Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 03-08-2023] Báo cáo tổng hợp thông tin tháng 7 năm 2023 cho thấy, 15 học viên Pháp Luân Công đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại đến chết.

Có 10 trường hợp tử vong trước năm 2023, trong đó có một học viên tử vong vào năm 2013; 1 người vào năm 2014; một người vào năm 2018; 2 người vào năm 2019; 2 người vào năm 2020 và ba người vào năm 2022. Do chế độ kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản, số nạn nhân thiệt mạng thực sự trong cuộc bức hại, bao gồm cả những nạn nhân bị giết do bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng, dự kiến còn cao hơn nhiều.

Trong số 15 học viên bị bức hại đến chết, có 9 phụ nữ đến từ 10 tỉnh. Có 3 người đến từ Hắc Long Giang; 2 người ở Hà Bắc, 2 người ở Cát Lâm và 2 người ở Liêu Ninh. Tại 6 tỉnh Cam Túc, Quảng Đông, Hồ Bắc, Nội Mông, Sơn Đông và Vân Nam – mỗi tỉnh đều có một nạn nhân. Độ tuổi của 12 học viên dao động từ 44 đến 77, trong đó có hai người ở độ tuổi 40, ba người ở độ tuổi 50, ba người ở độ tuổi cuối 60 và bốn người ở độ tuổi 70.

Các học viên cũng đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm bác sĩ trưởng khoa, chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ, trưởng văn phòng chính quyền địa phương và công nhân từ các nhà máy nồi hơi, công ty thép, nhà máy bột giấy và nhà máy thuốc lá.

Đáng lưu ý, có 2 học viên, gồm một nam học viên 51 tuổi và một nữ học viên 65 tuổi, đã chết ngay sau khi mãn hạn tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Một số người không chịu nổi áp lực tinh thần lâu dài và sự tra tấn trong khi bị giam giữ, và một số người khác đã qua đời sau khi rời khỏi nhà để trốn tránh cảnh sát.

Dưới đây là những một số trường hợp tử vong tiêu biểu. Có thể tải xuống danh sách đầy đủ 15 học viên đã qua đời tại đây (PDF).

Các trường hợp tử vong sau khi thi hành án tù

Trường hợp thứ nhất: Nam học viên 51 tuổi qua đời chỉ 4 tháng sau khi thụ án tù 4,5 năm

Ông Triệu Trường Phúc, 51 tuổi, cư dân tại thành phố Lăng Nguyên, tỉnh Liêu Ninh, qua đời vào ngày 18 tháng 7 năm 2023, bốn tháng sau khi ông mãn hạn tù 4,5 năm chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Ông Triệu bị bắt giữ vào ngày 22 tháng 8 năm 2018. Viện kiểm sát thành phố Lăng Nguyên đã hai lần trả lại hồ sơ của ông cho cảnh sát với lý do không đủ bằng chứng. Tuy nhiên, cảnh sát đã ngụy tạo thêm bằng chứng và thuyết phục Viện kiểm sát truy tố ông Triệu vào ngày 9 tháng 5 năm 2019. Tòa án thành phố Lăng Nguyên đã tiến hành xét xử vụ án vào ngày 5 tháng 6 năm 2019 mà không hề thông báo cho gia đình ông Triệu, chỉ sau đó vài tuần kết án ông 4,5 năm tù và phạt 2.000 nhân dân tệ tiền mặt. Đơn kháng cáo của ông Triệu nhanh chóng bị Tòa án Trung cấp thành phố Triều Dương bác bỏ.

Ông Triệu bị tra tấn dã man kể từ ngày bị bắt, khiến sức khỏe của ông nhanh chóng suy giảm. Trong suốt thời gian bị giam giữ, ông phải nhập viện nhiều lần. Tuy nhiên, chính quyền chưa bao giờ chấp thuận yêu cầu của gia đình ông Triệu để cho ông được tạm tha vì lý do y tế.

Tình trạng của ông Triệu trở nên tồi tệ hơn vào cuối năm 2021 khi ông bị giam giữ tại Nhà tù Khang Gia Sơn. Ông bị mù một bên mắt và mắt còn lại bị mờ. Ông Triệu chỉ có thể nhìn thấy mọi thứ trong phạm vi khoảng 1m bằng một mắt. Hai chân ông sưng tấy nghiêm trọng, bắp chân còn rỉ dịch mủ. Có hai bệnh viện tốt hơn ở Thẩm Dương có thể điều trị tình trạng của ông Triệu, nhưng chính quyền chỉ cho phép ông đến Bệnh viện số 4 thành phố Thẩm Dương, vốn đã bị quá tải. Trong khi ông Triệu chờ giường bệnh để nhập viện, tình trạng mắt của ông thậm chí càng tồi tệ hơn. Cuối cùng ông được phép phẫu thuật mắt tại Bệnh viện Mắt tư nhân tại Thẩm Dương nhưng phải tự trả toàn bộ chi phí.

