4 năm 2019, cảnh sát lắp đặt camera giám sát trong thang máy ở tòa chung cư của bà Khang và gần đèn đường, ống kính camera hướng thẳng vào cửa căn hộ của bà.

Hai tuần sau, vào tối ngày 28 tháng 4 năm 2019, trong khi bà Khang đang trên tàu tới Thượng Hải thì bị an ninh trên tàu bắt giữ. Sau khi được tại ngoại vào ngày 14 tháng 5, bà bị theo dõi mỗi khi ra ngoài.

Tháng 9 năm 2019, cảnh sát lắp đặt một camera giám sát nhỏ ở cửa vào tòa chung cư của bà. Ngày 6 tháng 11 năm 2020, bà Khang phát hiện thêm nhiều camera giám sát ở cửa vào tầng 1 và tầng 2 trong căn hộ của mình.

Người phụ nữ Liêu Ninh đã qua đời 3 năm sau khi đã phải chịu đựng 10 năm tù và tra tấn liên tục

Ngày 21 tháng 7 năm 2018, vào thời điểm bà Vương Thục Mai được trả tự do sau 10 năm thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công, tóc của bà đã bị bạc, bốn chiếc răng của bà ấy bị gãy cùng bảy chiếc khác bị lung lay, và thị lực của bà cũng trở nên không rõ ràng.

Bất chấp tình trạng của bà Vương, cảnh sát vẫn tiếp tục quay lại sách nhiễu và yêu cầu bà viết bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Chồng bà có tình nhân khác và đã bỏ rơi bà khiến bà vô cùng tuyệt vọng. Bà Vương ở với chị gái, người đã chăm sóc cho bà. Ngày 12 tháng 3 năm 2021, sau khi vật lộn với sức khỏe yếu trong gần ba năm, người dân ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh này đã qua đời ở tuổi 59, chỉ một ngày sau khi con trai bà đón bà trở về nhà.

Ngày 21 tháng 7 năm 2008, bà Vương bị bắt giữ trong một cuộc truy bắt của cảnh sát và Tòa án Quận Trầm Bắc Tân kết án bà 10 năm tù.

Tại Nhà tù Nữ Liêu Ninh, bà Vương bị cưỡng ép làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày, phải may áo len từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, và bà còn bị buộc phải đứng đến 1 giờ sáng rồi mới được phép đi ngủ.

Bởi vì bà Vương kiên định vào đức tin của mình, lính canh đã xúi giục tù nhân giám sát và tra tấn bà. Một vài người trong số họ đã treo bà ấy lên đủ cao để chân bà không chạm tới sàn. Thỉnh thoảng họ còn kéo tóc bà Vương và dúi đầu bà vào một xô đầy nước, khiến bà suýt bị dìm chết. Những người khác thì tát vào mặt và véo đùi bà mỗi ngày. Ngay cả khi bà Vương đang phải lao động cưỡng bức, các tù nhân đôi khi vẫn đánh bà mà không có lý do.

Một tù nhân bị giam giữ vì tội giết người đã tra tấn bà Vương bằng cách buộc bà mở miệng và đẩy vào răng bà ấy. Mặc dù không có thương tích nào rõ ràng, nhưng răng của bà ấy trở nên lung lay và bắt đầu bị đau.

Để ngăn bà Vương luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, các tù nhân thường còng tay bà ấy sau lưng ngay cả khi bà ngủ. Đôi khi họ xé ga trải giường và trói bà trên giường. Họ trói bà ấy chặt đến mức khiến cổ tay bà bị thương. Bởi vì bà Vương hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối bức hại, các tù nhân đã bịt miệng bà bằng băng keo.

Bà Vương được chuẩn đoán mắc bệnh hạ đường huyết do liên tục bị ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần, cùng 12 giờ lao động cưỡng bức mỗi ngày và một chế độ ăn không đầy đủ. Kết quả là, bà ấy bị chuyển đến phân khu 11 dành cho người già và những người tàn tật vào ngày 25 tháng 1 năm 2012. Lính canh tiếp tục buộc bà phải lao động không công và lần này là làm tăm bông.

Trong suốt thời gian bà Vương ở tù, gia đình bà nhiều lần yêu cầu được vào thăm bà ấy, nhưng lần nào cũng bị lính canh từ chối. Khi chị gái đến đón bà bên ngoài nhà tù, chị bà gần như không thể nhận ra ai đang đứng trước mặt mình.

Bài liên quan:

83 học viên Pháp Luân Công qua đời bởi cuộc bức hại trong năm 2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/5/422939.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/8/191788.html

Đăng ngày 22-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share