Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 07-03-2021] Theo thông tin do Minh Huệ thu thập, 100 người dân Trung Quốc đã bị bắt và 126 người bị sách nhiễu trong tháng 2 năm 2021 vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Cũng theo báo cáo trong tháng 2 năm 2021, có thêm 94 vụ bắt giữ và 249 vụ sách nhiễu diễn ra trong năm 2020. Ngoài ra 64 vụ bắt giữ và 65 vụ sách nhiễu khác trong tháng 1 năm 2021 cũng đã được ghi nhận trong tháng 2, nâng tổng số vụ bắt giữ và sách nhiễu trong tháng đầu tiên của năm 2021 lần lượt là 267 và 215.

Trong số 100 vụ bắt giữ được ghi nhận trong tháng 2 cho đến nay, 67 người vẫn đang bị giam giữ. Tổng cộng 74 trong số cả các học viên bị bắt và bị sách nhiễu đã bị lục soát nhà của họ. Cụ thể, bà Lý Diễm Hà ở tỉnh Quảng Đông đã bị tịch thu máy tính xách tay, điện thoại di động, hơn 20.000 đô la Mỹ, 5.000 nhân dân tệ Trung Quốc và chìa khóa xe hơi trong khi bị bắt vào ngày 8 tháng 2.

Trong số các học viên bị bắt, có 2 người ở độ tuổi 60, 12 người ở độ tuổi 70 và 1 người ở độ tuổi 80. Trong số những người bị sách nhiễu, 7 người ở độ tuổi 60, 8 người ở độ tuổi 70 và 6 người ở độ tuổi 80, với người cao tuổi nhất là 86 tuổi.

Các vụ bắt bớ và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công trong tháng 2 năm 2021 đã diễn ra ở 20 tỉnh và thành phố. Các tỉnh Sơn Đông (41), Hồ Bắc (33), Hà Bắc (28), Hắc Long Giang (24) và Giang Tây (18) ghi nhận nhiều học viên bị bắt giữ hoặc sách nhiễu nhất trong tháng Hai. Tứ Xuyên, Liêu Ninh và Bắc Kinh cũng ghi nhận các trường hợp hai con số, từ 12 đến 15. 12 khu vực còn lại có các trường hợp bắt giữ và sách nhiễu ở mức một con số.

Tại thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, Đổng Phác Ngọc, người đứng đầu mới của Ủy ban Chính trị và Pháp luật quận Dĩnh Châu (một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công), đã đề nghị thưởng 30.000 nhân dân tệ cho các viên chức cho mỗi học viên mà họ ép buộc được việc từ bỏ Pháp Luân Công. Mỗi người tham gia vào việc “chuyển hóa” [buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ] cũng sẽ được tăng lương hàng tháng là 800 nhân dân tệ.

Tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, các nhà chức trách tiếp tục thu thập thông tin về các học viên Pháp Luân Công địa phương như một phần của chiến dịch sách nhiễu “Xóa sổ” và cử nhân viên ủy ban dân cư đến gặp từng học viên. Những người từ chối từ bỏ đức tin sẽ bị đe dọa bị giam giữ hoặc con cái của họ bị mất việc làm.

Những người đã ký tuyên bố từ bỏ trái với ý muốn của họ vẫn có thể bị triệu tập đến các buổi tẩy não và được “các chuyên gia” đánh giá để xem liệu họ có thực sự từ bỏ đức tin của mình hay chưa.

Dưới đây là một số các vụ bắt giữ và các trường hợp sách nhiễu xảy ra trong tháng 2 năm 2021.

Hai vợ chồng một luật sư bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công – Cha mẹ và ông bà của họ bị suy sụp

Ngày 15 tháng 2 năm 2021, sau Tết Nguyên đán bốn ngày, một nhóm cảnh sát đã tới nhà ông Trần ở thành phố Thần Mộc, tỉnh Thiểm Tây và yêu cầu được vào trong lục soát. Hai vợ chồng ông từ chối mở cửa, nhưng cảnh sát đã đứng ở bên ngoài hơn hai giờ đồng hồ. Sự sách nhiễu khiến cơ thể vốn không khỏe của bà Lý không chống đỡ nổi, bà đã ngã gục xuống đất.

