Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 02-04-2023]
Có tới 25 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do cuộc bức hại của chính quyền cộng sản Trung Quốc, theo báo cáo xác nhận vào tháng 3 năm 2023.
Sáu trong số các trường hợp tử vong diễn ra từ năm 2014 đến 2019, bảy trường hợp vào năm 2022 và 10 trường hợp vào năm 2023. Thời điểm chính xác mà hai học viên còn lại qua đời hiện vẫn chưa rõ. Do thông tin ở Trung Quốc bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, các trường hợp tử vong có thể không được báo cáo kịp thời và thông tin cũng không dễ dàng xác nhận.
Các học viên đã qua đời này đến từ 12 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương khác nhau. Hắc Long Giang báo cáo bốn trường hợp, tiếp theo là Bắc Kinh, Cát Lâm và Liêu Ninh (mỗi nơi có ba trường hợp). Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Nam và Sơn Đông mỗi nơi có hai trường hợp. Bốn tỉnh còn lại gồm An Huy, Cam Túc, Hà Bắc và Giang Tô, mỗi tỉnh có một trường hợp.
Hai học viên đã qua đời trong khi bị giam giữ, bao gồm một phụ nữ 77 tuổi qua đời trong khi đang thụ án 13 năm và một người đàn ông 74 tuổi, qua đời bốn tháng sau khi bị bắt.
Các học viên khác cũng không trụ nổi trước tình cảnh bị sách nhiễu, giam giữ và tra tấn trong thời gian dài. Một phụ nữ ở Tứ Xuyên bị giam giữ cho đến hết thời hạn ba năm, bất chấp thực tế là bà ấy vẫn trong tình trạng hôn mê. Chỉ 8 tháng sau khi được trả tự do, bà đã qua đời. Một người đàn ông ở Bắc Kinh qua đời sau 1,5 năm được trả tự do sau khi thụ án 4 năm. Đáng chú ý là ông đã mất cả cha lẫn mẹ do cuộc bức hại.
Dưới đây là một số trường hợp tử vong đã được xác nhận. Danh sách và thông tin đầy đủ của 25 học viên này có thể tải xuống tại đây (PDF).
Các trường hợp qua đời khi đang bị giam giữ:
Cụ bà 77 tuổi qua đời khi đang thụ án tù 13 năm
Bà Phí Thục Cầm ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời trong Nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 16 tháng 2 năm 2023, khi đang thụ án 13 năm, vốn bị kết án chỉ vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã 77 tuổi.
Theo gia đình bà Phí, bà bị u xơ tử cung, huyết áp cao và bệnh tim mạch ngay sau khi bị cầm tù, nhưng nhà tù đã liên tục từ chối đơn xin tạm tha y tế cho bà. Gia đình đã không được phép gặp bà kể từ năm 2019.
Khi bà Phí chán ăn và liên tục buồn ngủ, bà bị đưa đến bệnh viện nhà tù vào ngày 13 tháng 1 năm 2023. Bác sĩ phát hiện bà bị nhồi máu nhiều lỗ khuyết, teo não và bệnh phổi nghiêm trọng. Bất chấp tình trạng của bà, nhà tù vẫn từ chối yêu cầu thăm thân của gia đình cũng như nhất quyết không thả bà.
Khoảng 13 giờ chiều ngày 16 tháng 2, nhà tù thông báo với gia đình bà Phí rằng họ sẽ chuyển bà tới một bệnh viện khác. Nhưng chỉ một tiếng sau, nhà tù gọi lại và thông báo bà ấy vừa qua đời. Gia đình bà nghi ngờ có thể trong lần nhà tù gọi điện lần trước, bà đã tử vong rồi.
Ban đầu nhà tù cấm gia đình bà Phí xem thi thể của bà, nhưng trước sự kiên quyết của gia đình, lính canh đã nhượng bộ sau khi cấp trên của họ chấp thuận. Gia đình bà Phí cho biết bà gầy hốc hác và đầu bà bị cạo trọc.
Bà Phí đã nghỉ hưu sau khi công tác trong ngành lương thực. Bà bị bắt vào ngày 29 tháng 3 năm 2013 vì treo biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trên một một tuyến đường cao tốc chính ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Tòa án huyện Nghi Lan kết án bà 13 năm tù.
Sau khi bị đưa vào tù, bà sớm được phát hiện có khối u xơ tử cung với kích cỡ 12 x 9,9 cm. Bà cũng bị bệnh tim và huyết áp cao. Bất chấp tình trạng của bà, nhà tù đã từ chối cho bà được tạm tha y tế.
