Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 08-03-2021] Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại pháp môn tu luyện này vào tháng 7 năm 1999, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, giam giữ và tra tấn vì từ chối từ bỏ đức tin của họ.

Những năm gần đây, sự bức hại các học viên cao tuổi trở nên đặc biệt tràn lan. Thậm chí cả những học viên ngoài 80 hay 90 tuổi cũng không được tha.

Báo cáo này tập trung vào cuộc bức hại những học viên Pháp Luân Công cao tuổi và việc họ đã bị chính quyền ngược đãi về thể chất và tinh thần như thế nào bất chấp tuổi tác của họ. Một số bị bức hại đến chết do bị tra tấn và chịu áp lực khủng khiếp từ phía nhà chức trách.

Theo dữ liệu Minh Huệ Net thu thập được, tất cả có 710 học viên ngoài 65 tuổi bị bức hại trong năm 2018, bao gồm cả những học viên đã qua đời hay đã bị kết án, bắt giữ và sách nhiễu. Trong năm 2019, số lượng lên tới 980 học viên, tăng 38% và trong năm 2020 là 1.330, tăng 35%.

9e62f6e6d3eee2774710c71e728a3523.jpg

Trong 3.020 học viên bị nhắm đến trong hơn ba năm qua, có 106 học viên đã qua đời do bị bức hại, 350 học viên bị kết án, 1.694 học viên bị bắt giữ nhưng không bị kết án và có 870 học viên bị sách nhiễu. Trong số các học viên bị bắt giữ và sách nhiễu, có tất cả 807 học viên bị lục soát nhà.

4a87e61fbc5991b554a47a6832c5e4bf.jpg

Trong năm 2018, 710 học viên cao niên bị nhắm đến, trong đó có 5 học viên hơn 90 tuổi và 167 học viên ngoài 80 tuổi.

Trong 980 học viên bị bức hại trong năm 2019, có 3 học viên ngoài 90 tuổi và 280 học viên ngoài 80 tuổi.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào năm 2020 với 1.330 học viên bị bức hại vì đức tin của mình. 27 học viên ngoài 90 tuổi và 430 học viên ngoài 80 tuổi. Một học viên 92 tuổi ở tỉnh Giang Tô đã bị bức hại đến chết.

Sau đây là tóm tắt một số học viên đã qua đời từ năm 2018 tới năm 2020. Do việc kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc, số lượng học viên Pháp Luân Công bị bức hại vì đức tin của họ không phải lúc nào cũng được báo cáo kịp thời và sẵn có.

Những cái chết trong năm 2018

Cựu chiến binh ở Liêu Ninh qua đời sau năm năm bị tàn tật ở trong tù

Ông Lý Đức Thành, một cựu chiến binh ở thành phố Cái Châu, tỉnh Liêu Ninh, bị xuất huyết não và hôn mê vào ngày 17 tháng 11 năm 2012, khi đang thi hành án sáu năm tù tại Nhà tù Nam Quan Lĩnh ở thành phố Đại Liên. Ông được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hai tay vẫn bị còng. Còng tay không được tháo ra cho đến khi ông được bảo lãnh đi chữa trị y tế vào ngày 17 tháng 1 năm 2013.

Ông Lý Đức Thành

Nhà tù sẵn sàng thả ông Lý trước thời hạn vì các bác sỹ nói ông chỉ còn sống được vài ngày. Gia đình ban đầu đưa ông đến một bệnh viện địa phương, nhưng họ phải đưa ông về nhà vì nhà tù từ chối chi trả viện phí, mà họ lại không đủ khả năng.

Ông Lý bị liệt nửa người bên trái, và bị mù mắt trái khi được thả ra. Tình trạng của ông ngày càng sa sút, và cuối cùng ông bị tàn tật hoàn toàn và cần được chăm sóc cả ngày đêm. Ông nằm liệt giường và phải truyền đồ ăn bằng ống xông qua mũi.

Ngày 22 tháng 3 năm 2018, tình trạng của ông Lý trở nên nguy kịch và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Ông qua đời sau đó vài giờ, ở tuổi 71.

Người phụ nữ bị bệnh nặng bị tù đến mãn hạn đã chết sau 12 ngày được thả

Ngày 16 tháng 7 năm 2018, gia đình bà Triệu Xuân Diễm phải gọi xe cứu thương để đưa bà tới bệnh viện sau khi bà được trả tự do khỏi nhà tù. Bà đã bị sụt hơn một phần ba cân nặng và không thể đi lại được. Người dân thành phố Kê Tây này đã qua đời vào ngày 28 tháng 7 ở tuổi 65.

Cái chết của bà Triệu là một kết cục bi thảm do nhiều năm liên tục bị ngược đãi vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện đang bị ĐCSTQ bức hại. Bà bị bắt giữ nhiều lần chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công và phải chịu hai án lao động cưỡng bức với tổng cộng gần bốn năm từ năm 2000 đến năm 2011. Bà bị bắt giữ lần cuối vào ngày 11 tháng 7 năm 2013, và ba tháng sau bà bị kết án năm năm tù mà không qua một quy trình xét xử nào. Một chánh án địa phương chỉ đơn giản là đọc to bản án kết tội bà tại một trại tạm giam địa phương.

2021-3-2-i090022_10.jpg

Bà Triệu trước lần bắt giữ cuối cùng

Bà Triệu bị đưa vào Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 11 năm 2013. Bà và các học viên Pháp Luân Công khác thường xuyên bị ép phải dậm chân hoặc ngồi lên giấy có viết tên của nhà sáng lập Pháp Luân Công. Có lúc các tù nhân thậm chí còn nhét giấy vào quần của bà.

Tù nhân Đỗ Hiểu Hà đã ép bà Triệu hàng ngày phải ngồi bất động trên một ghế nhỏ từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối trong hơn hai tháng. Các lính canh đã không những không ngăn Đỗ lại mà còn khuyến khích bà ta và các tù nhân khác tiếp tục ngược đãi bà Triệu bằng cách hứa giảm án tù cho họ.

Bà Triệu kể: “Vào ngày 6 tháng 2 năm 2014, tù nhân Điền Diễm Như đã xúi bẩy tù nhân Vương Ninh đánh bà bằng móc treo quần áo. Vương đánh bà mạnh đến nỗi làm gãy hai cái móc treo. Cô ta cũng chà mặt bà bằng một cái bàn chải nhựa. Mặt bà trở nên sưng phồng. Ngày hôm sau, Điền liên tục đánh bà bằng một ống các tông và nói rằng ống sẽ không gây ra vết thương ngoài da giống như móc treo hay bàn chải. Bà ta không cho phép bà Triệu ngủ hay sử dụng nhà vệ sinh. Có lần bà Triệu chạy đến nhà vệ sinh nhưng đã bị lôi trở lại khiến bà phải đi tiểu ra quần của mình.”

Theo nguồn tin nội bộ, bà Triệu bị cấm ngủ liên tục trong 20 ngày, bắt đầu từ ngày 6 tháng 2 năm 2014. Bà bị đánh đến đầu óc quay cuồng không biết đâu là đông nam tây bắc và đã bị lừa ký tên vào một bản tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Ngày 6 tháng 3 năm 2014, sau khi tỉnh táo trở lại, bà đã viết một tuyên bố phủ nhận tuyên bố trước đây. Tù nhân Điền đã từ chối tuyên bố này của bà và hỏi bà lấy giấy ở đâu để viết. Sau đó bà Triệu đã viết tuyên bố lên tường. Lính canh tù đã cáo buộc bà làm bẩn tường và ra lệnh cho các tù nhân tra tấn bà tàn bạo hơn.