Sau khi có giường bệnh tại Bệnh viện số 4 thành phố Thẩm Dương vào khoảng tháng 4 năm 2021, ông Triệu đã được nhập viện, nhưng ngay khi ông có dấu hiệu hồi phục, chính quyền lại chuyển ông đến Bệnh viện Nhà tù Tân Khang, và tại đây liên lạc giữa ông với gia đình hoàn toàn bị cắt đứt.

Bất cứ nơi nào ông bị đưa đến, dù là các trại giam hay bệnh viện khác nhau, ông Triệu đều bị ép tiêm hoặc phải uống thuốc viên, chúng có tác dụng phụ nghiêm trọng và gây tổn thương cho cơ thể ông. Có lần, một tù nhân nhìn thấy một y tá đưa cho ông Triệu một lượng lớn thuốc. Tù nhân này đã xem chúng sau khi y tá rời đi. Anh ta khuyên ông Triệu không nên uống loại thuốc đặc biệt nào đó, bởi anh ta đã nhìn thấy nó trước đây và biết nó sẽ gây hại cho sức khỏe ông Triệu. Tù nhân này từng là một công tố viên và có hiểu biết nhất định về việc chính quyền sử dụng ma túy để hãm hại và bức hại người dân.

Sau khi ông Triệu được trả tự do vào ngày 21 tháng 2 năm 2023, sức khỏe của ông không thể hồi phục trở lại. Ông còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi vợ mình, cũng là một học viên Pháp Luân Công, sẽ bị bắt giữ lần nữa. Ông Triệu và vợ đều bị bắt vào ngày 22 tháng 8 năm 2018 nhưng vợ ông được trả tự do sớm hơn, vào ngày 30 tháng 1 năm 2019. Trước đó, bà từng đã bị bắt nhiều lần chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Nỗi đau đớn về thể xác của bản thân và sự lo lắng về sức khỏe của vợ ảnh hưởng lớn đến ông Triệu, khiến ông qua đời vào ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Trước khi bị tuyên án gần đây nhất, ông Triệu cũng đã thụ án hai lần tại trại lao động, vào năm 2000 và 2010, với tổng thời gian lên đến 4,5 năm.

Trường hợp thứ hai: Nữ học viên 65 tuổi sau 4 năm giam cầm đã bị liệt, và qua đời sau đó 16 tháng

Bà Hoàng Thu Trân, 65 tuổi, cư dân thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc, qua đời vào ngày 12 tháng 7 năm 2023, 16 tháng sau khi mãn hạn 4 năm tù vì đức tin của mình.

Bà Hoàng Thu Trân đã nghỉ hưu tại Nhà máy Thuốc lá Thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996. Ngay sau khi tu luyện, tất cả bệnh của bà gồm cao huyết áp, đau dây thần kinh tọa, viêm gan B và đau dạ dày đều biến mất. Sống chiểu theo tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công, bà đã cải biến tâm tính của mình và được cộng đồng dân cư nơi bà sinh sống nhìn nhận là một người tốt.

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, bà Hoàng đã bị bắt giữ, giam giữ và cưỡng bức tham gia các phiên tẩy não nhiều lần vì kiên định đức tin.

Vụ bắt giữ gần đây nhất của bà xảy ra vào chiều ngày 4 tháng 4 năm 2018, trong khi bà đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công tại siêu thị Walmart ở quận Ôn Tuyền. Tại đồn công an, bà Hoàng nhiều lần giảng chân tướng Pháp Luân Công cho cảnh sát đã trốn thoát khỏi đó. Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau bà lại bị bắt giữ tại nhà và bị đưa đến Nhà tù Quận Hàm An. Tháng 8 năm 2019, Tòa án Quận Hàm An kết án bà 4 năm tù. Sau khi đơn kháng cáo của bà bị từ chối, bà đã bị chuyển đến Nhà tù nữ tỉnh Hồ Bắc vào ngày 23 tháng 10 năm 2019.

Khi con trai bà Hoàng đến nhà tù đón bà vào tháng 3 năm 2022 sau khi mãn hạn, anh ấy rất sốc khi thấy mẹ bị liệt, bởi bà Hoàng hoàn toàn khỏe mạnh trước khi vào tù.

