Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-12-2023]

Họ tên: Vương Hải Can
Tên tiếng Trung: 王海乾
Giới tính: Nam
Tuổi: 60
Thành phố: Huyện Đại Trúc
Tỉnh: Tứ Xuyên
Nghề nghiệp: Giáo viên trung học
Ngày mất: 20 tháng 11 năm 2023
Ngày bị bắt gần đây nhất: ngày 27 tháng 7 năm 2019
Nơi giam giữ gần đây nhất: Nhà tù Gia Châu

Một cư dân 60 tuổi ở huyện Đại Trúc, tỉnh Tứ Xuyên đã bị từ chối tại ngoại để điều trị y tế khi đang chiến đấu với căn bệnh ung thư di căn trong bệnh viện nhà tù. Tuy nhiên, ông Vương Hải Can đã được xuất viện vài giờ sau đó, khi bệnh viện nhà tù tuyên bố ông sắp chết. Ông đã qua đời vài tuần sau đó, vào ngày 20 tháng 11 năm 2023.

Ông Vương, một cựu giáo viên trung học, đã bị bắt vào ngày 27 tháng 7 năm 2019 vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại. Ngày 29 tháng 12 năm 2020, ông bị kết án 7,5 năm tù với khoản tiền phạt 50.000 Nhân dân tệ. Ngày 5 tháng 8 năm 2021, ông bị đưa vào Nhà tù Gia Châu, sau khi đơn kháng cáo của ông bị bác bỏ. Ông bị tra tấn dã man trong tù, khiến sức khỏe nhanh chóng sa sút. Năm 2022, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết và được đưa đến bệnh viện nhà tù vào ngày 8 tháng 3 năm 2023.

Gia đình ông Vương được yêu cầu phải xin phép nhiều cơ quan chính phủ để ông có thể được tại ngoại điều trị y tế. Liền mấy tháng sau đó, họ đi đi lại lại giữa bốn nơi, bao gồm thành phố Lạc Sơn (nơi đặt nhà tù), thành phố Thành Đô (nơi đặt Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Tứ Xuyên và bệnh viện nhà tù), huyện Đại Trúc (nhà của ông Vương) và thành phố Đạt Châu (giám sát huyện Đại Trúc).

Các cơ quan hữu quan ở bốn nơi đó đã bắt gia đình ông chạy quanh và viện đủ thứ lý do để không xử lý đơn xin tại ngoại. Ngày 10 tháng 10 năm 2023, Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Tứ Xuyên cuối cùng đã có phúc đáp khẳng định không học viên Pháp Luân Công nào được phép tại ngoại để điều trị và nếu họ chết trong khi bị giam giữ, thi thể của họ sẽ được đưa về nhà.

Tuy nhiên, vài giờ sau, vào lúc 1 giờ sáng ngày 11 tháng 10 năm 2023, ông Vương đã được xe cấp cứu đưa đến Phòng Tư pháp Huyện Đại Trúc. Sau đó, gia đình ông đã được triệu hồi tới đón ông. Họ bị ép ký vào biên bản đồng ý chi trả mọi chi phí y tế cho ông trong bảy tháng ông ở bệnh viện nhà tù và một giấy miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho bệnh viện nếu ông chết. Tuy nhiên, không có đơn xin tại ngoại y tế nào để ký, bởi việc xuất viện của ông không được coi là “tại ngoại” vì Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Tứ Xuyên đã từ chối yêu cầu tại ngoại.

Ông Vương yếu đến mức không đi lại được. Con trai ông phải cõng ông và đưa ông về nhà. Trong những tuần cuối đời, ông Vương được lệnh phải báo cáo với Văn phòng Tư pháp Huyện Đại Trúc hàng ngày và phải xin phép văn phòng này bất cứ khi nào ông cần ra ngoài để lấy hẹn với bác sỹ. Ông qua đời tại Bệnh viện Y học Trung Quốc Huyện Đại Trúc vào ngày 20 tháng 11 năm 2023.

