Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 04-01-2024]

Ông Vương Hải Can, cựu giáo viên trung học của huyện Đại Trúc, tỉnh Tứ Xuyên, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết vào tháng 1 năm 2023, trong khi đang thụ án 7,5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện tâm linh và thiền định cổ xưa. Chính quyền nhà tù đã thông báo cho gia đình ông nộp đơn xin tại ngoại để điều trị y tế cho ông, nhưng lại cố tình trì hoãn quá trình phê duyệt, và phải đến tháng 9 năm 2023 mới thả ông, khi bệnh ung thư của ông đã di căn. Ông qua đời một tháng sau đó ở tuổi 60.

Trường hợp của ông Vương là một trong 209 trường hợp tử vong của các học viên Pháp Luân Công mới được báo cáo vào năm 2023, nâng tổng số người bị bức hại đến chết được ghi nhận lên hơn 5.000 kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Số người tử vong thực tế được cho là cao hơn nhiều nhưng không thể thống kê do sự kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc. (Danh sách đầy đủ 209 học viên bị bức hại đến chết có thể tải xuống tại đây (PDF)).

2023_deceased_practitioners_2_thumb.jpg

Mục lục

Phần I. Tổng quan về các trường hợp tử vong mới được báo cáo
1) 18 trường hợp tử vong trong thời gian bị giam giữ
2) Những trường hợp tử vong tại nhà
3) Bi kịch gia đình
4) Phân tích các trường hợp tử vong theo năm
5) Phân bố theo địa điểm-năm-giới tính của 209 trường hợp tử vong mới được báo cáo vào năm 2023
6) 175 trường hợp tử vong đã biết tuổi
Phần II. Một số trường hợp điển hình khác
1) Những trường hợp tử vong trong thời gian bị giam giữ
2) Những trường hợp tử vong tại nhà

PHẦN I. TỔNG QUAN VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP TỬ VONG MỚI BÁO CÁO

Các học viên đã qua đời đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm bác sỹ, giáo viên, công nhân nhà máy, thủ thư và kỹ sư. Ít nhất 18 người trong số họ, ở độ tuổi từ 30 đến 86, chết trong thời gian bị giam giữ, trong đó có 3 người chết trong các Trại tạm giam và 15 người chết ở các nhà tù. Các báo cáo tóm tắt của những năm trước cũng bao gồm các trường hợp tử vong xảy ra tại đồn cảnh sát, bệnh viện tâm thần, trung tâm tẩy não và các trại lao động hiện đã giải thể.

Những cái chết trong khi bị giam giữ thường xảy ra sau khi bị tra tấn dã man về thể xác và tinh thần (do tẩy não tăng cường nhằm buộc các học viên từ bỏ đức tin của mình), bị cưỡng chế tiêm/uống thuốc, sinh bệnh trong khi bị giam giữ hoặc không được điều trị kịp thời (chẳng hạn như trường hợp ông Vương trong trại tạm giam nêu trên).

Những cái chết còn lại xảy ra sau khi các học viên được trả tự do hoặc sau nhiều năm bị bức hại không phải dưới hình thức bắt giữ (chẳng hạn như bị chính quyền sách nhiễu, buộc phải sống lưu lạc, áp lực phải từ bỏ Pháp Luân Công, bị đuổi việc, tước đoạt/đình chỉ lương hưu hoặc mất đi người thân vì cuộc bức hại).

1) 18 trường hợp tử vong trong thời gian bị giam giữ

Hai trong số 18 học viên tử vong trong thời gian bị giam giữ đã tử vong sau sáu ngày bị bắt.

Bà Hồ Vĩnh Tú, 64 tuổi, cư dân thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã chết sau sáu ngày bị bắt giữ, vào ngày 30 tháng 3 năm 2023 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công bên ngoài bệnh viện.

Bà Lương Lập Tân, ở Liên đoàn Hưng Yên, Nội Mông, cũng qua đời sau sáu ngày bị bắt vào tháng 3 năm 2023, khi đang đi thăm con gái ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Bà đã chết tại Trại giam Cửu Đài khi cảnh sát đang trong quá trình lập hồ sơ bức hại bà.

Học viên cao tuổi nhất chết trong khi bị giam giữ là cụ Lý Bồi Cao, 86 tuổi ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Ông qua đời vào ngày 4 tháng 1 năm 2023, vài ngày trước khi mãn hạn tù bốn năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Theo những tù nhân đã được thả ra trước đó, ông Lý vẫn có sức khỏe tốt trong tù, nên việc ông đột ngột qua đời chỉ vài ngày trước khi được thả ra là một cú sốc. Các nhà chức trách nhà tù cho rằng ông chết vì bệnh tật nhưng không cung cấp thêm thông tin gì cho gia đình.

Mặc dù không rõ bà Hồ, bà Lương và ông Lý phải chịu hình thức bức hại nào khiến họ qua đời, nhưng nhiều học viên khác đã chết sau khi bị bức hại tàn bạo trong thời gian bị giam giữ.

Một học viên 30 tuổi bị đánh đến chết

Học viên trẻ nhất, anh Bàng Huân, một người dẫn chương trình phát thanh 30 tuổi, đã bị đánh chết khi đang thụ án 5 năm trong một nhà tù ở tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 12 năm 2022. Theo một người trong cuộc, thi thể của anh Bàng đầy những vết bầm tím do bị đánh đập và những vết tích do bị sốc điện và bị trói chặt bằng dây thừng. Anh cũng bị mất tự chủ đại tiểu tiện do bị tra tấn.

Nhà tù phủ nhận việc tra tấn anh Bàng, nhưng tuyên bố rằng anh chết vì chứng cường giáp, mặc dù anh hoàn toàn khỏe mạnh và không có bệnh lý gì từ trước khi bị bắt.

Tử vong do sinh bệnh trong thời gian tù giam

Một số học viên cao tuổi đang phải thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công đã bị từ chối tại ngoại để điều trị y tế mặc dù họ đang trong tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, cuối cùng khiến họ qua đời.

Bà An Phúc Tử, một giáo sư đại học đã nghỉ hưu 82 tuổi, qua đời vào tháng 5 năm 2023 trong thời gian bị giam giữ với thời hạn ba năm. Một vài tháng trước khi bà An qua đời, nhà tù đã thông báo cho gia đình bà rằng bà bị tràn dịch màng phổi và yêu cầu họ hợp tác với các nhà chức trách trong việc điều trị y tế cho bà. Con trai và con gái của bà, đều đang làm việc ở Hàn Quốc vào thời điểm đó, đã yêu cầu được gặp bà qua mạng hoặc gọi điện thoại với bà, nhưng yêu cầu của họ bị từ chối. Nhà tù lấy đại dịch làm cớ để không cho phép người nhà bà ở Trung Quốc trực tiếp vào thăm bà.

Bà Phí Thục Cần, 77 tuổi, đã qua đời tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 16 tháng 2 năm 2023, khi đang thụ án 13 năm. Bà bị u xơ tử cung, huyết áp cao và bệnh tim ngay sau khi bị giam cầm, tuy nhiên nhà tù liên tục từ chối đơn xin tại ngoại để chữa bệnh của gia đình bà.

Ông Vương Tự Chu, 74 tuổi, cư dân huyện Xã Kỳ, tỉnh Hà Nam, phát bệnh nặng tại Nhà tù Thành phố Tân Mật, nhưng 10 phút sau khi ông qua đời vào ngày 14 tháng 10 năm 2023, các nhà chức trách mới đưa ông vào bệnh viện.

2) Những cái chết tại nhà

Trong một số trường hợp, chính quyền đã thả các học viên khi họ cận kề cái chết để trốn tránh trách nhiệm, và các học viên đã qua đời ngay sau khi được thả.

Học viên Mã Trình Tường (không rõ giới tính), cư dân thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt vào ngày 29 tháng 6 năm 2023 và được thả ba ngày sau đó. Học viên này được thả ra trong tình trạng bệnh nặng và qua đời hai tuần sau đó.

Bà Tông Minh, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, được thả ra trong tình trạng gầy rộc, nói năng khó khăn sau tám tháng bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não địa phương. Gia đình đưa bà đến bệnh viện vào ngày đầu năm 2023, nhưng bác sỹ đã từ chối chữa trị cho bà. Bà qua đời trong bệnh viện vài giờ sau đó, sau sáu ngày được đưa về nhà.

Bà Lý Quế Bân, cư dân thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, bị kết án 4 năm tù ở tuổi 76. Giữa tháng 4 năm 2023, hai năm sau khi bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hà Bắc, con trai bà được nhà tù thông báo rằng bà sắp chết. Anh vội vã đến nhà tù và đưa bà vào bệnh viện. Bà qua đời ngay sau đó vào ngày 16 tháng 4, ở tuổi 80. Theo lời kể của một người nhìn thấy thi thể của bà, bà chỉ còn da bọc xương.

