Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 05-12-2023] Theo báo cáo thống kê tháng 11 năm 2023, 14 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết vì kiên định đức tin của mình, nâng tổng số trường hợp tử vong được báo cáo cho đến thời điểm hiện tại lên đến 188.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Pháp Luân Công được truyền ra công chúng năm 1992 và chỉ trong vài năm ngắn ngủi, đã có hàng triệu người Trung Quốc đón nhận những lời dạy uyên thâm và những lợi ích sức khỏe của môn tu luyện. Chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc lo sợ trước sự phổ truyền của môn tu luyện và đã phát động chiến dịch bức hại quy mô toàn quốc nhằm xóa bỏ Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Đến nay, cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn.

Trong 14 trường hợp học viên qua đời được thống kê trong cáo báo, ngoại trừ hai trường hợp qua đời lần lượt vào tháng 12 năm 2004 và tháng 5 năm 2012, 12 trường hợp còn lại đều qua đời trong năm 2023. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản, số nạn nhân thiệt mạng do cuộc bức hại thậm chí có thể còn cao hơn nhiều.

Cát Lâm và An Huy, mỗi tỉnh có 3 trường hợp, Nội Mông Cổ 2 trường hợp. Sáu tỉnh còn lại gồm có Cam Túc, Quảng Đông, Hà Nam, Hắc Long Giang, Hồ Nam và Liêu Ninh, mỗi tỉnh có 1 trường hợp.

14 học viên qua đời gồm có 9 nữ và 5 nam. Trong số 11 học viên biết chính xác số tuổi tại thời điểm qua đời, người trẻ nhất là 51 và người cao tuổi nhất là 84 tuổi.

Hầu hết các học viên đều phải chịu đánh đập và tra tấn dã man trong thời gian giam giữ trước khi họ qua đời. Một nữ học viên 66 tuổi qua đời trong khi bà ở trong tù. Một nữ học viên ở độ tuổi 70 qua đời một ngày sau khi cảnh sát thả bà ra. Một nữ học viên 69 tuổi qua đời chỉ sáu ngày sau khi cảnh sát đưa bà vào trại tạm giam. Một nam học viên ở độ tuổi 70 bị tra tấn trong trại tạm giam và kết quả là ông bị mất thị lực.

Ngoài ra, một nam học viên 51 tuổi bị đánh đập trong trại tạm giam đến mức hộc máu mồm và hôn mê trong một tuần. Ông bị trả về nhà, trong khi vợ ông, cũng là học viên Pháp Luân Công, bị đưa vào trại lao động cưỡng bức. Toàn thân ông phù nề và ông không đủ tiền đi khám bệnh. Tương tự, một nữ học viên 78 tuổi, do bị tra tấn đã trở nên ốm yếu đến mức không thể tự chăm sóc cho mình. Trong khi phải thụ án phi pháp 3 năm tại nhà, chính quyền liên tục sách nhiễu bà 2 lần một tháng cho tới khi bà qua đời. Một nữ học viên khác không thể hồi phục sau khi bị tra tấn và bị tiêm thuốc độc trong khi bà ở trong tù, kết quả là bà đã không qua khỏi.

Lương hưu của một cụ ông 84 tuổi đã bị khấu trừ trong nhiều năm chỉ vì đức tin của ông với Pháp Luân Công. Khi chính quyền cố ép buộc ông trả lại số tiền lương đã nhận trước đó, ông đã bị đột quỵ và qua đời.

Dưới đây là bảng tóm tắt ngắn gọn của 11 trong tổng số 14 trường hợp qua đời được báo cáo trong tháng 11 năm 2023. Danh sách 14 học viên có thể tải xuống tại đây.

Tin muộn: Nam học viên Liêu Ninh bị đánh gần chết trong trại tạm giam và qua đời trong cảnh đơn độc sau khi được thả

ccb835278875b49518a6ba817ac27199.jpg
Ông Tưởng Đức Kim

Một nam học viên ở thành phố Đại Thạch Kiều, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời ngày 4 tháng 12 năm 2004, do những thương tích gây ra khi bị tra tấn trong tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Khi ấy ông 51 tuổi.

Ông Tưởng Đức Kim đã gặp vấn đề với hầu hết các cơ quan nội tạng, gồm thận, dạ dày và tim. Ông cũng phải vật lộn với việc lượng đường trong máu thấp và lượng máu cung cấp lên não không đủ. Ông luôn ở trong tình trạng ốm yếu và thiếu năng lượng. Nhưng sau khi tu luyện Pháp Luân Công, ông đã trở thành một người khỏe mạnh.