Buổi chiều trước tang lễ của ông Vương, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Huyện Đại Trúc (một cơ quan ngoài tư pháp có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công) và phó đội trưởng Liêu Chí Ba của Phòng An ninh Nội địa Huyện Đại Trúc đã dành hơn một giờ để đe dọa gia đình ông Vương không được tiết lộ cuộc bức hại với người ngoài. Họ buộc con trai ông phải ký một thỏa thuận không mời các học viên Pháp Luân Công địa phương khác đến dự tang lễ và không chia sẻ bất kỳ thông tin nào về ông.

Vào ngày tang lễ, nhiều cảnh sát canh gác tại đám tang và sẵn sàng bắt giữ bất kỳ học viên nào dám đến gần.

Cho dù chính quyền ra sức chặn tin tức về cái chết của ông Vương, một số học viên vẫn tìm cách thu thập được thông tin chân thực về vụ bức hại ông và gửi lên trang web Minh Huệ (minghui.org).

Bệnh ung thư phát tác sau khi bị tra tấn tàn bạo

Nhà tù Gia Châu ở tỉnh Tứ Xuyên được thành lập khi sáp nhập Trại Lao động Cưỡng bức Ngũ Mã Bình và Nhà tù Sa Loan. Nhà tù này khét tiếng về các vụ bức hại các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ vì kiên trì đức tin của họ.

Ngày 5 tháng 8 năm 2021, sau khi ông Vương vào tù, trong vòng nửa tháng, ngày nào ông cũng bị bắt ngồi xổm, không được phép ngủ hay sử dụng nhà vệ sinh. Ông được cho rất ít thức ăn và phải kết thúc bữa ăn trong vài giây, nghĩa là ông thường không thể ăn hết lượng thức ăn ít ỏi. Hình thức tra tấn này rất phổ biến ở các nhà tù tỉnh Tứ Xuyên.

Bốn tù nhân được giao nhiệm vụ theo dõi ông suốt ngày đêm, nhằm phá vỡ ý chí của ông và bắt ông ký các loại tuyên bố từ bỏ và lăng mạ Pháp Luân Công.

Có thời điểm, ông Vương bị giam ở Khu số 10, nơi giam giữ các học viên kiên định. Nơi đây được mệnh danh là “nhà tù trong nhà tù”, các học viên ở đây thậm chí còn bị tra tấn dã man hơn, dưới những hình thức như mặc áo bó, bức thực bằng tương ớt, đội mũ bông hoặc mũ kim loại suốt mùa hè, đứng dưới ánh nắng thiêu đốt, và biệt giam.

Theo người trong cuộc, phường Mười có tỷ lệ tù nhân chết vì bị tra tấn trong tù cao nhất.

Năm 2022, ông Vương bắt đầu đi ngoài ra máu và bị chẩn đoán ung thư ruột kết. Ngày 8 tháng 3 năm 2023, ông được đưa đến Bệnh viện Nhà tù Kim Đường ở thành phố Thành Đô. Bệnh viện đã liên lạc với gia đình ông để giục họ xin tại ngoại để điều trị y tế cho ông vì họ không có đủ trang thiết bị để phẫu thuật cho ông.

Yêu cầu tại ngoại phải chờ bảy tháng mới được giải quyết

Vợ ông, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã liên lạc với Phòng An ninh Nội địa Huyện Đại Trúc. Phó đội trưởng Liêu nói trên đã chỉ bà đến Phòng 610 và Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Đại Trúc, tới đây, bà lại bị chỉ quay lại phòng an ninh nội địa. Sau đó, Liêu cho biết ông ta chỉ có thể cho phép tại ngoại để điều trị y tế với điều kiện tên của ông Vương không xuất hiện ở bất kỳ đâu trên minghui.org, kể cả sau khi ông qua đời. Rõ ràng là Liêu không muốn ông Vương sống sót.

Vợ ông Vương nói bà chỉ có thể hứa sẽ không đưa thông tin về cuộc bức hại của chồng bà lên Minghui.org, nhưng bà không thể ngăn các học viên Pháp Luân Công địa phương khác. Sau đó, Liêu yêu cầu bà nói chuyện với các học viên khác để tránh cho cuộc bức hại chồng bà bị phơi bày, và bà phải thuyết phục hai học viên (tên là Vương và Mã) từ bỏ Pháp Luân Công.