Cảnh sát kiên quyết lục soát nhà của hai vợ chồng ông Trần và tuyên bố rằng mặc dù họ không có lệnh khám xét, nhưng sau này họ sẽ có. Họ còn đe dọa sẽ buộc họ hàng của bà Lý nghỉ việc nếu hai vợ chồng ông không hợp tác với họ. Khi hai vợ chồng ông từ chối mở cửa, cảnh sát đã gọi điện thoại cho chị gái bà Lý và yêu cầu chị gái bà đưa bà Lý về nhà bà ngoại của họ.

Sau khi hai vợ chồng ông Trần ra khỏi nhà, cảnh sát đã xông vào và tịch thu máy tính, máy in, điện thoại di động và sách Pháp Luân Công của họ. Sau đó họ liệt hai vợ chồng ông vào danh sách truy nã.

Sáng ngày 18 tháng 2, ngay sau khi hai vợ chồng và con gái của họ ra ngoài, ba cảnh sát mặc thường phục được giao nhiệm vụ canh chừng ông bà đã lao tới và tóm lấy họ. Ngay sau đó, bảy cảnh sát khác tới và bắt giữ họ. Khi hai vợ chồng ông Trần yêu cầu họ xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận của cảnh sát và lệnh bắt giữ, một cảnh sát nói: “Ông bà là nghi phạm. Ông bà không có quyền yêu cầu bất cứ thứ gì từ chúng tôi. Chúng tôi chỉ đang chấp hành công vụ.”

Cảnh sát đã còng tay bà Lý và đưa bà vào xe cảnh sát trước mặt con gái 17 tuổi của họ. Ông Trần cũng bị đẩy vào xe cảnh sát. Sau khi trải qua kiểm tra sức khỏe và thẩm vấn, ông Trần bị tạm giam hình sự và bị đưa tới trại tạm giam địa phương. Trại tạm giam từ chối tiếp nhận bà Lý vì lý do sức khỏe , bà đã được thả và bị quản thúc tại gia sáu tháng.

Bức hại trước đây đã khiến sức khỏe của bà Lý bị giảm sút, và sự đau khổ tinh thần sau vụ bắt giữ và sách nhiễu gần đây khiến sức khỏe của bà chuyển biến xấu hơn. Bà không thể ngủ vào ban đêm. Chân của bà sưng vù và bà bị đau ở các khớp.

Ông Trần là trụ cột duy nhất ở trong gia đình. Việc ông bị giam giữ khiến gia đình ông, gồm có người cha 90 tuổi của ông, bà ngoại 95 tuổi của bà Lý, cha mẹ ốm đau của bà đều 72 tuổi và con gái 17 tuổi của hai vợ chồng lâm vào tình cảnh túng quẫn.

Ông Trần Quảng Xương từng làm việc cho Công ty Luật Dự Thật ở Tế Nam và có hơn 10 năm trong nghề. Năm 2013, công ty luật của ông đã cản trở việc đăng ký hàng năm và gia hạn giấy phép hành nghề của ông sau khi bị chính quyền gây sức ép, những người đang tìm mọi cách buộc ông từ bỏ Pháp Luân Công. Do đó, ông Trần đã mất giấy phép hành nghề luật sư ở tỉnh Sơn Đông.

Mặc dù sau đó ông Trần đã tìm được công việc tư vấn pháp lý cho một công ty, nhưng nhà chức trách vẫn giám sát nghiêm ngặt hoạt động hàng ngày của ông.

Năm 2018, ông Trần cùng vợ là bà Lý Phàm Lệ quyết định chuyển về quê của họ ở tỉnh Thiểm Tây để chăm sóc cho cha mẹ già và bà ngoại 95 tuổi của bà Lý.

Ông Trần đã nộp đơn xin chuyển hồ sơ nhân viên của mình tới Thiểm Tây để ông có thể nộp hồ sơ xin giấy phép hành nghề luật sư. Khi Sở Tư pháp Tỉnh Sơn Đông chuyển hồ sơ của ông đi, họ cũng gọi điện cho đồng cấp của họ ở Thiểm Tây và nói với họ rằng ông Trần là học viên Pháp Luân Công. Họ đề nghị Sở Tư pháp Thiểm Tây không phê chuẩn giấy phép hành nghề cho ông Trần.