Tháng 5 năm 2002, chính quyền thành phố Đại Thạch Kiều đã treo thưởng 2.000 nhân dân tệ cho ai bắt được một học viên Pháp Luân Công. Đồn trưởng Triển Vĩ và Hàn Đan, chủ nhiệm khu phố, đã bắt ông Tưởng. Ban đầu họ giam giữ ông trong trại giam địa phương, rồi sau đó chuyển ông tới trại tạm giam thành phố Đại Thạch Kiều.

Các tù nhân cùng phòng giam với ông Tưởng đã dùng dây kim loại mềm để quất ông. Họ nói rằng, dùng dây mềm thì hầu như chỉ gây ra nội thương chứ bên ngoài không nhìn ra.

Ông Tưởng liên tục nôn ra máu và nhanh chóng ngất đi. Khi ông được đưa tới bệnh viện, bác sĩ thậm chí không thể lấy máu được từ cánh tay ông, vì ông đã mất quá nhiều máu. Sau nhiều nỗ lực, bác sĩ cũng rút được một chút máu từ chân ông để xét nghiệm.

Ông Tưởng vẫn hôn mê suốt một tuần. Trong thời gian đó, gia đình ông không được vào thăm ông. Sau đó ông được trả về nhà.

Ông Tưởng nằm liệt giường hơn một tháng. Cuối cùng, khi ông có thể ra khỏi giường và đi lại được, tình trạng trướng nước vùng gan khiến toàn thân ông phù nề. Thời điểm đó, vợ ông bị giam giữ trong Trại Lao Động Cưỡng Bức Nữ Mã Tam Gia. Ông không đủ khả năng đi khám bệnh hay thuê người chăm sóc. Cảnh sát cũng bố trí người tới giám sát ông. Ông qua đời một năm rưỡi sau đó, vào ngày 4 tháng 12 năm 2004.

Nữ học viên qua đời sau khi bị tra tấn và cấm tu luyện Pháp Luân Công

Bà Từ Quế Chi ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, rơi vào tình trạng sức khỏe suy giảm sau khi bà bị tra tấn trong tù từ năm 2019 đến năm 2021. Bà không được phép tu luyện Pháp Luân Công sau khi được thả và đã qua đời hai năm sau đó vào tháng 1 năm 2023 ở tuổi 69.

Ngày 6 tháng 12 năm 2018, người của Đồn Công an Chính Dương bắt giữ bà Từ. Bà bị Tòa án thành phố Du Thụ đưa ra xét xử và bà bị kết án 2,5 năm tù vào ngày 15 tháng 3 năm 2019. Lính canh của Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm đánh đập và tra tấn bà hòng ép bà từ bỏ đức tin của mình. Việc tra tấn đã khiến sức khỏe bà bị tổn hại và bà bị tiểu đường, đi tiểu không kiểm soát và đi lại khó khăn.

Sau khi được trả tự do vào năm 2021, gia đình bà lo sợ cuộc bức hại và ngăn cấm bà tu luyện trở lại. Sức khỏe bà tiếp tục xấu đi và cuối cùng bà đã qua đời.

Nữ học viên tại Nội Mông qua đời sáu ngày sau khi bị nhốt vào trại tạm giam

Nữ học viên ở huyện Đột Tuyền, minh Hưng An, Nội Mông đã qua đời sáu ngày sau khi bị giam giữ. Bà bị bắt vào tháng 3 năm 2023 trong khi tới thăm con gái ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm.

Bà Lương Lập Tân bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Do cuộc bức hại, bà bị đưa vào trại lao động cưỡng bức 2,5 năm vào tháng 2 năm 2001. Bà bị kết án 7 năm tù vào năm 2004 và 3,5 năm tù vào năm 2013.

Bà Lương chuyển đến thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm để sống cùng con gái. Cảnh sát địa phương bắt giữ bà vào tháng 3 năm 2003 và đưa bà vào trại tạm giam Cửu Đài. Sau đó, cảnh sát chuyển bà tới trại tạm giam thành phố Trường Xuân và bà đã qua đời sáu ngày sau đó.