Liêu liên tục đưa ra đủ loại yêu cầu, cuối cùng nói rằng cần phải có sự chấp thuận của Phòng Tư pháp Huyện Đại Trúc. Vợ ông Vương đã liên lạc với viên chức tại ngoại Lãnh Văn Lợi của cơ quan này. Ban đầu Lãnh từ chối yêu cầu tại ngoại của bà, nhưng sau đó nói rằng bà phải xin phép Ủy ban Chính trị và Pháp luật Huyện Đại Trúc, Phòng An ninh Nội địa Huyện Đại Trúc, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Đạt Châu, Phòng An ninh Nội địa Thành phố Đạt Châu, Phòng An ninh Nội địa Thành phố Đạt Châu, Sở Tư pháp và Sở Quản lý Nhà tù Tỉnh Tứ Xuyên (ở thành phố Thành Đô), Nhà tù Gia Châu (ở thành phố Lạc Sơn) và một số cơ quan khác.

Tuy nhiên, các cơ quan chính quyền đó đã bỏ mặc vợ ông Vương và viện đủ loại lý do để không giải quyết đơn xin tại ngoại của bà.

Trong khi vợ ông Vương đi đi lại lại giữa các thành phố để xin cho ông được tại ngoại để chữa bệnh, bệnh viện nhà tù đã gọi cho bà, thông báo rằng bệnh ung thư của ông đã di căn. Bệnh viện còn gọi điện nhiều lần nữa và yêu cầu bà chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất vì ông đã nhiều lần rơi vào tình trạng nguy kịch.

Theo những người trong cuộc, Nhà tù Gia Châu từ chối giải quyết yêu cầu tại ngoại của ông Vương vì họ sợ ông sẽ phơi bày sự tra tấn trong tù sau khi được thả ra. Sở Quản lý Nhà tù Tỉnh Tứ Xuyên tiếp tục trì hoãn việc xử lý yêu cầu tại ngoại của ông vì sợ ông sẽ sớm bình phục sau khi tu luyện Pháp Luân Công, như vậy sẽ chứng thực khả năng chữa bệnh phi thường của Pháp Luân Công. Ủy ban Chính trị và Pháp luật Huyện Đại Trúc và Phòng An ninh Nội địa Huyện Đại Trúc cũng lo ngại như vậy; ngoài ra họ còn lo ông Vương sẽ tổ chức lại các hoạt động Pháp Luân Công nếu ông bình phục (ông là một phụ đạo viên tình nguyện trước khi cuộc bức hại bắt đầu). Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Phòng An ninh Nội địa Thành phố Đạt Châu không muốn bật đèn xanh cho đơn xin tại ngoại vì sợ ông Vương có thể chuyển đến sống cùng con trai ông, đang làm việc ở Đạt Châu, nếu ông được thả.

Để giảm đi mối lo ngại của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Đạt Châu và Phòng An ninh Nội địa Thành phố Đạt Châu, con trai ông Vương đã chuyển sổ hộ khẩu từ thành phố Đạt Châu đến huyện Đại Trúc. Chàng trai trẻ nghĩ như vậy, cho dù cha anh có chuyển đến sống cùng anh thì cũng chỉ có quận Đại Trúc chịu trách nhiệm giám sát cha anh. Tuy nhiên, chính quyền vẫn từ chối chấp thuận cho ông Vương được tại ngoại để chữa bệnh.

Bị từ chối tại ngoại và xuất viện vài giờ sau đó

Ngày 10 tháng 10 năm 2023, Sở Quản lý Nhà tù Tỉnh Tứ Xuyên cuối cùng đã thông báo cho gia đình ông Vương rằng họ đã quyết định từ chối yêu cầu tại ngoại với lý do không một học viên Pháp Luân Công nào được tại ngoại, đồng thời tuyên bố nếu ông Vương chết trong thời gian bị giam giữ, thi thể của ông sẽ được đưa về nhà.