Bà Lý Ái Lâm, ở thành phố Hulunbeir, Nội Mông, bị bắt vào tháng 4 năm 2023 sau khi bị tố cáo vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Do bị thẩm vấn tại đồn cảnh sát và bị lục soát nhà sau đó, bà bắt đầu cảm thấy tức ngực và khó thở. Lo sợ rằng bà có thể chết khi bị giam giữ, cảnh sát đã ra lệnh cho con trai bà đưa bà về nhà. Bà qua đời một tháng sau đó vào ngày 10 tháng 5. Lúc đó, bà đang ở tuổi 66.

Bà Hồ Hoành Mỹ, 75 tuổi ở huyện Kim Trại, tỉnh An Huy, qua đời vào ngày 26 tháng 3 năm 2023, vài tháng sau khi xuất viện sau 8 tháng bị cưỡng chế vào khu tâm thần của bệnh viện. Trong bệnh viện, bà Hồ chưa từng được cung cấp đủ thức ăn và bị ép uống ba viên thuốc không rõ chủng loại ba lần một ngày. Khi từ chối uống thuốc, bà bị y tá túm cổ và tát vào mặt. Ngay cả sau khi được thả ra, bà vẫn bị chính quyền quản chế tại nhà và liên tục ép từ bỏ Pháp Luân Công. Trong khi phải chịu đựng những biến chứng của việc cưỡng chế uống thuốc, bà còn phải vật lộn với áp lực không ngừng và qua đời.

Một ví dụ về trường hợp tử vong do bị sách nhiễu là trường hợp của bà La Anh, cư dân thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc. Bà bị tái phát bệnh cũ sau khi bị chính quyền địa phương sách nhiễu tại nhà vào ngày 3 tháng 3 năm 2023, hòng ép bà từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Bà không hồi phục được nữa và đã qua đời vào ngày 1 tháng 5 ở tuổi 70.

Một số học viên khác đã qua đời trong cảnh nghèo khó vì bị đình chỉ lương hưu. Ông Lý Điển Hình, cư dân thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam, liên tục bị chính quyền địa phương sách nhiễu. Ngày 3 tháng 4 năm 2023, một nhân viên của Phòng Nhân sự và An sinh Xã hội Quận Nguyên Lăng đã đến nhà ông và yêu cầu ông trả lại một phần lương hưu mà ông đã nhận. Người này tuyên bố rằng vì ông Lý không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp hưu trí nào trong thời gian ngồi tù trước đó vì đức tin nên ông phải trả lại số tiền đã nhận được trong thời gian đó. Ông Lý buồn bực đến mức bị đột quỵ xuất huyết. Ông qua đời sau ngày hôm đó ở tuổi 84.

3) Bi kịch gia đình

Cuộc bức hại không chỉ gây tổn hại cho các học viên Pháp Luân Công mà còn mang đến những tổn thất không thể vãn hồi cho gia đình họ. Một số trẻ nhỏ mồ côi cha mẹ khi cả cha lẫn mẹ bị bức hại đến chết, có những đôi vợ chồng đang hạnh phúc lại phải ly tán, có những cha mẹ già mất đi người con đã cất công dưỡng dục trưởng thành.

Bé gái Lily (hóa danh) 6 tuổi, đã mất mẹ ruột vào tháng 7 năm 2022, lại trở thành trẻ mồ côi khi cha cháu cũng qua đời vào tháng 4 năm 2023.

Bé Lily đã phải chịu khổ đau trước cả lúc chào đời. Do không biết mình đang mang thai, bà Chu Tú Mẫn đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ và tra tấn phi pháp suốt 5 tháng vì tu luyện Pháp Luân Công. Thần kỳ thay, bà vẫn giữ được thai nhi và sinh hạ bé Lily vào ngày 8 tháng 12 năm 2017. Chỉ sáu ngày sau sinh nhật của bé Lily, cha cô bé là ông Vương Vũ Đông đã bị kết án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Chu vừa phải một mình vật lộn chăm con, vừa phải tránh bị cảnh sát sách nhiễu. Chấn thương cả về thể chất lẫn tinh thần cuối cùng đã dẫn đến cái chết của bà vào tháng 7 năm 2022. Ông Vương bị đột quỵ trong tù và không hồi phục được sau khi được thả vào tháng 3 năm 2020. Ông đã ra đi trong giấc ngủ vào ngày 9 tháng 4 năm 2023.

Bà Hướng Hoài Hương, một cư dân 73 tuổi ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam, qua đời vào tháng 4 năm 2023, sau cái chết của con gái và chồng bà. Con gái duy nhất của bà, cô Trần Lệ Quyên, sinh viên đại học khoảng 20 tuổi, bị bắt vào năm 2000 khi đang tập các bài công pháp Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Cô bị rối loạn tâm thần do bị tra tấn trong khi bị giam giữ. Mặc dù được điều trị y tế, nhưng tình trạng của cô ngày càng tệ đi; cô qua đời vào tháng 11 năm 2004. Sau lần bắt giữ cuối cùng của bà Hướng vào ngày 19 tháng 7 năm 2010, chồng bà, ông Trần Chí Cường, đã nỗ lực không mệt mỏi để yêu cầu trả tự do cho bà, nhưng lại bị chính quyền đe dọa. Do suy sụp tinh thần, ông đã phát bệnh ung thư gan và qua đời tại nhà. Mãi đến khi thi thể của ông bắt đầu phân hủy, khiến hàng xóm nghi ngờ vì mùi hôi thối nồng nặc, ông mới được phát hiện là đã chết.

Ông Cao Chấn Tài được trả tự do vào ngày 2 tháng 1 năm 2023, sau 3,5 năm thụ án chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông được thả ra trong tình trạng hốc hác, gần như bị mù và mất khả năng lao động. Vợ ông, bà Từ Tố Cầm, không thể đón ông tại nhà vì bà đã qua đời một tháng trước đó do bị chấn thương tinh thần vì cuộc bức hại. Ông Cao qua đời chưa đầy hai tháng sau đó, vào ngày 26 tháng 2 ở tuổi 71.

Bà Lưu Tân Dĩnh bị bắt một tháng sau khi chồng bà, vốn bị liệt nửa người vào năm 2001 do bị tra tấn trong trại lao động với lý do tu luyện Pháp Luân Công, qua đời ở tuổi 45, vào ngày 19 tháng 2 năm 2014. Sau đó, bà bị kết án 5,5 năm tù và bị cảnh sát sách nhiễu liên tục sau khi được thả vào tháng 3 năm 2020. Bà qua đời vào ngày 22 tháng 4 năm 2023, ở tuổi 54. Thậm chí một tháng trước khi bà qua đời, cảnh sát còn gọi điện cho bà và yêu cầu được nói chuyện với bà.

Bà Hy Tú Lâm ở huyện Bình Định, tỉnh Sơn Tây, bị kết án 10 tháng tù vào tháng 1 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà liên tục bị chính quyền sách nhiễu sau khi được thả vào tháng 11 năm 2021. Bà sống trong sợ hãi và qua đời vào tháng 6 năm 2023. Con gái của bà, cô Lưu Diễm Minh, bị liên lụy sau vụ bắt giữ của bà Hy vào năm 2003. Cô Lưu bị tổn thương đến mức sinh chứng rối loạn tâm thần, nên không làm việc được nữa từ nửa cuối năm 2004.

4) Phân tích trường hợp tử vong theo năm xảy ra

Trong số 209 trường hợp tử vong mới được xác nhận, có 88 trường hợp xảy ra từ năm 2002 đến năm 2022, 114 trường hợp xảy ra vào năm 2023 và 7 trường hợp không rõ thời điểm.

Trong 88 trường hợp xảy ra trước năm 2023, năm 2002, 2003, 2004, 2007 và 2012 có một trường hợp, và năm 2013, 2014 và 2016, mỗi năm có hai trường hợp. Năm 2017 có 5 trường hợp, năm 2018 có 6 trường hợp, năm 2019 có 5 trường hợp, năm 2020 có 7 trường hợp, năm 2021 có 5 trường hợp và năm 2022 có 49 trường hợp.

Đối với 114 trường hợp trong năm 2023, số ca tử vong trung bình hàng tháng trong nửa đầu năm là 11 và giảm xuống còn 6 vào nửa cuối năm.

Do tình trạng kiểm duyệt thông tin gắt gao ở Trung Quốc, không phải lúc nào cũng có thể báo cáo kịp thời các trường hợp bức hại, thông tin cũng không đầy đủ. Dựa vào thông tin đã có, các trường hợp tử vong được báo cáo vào năm 2023 và trước năm 2021 có độ trễ trung bình là 84 tháng so với thời gian được báo cáo. Các trường hợp tử vong xảy ra vào năm 2022 có độ trễ trung bình là 5,6 tháng so với thời điểm được báo cáo vào năm 2023. Đối với các trường hợp xảy ra vào năm 2023, 62 trường hợp (27,2%) được báo cáo trong cùng tháng hoặc trong vòng một tháng sau khi tử vong, các trường hợp còn lại có độ trễ báo cáo trung bình là 3,3 tháng.

