Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 20-09-2023] Tổng cộng 1.082 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin được báo cáo trong tháng 7 và tháng 8 năm 2023.

Trong số 691 trường hợp bị bắt giữ, 2 trường hợp xảy ra vào năm 2022, 184 trường hợp vào nửa đầu năm 2023, 355 trường hợp vào tháng 7 năm 2023, 138 trường hợp vào tháng 8 năm 2023 và 12 trường hợp vào những tháng khác trong năm 2023.

Trong số 391 trường hợp sách nhiễu, 3 trường hợp xảy ra vào năm 2022, 138 trường hợp vào nửa đầu năm 2023, 157 trường hợp vào tháng 7 năm 2023 và 91 trường hợp vào tháng 8 năm 2023. Có 1 trường hợp sách nhiễu xảy ra vào năm 2023 nhưng không rõ thời gian cụ thể và 1 trường hợp sách nhiễu khác chưa xác định được thời điểm.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999. Vô số học viên bị sách nhiễu, bắt giữ, kết án hoặc tra tấn vì kiên định đức tin trong suốt 24 năm của cuộc bức hại. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các vụ bức hại thường không thể luôn luôn được báo cáo kịp thời, cũng như không phải tất cả đều có sẵn thông tin.

Các trường hợp mới được ghi nhận này phân bố ở 24 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc Trung ương (Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải và Thiên Tân). Cát Lâm là tỉnh đứng đầu với tổng cộng 192 vụ bắt giữ và sách nhiễu, tiếp theo là Sơn Đông với 141 vụ, Tứ Xuyên 124, và Hà Bắc 116; 18 khu vực có số vụ ghi nhận ở mức 2 con số (từ 11 đến 93); 6 khu vực khác có số trường hợp ghi nhận ở mức 1 con số (từ 1 đến 7).

Tổng cộng 180 học viên mục tiêu (129 trường hợp bị bắt giữ và 51 trường hợp bị sách nhiễu) có độ tuổi từ 60 trở lên tại thời điểm bị bắt giữ hoặc sách nhiễu, trong đó 66 trường hợp ngoài 60, 80 trường hợp ngoài 70, 34 trường hợp ngoài 80.

Những vụ bắt giữ theo nhóm

Thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc: Thông tin cập nhật về các học viên bị nhắm mục tiêu trước Hội nghị Bắc Đới Hà

Ngày 26 tháng 6 năm 2023, 3 học viên ở thành phố Thành Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, gồm bà Lương Quân, bà Hồng Diễm Vinh và bà Vu Thụ Vân, đã đi cùng bà Nghê Quế Vân (78 tuổi) đến Công an quận Bắc Đới Hà để đưa thư và tài liệu kêu gọi cảnh sát chấm dứt truy tố bà Nghê chỉ vì tín ngưỡng của bà.

Ngày 14 tháng 7 năm 2023, bà Lương, bà Hồng và bà Vu bị sách nhiễu ngay sau khi họ trở về nhà. Bà Lương và bà Hồng bị bắt và hiện vẫn đang bị giam giữ. Bà Vu ​​tránh được vụ bắt giữ vì không có ở nhà khi cảnh sát đến. Người học viên thứ năm, bà Cung Tuấn Mai, bị bắt khi đến gặp bà Lương đúng vào lúc cảnh sát lục soát nhà bà Lương. Bà Cung được thả vào tối muộn cùng ngày do sức khỏe yếu.

Theo những người trong cuộc, chính quyền nhắm vào bà Lương, bà Hồng và bà Vu vì họ e ngại các học viên Pháp Luân Công tập trung lại để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại trước Hội nghị Bắc Đới Hà thường niên (còn được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Mùa hè của chính quyền cộng sản) được tổ chức tại quận Bắc Đới Hà vào đầu tháng 8. Theo thông lệ, chính quyền tăng cường bức hại các học viên Pháp Luân Công trước các kỳ họp chính trị lớn, chẳng hạn như Hội nghị Thượng đỉnh Mùa hè, hoặc các ngày kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công.