Gia đình thề sẽ nộp đơn khiếu nại cơ quan này và tất cả các cơ quan khác. Sau đó, Nhà tù Gia Châu hứa sẽ trao đổi lại với Sở. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn vài giờ sau đó, khi bệnh viện nhà tù đưa ông Vương trở lại huyện Đại Trúc vào lúc 1 giờ sáng ngày 11 tháng 10 năm 2023. Gia đình ông được lệnh phải trang trải mọi chi phí y tế phát sinh trong bảy tháng ông ở bệnh viện nhà tù. Ông Vương đã mất việc từ lâu vì kiên trì tu luyện. Gia đình ông đã phải vay tiền để trả khoản tiền phạt 5.000 Nhân dân tệ cho tòa án và hiện đang tiếp tục điều trị y tế. Họ rất đau lòng khi ông qua đời vào ngày 20 tháng 11 năm 2023. Pháp Luân Công đã phục hồi sức khỏe cho ông Vương, nhưng cuộc bức hại liên tiếp đã cướp đi mạng sống của ông.

Theo học Pháp Luân Công

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đại Trúc, ông Vương trở thành giáo viên dạy tiếng Trung tại Trường Trung học Trúc Bắc ở huyện Đạt Châu. Ông là một giáo viên rất tài năng, cần mẫn. Học sinh của ông luôn đạt thành tích cao hơn bậc học của mình. Ở độ tuổi 30, ông Vương đã được thăng học hàm mà hầu hết các giáo viên khác phải nhiều tuổi hơn nhiều mới đạt được.

Tuy nhiên, công việc khó khăn kéo dài đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của ông Vương. Ông bị viêm xoang, viêm dạ dày nông, đau dạ dày, chóng mặt và đau đầu. Năm 1994, ông mắc bệnh viêm gan B và bệnh tình ngày càng xấu đi. Ông bị sưng và đau ở vùng gan, không thể nằm nghiêng bên phải mà ngủ và cảm thấy yếu nhược toàn thân. Một chuyên gia y tế nói với ông rằng bệnh viêm gan gần như không thể chữa khỏi.

Năm 1996, vợ ông Vương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và cảm thấy môn tu luyện này thật tốt nên cũng khuyên ông thử. Ông Vương bước vào tu luyện cùng vợ vào tháng 8 năm đó. Chẳng bao lâu, các triệu chứng viêm gan của ông đã biến mất, các bệnh khác cũng dần khỏi. Đồng thời, ông đã trở thành một người tốt hơn nhờ tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Sau đó, ông tình nguyện làm điều phối viên cho các học viên Pháp Luân Công ở địa phương.

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông Vương bị kết án hai năm lao động cưỡng bức và ba lần bị giam trong các trung tâm tẩy não, sau đó bị kết án 7,5 năm tù. Ông còn bị sa thải chỉ vì kiên định với đức tin của mình.

Hai năm lao động cưỡng bức

Tối ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày cuộc bức hại bắt đầu, ông Vương bị các viên chức Triệu Kiến Sinh và Khâu Đào từ Phòng An ninh Nội địa Huyện Đại Trúc bắt tại nhà. Họ giữ ông tại Trại giam Số 2 Huyện Đại Trúc trong hai ngày. Sau khi ông được thả ra, cảnh sát vẫn ra lệnh cho ông viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và nộp cho họ. Cảnh sát cũng bắt giữ hàng trăm học viên địa phương, giam giữ họ tại chính quyền làng và yêu cầu mỗi người phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nếu không, họ sẽ bị giam giữ.

Tháng 11 năm 1999, ông Vương đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, nhưng bị Lưu Đức Vạn (một nhân viên bảo vệ của Phòng Giáo dục Huyện Đại Trúc) và Lý Nguyệt Học từ Phòng An ninh Nội địa bắt và đưa về huyện Đại Trúc. Họ đưa ông đến Nhà tù Xuyên Đông, nơi ông bị biệt giam và bắt ngồi ghế đá lạnh lẽo và “suy ngẫm về lỗi lầm của mình” cả ngày. Trong thời gian đó, ông được cho ăn rất ít.