5) Phân bố theo địa điểm-năm-giới tính của 209 trường hợp tử vong mới báo cáo vào năm 2023

209 học viên mới được xác nhận tử vong (gồm 132 nữ, 77 nam và 2 trường hợp không rõ giới tính) đến từ 25 tỉnh và thành phố, số trường hợp ở mỗi khu vực dao động từ 1 đến 24. Liêu Ninh báo cáo có nhiều trường hợp tử vong nhất là 24, trong đó có 12 trường hợp xảy ra vào năm 2023 và 12 trường hợp vào những năm trước đó. Cát Lâm và Hắc Long Giang, mỗi nơi ghi nhận 23 trường hợp, trong đó lần lượt có 14 và 10 trường hợp xảy ra vào năm 2023. 14 trường hợp ở Cát Lâm vào năm 2023 cũng là cao nhất trong tất cả các khu vực được báo cáo xảy ra cùng năm.

5 vùng khác có số trường hợp được báo cáo hai chữ số từ 11 đến 17, và 17 khu vực còn lại có từ 1 đến 8 trường hợp.

Hình 4 cũng cho thấy sự phân bố theo giới tính của số ca tử vong mới được báo cáo trên các tỉnh.

6) 175 học viên tử vong đã biết tuổi

Trong số 209 trường hợp mới được báo cáo, có 175 học viên đã biết tuổi tại thời điểm họ qua đời. Độ tuổi của họ dao động từ 23 đến 93, trong đó có 134 người từ 60 tuổi trở lên. Trong số 175 học viên này, 66 người là nam giới, trong đó có 32 người tử vong trước năm 2023 và 34 người năm 2023. 109 học viên còn lại là nữ, trong đó 42 người chết trước năm 2023 và 63 người năm 2023.

Các trường hợp tử vong xảy ra trước năm 2023

Trong số 175 học viên được biết tuổi, 74 học viên qua đời trước năm 2023 (trong đó có 32 nam và 42 nữ). Học viên trẻ nhất là anh Kim Lộ Nghi 23 tuổi và người lớn tuổi nhất là cụ bà Diêu Xuân Lan, 92 tuổi, qua đời vào tháng 8 năm 2022, bốn tháng trước cái chết của con trai bà là ông Lý Hội Tường 60 tuổi vì bị bức hại.

Trong vụ bắt giữ ông Trần Tái Sơn, một cư dân Sơn Đông, vào năm 2018, cảnh sát đã đe dọa ông: “Với học viên Pháp Luân Công, chúng tôi có đánh chết cũng chẳng sao cả”. Mặc dù ông Trần được thả vài giờ sau đó, nỗi đau tinh thần do liên tục bị cảnh sát quấy rối vẫn ám ảnh ông. Ông còn chịu cú sốc nặng nề khi vợ ông, vốn bị mù và không đi lại được vì bị bức hại, qua đời vào năm 2021. Ông được phát hiện đã chết tại nhà vào mùa đông năm 2022, ở tuổi 80.

Hai học viên đã chết sau nhiều năm bị sách nhiễu và cưỡng chế dùng thuốc, trong đó có ông Từ Cát An, cư dân 77 tuổi ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, và bà Tống Hương Trân, cư dân thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Bà Tống bị mất khả năng vận động và mất trí nhớ vì bị tiêm chất độc sau khi bị bắt vào năm 2002. Bà qua đời vào tháng 7 năm 2022 ở tuổi 73, sau 20 năm chịu đau khổ.

Những trường hợp tử vong trong năm 2023

Trong số 175 học viên tử vong đã biết tuổi, có 101 trường hợp xảy ra trong năm 2023 (gồm 34 nam và 67 nữ). Người trẻ nhất là anh Khương Dũng, 31 tuổi, ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, qua đời vào ngày 23 tháng 1 năm 2023 khi đang thụ án 8,5 năm tại Nhà tù Công Chủ Lĩnh. Mặc dù anh đang trong tình trạng nguy kịch do tuyệt thực kéo dài để phản đối cuộc bức hại, nhưng chính quyền vẫn từ chối thả anh để điều trị y tế, với lý do anh không chịu từ bỏ đức tin của mình.

Học viên cao tuổi nhất qua đời vào năm 2023 là bà Cao Sở Đệ, 93 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Bà qua đời do bị cảnh sát quấy nhiễu và nhiều lần lục soát tại nhà. Thậm chí một ngày trước khi bà qua đời, nhiều cảnh sát đã đến nhà bà để quấy nhiễu. Hiện vẫn chưa rõ ngày bà qua đời.

PHẦN II. MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH KHÁC

1) Tử vong trong thời gian bị giam giữ

Trong khi bị giam giữ, những học viên Pháp Luân Công không chịu từ bỏ tu luyện sẽ bị tra tấn thể xác tàn bạo và tẩy não tăng cường nhằm khiến họ chuyển hóa. Nhiều người bị giam biệt lập, bị các tù nhân theo dõi suốt ngày đêm, không được liên lạc với gia đình và không được phép nói chuyện với các học viên Pháp Luân Công khác bị giam giữ. Chấn thương cả về thể chất lẫn áp lực tinh thần to lớn thường khiến họ tử vong.

Với chính sách của Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, kẻ đã ra lệnh bức hại vào năm 1999 hòng nhằm “nhổ tận gốc” Pháp Luân Công – “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể [các học viên]” – hầu hết các nhà tù và trại giam đều bị giao “hạn ngạch tử vong”, trong đó, lính canh sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu họ tra tấn đến chết các học viên Pháp Luân Công, mà còn được thưởng khi ép được các học viên từ bỏ Pháp Luân Công. Các tù nhân cũng được khuyến khích tích cực tham gia tra tấn các học viên bằng những hình thức thưởng như giảm án và các đặc quyền khác.

Một số trường hợp điển hình

Trường hợp 1: Cụ ông 74 tuổi ở Hà Nam không được chữa trị y tế sau khi bệnh nặng ở trong tù

Trong khi thụ án 3,5 năm trong Nhà tù Thành phố Tân Mật, ông Vương Tự Chu, một người đàn ông từng khỏe mạnh, đã bị ngược đãi đến mức bị bệnh nặng. Chính quyền nhà tù đã không chăm sóc y tế cho ông cho đến mười phút sau khi ông qua đời vào ngày 14 tháng 10 năm 2023. Ông đã 74 tuổi.

Chính quyền nhà tù tuyên bố rằng ông Vương, ở huyện Sheqi, tỉnh Hà Nam, chết vì nguyên nhân tự nhiên và họ từ chối cung cấp cho gia đình ông bản sao báo cáo khám nghiệm tử thi hoặc video giám sát với lý do thông tin được giữ bí mật.

105dbe123a40e501d0d0473520078fc3.jpg

Ông Vương Tự Chu

Ông Vương bị bắt vào ngày 8 tháng 6 năm 2021. Ông bị đưa vào Khu 9 của Nhà tù Thành phố Tân Mật vào khoảng cuối tháng 12 năm 2022, ngay sau khi ông bị kết án 3,5 năm. Các cai tù ráo riết tẩy não ông nhằm buộc ông từ bỏ Pháp Luân Công, đồng thời buộc ông ta phải lao động nặng nhọc không lương. Sự ngược đãi không ngừng đã khiến sức khỏe của ông sa sút và sinh bệnh nặng vào tháng 9 năm 2023.

Sau khi ông Vương qua đời, gia đình ông chỉ được phép xem lướt các video giám sát mặc dù họ đã không được cho lấy bản sao của các video này.

Họ nhìn thấy từ các đoạn video rằng ông Vương hầu như chỉ nằm trên giường trong ba ngày cuối đời. Ông thỉnh thoảng phải dùng cả hai tay để ôm bụng và có vẻ rất đau đớn. Ông ấy phải cần đến sự giúp đỡ để bỏ bớt quần áo trước khi đi ngủ. Khi ông hô lớn để xin đi vệ sinh, đôi khi ông không được giúp đỡ gì nên đành nằm xuống. Đôi khi ông cố gắng tự đi vệ sinh, có người thấy ông đi không vững và có vẻ vô cùng khó nhọc khi quay về phòng giam.

Gia đình ông Vương đau lòng chứng kiến những giờ phút cuối đời của ông. Từ 5 giờ sáng đến 10h06 ngày 14 tháng 10 năm 2023, ông trông rất yếu và phải mất một thời gian lâu mới mặc được quần áo. Ông phải ngồi chờ trong giờ điểm danh buổi sáng và cần có sự giúp đỡ mới đứng dậy được. Khi các tù nhân cùng phòng ăn sáng, ông không muốn ăn mà chỉ nằm trên giường. Có hai người đã giúp ông đi vệ sinh một lần.

Mặc cho tình trạng của ông, các lính canh không buồn xem ông thế nào, chứ chưa nói đến chăm sóc y tế cho ông. Họ thậm chí còn ra lệnh cho ông viết đơn xin nghỉ ốm (ông bị bắt lao động nặng nhọc không lương). Ông Vương từng là giáo viên, nhưng đến viết đơn cũng khó vì đã quá yếu. Tay ông run rẩy, rồi lại bị lính canh và các tù nhân chê là ông viết yêu cầu quá chậm.

Một vài phút trước khi qua đời, người ta thấy ông Vương thường xuyên trở mình và trong tình trạng vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, không có tù nhân cùng phòng hay lính canh nào chú ý đến ông.