Bị tống tiền lương hưu, Cục phó Cục thủy lợi qua đời trong thống khổ

Ông Lý Điển Hình, một học viên ở thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam, liên tục bị chính quyền địa phương sách nhiễu. Một nhân viên từ Cục Nhân Sự và An sinh Xã hội huyện Nguyên Lăng tới chỗ làm việc của ông Lý vào ngày 3 tháng 4 năm 2023 và yêu cầu trả lại một phần lương hưu mà ông đã nhận. Người này tuyên bố, bởi ông Lý không được hưởng bất cứ khoản lương hưu nào trong thời gian thụ án tù vì đức tin của mình, nên ông phải trả lại số tiền đã nhận trong thời gian đó. Ông Lý tức giận và đau khổ đến mức bị xuất huyết não. Ông qua đời ngày hôm đó. Khi ấy ông 84 tuổi.

Ông Lý là kỹ sư và giữ chức Cục phó Cục Thủy lợi huyện Nguyên Lăng. Các bệnh về phổi, dạ dày mãn tính và viêm khớp dạng thấp của ông đã biến mất sau khi ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998.

Ông bị cảnh sát huyện Nguyên Lăng bắt giữ ngày 17 tháng 3 năm 2020 vì phát tặng tài liệu chân tướng Pháp Luân Công và bị giam giữ 15 ngày.

Cảnh sát bắt giữ ông một lần khác vào tháng 11 năm 2020 sau khi ông đặt tài liệu chân tướng Pháp Luân Công lên một chiếc xe hơi. Tòa án huyện Nguyên Lăng kết án ông 6 tháng tù và phạt ông 2.000 nhân dân tệ vào ngày 30 tháng 11 năm 2021. Ông kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Hoài Hóa, nhưng đến ngày 8 tháng 2 năm 2022 Tòa án này ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu. Ông bị chuyển đến Nhà tù Võng Lĩnh ở huyện Du vào ngày 14 tháng 7 năm 2022. Sau đó, do tra tấn, ông bị tăng huyết áp, bệnh gút và sốt.

Khi ông ở trong tù, Cục Nhân sự và An sinh Xã hội huyện Nguyên Lăng đã bí mật giữ lại toàn bộ số tiền tiết kiệm lương hưu của ông, tổng cộng là 1.118,64 nhân dân tệ. Thời điểm ông được thả vào ngày 13 tháng 1 năm 2023, ông không có tiền mặt và không có nguồn tài chính nào để sống.

Hai tháng sau, ngày 24 tháng 3, người từ Cục này tới nhà ông và yêu cầu ông trả lại số tiền lương hưu đã nhận trước đây. Ông từ chối tuân theo và lập luận rằng, lương hưu là tài sản cá nhân của ông có được qua hàng chục năm lao động vất vả.

Chính quyền địa phương quay lại vào ngày 3 tháng 4, họ vẫn cố ép ông ký giấy trả lại tiền lương hưu. Ông bị xuất huyết não do quá bất bình, và qua đời ngày hôm đó.

Giáo viên tiếng Anh qua đời sau nhiều lần bị sách nhiễu và đe dọa

Ông Vương Mậu Kiệt ở huyện Thông Hà, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào tháng 4 năm 2023 ở tuổi 53 do nhiều năm bị bức hại.

Ông Vương đã từng dạy tiếng Anh ở thị trấn Nông Hà. Do cuộc bức hại, ông nhiều lần bị bắt và bị giam giữ. Khi ông bị giam giữ trong trại tạm giam huyện Thông Hà 157 ngày, lính canh đã bắt ông đeo cùm nặng 19kg vốn chỉ dành cho tử tù. Có lần, một tù nhân dùng một ống nhựa đường kính khoảng 3cm đánh vào mông ông đến khi thấy máu chảy ra từ quần đùi ông mới thôi. Tay chân ông bị loét do tra tấn và ngứa ngáy không thể chịu nổi.

8cba0b7feac4811a54138518a5832a6a.jpg
Tái hiện cảnh tra tấn: Cùm nặng

Một thẩm phán của Tòa án huyện Thông Hà kết án ông Vương 1 năm ở Nhà tù Hô Lan vào ngày 15 tháng 12 năm 2016. Trưởng Phòng 610 huyện Thông Hà, cùng người của Đồn Công an thị trấn Nông Hà, tiếp tục sách nhiễu và đe dọa ông sau khi ông được thả.

