Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 20-01-2023] Tháng 1 năm 2023 đã ghi nhận báo cáo về các trường hợp tử vong của 15 học viên Pháp Luân Công, nâng tổng số học viên tử vong đã được xác nhận tính đến ngày 31 tháng 1 năm 2023 là 4.905 người kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999.

Trong số 15 trường hợp tử vong mới được báo cáo, 10 trường hợp xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2022, các trường hợp còn lại xảy ra vào tháng 1 năm 2023. Bởi sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các trường hợp học viên bị bức hại không thể luôn luôn được báo cáo kịp thời hoặc có sẵn thông tin.

15 học viên, trong đó 6 người là phụ nữ, đến từ 10 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Hà Bắc là tỉnh ghi nhận nhiều học viên qua đời nhất với 3 trường hợp, tiếp theo là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Sơn Đông mỗi tỉnh ghi nhận 2 trường hợp. Các tỉnh/thành Liêu Ninh, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Bắc Kinh và Thượng Hải mỗi nơi ghi nhận một trường hợp tử vong.

Ngoại trừ 1 học viên không rõ tuổi tác, những học viên đã qua đời có tuổi đời từ 31 đến 81, trong đó 3 người ngoài 80 tuổi. Trong số 4 người chết trong lúc bị giam cầm có một người đàn ông 31 tuổi đang thụ án 8,5 năm tù. Một người phụ nữ ở tỉnh Hồ Bắc đã chết sau 6 ngày được trả tự do sau khi bị giam trong trung tâm tẩy não 6 tháng. Một người đàn ông ở tỉnh An Huy đã qua đời do bị tiêm thuốc độc sau 10 tháng được trả tự do.

Trong số những người đã mất đi sinh mạng vì cuộc bức hại có một bà mẹ 51 tuổi, người đã vô cùng sốc khi biết mình có thai sau 5 tháng tuyệt thực kể từ khi bị bắt vào năm 2017. Không chịu nổi sự đau khổ về tinh thần và thể xác, bà đã qua đời vào tháng 7 năm 2022, chỉ 5 tháng trước sinh nhật 5 tuổi của con gái bà. Dưới đây là thông tin chi tiết về 15 trường hợp tử vong. Danh sách các học viên có thể tải xuống tại đây (PDF).

Tử vong trong khi bị giam giữ hoặc ngay sau khi được thả

Người đàn ông 31 tuổi qua đời trong khi đang thụ án 8,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Cha mẹ của anh Khương Dũng được thông báo về cái chết của anh vào ngày 23 tháng 1 năm 2023, tức ngày mồng 2 Tết Nguyên đán, ở tuổi 31.

Anh Khương, một cư dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã bị kết án oan sai và thụ án ở trong Nhà tù Công Chủ Lĩnh vì tu luyện Pháp Luân Công. Bất chấp tình trạng nguy kịch của anh vì đợt tuyệt thực phản bức hại kéo dài, chính quyền vẫn từ chối tạm tha y tế cho anh Khương với lý do anh không từ bỏ đức tin.

Anh Khương bị bắt vào ngày 28 tháng 6 năm 2021 và sau đó bị kết án 8,5 năm tù trong Nhà tù Công Chủ Lĩnh với tội danh “bịa đặt–lật đổ chính quyền quốc gia”.

Anh Khương đã tuyệt thực để phản bức hại và đến ngày 11 tháng 10 năm 2022, Bệnh viện Lao tỉnh Cát Lâm đã ra thông báo về tình trạng nguy kịch của anh. Sau đó anh Khương được chuyển đến Bệnh viện Công an thành phố Trường Xuân và sau đó trút hơi thở cuối cùng tại nơi này.

Trước đó, gia đình anh Khương đã liên tục đi tới Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Cát Lâm và Nhà tù Công Chủ Lĩnh để yêu cầu để anh được tại ngoại điều trị y tế, nhưng đều bị phớt lờ hoặc thoái thác.

Sau 2 năm sống thực vật và bị từ chối tạm tha y tế, người đàn ông Hà Bắc qua đời khi chỉ còn 2 tháng nữa là mãn hạn tù

Sau 7 năm dài đằng đẵng mong ngóng ông Lại Chí Cường trở về đoàn tụ, đến ngày 3 tháng 1 năm 2023, khi chỉ còn 2 tháng nữa là ông mãn hạn tù, vợ ông Lại lại nhận được tin sét đánh rằng chồng mình đã qua đời.

