Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 16-05-2021] Trong tháng 4 năm 2021 đã có 13 học viên Pháp Luân Công qua đời được báo cáo do cuộc bức hại đối với đức tin của họ, nâng số trường hợp tử vong được xác nhận tính đến nay là 40 người.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, vô số học viên đã bị bắt, giam giữ, kết án và tra tấn. Cho đến nay, hơn 4.500 trường hợp tử vong do hậu quả của cuộc bức hại đã được trang Minh Huệ báo cáo. Nhiều trường hợp khác vẫn chưa được xác nhận do việc thông tin bị phong tỏa ở Trung Quốc.

Trong số 13 trường hợp qua đời mới được xác nhận, ba trường hợp diễn ra trong năm 2020, tháng 1 và tháng 2 năm 2021, mỗi tháng một trường hợp, tháng 3 và tháng 4 năm 2021 mỗi tháng có 4 trường hợp.

13 học viên qua đời, bao gồm tám phụ nữ, ở 11 tỉnh và thành phố, trong đó Quý Châu và Hắc Long Giang, mỗi nơi hai trường hợp. Ngoại trừ bốn học viên không rõ độ tuổi, chín học viên khác trong độ tuổi từ 53 đến 83, với độ tuổi trung bình là 68.

Ba trong số các học viên đã qua đời trong các nhà tù, bao gồm một phụ nữ 57 tuổi thụ án 11,5 năm, một đại tá đã nghỉ hưu đang thụ án 7,5 năm và một người đàn ông 69 tuổi đang thụ án 7 năm. Một người đàn ông 83 tuổi bị kết án 7 năm đã qua đời vài giờ sau khi được đưa về nhà trong tình trạng thở oxy.

Một số học viên qua đời là do bị sách nhiễu, giam giữ, tra tấn và bị ép dùng thuốc không rõ nguồn gốc trong thời gian dài. Một người phụ nữ Thượng Hải đã bị giam trong bệnh viện tâm thần hơn 20 lần và trở nên mê sảng sau khi bị tiêm thuốc độc. Một cựu giáo viên dạy lịch sử bị mất gần hết răng và mắc bệnh tim nặng khiến ông không thể làm bất kỳ công việc gì, trước khi qua đời ở tuổi 53.

Dưới đây là thông tin về một số trường hợp. Thông tin đầy đủ của 13 trường hợp qua đời được tải xuống tại đây (PDF).

Qua đời trong khi bị giam giữ

Tỉnh Hắc Long Giang: Người đàn ông 69 tuổi đột ngột tử vong trong nhà tù khi đang thụ án vì đức tin của mình

Ngày 4 tháng 4 năm 2021, ông Lữ Quan Như, một cư dân ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời trong khi đang thụ án bảy năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhà tù Thái Lai cáo buộc rằng ông Lữ Quan Như qua đời do bị đột quỵ, nhưng gia đình ông nghi ngờ rằng có thể ông đã bị tra tấn đến chết vì Nhà tù Thái Lai có thành tích tra tấn các học viên bị giam giữ từ chối từ bỏ đức tin của mình.

0004492b04bceaa0c0feef30c924ad33.jpg

Ông Lữ Quan Như

Ngày 9 tháng 11 năm 2018, ông Lữ bị bắt giữ trong một cuộc truy bắt hơn 60 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Khánh và thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang. Trong khi ông đang bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Đại Khánh, cảnh sát đã thẩm vấn ông, buộc ông phải đeo cùm và đứng trong nhiều giờ. Vụ bắt giữ của ông được Viện kiểm sát Nhượng Hồ Lộ phê chuẩn vào ngày 15 tháng 12 năm 2018.

Khi ông Lữ tuyệt thực để phản đối sự bức hại, lính canh đã bức thực ông khiến ông nôn ra máu và bị suy tim. Ông đã ở bên bờ vực của cái chết và được hồi sức nhiều lần tại bệnh viện.

Ngày 30 tháng 3 năm 2019, ông Lữ bị Viện Kiểm sát quận Nhượng Hồ Lộ truy tố và Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ đưa ông ra xét xử vào ngày 6 tháng 6 năm 2019. Hai luật sư đã biện hộ vô tội cho ông và ông cũng tự biện hộ cho mình. Ngày 1 tháng 7 năm 2019, thẩm phán kết án ông bảy năm tù giam cùng với 40.000 nhân dân tệ tiền phạt. Ông đã kháng án, nhưng ngày 23 tháng 7 Tòa án Trung cấp Thành phố Đại Khánh đã giữ nguyên bản án mà không mở phiên xét xử.