Bị đánh đập và bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, nữ học viên Nội Mông đã qua đời

Không chịu nổi tra tấn thể xác, dùng thuốc độc và sự thống khổ về tinh thần khi phải thụ án tù phi pháp 5 năm chỉ vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công, bà Lý Bình đã qua đời vào ngày 15 tháng 9 năm 2023, chỉ tám ngày trước sinh nhật lần thứ 61 của mình.

Bà Lý, một cư dân thành phố Thông Liêu, Nội Mông, bị bắt giữ lần cuối ngày 12 tháng 8 năm 2014. Ngày 18 tháng 10 năm 2015, bà bị đưa tới Nhà tù Nữ Hồi Hột trong tình trạng hai chân tay bị xích lại và bà phải thụ án tù phi pháp 5 năm. Lính canh chỉ thị cho tù nhân trộn thuốc không rõ nguồn gốc vào đồ ăn của bà. Hai ngày trước khi bà được thả vào ngày 12 tháng 8 năm 2019, lính canh bắt bà ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong chín giờ đồng hồ chỉ vì bà luyện các bài công pháp Pháp Luân Công.

Trước án tù 5 năm vào năm 2015, bà Lý đã từng hai lần bị đưa vào trung tâm tẩy não và phải lao động cưỡng bức 2,5 năm.

Nữ học viên qua đời trong nhà tù Cát Lâm do bị tra tấn

Bà Cốc Kim Phân ở thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, bị người của Đồn Công an Bắc Sơn Nhai bắt giữ vào tháng 4 năm 2023 vì giảng chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Dù cảnh sát đã để bà tại ngoại, nhưng vẫn chuyển vụ việc của bà tới viện kiểm sát địa phương. Bà buộc phải sống tha hương để trốn tránh chính quyền sau khi bị truy tố.

Ngay khi bà về nhà vài tháng sau, cảnh sát đã bắt giữ bà và đưa bà vào trại giam. Bà nhanh chóng bị kết án tù và bị đưa tới Nhà tù nữ thành phố Trường Xuân. Ngày 1 tháng 10 năm 2023, bị qua đời trong tù ở tuổi 66.

Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu người phụ nữ ốm yếu cho tới khi bà qua đời

Bà Tô Tương Hồng, cư dân thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, bị người của Phòng 610 thị trấn Thản Châu và Đội An ninh Nội địa địa phương bắt giữ ngày 12 tháng 7 năm 2019. Sau khi bị giam giữ hơn một năm, sức khỏe của bà xấu đi. Bà bị tra tấn đến mức không thể tự chăm sóc bản thân. Bất chấp tình trạng sức khỏe của bà rất kém, tòa án địa phương vẫn kết án bà 3 năm tù. Bà được thụ án tại nhà. Chính quyền liên tục sách nhiễu bà một tháng hai lần cho tới khi bà qua đời ngày 12 tháng 10 năm 2023. Khi ấy bà 78 tuổi.

Nữ học viên bị bắt giữ vì giảng chân tướng cuộc bức hại, qua đời hai ngày sau khi được thả

Bà Từ Lệ Hà, cư dân thành phố Mã Yên Sơn, tỉnh An Huy, bị người của Đội An ninh Nội địa Vũ Sơn bắt giữ vào ngày 23 tháng 10 năm 2023 vì giảng chân tướng cuộc bức hại Pháp Luân Công cho dân chúng. Ngày hôm sau, cảnh sát thả bà về và sau đó một ngày, bà đã qua đời ở độ tuổi 70. Gia đình bà cố gắng tìm kiếm công lý cho bà, nhưng chính quyền buộc họ phải hỏa táng thi thể bà Từ vào ngày 5 tháng 11.

Em gái bà Từ là bà Từ Lệ Bình, bị bắt cùng bà và từ đó bị giam giữ trong trại tạm giam thành phố Mã Yên Sơn. Trước khi chị gái qua đời, cùng năm này, do cuộc bức hại, bà Từ Lệ Bình cũng đã mất chồng và một người chị em khác là bà Từ Lệ Trân.

Sức khỏe của một nữ học viên tại Cát Lâm suy giảm nghiêm trọng sau khi bà thụ án tù phi pháp chỉ vì đức tin của mình, bà đã qua đời 5 năm sau đó.

Bà Trương Tú Hương, cư dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt vào ngày 7 tháng 4 năm 2015 và bị kết án 3,5 năm tù vào ngày 27 tháng 10 năm 2015. Bà bị tra tấn không ngừng nghỉ trong khi thụ án tù phi pháp tại Nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm. Sức khỏe của bà ở tình trạng vô cùng suy giảm khi bà được thả vào ngày 7 tháng 10 năm 2018. Ngay cả khi bà mất khả năng lao động, cảnh sát vẫn đến nhà sách nhiễu. Bà qua đời vào ngày 5 tháng 11 năm 2023 ở độ tuổi 70.