Do không thể tự chăm sóc cho mẹ, người con trai duy nhất của bà Hoàng đã đưa bà vào viện dưỡng lão. Bất chấp tình trạng của bà, cảnh sát vẫn đến đó để sách nhiễu bà. Bà Hoàng qua đời vào ngày 12 tháng 7 năm 2023.

Trường hợp thứ ba: Sau 4 năm kể từ khi kết thúc bản án tù gần 7 năm vì đức tin vào Pháp Luân Công, nữ học viên 46 tuổi qua đời

Bà Bành Học Bình, 46 tuổi, cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, qua đời vào ngày 11 tháng 7 năm 2023, khoảng 4 năm sau khi bà thụ án bản án tù gần 7 năm.

46b30ff0017b57e75caad74202a23e4a.jpg
Bà Bành Học Bình

Bà Bành bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2003 và nhanh chóng có thai sau nhiều năm chạy chữa chứng vô sinh. Bà cũng học cách trở thành người tốt theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Bà từng bày tỏ rằng bản thân cảm thấy thật may mắn khi tìm thấy Pháp Luân Công trong một xã hội hỗn loạn mà đạo đức xuống dốc nhanh chóng. Bà đã nỗ lực nói với mọi người về chân tướng cuộc bức hại và sự tốt đẹp của Pháp Luân Công.

Bà Bành bị bắt vào ngày 20 tháng 12 năm 2012, sau đó bị kết án 8 năm tại Nhà tù nữ số hai tỉnh Vân Nam. Tại đây bà bị tra tấn dã man và bị ép lao động khổ sai không lương.

Bà Bành được trả tự do trước thời hạn vào tháng 8 năm 2019. Sau khi trở về nhà, bà liên tục bị chính quyền sách nhiễu và đe dọa. Áp lực gia tăng đã ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bà lâm trọng bệnh và qua đời sau đó 4 năm.

Các trường hợp tử vong do bị bức hại trong thời gian dài

Trường hợp thứ nhất: Bị buộc phải tha hương để tránh bức hại, cụ bà 77 tuổi qua đời tại nơi di trú

Bà Triệu Tú Hoa, cư dân thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, đã qua đời vào ngày 26 tháng 1 năm 2023, sau khi phải rời khỏi nhà đi tha hương để tránh bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 77 tuổi.

Bà Triệu bị bắt vào ngày 23 tháng 5 năm 2022, ba ngày sau khi bị báo cáo về việc phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Thông qua cảnh quay camera giám sát, cảnh sát đã xác nhận danh tính và địa chỉ của bà Triệu. Do bà xuất hiện một số triệu chứng bất thường về sức khỏe tại đồn cảnh sát, nhân viên cảnh sát đã thả bà vào buổi tối và cho bà tại ngoại vào ngày hôm sau.

Sau khi bị Viện kiểm sát Quận Kiều Đông truy tố vào cuối tháng 7 năm 2022, bà Triệu buộc phải sống tha hương để tránh bị kết án. Do áp lực tinh thần và sự khó khăn của cuộc sống xa xứ, bà đã qua đời chưa đầy sáu tháng sau đó.

Trước lần bắt giữ gần đây nhất, bà Triệu đã bị sách nhiễu suốt hai thập kỷ, sau khi bị đưa vào danh sách đen của cảnh sát sau vụ bắt giữ ngày 26 tháng 10 năm 2000 vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Bà đã bị cảnh sát đánh đập thậm tệ và bị nhổ gần hết tóc. Cảnh sát còn tống tiền gia đình bà 8.000 nhân dân tệ trước khi thả bà.

Trường hợp thứ hai: Công nhân nghỉ hưu qua đời ở tuổi 75 sau nhiều thập kỷ bị bức hại vì kiên định đức tin

Ngày 9 tháng 8 năm 2022, bà Thái Quế Cần, một cụ bà 75 tuổi ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời sau nhiều năm bị bức hại.

87a1caada6270b293835287851f2663e.jpg
Bà Thái Quế Cần

Bà Thái là nhân viên nghỉ hưu của Nhà máy Nhựa Số 1 thành phố Giai Mộc Tư. Bà từng có tiền sử bệnh ung thư dạ dày, bộ dạng tiều tụy và lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, bệnh dạ dày của bà đã biến mất và bà có thể ăn uống bình thường trở lại sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Bà cũng trở thành một người tốt hơn nhờ tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động một chiến dịch bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999, bà Thái đã trở thành mục tiêu vì kiên định đức tin. Cảnh sát của Đồn Công an Giai Đông đã lục soát nhà bà nhiều lần. Vì quá sợ hãi, gia đình bà đã che cửa sổ bằng chăn và tránh bật đèn sau khi trời tối vì sợ thu hút sự chú ý của cảnh sát. Họ cũng không dám mở cửa mỗi khi nghe thấy tiếng gõ cửa.