Thành phố Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam: 10 người bị bắt trong 2 ngày vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

10 cư dân của thành phố Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam đã bị bắt trong 2 ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công.

Theo những người trong cuộc, vụ bắt giữ quy mô lớn này do cảnh sát Khúc Tĩnh phối hợp với cảnh sát Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam) gần đó thực hiện. Cảnh sát bắt đầu theo dõi các học viên từ tháng 3 năm 2023 – khoảng thời gian diễn ra kỳ họp “Lưỡng hội” của chính quyền cộng sản.

Kỳ họp “Lưỡng hội” chỉ các phiên họp toàn thể của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (ĐHĐBNDTQ) và của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (HNHTCTTQ) được tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Chính quyền thường tăng cường bức hại Pháp Luân Công vào những ngày nhạy cảm, bao gồm các cuộc họp chính trị quan trọng và các ngày kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công.

Một cảnh sát thậm chí còn đe dọa một học viên trong khi bắt giữ: “Lưu lượng internet mà các vị sử dụng đã vượt quá 5 GB. Chống mắt mà xem ta sẽ chỉnh đốn các vị đến chết như thế nào!”

Bà Hoàng Hỷ Lan, một trong số các học viên bị bắt, kể lại những gì xảy ra khi bà đi qua cửa kiểm tra an ninh tại một nhà ga xe lửa vào đầu tháng 6 năm 2023. Khi đến lượt bà đi qua, một nhân viên an ninh nói với đồng nghiệp của anh ta: “Chẳng phải người phụ nữ mặc đồ đen này giống như trong cơ sở dữ liệu của chúng ta sao?“ Một tháng sau, bà Hoàng nhận ra nhân viên an ninh đó hẳn đã so sánh bà với bức ảnh của bà trong cơ sở dữ liệu của họ. Họ không bắt bà ở nhà ga đó, nhưng dường như sau đó vẫn theo dõi bà.

Thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông: 13 học viên bị bắt giữ cùng một ngày, trong đó một người bị kết án

Ngày 24 tháng 7 năm 2023, ít nhất 13 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Chư Thành, tỉnh Sơn Đông bị bắt giữ vì đức tin của họ. Một người trong đó bị kết án lên đến 14 tháng tù.

13 học viên bị bắt giữ gồm có bà Tôn Ngọc Hoa, bà Vương Văn Cầm, ông Tôn Lập, ông Uông Học Bân, bà Lưu Thục Hoa, bà Lâm Kim Tú, ông Tàng Vận Xuân, bà Trần Học Phân, bà Nhậm Thành Cúc, bà Tào Vinh Anh, Bà Tào Anh, bà Vương Tiên Hoa và bà Vương Kim Tú.

Hầu hết các học viên đều bị lục soát nhà. Tại nhà bà Lưu, ga trải giường của bà bị ném xuống sàn, trong khi nhiều đồ dùng có giá trị của bà, bao gồm cả tiền mặt, đồ trang sức bằng vàng và giấy tờ nhà đều bị lấy đi.

Các học viên bị giam giữ tại Trung tâm Tẩy não Chu Giải, và bị ép phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Những người kiên định đức tin bị chuyển đến Trại giam Duy Phường vào ngày 5 tháng 8, bao gồm cả bà Lưu, bà Lâm và bà Vương Văn Cầm.

Một người trong cuộc tiết lộ, bà Trần Học Phân bị đưa đến Trại giam Thành phố Duy Phường vào ngày bị bắt, và bị tuyên án 14 tháng tù. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác minh được chi tiết về bản án của bà.

Sự tàn bạo của cảnh sát

Cảnh sát đánh đập hai người phụ nữ lớn tuổi và âm mưu ngụy tạo bằng chứng chống lại họ

Hai bà lão ở huyện Thanh Long, tỉnh Hà Bắc bị cảnh sát đánh đập đến mức sức khỏe nhanh chóng suy giảm. Cả hai hiện đang bị giam trong Bệnh viện Công an Thành phố Tần Hoàng Đảo (Tần Hoàng Đảo có thẩm quyền quản lý huyện Thanh Long).