Bà Triệu nhớ lại: “Tháng 3 năm 2014, Vương Ninh đã túm tóc và liên tục đổ những chậu nước lạnh lên đầu tôi. Vào tháng 3, trời rất lạnh, áo len của tôi ướt sũng nước vào tôi không ngừng run rẩy vì lạnh. Nhưng cô ta không cho tôi thay áo và bắt tôi phải đứng bất động ở đó. Cô ta và các tù nhân khác thường xuyên lôi tôi vào một căn phòng không có camera giám sát và cùng nhau đánh đập tôi. Tôi thậm chí còn không nhớ mình đã bị đánh bao nhiêu lần.”

Bà Triệu cũng nhớ lại việc bà bị ép dùng thuốc lạ và nó đã tàn phá sức khoẻ của bà: “Họ nói tôi bị bệnh và cần phải dùng thuốc. Họ cậy miệng tôi và làm gãy một chiếc răng của tôi. Lính canh Tiếu Thục Phân (số hiệu 230355) trông chừng tôi mỗi ngày để đảm bảo rằng tôi phải bị bức thực bằng thuốc hai lần một ngày. Tôi đều bị tiêu chảy sau mỗi lần bị uống thuốc. Rất nhanh chóng, tôi phát hiện mình không thể cầm giữ bất cứ thứ gì. Điền Diễm Như cáo buộc tôi tuyệt thực. Tôi nói rằng sức khỏe của tôi đã bị hủy hoại nghiêm trọng do việc bị họ tra tấn.”

Bà Triệu liên tục nôn mửa và ngày càng yếu đi. Cuối cùng bà được đưa đi kiểm tra sức khỏe vào tháng 10 năm 2016 và bị chẩn đoán u nang gan. Bà phải phẫu thuật để gỡ bỏ khối u nang.

Gia đình bà đã cố đến thăm bà nhiều lần từ khi bà bị cầm tù, nhưng đều bị từ chối. Tuy nhiên, cuối tháng 10 năm 2016, gia đình nhận được một thông báo khẩn yêu cầu đến Bệnh viện Trung tâm thành phố Cáp Nhĩ Tân. Họ đến và thấy bà Triệu không thể ăn uống hay đi lại được. Bà gặp khó khăn khi thở và nói chuyện.

Vương San San, khi đó là trưởng Đội 9 nơi bà Triệu bị giam giữ, sau đó đã nhiều lần nhắn tin cho con trai bà Triệu để yêu cầu trả tiền trang trải chi phí y tế cho mẹ anh. Anh đã đưa tiền mặt cho Vương San San và lính canh Chu Học Minh trong những lần ghé thăm tiếp theo. Hai lính canh đã không thả bà Triệu như đã hứa thậm chí sau khi con trai bà đã đưa tổng cộng 26.000 nhân dân tệ cho họ. Sau đó họ yêu cầu 260 nhân dân tệ mỗi ngày để chi trả cho người chăm sóc bà Triệu hoặc người nào đó trong gia đình phải tới để chăm sóc bà. Con trai bà Triệu nói rằng anh phải tự tay chăm sóc mẹ mình, nhưng hai lính canh đã đổi ý và từ chối.

Bà Triệu vẫn bị cầm tù cho đến khi mãn hạn. Các lính canh Vương và Học đã đòi 60.000 nhân dân tệ để thả bà, nhưng gia đình đã kiên quyết từ chối. Vương và Học sau đó đã giữ lại 5.000 nhân dân tệ ở trong tài khoản trả trước [của tù nhân] của bà.

Giám đốc kinh doanh được trả tự do khỏi nhà tù, đã qua đời sau Giao thừa năm mới 19 ngày

Bà Thôi Hải, 69 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã sống sót sau năm năm tù đày và ngược đãi, nhưng chỉ 19 ngày sau khi Giao thừa năm 2018 bà đã qua đời. Cái chết của bà đánh dấu sự chịu đựng kéo dài hàng thập kỷ vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công của bà.

2018-1-15-minghui-wuhan-cuihai--ss.jpg

Bà Thôi Hải

Bà Thôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996 và ngay sau đó bệnh sỏi mật, bệnh dạ dày và bệnh phụ khoa của bà đã biến mất. Thân thể khỏe mạnh giúp bà luôn tập trung vào công việc và được thăng chức lên làm tổng giám đốc Văn phòng Quảng Châu của Công ty Xuất nhập khẩu Hóa chất Thành phố Vũ Hán.

Cuốc sống của bà Thôi bị gián đoạn khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999. Sau khi bị bắt giữ vào ngày 13 tháng 5 năm 2000 và thụ án ba năm tù, công ty đã sa thải bà.

Vụ bắt giữ thứ năm và cũng là cuối cùng của bà diễn ra vào ngày 18 tháng 10 năm 2012. Bà bị chuyển từ nơi giam giữ này tới nơi giam giữ khác, bao gồm Trung tâm Tẩy não tỉnh Hồ Bắc.

Bà Thôi kể lại sự chịu đựng mà bà phải trải qua trong 70 ngày giam giữ tại trung tâm tẩy não. Bà đã tuyệt thực để phản đối và bị bức thực tàn bạo. Bà còn thường xuyên bị đánh đập và cấm ngủ. Trong một thời gian, bà đã bị cho ăn thức ăn tẩm thuộc độc khiến bà yếu chân và mất trí nhớ.

Tại thời điểm bà được lệnh hầu tòa của tòa án vào ngày 20 tháng 12 năm 2013, bà đã bị thương nặng và phải chuyển vào Bệnh viện An Khang của cảnh sát. Vài giờ trước khi phiên xét xử diễn ra, bà bị đau dạ dày dữ dội những vẫn bị buộc phải tham dự toàn bộ phiên xét xử.

Ngày 6 tháng 1 năm 2014, bà Thôi bị kết án năm năm tù giam. Ba ngày sau, luật sư tới Bệnh viện An Khang để thăm bà và biết rằng sau khi phiên xét xử diễn ra 5 ngày bà đã được đưa tới Bệnh viện Hiệp Hòa bởi tình trạng của bà chuyển biến xấu hơn.

Luật sư nói chuyện với giám đốc Bệnh viện An Khang và biết rằng bà Thôi được chẩn đoán loét tá tràng, sỏi mật và huyết áp cao. Giám đốc lưu ý rằng tình trạng của bà Thôi rất nghiêm trọng.

Ngày hôm sau, luật sư đệ đơn kháng cáo, nhưng tòa án trung cấp ở Vũ Hán đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu vào đầu tháng 4 năm 2018. Nhà tù Nữ Thành phố Vũ Hán đã tiếp nhận bà để thụ án cho tới khi mãn hạn tù.

Khi được trả tự do vào ngày 13 tháng 12 năm 2017, bà Thôi rất tiều tụy.

Người phụ nữ Bắc kinh, 75 tuổi đã qua đời sau chín lần bị bắt giữ và một lần thụ án năm năm tù giam

Bà Vấn Mộc Lan, một cư dân Bắc Kinh, 75 tuổi đã qua đời sau khi bà được bảo lãnh tại ngoài để điều trị y tế chưa đầy hai tháng.