Sở Tư pháp Thiểm Tây ban đầu chào đón ông Trần chuyển về tỉnh mình, nhưng sau đó họ đã thay đổi thái độ với ông và loại bỏ hồ sơ của ông.

Ngày 9 tháng 10, một giám đốc họ Tiêu của Sở Tư pháp Sơn Đông đã gọi điện cho ông Trần và nói rằng chỉ khi nào ông từ bỏ Pháp Luân Công thì họ sẽ đề nghị tỉnh Thiểm Tây phê chuẩn hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề cho ông.

Người phụ nữ Quảng Đông bị bắt giữ vì đức tin của mình, tài sản có giá trị bị tịch thu

Khoảng 9 giờ sáng ngày 8 tháng 2 năm 2021, một nhân viên quản lý bất động sản cùng một người khác đã gõ cửa nhà bà Lý Diễm Hà. Họ tuyên bố rằng họ đến để kiểm tra xem bà có vị khách nào không được thông báo ở trong nhà hay không. Bà Lý từ chối mở cửa cho họ và nói họ vừa kiểm tra hôm trước rồi. Một giờ sau, hai người trên quay lại và bà Lý vẫn không mở cửa. Hóa ra người đi cùng nhân viên quản lý bất động sản là một cảnh sát mặc thường phục.

2021-2-25-li-yanxia_01.jpg

Bà Lý Diễm Hà

Khoảng giữa trưa ngày hôm đó, hàng chục cảnh sát đã phá khóa và xông vào trong nhà. Họ lục soát nhà và cạy két sắt của bà. Họ tịch thu máy tính xách tay, điện thoại di động, hơn 20.000 đô la Mỹ, 5.000 nhân dân tệ và chìa khóa xe ô tô của bà.

Ngày hôm sau khi gia đình bà Lý từ ngoài thị trấn trở về, họ nhận thấy cảnh sát đã dán dấu niêm phong lên cửa nhà của họ. Khoảng 7 giờ tối cùng ngày, gia đình bà tới gặp Trần Như Tùng, cảnh sát của Đồn Công an Điền Tâm phụ trách vụ án của bà. Trần đưa cho gia đình lệnh tạm giữ hình sự được ban hành vào khoảng giữa trưa. Ngày 11 tháng 2, bà bị chuyển tới trại tạm giam Số 2 Thành phố Đông Hoàn.

Gia đình bà quay lại đồn công an một vài lần để hỏi về vụ án của bà. Cảnh sát từ chối giải thích tại sao họ bắt giữ bà hay tại sao họ từ chối dỡ niêm phong ở nhà của họ.

Ngày 19 tháng 2, gia đình bà kiểm tra ngôi nhà của mình một lần nữa, họ phát hiện rằng vị trí của dấu niêm phong đã thay đổi, cho thấy rằng cảnh sát đã quay lại lục soát ngôi nhà.

Ngày 22 tháng 2, gia đình bà Lý và luật sư của họ tới đồn công an một lần nữa và yêu cầu trả lại những tài sản cá nhân bị tịch thu và dấu niêm phong trên cửa nhà của họ phải được dỡ bỏ. Cảnh sát Trần từ chối yêu cầu và đe dọa điều tra nơi bà Lý đã lấy tiền đô la Mỹ.

Bà Lý quê gốc ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang. Bà đã làm kế toán ở tỉnh Quảng Đông được vài năm.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà bị bệnh dị ứng da và đau nửa đầu nghiêm trọng. Bà không thể sử dụng kem dưỡng ẩm và thường bị tê cóng nặng vào mùa đông. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tất cả các bệnh của bà được trị khỏi. Ngay cả Polyp mũi bà sắp phẫu thuật cắt bỏ cũng biến mất. Pháp Luân Công đã cải biến tính nóng nảy của bà. Bà không còn sống khép kín mà trở nên cởi mở, tốt bụng và chu đáo hơn.

Sau 9 năm trong tù, một cựu kế toán lại bị bắt vì đức tin của mình

Vào ngày 5 tháng 2 năm 202, bà Mạc Lợi Quỳnh ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, bị bắt vì đã phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Vào ngày 8 tháng 2, gia đình bà đã đến Đồn Công an thị trấn Dương Gia Kiều và trại tạm giam Ngô Gia Hạng để yêu cầu trả tự do cho bà, nhưng vô ích. Vào ngày 10 tháng 2, khi gia đình bà đến thăm bà trong trại giam, bà có ba vết sẹo trên trán.