Ngày 9 tháng 5 năm 2023, bà Mạnh Chiêu Hồng và bà Viên Tú Hoa (đều 68 tuổi) bị bắt tại chợ địa phương sau khi bị tố giác vì nói với mọi người chân tướng cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Cảnh sát đưa họ đến một tầng hầm tối tăm, ẩm thấp tại Sở Công an Thành phố Tần Hoàng Đảo và thẩm vấn họ. Một cảnh sát tát vào mặt bà Mạnh hơn 20 lần. Khi luật sư đến thăm, hai bà vẫn còn đau ở cổ và tai. Viên cảnh sát đó không mặc đồng phục hay đeo phù hiệu cảnh sát.

Cảnh sát ra lệnh cho bà Mạnh cầm một chiếc túi đựng sách Pháp Luân Công và chụp ảnh bà, nhưng bà từ chối vì không muốn để họ ngụy tạo bằng chứng chống lại mình.

Bà Viên cũng bị tra tấn trong quá trình thẩm vấn.

Sau đó, cảnh sát đưa hai bà đến Bệnh viện Công an Thành phố Tần Hoàng Đảo để kiểm tra sức khỏe. Bà Mạnh được phát hiện mắc bệnh lao và xơ cứng động mạch vành. Bà Viên có chỉ số huyết áp tâm thu trên 200 mmHg (người khỏe mạnh là không quá 120 mmHg).

Theo lời của cô Đinh Nguyệt –con gái của bà Mạnh và cũng là một công dân Hoa Kỳ, bà Mạnh đã bị xét xử tại Tòa án quận Phủ Ninh ở Tần Hoàng Đảo vào ngày 22 tháng 8 năm 2023. Luật sư của bà bào chữa vô tội cho bà. Ông ấy lập luận rằng không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công, đồng thời chỉ ra công tố viên không trình lên được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy việc bà Mạnh luyện Pháp Luân Công gây ra ảnh hưởng đối với bất kỳ cá nhân nào hay xã hội nói chung.

Bất chấp việc thiếu căn cứ pháp lý và bằng chứng, công tố viên vẫn đề xuất 4 đến 5 năm tù đối với bà Mạnh. Thẩm phán không tuyên án vào cuối phiên xét xử.

Người phụ nữ Quảng Đông bị cảnh sát dùng dao cứa ngón tay và lạm dụng tình dục sau khi bị bắt giữ vì kiên định đức tin

Bà Dư Mai, một cư dân thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông đã bị cảnh sát rạch ngón tay và bị lạm dụng tình dục sau khi bị bắt vì phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công.

aba256b34d91b03a664670898b3a2037.jpg

Bà Dư Mai

Ngày 14 tháng 5 năm 2023, bà Dư (56 tuổi) và một học viên Pháp Luân Công khác là bà Ngô Thiệu Yến bị bắt sau khi một sinh viên đại học tố giác họ nói với cô ấy về cuộc bức hại. Cảnh sát đã khám người họ. Bà Dư kháng cự việc cảnh sát cố gắng chụp ảnh và thu thập dấu vân tay của bà. Một số cảnh sát cao lớn, khỏe mạnh ghì bà xuống và dùng một con dao bén rạch một ngón tay của bà. Sau đó, họ bôi máu của bà lên biên bản thẩm vấn.

Khoảng 6 giờ tối ngày hôm sau, cảnh sát đưa bà Dư và bà Ngô đến Bệnh viện quận Xích Khảm để kiểm tra sức khỏe. Bà Dư từ chối đo huyết áp và xét nghiệm máu. Hai cảnh sát giữ chặt hai vai của bà, và cảnh sát thứ ba kéo tay bà ra để y tá có thể lấy máu.