Ông Vương ngừng thở và cử động lúc 10h06 sáng. Mười phút sau, cuối cùng cũng có người nhận thấy ông bất động và đá ông vài phát, nhưng ông đã không còn nhúc nhích. Lúc ấy, nhà tù mới đưa thi thể ông vào bệnh viện để “hồi sức”. Sau đó, họ mới thông báo cho gia đình ông. Khi người nhà của ông đến nơi, thi thể ông đã được đưa vào nhà xác bệnh viện.

Trường hợp 2: Gia đình thấy có nhiều uẩn khúc phía sau cái chết đột ngột của người đàn ông 72 tuổi ở trong Nhà tù Kê Đông (Ảnh minh họa)Ông Vương Kiến, cư dân quận Tuân Hóa, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, bị bắt tại nhà vào ngày 6 tháng 7 năm 2019, sau đó bị kết án bảy năm tù với số tiền phạt 5.000 Nhân dân tệ. Ngày 2 tháng 3 năm 2023, khi được khám sức khỏe, sức khỏe của ông vẫn tốt. Ngày 19 tháng 3, khi gia đình đến thăm, ông vẫn trông khỏe mạnh, tinh thần tốt. Tuy nhiên, ngày 3 tháng 4, gia đình ông nhận được một cuộc điện thoại bất ngờ từ nhà tù báo tin ông đã qua đời. Ông đã ra đi ở tuổi 72.

Ông Vương có mảng lớn bị bầm tím sâu quanh tai và trên lưng, cũng như một số vết bầm tím ở mu bàn tay phải. Trên ngực có một vệt tròn, và trên lưng có vài vết xước. Khi nhân viên pháp y lật thi thể của ông lại, tai trái của ông đã chảy ra dịch.

Nhà tù cho rằng ông Vương đột ngột qua đời vì một căn bệnh nhưng không nói rõ là bệnh gì. Họ yêu cầu gia đình cung cấp chứng từ chứng minh thu nhập thấp vì họ dự định trợ cấp tài chính từ 8.000 đến 10.000 Nhân dân tệ.

Đối với gia đình, những vết bầm tím trên đầu và lưng của ông Vương có vẻ bất thường và không phải do căn bệnh thông thường nào đó gây ra. Họ hỏi nguyên nhân có phải là do tra tấn hay hình thức ngược đãi khác mà nhà tù đang cố gắng che giấu hay không.

Trường hợp 3: Một giáo viên về hưu 75 tuổi chết trong Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang

Bà Mưu Vĩnh Hà, một giáo viên về hưu 75 tuổi, đã bị tra tấn đến chết tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 13 tháng 7 năm 2023. Lính canh đã tự ý hỏa táng thi thể bà Mưu trước khi thông báo cho gia đình bà.

ff03b2c28f061a2ffa4e89164d945980.jpg

Bà Mưu Vĩnh Hà

Bà Mưu bị bắt vào tháng 9 năm 2019 và bị Tòa án Quận Nhượng Hồ Lộ kết án sáu năm tù vào tháng 5 năm 2020. Các lính canh tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang đã xúi giục các tù nhân đánh đập và lăng mạ bà. Nhiều năm bị tra tấn đã khiến sức khỏe của bà bị tổn hại và bà hầu như không thể đi lại được.

Tháng 8 năm 2022, sau khi bà Mưu bị mất khả năng kiểm soát đại tiểu tiện, một tù nhân đã đánh bà và đổ nước lạnh lên người bà. Sau đó, bà cũng bị rối loạn tâm thần, nhưng lính canh và các tù nhân khác vẫn tiếp tục đánh đập bà.

Cuối tháng 12 năm 2022, một tù nhân kêu ca rằng bà Mưu đi quá chậm nên đã đẩy bà từ phía sau, khiến bà ngã xuống đất và bị bầm tím trên mặt. Đêm đó, bà bắt đầu đi tiểu thường xuyên, sau đó, bà phải thức dậy cả chục lần mỗi đêm. Vì thế mà bà thường xuyên bị các tù nhân được giao nhiệm vụ trông chừng bà chửi bới và đánh đập.

Bà Mưu thường thức dậy vào lúc nửa đêm và kêu thét vì bị ngược đãi liên tục. Tiếng ồn lớn đến mức các tù nhân ở phòng giam khác có thể nghe thấy bà. Bà bị mất phương hướng, thậm chí không thể nhận ra các học viên Pháp Luân Công khác đang ở cùng phòng giam với bà.

Con trai bà yêu cầu chính quyền nhà tù cho bà được tại ngoại để điều trị y tế, nhưng yêu cầu của anh liên tục bị từ chối.

Trường hợp 4: Sau 2 năm sống thực vật và bị từ chối tạm tha y tế, người đàn ông Hà Bắc qua đời khi chỉ còn 2 tháng nữa là mãn hạn tù

Sau 7 năm dài đằng đẵng, vợ ông Lại Chí Cường mong ngóng được đoàn tụ với chồng, nhưng đến ngày 3 tháng 1 năm 2023, khi chỉ còn hai tháng nữa là ông mãn hạn án oan vì tu luyện Pháp Luân Công, bà lại nhận được tin sét đánh rằng chồng bà đã qua đời.

Theo lời kể của vợ ông Lại, một ngày sau khi ông qua đời, bà mới được xem thi thể của ông, thi thể ông trong tư thế cuộn tròn, trên mặt có nhiều vết thương. Năm lính canh đã giữ bà để ngăn không cho bà lại gần hoặc chạm vào thi thể ông. Họ từ chối trao lại thi thể cho gia đình và lừa con gái ông ký vào giấy đồng ý hỏa táng.

Ông Lại, một cư dân thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt vào ngày 31 tháng 3 năm 2016 và bị kết án bí mật 7 năm tù. Mẹ già của ông bị chấn thương tâm lý nặng nề nên đã qua đời ngay sau đó.

Năm 2019, ông Lại bị đột quỵ do bị tra tấn trong khi bị giam giữ, nhưng nhà tù đã nhiều lần từ chối yêu cầu thăm ông của gia đình ông. Cuối cùng, khi vợ ông được phép vào thăm vào tháng 1 năm 2020, bà đau đớn khi thấy ông gần như không đi lại được, phải được lính canh khiêng ra ngoài. Ông dường như không nhận ra bà và không phản ứng gì khi bà khóc.

Một người biết rõ sự tình tiết lộ, ông Lại đã bị giam tại bệnh xá của nhà tù gần 6 tháng và bị bức thực hàng ngày. Lính canh tù giữ nguyên ống xông thức ăn trong dạ dày ông. Do không được cho uống đủ nước nên môi ông bị khô nứt nẻ. Thỉnh thoảng mới có y tá dùng miếng bông để nhỏ chút nước vào miệng ông. Mỗi như vậy, ông thường chảy nước mắt, và mấp máy môi nhưng không sao nói thành tiếng.

Gia đình ông Lại yêu cầu được bảo lãnh ông tại ngoại để điều trị y tế, nhưng nhà tù nói rằng họ phải đợi chỉ thị từ bên trên. Trong khi đó, nhà tù yêu cầu gia đình phải nộp mấy nghìn nhân dân tệ, nói rằng khoản tiền đó là để thanh toán các hóa đơn y tế của ông Lại.

Năm 2020, tình trạng của ông Lại ngày càng xấu đi, đến tháng 8 năm 2020, ông bị nhiễm trùng phổi, rơi vào trạng thái thực vật và bị khó thở. Khi nhà tù đưa ông vào bệnh viện, bác sỹ chỉ phẫu thuật cắt mở khí quản cho ông và không thực hiện biện pháp điều trị nào khác. Bác sỹ mặc nhận rằng ông Lại không có nhiều hy vọng hồi phục.

Mặc dù đã rơi vào tình trạng như vậy, nhưng ông Lại vẫn bị nhà tù cùm bằng xích nặng. Sau hơn một tháng nằm viện, ông được đưa trở lại nhà tù vào ngày 9 tháng 9 năm 2020, dù khí quản của ông chưa được khâu lại.

Gia đình ông Lại tiếp tục đệ đơn bảo lãnh y tế cho ông, song nhà tù tuyên bố rằng phòng tư pháp đã bác bỏ yêu cầu của họ. Khi gia đình ông đến thẳng văn phòng tư pháp để nộp đơn kiến nghị, họ đã bị chặn lại ngoài cửa và không có cơ hội trao đổi với bất kỳ ai.

2) Những trường hợp tử vong tại nhà

2.1 Tử vong ngay sau khi được trả tự do sau khi bị ngược đãi hoặc do sinh bệnh trong thời gian giam giữ

Để trốn tránh trách nhiệm, một số nhà tù đã thả các học viên khi họ sắp chết vì bị tra tấn, tương tự như các trường hợp học viên bị ung thư và rơi vào tình trạng nguy kịch (như ông Vương Tự Chu đề cập bên trên). Một số đã qua đời vài ngày hay vài tháng sau khi được thả ra. Mặc dù một số trường hợp không qua đời ngay, nhưng vì bị cảnh sát liên tục quấy nhiễu mà không sao hồi phục được sau chấn thương, cuối cùng vẫn bị mất đi sinh mạng.