Sau khi biết tin ông Lại qua đời, vợ của ông đã vội vã đến Nhà tù Số 2 Ký Đông ở tỉnh Hà Bắc, chỉ để nhận được yêu cầu phi lý rằng bà phải nộp 1.000 nhân dân tệ để được xem thi thể của chồng. Không rõ liệu bà có nộp khoản tiền đó hay không, nhưng đến ngày hôm sau bà mới được xem thi thể của chồng.

Theo lời kể của vợ ông Lại, thi thể của ông ở tư thế cuộn tròn, trên mặt có nhiều vết thương. Năm lính canh đã giữ bà để ngăn không cho bà lại gần hoặc chạm vào thi thể ông. Họ từ chối trao lại thi thể cho gia đình và lừa con gái ông ký tên vào giấy đồng ý hỏa táng.

Ông Lại, một cư dân thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt vào ngày 31 tháng 3 năm 2016 và bị kết án bí mật 7 năm tù. Người mẹ già của ông vì quá đau buồn trước bản án oan sai của con trai mà đã qua đời không lâu sau đó.

Ban đầu ông Lại bị đưa đến Nhà tù Số 4 Ký Đông vào ngày 17 tháng 10 năm 2016, sau đó bị chuyển đến Nhà tù Số 2 Ký Đông. Trong năm 2019, ông bị đột quỵ do bị tra tấn và nhà tù đã nhiều lần từ chối yêu cầu thăm thân từ phía gia đình ông.

Cuối cùng, khi vợ ông Lại được phép vào thăm ông vào tháng 1 năm 2020, bà đã rất xót xa khi thấy lính canh khiêng ông ra ngoài. Ông hầu như không thể cử động, mặt ông không có biểu cảm gì khi bà khóc lóc và dường như ông ấy không nhận ra vợ mình.

Một người biết rõ sự tình tiết lộ, ông Lại đã bị giam tại bệnh xá của nhà tù trong gần 6 tháng và bị bức thực hàng ngày. Lính canh tù đã để ống dẫn thức ăn trong dạ dày ông. Do không được cho uống đủ nước nên môi ông bị khô và nứt nẻ. Thỉnh thoảng, một số y tá còn dùng một chiếc khăn bông để nhỏ một chút nước vào miệng ông. Mỗi lần họ làm như vậy, ông thường chảy nước mắt và mấp máy môi nhưng không thể thốt ra thành tiếng.

Gia đình ông Lại yêu cầu được bảo lãnh ông tại ngoại để điều trị y tế, nhưng nhà tù nói rằng họ phải đợi chỉ thị từ bên trên. Trong khi đó, nhà tù yêu cầu gia đình phải nộp vài nghìn nhân dân tệ và nói rằng khoản tiền đó là để thanh toán các hóa đơn y tế của ông Lại.

Trong năm 2020, tình trạng của ông Lại ngày càng xấu đi và ông bị nhiễm trùng phổi vào tháng 8 năm 2020. Ông rơi vào trạng thái thực vật và cảm thấy khó thở. Khi nhà tù đưa ông đến bệnh viện, bác sỹ chỉ phẫu thuật cắt mở khí quản cho ông và không thực hiện các điều trị khác. Bác sỹ ngụ ý rằng ông Lại không có nhiều hy vọng hồi phục.

Bất chấp tình trạng của ông Lại, nhà tù vẫn cùm ông bằng xích nặng. Sau hơn 1 tháng điều trị trong bệnh viện, ông được đưa trở lại nhà tù vào ngày 9 tháng 9 năm 2020, dù lúc đó khí quản của ông vẫn chưa được khâu lại.

Gia đình ông Lại tiếp tục đệ đơn xin tạm tha y tế cho ông, song nhà tù tuyên bố rằng cục tư pháp đã bác bỏ yêu cầu của họ. Khi gia đình ông đến thẳng cục tư pháp để nộp đơn kiến nghị, họ đã bị chặn lại ngoài cửa và không có cơ hội để nói chuyện với bất kỳ ai.

Thượng Hải: Một người phụ nữ qua đời trong khi đang thụ án 4 năm tù oan sai vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Tương Lâm Anh, một cư dân Thượng Hải, đã qua đời ở trong một Trại tạm giam vào ngày 24 tháng 12 năm 2022, trong khi đang thụ án 4 năm tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Thời điểm đó bà gần 70 tuổi.

fee8315115b0914862084aaa7358dccd.jpg

Bà Tương Lâm Anh

Chiều ngày 24 tháng 12, chồng bà Tương nhận được một cuộc điện thoại từ trại tạm giam quận Bảo Sơn thông báo rằng bà đang trong tình trạng nguy kịch và đã được đưa đến bệnh viện. Khi ông hỏi về tình trạng của bà và bà đã được đưa đến bệnh viện nào, người gọi điện nói rằng thông tin đó được bảo mật và không cho phép người nhà tới thăm bà.