Sau đó, bà bị chụp điện tâm đồ. Cảnh sát khiêng bà lên bàn chụp, xé toạc áo sơ mi và váy của bà để bác sỹ nam kiểm tra trái với ý muốn của bà. Sau đó, hai cảnh sát dùng vũ lực để đưa bà đi chụp X-quang.

Bà Dư và bà Ngô bị đưa thẳng đến Trại tạm giữ thành phố Trạm Giang sau khi kiểm tra sức khỏe. Một lính canh ở trại yêu cầu bà Dư ngồi xổm (kiểu squat) ngay khi bà vừa được nhận vào trại, nhưng bà từ chối làm theo. Hai người đàn ông lực lưỡng đá vào hõm gối bà để bà khuỵu xuống. Bà không thể thở được và dùng hết sức để kháng cự. Khi lính canh giơ tay ra đấm bà, bà hô lớn: “Lính canh đang đánh người!” Vì có nhiều tù nhân đang chứng kiến, lính canh từ bỏ ý định đánh đập bà.

Một số lính canh lôi bà Dư đến một phòng thay đồ và yêu cầu bà mặc quần áo tù nhân. Bởi bà từ chối, hai lính canh lập tức lột hết quần áo của bà, chỉ để lại quần lót. Sau đó họ còng hai tay bà ra sau lưng. Một lính canh nữ lột quần lót của bà Dư và để các lính canh nam có mặt ở đó nhìn.

Người phụ nữ đang đối mặt truy tố vì kiên định đức tin đã báo cáo việc bị cảnh sát trưởng tra tấn trong thời gian bị tạm giữ

Bà Vương Nguyệt Cầm, một cư dân khoảng 53 tuổi ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt vào ngày 30 tháng 5 năm 2023 và bị giữ tại đồn công an trong 48 tiếng (gấp đôi thời gian tạm giam nghi phạm để thẩm vấn nghi phạm mà pháp luật cho phép). Tuy nhiên, cảnh sát viết 24 tiếng trên thông báo trả tự do để hợp pháp hóa. Họ cũng lập ra một vụ án hình sự đối với bà.

Bà Vương đệ đơn yêu cầu hủy bỏ vụ án của mình, nhưng được cho biết cấp trên quyết định truy tố bà vì kiên định đức tin. Bà kiện cảnh sát nhưng không thành.

Dưới đây là lời kể của bà Vương về những gì xảy ra sau vụ bắt giữ.

“Ngày 30 tháng 5 năm 2023, khi tôi đang đi trên đường thì có 2 người đàn ông chặn lại và lục soát túi xách của tôi. Sau khi phát hiện 3 cuốn tài liệu Pháp Luân Công trong túi, họ tố giác tôi với Đồn Công an Phố Duy Minh. Rất nhanh sau đó, nhiều cảnh sát đến bắt giữ tôi.“

“Cảnh sát không cho tôi cơ hội để lên tiếng, và đánh đập tôi ngay khi vừa đưa tôi đến đồn công an. Họ lột khẩu trang của tôi, và giật nón của tôi quăng xuống đất. Họ vặn một cánh tay của tôi ra sau lưng rồi còng nó vào cánh tay còn lại bị kéo vòng qua vai.”

e50a7ee513ac2923c2f9ca308ba5cd04.jpg

Minh họa tra tấn: Còng tay ra sau lưng

“Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu khi bị còng và phải ngồi trong một góc phòng. Một bàn tay đột ngột túm tóc tôi và kéo lê tôi sang phòng thẩm vấn mà tôi không kịp phản ứng gì. Tiếp theo, tôi bị đẩy vào ngồi trên một chiếc ghế sắt.“

“Người kéo lê tôi đến đó còn hét lên: ‘Lấy vài sợi dây và cột tóc của bà ta vào ghế và còng tay lại!’ Một vài cảnh sát khác bước đến và làm theo lời ông ta yêu cầu. Tóc tôi bị giật ra từng mảng lớn, và da đầu tôi đau khủng khiếp.”