Các lính canh yêu cầu gia đình bà Phí phải trả tiền phẫu thuật cho bà, nhưng gia đình cho rằng chính việc giam cầm và ngược đãi phi pháp của chính quyền đối với bà Phí đã khiến sức khỏe của bà bị hủy hoại và nhà tù phải chịu trách nhiệm cho việc này.
Khi gia đình tới thăm bà Phí vào tháng 2 năm 2019, họ thấy tình trạng của bà tệ hơn nhiều so với tháng trước. Dường như bà ấy không có phản ứng nào, đờ đẫn và tê bì. Khi nói, bà Phí cứ lặp lại cùng một câu hỏi. Bà thường ăn quá nhiều và nổi cáu nếu những người khác cố gắng ngăn bà ấy lại. Gia đình bà nghi ngờ rằng nhà tù đã tiêm cho bà loại thuốc hủy hoại thần kinh. Họ tiếp tục nộp đơn xin tạm tha y tế cho bà, nhưng nhà tù không bao giờ hồi đáp.
Nhà tù viện lý do đại dịch không cho phép gia đình vào thăm bà Phí thêm lần nào nữa. Thậm chí ngay cả sau khi bà bị chấn thương ở xương đùi trong một lần té ngã và không thể tự chăm sóc bản thân, nhà tù vẫn từ chối yêu cầu để bà tại ngoại chữa bệnh từ phía gia đình.
Người đàn ông Trùng Khánh qua đời ở trong trại tạm giam sau 4 tháng bị bắt giữ
Ông Lại Nguyên Xương ở Trùng Khánh, bị bắt vào ngày 7 tháng 9 năm 2022, sau hai năm chạy trốn nhằm tránh bị bức hại. Trong thời gian bị giam giữ tại trại tạm giam quận Giang Tân, sức khỏe của ông Lại nhanh chóng xấu đi, có thể là do bị tra tấn vì không từ bỏ đức tin của mình. Ngày 31 tháng 12 năm 2022, ông được đưa đến Bệnh viện Nhân dân quận Giang Tân và qua đời vào ngày hôm sau. Khi đó ông đã 74 tuổi.
Khi biết tin ông qua đời, gia đình ông Lại đã vội vã đến bệnh viện và yêu cầu cảnh sát giải trình, sau đó cảnh sát đã đồng ý bồi thường cho gia đình ông 90.000 nhân dân tệ. Thi thể của ông Lại đã được chôn cất vào thời điểm viết bài (đầu tháng 3).
Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông Lại đã bị tống giam 3 lần với tổng cộng 8 năm tù. Ông bị kết án 2 năm trong trại lao động sau khi bị bắt vào ngày 3 tháng 6 năm 2004. Sau đó, ông còn bị kết án thêm hai án tù ba năm vào năm 2008 và năm 2013. Lính canh tù bắt ông đứng ngoài trời với bộ quần áo mỏng tang vào mùa đông và đốt chân ông nếu ông di chuyển. Họ còn chọc vào mắt ông, và thậm chí đốt mắt ông bằng điếu thuốc đang cháy.
Các trường hợp qua đời do bị tra tấn trong tù và bị sách nhiễu trong thời gian dài:
Người phụ nữ Tứ Xuyên qua đời chỉ tám tháng sau khi ra tù trong tình trạng thực vật
Bà Liệu Quang Huệ đã rơi vào trạng thái thực vật khi được trả tự do vào ngày 20 tháng 7 năm 2022, sau khi thụ án tù ba năm chỉ vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Tám tháng sau, ngày 23 tháng 3 năm 2023, cư dân thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên này đã qua đời ở tuổi 70.
Bà Liệu bị ngã vào ngày 10 tháng 3 năm 2021 trong khi bị giam giữ tại Nhà tù nữ tỉnh Tứ Xuyên. Nhà tù từ chối đề nghị trả tự do cho bà để điều trị y tế của gia đình, đồng thời tiếp tục cầm tù phi pháp bà cho tới khi mãn hạn tù, bất chấp việc bà vẫn hôn mê sau cú ngã.
Do bệnh viện nhà tù không cố định hộp sọ của bà đúng cách trong quá trình phẫu thuật mở não, khiến bên phải đầu bà có một hố lõm lớn. Họ phải đặt một ống hút trong cổ họng của bà, một ống cho ăn ở đường mũi và một ống thông tiểu. Toàn thân bà trong tình trạng cứng đờ.