Cảnh sát đã nói dối gia đình bà rằng họ sẽ trả tự do cho bà sau 10 ngày nữa. Vào ngày 16 tháng 2, Khi gia đình đến đón bà, họ đã bị sốc khi biết rằng bà đã bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Tương Đàm. Việc bắt giữ bà được phê chuẩn vào ngày 23 tháng Hai.

Bởi vì bà hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối việc giam giữ tùy tiện, các lính canh đã biệt giam bà, nơi có điều kiện tồi tệ và đó là nơi bà vẫn đang bị giam.

Đây là lần thứ năm bà Mạc, một cựu kế toán 51 tuổi, bị bắt vì đức tin của mình. Trước đó bà đã từng bị kết án chín năm vào ngày 19 tháng 12 năm 2003. Nhà máy dệt nhuộm Tương Đàm đã sa thải bà vào ngày 24 tháng 2 năm 2004.

Trong thời gian thụ án tại Nhà tù nữ thành phố Trường Sa, bà phải chịu hơn 20 giờ tẩy não mỗi ngày trong ba tháng. Các lính canh đã từng bắt bà đứng hoặc ngồi xổm trong hơn mười ngày và ngồi trên một chiếc ghế đẩu cỡ lòng bàn tay trong ba ngày. Bà không được phép gặp mặt gia đình và bị các tù nhân giám sát liên tục. Bà cũng bị buộc phải lao động nặng nhọc, lao động không công.

Vào ngày 12 tháng 3 năm 2012, khi bà trở về nhà, con trai bà, khi bà bị bắt mới một tuổi đã không thể nhận bà là mẹ của cậu nữa. Chồng bà cũng đã ly hôn với bà do áp lực.

Cả bố và mẹ bà đều đã phải sống trong lo sợ và áp lực tinh thần đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của họ. Cha bà bị bệnh tiểu đường và trở nên tiều tụy. Tóc của mẹ bà đã chuyển bạc và bà bị viêm khớp nặng và thoát vị đĩa đệm.

Cảnh sát tiếp tục theo dõi cuộc sống hàng ngày của bà Mạc và thỉnh thoảng sách nhiễu bà và gia đình.

Bởi vì bà tu luyện Pháp Luân Công, nhiều người chủ đã không dám thuê bà, buộc bà phải liên tục tìm kiếm việc làm.

Người phụ nữ khuyết tật 75 tuổi bị đình chỉ lương hưu và lại bị bắt sau nhiều năm bị kết án vì đức tin của bà

Vào ngày 20 tháng 2 năm 2021, sau khi bị giam giữ trong bốn năm và bị biến dạng cột sống do bị tra tấn trong trại giam, một phụ nữ 75 tuổi đã lại bị bắt vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

2021-3-1-mei-yufeng_01_epwgncg.jpg

Bà Mai Túc Phong

Bà Mai Túc Phong ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, đã bị một số sĩ quan mặc thường phục và ba nhân viên từ ủy ban dân cư địa phương chặn lại bên ngoài tòa nhà chung cư của bà khi bà trở về từ cửa hàng tạp hóa vào ngày 20 tháng 2. Họ đẩy bà vào trong một chiếc ô tô màu đen và đưa bà đến đồn công an địa phương.

Không có mặt bà, các cảnh sát đã quay trở lại và lục soát nơi ở của bà. Máy tính, máy in và các đồ dùng cá nhân khác của bà đã bị tịch thu.

Trong 22 năm qua, bà Mai, người đã nghỉ hưu tại Nhà máy đồng hồ thành phố Nam Xương, đã bị bắt và giam giữ nhiều lần vì kiên định đức tin của mình. Bà đã bị giam trong một trung tâm tẩy não trong hơn 50 ngày và trong một trại tạm giam ba lần trong tổng số hơn 80 ngày. Đặc biệt, cột sống của bà bị biến dạng nghiêm trọng do bị tra tấn trong trại giam sau khi bị bắt vào tháng 7 năm 2002. Mặc dù bị bệnh, bà vẫn bị cưỡng bức lao động một năm.

