Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang

[MINH HUỆ 16-02-2023]

Tên: Trương Xuân Úc (张春郁)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 69
Thành phố: Cáp Nhĩ Tân
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Chủ doanh nghiệp
Ngày mất: 31 tháng 1 năm 2023
Ngày của vụ bắt giữ cuối cùng: 15 tháng 2 năm 2017
Nơi giam giữ cuối cùng: Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang

Một cư dân thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án 5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ tháng 7 năm 1999. Tại thời điểm bà Trương Xuân Úc được trả tự do khỏi Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, người bà chỉ còn da bọc xương, toàn bộ răng của bà đã rụng gần hết.

Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, cảnh sát địa phương và cơ quan quản lý cộng đồng vẫn tiếp tục sách nhiễu bà, buộc bà phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.

Bà Trương đã qua đời vào ngày 31 tháng 1 năm 2023, hưởng thọ 69 tuổi. Gia đình bà có 3 người, thì chồng và con trai bà đều đã ra đi trước bà, đều vì bị mắc bệnh tim sau nhiều tổn thương từ những lần bà bị sách nhiễu, bắt cóc và giam giữ. Con trai bà mất vào ngày 24 tháng 9 năm 2014, còn chồng bà mất vào ngày 16 tháng 2 năm 2017.

Một nữ doanh nhân trung thực

Bà Trương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 21 tháng 6 năm 1996, bà trở nên quan tâm đến người xung quanh hơn và cố gắng hành xử chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công.

Là một nữ doanh nhân, bà ấy có thể giải quyết các giao dịch làm ăn bằng sự trung thực và chân thành của mình. Thay vì chăm chăm muốn kiếm lợi từ người khác, bà luôn cân nhắc trên phương diện lợi ích cho người khác trước. Trước những thay đổi tích cực này mà các đồng nghiệp của bà ấy đã vô cùng ấn tượng. Họ nói rằng Pháp Luân Công đã biến đổi bà Trương trở thành một người tốt hơn xưa rất nhiều.

Bà Trương cũng có những cải biến to lớn về mặt sức khỏe. Hai tuần sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một số căn bệnh đã hành hạ bà trong nhiều năm đã biến mất. Có thể kể đến các bệnh phụ khoa, bệnh ngoài da, xoắn tĩnh mạch, viêm phế quản, bệnh trĩ và sưng hạch bạch huyết, tất cả đều được chữa khỏi. Bà trở thành người nhanh nhẹn và luôn tràn đầy năng lượng.

5 năm bị cầm tù oan sai

Ngày 25 tháng 2 năm 2017, bà Trương bị bắt vì kiên định đức tin của mình và sau đó bị kết án 5 năm tù. Bà bị đưa vào Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 18 tháng 4 năm 2018.

Hòng ép bà từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, lính canh đã xúi giục tù nhân tham gia ngược đãi bà Trương với “phần thưởng” là sự giảm án. Vợ sự dụ dỗ này, tù nhân rất tích cực theo dõi bà Trương cả ngày lẫn đêm, kể cả khi bà ăn, ngủ hay đi vệ sinh.

Ngày 2 tháng 9 năm 2018, khi gia đình đến thăm bà, họ đã không cầm được nước mắt khi trông thấy bà, bởi bà đã khác xa một phụ nữ khỏe mạnh và lạc quan trước đây mà họ vốn biết. Sau đó gia đình mới hay tin 4 tù nhân là Dương Húc, Bào Kiệt, Hác Lệ Quân và Vu Lợi đã đánh đập và tát vào mặt bà vô cùng thậm tệ. Hậu quả là, hàm răng của bà bị lung lay và phần nướu bị tổn thương nghiêm trọng.

Tệ hơn nữa, lính canh thỉnh thoảng lại chuyển bà đến các khu khác nhau, và ở đó bà sẽ phải chịu thêm nhiều sự ngược đãi. Sự tra tấn như vậy đã khiến bà bị khủng hoảng thường xuyên cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi được trả tự do vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, bà vô cùng gầy gò, tiều tụy và hầu như đã rụng gần hết răng.

Sự sách nhiễu triền miên và cái chết oan uổng

Cuối tháng 7 năm 2022, chủ nhiệm của Ủy ban dân cư Cộng đồng Hòa Bình đã gọi điện cho bà Trương và yêu cầu bà hoàn thành một số thủ tục giấy tờ liên quan đến bảo hiểm xã hội. Lo sợ rằng họ đang gài bẫy mình, bà Trương đã từ chối.