Không biết cách chăm sóc bà và loại bỏ đờm trong ống hút, gia đình bà Liệu đã đưa bà đến bệnh viện địa phương vài giờ sau khi bà được trả về nhà vào ngày 20 tháng 7 năm 2022. Một tuần sau, vào ngày 27 tháng 7, toàn thân bà đột nhiên co giật, môi và nửa trên thân tím tái. Mặc dù bà đã qua khỏi sau khi được cấp cứu, nhưng gia đình bà không đủ khả năng tài chính để bà ở lại bệnh viện điều trị thêm. Họ đưa bà về ngay sau đó và tự chăm sóc cho bà. Họ bị suy sụp khi bà qua đời vào ngày 23 tháng 3 năm 2023.
Bà Liệu Quang Huệ trong tình trạng hôn mê
Trước đó, bà Liệu bị bắt tại nhà vào ngày 20 tháng 7 năm 2019 và bị Tòa án Quận Phù Thành kết án phi pháp ba năm tù. Gia đình bà nhận được một cuộc gọi từ lính canh vào 5 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 2021 và được yêu cầu tới Bệnh viện Hoa Tây để ký văn bản đồng ý phẫu thuật não cho bà. Lính canh tuyên bố bà “bị ngã và bị đập đầu trong khi đi vệ sinh”, nhưng bác sĩ còn cho hay, bà bị thương ở khí quản và một bên phổi.
Khi chồng bà Liệu, ông Lý Song Toàn và con trai họ đến thăm bà ở bệnh viện vào ngày 14 tháng 3 năm 2021, đầu bà được quấn bằng gạc và bà phải thở oxy. Bà vẫn bị hôn mê và trước khi mãn hạn tù phi pháp, trong khi gia đình không được gặp lại bà cho hết khi mãn hạn tù.
Cụ bà 75 tuổi ở tỉnh Sơn Đông qua đời chỉ 4 năm sau khi bị kết án 9 năm tù
Một cụ bà 75 tuổi ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông qua đời vào ngày 7 tháng 2 vừa qua, chỉ bốn năm sau khi bà bị kết án 9 năm và bị phạt 30.000 nhân dân tệ vì đức tin vào Pháp Luân Công.
Bà Túc Quế Hoa bị bắt tại nhà vào ngày 16 tháng 10 năm 2017. Khi bà bị Tòa án quận Thị Bắc xét xử vào ngày 28 tháng 6 năm 2018, bà bị huyết áp cao và chân run bần bật.
Gia đình bà Túc nhận được một cuộc điện thoại vào ngày 3 tháng 9 năm 2018 và được thông báo rằng bà đang được cấp cứu tại bệnh viện Thanh Đảo. Họ tức tốc đến bệnh viện và được biết bà đang trong tình trạng nguy kịch. Ba ngày sau, cảnh sát đưa cho gia đình bà thông báo “tại ngoại” rồi rời đi.
Bà Túc bị kết án chín năm tù, còn bị phạt 300.000 nhân dân tệ vào ngày 19 tháng 3 năm 2019. Do sức khỏe bà Túc không tốt nên không thể thi hành án tù, thẩm phán Lệ đã lệnh quản thúc bà tại gia. Ông ta lệnh cho cảnh sát kiểm tra bà vài tháng một lần để xem bà có hồi phục sức khỏe đủ tốt để thụ án tù hay không. Bà Túc không thể chịu nổi áp lực tinh thần và qua đời vào ngày 7 tháng 2 năm 2023.
Người đàn ông ở tỉnh Tứ Xuyên đã bị chết sau khi phải chịu 10 năm giam giữ và tra tấn
Không lâu sau khi ông Chu Triệu Kiệt theo tập Pháp Luân Công năm 1994, chủ doanh nghiệp nhỏ này ở thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên, đã rất vui khi thấy bệnh lao phổi nặng của mình biến mất. Dù vậy, cuộc sống yên bình của ông đã bị đảo lộn khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh nhổ tận gốc Pháp Luân Công khỏi Trung Quốc vào tháng 7 năm 1999.
Vì ông Chu từ chối từ bỏ Pháp Luân Công nên ông đã bị phạt 1 năm lao động cưỡng bức và sau đó bị kết án 9 năm tù. Trong trại lao động, ông bị buộc phải đứng mà không được mặc quần áo dưới tuyết trong nhiều giờ, và làm việc trong một lò gạch cực nóng từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, mà không hề được nghỉ.