2018-3-24-mh-beijing-wenmulan--ss.jpg

Bà Vấn Mộc Lan

Ngày 14 tháng 10 năm 2017, bà Vấn bị bắt giữ vì phân phát những tờ lịch mang thông tin Pháp Luân Công. Bà bị đưa tới trại tạm giam quận Mật Vân, ở đó bà đã tuyệt thực để phản đối sự giam giữ bất hợp pháp.

Sau hai tháng tuyệt thực, bà Vấn đã bị phù nề toàn thân và lâm vào tình trang nguy kịch. Khi chồng bà từ chối đón bà, trại tạm giam đã tìm một học viên địa phương tới đón bà. Học viên lưu ý rằng bà Vấn có biểu hiện của việc bị cho uống thuốc mê.

Khoảng 10 giờ 30 phút sáng ngày 27 tháng 2 năm 2018, bà Vấn đã qua đời. Cái chết của bà đã kết thục nhiều năm bức hại mà bà phải chịu đựng vì tu luyện Pháp Luân Công. Từ năm 2001 tới năm 2011, bà đã bị bắt giữ sáu lần, vụ bắt giữ thứ 7 của bà diễn ra vào ngày 31 tháng 1 năm 2012. Mặc dù sau đó vài giờ, cảnh sát đã trả tự do cho bà, những ngày hôm sau họ lại bắt giữ bà để lại người chồng 81 tuổi mà không ai chăm sóc. Vào tháng 8 năm 2018, bà bị kết án năm năm tù giam.

Vài tháng sau khi được trả tự do, bà Vấn bị bắt giữ lần thứ 9 vào tháng 10 năm 2017.

Người phụ nữ 67 tuổi đã qua đời sau chưa đầy hai tuần được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế

Bà Lưu Kim Ngọc, một học viên Pháp Luân Công 67 tuổi ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã không được bảo lãnh tại ngoài để điều trị y tế sau hơn một tháng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Sau khi về nhà chưa đầy hai tuần, bà đã qua đời.

Ngày 21 tháng 4 năm 2016, bà Lưu đang ở nhà thì có hơn 20 đặc vụ xông vào. Bà đã rất sợ hãi tới mức ngất xỉu. Cảnh sát lục soát nhà bà, sau đó đưa bà lên xe cảnh sát.

Khi đó chồng, con trai bà và bạn gái của con trai bà không tu luyện Pháp Luân Công cũng bị bắt giữ. Con trai bà Lưu bị tra tấn tàn bạo tại đồn công an địa phương vì từ chối nguyền rủa Pháp Luân Công.

Bà Lưu bị đưa tới trại tạm giam Thành phố Đại Liên và thành viên gia đình bà đã được trả tự do sau khi họ bị bắt giữ vài giờ.

Từng rất khỏe mạnh, bà Lưu nhanh chóng suy giảm sức khỏe do sự ngược đãi bà phải chịu dựng ở trong trại giam. Bà bị cao huyết áp và ngất xỉu nhiều lần.

Khi bà Lưu hầu tòa vào ngày 21 tháng 10 năm 2016, chỉ con trai bà được phép tham dự phiên xét xử. Bà bị kết án ba năm ba tháng tù giam và được ra lệnh thụ án tại Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh.

Bà Lưu từng phàn nàn với gia đình về việc bà đã bị ngược đãi như thế nào ở trong tù. Bà nói: “Thức ăn bốc mùi và có mùi như ma túy. [Lính canh] không cho tôi sử dụng nhà vệ sinh và tôi phải làm bẩn quần rất nhiều lần. Trưởng phòng giam đánh đập tôi cả ngày.”

Dần dần bà không muốn ăn và sức khỏe của bà càng suy giảm hơn. Lính canh chưa từng tìm kiếm sự chăm sóc ý tế cho bà.

Ngày 23 tháng 2 năm 2018, bà Lưu lâm vào tình trạng nguy kịch và chỉ khi đó bà mới được đưa tới bệnh viện nhà tù. Bà được chẩn đoán bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối.

Nhà tù đã gọi điện cho con trai bà đến trả hóa đơn điều trị y tế. Anh nhanh chóng tới bệnh viện và thấy mẹ mình ở trên giường với chân bị cùm. Sáu lính canh giám sát bà cả ngày lẫn đêm. Anh cầu xin họ tháo cùm khi bà cần đi vệ sinh. Lính canh từ chối và bà đã phải đi vệ sinh ra quần của mình.

Con trai bà đã hỏi ý kiến các bác sỹ tại nhiều bệnh viện, tất cả họ đều nói rằng đã quá muộn, tình trạng của mẹ anh không thể điều trị. Anh nộp yêu cầu bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế, nhưng nhà tù đã phớt lờ.

Tình trạng của bà Lưu tiếp tục xấu đi và cuối cùng nhà tù đã phê chuẩn cho bà được bảo lãnh tại ngoại đề điều trị y tế vào đầu tháng 4 năm 2018.

Ngày 15 tháng 4 năm 2018, bà đã qua đời.

Học viên Pháp Luân Công từng bị cầm tù hai lần đã qua đời sau khi bị hôn mê 2 tháng

Bà Chu Lệ Linh ở huyện Như Đông, tỉnh Giang Tô, bất tỉnh trong khi đang bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Một bác sỹ nói rằng bà Chu gặp phải một chấn thương đột ngột dẫn đến việc bất tỉnh. Cảnh sát địa phương từ chối giải thích cho gia đình chuyện gì đã xảy ra khiến bà đột ngột ngất xỉu. Bà vẫn hôn mê trong những năm cuối đời. Hai năm ba tháng sau khi nằm liệt giường, bà đã qua đời vào ngày 14 tháng 6 năm 2018.

2018-6-26-zhu-li-ling_01--ss.jpg

Bà Chu Lệ Linh

Ngày 10 tháng 3 năm 2016, bà Chụ Lệ Linh đột nhiên ngất xỉu. Gia đình bà vội tới Bệnh viện Nam Thông và thấy 30 cảnh sát vây quanh bà. Bà chảy nước dãi và da mặt tái xanh. Những người thân cố gắng nói chuyện với bà, nhưng bà không có phản ứng.

Bà Chu bị ngất xỉu tại trại tạm giam Thành phố Nam Thông, bà bị giam giữ tại đây sau vụ bắt giữ diễn ra vào ngày 1 tháng 9 năm 2015 vì đệ đơn kiện hình sự cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Bà Chu đã hai lần bị cầm tù với tổng thời gian là 8 năm vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Bà nỗ lực khiến Giang phải chịu trách nhiệm cho những đau khổ của mình, nhưng bà lại bị bắt giữ một lần nữa.

Viên cảnh sát đưa bà Chu tới bệnh viện không giải thích tại sao bà bị hôn mê. Họ đe dọa sẽ kiện con trai của bà khi anh không ký vào biên bản đồng ý cho mẹ mình phẫu thuật hộp sọ.

Con trai bà Chu đã ký vào đơn và ca phẫu thuật kết thúc khoảng 9 giờ tối cùng ngày.

Bà Chu rơi vào tình trạng thực vật sau ca phẫu thuật với một mảnh hộp sọ biến mất.

Cảnh sát và Phòng 610 huyện Như Đông thường xuyên có mặt tại nhà của bà Chu để chụp hình bà và sách nhiễu gia đình bà.

