Bài viết của phóng viên Báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-02-2021] Từ năm 2017, thẩm phán chủ toạ Lý Chí Dũng và phó thẩm phán chủ toạ Trần Hồng Cường của Toà án Huyện Cao Dương ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc đã kết án tù 17 học viên Pháp Luân Công.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999 đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần và thiền định, việc kết án và án tù oan sai đã trở thành một trong những thủ đoạn chính do chính quyền thực thi nhằm bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Toà án Huyện Cao Dương và Viện Kiểm sát Huyện Cao Dương là một trong ba cặp Toà án-Viện kiểm sát do chính quyền thành phố Bảo Định chọn để xử lý các trường hợp về Pháp Luân Công tại khu vực đô thị Bảo Định và những huyện lân cận từ năm 2017. Hai cặp khác là Viện Kiểm sát/Toà án Huyện Thuận Bình và Viện Kiểm sát/Toà án Thành phố Trác Châu. Các Viện kiểm sát phụ trách truy tố và các toà án phụ trách xử lý kết án tù các học viên Pháp Luân Công.

Cụ thể là, Toà án Huyện Cao Dương và Viện Kiểm sát Huyện Cao Dương được giao phụ trách các vụ án ở thành phố An Quốc, huyện Lễ và thành phố Cao Dương.

Bốn trong số các học viên bị kết án, bao gồm cô Lý Kim Doanh (2 năm), cô Lưu Hương Linh (20 tháng), cô Lưu Hương Cúc (20 tháng), và ông Phùng Chí Dũng (18 tháng), đã bị kết án vào năm 2017 trước khi tái phân phối lại các vụ án Pháp Luân Công trên ba khu vực pháp lý Toà án-Viện kiểm sát nói trên.

13 học viên khác, gồm ông Hàn Tuấn Đức, 73 tuổi, (8,5 năm), bà Lý Diễm Thu, (8 năm), bà Tôn Lệ Anh (8 năm), bà Cao Kim Bình, 74 tuổi, (7 năm), bà Trương Hỉ Mai (3 năm 2 tháng), bà Chu Tố Vinh (3 năm 10 tháng), bà Lưu Đông Mai (3 năm), bà Ngô Tuấn Bình (1 năm 6 tháng), bà Trần Tú Mai (1 năm 3 tháng), bà Quách Chí Bình (1 năm 3 tháng), bà Trương Tiểu Kiệm (1 năm), bà Ngô Tân Hoa (1 năm) và bà Mã Hội Hân (6 tháng quản thúc tại gia), đã bị kết án vào năm 2018 và sau đó.

Đặc biệt, bà Mã Hội Hân bị kết án 6 tháng quản thúc tại gia vào ngày thứ hai sau khi bà rơi vào hôn mê vì đột quỵ trong khi bị giam. Hai tuần sau chính quyền đã bí mật chuyển bà đến một trại dưỡng lão mà không được sự đồng ý của chồng bà.

Cuộc bức hại cũng mang đến sự tuyệt vọng và đau khổ cho gia đình các học viên. Chồng của bà Quách đã uống rượu để quên đi u sầu. Với sự u buồn sâu sắc, ông đã qua đời sáu tháng sau đó, không lâu sau sinh nhật lần thứ 60 của mình.

Những án tù đã được định trước

Dựa trên thông tin do Minh Huệ Net thu thập được, mọi trường hợp về Pháp Luân Công ở khu vực Bảo Định trước tiên được Viện kiểm sát địa phương trình lên Viện Kiểm sát thành phố Bảo Định, sau đó sẽ báo cáo lên Toà án Trung cấp Thành phố Bảo Định, trước khi giao cho bất kỳ ba Viện kiểm sát được đề cập ở trên.

Lấy Viện Kiểm sát Huyện Cao Dương làm ví dụ. Sau khi nhận vụ án do toà án trung cấp giao, nó sẽ truy tố học viên và chuyển hồ sơ đến Toà án Huyện Cao Dương. Thẩm phán sẽ tổ chức một phiên toà xét xử học viên. Bản án thật sự được quyết định bởi toà án trung cấp. Sau đó Toà án Huyện Cao Dương sẽ thông báo kết quả cho luật sư của học viên.

Với những vụ án mà chính quyền cho là quan trọng, có lúc nó sẽ được báo cáo lên các cơ quan cấp tỉnh và những quan chức cấp cao hơn để quyết định bản án.