Bà Mai đã không thể tham dự đám cưới của hai người con của mình vào năm 2001 và 2003 vì bị bỏ tù. Chồng bà, người luôn lo lắng cho bà và phải chịu bức hại về mặt tinh thần, đã qua đời vào năm 2006.

Năm 2015, bà Mai lại bị bắt và bị kết án ba năm. Tại Nhà tù nữ tỉnh Giang Tây, bà không được phép gặp mặt gia đình và quyền mua các nhu yếu phẩm hàng ngày. Các lính canh đã tiêm cho bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc nhiều lần. Đôi khi họ trói bà trên ghế và bắt bà xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công suốt ngày đêm. Ngay khi bà nhắm mắt, các tù nhân sẽ vỗ đầu hoặc véo tai bà. Bà được thả vào tháng 2 năm 2018.

Vào tháng 8 năm 2020, Văn phòng An sinh Xã hội quận Tây Hồ đột ngột đình chỉ lương hưu của bà Mai và yêu cầu bà trả lại khoản tiền trợ cấp mà bà đã nhận trong thời gian 3 năm tù giam. Phòng An sinh Xã hội tuyên bố rằng, theo chính sách mới của chính phủ, các học viên Pháp Luân Công không được hưởng lương hưu trong thời gian thụ án.

Con gái của bà Mai lập luận rằng cô chỉ nhận được tổng cộng 12.000 nhân dân tệ từ tiền trợ cấp của mẹ mình trong ba năm đó và tất cả số tiền đã bị Phòng An sinh Xã hội thu hồi. Cô hỏi tại sao mà các nhà chức trách vẫn có thể yêu cầu thu tiền thêm từ họ.

Người phụ nữ Thượng Hải bị bắt lần thứ bảy vì đức tin của mình

Vào ngày 25 tháng 2 năm 2021, bà Dương Mạn Diệp, 54 tuổi, ở Thượng Hải đã bị bắt và bị tạm giữ hình sự cùng ngày tại trại tạm giam quận Tĩnh An

2021-3-5-i105129_01.jpg

Bà Dương Mạn Diệp

Đây là lần thứ bảy bà Dương bị bắt vì đức tin vào Pháp Luân Công. Trước đó, bà đã phải chịu hai án tù 4 năm và một thời hạn 1,5 năm khác trong trại lao động cưỡng bức. Gia đình bà đã liên tục sống trong sợ hãi, và con trai bà đã không có được sự chăm sóc và giáo dưỡng của bà trong suốt thời thơ ấu.

Bà Dương bị bắt lần đầu vào năm 2000 vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Bà bị kết án bốn năm tù và thời hạn của bà được kéo dài thêm chín tháng vì bà không chịu từ bỏ đức tin của mình.

Trong thời gian ở tù, bà bị biệt giam trong một thời gian dài, bị đánh đập bằng dùi cui điện và phải lao động khổ sai. Đánh đập thể chất và lao động nặng nhọc đã dẫn đến việc bà bị gãy xương bánh chè. Bà được thả vào tháng 8 năm 2005.

Các nhân viên từ Phòng An ninh Nội địa quận Phổ Đà đã bắt bà lần thứ hai chưa đầy sáu tháng sau đó và giam bà một năm rưỡi tại Trại lao động cưỡng bức thành phố Thượng Hải.

Bà Dương bị bắt lần thứ ba và bị giam trong một trại tạm giam trong một tháng vào tháng 6 năm 2009.

Các nhân viên từ Phòng An ninh Nội địa quận Phổ Đà và Phòng 610 đã triệu tập bà đến để “nói chuyện” vào cuối năm 2009. Họ bắt bà ngay khi bà đến và đưa bà đến một trung tâm tẩy não.

Hơn mười nhân viên từ Đồn Công an Cam Tuyền ở quận Phổ Đà đã đột nhập vào nhà bà và bắt bà Dương lần thứ năm vào ngày 9 tháng 10 năm 2013. Bà bị kết án thêm bốn năm tù vào ngày 29 tháng 8 năm 2014.

Bà Dương lại bị bắt vào ngày 26 tháng 9 năm 2019. Bà đã tuyệt thực hơn 30 ngày trong trại tạm giam quận Phổ Đà và bị bức thực một lần mỗi ngày. Bà được tại ngoại vào ngày 31 tháng 10.