Khoảng 1 giờ sáng ngày 14 tháng 6 năm 2018, bà Chu đột nhiên chảy máu âm đạo dữ dội. Bà mất rất nhiều máu tới mức gia đình bà nhìn thấy bụng bà co lại ngay trước mắt họ. Ngay sau đó bà đã qua đời.

Liêu Ninh: Sau 13 năm bị cầm tù, người phụ nữ dân tộc Triều Tiên lại bị bắt giữ một lần nữa và bức hại đến chết

Ngày 6 tháng 10 năm 2018, bà Kim Thuận Nữ rơi vào tình trạng hôn mê trong khi đang bị giam giữ vì nói với mọi người chân tướng Pháp Luân Công

Sau khi hay tin, gia đình bà vội vàng đến bệnh viện, công an ép họ ký tên vào một văn bản tuyên bố miễn trách nhiệm pháp lý bằng cách đe dọa sẽ kết án bà Kim một bản án nặng nếu họ không hợp tác.

Chồng và con gái bà Kim đã ở lại bệnh viện bốn ngày, nhưng bà Kim đã không tỉnh lại. Bà qua đời vào khoảng 4 giờ sáng ngày 10 tháng 10. Thi thể bà đã bị hỏa táng trong ngày hôm đó mà không hề có khám nghiệm tử thi, giấy chứng tử của bệnh viện cho hay bà chết vì lên cơn đột quỵ. Bà Kim dương thọ 66 tuổi.

2018-10-12-mh-jinshunnv--ss.jpg

Bà Kim Thuận Nữ

Bà Kim bị bắt vào ngày 19 tháng 9 năm 2018 tại văn phòng ủy ban khu dân cư địa phương. Bà tới đó hỏi về các thủ tục cần thiết để yêu cầu cầu phục hồi lương hưu của bà, khoản tiền đã bị giữ lại trước đó vì bà bị cầm tù 13 năm bởi từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Bà giải thích với nhân viên văn phòng rằng việc bà bị cầm tù bởi kiên định đức tin của mình là hoàn toàn bất hợp pháp, và rằng tiền lương hưu của bà không nên bị đình chỉ như vậy. Thay vì cung cấp các tài liệu cần thiết, một nhân viên lại gọi điện báo công an. Người của Đồn Công an Tân Hoa đã đến và bắt bà đưa tới trại tạm giam Nam Câu.

Không rõ chuyện gì đã xảy ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi bà bị giam giữ, nhưng bà rơi vào tình trang hôn mê và tử vong vài ngày sau đó.

Cái chết của bà Kim xảy ra chỉ sau ba năm rưỡi kể từ ngày bà được trả tự do sau 13 năm bị cầm tù.

Trong thời gian bà Kim bị cầm tù từ năm 2002 đến năm 2015, chồng bà, ông Thẩm Thiện, cũng bị thụ án 11 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Con gái họ, cô Thẩm Xuân Đình cũng bị kết án ba năm lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công.

Gia đình này cuối cùng đã được đoàn tụ vào năm 2015, nhưng chỉ ba năm sau bà Kim đã qua đời.

Chuyên gia nông nghiệp Cam Túc chết sau nhiều lần bị sách nhiễu vì đức tin của mình

Tháng 10 năm 2018, ông Quách Chấn Bang ở thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc đã qua đời ở tuổi 76 sau nhiều lần bị sách nhiễu vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu, ông Quách đã bị giam giữ và sách nhiễu nhiều lần cũng như bị đặc vụ Phòng 610 đe dọa. Vào tháng 3 năm 2018, cảnh sát tới nhà của ông nhiều lần để lấy thông tin về chứng minh dân dân, địa chỉ nhà, số điện thoại và chi tiết thành viên gia đình của ông. Cảnh sát còn đe dọa sẽ bắt giữ ông nếu ông từ chối tử bỏ đức tin của mình. Bởi chịu áp lực, ông Quách đã bị liệt giường và qua đời sau đó bảy tháng.

Ông Quách từng là nhà nông nghiệp cao cấp, là đại biểu của Đại hội Nhân dân Toàn Quốc và là một chuyên gia nông nghiệp được hưởng phụ cấp đặc biệt của Quốc vụ viện. Ông giành được nhiều giải thưởng trong gần 40 năm nghiên cứu của mình.

Người mẹ tử vòng vì bị con trai đánh đập tàn bạo

Bà Lục Thục Vinh, một người mẹ 77 tuổi ở quận Vũ Thanh, Thiên Tân, đã không chống chọi lại được những thương tích nghiêm trọng do bị chính con trai của mình đánh đập tàn bạo vì bà tu luyện Pháp Luân Công

Người con trai tên Đỗ Tuyết Tùng, ngoài 50 tuổi, từng hai lần chuyển tiền bảo lãnh để mẹ anh ta được tại ngoại sau khi bà bị bắt giữ phi pháp vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Là một quân nhân giải ngũ, anh Đỗ được huấn luyện chấp hành mệnh lệnh thượng cấp, và anh ta càng trở nên căm ghét mẹ mình vì bà tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công sau khi được thả ra.

Anh ta cũng lo lắng rằng việc mẹ ta có đức tin sẽ liên lụy tới gia đình anh ta, sợ con trai anh ta mất đi cơ hội được trở thành một cán bộ chính quyền. Trong suốt 19 năm của cuộc bức hại, nhiều thân nhân của các học viên Pháp Luân Công bị đuổi việc hoặc bị cấm tham dự các kỳ thi tuyển sinh đại học với cái cớ là “đồng lõa phạm tội.”

Ngày 27 tháng 9 năm 2018, anh Đỗ trở về nhà trong trạng thái say xỉn, vừa bước vào cửa, anh ta liền ra tay tàn bạo đánh đập người mẹ già cả của mình, bà Lưu Thục Vinh. Khi người cha, ông Đỗ Trọng Tam cố gắng ngăn cản anh ta, thì cụ ông 83 tuổi này cũng bị con trai mình đánh đập.

Người con trai này liên tục đánh mẹ già của mình trong hơn một giờ đồng hồ khiến bà bị gãy 10 xương sườn và xương cổ tay. Toàn thân bà đầy rẫy thương tích, bầm dập, mặt bà thâm tím và sưng phồng.

Sau khi bà Lục được đưa tới bệnh viện, bác sỹ phát hiện có một chiếc xương sườn có nhiều đoạn gãy, và xương sườn gãy đó đã đâm vào phổi bà. Phần lớn nội tạng của bà đều bị thương tổn nghiêm trọng. Bệnh viện đã đưa ra vài thông báo về tình trạng nguy kịch của bà trong 24 ngày bà nằm viện. Bà qua đời vào ngày 21 tháng 10 năm 2018.

Vì sao Đỗ Tuyết Tùng lại cừu hận mẹ mình đến vậy? Chủ yếu là do mẹ anh ta tu luyện Pháp Luân Công, mà anh ta lại từng đi lính nên đã bị Trung Cộng tẩy não nghiêm trọng, và bị những lời dối trá của chính phủ đầu độc quá sâu, nên đã không phân rõ được thiện- ác, chính-tà. Pháp Luân Công đã mang đến cho cha mẹ anh ta rất nhiều điều tốt, thì anh ta lại không nhìn, mà chỉ sợ bị liên lụy, vậy nên đã quay sang thù hận cha mẹ mình, thường xuyên đánh đập, ác ngôn ác ngữ chửi rủa chính những người thân sinh ra mình.

