Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-09-2023] Kể từ tháng 12 năm 2002, Nhà tù Nữ tỉnh Thiểm Tây đã tham gia vào việc bức hại những học viên Pháp Luân Đại Pháp kiên định.

Nhà tù này nằm trên đường Đông Phượng Thành ở thành phố Tây An (thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây). Lính canh tra tấn các học viên nhằm bào mòn ý chí và hủy hoại sức khỏe của họ để buộc họ phải từ bỏ tu luyện. Những thủ đoạn tra tấn đối với các học viên bao gồm tiêm thuốc độc hại hoặc thuốc phá hủy hệ thần kinh, biệt giam, phơi người dưới nắng như thiêu đốt, đánh đập, mặc áo bó, đứng hoặc ngồi bất động, sốc điện bằng dùi cui điện, bức thực, tẩy não suốt ngày đêm, cấm ngủ và cấm sử dụng nhà vệ sinh.

Pháp Luân Đại Pháp là một pháp môn tu luyện đã bị bức hại ở Trung Quốc kể từ tháng 7 năm 1999. Lính canh nhà tù hành hạ các học viên và đối xử với họ thậm tệ hơn những tù nhân khác. Các học viên không được phép giao tiếp với bất kỳ ai, hoặc thậm chí là ngước nhìn lên khi đi dọc hành lang. Khi họ cần tắm rửa hoặc sử dụng nhà vệ sinh thì phải được các cộng tác viên (những tù nhân được phân công giám sát học viên) sắp xếp. Họ chỉ có thể đi từng người một cùng với một cộng tác viên sau khi được gọi đến tên. Nếu một học viên trông thấy học viên khác ở hành lang, cộng tác viên sẽ quát họ không được nhìn. Lo sợ bị cộng tác viên trả đũa, không một tù nhân nào dám chào hỏi hay nói chuyện với các học viên.

Dưới đây là bản tóm lược về 7 học viên bị tra tấn trong nhà tù này kể từ năm 2019. Năm người trong số họ ngoài 60 tuổi, với học viên lớn tuổi nhất là 84. Mức án tù của họ dao động từ 3 đến 9 năm.

1. Bà Lý Mẫn Phảng ở thành phố Bảo Kê

Bà Lý Mẫn Phảng sinh vào tháng 9 năm 1939 và là nhân viên về hưu của phòng cứu hỏa của thành phố Bảo Kê cùng tỉnh. Ngày 29 tháng 11 năm 2018, cảnh sát bắt bà vào một trung tâm tẩy não. Ngày 2 tháng 2 năm 2019, bà được tại ngoại nhưng lại bị Viện Kiểm sát quận Kim Đài quản thúc tại gia vào ngày 10 tháng 8 năm 2019.

Ngày 9 tháng 11 năm 2020, một thẩm phán của Tòa án quận Kim Đài đã kết án bà 5 năm tù. Lúc đầu, bà chấp hành án ngoại giam và thường xuyên bị sách nhiễu và uy hiếp. Sau khi bà từ chối nộp phạt 5.000 nhân dân tệ, cảnh sát bắt bà vào Trại tạm giam Số 2 thành phố Bảo Kê vào ngày 11 tháng 6 năm 2021, sau đó chuyển bà đến nhà tù vào năm 2022. Lúc đó bà đã 83 tuổi.

Khi bà Lý đến nhà tù, lính canh ép bà đọc những cuốn sách có nội dung phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp hàng ngày và buộc bà phải viết báo cáo tư tưởng và học thuộc lòng cái gọi là đáp án đúng. Một cộng tác viên ở độ tuổi 30 thường bắt bà đứng rất lâu, tát và lăng mạ bà. Người cộng tác trách bà di chuyển chậm chạp, và xô đẩy bà cụ. Vài tháng sau khi bị cầm tù, bà được chẩn đoán mắc bệnh lao, và bị cách ly với những tù nhân khác. Người thân rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của bà.

2. Bà Kim Vinh ở thành phố Tây An

Bà Kim Vinh (62 tuổi) đã nghỉ hưu từ một công ty điện tử ở quận Lâm Đồng, thành phố Tây An. Bà sống một mình và không có người thân thích. Vì không từ bỏ đức tin, bà từng bị kết án 2 lần với tổng thời hạn 10 năm, bao gồm 1 bản án 4 năm vào tháng 9 năm 2014, và 1 bản án 6 năm mà bà đang thụ án.

Vụ bắt giữ gần đây nhất của bà Kim là vào ngày 21 tháng 4 năm 2020 vì bà nói chuyện với người dân về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Ngày 2 tháng 12 năm 2021, Tòa án quận Bá Kiều ở thành phố Tây An kết án bà 6 năm tù.

Sau khi bị chuyển đến nhà tù vào ngày 22 tháng 2 năm 2022, 2 cộng tác viên thường xuyên tra tấn bà và lính canh làm ngơ trước những việc này. Những người cộng tác phát hiện bà viết đơn kháng cáo và nộp nó cho lính canh. Trong một thời gian, lính canh bắt bà đứng yên nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày mà không được đi vệ sinh, khiến bà nhiều lần tiểu tiện ra quần. Khi bà không thể đứng vững được nữa, cộng tác viên bắt bà ngồi yên trên ghế nhỏ, cho đến khi mông bà bị rách và chảy máu. Máu làm vấy bẩn quần của bà và những người cộng tác kia còn đá vào vết thương của bà.

Trước khi bà ăn, uống nước và đi vệ sinh, cộng tác viên bắt bà ký và ghi chữ “tội phạm” trước tên của bà. Nếu bà từ chối, thì sẽ không được phép làm bất cứ điều gì.