Vài ngày sau, vài cảnh sát xuất hiện trước cửa nhà bà, bao gồm cả Quan (Đồn trưởng Đồn Công an Hòa Bình ở quận A Thành) và viên chủ nhiệm kia. Họ gõ cửa và gọi điện thoại cho bà nhưng bà từ chối mở cửa.

Để thoát khỏi sự sách nhiễu liên tục, bà Trương phải rời nhà sống lưu lạc. Bà qua đời trong tình cảnh khốn khổ ở tuổi 69 vào ngày 31 tháng 1 năm 2023.

Hai lần bị lĩnh án lao động cưỡng bức và bị mù mắt trái

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, bà Trương đã bị giam giữ nhiều lần vì kiên định đức tin. Bà bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức tại Trại Lao động Vạn Gia vào ngày 5 tháng 3 năm 2001. Bà bị đánh đập, bị treo người lên bằng cổ tay, cũng như bị bắt phải đứng trong nhiều giờ liên tiếp. Bà đã từng bị biệt giam hơn 20 ngày. Sự ẩm mốc tối tăm trong phòng biệt giam khiến bà bị ghẻ lở, ngứa ngáy và đau đớn khắp người. Mãi 6 tháng sau khi được thả khỏi trại lao động, bà mới hồi phục sức khỏe.

2005-7-15-nanmusi-04--ss.jpg

Hình ảnh minh họa tra tấn: Các thủ đoạn tra tấn “treo người“

Để ngăn cản gia đình đến thăm thân, trại lao động yêu cầu người nhà của các học viên phải lăng mạ, giẫm lên chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, ký tên vào đơn vu khống Pháp Luân Công trước khi được phép vào thăm các học viên bị giam giữ. Kết quả là, nhiều thành viên trong gia đình ủng hộ Pháp Luân Công đã không thể gặp được người thân của họ. Do đó, nhiều tội ác trong trại lao động đã không kịp thời được vạch trần.

Bà Trương đã trở về nhà vào tháng 10 năm 2001.

Khi gặp lại các bạn học cũ vào tháng 2 năm 2002, bà Trương đã bị 4 cảnh sát từ Đồn Công an Thắng Lợi bắt giữ ngay trước mặt các bạn học của bà.

Cảnh sát còng tay bà vào ống sưởi tại đồn công an suốt đêm. Họ không cung cấp đồ ăn và không cho phép bà ngủ. Họ cũng từ chối để bà sử dụng nhà vệ sinh.

Sáng hôm sau, cuối cùng họ cũng cho phép bà được sử dụng nhà vệ sinh. Bà đã nhanh chóng trốn thoát nhưng rồi lại bị bắt ở một địa điểm cách đồn cảnh sát không xa. Sau đó họ đưa bà đến Trại tạm giam Số 2 A Thành. Hề Cảnh Long, một cảnh sát của Đồn Công an A Thành, đã nhanh chóng ra quyết định phạt bà 3 năm lao động cưỡng bức. Bà bị đưa đến Trại Lao động Vạn Gia vào ngày 8 tháng 3 năm 2002.

Ngay khi bị đưa đến trại lao động, bà bị yêu cầu cởi bỏ hết quần áo trước mặt các lính canh nam, để tiến hành cái gọi là soát người.

Vì không từ bỏ đức tin của mình, bà Trương đã bị tra tấn nhiều lần bao gồm cả việc bị còng tay ra sau lưng và treo ngược người lên bằng cổ tay.

2023-2-15-193327-0.jpg

Minh họa tra tấn: Treo ngược lên cao

Hai lính canh Lưu Bạch Băng và Thu Dương cùng đội trưởng Quách Thu Lệ đã từng treo bà Trương lên cao từ cổ tay với hai tay bị kéo ngược lên trên từ phía sau trong vài giờ, bắt bà đi chân trần trong những ngày lạnh giá nhất của mùa đông. Một lần khác, bà bị còng tay với hai cánh tay bị trói ngược ra sau lưng vào một chiếc ghế sắt. Lính canh cũng thay phiên nhau theo dõi bà (chia 30 phút mỗi ca) để ngăn không cho bà nhắm mắt; nếu nhắm mắt bà sẽ bị đánh đập dã man. Lính canh cũng hạn chế để bà sử dụng nhà vệ sinh trong 7 ngày.