Đỗ Tuyết Tùng đang bị giam trong trại tạm giam Vũ Thanh ở Thiên Tân sau khi bị truy tố.

Những cái chết năm 2019

Bệnh nhân đột quỵ bị từ chối bảo lãnh y tế đã chết trong khi đang chịu án tù chỉ vì đức tin của ông

Ông Liệu Kiện Phủ, một cư dân thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên đã chết khi mới chịu án tù chưa đầy 9 tháng tại Nhà tù Tỉnh Vân Nam vì tu luyện Pháp Luân Công.

Người đàn ông 65 tuổi này đã bị đột quỵ vài lần và bị huyết áp cao ở mức nguy hiểm, nhưng lần nào cũng bị từ chối bảo lãnh y tế chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin của ông vào Pháp Luân Công.

Cái chết của ông Liệu Kiện Phủ xảy ra sau khi ông phải chịu hai án tù vào năm 2002 và năm 2013 với tổng là 10,5 năm tù.

Ông Liệu bị bắt lần cuối vào tháng 10 năm 2016 vì treo các áp phích về Pháp Luân Công. Ba học viên khác đi cùng ông, ông Tống Nam Du (70 tuổi), ông Phó Văn Đức (70 tuổi), và ông Châu Phú Minh (trên 60 tuổi) cũng bị bắt giữ.

Tòa án Quận Ngọc Long Bốn đã xét xử bốn học viên vào ngày 22 tháng 3 năm 2018. Các học viên liên tục bị thẩm phán ngắt lời khi đọc lời biện hộ. Sau đó, thẩm phán kết án ông Liêu 4 năm tù, ông Tống và ông Phó mỗi ông 3,5 năm, còn ông Châu 2 năm tù giam.

Ông Liệu, ông Phó, và ông Châu bị chuyển đến Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam, còn ông Tống bị chuyển đến Nhà tù Số 2 Tỉnh Vân Nam vào ngày 21 tháng 8 năm 2018.

Trong khi chịu án tù, ông Liệu đã nhiều lần bị xuất huyết não, nhưng quản lý trại giam từ chối quyền bảo lãnh để điều trị y tế đối với ông.

Người mẹ của một công dân Mỹ bị giam giữ đã qua đời chín tháng trước ngày được trả tự do, gia đình nghi ngờ về cái chết của bà

Bà Mạnh Hồng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, một người dân là mẹ của một công dân Mỹ đã đột tử vào ngày 26 tháng 7 năm 2019, chỉ một lúc sau khi bà được đưa vào viện cấp cứu.

Theo cô Lý Tuyết Tùng, một cư dân ở San Francisco, Nhà tù nữ Hắc Long Giang đã gọi điện cho gia đình cô vào chiều ngày 26 tháng 7 năm 2019, và nói rằng mẹ của cô, bà Mạnh Hồng đã lên cơn cao huyết áp và bị trụy tim. Gia đình được yêu cầu đến ngay Bệnh viện Khu số 2 thuộc Đại Học Y Dược Cáp Nhĩ Tân và mang theo tiền để chi trả cho việc điều trị của bà.

Ngay sau khi gia đình đến bệnh viện, thì xe cấp cứu cũng vừa đưa bà Mạnh đến. Họ thấy có hai nhân viên y tế đang làm cấp cứu hồi sức cho bà bên trong xe. Bà Mạnh được tuyên bố qua đời mười phút sau khi bà được đưa vào phòng cấp cứu. Lúc đó bà 79 tuổi.

2019-7-29-meng-hong_01--ss.jpg

Bà Mạnh Hồng

Cái chết đột ngột của bà Mạnh cách ngày được trả tự do chín tháng trong hạn tù 7 năm, với tội danh không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Cô Lý nói rằng mẹ cô vốn rất khỏe mạnh trước khi bị giam giữ và trong hơn sáu năm bị cầm tù. Cô nghi ngờ rằng có điều mờ ám trong cái chết của bà.

Một phụ nữ Sơn Đông bị kết án bốn năm tù vì đức tin của mình và đã qua đời sau sáu tháng trong tù

Bà Trần Ngọc Hoa ở thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông đã qua đời sau khoảng sáu tháng bị cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã qua đời ở tuổi ngoài 70.

Thi thể của bà Trần đã được hỏa táng vào ngày 25 tháng 9 năm 2019.

Ngày 29 tháng 3 năm 2018, sau khi cảnh sát phát hiện các học viên đã phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công, bà Trần, một nữ doanh nhân đã nghỉ hưu, đã bị bắt giữ cùng với bà Trình Phán Vân, cựu công tố viên cũng ở tuổi ngoài 70 và bà Lý Chấn Hoàn, 66 tuổi, cựu giám đốc đài truyền hình.

Sau một năm bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố Hà Trạch, ba học viên đã ra hầu tòa tại Tòa án Huyện Quyên Thành và bị kết án tù với mức án của bà Trần là 4 năm, bà Trình là 3,5 năm và bà Lý là 3 năm.

Hiện chưa xác định được rõ liệu bà Trần có bị bỏ thuốc vào thức ăn trong thời gian bị cầm tù hay không.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, vì không từ bỏ đức tin mà bà Trần đã bị bắt giữ tổng cộng tám lần và hai lần bị giam giữ trong trại lao động.

Ngày 14 tháng 10 năm 2007, bà bị bắt khi đang chăm sóc người chồng nằm liệt giường. Sau đó bà bị kết án tù và thụ án tại Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông và bị gãy đốt sống thắt lưng sau khi bị tra tấn ở nhà tù này.

Sơn Đông: Cụ bà 82 tuổi tử vong sau vài giờ bị bắt giữ bởi phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công

Cụ bà Quách Chấn Hương 82 tuổi ở thành phố Chiêu Viễn, tỉnh Sơn Đông, đã tử vong sau vài giờ bị bắt bởi phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công.

Bà Quách bị người của Đồn Công an Mộng Chi bắt giữ tại trạm xe buýt vào sáng sớm ngày 11 tháng 1 năm 2019. Khoảng 10 giờ sáng, gia đình bà bị triệu tập đến đồn công an, và công an nói với họ rằng người thân của họ đã qua đời.

Công an tuyên bố rằng bà Quách bị ốm sau khi bị bắt tới đồn công an và đã tử vong trong một bệnh viện địa phương dù các bác sỹ đã nỗ lực cấp cứu. Thi thể của bà đã được đưa tới Nhà tang lễ Thành phố Chiêu Viễn mà không hề có sự đồng ý từ phía gia đình bà.

Vài năm trước, bà Quách vốn rất khỏe mạnh và không hề có bất kỳ triệu chứng bệnh tật nào khi rời khỏi nhà vào buổi sáng ngày hôm đó. Gia đình bà nghi ngờ rằng cái chết của bà là do bà bị ngược đãi khi ở trong tay công an, vì các học viên Pháp Luân Công thường xuyên bị tra tấn trong khi bị giam giữ.

Ban đầu công an từ chối cho gia đình bà Quách được nhìn thi thể của bà, nhưng sau đó cảnh sát đã phải nhượng bộ sau khi gia đình bà liên tục yêu cầu.