Ngày 18 tháng 1 năm 2008, bà Thái và một số học viên khác đã đi tới thị trấn Tùng Giang ở thành phố Giai Mộc Tư để phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Họ bị tố giác và cảnh sát của Đồn Công an Tùng Giang nhanh chóng đến bắt họ. Bà Thái bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức, nhưng gia đình bà đã tận dụng các mối quan hệ để giúp bà được thả sau 18 ngày bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Tây Cách Mộc.

Ngày 19 tháng 7 năm 2008, bà Thái và 5 học viên khác (trong đó có 2 em gái của bà) đã bị bắt tại Nông trường Giang Xuyên (thành phố Giai Mộc Tư) sau khi bị tố giác vì treo biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Cả sáu người đều bị kết án tù vào ngày 4 tháng 12 năm 2008. Bà Thái bị kết án bốn năm và thụ án tại Nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang. Chính tại nhà tù này, hai em gái của bà cũng bị giam giữ và tra tấn dã man.

Trường hợp thứ ba: Một người phụ nữ ở tỉnh Hắc Long Giang bị tra tấn đến liệt người trong trại lao động, qua đời 16 năm sau

4c41b8f142851a5863f3c12ca5cc4489.jpg
Bà Cao Ngọc Kiệt

Bà Cao Ngọc Kiệt, một cư dân của thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã bị tra tấn đến mức bị liệt người trong khi bị giam giữ tại một trại lao động vì tín ngưỡng của mình vào Pháp Luân Công. Bà Cao Ngọc Kiệt không bao giờ hồi phục sau khi được trả tự do. Cảnh sát địa phương thỉnh thoảng vẫn sách nhiễu bà tại nhà, cố ép bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã qua đời vào ngày 6 tháng 3 năm 2018, ở tuổi 67.

Bà Cao đã từng là một công nhân bốc vác tại Nhà máy nồi hơi Giai Mộc Tư. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà bị bệnh thấp tim nghiêm trọng, chóng mặt, các vấn đề về dạ dày, trĩ, sa trực tràng và nhiều bệnh khác. Tất cả các triệu chứng của bà đã biến mất chỉ vài tháng sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Bà nói rằng bà không còn cảm thấy mệt mỏi khi khuân vác các vật nặng tại nơi làm việc. Cuối cùng bà đã có thể tận hưởng một cuộc sống không bệnh tật.

Bà Cao đã bị bắt vào ngày 27 tháng 7 năm 2000 vì đọc các cuốn sách Pháp Luân Công với các học viên địa phương khác. Bà bị giam tại Trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư trong 1 tháng và bị tống tiền 1.700 tệ.

Trong khi đi thăm một người bạn vào ngày 31 tháng 7 năm 2001, bà Cao đã bị cảnh sát theo dõi và bắt giữ tại nhà của bạn bà. Bà bị đưa đến trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư, nơi bà bị buộc phải ngủ trên nền xi măng lạnh. Kết quả là bệnh thấp tim của bà đã tái phát và bà đi lại khó khăn.

Mười bảy ngày sau, bà Cao bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức và bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Giai Mộc Tư. Cảnh sát còng tay và cùm chân bà trên đường đi đến đó bất chấp tình trạng của bà.

Các lính canh tại trại lao động đã bắt bà Cao làm việc không lương, bao gồm dán các hộp giấy và phân loại hạt đậu nành. Họ cũng giới hạn số lần và thời gian bà có thể sử dụng phòng vệ sinh.

Một hôm, bà rất khó cử động chân, nhưng 3 lính canh vẫn kéo bà đi lại. Bà đã trở nên tàn tật sau đó. Các lính canh vẫn kéo bà từ phòng giam đến xưởng để lao động cưỡng bức hàng ngày. Họ cũng ra lệnh cho bà viết bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối, và các lính canh đã trừng phạt bà bằng cách hạn chế bà uống nước và sử dụng phòng vệ sinh.

Bà Cao vẫn bị liệt sau khi được trả tự do. Mặc dù vậy, cảnh sát vẫn thường xuyên sách nhiễu bà tại nhà, cố gắng bắt bà từ bỏ Pháp Luân Công. Tình trạng của bà trở nên tồi tệ hơn và bà đã qua đời vào ngày 6 tháng 3 năm 2018.