Bất chấp tình trạng sức khỏe của ông, ngày 30 tháng 7 năm 2019, trại tạm giam vẫn đưa ông tới Nhà tù Hô Lan để thụ án mà không thông báo cho gia đình. Lính canh nhà tù nói rằng ngay cả khi ông bị tàn tật, họ vẫn sẽ tiếp nhận ông.

Tháng 11 năm 2019, ông Lữ bị chuyển tới Nhà tù Thái Lai và ông đã qua đời ở đó vào ngày 4 tháng 4 năm 2021.

Ông Lữ, một cựu giám đốc tài chính xây dựng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1994 và ông tin rằng pháp môn đã giúp trị khỏi bệnh của ông.

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông bị giam giữ hai lần và thụ án hơn một năm lao động cưỡng bức. Tại trại lao động, ông bị đánh đập, tra tấn “đóng băng” và bị trói bằng những sợi dây thừng mỏng. Ông còn bị cưỡng bức lao động nặng nhọc khiến ông già đi nhanh chóng. Sau khi được thả, ông Lữ buộc phải sống xa nhà 18 năm để tránh sự bức hại.

Năm 2006, khi con gái kết hôn, ông Lữ và vợ chỉ đủ tiền mua một bộ quần áo mới cho cặp vợ chồng con gái. Con gái ông đã khóc trong khi cùng họ đi mua quần áo.

Ông Lữ kể lại: “Tôi biết con gái không muốn chúng tôi làm thêm bất cứ điều gì cho cháu, cháu biết chúng tôi kiếm sống khó khăn như thế nào. Nhưng [mua bộ quần áo] này là điều duy nhất mà chúng tôi có thể làm cho con bé.”

Kế toán viên qua đời trong khi đang thụ án 11,5 năm vì kiên định đức tin

Trong khi chờ kết quả kháng cáo bản án 11,5 năm tù tại trại giam, bà Mao Khôn, một kế toán viên của thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bất ngờ được đưa đến bệnh viện cấp cứu vào khoảng ngày 9 tháng 4 năm 2021. Gia đình bà đã được yêu cầu làm đơn xin tạm tha y tế cho bà. Nhưng trước khi họ có cơ hội nộp đơn, bà Mao đã qua đời trong bệnh viện vào tối ngày 11 tháng 4 ở tuổi 57.

Tương tự như trường hợp của ông Lữ, gia đình bà Mao cũng nghi ngờ rằng việc tra tấn có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bà đột ngột qua đời.

b407ff126fed3f1644dea6818e860e2b.jpg

Bà Mao Khôn

Hàng chục cảnh sát đã lục soát nhà bà Mao từ 4 giờ chiều ngày đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Nhiều đồ đạc cá nhân và tài liệu thông tin về Pháp Luân Công đã bị tịch thu. Cha mẹ của bà Mao, ngoài 80 tuổi, đang sống với bà đã vô cùng hoảng sợ trước cuộc đột kích của cảnh sát. Họ khóc ở hành lang trong khi cảnh sát đang lục soát nhà của họ.

Trong phiên tòa, bà Mao đã kể lại việc cảnh sát đã đánh đập bà như thế nào trong quá trình bắt giữ. Bà làm chứng rằng một nhóm sĩ quan đã đập cửa và trước khi bà mở cửa, các cảnh sát đã xông vào. Một người đã đấm vào mắt và đánh ngã bà. Họ ghì bà xuống sàn và còng tay bà ra sau lưng khiến bà bị gãy tay.

Luật sư của bà Mao hỏi: “Bà có nhớ cảnh sát đánh bà trông như thế nào không?” Bà Mao trả lời rằng bà có nhớ.

Trước khi bà mô tả lại dáng vẻ của viên cảnh sát đó, công tố viên đã ngăn bà lại và phủ nhận rằng cảnh sát đã sử dụng bạo lực trong quá trình bắt giữ bà. Ông ta cho rằng bà bị thương là do bị cánh cửa rơi trúng.