“Tôi nhanh chóng nhận ra người đàn ông kéo lê tôi chỉ đang cố gắng chụp ảnh tôi, nhưng lại dùng phương thức cực đoan như vậy để ép tôi tuân theo yêu cầu của ông ta. Ông ta huênh hoang rằng bản thân đã đàn áp Pháp Luân Công hơn 20 năm, nên có rất nhiều kinh nghiệm. Ông ta cảnh cáo tôi rằng sẽ không nương tay khi xử lý những học viên Pháp Luân Công như tôi. Ông ta không xuất trình thẻ cảnh sát hoặc tiết lộ danh tính trong suốt phiên thẩm vấn.“

“Sau sự việc này, tôi bị đau thắt ngực và gặp khó khăn khi ăn hoặc uống. Tôi cũng tuyệt thực để phản bức hại, và nhanh chóng xuất hiện những triệu chứng sức khỏe nguy hiểm. Tuy nhiên, mãi đến ngày 1 tháng 6 năm 2023, cảnh sát mới cho tôi tại ngoại.”

Bị bức hại nhiều lần

Từng bị giam giữ 11 năm, bà Trương Hoa ở Trùng Khánh lại bị bắt giữ

Bà Trương Hoa (61 tuổi, ngụ tại quận Đồng Nam, Trùng Khánh) bị bắt vào ngày 8 tháng 8 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Trương Hoa (một cựu nhân viên Công ty Máy Nông nghiệp Huyện Đồng Nam) bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của mình. Trước đây, bà từng bị lĩnh án 1 năm lao động cưỡng bức (từ 2000 đến 2001) và 10 năm tù (từ 2005 đến 2015). Bà bị tra tấn tàn bạo trong lúc giam cầm. Mẹ bà đã qua đời trước khi bà được ra tù, và bà không được phép gặp mẹ mình lần cuối.

Trong thời gian 1 năm tại Trại Cưỡng bức Lao động Nữ Mao Gia Sơn vào năm 2000, các tù nhân theo dõi bà suốt ngày đêm. Họ thường trói bà lại, đè bà xuống đất và đánh đập bà. Họ bịt miệng, hoặc nhét khăn vào miệng bà sau khi dùng chiếc khăn đó để lau rửa chân của họ. Ngoài ra, bà cũng bị buộc phải ngồi xổm hoặc đứng nhiều giờ mà không được cử động. Các tù nhân còn còng tay bà ra sau lưng trong nhiều giờ. Bà tuyệt thực nhiều lần, và liên tục bị bức thực. Vì bà từ chối hợp tác trong các phiên tẩy não, nên thời hạn của bà bị kéo dài thêm 2 tháng.

Sau một vụ bắt giữ khác vào năm 2005, bà tuyệt thực để phản bức hại, nhưng lại bị bức thực một lần nữa. Bác sỹ trại tạm giam tiêm cho bà những loại thuốc không rõ chủng loại. Hai mắt bà bắt đầu chảy nước mắt, sưng tấy, đau đớn, và trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Chân bà tê cứng, và bà cảm thấy buồn nôn. Cân nặng của bà nhanh chóng giảm từ 65 kg xuống còn 25 kg. Tình trạng của bà trở nên nguy kịch sau 69 ngày tuyệt thực. Lo sợ bà có thể chết trong trại tạm giam, ban quản lý trại thả bà.

Bà Trương bỏ trốn sau khi trở về nhà, nhưng lại bị bắt vài tháng sau đó và bị kết án 10 năm tù. Bà bị rụng tóc vì bị tra tấn ở trong tù.

Từng bị giam giữ 7,5 năm, ông Uông Trạch Tuyên ở Quý Châu lại bị bắt vì kiên định đức tinÔng Uông Trạch Tuyên ở Xích Thủy, tỉnh Quý Châu, bị bắt vào ngày 9 tháng 8 năm 2023 vì nói với người dân về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông Uông hiện bị giam tại trại tạm giam Số 3 thành phố Tuân Nghĩa.