Trường hợp thứ tư: Cựu công nhân nhà máy hóa dầu bị đột quỵ do áp lực tinh thần từ cuộc bức hại, đã qua đời một năm sau đó

Sức khỏe của ông Trương Thế Minh – một cựu công nhân Nhà máy Hóa dầu ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang – ngày càng xấu đi sau khi phải chịu đựng tra tấn một năm tại trại lao động cưỡng bức. Ông bị đột quỵ vào năm 2018 và qua đời một năm sau đó. Khi ấy ông 57 tuổi.

Ông Trương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2005. Những cơn đau đầu dữ dội hành hạ ông trong suốt 6 năm đã nhanh chóng biến mất. Khi biết ông tu luyện Pháp Luân Công, vào tháng 10 năm 2006, cảnh sát đã đã trèo qua hàng rào nhà hàng xóm để đột nhập vào nhà ông và bắt giữ ông. Sau một đêm ở đồn cảnh sát, ông bị đưa đến trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư.

Hai tuần sau, cảnh sát thẩm vấn và hỏi ông còn muốn tu luyện Pháp Luân Công nữa không. Do ông kiên định với đức tin của mình, cảnh sát đã giam giữ ông một năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Tuy Hóa mà không thông báo cho gia đình ông. Phải đến 6 tháng sau gia đình ông Trương mới biết ông bị đưa đến trại lao động.

Lính canh Kim Khánh Phú yêu cầu cho ông Trương từ bỏ Pháp Luân Công. Khi ông từ chối tuân theo, ông Kim đã tát vào mặt ông Trương và còng hai tay sang hai bên treo người ông lên cao (các ngón chân gần như không chạm đất). Ông Trương vô cùng đau đớn và toát mồ hôi đầm đìa. Bị lính canh xúi giục, các tù nhân cũng liên tục đánh đập và lăng mạ ông, bắt ông ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ mà không được di chuyển.

8f015a3dc06f30138a44f5a95eb3a739.jpg
Minh họa phương thức tra tấn: bị treo lên bằng cổ tay

Ngoài bị tra tấn thể xác, ông Trương còn bị ép phải lao động không công hơn 10 giờ đồng hồ mỗi ngày, gồm có dệt chiếu, làm tăm và may quần áo. Đôi khi ông phải tiếp tục lao động trong phòng giam vào ban đêm để hoàn thành chỉ tiêu hàng ngày.

Trường hợp thứ năm: Người phụ nữ Sơn Đông qua đời sau hai thập kỷ tha hương

Bà Lý Quế Mỹ, cựu nhân viên Tập đoàn thép Lai Vu, thuộc thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông, đã qua đời vào mùa thu năm 2020, sau hơn hai thập kỷ sống tha hương. Khi đó bà 71 tuổi.

Tháng 5 năm 2000, bà Lý cùng với 40 học viên khác đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền cho tu luyện Pháp Luân Công, nhưng đã bị bắt và bị đưa trở lại thành phố Lai Tây. Cảnh sát liên tục dùng giày đánh vào mặt bà, khiến mặt bà sưng tấy và bầm tím nghiêm trọng. Cảnh sát còn dùng một thanh gỗ để đánh vào chân và mông bà.

Khương Khai Văn, cựu Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Công ty thép Lai Vu, đã đích thân tổ chức một khóa tẩy não, bắt đầu từ ngày 6 tháng 7 năm 2000. Chín học viên làm việc trong công ty, gồm có bà Lý đã bị đưa đến đó và bị bức thực, ép uống thuốc nhằm buộc họ từ bỏ Pháp Luân Công. Các học viên đã tuyệt thực để phản đối và được thả sau 35 ngày. Vào thời điểm đó, công ty thép này cũng sa thải bà Lý.

Do liên tục bị sách nhiễu và đe dọa, bà Lý buộc phải sống tha hương. Để trả đũa, cảnh sát thường xuyên sách nhiễu người thân của bà và lục soát nhà họ. Sống trong nỗi sợ hãi thường trực và vật lộn với đói nghèo, bà Lý đã phải chịu đựng những thống khổ không thể tưởng tượng được sau khi đi tha hương. Bà qua đời khi 71 tuổi.

Báo cáo liên quan:

120 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong nửa đầu năm 2023

20 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 5 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 4 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do bị bức hại, theo báo cáo xác nhận vào tháng 3 năm 2023

Báo cáo tháng 2 năm 2023: 19 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại

15 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 1 năm 2023

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/3/463708.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/6/210663.html

Đăng ngày 09-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share