Một số trường hợp điển hình

Trường hợp 1: Người phụ nữ Cáp Nhĩ Tân qua đời sau 11 tháng mãn hạn án tù 5 năm oan sai

Bà Trương Xuân Úc, một cựu nữ doanh nhân ở quận A Thành, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hắc Long Giang, bị kết án 5 năm vào đầu năm 2018. Bà đã bị ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần, bị lăng nhục từ khi bị đưa vào Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 18 tháng 4 năm 2018. Tại thời điểm bà Trương Xuân Úc được trả tự do khỏi Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, người bà chỉ còn da bọc xương, cả hàm răng đã rụng gần hết.

Do bị cảnh sát địa phương và chính quyền cộng đồng liên tục sách nhiễu, bà Trương bị buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại thêm. Bà qua đời vào ngày 31 tháng 1 năm 2023, ở tuổi 69. Chồng và con trai bà đã qua đời trước vì bệnh tim do sang chấn vì bà liên tục bị quấy rối, bắt giữ và giam cầm. Con trai bà qua đời vào ngày 24 tháng 9 năm 2014, chồng bà qua đời vào ngày 16 tháng 2 năm 2017, chín ngày trước lần cuối bà bị bắt giữ.

Ngoài bản án 5 năm tù, bà Trương còn phải thụ hai án trong trại lao động, tổng cộng là bốn năm. Năm 2002, khi đang thụ án ba năm lao động cưỡng bức lần thứ hai, bà đã bị một lính canh đánh vào mắt trái, khiến bà bị mù từ đó.

2019-1-24-211108-0_czivdva.jpg

Bà Trương Xuân Úc bị mù mắt trái do bị ngược đãi ở Trại Lao động Vạn Gia

Trường hợp 2: Người đàn ông 51 tuổi qua đời sau 4 tháng mãn hạn án tù 4,5 năm vì kiên định đức tin vào Pháp Luân CôngÔng Triệu Trường Phúc, 51 tuổi ở quận Lăng Nguyên, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, qua đời vào ngày 18 tháng 7 năm 2023, bốn tháng sau khi mãn hạn tù 4,5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công.

Án tù của ông Triệu Trường Phúc bắt nguồn từ vụ bắt giữ ngày 22 tháng 8 năm 2018. Viện Kiểm sát Thành phố Lăng Nguyên đã hai lần trả hồ sơ của ông cho cảnh sát với lý do không đủ bằng chứng. Tuy nhiên, đến ngày 9 tháng 5 năm 2019, cảnh sát đã ngụy tạo thêm bằng chứng và thuyết phục viện kiểm sát truy tố ông. Ngày 5 tháng 6 năm 2019, Tòa án Thành phố Lăng Nguyên đã mở phiên tòa xét xử vụ án của ông Triệu mà không thông báo cho gia đình ông; vài tuần sau đó, họ kết án ông 4,5 năm tù cùng khoản tiền phạt 2.000 Nhân dân tệ.

Kể từ ngày bị bắt, ông Triệu đã bị tra tấn tàn bạo và sức khỏe của ông nhanh chóng sa sút. Trong suốt thời gian bị giam giữ, ông đã phải nhập viện nhiều lần. Tuy nhiên, chính quyền chưa bao giờ chấp thuận yêu cầu của gia đình để cho ông được tại ngoại điều trị y tế tốt hơn.

Cuối năm 2021, tình trạng sức khỏe của ông Triệu càng tồi tệ hơn. Ông bị mù một bên mắt, mắt còn lại bị mờ. Ông chỉ có thể nhìn thấy mọi thứ trong phạm vi 1 mét bằng một con mắt. Hai chân ông sưng phù nghiêm trọng, bắp chân rỉ dịch. Ở Thẩm Dương có hai bệnh viện khác có trang thiết bị tốt hơn để điều trị bệnh tình của ông, nhưng chính quyền chỉ cho phép ông chữa trị tại Bệnh viện Số 4 Thành phố Thẩm Dương, trong khi bệnh nhân tại đây đã quá đông. Khi ông Triệu đang chờ giường, tình trạng mắt của ông càng xấu hơn. Sau đó, ông được phép phẫu thuật mắt tại Bệnh viện Mắt Hà và phải tự chi trả toàn bộ chi phí.

Khoảng tháng 4 năm 2021, ông Triệu được đưa vào Bệnh viện Số 4 Thành phố Thẩm Dương khi có giường trống. Tuy nhiên, khi ông vừa đỡ hơn một chút, chính quyền đã chuyển ông sang Bệnh viện Nhà tù Tân Khương để ông chấp hành thời hạn tù còn lại của mình ở đó.

Ông Triệu bị đưa đến nhiều bệnh viện và cơ sở giam giữ, ở đâu cũng bị tiêm hoặc cho uống một lượng lớn thuốc, gây tác dụng phụ và tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể. Có lần, một tù nhân nhìn thấy một y tá đưa cho ông một lượng lớn thuốc. Khi y tá rời đi, tù nhân này đã xem là thuốc gì, và khuyên ông Triệu đừng uống một viên thuốc nào vì anh đã từng thấy loại thuốc đó và biết nó không tốt cho ông Triệu. Tù nhân này từng là một công tố viên và biết rõ kiểu cưỡng chế dùng thuốc phi tự nguyện của chính quyền này là một hình thức bức hại người dân.

Ngày 21 tháng 2 năm 2023, ông Triệu được trả tự do, nhưng không thể hồi phục sức khỏe, mà còn bị sang chấn tinh thần vì lo sợ vợ ông (cũng là học viên Pháp Luân Công) lại bị bắt giữ. Bà đã từng bị bắt cùng ông vào ngày 22 tháng 8 năm 2018, nhưng đã được thả ra trước ông, vào ngày 30 tháng 1 năm 2019. Trước đó, bà từng bị bắt nhiều lần trong nhiều năm cũng vì tu luyện Pháp Luân Công. Nỗi đau thể xác cùng sự lo lắng cho vợ cuối cùng đã lấy đi mạng sống của ông Triệu vào ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Trường hợp 3: Một cựu trợ lý kỹ sư qua đời vài tháng sau khi mãn hạn án 5 năm tùÔng Ngụy Vĩnh Thanh, một cựu trợ lý kỹ sư tại Đại học Tây Hoa ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã rơi vào tình trạng hôn mê sau khi được thả vào tháng 2 năm 2023, khi mãn hạn án tù 5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông thậm chí còn không còn biết sử dụng nhà vệ sinh và đại tiểu tiện ở bất cứ đâu. Vài tháng sau, ông qua đời vào ngày 29 tháng 8, ở tuổi 83.

Ông Ngụy bị bắt vào ngày 3 tháng 2 năm 2017 và Tòa án Quận Bì Đô đã kết án ông 5 năm tù và phạt tiền 20.000 Nhân dân tệ vào ngày 31 tháng 5 năm 2018. Thẩm phán đã lừa ông từ bỏ kháng cáo bản án bằng cách nói bà ta sẽ không thi hành án đối với ông. Thế nhưng, chỉ 5 ngày sau khi kết thúc thời hạn 10 ngày để kháng cáo, thẩm phán đã ra lệnh cho hai chấp hành viên tòa án đưa ông Ngụy vào Nhà tù Gia Châu.

Khi ông Ngụy từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, ông bị xịt hơi cay, bị bắt ngồi phơi nắng kéo dài cho đến khi mông ông bị mưng mủ, rồi lại bị chích điện bằng dùi cui điện. Ngoài ra, lính canh còn bắt ông phải ăn hết đồ ăn chỉ trong vài giây – đây là một hình thức tra tấn do lính canh ở Nhà tù Gia Châu nghĩ ra.

Tại thời điểm ông Ngụy được trả tự do, ông còn chưa hết choáng váng vì chấn thương cả về tinh thần lẫn thể chất, thì lại bị khủng hoảng tài chính do bị đình chỉ lương hưu. Vợ ông phải cho thuê ngôi nhà của họ ở thành phố để kiếm chút thu nhập, còn hai ông bà phải về quê ở và bị các cán bộ thôn giám sát chặt chẽ hoạt động hàng ngày. Cuối tháng 8, ông Ngụy bị ngã và qua đời vài ngày sau đó.

Trường hợp 4: Một bà lão Tứ Xuyên qua đời sau 8 tháng được trả về nhà trong tình trạng thực vật vì bị bức hại

Tại thời điểm được trả tự do vào ngày 20 tháng 7 năm 2022, bà Liêu Quang Huy đã bị bức hại thành người thực vật sau 3 năm thụ án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Tám tháng sau, ngày 23 tháng 3 năm 2023, cư dân thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên này đã qua đời ở tuổi 70.

Ngày 10 tháng 3 năm 2021, bà Liêu bị té ngã khi đang thụ án oan sai ở Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên. Nhà tù đã từ chối yêu cầu tại ngoại để điều trị y tế của gia đình bà và giam bà cho đến khi mãn hạn tù, mặc cho bà đã rơi vào trạng hôn mê sau cú ngã.