Trên đường đến nhà tang lễ, công an liên tục chất vấn gia đình bà Quách về nơi bà lấy tài liệu Pháp Luân Công và bà liên lạc với ai. Công an cũng gây sức ép yêu cầu gia đình bà ký vào biên bản thẩm vấn và đe dọa họ không được công khai cái chết của bà.

Thi thể bà Quách vẫn để ở nhà tang lễ khi gia đình tìm kiếm công lý cho bà. Công an giám sát gia đình bà kể từ khi bà qua đời.

Trước lần bắt giữ gần nhất dẫn tới cái chết này, bà Quách từng bị bắt giữ vào ngày 10 tháng 6 và ngày 16 tháng 12 năm 2016 và tháng 9 năm 2018 vì giảng chân tướng Pháp Luân Công.

Cả ba lần bà đều được thả ra vì lý do tuổi tác. Tuy nhiên, công an lại lục soát nhà bà và lấy đi các sách Pháp Luân Công và các đồ đạc liên quan vào ngày 21 tháng 12 năm 2016, chỉ năm ngày sau vụ bắt giữ lần hai của bà.

Ba tuần trước Tết Nguyên đán, một giáo viên về hưu đã bị bức hại đến chết trong khi bị giam giữ

Bà Tống Triệu Hằng, 76 tuổi, một giáo viên nghỉ hưu ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, bị bắt vào ngày 27 tháng 8 năm 2018 khi đang nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà đã bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Du Thụ sau khi bị thẩm vấn ở đồn công an địa phương.

Ngày 16 tháng 11 năm 2018, Toà án Thành phố Du Thụ triệu tập bà Tống. Bà đã biện hộ cho quyền được tu luyện và chia sẻ thông tin Pháp Luân Công trước tòa.

Được biết các quan chức đã dự định kết án bà Tống 9 năm tù, nhưng bà đã đột ngột tử vong trong trại tạm giam vào ngày 19 tháng 1, ba tuần trước Tết Nguyên đán 2019 (rơi vào ngày 5 tháng 2 dương lịch). Tại thời điểm viết bài này, chính quyền vẫn không tiết lộ nguyên nhân bà tử vong.

Một ông lão qua đời sau nhiều lần bị bắt giữ và bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công

Sau khi mãn hạn 1,5 năm tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Vương Hoài Phú ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên đã qua đời sau một năm được trả tự do.

2021-3-2-i090022_07.jpg

Ông Vương Hoài Phú năm 2016

Ông Vương bị bắt vào ngày 10 tháng 12 năm 2016 vì phát tặng lịch chân tướng về Pháp Luân Công. Ngày 10 tháng 3 năm 2017, ông ra hầu tòa tại Tòa án quận Du Tiên và sau đó bị kết án một năm rưỡi cùng mức phạt 2.000 Nhân dân tệ.

Ngày 25 tháng 8 năm 2017, ông Vương bị đưa vào Nhà tù Gia Châu trong tình trạng sức khỏe yếu. Trong thời gian bị cầm tù, ông Vương đã hai lần phải nhập viện với tổng thời gian là bốn tháng.

Trong suốt bốn tháng bị giữ tại bệnh viện nhà tù, ngày nào ông cũng bị tiêm thuốc truyền tĩnh mạch không rõ nguồn gốc và việc này tiếp diễn mãi đến tận trước khi ông được thả bốn ngày mới dừng lại. Chính quyền còn lấy mẫu máu của ông hơn hai mươi lần mà không rõ lý do.

Giữa hai lần nhập viện, ông đã bị đưa trở lại nhà tù và bị ngược đãi tại đó. Mặc cho việc ông bị ho ra máu và sức khỏe ngày càng xấu đi, ông vẫn bị bắt phải lao động không công cho đến khi ông phải đưa tới bệnh viện cấp cứu một lần nữa.

Ngày 10 tháng 6 năm 2018, khi trở về nhà, ông Vương chỉ còn da bọc xương và rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh. Ông qua đời vào ngày 16 tháng 7 năm 2019 ở tuổi 71.

Ông Vương là một cán bộ đã về hưu của trung tâm cung cấp ngũ cốc ở Miên Dương. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 4 năm 1998. Ông tin rằng môn tu luyện đã giúp ông cải thiện sức khỏe và trở thành một người an hòa hơn.

Vì không từ bỏ đức tin của mình, ông đã bị kết án một năm lao động cưỡng bức và bị kết án tù ba lần với tổng thời gian là 7,5 năm.

Một giám đốc nhà máy thảm qua đời sau nhiều năm bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công

Một giám đốc nhà máy thảm ở thành phố Văn Đăng, tỉnh Sơn Đông đã qua đời vào cuối tháng 11 năm 2019, ở tuổi 64, sau nhiều năm bị bức hại chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công

Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình mà ông Điền Thế Hồng đã liên tục bị bắt và bị giam giữ. Nhà máy của ông cũng phải chịu tổn thất tài chính nặng nề.

Ông Điền đã quản lý nhà máy Thảm trong nhiều thập kỷ. Trong những năm 90, doanh thu của nhà máy suy giảm do suy thoái kinh tế. Ông Điền đã làm việc chăm chỉ ngày đêm để cố gắng cứu nhà máy nhưng rồi chỉ thấy sức khoẻ của bản thân ngày càng xấu đi theo thời gian.

Sau đó, một người bạn đã giới thiệu Pháp Luân Công cho ông. Không lâu sau khi ông bắt đầu tu luyện, ông trở nên rất sung sức và sức khỏe cũng được hồi phục.

Ông Điền sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và ông cũng áp dụng những giá trị này để chỉ đạo hơn 100 công nhân của mình.

Toàn nhà máy đã có một diện mạo mới và doanh thu của nhà máy cũng tăng trở lại. Ông Điền lần lượt tạo thêm nhiều phúc lợi cho công nhân, ví dụ như cải thiện chất lượng bữa ăn trưa ở nhà máy và cải tạo các căn hộ mà nhà máy đã giao cho công nhân.

Nhiều công nhân rất biết ơn ông và đồng cảm với các nguyên lý của Pháp Luân Công. Họ đã nhiều lần đứng lên chống lại cảnh sát trong nhiều năm sau đó khi cảnh sát cố gắng bắt ông Điền.

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 12 tháng 5 năm 2011, hơn 20 cảnh sát đã bất ngờ đột nhập vào văn phòng của ông Điền và yêu cầu ông đi cùng họ.

Ông Điền từ chối hợp tác và hỏi danh tính của họ. Đáp lại, một số sĩ quan đã giấu phù hiệu cảnh sát của họ đi. Cảnh sát trưởng Vương Dũng đã mắng cấp dưới làm việc không đắc lực và đã tự mình còng tay ông Điền lại. Sau đó, ông ta kéo ông Điền xuống cầu thang.

Hỗn loạn đã khiến các công nhân của ông Điền chú ý, họ chạy đến vây quanh và bảo vệ ông. Vợ ông đã đến nhà máy và hỏi cảnh sát tại sao lại muốn đưa chồng bà đi.

2021-3-2-i090022_08.jpg

Công nhân ngăn cảnh sát đưa ông Điền Thế Hồng đi vào năm 2011

Một nữ cảnh sát cho biết họ muốn đưa ông Điền đến tham gia buổi học ở trung tâm tẩy não địa phương. Tuy nhiên, vợ và công nhân của ông Điền kiên quyết không chịu để ông bị đưa đi.