Trong lần tiếp theo ông Chu bị bắt giữ, lính canh trại giam đã dùng những mảnh thiếc để cắt núm vú của ông và đập đầu ông vào tường, khiến ông bị chấn động.
Sau khi bị đưa vào tù thụ bản án 9 năm, ông bị buộc phải đứng trong nhiều giờ đồng hồ dưới trời nắng như thiêu như đốt trong mùa hè và trong tuyết lạnh cóng trong mùa đông. Ông cũng bị buộc phải xem các video tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công trong khi bị đánh đập thường xuyên, phải đứng trong nhiều giờ và bị chửi bới. Các hình thức tra tấn khác bao gồm bức thực và cấm ngủ.
Trong hơn 6 năm, ông Chu đã phải lao động ngày đêm để làm các cuộn dây điện tử mà không được nghỉ và không được trả công. Thị lực của ông suy giảm đáng kể và ông thường bị ngã trong khi bước đi khi không được đeo kính.
Một lính canh từng đe dọa ông rằng: “Tôi sẽ không đánh chết ông mà tôi sẽ tra tấn ông để ông thà chết còn hơn sống.” Một lính canh khác tuyên bố: “Có 365 ngày trong một năm và tôi có 365 cách để tra tấn ông. Ông cứ coi chừng đấy.”
Trong khi ông Chu sống sót qua sự tra tấn tàn bạo trong khi bị giam giữ, ông đã bị giáng một đòn mạnh khi vợ ông ly dị ông và sở an sinh xã hội ngừng trả lương hưu cho ông không lâu sau khi ông được phóng thích. Ông không trụ được trước những khó khăn về mặt tinh thần, thể chất và tài chính và đã qua đời ngày 21 tháng 2 năm 2023 ở tuổi 69.
Một cư dân Bắc Kinh đã qua đời vào đầu năm 2023, sau 1,5 năm mãn hạn án tù oan sai 4 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Khi đó ông mới 56 tuổi.
Trước đó, cha mẹ của ông Trương Cửu Hải đã qua đời. Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ba người họ bị bắt giữ hết lần này đến lần khác và chỉ có khoảng thời gian rất ngắn ngủi ở bên nhau.
Mẹ của ông Trương qua đời vào tháng 11 năm 2014. Kể từ lần cuối ông Trương bị bắt (vào tháng 5 năm 2017), cha ông là ông Trương Tác Kiệt, bị gãy phần xương hông và không thể tự chăm sóc bản thân. Bảy tháng sau, ông cụ đã ra đi trong cảnh lẻ loi, cơ cực. Đến tháng 5 năm 2021, ông Trương được trả tự do khi mãn hạn án tù 4 năm, nhưng phải vật lộn với tình trạng sức khỏe kém do bị tra tấn trong tù, và rồi ông cũng qua đời.
Trước thời hạn tù gần đây nhất của ông Trương, ông đã bốn lần thụ án ở trại lao động với tổng số thời gian lên đến bảy năm. Ông liên tục bị đánh đập, cấm ngủ và sốc điện bằng dùi cui điện. Sau khi được trả tự do, ông buộc phải tha hương vài năm để trốn tránh cảnh sát.
Cựu sĩ quan cảnh sát qua đời trong cuộc bức hạiÔng Kim Thành Sơn từng làm việc ở Công an Quận Hô Lan ở Cáp Nhĩ Tân. Ông từng bị tai nạn xe hơi vào năm 1996 và bị nứt đốt sống ngực dẫn đến bị liệt. Ngay khi đã mất hết hy vọng thì ông được giới thiệu Pháp Luân Công và đã được thụ ích to lớn cả về thể chất và tinh thần sau khi bước vào tu luyện. Chứng kiến sự cải biến của chồng, bà Tiêu cũng bước vào tu luyện.
Ngày 10 tháng 3 năm 2005, hơn 20 cảnh sát đã đột nhập vào nhà của hai vợ chồng. Bốn cảnh sát giữ chặt ông Kim trên ghế và còng 2 tay ông sau lưng. Bà Tiêu bị nhốt ở trong phòng tắm và cũng bị còng tay ra sau lưng. Cảnh sát lục tung ngôi nhà họ, lấy đi 13.000 Nhân dân tệ tiền mặt, 1 máy tính, 2 máy in, 1 máy photocopy, 1 máy scan và 2 máy ép. Thậm chí cảnh sát còn lấy đi 20 túi đựng nước tiểu của ông Kim.