Ông từng là giáo viên, đồng thời là chủ một cửa hiệu chụp ảnh và một nhà hàng. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Ông tin rằng pháp môn tu luyện này đã giúp ông từ bỏ nhiều thói quen xấu, bao gồm hút thuốc, uống rượu và cờ bạc.

Hai tháng sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông bị bắt giam hơn 10 ngày. Ông lại bị bắt vào đầu tháng 5 năm 2000 và bị giam giữ. Trong 2 thập kỷ tiếp theo, ông thường xuyên phải đối mặt với sự sách nhiễu và bắt giữ từ phía chính quyền. Ông từng bị giam 2 lần trong trại lao động và 1 án tù với tổng thời hạn 7,5 năm.

Trong thời gian 3 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Nam tỉnh Quý Châu vào năm 2006, ông Vương bị đánh đập vì không từ bỏ Pháp Luân Công. Lính canh bịt miệng ông để không cho ông la hét. Khi họ đánh ông đến mệt, họ dùng một chiếc ấm nước sôi và đổ nước lên khắp người ông Vương. Ông bị bỏng nghiêm trọng và phải nằm viện trong 2 tháng.

Bức hại các học viên cao tuổi

Vân Nam: Người phụ nữ 76 tuổi bị quản thúc tại gia vì nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo” với một người đàn ông

Ngày 10 tháng 8 năm 2023, bà An Thuận Liên, một cư dân 76 tuổi tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị bắt giữ bên ngoài một bệnh viện địa phương sau khi bị một thanh niên bị thương ở chân tố giác vì nói với anh ta về những lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công.

Cảnh sát nhanh chóng ập đến và bắt giữ bà. Bà thúc giục họ ngừng tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công. Họ từ chối lắng nghe và còn mắng chửi bà.

Sau khi trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận bà An vì tuổi cao, cảnh sát thả bà vào ngày hôm sau, và tiến hành quản thúc tại gia đối với bà. Họ còn yêu cầu người chồng 86 tuổi của bà, cũng đang tu luyện Pháp Luân Công, báo cáo với họ vào ngày thứ Hai kế tiếp (ngày 14 tháng 8).

Cụ bà 85 tuổi nằm liệt giường liên tục bị sách nhiễu vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Bà Liêu Ngọc Anh (85 tuổi) ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, đang bị cao huyết áp và một số vấn đề sức khỏe khác, nhưng chính quyền vẫn không ngừng sách nhiễu bà.

Trong vụ sách nhiễu gần đây nhất vào ngày 15 tháng 8 năm 2023, cảnh sát đưa bà đến bệnh viện, sau đó đưa bà lên xe cứu thương để chở đến một trại tạm giam. Chỉ sau khi trại tạm giam từ chối tiếp nhận bà vì tình trạng sức khỏe kém, cảnh sát mới đưa bà về nhà, nhưng lại đe dọa sẽ sớm quay trở lại.

Khổ nạn của bà Liêu bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 21 tháng 4 năm 2022. Mặc dù được thả trong cùng ngày, nhưng kể từ đó, bà không ngừng bị sách nhiễu. Tháng 6 năm 2022, cảnh sát thay ổ khóa cửa chính của nhà bà và giữ lại 1 chìa. Để tránh bị bức hại thêm, bà Liêu buộc phải sống xa nhà, nhưng 1 tháng sau bà lại phải quay về vì sức khỏe suy giảm và đau nhức toàn thân.

Khi bà đang nằm liệt giường, thì vào ngày 20 tháng 1 năm 2023 (chỉ 2 ngày trước Tết Cổ truyền), cảnh sát lại đến sách nhiễu bà. Họ cố gắng đưa bà đi, nhưng sau đó phải nhượng bộ khi thấy bệnh tình nghiêm trọng của bà.