6e7e51784d7ea4163d4d1131eb9c20d8.jpg
Tái hiện cảnh tra tấn: Ngồi yên trên ghế nhỏ trong thời gian dài

Khi bà Trương tới Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm, quản lý nhà tù lệnh cho các tù nhân cởi hết quần áo bà ra. Họ ép bà cầm biển số tội phạm và chụp hình bà khi không mặc đồ. Sau đó, bà không được phép mặc đồ lót trong áo khoác và quần dài.

Lính canh bắt bà ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ cao khoảng 18cm từ 5 giờ 30 phút sáng tới 9 giờ tối mỗi ngày. Bà phải nhìn thẳng về phía trước, giữ lưng thẳng và đầu gối chạm nhau. Hai tay bà phải đặt lên chân và không được phép cử động hay trò chuyện. Tư thế này khiến lưng bà bị đau và cẳng chân bà sưng tấy. Những đường gờ trên ghế làm mông bà trầy xước và làm rách da khiến da thịt bà mưng mủ. Trong khi bà bị ép ngồi như vậy, lính canh chửi bới bà và ép bà xem các video phỉ báng Pháp Luân Công và nhà sáng lập Pháp môn.

Nam học viên qua đời trong bệnh viện sau nhiều năm chịu bức hại phi pháp

Một nam học viên ở độ tuổi 70, cư dân thành phố Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam, bị bắt giữ vào tháng 9 năm 2019. Trong trại giam, ông bị đánh đập dã man và một tháng sau khi được thả, ông bị mất thị lực. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông và sức khỏe ông dần xấu đi. Trang Minh Huệ xác nhận, ông đã qua đời vào tháng 11 năm 2023 khi đang chữa trị ở Bệnh viện Trùng Khánh.

Ông Tiêu Thế Toàn bị bắt ngày 24 tháng 9 năm 2019 trong một cuộc truy quét của cảnh sát. Cảnh sát quận Trạm Hà đánh đập người đàn ông 70 tuổi này cho tới khi áo ông đẫm máu.

Ông Tiêu bị nhốt trong trại tạm giam một tháng và đôi mắt hầu như không thể nhìn thấy gì sau khi được thả. Ông nhanh chóng bị mù hoàn toàn. Cảnh sát quận Trạm Hà tiếp tục sách nhiễu ông tại nhà và cố ép ông ký tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Điều này khiến sức khỏe vốn đã yếu của ông ngày càng xấu hơn, cuối cùng ông phải nhập viện và qua đời.

Ông Tiêu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995 và đã khỏi bệnh về phổi, gan và dạ dày. Trước vụ bắt giữ gần nhất này, ông đã bị bắt và giam giữ nhiều lần. Tháng 10 năm 2000, ông bị bắt và bị giam tại trại tạm giam số 2 Bình Đỉnh Sơn trong một tháng.

Cảnh sát lại bắt giữ ông vào tháng 1 năm 2001 khi ông giảng chân tướng cho người dân về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Trong trại tạm giam, ông bị đánh đập cho tới bất tỉnh và bị tra tấn thể xác. Ông phải ở trong trại tạm giam hơn 7 tháng và phải làm việc không công từ 15 đến 21 tiếng mỗi ngày.

Các đặc vụ Phòng 610 và người chủ lao động của ông Tiêu đưa ông tới một trung tâm tẩy não hơn một tháng vào tháng 6 năm 2003.

Báo cáo liên quan:

Tin muộn: Nam học viên tại tỉnh Liêu Ninh bị tra tấn đến chết 19 năm trước vì tu luyện Pháp Luân Công

Một người phụ nữ 50 tuổi ở Cát Lâm đã bị kết án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

8 học viên Pháp Luân Công tử vong do cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 10 năm 2023

10 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 9 năm 2023

21 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 8 năm 2023

120 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong nửa đầu năm 2023

20 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 5 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 4 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do bị bức hại, theo báo cáo xác nhận vào tháng 3 năm 2023

Báo cáo tháng 2 năm 2023: 19 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại

15 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 1 năm 2023

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/5/468958.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/17/213370.html

Đăng ngày 20-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share