Vài giờ sau, một lính canh khác gọi từ số điện thoại di động (+86-18100051158) và nói rằng bà Tương đang bị khó thở và bác sỹ đã ra thông báo về tình trạng nguy kịch của bà. Tuy nhiên, lính canh vẫn ngăn cấm gia đình vào thăm nom và nói rằng họ đã thông báo cho gia đình biết về tình trạng của bà, vậy là đủ. Gia đình bà vô cùng phẫn nộ và yêu cầu lính canh phải tận sức cứu mạng bà Tương.

Vào lúc 10:29 tối cùng ngày, cũng chính người lính canh đó gọi từ cùng một số điện thoại di động và nói với gia đình rằng bà Tương đã qua đời. Không rõ liệu gia đình có được phép xem thi thể của bà sau khi bà qua đời hay không.

Ngoài bản án mới nhất, bà Khương, một công nhân nhà máy dệt đã nghỉ hưu, đã bị lãnh 2 án tù (3,5 năm và 5 năm), cùng 1 án lao động cưỡng bức (1 năm 3 tháng).

Trong thời gian bị giam cầm, bà Tương bị tra tấn bằng các hình thức như: tiêm thuốc phá hủy hệ thần kinh trung ương, đánh tập tàn bạo, bắt đứng trong thời gian dài, cưỡng chế ngồi trên một chiếc ghế nhỏ ở một tư thế cố định trong thời gian dài, không được sử dụng nhà vệ sinh, bức thực, hoặc ép ăn quá no.

Sau khi mất vợ 15 năm trước do bị bức hại, một người đàn ông Liêu Ninh đã qua đời trong khi đang thụ án 7 năm tù oan sai vì kiên định đức tin của mình

Ngày 17 tháng 12 năm 2022, con gái của ông Địch Vĩnh Trì bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Nhà tù Số 1 Thẩm Dương ở tỉnh Liêu Ninh thông báo rằng cha cô đã qua đời sau những nỗ lực hồi sức bất thành của bệnh viện.

Khi ông Địch, một kỹ sư nhà máy điện đã nghỉ hưu 69 tuổi ở thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời trong khi đang thụ án 7 năm tù vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Thời điểm đó ông chỉ còn một năm rưỡi nữa là mãn hạn tù.

Con gái ông Địch đã xem thi thể của cha mình tại nhà xác của bệnh viện. Cô đã thuê một luật sư để đòi công lý cho cha mình. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc, không rõ liệu cái chết của ông Địch có phải là do bị tra tấn hay không.

Kể từ khi cuộc bức hại xảy ra, ông Địch liên tục bị bắt và sách nhiễu vì kiên định đức tin. Ông bị bắt vào đầu năm 2003 và bị giam vài tháng ở trong một trung tâm tẩy não. Ông bị cưỡng chế xem video tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công mỗi ngày. Lính canh đánh đập và nhục mạ ông, bắt ông đứng trong nhiều giờ liền và không được phép ngủ.

Trong thời gian ông Định bị giam giữ, vợ ông luôn sống trong tình trạng căng thẳng và suy sụp tinh thần tột độ. Bà ấy thường giật mình thức giấc vào lúc nửa đêm và nói sảng: “Cảnh sát đang đến!” Sức khỏe của bà sa sút từng ngày và cuối cùng bà đã ra đi vào tháng 5 năm 2007.

Tỉnh Hồ Bắc: Một người phụ nữ qua đời chỉ vài ngày sau khi được thả khỏi trung tâm tẩy não

Bà Tông Minh, một cư dân thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã vô cùng tiều tụy và nói năng khó khăn tại thời điểm được trả tự do sau 8 tháng bị giam giữ ở trong trung tâm tẩy não vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Bà qua đời vào ngày 1 tháng 1 năm 2023, chỉ 6 ngày sau khi được gia đình đón về nhà.

Bà Tông bị bắt vào ngày 18 tháng 4 năm 2022 và bị đưa đến Trung tâm tẩy não Ngạch Đầu Loan vào ngày hôm sau.