Thẩm phán sau đó đã kết án bà Mao 11,5 năm tù với khoản tiền phạt 20.000 nhân dân tệ. Đây là lần thứ hai bà bị kết án, sau khi bị kết án 5,5 năm trước đó bởi Tòa án quận Vũ Hầu vào ngày 10 tháng 10 năm 2008. Trước đó, bà đã bị kết án một năm trong Trại lao động cưỡng bức Nam Mộc Tự vào cuối năm 1999 và thời hạn của bà đã được gia hạn thêm chín tháng. Bà lại bị bắt vào ngày 10 tháng 12 năm 2001, chỉ vài tháng sau khi được trả tự do, và bị giam thêm một năm trong trại lao động.

Một đại tá về hưu qua đời trong tù, gia đình nghi ngờ ông bị ám hại

Vào tối ngày 12 tháng 4 năm 2021, gia đình của ông Công Phi Khải nhận được cuộc gọi từ lính canh và được biết vị đại tá đã nghỉ hưu 66 tuổi ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông vừa được đưa đến bệnh viện để hồi sức cấp cứu.

Một lúc sau, lính canh đã gọi lại và nói rằng ông Công, người đang thụ án 7,5 năm trong Nhà tù Tế Nam (còn gọi là Nhà tù Tỉnh Sơn Đông) vì tu luyện Pháp Luân Công đã qua đời vì đột quỵ.

2021-5-14-i081108_02--ss.jpg

Ông Công Phi Khải

Khi gia đình ông Công đến bệnh viện vào sáng hôm sau, bác sỹ và chức trách nhà tù từ chối cho họ nhìn thấy thi thể ông. Với sự phản đối mạnh mẽ của gia đình, anh trai và cháu trai của ông Công cuối cùng đã được phép vào quan sát thi thể của ông, nhưng không được chụp ảnh hoặc quay video.

Theo anh trai của ông cho biết, đầu của ông Công bị thương và sưng lên và có máu trong tai.

Trong suốt một năm rưỡi trước khi ông Công qua đời, nhà tù đã không cho phép gia đình đến thăm ông, lấy lý do là vì đại dịch. Gia đình cho biết họ không biết gì về tình hình sức khỏe của ông và liệu ông có bị tra tấn trong nhà tù hay không.

Theo video giám sát do lính canh cung cấp, ông Công trông yếu ớt và nằm trên giường vào buổi tối ngày ông qua đời. Một bác sỹ nhà tù đã đến đo huyết áp cho ông, nhưng bác sỹ đã bỏ đi mà không thực hiện bất kỳ biện pháp điều trị nào cho ông. Khoảng 8 giờ 32 tối, ông Công bị ngã xuống đất và không thể di chuyển, nhưng xe cấp cứu tận 9 giờ tối mới tới nơi.

Trong khi lính canh gọi điện cho gia đình báo rằng ông Công bị đột quỵ và qua đời là do ông không tuân thủ điều trị bệnh huyết áp cao, gia đình ông đặt câu hỏi tại sao nhà tù không thông báo sớm hơn về tình trạng của ông hoặc tạm tha ông để điều trị y tế.

Gia đình ông cho biết có quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, chẳng hạn như ông Công bị huyết áp cao từ bao giờ, nhà tù đã điều trị gì cho ông, liệu họ có hồ sơ về bệnh đó hay không, tại sao bác sỹ lại không điều trị cho ông một ngày trước khi ông qua đời và tại sao phải mất nửa giờ xe cấp cứu mới đến được nơi.

Ông Công bị bắt giữ trong một vụ bắt giữ tập thể hơn 20 học viên Pháp Luân Công từ ngày 16 đến ngày 17 tháng 10 năm 2017. Ông bị giam giữ tại trại tạm giam Phổ Đông ở Tức Mặc, tỉnh Sơn Đông. Tòa án quận Thị Bắc đã tổ chức hai phiên xét xử vào ngày 24 tháng 5 và ngày 22 tháng 6 năm 2018, trước khi tuyên án ông 7,5 năm tù với số tiền phạt 20.000 nhân dân tệ vào ngày 20 tháng 7 năm 2018.

Qua đời sau khi bị sách nhiễu và giam giữ trong thời gian dài

Bệnh nhân ung thư khỏi bệnh nhờ tu luyện Pháp Luân Công đã qua đời sau khi bị giam giữ 20 lần trong bệnh viện tâm thần

Sau khi bà Lư Tú Lệ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối và phải làm phẫu thuật cắt tuyến vú, bà vẫn rất yếu và xanh xao. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó bác sỹ của bà Lư rất kinh ngạc về sức khỏe của bà và nước da của bà đã sáng hơn trong khi đó hầu hết những bệnh nhân ung thư vú khác mà bác sỹ biết đều đã qua đời.