Do bệnh viện nhà tù không điều trị thích đáng trong quá trình phẫu thuật cắt mở sọ, nên bên phải đầu bà xuất hiện một vùng lõm lớn. Bà còn được gắn một chiếc ống thông hút đờm qua cổ họng, một ống xông cho ăn qua đường mũi và một ống thông tiểu. Toàn thân bà cứng đờ.

683717eaecf6bcdbe3de02b4b59238e7.jpg

4d89cdefa45ab7227cdec27019b1d808.jpg

Bà Liêu Quang Huy trong tình trạng hôn mê

2.2 Bị ép uống thuốc độc hoặc bị tiêm thuốc đáng ngờ

Ngoài sự tra tấn về thể xác và áp lực tinh thần, nhiều học viên bị giam giữ còn bị ép dùng thuốc có độc tố. Một số người trong số họ bị tàn tật, một số bị phát điên, một số cuối cùng đã qua đời.

Một số trường hợp điển hình

Trường hợp 1: Một người phụ nữ 75 tuổi ở An Huy đã qua đời sau vài tháng được thả khỏi khoa tâm thần của bệnh viện sau khi bị cưỡng chế nhốt 8 tháng ở trong khoa tâm thần

Bà Hồ Hoành Mỹ, một phụ nữ 75 tuổi ở huyện Kim Trại, tỉnh An Huy, qua đời vào ngày 26 tháng 3 năm 2023, chỉ vài tháng sau khi được xuất viện sau 8 tháng bị nhốt vào khoa tâm thần trong bệnh viện.

Bà Hồ không mắc bất kỳ chứng rối loạn tâm thần nào, nhưng thông thường, chính quyền sẽ nhốt các học viên khỏe mạnh vào bệnh viện tâm thần và cưỡng chế họ dùng thuốc và tra tấn thể xác.

Bà Hồ bị bắt vào ngày 25 tháng 2 năm 2022 và bị đưa thẳng vào Khoa Tâm thần của Bệnh viện Bạch Vân. Cảnh sát đưa bà vào một phòng giam cùng tám người khác, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền. Ban quản lý bệnh viện cũng tương tự như đội ngũ quản lý nhà tù. Bà Hồ không bao giờ được cung cấp đủ đồ ăn và bị bắt uống ba viên thuốc không rõ chủng loại, ba lần mỗi ngày. Khi bà từ chối uống thuốc, các y tá đã túm cổ và tát vào mặt bà.

Có lúc 5 y tá đã giữ chặt bà Hồ và ép bà uống thuốc khiến xương sườn của bà gần như bị gãy. Y tá còn bức thực bà với cái cớ bà ăn quá chậm. Đôi khi họ còn thổi khí vào trong dạ dày của bà qua ống xông thức ăn để khiến bà thêm đau đớn. Trong khi những người bị giam giữ khác có thể ra ngoài trong giờ nghỉ thì bà Hồ không bao giờ được phép rời khỏi phòng. Lính canh tùy tiện đá và trói bà, và còn lấy mẫu máu của bà hàng tháng.

Sau hơn 8 tháng bị giam giữ, cảnh sát đã quay video và chụp ảnh bà Hồ. Họ còn ra lệnh cho bà ký tên vào bản cam kết không bao giờ tu luyện Pháp Luân Công nữa. Vì bà không kết hôn nên anh trai bà được yêu cầu đến bệnh viện đón bà vào tháng 10 năm 2022 và đưa bà vào Viện Dưỡng lão xã Du Điếm để chấp hành án quản chế tại nơi cư trú.

Viện trưởng của Viện Dưỡng lão Vương Long Phi và nhân viên của ông ta liên tục gây áp lực ép bà Hồ phải từ bỏ Pháp Luân Công. Trong khi đang phải chịu đựng những biến chứng của việc dùng thuốc không tự nguyện tại bệnh viện, bà còn phải chật vật đương đầu với áp lực không ngừng, cuối cùng từ trần vào ngày 26 tháng 3 năm 2023.

Trường hợp 2: Người đàn ông Liêu Ninh qua đời sau 10 tháng kể từ lần bị bắt giữ gần nhất chỉ vì kiên định tu luyện Pháp Luân CôngÔng Điền Hiểu Phi, một cư dân Thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh đã bị ép tiêm cái gọi là vắc-xin COVID-19. Hai ngày sau, ông bắt đầu xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng. Sau 10 tháng bị sốt và ho dai dẳng, ông đã qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 2023, ở tuổi 65.

Ông Điền bị bắt tại nhà vào ngày 13 tháng 7 năm 2022. Cảnh sát trùm túi trùm đầu màu đen lên đầu ông và đưa ông đến đồn cảnh sát để thẩm vấn. Cảnh sát còn nói với ông: “Chúng tôi bảo vệ kẻ xấu và bắt người tốt đấy.”

040c9b2c590399e09747f22b95ec9916.jpg

Minh họa: Nhốt vào lồng sắt

Cảnh sát nhốt ông Điền vào lồng sắt, khiến ông không đứng hay duỗi chân được. Để phản đối, ông đã tuyệt thực trong hai ngày. Cảnh sát liên tục thẩm vấn và đe dọa ông, nhưng ông không lùi bước.

Một cảnh sát họ Trần nói với ông: “Kể cả tôi phải bỏ tiền túi, tôi cũng sẽ hối lộ để đưa ông vào trại tạm giam địa phương và kết án ông thêm 10 năm nữa.”

Cảnh sát đưa ông Điền vào bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Họ giữ ông và cưỡng chế tiêm một mũi tiêm mà họ nói là vắc-xin COVID-19. Khi kết quả kiểm tra sức khỏe của ông Điền không đạt, cảnh sát đã cố ép bác sỹ làm giả kết quả kiểm tra sức khỏe của ông Điền. Bác sỹ từ chối làm theo, sau đó trại tạm giam đã từ chối tiếp nhận ông.

Ông Điền được đưa về nhà vào tối ngày 15 tháng 7 năm 2022. Ông không ăn được gì, còn bị sốt và ho dai dẳng. Ông cũng bị sụt cân trầm trọng. Ông đã qua đời trong vòng chưa đầy 10 tháng sau đó.

Trước lần bị bắt giữ cuối cùng, ông Điền đã bị cảnh sát Bắc Kinh giam giữ vào ngày 26 tháng 12 năm 2000, khi đến thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông lại bị bắt vào ngày 26 tháng 2 năm 2002 và bị kết án bí mật 10 năm tù.

2.3 Những trường hợp tử vong do bị vắt kiệt tài chính

Trong những năm gần đây, nhiều học viên cao tuổi còn bị bức hại dưới một hình thức bức hại khác – bị đình chỉ lương hưu sau khi mãn hạn tù. Trong hầu hết các trường hợp, các học viên được lệnh phải trả lại số tiền trợ cấp mà họ đã nhận được trong thời gian ngồi tù. Chính quyền viện dẫn một chính sách mới, tuyên bố rằng những học viên này không được hưởng bất kỳ phúc lợi hưu trí nào trong thời gian thụ án tù mặc dù thực tế là không có luật lao động nào của Trung Quốc quy định như vậy. Một số học viên bị cắt giảm trợ cấp hưu trí, một số thậm chí không thể lấy lại lương hưu sau khi họ tìm cách hoàn lại “khoản nợ”. Vắt kiệt tài chính và những tổn thương về tinh thần và thể chất cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của một số học viên.

Một số trường hợp điển hình

Trường hợp 1: Người đàn ông Cát Lâm ngoài 70 tuổi bị đình chỉ lương hưu và chết trong nghèo đói

Ông Kim Đức Tuấn ở thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, bị đình chỉ lương hưu vào tháng 7 năm 2020 và phải vật lộn để kiếm sống. Ông qua đời vào mùa xuân năm 2023 sau khi trải qua nghèo đói và bệnh tật. Ông đã 74 tuổi.

Ông Kim sinh ngày 17 tháng 5 năm 1949, bị kết án 9 năm tù vào năm 2000. Ông bị tra tấn trong nhiều nhà tù ở các thành phố Trường Xuân, Cát Lâm, và Công Chủ Lĩnh trong 9 năm ròng. Vợ ông, vì không chịu nổi áp lực của cuộc bức hại, đã ly hôn với ông khi ông đang ở trong tù. Khi được thả ra, ông đã trở thành người vô gia cư và khánh kiệt.

Cục An sinh Xã hội thành phố Diên Cát đã đình chỉ lương hưu của ông Kim vào tháng 7 năm 2020. Vào thời điểm đó, ông đã 71 tuổi và không chi trả nổi tiền thuê nhà ở mức thấp nhất, huống hồ là chi phí sinh hoạt hàng ngày. Ông qua đời ba năm sau đó trong tình cảnh bệnh tật và không một xu dính túi.

Trường hợp 2: Cựu quan chức chính phủ 77 tuổi qua đời vì liên tục bị bức hại

Trong cuộc bức hại suốt 24 năm qua, ông Lưu Kế Thuận, ở huyện Kỳ Đông, tỉnh Hồ Nam, đã hai lần bị kết án tổng cộng 6,5 năm và một lần bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức. Mỗi lần bị giam giữ, ông đã bị tra tấn tàn bạo và nhiều lần trong tình trạng thập tử nhất sinh. Ông còn bị sa thải vào năm 2001 và không được nhận lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi vào năm 2006. Vì không có thu nhập và liên tục bị chính quyền sách nhiễu, sức khỏe của ông ngày càng sa sút, cuối cùng ông qua đời vào ngày 27 tháng 7 năm 2023, ở tuổi 77.