Khi nhân viên trung tâm tẩy não gọi gia đình bà Tông đến đón vào ngày 26 tháng 12 năm 2022, bà đã đang ở bên bờ vực sinh tử. Người bà chỉ còn da bọc xương, tóc đã ngả bạc và nói năng khó khăn. Gia đình đã đưa bà đến bệnh viện vào ngày 1 tháng 1 năm 2023, nhưng bác sỹ đã từ chối chữa trị cho bà. Vài giờ sau, bà đã trút hơi thở cuối cùng ở trong bệnh viện.

Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Phòng 610 (một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để giám sát cuộc bức hại) đã dựng lên các trung tâm tẩy não trên toàn quốc để nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Dưới vỏ bọc của “Trung tâm Giáo dục Pháp luật” hoặc “Trung tâm Chăm sóc”, các trung tâm tẩy não này hoạt động như những “hắc lao”, nơi các học viên Pháp Luân Công có thể bị giam giữ vô thời hạn và phải chịu mọi hình thức tra tấn cả về thể xác, thao túng tinh thần, cưỡng chế dùng thuốc hướng thần không tự nguyện.

Tại Vũ Hán (thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc), chính quyền đã thành lập 10 trung tâm tẩy não mới kể từ năm 2021 như một phần của chiến dịch “Xóa sổ” nhắm vào tất cả các học viên có tên trong danh sách đen của chính phủ nhằm cưỡng chế họ từ bỏ Pháp Luân Công.

Tỉnh An Huy: Người đàn ông bị tiêm chất độc trong khi bị giam giữ, qua đời sau 10 tháng được trả tự do

Một cư dân ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã mất khả năng nói chuyện sau khi bị tiêm thuốc độc khi chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc án tù oan sai vì tu luyện Pháp Luân Công. Kể từ sau khi được trả tự do, ông Bành Ngọc Tín phải vật lộn với sức khoẻ suy yếu. Ông đã qua đời vào giữa tháng 8 năm 2022 ở tuổi 55, chỉ 10 tháng sau khi ra tù.

Ông Bành, một cựu viên chức của Cục Thống kê Tỉnh An Huy, đã bị bắt tại khu phố của mình vào ngày 24 tháng 4 năm 2020. Cảnh sát không xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận, lệnh lục soát hoặc xưng danh tính, đã liền xông vào nhà ông Bành và tịch thu máy tính xách tay, 2 máy in, 50 sách Pháp Luân Công cùng 500 nhân dân tệ tiền mặt của ông. Ông Bành được thả vào khoảng 11 giờ đêm.

Tháng 5 năm 2020, ông Bành đã đến đồn công an để yêu cầu cảnh sát trả lại đồ bị tịch thu, nhưng ông đã bị bắt và bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Hợp Phì. Sau đó, ông bị kết án bí mật 1,5 năm và thụ án ở trong cùng trại tạm giam đó.

Một tháng trước khi được trả tự do, ông Bành bị đưa ra khỏi trại tạm giam địa phương để tiêm chất độc tổng cộng 6 lần. Sau khi được thả, ông gần như mất khả năng ngôn ngữ, không thể nói năng mạch lạc.

Ông chỉ có thể thỉnh thoảng thốt ra một vài từ đơn lẻ. Khi được hỏi liệu có phải ông bị tiêm thuốc độc hay không, ông gật đầu. Nhận thức tổng thể của ông cũng giảm sút đáng kể. Ông không thể viết địa chỉ của mình nhưng khi những người khác viết vài địa chỉ cho ông, ông có thể nhận ra địa chỉ chính xác. Do tình trạng tinh thần của ông nên không thể hỏi rõ liệu ông Bành có bị tra tấn bằng các hình thức khác trong khi bị giam giữ hay không.

Ông Bành đã vật lộn với tình trạng sức khoẻ kém sau khi được thả, nhất là khi ông chỉ sống một mình. Vào giữa tháng 8 năm 2022, các học viên Pháp Luân Công địa phương đột nhiên nghe tin ông qua đời. Theo lời chị gái ông Bành, hàng xóm của ông đã báo cáo cái chết của ông với cảnh sát và xét nghiệm pháp y do Công an quận Thục Sơn công bố rằng ông tử vong do lên cơn đột quỵ.

Học viên cao tuổi qua đời

Sau khi bị bắt 18 lần, 4 lần bị lĩnh án lao động cưỡng bức với tổng cộng 5 năm bị giam trong các trại lao động và 1 lần bị kết án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Lưu Nhi Lễ, một cư dân thành phố Lâu Để, tỉnh Hồ Nam, đã suy sụp trước áp lực về tinh thần, suy kiệt thể chất và tài chính và đã qua đời vào ngày 1 tháng 1 năm 2023, ở tuổi 81.