Bí quyết hồi phục thần kỳ của bà Lư không phải dựa vào bất kỳ phương thuốc nào mà là nhờ tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân gồm năm bài công pháp có thể tăng cường lưu thông năng lượng vì thế mà nâng cao sức khỏe.

Vì kiên định đức tin của mình sau khi chính quyền cộng sản ra lệnh bức hại vào năm 1999, bà Lư đã bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần 20 lần từ năm 2002 đến năm 2018. Bà có thể bị giam giữ ở bất kì đâu từ bốn tháng tới hơn một năm, thông thường là dưới một năm. Mỗi lần giam giữ, bà đều bị bức thực bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Cuối năm 2018, ngay sau khi bà Lư xuất viện (một bệnh viện tâm thần), bà bị bắt giữ một lần nữa và bị đưa tới Trại Dưỡng lão Bến cảng xanh Tùng Giang ở vùng ngoại ô của Thượng Hải.

Theo thông tin từ các học viên Pháp Luân Công địa phương tới thăm bà Lư tại bệnh viện tâm thần, bất chấp sự bức hại mà đã phải chịu đựng trước đó, đầu óc bà vẫn rất thanh tỉnh và có thể nói chuyện lưu loát với họ. Nhưng khi họ tới thăm bà ngay sau khi bà bị đưa đến trại dưỡng lão, thì bà ấy đã bị mê sảng và rối loạn. Điều duy nhất mà bà ấy có thể bày tỏ rõ ràng là bà hy vọng có thể thoát khỏi đó.

Cũng có thông tin cho rằng cảnh sát cảnh báo một số học viên địa phương rằng họ (các học viên) sẽ không thể tìm thấy bà Lư cho đến khi bà ấy chết.

Vào mùa xuân năm 2019, một vài tháng sau khi bà Lư được thả, bà đã hoàn toàn rối loạn. Bà không thể nấu ăn hay giặt quần áo, và bà cũng không nhớ chuyện gì đã xảy ra trong trại dưỡng lão.

Những người tới thăm bà Lư tại trại dưỡng lão nói rằng đó là một cơ sở tư nhân có điều kiện tồi tàn hơn rất nhiều so với các bệnh viện tâm thần khác. Bà Lư bị giam giữ trong một căn phòng rộng cùng với gần 100 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần. Mặc dù căn phòng nối tiếp với sân sau nên các bệnh nhân có thể đi ra ngoài, nhưng toàn bộ khu vực được rào chắn bằng lưới thép.

Hai hoặc ba y tá phụ trách chăm sóc cho gần 100 bệnh nhân cả ngày lẫn đêm. Mỗi bệnh nhân có một chiếc giường ngủ rất nhỏ. Bởi các y tá không thể chăm sóc cho nhiều bệnh nhân cùng một lúc, nên các bệnh nhân thường lấy trộm tiền, hoa quả và sữa chua của nhau. Do đó mỗi bệnh nhân còn được phát một chiếc tủ nhỏ có khóa để cất giữ đồ cá nhân.

Y tá nói với học viên tới thăm bà Lư rằng tất cả bệnh nhân ở đó đều bị gia đình bỏ rơi, gia đình họ không mong muốn họ có thể sống để ra khỏi cơ sở này.

Bởi gia đình bệnh nhân không bao giờ tới thăm, bà Lư không thể mượn điện thoại của họ để gọi cho gia đình mình. Bất cứ khi nào có học viên tới thăm bà, thì cảnh sát sẽ liên lạc với học viên đó, điều này cho thấy cảnh sát vẫn đang giám sát bà nghiêm ngặt.

Tháng 11 năm 2020, khi chồng bà Lư nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bà lại bị đưa vào trại dưỡng lão lần nữa. Vào tháng 2 năm 2021, bà Lư qua đời sau khi chồng bà qua đời được ba tháng.

Người đàn ông 83 tuổi bị kết án bảy năm tù vì kiên định đức tin, đã qua đời vài giờ sau khi được đưa về nhà trong tình trạng thở oxy

Ông Hoàng Khánh Đăng, 83 tuổi, đang thụ án vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, đã qua đời sau vài giờ được đưa về nhà trong tình trạng phải thở oxy vào ngày 26 tháng 3 năm 2021.