Tháng 3 năm 2023, một số cảnh sát đến yêu cầu bà đến tòa án để ký vào hồ sơ vụ án. Bà không hiểu chuyện gì đang xảy ra và bật khóc. Hàng xóm sang hỏi thăm tình hình vì nghe thấy tiếng khóc của bà. Bởi không muốn hàng xóm của bà biết về việc bức hại, cảnh sát vội rời đi.

Ngày 20 tháng 4, cảnh sát lại gõ cửa nhà bà Liêu. Bà từ chối để họ vào nhà. Sáng hôm sau, sau khi bà Liêu ra ngoài, cảnh sát hỏi thăm hàng xóm về tình hình của bà. Cảnh sát nói họ chỉ ghé thăm và mang chuối cho bà. Họ hứa lần này sẽ không bắt giữ bà.

Không lâu sau khi bà Liêu trở về, cảnh sát lại đến yêu cầu bà đến tòa án để ký tên vào hồ sơ vụ án. Bà cương quyết không đi.

Khi căng thẳng gia tăng, bà Liêu bị đau dữ dội ở 2 chân và không thể ra khỏi giường.

Ngày 25 tháng 4, một số viên chức của Viện Kiểm sát quận Mậu Danh bắt con trai bà đưa họ đến nhà bà. Họ tuyên bố bà có tội vì sở hữu sách Pháp Luân Công tại nhà. Ngoài việc bắt con trai thay mặt bà ký vào hồ sơ vụ án, họ còn yêu cầu anh nắm tay bà và điểm chỉ vào hồ sơ. Sau đó, công tố viên nói bà được phép thụ án tại nhà. Vì cả bà Liêu và con trai đều không biết về các quy trình pháp lý, và công tố viên từ chối giải thích về các giấy tờ đó, nên họ không chắc bà Liêu thật sự bị kết án tù hay mới bị truy tố và sẽ bị xét xử.

Người đàn ông Vân Nam 66 tuổi liên tục bị sách nhiễu sau khi mãn hạn án tù thứ hai vì tu luyện Pháp Luân Công

Một cư dân 66 tuổi ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam được trả tự do vào ngày 28 tháng 3 năm 2023, sau khi thụ án 3,5 năm tù vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Tuy nhiên ông lại phải đối mặt với sự sách nhiễu liên tục từ phía chính quyền địa phương.

Ngày 28 tháng 9 năm 2019, ông Trần Kính Vũ bị bắt giữ. Cuối tháng 5 năm 2020, ông bị kết án 3,5 năm tù và phạt 3.000 nhân dân tệ. Ngày 28 tháng 3 năm 2023, ngày ông được trả tự do, cảnh sát và nhân viên ủy ban khu phố lái xe đón ông về nhà và chụp ảnh ông. Họ cảnh cáo ông không được đi ra ngoài để nói với người dân về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Tháng 6 năm 2023, ông Trần bị triệu tập đến Phòng Tư pháp Long Tường, và buộc phải ký một thỏa thuận để “giúp ông ấy nhận thức ra tội của mình khi tu luyện Pháp Luân Công”. Họ không đưa cho ông bản sao của thỏa thuận, trong đó cơ bản là họ được phép sách nhiễu ông bất cứ lúc nào chỉ vì đức tin của ông. Hàng tháng, họ đều gọi điện cho ông để “kiểm tra”.

Một người phụ nữ 75 tuổi đang bị quản chế vì tín ngưỡng của mình bị ra lệnh tham gia các khóa tẩy não

Ngày 18 tháng 3 năm 2022, bà Lưu Ngọc Mẫn, một giáo viên tiểu học về hưu, bị bắt tại nhà con trai. Sức khỏe của bà suy giảm trong thời gian bị giam giữ, bao gồm rụng rất nhiều tóc, cao huyết áp và đau ở hai chân. Bà cần 2 người dìu thì mới có thể đi lại được.

