Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 14-06-2021] Ba cư dân thành phố An Đạt, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bí mật kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công, thậm chí trước cả khi các luật sư của các học viên được phép vào trại tạm giam gặp họ.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Được biết bà Trần Cảnh Tiệp, 65 tuổi bị kết án 1,5 năm tù và bà Triệu Tú Chi bị kết án hai năm tù. Án tù của bà Bùi Ngọc Phương hiện vẫn đang được điều tra.
Cả ba học viên đều bị bắt tại nhà riêng vào tối ngày 24 tháng 12 năm 2020. Họ bị giam ở trong trại tạm giam Thành phố An Đạt và bị từ chối quyền thăm hỏi của gia đình, bất chấp việc bà Triệu đang bị huyết áp cao và bà Bùi cũng gặp một số vấn đề sức khỏe.
Bởi sự phong tòa trong thời gian dịch bệnh bùng phát, mãi đến ngày 19 tháng 3 năm 2021, luật sư của bà Trần mới có thể xem xét hồ sơ vụ án của bà tại viện kiểm sát. Khi luật sư của bà tới trại tạm giam, lính canh đã viện lý do dịch bệnh để từ chối yêu cầu vào gặp thân chủ của ông. Sau nhiều lần yêu cầu, cuối cùng, trại giam mới cho phép luật sư gặp bà Trần.
Ngày 19 tháng 4, khi gặp bà Trần, luật sư đã sốc khi biết rằng thẩm phán đã kết án bà cùng hai học viên khác thông qua phiên xét xử trực tuyến vào ngày 8 tháng 4. Luật sư gọi điện cho viện kiểm sát và hỏi công tố viên tại sao không thông báo cho ông về phiên tòa. Họ trả lời rằng họ không biết bà Trần có luật sư đại diện, mặc dù trên thực tế luật sư đã xem xét hồ sơ vụ án của bà và nộp giấy ủy quyền của luật sư một tháng trước.
Trợ lý công tố viên Lý Anh Minh đã hướng dẫn luật sư tới tòa án, nhưng ông ta cũng hoài nghi về việc tòa án sẽ đảo ngược phán quyết. Lý lẩm bẩm: “Tìm đến tòa án thì cũng vô ích. Nhà nước đã định Pháp Luân Công là tà giáo.”
Luật sư nói rằng ở Trung Quốc không có luật buộc tội Pháp Luân Công hay gán nhãn Pháp Luân Công là tà giáo. Sau đó Lý nói với luật sự: “Ông có thể đi tới tòa án nói chuyện. Nếu tòa án yêu cầu chúng tôi thả họ, chúng tôi sẽ làm. Nếu tòa muốn thay đổi bản án, chúng tôi cũng không phản đối.” Sau đó anh ta cúp máy.
Gia đình bà Trần cũng cố gắng gặp công tố viên, nhưng ông ta từ chối. Gia đình gửi lại cho công tố viên một bức thư nêu chi tiết về những lợi ích sức khỏe của bà Trần khi tu luyện Pháp Luân Công. Vào buổi tối, công tố viên gọi điện thoại cho gia đình và nói rằng họ xử lý vụ án theo pháp luật và chỉ thị của cấp trên.
Sau đó, gia đình bà Trần tìm gặp công tố viên một lần nữa và cố gắng hối thúc ông ta thả bà. Ông ta khẳng định rằng tòa án không biết bà Trần có luật sư đại diện và đó không phải trách nhiệm của họ mà là bộ phận công an phải thông báo cho luật sư về phiên tòa.
Chi tiết vụ bắt giữ ba học viên
Khoảng 6 giờ tối ngày 24 tháng 12 năm 2020, bà Triệu bị bắt giữ và cảnh sát đã lục soát nhà bà trong 3 tiếng đồng hồ. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, một ảnh chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy tính và máy in của bà. Gia đình bà cũng bị đưa tới đồn công an để thẩm vấn và được trả tự do vào đêm muộn.
Lúc 8 giờ 30 phút tối, cảnh sát và nhân viên ủy bản dân cư đã đợi ở bên ngoài nhà bà Bùi và họ đã bắt giữ bà khi bà về đến nhà. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, một ảnh chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy in của bà. Gia đình bà hỏi cảnh sát tại sao lại bắt giữ bà. Họ trả lời rằng họ đã theo dõi bà được một năm.
Cũng vào lúc 8 giờ tối, hơn 20 viên chức gồm người của đồn công an địa phương, ủy ban dân cư và Phòng 610 (một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công), kéo tới nhà bà Trần. Họ không chỉ tịch thu máy tính và máy in của bà mà còn còn rất nhiều tài sản có giá trị gồm 5.000 nhân dân tệ tiền mặt mà gia đình bà để dành cho Tết Nguyên đán, sổ tiết kiệm, thẻ lương (qua ngân hàng) của bà Trần và chồng bà, điện thoại di động của họ, sổ đỏ căn hộ của họ cũng như tiền giấy và tem cổ mà họ đã sưu tập.
Một cảnh sát quát tháo: “Bọn này tới đây để cướp bóc! Muốn thì cứ đi mà kiện!“
Cả bà Trần và chồng bà đã bị đưa tới đồn công an. Sau một đêm thẩm vấn, chồng bà đã được trả tự do vào ngày hôm sau.
Với tất cả tiền tiết kiệm, điện thoại di động và giấy tờ tùy thân bị bị tịch thu, chồng bà Trần phải chật vật với cuộc sống hàng ngày do sự phong tỏa nghiêm ngặt của thành phố trong đại dịch. Ông gọi cho Phòng 610 và yêu cầu trả lại giấy tờ tùy thân và các tài sản bị tịch thu, nhưng cảnh sát đã từ chối và họ còn điều tra tài khoản ngân hàng của gia đình ông để kiểm tra tiền tiết kiệm từ đâu mà có.
Bà Trần từng làm việc tại Nhà máy Bánh kẹo thành phố An Đạt, nhưng bà đã buộc phải nghỉ việc vào đầu những năm 1990 do nhà máy làm ăn thua lỗ. Chồng bà là nhân viên của một nhà máy dệt may cũng bị cho nghỉ việc, gia đình họ phải chật vật để kiếm sống, đặc biệt khi bà Trần bị nhiều căn bệnh khác nhau. Sau đó bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và sức khỏe hồi phục nhanh chóng, điều này cũng giúp gia đình bà tiết kiệm được khoản chi phí y tế.
Bài liên quan:
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/14/426952.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/18/193744.html
Đăng ngày 30-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.