Ông Hoàng là cư dân thành phố Lạc Thanh, tỉnh Chiết Giang. Ông đã bị bắt tại nhà vào ngày 17 tháng 4 năm 2019 và cảnh sát đã tịch thu sách Pháp Luân Công của ông, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một số điện thoại di động và máy tính của ông. Có thông tin cho rằng cảnh sát đã nhắm đến ông khi phát hiện rằng ông đã gửi tin nhắn văn bản cho công chúng về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Vào ngày 12 tháng 3 năm 2020, sau gần một năm bị giam giữ, ông Hoàng đã bị Tòa án thành phố Lạc Thanh kết án bảy năm tù. Ông đã bị đưa vào Nhà tù số 2 Hàng Châu.

Vào giữa tháng 11 năm 2020, một lính canh đã gọi điện cho gia đình ông Hoàng và nói rằng ông Hoàng bị phát hiện mắc sáu căn bệnh và đã được đưa đến bệnh viện để hồi sức cấp cứu. Mặc dù tình trạng của ông rất nguy kịch, nhà tù vẫn từ chối cho ông được tại ngoại.

Vào tháng 3 năm 2021, gia đình ông Hoàng nhận được một cuộc gọi khác từ nhà tù và được thông báo rằng ông đã được đưa trở lại bệnh viện để hồi sức cấp cứu.

Sau đó, vào khoảng 2 giờ chiều ngày 26 tháng 3 năm 2021, ông Hoàng được đưa về nhà trong tình trạng thở oxy. Toàn thân ông tím đen. Gia đình nghi ngờ rằng ông đã bị cho uống thuốc độc trước khi được thả. Ông đã qua đời vào buổi tối hôm đó.

Sức khoẻ bị tàn phá sau ba án tù, cựu giáo viên lịch sử qua đời trong tuyệt vọng

Khi ông Lữ Tùng Minh trở về nhà vào năm 2018, sau khi thụ án tù thứ ba vì tu luyện Pháp Luân Công, ông đã vài lần suýt chết bởi tra tấn trong trại giam. Mất khả năng lao động vì bệnh tim nặng, ông phải dựa vào việc nhặt rau thừa ở chợ nông sản để sống qua ngày. Ông hay bị kiệt sức sau khi mang vác đồ nặng và thường xuyên phải nằm nghỉ. Sau ba năm vật lộn với sức khỏe yếu, người đàn ông 53 tuổi này đã qua đời vào tối ngày 28 tháng 3 năm 2021.

475b8438d402f39aec2a3407a29ff12d.jpg

Ông Lữ Tùng Minh

Ông Lữ mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ và được cha nuôi dưỡng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm tỉnh Hồ Nam năm 1990, ông giảng dạy lịch sử tại một trường trung học ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Năm 1996, ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân.

Ba năm sau, vào năm 1999, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công. Bởi ông Lữ kiên định đức tin của mình, trường trung học đã sa thải ông và ông đã bị kết án ba lần, tổng cộng 14 năm. Trong thời gian thụ án, ông đã chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau, bao gồm treo người, đánh đập, sốc điện bằng dùi cui và cưỡng bức lao động khổ sai nhiều giờ. Sự tra tấn và ngược đãi đã hủy hoại hoàn toàn sức khỏe của ông. Kết quả là, ông xuất hiện triệu chứng bệnh tim nghiêm trọng và đã cả chục lần cận kề cái chết.

Năm 2006, khi ông Lữ được trả tự do sau khi mãn hạn tù đầu tiên, các nhà chức trách đã gây sức ép buộc vợ ông ly hôn ông. Tòa án trao nhà và quyền nuôi con trai cho vợ ông, khiến ông trở thành người vô gia cư không một xu dính túi. Ông phải làm những việc vặt để kiếm sống, kể cả sửa giày ngoài đường và bán đậu phộng.

e2f3619d3b64d4ca529cd183a6421f74.jpg

Ông Lữ Tùng Minh chỉ còn sáu chiếc răng khi được thả

Sau vụ bắt giữ gần đây nhất vào ngày 31 tháng 8 năm 2014, cha của ông Lữ ngoài 80 tuổi, thường xuyên lui tới đồn công an, viện kiểm sát, tòa án, Phòng 610 (một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công), trại tạm giam và chính quyền địa phương, để tìm kiếm sự tự do cho con trai của mình, nhưng vô ích. Người đàn ông lớn tuổi cũng bị trại giam từ chối cho phép đến thăm ông Lữ.