Bà Trương từ chối học thuộc các quy định của trại lao động bao gồm việc phỉ báng Pháp Luân Công. Lính canh bắt bà ngồi xổm trên một viên gạch từ 3 đến 7 tiếng mỗi đêm trong nhiều ngày liên tiếp.

Có hai lần bà đã khẳng khái nói bà sẽ không bao giờ từ bỏ Pháp Luân Công và bị 5-6 lính canh xông vô đánh hội đồng. Trong hai lần ấy, bà đều bị đánh đến bất tỉnh. Họ treo bà lên trong khi bà vẫn đang hôn mê.

Vài lính canh nữ đã đưa bà Trương về ký túc xá của họ và treo bà lên cao vào lúc nửa đêm. Chỉ cần bà khẽ cử động, họ sẽ đánh đập bà. Lưu Bạch Băng túm tóc bà Trương và đập đầu bà vào một tủ sắt, sau đó thúc mạnh vào lưng bà. Bà Trương bị đánh bất tỉnh với máu chảy ra từ mũi và miệng. Lính canh Thu Dương đã cào mặt bà. Những thương tích này đã khiến mắt của bà Trương sưng húp nghiêm trọng và không thể mở ra, nhưng lính canh vẫn treo bà lên cao suốt cả đêm. Hậu quả là, bả vai bà tê dại mất cảm giác.

Để che đậy sự ngược đãi này, lính canh đã nhốt bà Trương trong nhà kho trong 2 tuần cho đến khi các vết thương trên mặt của bà lành lại. Sau đó bà bị đưa đến một “khu huấn luyện chuyên sâu”, nơi các nam lính canh tùy ý tra tấn các học viên. Hai lính canh Triệu Dư Khánh và Diêu Phúc Xương từng sốc điện khắp người bà Trương bằng dùi cui điện, rồi treo bà lên cao và tiếp tục sốc điện bà bằng dùi cui.

Sự tra tấn này diễn ra hàng ngày. Lính canh Triệu và Diêu sau đó ra lệnh cho bà Trương cởi bỏ quần áo, chỉ để lại đồ lót. Họ sốc điện toàn bộ vùng lưng của bà. Một hôm, Triệu giáng một cú tát rất mạnh vào mặt bà Trương khiến hai mắt của bà sưng húp trong một thời gian dài và mắt trái của bà bị mất thị lực. Tiếp đó, họ tra tấn bà bằng hình thức treo ngược lên cao trong suốt 7 ngày 7 đêm.

Vì không được ngủ trong nhiều ngày liên tục, bà Trương đã nhiều lần ngất xỉu và đổ gục xuống đất khiến còng tay của bà bị gãy. Mặc dù vậy, bà vẫn bị trói trên ghế trong một đêm, suốt thời gian đó bà không được phép sử dụng nhà vệ sinh. Tù nhân phụ trách canh chừng bà đã dùng một chiếc túi nhựa để hứng nước tiểu của bà. Để không gây phiền hà hay gây rắc rối cho tù nhân đó, bà Trương đã không ăn, không uống trong một thời gian. Người bà chằng chịt thương tích, đến nỗi tù nhân không dám nhìn thẳng vào bà.

Một nhà ba người nay đã không còn ai

Vô số vụ bắt giữ, 2 lần bị giam trong trại lao động, cùng với việc bà Trương bị mù đã khiến gia đình bà vô cùng đau khổ. Vì sợ hãi và lo lắng, cả chồng và con trai bà đều lần lượt mắc bệnh tim. Con trai bà cùng chồng bà lần lượt ra đi vào ngày 24 tháng 9 năm 2014 và ngày 16 tháng 2 năm 2017.

Trong khi bà Trương vẫn đang chịu tang chồng thì cảnh sát lại bắt giữ bà vào ngày 25 tháng 2 năm 2017 và sau đó bà đã bị kết án 5 năm tù.

Bài liên quan:

Bị mù và bị ngược đãi trong trại lao động, cựu nữ doanh nhân phải chịu đựng nhiều sự ngược đãi hơn nữa trong tù vì đức tin của mình

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/16/456824.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/19/207391.html

Đăng ngày 07-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share