Tháng 1 năm 2000, ông Vương bị chuyển đến Trại giam Huyện Đại Châu. Vào ngày thứ hai, lính canh trói ông và các học viên khác lại, treo một tấm áp phích lớn lên cổ mỗi người, đẩy họ lên một chiếc xe tải rồi đưa họ đi diễu khắp nơi trong thị trấn để lăng nhục họ.

Tháng 4 năm 2000, ông Vương bị kết án hai năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Đại Yển ở thành phố Tử Dương. Ông bị cưỡng bức lao động không công dưới nhiều hình thức, từ hái bông, làm dây rơm, làm pháo, làm bóng đèn, đến trồng rau, nuôi cá. Ngay cả trong mùa đông lạnh giá, ông vẫn phải mặc quần đùi đứng trong bể cá để vớt cá chết. Tháng 9 năm 2001, khi được thả ra, ông bị phù nề toàn thân và rơi vào tình trạng mê sảng.

Tiếp tục sách nhiễu, giám sát và giam giữ tại các trung tâm tẩy não

Sau khi được thả, ông Vương tiếp tục bị cảnh sát theo dõi cuộc sống hàng ngày và sách nhiễu. Một lần, các cảnh sát Trần Quý Tường, Triệu Kiến Sinh, Văn Lệ và Khâu Đào đột nhập vào lúc nửa đêm và lục soát chỗ ở của ông.

Trước đó, ông Vương bị camera giám sát ghi lại khi đang nói chuyện với một học viên Pháp Luân Công trong công viên. Ngày hôm sau, cảnh sát bắt giữ và thẩm vấn ông. Một lần khác, sự việc tương tự đã xảy ra khi ông gặp một học viên từng bị tù giam cùng trại lao động với ông ở một công viên. Khi họ đang nói chuyện thì cảnh sát tới khám xét và thẩm vấn ông.

Ngày 22 tháng 8 năm 2004, khi ông Vương đang đến thăm một học viên mới ra tù thì cảnh sát trưởng Lý Tòng Chính của Đồn Cảnh sát Bắc Thành dẫn một nhóm cảnh sát xông vào. Họ đã giam giữ ông suốt một tháng, trong thời gian đó cảnh sát Trần Nhất Long đã thẩm vấn ông một lần.

Ba lần bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não

Khoảng tháng 11 năm 2004, ông Vương bị đưa vào một trung tâm tẩy não và bị giam ở đó cho đến tháng 1 năm 2005, khi trung tâm tẩy não này bị giải tán. Vụ bắt giữ này có sự tham gia của phòng giáo dục địa phương và trường học của ông.

Khoảng tháng 9 năm 2007, ông lại bị bắt và bị giam ở một trung tâm tẩy não khác cho đến tháng 1 năm 2008.

Ngày 24 tháng 11 năm 2010, khi đang đi bộ trên đường, ông bị một công an túm tóc, kéo xuống cầu thang và đưa vào trung tâm tẩy não thứ ba. Mãi đến khi kỳ nghỉ đông của trường bắt đầu, ông mới được thả ra.

Bài viết liên quan:

Một học viên Pháp Luân Công tại Tứ Xuyên bị trì hoãn chữa trị y tế trong tù, qua đời chỉ một tháng sau khi được đưa về nhà

Tỉnh Tứ Xuyên: Thầy giáo đang chấp hành án tù 7,5 năm vì kiên định đức tin, đến khi bệnh ung thư di căn mới được tại ngoại y tế và qua đời sau 1 tháng

Một giáo viên ở Tứ Xuyên bị cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Sáu cư dân Tứ Xuyên bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Sáu cư dân ở tỉnh Tứ Xuyên bị xét xử vì tín ngưỡng của mình

Huyện Đại Trúc, tỉnh Tứ Xuyên: 26 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong một ngày, năm người hiện vẫn đang bị giam giữ

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/30/470166.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/1/213936.html

Đăng ngày 14-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share