Trong thời gian thụ án bốn năm tại Nhà tù Võng Lĩnh, ông bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ không được cử động 16 tiếng mỗi ngày. Hình thức tra tấn này đã khiến ông thường xuyên bị đau tim và thường xuyên phải cấp cứu hồi sức.

Ngay cả khi bác sĩ đưa ra nhiều thông báo về tình trạng nguy kịch của ông, lính canh vẫn không ngừng bắt ông ngồi trên chiếc ghế nhỏ. Đôi khi ông Lữ nằm lăn ra đất do bị tức ngực dữ dội, dẫn đến huyết áp tăng cao ở mức nguy hiểm. Tuy nhiên, lính canh vẫn không cho ông nằm trên giường theo yêu cầu của bác sĩ.

Không còn nơi nào để tìm kiếm công lý, ông Lữ buộc phải tuyệt thực để phản đối bức hại, khiến sức khỏe của ông ngày càng xấu đi.

Mùa thu năm 2017, một lính canh mới bắt đầu làm việc tại nhà tù đã tra tấn ông Lữ bằng hình thức ngồi và đứng trong thời gian dài một lần nữa, khiến ông lập tức bị đau tức ngực cấp tính. Dù bác sĩ đã đề nghị để ông được tạm tha y tế, nhưng nhà tù vẫn kiên quyết giữ ông và lính canh thường xuyên cấm ông mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt thường ngày. Ông thường xuyên bị bỏ đói và không có đủ quần áo, thậm chí là chăn để giữ ấm.

Ông Lữ được trả tự do vào ngày 31 tháng 8 năm 2018 khi ở trong tình trạng nguy kịch. Ông đã qua đời sau ba năm vật lộn với tình trạng sức khỏe kém và điều kiện sống thiếu thốn.

Bị kết án vì phản kháng một cách ôn hòa sự bạo ngược của ĐCSTQ, người phụ Bắc Kinh qua đời sau khi phát bệnh ở trong tù

Trong mắt của người nhà bà Trương Thục Hương, bà là một người tốt bụng và chu đáo. Dù là một phụ nữ có dáng vóc nhỏ nhắn, nhưng bà đã thể hiện sức mạnh nội tâm to lớn khi đứng lên chống lại sự bạo ngược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Với nhiều thời gian rảnh rỗi sau khi nghỉ hưu, hàng ngày, người phụ nữ Bắc Kinh này thường đạp xe và nói với những người mà bà gặp về sự tàn bạo của ĐCSTQ và chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992.

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà Trương đã nỗ lực không mệt mỏi [giảng chân tướng] cho người dân, nhưng những nỗ lực của bà đã bị tạm ngưng sau khi bà bị bắt giữ vào ngày 21 tháng 6 năm 2017 bởi một cảnh sát mặc thường phục. Sau đó cảnh sát lục soát nhà bà dù không có lệnh khám xét hay xuất trình thẻ cảnh sát. Thông báo giam giữ hình sự bà mà gia đình nhận được sau đó cũng không hề có chữ ký. Các cuốn sách chân tướng Pháp Luân Công cỡ nhỏ cùng vài trăm nhân dân tệ tiền mặt của bà bị lấy đi, nhưng cảnh sát không cung cấp danh sách các đồ vật bị tịch thu.

Sau chưa đầy hai tháng, vào ngày 4 tháng 9, cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của bà Trương tới viện kiểm sát. Khi luật sư của bà tới gặp bà vào ngày 12 tháng 9, lính canh đã từ chối và nói rằng ông không có các giấy tờ cần thiết.

Vì bị ngược đãi trong khi bị giam giữ, chứng huyết áp cao của bà Trương vốn đã khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công bị tái phát, nhưng các nhà chức trách từ chối để bà được tại ngoại điều trị y tế.

Không bao lâu sau khi Viện Kiểm sát Quận Bình Cốc truy tố bà vào ngày 25 tháng 9, bà Trương bị xét xử tại Tòa án Quận Bình Cốc vào ngày 17 tháng 10. Thẩm phán cấm chồng bà tham dự phiên tòa, với lý do ông đã ký tên vào biên bản điều tra khi cảnh sát lục soát nhà của họ và do đó được xem là nhân chứng truy tố.