Người phụ nữ 79 tuổi góa chồng phải đối mặt với sự bức hại về tài chính sau thời gian thụ án vì đức tin của mình

Vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, khi bà Vương Phượng Anh, một người dân 79 tuổi ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đi rút tiền mặt, bà đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra 5.000 nhân dân tệ bị thiếu hụt trong tài khoản của mình.

Một nhân viên ngân hàng nói với bà rằng Tòa án quận Đông Hồ đã rút tiền của bà vào tháng 8 năm 2020. Nhưng bà Vương không nhận được bất kỳ lời giải thích hoặc thông báo nào từ tòa án về lý do tại sao lại rút tiền của bà mà bà không hề hay biết.

2021-2-4-wangfengying.jpg

Bà Vương Phượng Anh

Vào tháng 6 năm 2017, bà Vương đã bị bắt vì dán các biểu ngữ về Pháp Luân Công. Bà bị kết án ba năm tù giam bởi Tòa án quận Đông Hồ vào ngày 13 tháng 11 năm 2017.

Bà đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau khi bị giam giữ tại Nhà tù nữ Giang Tây, bao gồm bị kéo lê trên mặt đất, bị đẩy ngã và bị bắt đứng trong thời gian dài. Bà đã từng bị đánh vào đầu rất mạnh khiến đầu bà bị sưng tấy nghiêm trọng. Một lần khác, bà bị ép mặc một chiếc áo trói tay và bị treo lơ lửng trên không với tứ chi bị trói vào cột giường (xem hình minh họa bên dưới). Bà cũng phải lao động cưỡng bức và bị cấm ngủ. Các lính canh cũng mắng chửi và bức thực bà bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

2015-11-24-minghui-jilin-female_torture-04_piiqthg_v7rur7u.jpg

Minh họa tra tấn: Bị trói và treo lơ lửng trên không

Việc bà Vương bị bắt và bị kết án đã gây ra nhiều đau buồn cho chồng bà, ông Đường Duy Cát. Người đàn ông 86 tuổi khỏe mạnh đã bị mất cảm giác thèm ăn và bị mất ngủ. Áp lực tinh thần, nỗi sợ hãi và lo lắng đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông Đường. Vào tháng 6 năm 2019, ông đã qua đời trong đau khổ, một năm trước khi bà Vương được trả tự do.

Sau khi bà Vương trở về nhà vào tháng 6 năm 2020, nhà chức trách bắt đầu giữ lại 1.800 nhân dân tệ từ lương hưu 2.400 nhân dân tệ của bà mỗi tháng, để trả lại hơn 70.000 nhân dân tệ mà bà đã nhận khi bị giam giữ.

Các nhà chức trách tuyên bố rằng bà không được nhận lương hưu trong thời gian bị giam cầm, mặc dù cả Luật Lao động và Luật Bảo hiểm Xã hội của Trung Quốc đều không quy định rằng lương hưu sẽ bị đình chỉ trong thời gian thi hành án.

Với việc tòa án tự ý lấy tiền của mình, bà Vương hiện đang phải đối mặt với tình trạng tài chính túng quẫn hơn nữa khi đang sống một mình.

Sách nhiễu các học viên cao tuổi

Một chục cảnh sát ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, đã đột nhập vào nhà của ông Vương Hữu Cần, 86 tuổi và vợ ông là bà Lưu Kì Hiền, 82 tuổi vào ngày 6 tháng 2 năm 2021. Họ khám xét nơi này trong khoảng một giờ và tịch thu tài sản của cặp vợ chồng. Sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và các tài liệu Pháp Luân Công khác.

Vào ngày 12 tháng 2, một học viên lớn tuổi ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, đã bị một số cảnh sát chặn lại khi bà đi ngang qua một quảng trường. Họ hỏi bà có tu luyện Pháp Luân Công không. Sau khi bà nói có, họ đã kéo bà đến một nhà vệ sinh công cộng gần đó, cởi quần áo và khám xét bà. Họ cũng đe dọa sẽ lục soát nhà của bà.

Bài liên quan:

1.216 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và sách nhiễu trong tháng 1 năm 2021

15.235 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt giữ và sách nhiễu trong năm 2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/7/421761.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/11/191352.html

Đăng ngày 04-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share