Bị kết án ba năm và bị sa thải năm 2001

Ông Lưu bị sa thải không lâu sau khi bị kết án ba năm tù vào năm 2001. Ông bị cai tù và tù nhân tra tấn dã man. Họ đấm đá ông, bắt ông đứng úp mặt vào tường trong thời gian dài, thậm chí còn bắt ông ăn thức ăn cho lợn và thức ăn cho chó. Tại thời điểm được thả ra vào năm 2004, ông đã biến dạng đến không nhận ra được. Cơ thể ông sưng phù và không thể đứng vững.

Ông Lưu đã kháng cáo xin được phục hồi chức vụ nhưng bị từ chối. Sau khi bước sang tuổi 60 vào năm 2006, ông đã nộp đơn xin trợ cấp nhưng lại bị từ chối. Không có thu nhập, cuộc sống của ông vô cùng khó khăn.

Một năm lao động cưỡng bức sau khi bị bắt vào năm 2006

Ngày 5 tháng 7 năm 2006, ông Lưu bị khoảng bảy cảnh sát bắt giữ tại nhà. Lúc đó, ông chỉ mặc quần đùi và đi chân đất, nhưng cảnh sát không cho ông mặc áo sơ mi hay đi giày. Họ bắt ông vì ông đã đến thăm một học viên sắp qua đời vài ngày trước đó.

Ông Lưu bị giam dưới diện hình sự trong 15 ngày, sau đó lại bị một năm lao động cưỡng bức. Lính canh ở Trại Lao động Tân Khai Phố đã bắt ông phải đứng úp mặt vào tường trong thời gian dài và ép ông từ bỏ Pháp Luân Công. Chỉ vài tháng sau, ông đã bị cao huyết áp và bị bệnh tim. Sau đó, trại lao động đã thả ông trước thời hạn.

Bị kết án 3,5 năm sau khi bị bắt vào năm 2014

Ngày 16 tháng 10 năm 2014, ông Lưu đến bưu điện huyện để gửi thư khiếu nại tới cơ quan chính quyền các cấp đối với những kẻ hành ác đã tuyên án ông vào năm 2001, bắt ông nghỉ việc, và tước quyền được hưởng lương hưu của ông. Mặc dù ban đầu, trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận ông vì ông có chỉ số huyết áp cực cao, nhưng cảnh sát đã buộc họ phải tiếp nhận ông với sự giúp đỡ của một quan chức cấp cao. Sau đó ông bị kết án 3,5 năm.

Sống trong nghèo đói và chịu áp lực to lớn trong những năm cuối đời

Sức khỏe của ông Lưu nhanh chóng suy giảm trong thời gian bị giam giữ và ông được thả ra để chữa bệnh. Cảnh sát địa phương, phòng tư pháp và ủy ban khu phố liên tục sách nhiễu ông tại nhà và theo dõi ông chặt chẽ. Họ cử người theo dõi ông khắp mọi nơi và không cho phép ông liên lạc với các học viên khác hoặc đi ra khỏi thị trấn. Họ cũng buộc ông phải đến văn phòng tư pháp quận mỗi ngày để ký và lấy dấu vân tay một số tài liệu.

Cảnh sát cũng thường xuyên đột nhập vào nhà ông để lục soát các cuốn sách Pháp Luân Công và những đồ vật có giá trị khác. Họ giật lấy bất kỳ khoản tiền mặt hoặc sổ ngân hàng nào họ có thể tìm thấy trong nhà ông.

Ông Lưu đã nhiều lần khiếu nại lên chính quyền quận, văn phòng ngũ cốc và văn phòng an sinh xã hội về việc ông bị mất lương trong thời gian ở tù và thu nhập lương hưu của ông. Không ai từng trả lời ông. Ông phải vật lộn để kiếm sống trong những năm cuối đời.

Do áp lực quá lớn, ông Lưu bị bệnh nặng vào tháng 3 năm 2021 và phải nhập viện. Cảnh sát đã hai lần sách nhiễu ông tại nhà sau khi ông được xuất viện. Họ đã chụp ảnh ông. Nhân viên ủy ban khu phố cũng đến nhà ông và yêu cầu ông viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngày 12 tháng 12 năm 2021, cấp cơ sở một cơ quan chính quyền cấp tỉnh đã triệu tập ông Lưu và thẩm vấn xem ông có còn tu luyện Pháp Luân Công hay không. Ông trả lời: “Tôi đã nhiều lần bị bức hại đến mức suýt chết, bị tra tấn đến đi lại cũng khó khăn. Tôi đã bị sa thải hơn mười năm. Các anh chỉ hỏi tôi có còn tu luyện Pháp Luân Công không, mà không quan tâm đến tình hình sức khỏe và tài chính của tôi. Các anh có thể giúp tôi lãnh lương hưu hợp pháp của tôi không? Họ không nói được gì và để ông rời đi.

Sức khỏe của ông Lưu tiếp tục sa sút, cuối cùng ông qua đời vào ngày 27 tháng 7 năm 2023.

Trường hợp 3: Người đàn ông Giang Tô qua đời sau hai thập kỷ bị sách nhiễu và tống tiền trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Ông Lý Kiến Bình, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đã bị bắt nhiều lần vì kiên định tu luyện trong suốt 24 năm bức hại. Khi không bị giam giữ, ông phải sống lưu lạc một thời gian để tránh mặt cảnh sát. Sau khi trở về nhà, ông lại bị sách nhiễu liên tục của cảnh sát và phải sống trong nỗi sợ thường trực rằng mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Cảnh sát lăm le công ty tư nhân và số bất động sản của ông Lý, bèn tìm đủ mọi lý do để tống tiền ông. Cuối năm 2019, họ lại giám sát tăng cường, thậm chí cảnh sát và cán bộ ủy ban dân phố còn chơi mạt chược ở nhà ông, còn ép ông chơi cùng họ để bòn rút tiền của ông.

Chỉ huy trưởng cảnh báo ông Lý: “Tốt nhất là ông nên thông minh. Ông nghĩ chúng tôi ở đây để chơi với ông sao? Tôi nói cho ông biết, với những người cứng đầu như ông, chúng tôi có thể giết ông bất cứ lúc nào và lấy đi tim và gan của ông. Bảo vợ ông là nếu chúng tôi không đến nhà ông nữa thì bà ấy phải đến chỗ tôi. E đến lúc đó, ông cũng không tìm thấy bà ấy nữa đâu. Không ai giúp ông đâu. Ông cũng bảo con ông đi. Khi chúng tôi đến đây thì ông còn giữ được công ty và tài sản của ông. Gia đình ông cũng có thể dành thời gian bên nhau. Như thế tốt biết bao!”

Việc quấy rối và tống tiền đã khiến ông Lý vô cùng khổ sở. Ông qua đời vào giữa tháng 4 năm 2023 ở tuổi 61.

Ông Lý không phải là người duy nhất trong gia đình trở thành nạn nhân của cuộc bức hại suốt 24 năm qua. Mẹ ông, cũng là một học viên, đã bị cảnh sát đe dọa không được liên lạc với ông. Nếu cụ bà cố tình liên lạc thì mẹ con bà sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Ở tuổi 80, bà qua đời trong đau khổ vào cuối năm 2017.

2.4 Tử vong do bị quấy rối/suy sụp tinh thần

Sau 24 năm, khi cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn không suy giảm, nhiều học viên ở Trung Quốc phải sống trong sợ hãi mỗi ngày. Sự đau khổ về tinh thần kéo dài như vậy đã gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở họ và cướp đi sinh mạng của một số người.

Một số trường hợp điển hình

Trường hợp 1: Nhà máy của gia đình bị tịch thu, vợ bị bức hại đến chết, ông lão bị tử vong sau mười ngày bị cảnh sát sách nhiễu

Một người dân ở Thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã qua đời ở tuổi 78 vào đầu tháng 8 năm 2023, mười ngày sau khi bị cảnh sát sách nhiễu. Ông đã 78 tuổi.

999e94560e09602f7c34203a22627f28.jpg

Ông Triệu Húc Đông

Ông Triệu Húc Đông liên tục bị sách nhiễu từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2022. Cảnh sát và cán bộ cộng đồng đã chụp ảnh nhà ông dù không có sự đồng ý của ông và tra hỏi ông có còn tu luyện Pháp Luân Công không. Ông bị bắt vào ngày 27 tháng 9 năm 2022 và được thả vào tối cùng ngày.

Ngày 4 tháng 5 năm 2023, ông Triệu lại bị bắt. Mặc dù ông bị huyết áp cao nhưng cảnh sát vẫn giam giữ ông đến ngày 26 tháng 5 mới thả.