Ngày 26 tháng 11 năm 2017, bà Trương bị kết án ba năm tù và phạt 6.000 Nhân dân tệ. Bà đã bị giam trong khu 6 sau khi bị đưa tới Nhà tù Nữ Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 5 năm 2018.

Theo lời xúi giục của lính canh, tù nhân Dương Hương Xuân đã ra lệnh cho bà Trương viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, Dương đã tự viết một bản tuyên bố và yêu cầu bà Trương chép lại. Khi thấy bà viết thay rằng bà sẽ không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, Dương đã xé nó ra và yêu cầu bà viết lại.

Cùng với 60 học viên khác bị cầm tù vì kiên định đức tin, bà Trương đã bị chuyển đến khu 3 vào ngày 1 tháng 8 năm 2018, và bị tra tấn tàn bạo hơn.

Ngoài huyết áp cao, bệnh tiểu đường của bà Trương cũng tái phát. Tự nhận mình là người “giúp” bà Trương kiểm soát lượng đường trong máu, tù nhân được giao nhiệm vụ theo dõi bà đã cho bà ăn rất ít đồ ăn trong mỗi bữa ăn và không cho bà uống nước. Bà Trương nhanh chóng gầy hốc hác, tiều tụy và mất kiểm soát đại tiểu tiện.

Ở tuổi của bà (ngoài 70) mọi thứ càng tồi tệ hơn. Bà Trương bắt đầu bị suy nội tạng và ở bên bờ vực của cái chết. Bà được đưa về nhà bằng xe cứu thương vào ngày 3 tháng 4 năm 2019.

Mặc dù gia đình đã đưa bà đến bệnh viện, bà Trương vẫn rất yếu và nằm liệt giường.

Ngày 27 tháng 8 năm 2019, nhân viên của Sở Tư pháp Hưng Cốc đã đưa bà Trương đi khám sức khỏe. Thấy bà vẫn bị tiểu đường nặng, họ đưa bà về nhà. Ngày 17 tháng 9 năm 2019, một số nhân viên khác của Sở Tư pháp đã quay lại chụp ảnh bà. Họ yêu cầu bà phải khám sức khỏe ba tháng một lần và báo cáo kết quả với nhà tù.

Các viên chức này đã quay trở lại để sách nhiễu bà Trương cho đến khi bà mãn hạn vào ngày 20 tháng 6 năm 2020. Đồng thời, lương hưu của bà cũng bị đình chỉ.

Sợ hãi trước cuộc bức hại, gia đình bà Trương đã không cho bà tu luyện Pháp Luân Công nữa. Khi các học viên địa phương đến thăm bà, gia đình đã từ chối.

Mặc dù gia đình đã để bà bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công trở lại vào năm 2020 và sức khỏe của bà được cải thiện đáng kể, nhưng bà lại bị ngã gãy xương hông và phải nằm liệt giường. Bà đau khổ khi mất đi hoàn cảnh tu luyện và đã qua đời vào ngày 30 tháng 3 năm 2021, do biến chứng của bệnh tiểu đường, hưởng thọ 73 tuổi.

Cát Lâm: Một người đàn ông qua đời do bị cầm tù và sách nhiễu vài thập niên

Sau một thập niên bị giam cầm và một thập niên bị sách nhiễu liên tục, ông Hầu Khánh Hoa không thể chống chọi với nỗi đau thể xác và tinh thần vì cuộc bức hại đức tin Pháp Luân Công của ông. Cư dân thành phố Thông Hoá, tỉnh Cát Lâm này đã qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2021 ở tuổi 68.

Ông Hầu từng là một quản lý tại một bến xe buýt. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, và được đồng nghiệp biết đến là một người ngay thẳng và thanh liêm.

Mặc dù ông đã bị giáng chức ba năm sau đó khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, cấp trên đã sắp xếp cho ông làm quản lý nhà ăn của đơn vị, một vị trí được cho là “béo bở” mà nhiều người tiền nhiệm của ông đã rút bớt tiền của công ty, nhưng ông Hầu không làm vậy.

Năm 2001, ông Hầu bị công an theo dõi khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Sau khi công an không bắt được ông, họ đã bắt vợ ông và kết án bà một năm lao động cưỡng bức.

Bài liên quan:

27 học viên Pháp Luân Công đã qua đời từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/16/425683.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/20/193227.html

Đăng ngày 07-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share