Có lần, cộng tác viên bắt bà đi tiểu vào chiếc bát ăn của bà khi bà phải đi vệ sinh vào lúc nửa đêm. Sáng hôm sau, cộng tác viên không cho bà rửa bát trước khi bỏ bữa sáng vào đó và ép bà phải ăn hết.

Một lần khác, cộng tác viên bỏ một nắm muối vào thức ăn của bà và đánh bà khi bà không thể ăn hết. Cộng tác viên còn bỏ giẻ lau bẩn vào bát của bà trước khi bà sử dụng bát. Bà nhanh chóng gầy hốc hác.

Những người cộng tác thường xuyên khủng bố và mắng mỏ bà: “Bà sẽ không bao giờ ra khỏi đây được. Bà sẽ phải ở trong nhà tù này cho đến cuối đời“.

3. Bà Vương Ngạn Chi ở thành phố Bảo Kê

Tháng 5 năm 2019, cảnh sát của Đồn Công an Vị Tân bắt giữ bà Vương Ngạn Chi. Tòa án quận Kim Đài kết án bà 7 năm tù sau phiên xét xử vào tháng 7 năm 2020.

Trong 18 tháng đầu tiên tại Nhà tù Nữ tỉnh Thiểm Tây, bà bị đưa vào “khu nhập giam“ (nơi dành cho tù nhân mới) và bị các cộng tác viên tra tấn. Trong 1 tháng, bà bị bắt quỳ với 2 tay đặt trên đầu gối từ 4 giờ sáng đến 2 giờ sáng hôm sau mỗi ngày. Bà chỉ nhận được 1 chiếc bánh bao nhỏ cùng 1 cốc nước và chỉ được đi vệ sinh 3 lần mỗi ngày. Có lần, cộng tác viên tát vào mặt bà liên tục trong nửa tiếng. Cộng tác viên thường véo bà đến mức người bà bầm tím vì không làm theo quy định.

Bà đã được chuyển ra khỏi khu tù nhân mới và hàng ngày đang phải lao động trong một xưởng may quần áo.

4. Bà Mã Uẩn Hoa ở thành phố Tây An

Bà Mã Uẩn Hoa (74 tuổi) từng 2 lần bị bắt và bị kết án với tổng thời gian 16 năm tù. Bà bị bắt vào tháng 2 năm 2018 khi cảnh sát của Đồn Công an Đại Minh Cung phát hiện bà đang nói chuyện với người dân về cuộc bức hại. Tháng 8 năm 2019, một thẩm phán của Tòa án quận Liên Hồ kết án bà 9 năm tù.

Vì bà không từ bỏ đức tin, lính canh ở Nhà tù Nữ tỉnh Thiểm Tây giam bà trong “khu nhập giam” để tra tấn.

5. Bà Trần Đức Phương ở thành phố Bảo Kê

Bà Trần Đức Phương bị bắt vào ngày 29 tháng 11 năm 2018 và bị giam ở trong trại tạm giam Số 2 thành phố Bảo Kê. Người phụ nữ 65 tuổi này đã bị kết án 3 năm tù sau phiên xét xử tại Tòa án quận Kim Đài vào ngày 9 tháng 11 năm 2020.

Một cộng tác viên thường xuyên đánh đập và lăng mạ bà ở trong tù. Bà cũng bị bắt đứng hoặc ngồi xổm trong nhiều tiếng, hoặc thậm chí nhiều ngày và thường bị bỏ đói. Hiện bà đã được trả tự do.

6. Bà Lưu Xảo Mai ở thành phố Hàm Dương

Bà Lưu Xảo Mai (ngoài 40 tuổi) từng làm việc tại một công ty thiết bị dệt may ở tỉnh Thiểm Tây. Ngày 8 tháng 9 năm 2019, cảnh sát thuộc Công an Vị Thành đã bắt và giam giữ bà ở trong trại tạm giam Tháp Nhi Pha. Bà đã bị kết án 6 năm tù sau phiên xét xử tại Tòa án quận Vị Thành vào tháng 11 năm 2020.

Vì chuyển thư cho một tù nhân khác trong nhà tù, bà bị giam trong “khu nhập giam” suốt một thời gian dài.

7. Bà Từ Minh Hiệp ở thị trấn Phụng Minh, huyện Kỳ Sơn

Bà Từ Minh Hiệp (khoảng 66 tuổi) từng 2 lần bị kết án với tổng thời gian 7,5 năm tù vì kiên định đức tin. Bản án 3,5 năm đầu tiên của bà được đưa ra sau vụ bắt giữ vào năm 2005. Ngày 10 tháng 7 năm 2019, bà lại bị bắt trong khi đang học các bài kinh văn của Pháp Luân Đại Pháp cùng các học viên khác. Tòa án huyện Kỳ Sơn kết án bà 4 năm tù.

Một cộng tác viên trong tù thường đánh đập bà cho đến khi mặt bà sưng tấy và đầy máu. Một tù nhân mô tả đây là vụ đánh đập dã man nhất mà bà từng chứng kiến, ​​và cho biết máu của bà Từ chảy khắp mặt và sàn nhà sau khi bị đánh.

Một lần, bà Từ nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và bị một cộng tác viên bắt ngồi xổm từ 4 giờ sáng đến 2 giờ sáng mỗi ngày trong suốt 2 tháng.

Bà Từ đã được trả tự do.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/9/7/465024.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/27/211516.html

Đăng ngày 13-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share