Một tháng trước khi ông Lưu qua đời, hơn 10 cảnh sát đã đột nhập vào nhà và có ý định bắt giữ ông nhưng họ đã nhượng bộ khi thấy ông đã bị liệt hoàn toàn.

Bà Thôi Tú Trân ở thành phố Bạc Đầu, tỉnh Hà Bắc đã bị tra tấn dã man trong 3 năm ở trại lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà được trả tự do vào năm 2003 và bị suy giảm trí nhớ, mắc chứng teo não, đi lại và nói năng rất khó khăn trong suốt hàng chục năm sau đó. Vào mùa hè năm 2014, bà bị bại liệt và mất khả năng nói chuyện. Tám năm sau, bà qua đời vào ngày 10 tháng 1 năm 2023, hưởng thọ 80 tuổi.

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Hà Chấn Hằng, một cư dân thành phố Bạc Đầu, tỉnh Hà Bắc, đã nhiều lần bị bắt và sách nhiễu chỉ bởi kiên định vào đức tin của mình. Ông cũng bị cưỡng bức lao động nặng nhọc không công trong 2 lần bị giam giữ. Sự đau khổ về thể chất và tinh thần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông. Ông qua đời vào ngày 23 tháng 11 năm 2022, ở tuổi 80. Ngay sau khi ông qua đời, công an vẫn sách nhiễu gia đình và yêu cầu được xem giấy chứng tử của ông để xác minh rằng ông thực sự đã chết.

Qua đời sau 2 thập niên bị bắt giữ và sách nhiễu

Sau 5 lần bị bắt và 7 năm bị tra tấn vì kiên định đức tin của mình, một phụ nữ qua đời 5 tháng trước sinh nhật lần thứ 5 của con gái

Bà Chu Tú Mẫn, một cư dân thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã tuyệt thực trong 5 tháng để phản đối việc bị giam cầm tùy tiện, sau khi bà và chồng bà bị bắt vào ngày 21 tháng 3 năm 2017. Khi sức khỏe của bà vô cùng yếu và bị táo bón nghiêm trọng, bà được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Bà đã sốc khi biết mình đang mang thai. Hai ngày sau, bà được trả tự do.

Con gái bà Chu chào đời vào ngày 8 tháng 12 năm 2017. Sáu ngày sau, chồng bà bị kết án 3 năm tù. Bà Chu vừa phải vất vả một mình chăm sóc con, vừa phải trốn tránh sự sách nhiễu của cảnh sát. Cuối cùng, bà đã đoàn tụ với chồng khi ông được trả tự do vào tháng 3 năm 2020. Tuy nhiên thời gian bên nhau của họ vô cùng ngắn ngủi vì tinh thần và thể xác của bà đã chịu đựng đến mức cực hạn sau nhiều năm tháng bị bức hại. Bà đã qua đời vào tháng 7 năm 2022, chỉ 5 tháng trước sinh nhật lần thứ 5 của con gái bà. Bà hưởng dương 51 tuổi.

Trước lần bắt giữ cuôi vào năm 2017, bà đã từng bị bắt 6 lần và chịu đựng tra tấn tàn bạo man trong khi thụ án 7 năm tù.

2023-2-3-2023deathcase_03.jpg

Con gái sơ sinh của bà Chu

Cát Lâm: Một người phụ nữ qua đời sau 7 năm bị giam cầm và 4 năm bị đình chỉ lương hưu

Bà Mạnh Diễm, một người phụ nữ ở thành phố Tùng Nguyên, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời vào ngày 8 tháng 10 năm 2022, 4 năm sau khi bà mãn hạn bản án 3 năm tù và bị treo lương hưu. Bà hưởng thọ 74 tuổi. Ngoài án tù 3 năm này, bà Mạnh cũng từng bị lãnh 2 án lao động cưỡng bức với tổng thời hạn 4 năm.

Bà Mạnh từng là một thủ kho. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1999. Trong những năm đầu của cuộc bức hại, bà liên tục bị bắt và 2 lần bị lãnh án lao động ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Hắc Chuỷ Tử. Do không chịu nổi áp lực vô cùng to lớn, bà Mạnh đã buộc phải từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý nguyện của mình trong lần chấp hành bản án lao động cưỡng bức đầu tiên. Bà cũng bị huyết áp cao và chóng mặt liên tục cũng như đi lại khó khăn. Sau đó bà hối hận và tuyên bố vô hiệu hoá tuyên bố từ bỏ tu luyện trước kia của mình. Lính canh đã đánh đập bà để trả đũa.