Tập trung đẩy nhanh quá trình truy tố

Trong những năm gần đây, khi ngày càng nhiều thẩm phán và công tố viên nhận thức được sự phi pháp của cuộc bức hại và thể hiện sự miễn cưỡng trong việc kết án các học viên Pháp Luân Công, chính quyền ở nhiều khu vực đang tập trung giao các vụ án Pháp Luân Công cho một số Viện kiểm sát và toà án mà đã theo sát cuộc bức hại từ ban đầu.

Với các thẩm phán và công tố viên được giao nhiệm vụ đặc biệt để xử lý các vụ án Pháp Luân Công, quá trình kết án cũng được đẩy nhanh.

Ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Viện kiểm sát và các toà án ở quận Trường Thanh, quận Điền Kiều và quận Chương Khâu được giao xử lý tất cả vụ án Pháp Luân Công ở Tế Nam.

Ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Viện Kiểm sát Quận Hải Châu và Toà án Quận Hải Châu được giao xử lý hầu hết các vụ án Pháp Luân Công ở khu vực Quảng Châu từ năm 2018.

Những ví dụ khác bao gồm Viện Kiểm sát Quận Hán Dương và Toà án Quận Hán Dương ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc; Viện kiểm sát Thành phố Lăng Hải và Toà án Thành phố Lăng Hải ở thành phố Kim Châu, tỉnh Liêu Ninh; Viện Kiểm sát Quận Phụng Hiền và Toà án Quận Phụng Hiền ở Thượng Hải; Viện Kiểm sát Quận Triều Dương và Toà án Quận Triều Dương ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm.

Bằng chứng giả mạo

Vì không có luật nào cấm Pháp Luân Công ở Trung Quốc nên tất cả các bản án chống lại các học viên đều dựa trên bằng chứng giả mạo và chà đạp pháp luật.

Ngày 12 tháng 5 năm 2020, trong phiên toà xét xử bà Chu Tố Vinh, một giáo viên tiểu học ở Bảo Định, luật sư của bà đã chỉ ra rằng cảnh sát lục soát nhà thân chủ của ông mà không có lệnh khám xét và họ không thể cung cấp danh sách đồ vật bị tịch thu theo quy định của pháp luật là hành vi phạm pháp. Trong lần xông vào nhà lần thứ hai, cảnh sát đã trèo qua hàng rào nhà bà và xông vào.

Luật sư nói thêm rằng theo báo cáo của cảnh sát về việc bắt giữ bà Chu và yêu cầu chấp thuận việc bắt giữ bà, họ đã tịch thu 985 cuốn sách Pháp Luân Công và 133 tờ rơi ở nhà bà. Tuy nhiên, trong danh sách các đồ vật bị tịch thu mà họ nộp lên và trong biên bản truy tố bà Chu lại viết rằng có 977 sách Pháp Luân Công và 113 tờ rơi được thu tại nhà bà Chu. Cả cảnh sát và công tố viên đều không thể giải thích lý do cho sự bất đồng này.

Bà Chu sau đó bị kết án 3 năm 10 tháng tù.

Luật sư của bà Ngô Tuấn Bình cũng có những lập luận tương tự trong phiên toà xét xử bà vào ngày 1 tháng 12 năm 2020. Luật sư chỉ ra rằng việc cảnh sát lục soát nhà thân chủ của ông và tịch thu tài sản cá nhân của bà ấy mà không cung cấp danh sách đồ vật tịch thu là trái pháp luật. Luật sư cũng chỉ ra rằng không có biên bản nào trong bốn lần thẩm vấn là có chữ ký của bà Ngô theo quy định của pháp luật và cảnh sát đã cố ép cung bà.

Luật sư nói thêm rằng bằng chứng truy tố được “xác thực” bởi cảnh sát mà đã bắt giữ bà Ngô, trong khi thực tế cảnh sát không phải là một bên xác thực độc lập có thể xác thực bằng chứng pháp y.

Con gái bà Ngô cũng biện hộ vô tội cho bà tại toà. Cô đề nghị thẩm phán đọc to nội dung những tập sách Pháp Luân Công bị tịch thu từ nhà bà Ngô để quyết định xem chúng có phải là “phá hoại việc thực thi pháp luật” như trong bản truy tố chỉ ra hay không. Thẩm phán chủ toạ Lý Chí Dũng tuyên bố có quá nhiều bằng chứng và ông ta đã không mang những tập sách này đến toà.

Ngoài ra, cảnh sát còn ghi âm việc con gái bà Ngô thừa nhận tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu là thuộc về mẹ cô mà cô không hay biết và đưa cô vào danh sách nhân chứng.

Toà án Huyện Cao Dương đã kết án bà Ngô 1,5 năm tù.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/3/419271.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/27/191151.html

Đăng ngày 18-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share