Cuối cùng cảnh sát đã rút lui sau nhiều giờ bế tắc. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục theo dõi và sách nhiễu ông Điền nhiều năm sau đó.

Năm 2015, ông Điền đệ đơn kiện hình sự cựu độc tài Giang Trạch Dân, nêu chi tiết những gì ông, gia đình ông và nhân viên của ông phải chịu đựng trong cuộc bức hại.

Những cái chết năm 2020

Hiệu trưởng đã nghỉ hưu của một trường tiểu học bị bức hại đến chết trong tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lý Quế Vinh, một hiệu trưởng trường tiểu học đã nghỉ hưu ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời trong Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh vào giữa tháng 1 năm 2020, chỉ vài tuần trước khi bà mãn hạn tù 5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã 78 tuổi.

Bà Lý bị bắt vào ngày 7 tháng 2 năm 2015, sau khi bị báo cáo vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Hỗn Nam vào ngày 24 tháng 6 năm 2015, và bị kết án 5 năm.

Vụ bắt giữ gần đây nhất của bà Lý chỉ diễn ra cách 15 tháng sau khi bà kết thúc án tù 7 năm, cũng vì đức tin của bà.

Ngày 17 tháng 10 năm 2006, bà Lý đã bị cảnh sát bắt cóc vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công, khi ấy bà đã 64 tuổi. Ngày 14 tháng 5 năm 2007, bà bị tòa án khu Hòa Bình tuyên án 7 năm tù.

Trong khi bà Lý bị giam tại nhà tù nữ của tỉnh Liêu Ninh, các lính canh đã ra lệnh cho tù nhân đánh, đá bà, và giẫm lên tay bà, khiến cho khuôn mặt bà đẫm máu, hai tay sưng phồng, và toàn thân tím bầm. Rất nhiều tóc của bà cũng bị giật cho rụng hết.

Đôi khi, lính canh còn ép bà ngồi xổm trên sàn bê tông nhiều ngày liên tục, không cho phép bà ăn, sử dụng phòng vệ sinh, hay ngủ. Tệ hơn, họ còn ép bà cởi giầy rồi dội nước lạnh vào chân bà trong khi bà đang ngồi xổm, khiến hai chân bà đau đớn không chịu nổi. Kết quả là, bà không thể đứng, cũng không thể ngồi, chỉ có thể bò dưới đất mà đi.

Trước khi được thả vào ngày 17 tháng 10 năm 2013, thân thể bà chỉ còn da bọc xương, tóc biến thành hoa râm, và hai hàm răng đều bị rụng hết. Tuy nhiên, các đặc vụ của Phòng 610 địa phương, một cơ quan ngoài pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công, vẫn không ngừng quấy nhiễu bà.

Hắc Long Giang: Một bác sĩ nội khoa bị đánh đập đến chết vì tu luyện Pháp Luân Công (Ảnh đồ họa)

Bác sĩ Vương Thục Khôn, một bác sĩ 66 tuổi nội khoa tại Bệnh viện Thị trấn Hải Lâm ở thành phố Hải Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, nhận được cuộc gọi vào cuối tháng 6 năm 2020 từ Hàn Diễm, Bí thư Đảng ủy của bệnh viện và được thông báo rằng giám đốc bệnh viện Trần Quảng Quần đang tìm bà.

Bà Vương đã nghĩ rằng bệnh viện đang thu xếp cho bà đi làm trở lại. Nhưng khi bà tới bệnh viện, hóa ra là các cảnh sát của Đồn Công an Số 1 Thành phố Hải Lâm đang tìm bà. Cảnh sát đã nỗ lực ép bà phải viết tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công và thừa nhận rằng chồng bà, ông Vu Tiểu Bằng cũng là học viên Pháp Luân Công.

Ông Vu là bác sỹ phẫu thuật tại cùng bệnh viện với bà Vương. Ông đã bị sa thải 29 năm trước vì từ chối làm hồ sơ y tế giả theo chỉ đạo của giám đốc bệnh viện khi đó. Ông đã đi khiếu nại suốt 29 năm qua và trở thành mục tiêu chính của chính quyền. Họ đã cố gắng tiếp tục bức hại ông bằng việc cáo buộc ông cũng là học viên Pháp Luân Công mặc dù ông chưa từng tu luyện.

Khi bà Vương từ chối ký các biên bản, cảnh sát đã đánh đập bà trong nhiều giờ tại bệnh viện. Họ đe dọa rằng nếu bà Vương không viết tuyên bố, họ sẽ tìm người khác viết thay cho bà.

Bà Vương bị đau nhói ở chân và xin cảnh sát hãy để cho bà về. Họ đồng ý, nhưng lại đe dọa rằng vài ngày sau họ sẽ tìm bà lần nữa.

Bà Vương đã phải bò lên cầu thang để trở về căn hộ của mình. Chồng của bà thấy bà có nhiều vết bầm tím khắp toàn thân. Xương bánh chè của bà bị gãy và bà ướt đẫm mồ hôi.

Chiều ngày 1 tháng 7, bà Vương đột nhiên bị xuất huyết não. Bà rất chóng mặt và cảm thấy buồn nôn. Bà qua đời vào khoảng 4 giờ 25 phút sáng ngày 2 tháng 7. Thi thể của bà được hỏa táng vào ngày 4 tháng 7.

Sau khi bà Vương qua đời, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông Vu và yêu cầu ông không được báo cáo vụ việc của bà Vương lên website Minh Huệ.

Người đàn ông 77 tuổi, đã qua đời trong khi thụ án 4,5 năm trong tù

Ông Lý Thiếu Thần, một cư dân ở Thiên Tân, bị bắt vào ngày 7 tháng 12 năm 2016 và bị Tòa án quận Hồng Kiều kết án 4 năm rưỡi tại Nhà tù Tân Hải vào tháng 10 năm 2017.

2020-12-24-lishaochen--ss.jpg

Lý Thiếu Thần

Từ tháng 5 năm 2019, Nhà tù nam Tân Hải ở thành phố Thiên Tân đã thực hiện một chiến dịch cưỡng ép các học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù ở đó từ bỏ đức tin của họ. Tất cả học viên, bao gồm những người bị bệnh, người trong độ tuổi 70 và 80, cũng như những người sắp mãn hạn tù, đều bị yêu cầu phải “chuyển hoá”.

Các hình thức tra tấn thể chất khác nhau, bao gồm cả việc cấm ngủ và bỏ đói đang được sử dụng để cố gắng “chuyển hóa” các học viên. Những ngược đãi nghiêm trọng đã dẫn đến cái chết của ông Lý Thiếu Thần vào ngày 6 tháng 3 năm 2020, ở tuổi 77.

Người đàn ông bị bệnh nan y nhưng không được điều trị y tế và bị ép phải lao động không công đã qua đời trong tù

Khoảng 8 giờ sáng ngày 30 tháng 5 năm 2020, gia đình ông Tào Kim Hưng, 69 tuổi, tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã nhận được thông báo từ Nhà tù Ký Đông cho biết ông Tào vừa qua đời do “tim ngừng đập” trong khi đang thụ án bảy năm tù vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công.