Sau khi xác nhận rằng bà đã mắc một căn bệnh nào đó, họ đã ép bà uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Thời hạn của bà bị kéo dài thêm 10 ngày vì bà từ chối viết báo cáo tư tưởng theo yêu cầu của lính canh.

Ngày 11 tháng 7 năm 2008, bà Mạnh lại bị bắt tại tiệc sinh nhật của em dâu. Bà bị thương nặng ở chân trong vụ bắt giữ. Bà không thể ngủ khi ở trong trại tạm giam. Vào ngày 31 tháng 7, cảnh sát đã đưa bà đến Trại Lao động Cưỡng bức Hắc Chuỷ Tử lần thứ hai mà không thông báo cho gia đình bà.

Ngày 19 tháng 8 năm 2015, vài cảnh sát thuộc Đội An ninh Nội địa Kiền An đã đến nhà bà Mạnh với tờ đơn kiện Giang Trạch Dân của bà. Khi bà từ chối mở cửa, cảnh sát đã phá khoá và xông vào. Họ tịch thu một máy tính, một điện thoại di động, một máy in, 20 hộp giấy, một hộp mực in, một cuộn băng ghi âm, một máy nghe nhạc MP3, các sách Pháp Luân Công và những vật dụng khác của bà. Cháu trai đang học trung học của bà đã tận mắt chứng kiến cuộc đổ bộ của cảnh sát và sợ đến mức mặt mũi tái nhợt.

Bà Mạnh đã cố gắng giải thích rằng việc kiện Giang là quyền hợp pháp của một công dân và tu luyện Pháp Luân Công là hoàn toàn hợp pháp, nhưng cảnh sát đã phớt lờ bà. Họ đưa bà đến Công an huyện Kiền An, sau đó đến Trại tạm giam thành phố Tùng Nguyên và giam bà tại nơi này 11 tháng rưỡi.

Bà Mạnh bị buộc tội “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” và bị kết án 3 năm tù. Kháng cáo của bà bị bác bỏ và bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ Trường Xuân vào tháng 8 năm 2016.

337c439e677a92245ea77254760c0db1.jpg

Minh họa tra tấn: Ngồi trên ghế đẩu nhỏ

Những học viên từ chối từ bỏ Pháp Luân Công ở trong nhà tù đều bị tra tấn ngồi trên ghế đẩu nhỏ bằng nhựa trong thời gian dài mỗi ngày, từ 5:30 phút sáng đến 10:00 tối. Bà Mạnh trở nên gầy gò và mông bà bắt đầu bị mưng mủ.

Lính canh tuyên bố bà Mạnh bị cao huyết áp và ra lệnh cho bà uống thuốc. Khi bà từ chối, họ đã trộn thuốc vào thức ăn và nước uống của bà nhưng không có tác dụng. Họ đã tiêm vào người bà thứ thuốc không rõ nguồn gốc khi bà ở trong bệnh viện của nhà tù. Bà bị ép phải đọc các sách lăng mạ Pháp Luân Công và Nhà sáng lập pháp môn, đồng thời chính quyền cũng cố ép bà tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Sau khi được thả vào năm 2018, cục an sinh xã hội địa phương đã cắt lương hưu của bà. Sức khoẻ của bà tiếp tục suy giảm và cuối cùng bà đã qua đời vào ngày 8 tháng 10 năm 2022.

Hắc Long Giang: Từng bị mất trí nhớ do bị tiêm thuốc độc, người phụ nữ đã qua đời sau hai thập niên bị giam cầm và sách nhiễu

Trước kia bà Vương Ngọc Phương từng bị ung thư ruột kết và căn bệnh này đã khỏi sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 12 năm 1998. Bà Vương cảm kích sâu sắc môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa này.

Kể từ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc vào năm 1999, bởi vẫn kiên định đức tin của mình, bà đã bị chính quyền sách nhiễu nhiều lần và bị bắt giữ 6 lần. Bà từng bị mất trí nhớ sau khi bị tiêm thuốc độc ở trong một trại tạm giam. Sự bức hại triền miên đã ảnh hưởng tới sức khoẻ của bà và cuối cùng, cư dân Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang này đã qua đời vào ngày 28 tháng 9 năm 2022, ở tuổi 59.