Ngày 9 tháng 5, tòa án địa phương kết án bà Lưu 3 năm tù và 4 năm án treo. Trước khi thả bà, ban quản lý trại tạm giam yêu cầu bà Lưu ký vào một tờ giấy, trong đó tuyên bố trại giam không chịu trách nhiệm về tình trạng của bà.

Một tuần sau khi bà Lưu trở về nhà, bà vẫn khó ngủ vào ban đêm, và rất nhạy cảm với âm thanh.

Ngày 30 tháng 5 năm 2023, phòng Tư pháp huyện Lai Thủy thành lập một đội đặc nhiệm cải huấn cộng đồng để đặc biệt “xử lý” bà Lưu. Mục đích là để ép bà Lưu từ bỏ Pháp Luân Công.

Đội đặc nhiệm yêu cầu bà Lưu trình diện với họ thường xuyên, và tham gia “các buổi học tập” theo lịch trình. Nếu không thể trình diện trực tiếp với họ, thì bà phải gửi ảnh của mình ở nhà. Bà Lưu cũng bị cấm ra khỏi thị trấn.

Vì bà Lưu vẫn đang hồi phục sau khi bị ngược đãi trong thời gian bị giam giữ, bà từ chối tuân theo yêu cầu. Sau đó, đội đặc nhiệm đe dọa sẽ đưa bà trở lại trại giam.

Bà Lưu và người nhà bị yêu cầu bật điện thoại 24/7, sẵn sàng trả lời các cuộc gọi của đội đặc nhiệm. Họ cũng bị chỉ đạo phải tải xuống một ứng dụng theo dõi vị trí và giám sát các hoạt động của bà.

Tuy ban đầu cảm thấy nhẹ nhõm khi bà được trả tự do, gia đình bà Lưu hiện đang cảm thấy áp lực rất lớn do bị sách nhiễu không ngừng.

Sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công ở Nội Mông Cổ

Vào tháng 7 và tháng 8 năm 2023, hơn 100 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ, bị chính quyền sách nhiễu vì kiên định đức tin.

Theo một người trong cuộc, đợt sách nhiễu này được thực hiện theo mệnh lệnh trực tiếp từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL), một cơ quan ngoài vòng tư pháp có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại. Phòng 610, lực lượng công an các cấp từ thành phố đến thị trấn, cũng như ủy ban khu phố các cấp cũng tham gia vào việc lên kế hoạch và triển khai cuộc bức hại.

Ở quận Hồng Sơn và quận Tùng Sơn, cảnh sát gọi điện cho các học viên, và cố gây áp lực để họ từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Một số nhân viên cộng đồng chụp ảnh các học viên, và nói họ cần những bức ảnh này để báo cáo với cấp trên. Những người khác lừa các học viên mở cửa bằng cách yêu cầu kiểm tra hệ thống điện trong nhà. Ngay khi cảnh sát bước vào, họ lục soát mọi căn phòng, và hỏi các học viên còn tu luyện Pháp Luân Công hay không.

Ở kỳ Ông Ngưu Đặc, mẹ của học viên Trần (không rõ tên) qua đời vào ngày 10 tháng 8. Ông Trần nhờ một người họ hàng giúp làm giấy chứng tử cho mẹ ông tại đồn công an địa phương, nhưng cảnh sát từ chối cấp giấy chứng tử. Thay vào đó, họ yêu cầu học viên Trần phải đích thân đến và ký vào cam kết từ bỏ Pháp Luân Công trước. Người họ hàng cố gắng thuyết phục cảnh sát không bức hại ông Trần vì đám tang của mẹ ông Trần sắp diễn ra. Cuối cùng, cảnh sát chấp thuận để người họ hàng ký vào bản cam kết thay cho ông Trần, nhưng họ cũng yêu cầu ông Trần phải tới báo cáo với đồn công an sau khi lo xong tang lễ cho mẹ mình.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo nửa đầu năm 2023: 3.133 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 3 và tháng 4 năm 2023: 1.320 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 1 và tháng 2 năm 2023: 624 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/9/20/465525.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/29/211744.html

Đăng ngày 21-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share