Ngày 22 tháng 12 năm 2006, hai vợ chồng ông lại bị cảnh sát bắt giữ. Ông Kim bị biệt giam nghiêm ngặt trong trại tạm giam địa phương. Vì không có ai chăm sóc nên ông không đi đại tiện trong 9 ngày và vô cùng đau đớn. Các vết lở loét ở vùng hông, mông và lưng của ông cũng bắt đầu chảy máu và mủ vàng. Cảnh sát phải đưa bà Tiêu đến đó để dùng tay đào phân ra cho ông.
Ngày 27 tháng 2 năm 2007, Tòa án Quận Hô Lan đã tổ chức một phiên tòa bí mật xét xử vụ án của hai vợ chồng ở trong trại tạm giam. Theo đó, ông Kim bị kết án 5 năm tù và bà Tiêu bị kết án 3 năm tù.
Ngày 24 tháng 4 năm 2007, ông Kim bị đưa đến Nhà tù Hô Lan. Ông đã chịu đựng những thống khổ ngoài sức tưởng tượng và đã có lúc ở bên bờ vực của cái chết. Sau khi bà Tiêu được thả vào tháng 6 năm 2009, bà đã nộp đơn xin tại ngoại điều trị y tế cho chồng và liên tục đến nhà tù để yêu cầu thả ông.
Mặc dù nhà tù đã cho ông được tạm tha y tế, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bắt ông trở lại vào ngày 5 tháng 5 năm 2010. Bốn tháng sau, nhà tù lại cho ông tạm tha y tế sau những nỗ lực bền bỉ giải cứu ông của bà Tiêu và con gái.
Việc ngồi tù đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông Kim. Ông đã không thể hồi phục và qua đời vài năm sau đó.
Bà Tiêu bị bắt thêm một lần nữa vào ngày 5 tháng 3 năm 2022 và bị kết án bốn năm tù. Bản án của bà đã giáng một đòn nặng nề vào con gái bà là cô Kim Hâm. Còn chưa hết đau buồn vì cái chết của người cha do cuộc bức hại với đức tin của ông vào Pháp Luân Công, cô Kim lại thêm suy sụp tinh thần vì án tù kéo dài của mẹ mình. Người mẹ 39 tuổi của bé trai 6 tuổi này đã sớm qua đời vì quá bi phẫn.
Một bác sĩ gia đình qua đời sau nhiều năm bị sách nhiễu
Vì bà Trương Hạnh Chuyển, một bác sĩ gia đình ở huyện Thâm Trạch, tỉnh Hà Bắc, không chịu từ bỏ Pháp Luân Công, bà đã nhiều lần bị sách nhiễu và phải thụ án 1 năm tại trại lao động cưỡng bức. Sự đau khổ về tinh thần và thể chất đã cướp đi sinh mạng của bà vào ngày 25 tháng 2 năm 2023. Khi đó bà 65 tuổi.
Bà Trương bị bắt vào tháng 1 năm 2001 và bị giam giữ tại Trại giam Huyện Thâm Trạch trong hai tháng. Tại đây công an đã dùng dùi cui đánh bà và tát vào mặt bà.
Bà Trương lại bị bắt vào cuối tháng 9 năm 2009 khi đang đến thăm một người họ hàng ở tỉnh An Huy. Bà bị giam giữ một năm tại Nhà tù nữ tỉnh Hà Bắc. Tại đây bà không được ngủ, buộc phải đứng trong nhiều giờ và không được phép đánh răng, rửa mặt hay giặt giũ.
Cảnh sát đã cố gắng bắt giữ bà Trương một lần nữa vào ngày 25 tháng 3 năm 2011, nhưng cuối cùng phải bỏ cuộc do gia đình bà phản đối mạnh mẽ. Họ sách nhiễu bà Trương thêm hai lần tiếp đó, lần lượt vào ngày 4 tháng 9 năm 2017 và vào tháng 7 năm 2018. Áp lực tinh thần đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà Trương. Sức khỏe của bà không ngừng suy giảm và cuối cùng bà đã qua đời vào tháng 2 năm nay.
Bài liên quan:
Báo cáo tháng 2 năm 2023: 19 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại
Báo cáo tháng 1 năm 2023: 117 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin
15 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 1 năm 2023
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/2/458376.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/3/207933.html
Đăng ngày 05-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.