Trong đơn kiện hình sự chống lại Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc), thủ phạm phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công năm 2015, bà viết: “Vì bị bức hại mà tóc của tôi đã bạc trắng khi chỉ mới ngoài 40. Cuộc bức hại không chỉ gây ra tổn hại tinh thần và sức khoẻ to lớn cho tôi mà còn khiến gia đình tôi sống trong thống khổ. Khi tôi bị giam giữ, mẹ tôi đã lo lắng cho tôi nhiều đến nỗi sức khoẻ của bà suy giảm và phải nhập viện. Con gái tôi lớn lên trong sợ hãi thường trực và luôn lo lắng rằng tôi có thể bị lại bị bắt giữ”.

2023-2-3-2023deathcase_02.jpg

Bà Vương Ngọc Phương

Tỉnh Sơn Đông: Một người đàn ông qua đời sau 2 năm mãn hạn án tù 13 năm oan sai

Ông Vu Xuân Cường, một cư dân thành phố Lai Dương, tỉnh Sơn Đông, đã chấp hành xong bản án 13 năm tù oan sai vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 9 năm 2020.

Ông đã bị mắc một số bệnh hiểm nghèo do bị tra tấn dã man ở trong tù. Thêm vào đó, sự sách nhiễu thường xuyên của cảnh sát sau khi ông về nhà càng khiến ông phải sống trong nỗi sợ hãi và đau khổ cùng cực. Do không thể hồi phục sức khỏe nên ông đã qua đời 2 năm sau đó, vào ngày 1 tháng 11 năm 2022, hưởng thọ 66 tuổi.

Ông Vu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999. Ngày 4 tháng 7 năm 2006, một nhóm cảnh sát của Phòng 610 xông vào nhà ông và bắt vợ ông cùng bà Triệu Thụy Hương (một học viên khác tình cờ ghé chơi nhà họ). Cả hai người phụ nữ đều bị đánh đập dã man tại đồn công an. Vợ của ông Vu sau đó bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức và bà Triệu bị kết án 12 năm tù.

Để tránh trở thành mục tiêu bức hại, ông Vu buộc phải sống xa nhà để trốn khỏi bàn tay cảnh sát. Ngày 21 tháng 9 năm 2007, khi ông trở về nhà để thu hoạch đậu phộng, 6 cảnh sát đã bao vây nhà ông, lục soát nơi này và bắt ông đến Trại tạm giam thành phố Lai Dương.

Ông Vu bị kết án bí mật 13 năm tù vào năm 2008. Ông bị tra tấn dã man tại khu 11 của Nhà tù tỉnh Sơn Đông. Ở đây, ông bị đột quỵ, mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao.

Sau khi ông Vu được trả tự do vào ngày 20 tháng 9 năm 2020, cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu ông khiến sức khỏe của ông ngày một suy giảm, cuối cùng ông đã qua đời vào ngày 1 tháng 11 năm 2022.

Một người đàn ông Bắc Kinh vốn khỏi bệnh gút nghiêm trọng ở chân sau ba ngày tu luyện Pháp Luân Công, nhưng cuối cùng đã qua đời bị chính quyền bức hạiÔng Tần Tĩnh ở Bắc Kinh đã phải nằm liệt giường 2 tháng và mất khả năng lao động vì bị bệnh gút nặng ở chân. Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau khi tu luyện Pháp Luân Công, ông đã có thể đi lại bình thường và sau đó quay trở lại làm việc.

Kể từ sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Tần đã tích cực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Ông đã bị bắt vào tháng 10 năm 2010 vì dán áp phích Pháp Luân Công và bị tra tấn không ngừng trong 2 năm thụ án ở trại lao động.

Năm 2015, vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ vì phát động cuộc đàn áp, ông Tần đã liên tục bị chính quyền sách nhiễu, đặc biệt là trong những ngày lễ lớn hoặc những dịp kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công. Ông không thể phục hồi sau những biến chứng do bị tra tấn trong thời gian ở trong trại lao động và việc bị sách nhiễu liên tục đã khiến sức khoẻ của ông không ngừng xấu đi. Ông đã qua đời vào ngày 22 tháng 12 năm 2022, ở tuổi 64.

995c5cd082f32f25e927570b7f1b75a9.jpg

Ông Tần Tĩnh

Một cư dân Sơn Đông qua đời sau hai lần ở trại lao động và liên tục bị sách nhiễu

Ông Thân Lượng Hoa, một cư dân thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông, đã qua đời vào ngày 16 tháng 11 năm 2022 sau 2 lần bị giam ở trại lao động và bị sách nhiễu không ngừng chỉ bởi kiên định đức tin của mình. Thậm chí 28 ngày sau khi ông qua đời, bí thư thôn vẫn đến sách nhiễu gia đình ông.