Ngày 31 tháng 7 năm 2023, một cảnh sát đã sách nhiễu ông Triệu tại nhà và ra lệnh cho ông phải đến đồn cảnh sát. Ông Triệu từ chối tuân thủ. Mười ngày sau, vào sáng sớm ngày 10 tháng 8, ông đã qua đời.

Ông Triệu không phải là người duy nhất trong gia đình trở thành mục tiêu bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Vợ ông, bà Lý Diễm, đã qua đời vào ngày 5 tháng 2 năm 2012 vì không chịu đựng nổi nỗi sợ và đau khổ vì bị bức hại. Con trai ông bà, anh Triệu Quốc Hưng, đã bị giam giữ và tra tấn hơn 13 năm. Em gái của ông, bà Triệu Quốc Khôn, hiện đang phải đối mặt với án tù sau khi bị truy tố vào ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Nhà máy sản xuất thiết bị điều khiển điện tử của gia đình ông Triệu Húc Đông đã bị chính quyền tịch thu. Năm 2006, khi ông đến tuổi nghỉ hưu 60 tuổi, cơ quan an sinh xã hội không tìm thấy hồ sơ công tác trước đây của ông tại doanh nghiệp nhà nước, vì thế, ông không được nhận khoản trợ cấp hưu trí nào.

9155a85f36c9e3f039650cfd4d168ef1.jpg

Gia đình ông Triệu

Trường hợp 2: Một cư dân Hắc Long Giang qua đời sau khi liên tục bị cảnh sát sách nhiễu

Bà Thang Xuân Hoa, ở thành phố Ninh An, tỉnh Hắc Long Giang, theo học Pháp Luân Công vào năm 2010. Bà cho biết môn tu luyện này đã giúp bà khỏi bệnh thận nặng mà bà mắc phải từ khi còn nhỏ. Lần đầu tiên sau hai thập kỷ, bà mới biết cảm giác không bệnh tật là thế nào. Bà đã có thể tự chăm sóc bản thân, làm việc nhà và chăm sóc gia đình, trông nom cửa hàng tiện lợi của gia đình. Nhiều người dân địa phương thường lui tới cửa hàng tiện lợi của bà đã chứng kiến những thay đổi lớncủa bà. Bà Đường và mẹ bà, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã nỗ lực giúp mọi người nhìn thấu sự dối trá của chính quyền Trung Cộng và nhận ra sự tốt lành của Pháp Luân Công. Mẹ của bà bị bắt vào năm 2022 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công, sau đó đã được thả ra. Sau đó, cảnh sát thường xuyên sách nhiễu họ tại nhà và gọi bà Đường đến đồn cảnh sát để thẩm vấn hòng khiến bà từ bỏ Pháp Luân Công.

Dưới áp lực ngày càng lớn, bà Đường bị đột quỵ vào tháng 8 năm 2023 và qua đời ngay sau đó ở tuổi 52.

Trường hợp 3: Buộc phải chuyển chỗ ở bốn lần trong hai năm để tránh bị sách nhiễu, cụ ông 76 tuổi qua đời vì suy sụp tinh thần

Ông Lương Duy Sinh, một học viên Pháp Luân Công 76 tuổi ở Bắc Kinh, đã qua đời vào ngày 28 tháng 2 năm 2023, sau 5 năm thụ án tù và buộc phải chuyển nhà hết nơi này đến nơi khác mà vẫn không tránh được sự quấy nhiễu của cảnh sát.

Vào lúc 10 giờ 30 tối ngày 26 tháng 4 năm 2011, cảnh sát xông vào nhà ông Lương và bắt giữ ông. Ngày 20 tháng 12, ông bị kết án 5 năm tù, sau đó bị đưa vào Nhà tù Tiền Tiến.

Sau nhiều năm bị tra tấn trong tù, cuối năm 2015, ông bị đột quỵ và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện nhà tù trong một tháng. Ngày 26 tháng 4 năm 2016, ông được trả tự do. Mặc dù bị hạn chế về khả năng vận động (do tác dụng phụ của cơn đột quỵ), ông vẫn cùng các anh trai thay phiên nhau chăm sóc mẹ của họ.

Để tránh bị cảnh sát quấy rối, năm 2017, vợ chồng ông Lương đã chuyển đến một căn hộ mới. Cảnh sát đã sớm tìm ra họ và gây áp lực buộc chủ nhà phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà chỉ sau ba tháng. Không lâu sau khi hai vợ chồng chuyển đi nơi khác, phòng an sinh xã hội đã đình chỉ lương hưu của ông Lương. Ông đã đệ đơn kiện cơ quan này, nhưng tòa án từ chối xét xử vụ việc của ông và ra lệnh cho cảnh sát gây áp lực buộc chủ nhà đuổi vợ chồng ông một lần nữa. Cảnh sát đã theo dõi vợ chồng ông khi họ chuyển nhà lần thứ ba và liên tục sách nhiễu họ.

Năm 2019, người mẹ 97 tuổi của ông Lương lâm bệnh và mất khả năng tự phục vụ. Ngày 5 tháng 9 năm 2019, sau khi vợ chồng ông Lương quay về nhà và đang cho mẹ ăn sáng, cảnh sát đã ập vào, bắt giữ vợ chồng ông và đưa đến trại tạm giam Nê Hà. Vì cả hai vợ chồng ông đều không đạt điều kiện sức khỏe nên trại tạm giam đã từ chối tiếp nhận họ. Cảnh sát cho họ tại ngoại nhưng lại gây áp lực lên chủ nhà và buộc vợ chồng ông phải chuyển đi lần nữa, đó là lần thứ tư trong hai năm.

Cho dù vợ chồng ông Lương ở đâu, cảnh sát cũng không ngừng sách nhiễu họ, thường là mỗi tháng một, hai lần. Ông Lương đã viết thư cho cảnh sát trưởng các nơi nhằm khuyến nghị họ đừng tham gia vào cuộc bức hại nữa. Thấy lá thư được in thay vì viết tay, cảnh sát nghi ngờ ông Lương đang in tài liệu thông tin Pháp Luân Công tại nhà.

Sau đó, nhân viên bảo vệ khu phố bắt đầu theo dõi vợ chồng ông mọi lúc mọi nơi và tiếp tục sách nhiễu hàng tháng.

Không chịu đựng được sự căng thẳng, ông Lương đã qua đời vào ngày 28 tháng 2 năm 2023, ở tuổi 76.

Trường hợp 4: Chủ cửa hàng 54 tuổi qua đời sau nhiều ngày bị xét xử tại nhà vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công

Bà Chu Ngọc Hiệp, cư dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, qua đời ở tuổi 54, vào giữa tháng 7 năm 2023, chỉ vài ngày sau khi bị tòa án địa phương xét xử tại nhà vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Chu bị bắt tại nhà vào ngày 29 tháng 9 năm 2022. Trong quá trình khám sức khỏe bắt buộc, bà được phát hiện mắc bệnh viêm gan B và xơ gan. Sau đó, bà được thả ra dưới diện quản thúc tại gia và bị theo dõi điện thoại gắt gao.

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 7 tháng 11 năm 2022, hai cảnh sát có mặt tại trung tâm mua sắm nơi bà Chu mở một cửa hàng và ra lệnh cho bà đến viện kiểm sát để bị phế truất. Bà Chu nói bà không có thời gian nhưng cảnh sát đe dọa sẽ dùng vũ lực. Vì thế, bà phải đi cùng họ. Bà nhìn thấy một cảnh sát cảnh sát đang cầm biên bản ghi tiêu đề “Phán quyết cho một vụ án hình sự” có tên bà trên đó. Về nhà, bà cảm thấy áp lực rất lớn và lo sợ có thể phải ngồi tù đến nỗi hai ngày liền bà không làm việc được.

Bà Chu chính thức bị Viện Kiểm sát quận Quan Thành truy tố vào ngày 5 tháng 6 năm 2023. Tại thời điểm đó, sức khỏe của bà đã suy sụp do áp lực từ cuộc bức hại không ngừng nghỉ. Bà bị trướng bụng, phù thân dưới, đến ngày 7 tháng 7 thì rơi vào tình trạng hôn mê.

Tháng 7, một nhóm người từ Tòa án quận Quan Thành đã đến nhà bà Chu và tổ chức xét xử vụ án của bà ngay tại đó. Họ dọa sẽ kết thúc việc truy tố bà trong thời gian ngắn. Vài ngày sau đó, bà đã qua đời.

Các báo cáo liên quan:

Báo cáo tháng 11 năm 2023: 14 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết
8 học viên Pháp Luân Công tử vong do cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 10 năm 2023
10 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộcbức hại được báo cáo trong tháng 9 năm 2023
21 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 8 năm 2023
Báo cáo tháng 7 năm 2023: 15 học viên Pháp Luân Công qua đời do bị bức hại
120 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong nửa đầu năm 2023
20 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 5 năm 2023
25 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 4 năm 2023
25 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do bị bức hại, theo báo cáo xác nhận vào tháng 3 năm 2023
Báo cáo tháng 2 năm 2023: 19 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại
15 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 1 năm 2023
1/4 thế kỷ bị bức hại, hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công tử vong đã được xác nhận

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/4/470539.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/9/214242.html

Đăng ngày 22-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share