Ngày 2 tháng 6, khi gia đình ông Tào vội vã đến nhà tù, quản lý nhà tù đã cho họ xem một số tài liệu liên quan đến ông Tào nhưng không cho phép họ ghi chép hay chụp hình lại. Gia đình được biết ông Tào đã được chẩn đoán mắc một loại bệnh nan y không rõ tên vào đầu năm 2018 nhưng gia đình họ chưa từng được thông báo và ông Tào cũng chưa bao giờ được điều trị y tế.

Gia đình ông Tào cũng biết rằng các lính canh tù đã bắt ông phải lao động không công bất chấp tình trạng sức khỏe của ông.

Nhà tù khăng khăng rằng ông Tào đã qua đời do “các nguyên nhân tự nhiên” và nói rằng họ đang xem xét bồi thường một chút về tài chính cho gia đình ông.

Liêu Ninh: Một người đàn ông qua đời trong tù sau ba tháng bị bắt vì kiên định đức tin của mình

Ông Vu Vĩnh Mãn, một cư dân 65 tuổi của thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời trong trại tạm giam Liêu Dương vào ngày 23 tháng 2 năm 2020. Các viên chức cho rằng nguyên nhân cái chết của ông là do “đột ngột phát bệnh”, nhưng khám nghiệm tử thi cho thấy một xương sườn của ông bị gãy và ông cũng bị tổn thương ở phổi.

2021-3-2-i090022_05.jpg

Ông Vu Vĩnh Mãn

Người phụ nữ Hà Bắc qua đời trong vòng vài giờ sau khi bị bắt

Bà Hàn Ngọc Cần, 68 tuổi, cư dân thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã qua đời vài giờ sau khi bà bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát đối với 36 học viên Pháp Luân Công địa phương.

Một nhóm cảnh sát của Đồn Công an Đoan Minh Lộ ở quận Phong Nhuận đã đột nhập vào nhà bà Hàn vào khoảng 5 giờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 2020. Cảnh sát đã đưa bà Hàn về đồn và cưỡng chế bà ngồi trên một chiếc ghế sắt, và yêu cầu bà điền thông tin vào một văn bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công được chuẩn bị từ trước. Bà từ chối làm theo.

Vào khoảng 10 giờ sáng, con gái bà Hàn tới đồn công an để thăm mẹ, nhưng cảnh sát đã từ chối. Đến buổi trưa, chồng bà Hàn đã tới đồn công an để mang bữa trưa cho bà. Bà không có cảm giác thèm ăn và không ngừng khóc. Chồng bà để ý thấy chân bà sưng vù sau khi bà ngồi trên chiếc ghế kim loại đó vài giờ đồng hồ.

Khoảng 4 giờ chiều, bà Hàn đi vệ sinh và cảnh sát đợi bà ở bên ngoài. Một lát sau, khi không thấy bà trở ra, họ đi vào kiểm tra bên trong thì thấy bà đã ngã và ngất xỉu trên sàn.

Sau khi cơ sở cấp cứu bênh cạnh đồn công an từ chối tiếp nhận, cảnh sát đã đưa bà tới Bệnh viện Trung Y Quận Phong Nhuận để cấp cứu. Ngay sau đó bệnh viện thông báo bà đã tử vong.

Khoảng 6 giờ chiều, gia đình bà Hàn được thông báo về cái chết của bà. Họ đến xem di thể của bà ở trong bệnh viện. Tóc bà rối bù và trong mũi có vết máu.

Gia đình bà Hàn nói rằng bà luôn khỏe mạnh kể từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Không rõ là họ có yêu cầu khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong của bà hay không.

Hồ Bắc: Một bà lão qua đời sau hơn hai năm bị giam

Ngày 15 tháng 8 năm 2020, một gia đình ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã nhận thông báo từ trại tạm giam Nhị Chi Câu rằng người thân của họ, bà Nguy Hữu Tú, vừa mới qua đời ở tuổi 72. Các lính canh tuyên bố bà qua đời do bệnh bạch cầu nhưng gia đình nghi ngờ bà đã bị tra tấn đến chết vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Ngày 2 tháng 6 năm 2018, bà Nguy bị bắt tại Công viên Trung Sơn sau khi gặp phải một cảnh sát mặc thường phục, người này đã tìm thấy các tài liệu Pháp Luân Công trên người bà. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công. Bà đã bị đưa đến trại tạm giam Nhị Chi Câu, nơi này đã không cho gia đình vào thăm bà với lý do rằng cảnh sát đã tìm thấy các sách Pháp Luân Công tại nhà bà.

Có thời điểm, gia đình bà Nguy nghe tin rằng có người đã thấy bà trong trại tạm giam, bà hốc hác và không thể tự đi được.

Sau hơn hai năm bị giam giữ, trại tạm giam đột nhiên thông báo với gia đình rằng bà Nguy đã qua đời. Gia đình đã tra hỏi quản lý trại rằng khi bị bắt thì bà hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng tại sao bà lại mắc bệnh bạch cầu và qua đời trong thời gian ngắn như vậy.

Trước lần bị bắt cuối cùng, bà Nguy từng bị bắt hai lần, lần đầu là giữa năm 2000 và 2001, sau đó là vào ngày 5 tháng 8 năm 2013. Bà đã bị đưa đến Trung tâm tẩy não Ngạch Đầu Loan sau cả hai lần bị bắt.

Một sĩ quan quân đội về hưu đã qua đời trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Ông Phó Nghĩa Xuân, một sĩ quan quân đội về hưu, đã qua đời vào ngày 1 tháng 9 năm 2020, sau hai thập kỷ bị bức hại vì đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Ông đã 92 tuổi.

Ông Phó Nghĩa Xuyên gia nhập quân đội vào năm 1944 khi ông chỉ mới 15 tuổi. Ông tham gia vào cuộc nội chiến và trước khi nghỉ hưu ông trở thành một sĩ quan ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.

Ông phải vật lộn với rất nhiều chấn thương trong các cuộc chiến và thường phải lui tới bệnh viện. Năm 1995, ông được giới thiệu Pháp Luân Công và sau một thời gian tu luyện sức khỏe của ông dần dần hồi phục.

Sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại vào năm 1999, Phòng 610 trong quân đội, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập để bức hại Pháp Luân Công đã ra lệnh cho ông Phó phải từ bỏ đức tin của mình và tăng cường tẩy não ông. Bởi ông từ chối hợp tác, nên quân đội đã đưa ra hình phạt kỷ luật và thường xuyên sách nhiễu ông, khiến ông không thể có được cuộc sống bình thường.

Năm 2010 thông qua hệ thống camera giám sát, cảnh sát đã phát hiện ông Phó đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Họ lục soát nhà, buộc ông tham gia các phiên tẩy não và ra lệnh cho ông phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Áp lực tinh thần quá lớn đã khiến cho ông bị ngất và phải đưa vào bệnh viện để hồi sức.

Không thể sống trong căn hộ được quân đội cấp cho, ông Phó phải chuyển tới nhà một người thân để trốn tránh cảnh sát và ông chưa thể trở về nhà cho tới tận khi qua đời.

Bài liên quan:

1.334 học viên Pháp Luân Công lớn tuổi ở Trung Quốc bị nhắm mục tiêu vì đức tin của họ trong năm 2020

622 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án vì đức tin trong năm 2020

15.235 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt giữ và sách nhiễu trong năm 2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/8/421592.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/15/191416.html

Đăng ngày 14-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share