Ông Thân bị bắt lần đầu vào tháng 7 năm 2001 khi đang làm việc ngoài trang trại. Vợ ông, bà Triệu, cũng bị bắt vài giờ sau đó và cả hai người bị giam tại một trại tẩy não địa phương. Hai đứa con của họ bị bỏ mặc trong thời gian họ bị giam giữ. Ông Thân đã được thả sau 20 ngày, còn không rõ bà Triệu đã bị giam trong bao lâu.

Cuối năm 2001, ông Thân đã đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đánh đập ông tại Quảng trường Thiên An Môn và ông bị đưa trở lại Sơn Đông và bị giam 10 ngày ở trong Trại tạm giam huyện Quan.

Ông Thân bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn vào tháng 2 năm 2002. Lính canh không cho ông ngủ và chỉ định tù nhân canh chừng ông 24/24. Bất cứ khi nào ông nhắm mắt lại, tù nhân đều dùng lông vũ để chọc vào mí mắt hoặc lỗ mũi của ông. Việc này kéo dài hơn 1 tháng, nhưng ông không nhượng bộ. Sau đó lính canh tống ông vào phòng biệt giam, cởi giày của ông rồi đổ nước lên sàn và sốc điện ông bằng dùi cui điện trong một tuần.

Sau khi không thuyết phục được ông từ bỏ đức tin, lính canh đã kéo căng hai cánh tay của ông và còng tay ông lên điểm cao nhất của giường tầng, một phương pháp tra tấn được gọi là “Xích vào Thập tự giá”. Toàn bộ trọng lượng của ông đổ dồn lên hai cổ tay.

Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông Thân sau khi ông được thả vào tháng 9 năm 2004. Đêm ngày 25 tháng 2 năm 2008, bảy cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông. Họ đè ông xuống sàn và đánh đập. Một cảnh sát đã đánh ông rất mạnh bằng đèn pin khiến ông bị gãy hai chiếc răng cửa. Họ đưa ông đến một trại tạm giam và sau đó đến Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn mà không thông báo cho gia đình ông.

Sau khi ông Thân bị đưa đến trại lao động, vợ ông phải một mình chăm sóc gia đình và hai đứa con nhỏ. Tuy nhiên, các viên chức Phòng 610 vẫn tiếp tục sách nhiễu họ. Kết quả là, bà Triệu buộc phải xa nhà.

Khi thời hạn lao động cưỡng bức của ông Thân kết thúc vào ngày 28 tháng 5 năm 2009, cảnh sát đã gia hạn thời hạn của ông thêm 1 tháng. Khi con gái ông tới yêu cầu trả tự do cho ông, trại lao động đã không cho phép cô vào thăm ông. Sau đó, cô yêu cầu các viên chức chuyển một số quần áo cho ông, nhưng họ từ chối.

Bà Triệu trở về nhà vào ngày 15 tháng 6 năm 2011. Vài giờ sau, ba cảnh sát mặc thường phục đi trên một chiếc ô tô không biển số và đột nhập vào nhà bà. Họ tịch thu hai máy vi tính, một máy in và các vật dụng cá nhân khác. Lúc ấy ông Thân đang thu hoạch lúa mì trên cánh đồng và bà Triệu ở nhà một mình. Cảnh sát đã bắt bà và đưa thẳng đến Trại tạm giam Liêu Thành.

Cảnh sát đã cố gắng bắt giữ ông Thân 2 lần vào ngày 21 tháng 8 năm 2012 và ngày 3 tháng 8 năm 2015, nhưng ông không có ở nhà khi họ đến.

Cảnh sát lại đến vào ngày 5 tháng 8 năm 2015 và bắt giữ bà Triệu. Sau khi trốn thoát khỏi đồn công an, cả bà và ông Thân buộc phải sống xa nhà trong nhiều tháng và để các con ở nhà một mình. Ngay sau khi bà Triệu trở về nhà, cảnh sát đã trèo qua hàng rào của hàng xóm và đột nhập vào nhà bà một lần nữa vào ngày 22 tháng 4 năm 2016. Sau vụ việc lần này, bà Triệu lại một lần nữa đi trốn, nhưng sau đó bà bị bắt trở lại và bị kết án tù, thụ án ở trong Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo năm 2022: 172 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/4/456424.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/10/207271.html

Đăng ngày 21-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share