Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 04-11-2023] Tháng 10 năm 2023 ghi nhận báo cáo về 8 học viên Pháp Luân Công đã qua đời bởi cuộc bức hại vì kiên định đức tin của mình, nâng tổng số trường hợp học viên tử vong được báo cáo tính đến thời điểm hiện tại lên 174.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện dựa trên tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn”. Pháp môn này đã được giới thiệu ra công chúng từ năm 1992, và trong vài năm tiếp theo, hàng triệu người dân Trung Quốc đã đón nhận những Pháp lý uyên thâm và lợi ích sức khỏe của môn tu luyện này. Thế nhưng, chính quyền cộng sản Trung Quốc vì lo sợ sự phổ biến của pháp môn tu luyện này mà đã phát động một chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999 và cuộc bức hại vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Trong số 8 trường hợp tử vong mới được báo cáo, 1 trường hợp xảy ra vào tháng 2 năm 2022, 7 trường hợp còn lại xảy ra từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2023; trong đó 2 trường hợp vào tháng 3, 3 trường hợp vào tháng 8, 1 trường hợp vào tháng 9 và 1 trường hợp vào tháng 10. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản Trung Quốc, các trường hợp học viên bị tử vong không thể luôn được báo cáo kịp thời hoặc có sẵn thông tin và con số tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều.

Tỉnh Cát Lâm ghi nhận 3 trường hợp tử vong; 5 tỉnh còn lại gồm An Huy, Hà Nam, Hắc Long Giang, Hồ Nam và Sơn Đông, mỗi nơi ghi nhận 1 trường hợp.

Trong số 8 học viên đã qua đời gồm có 3 nữ và 5 nam. Người trẻ nhất là 53 tuổi, những người còn lại ngoài 70 và cao nhất là 77 tuổi.

Hầu hết các học viên đều bị tra tấn và giam giữ trong thời gian dài trước khi qua đời. Đặc biệt, một người phụ nữ 53 tuổi vốn đang khỏe mạnh và làm việc trong một siêu thị qua đời vì đột quỵ sau những vụ bắt giữ và sách nhiễu triền miên; Một người phụ nữ 75 tuổi bị đánh đập và bức thực bằng những loại thuốc đáng ngờ trong một bệnh viện tâm thần trong 8 tháng. Bà qua đời 5 tháng sau khi được trả tự do. Một người đàn ông 70 tuổi tử vong trong tù sau chưa đầy 1 năm bị chuyển tới đó.

2 người đàn ông ngoài 70 tuổi đã bị mất lương hưu sau nhiều năm bị giam giữ ở trong tù và có cuộc sống vô cùng khó khăn trước khi họ qua đời. Con gái của một học viên bị giam giữ vì ủng hộ việc tu luyện của cha mình. Sau khi người học viên này qua đời, chính quyền từ chối quyền xuất ngoại của con gái ông vô thời hạn.

Dưới đây là 8 trường hợp tử vong được báo cáo vào tháng 10 năm 2023. Danh sách các học viên có thể tải xuống tại đây (bản tiếng Anh).

Tin muộn: người cha qua đời sau nhiều đợt sách nhiễu, con gái bị theo dõi và hủy hộ chiếu

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, ông Thái Khai Khôi ở huyện Thông Hứa, tỉnh Hà Nam là một người tính tình nóng nảy và thường la mắng con cái. Mỗi ngày ông hút gần bốn gói thuốc lá, đến mức các ngón tay của ông ngả vàng và quần áo của ông thường có lỗ thủng do thuốc lá đốt cháy. Trước tuổi 50, ông mắc rất nhiều bệnh tật và khó có thể trở mình khi nằm trên giường.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998, ông đã dễ dàng bỏ thuốc lá và sửa đổi tính nóng nảy của mình. Ông không còn tranh cãi với người nhà nữa và ông còn kết bạn với hàng xóm của mình.

Vì ông Thái không từ bỏ Pháp Luân Công, cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông vào ngày 22 tháng 4 năm 2020 mà không trình xuất giấy tờ tùy thân hoặc lệnh khám xét. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, một máy nghe nhạc và một điện thoại di động của ông. Ông bị thẩm vấn tại trụ sở Công an huyện Thông Hứa và được thả ra trong ngày sau khi một người họ hàng của ông nộp tiền bảo lãnh cho ông.

Kể từ đó, các viên chức địa phương và cảnh sát liên tiếp sách nhiễu ông và cố gắng cưỡng chế ông in dấu vân tay lên những giấy tờ mà ông không rõ nội dung. Họ còn muốn thu thập thông tin và nơi ở của con gái ông, cô Thái Tiêu Linh, cũng tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 30 tháng 6 năm 2021, có người tới gõ cửa nhà cô Thái và nói phòng tắm của cô ấy đang rỉ nước xuống tầng dưới. Khi cô ra mở cửa, đội trưởng Lý Thụy thuộc Đội An ninh Nội địa quận Thuận Hà cùng với 20 cảnh sát mặc thường phục đã xông vào trong nhà. Họ lục soát căn nhà trông suốt 3 tiếng đồng hồ và tịch thu nhiều tài sản của cô. Họ không đưa cho cô biên bản tịch thu tang vật theo quy định của pháp luật.

Cô Thái đã bị đưa đến Công an quận Thuận Hà và bị tạm giữ hành chính 13 ngày vì cáo buộc “tổ chức, xúi giục, ép buộc và lôi kéo người khác tham gia vào các hoạt động của tổ chức tà giáo” dựa trên Điều 27 của Luật Quản lý An ninh Công cộng Trung Quốc.

Bởi sự sách nhiễu của cảnh sát địa phương đã sách nhiễu chủ nhà mà cô Thái thuê trọ đã từ chối tiếp tục cho cô thuê căn hộ khi cô được thả vào tháng 8 năm 2021, khiến cô buộc phải chuyển chỗ ở. Trong khi đó, chính quyền đã giám sát cô, cùng các hoạt động trên mạng Internet và nghe lén điện thoại của cô. Tháng 10 năm đó, cô tìm được công việc thu ngân trong một khách sạn. Ngay khi cô vừa vào làm được một ngày, cảnh sát đã sách nhiễu chủ khách sạn khiến cô bị sa thải. Đến tháng 11, cảnh sát cố gắng bắt giữ cô và người cha đang nằm liệt giường của cô. Khi cô tìm được một công việc khác vào tháng 12, có người đã đến nơi làm việc của cô để sách nhiễu cô vào ngày đầu tiên đi làm. Không muốn công ty bị ảnh hướng, cô đã xin nghỉ việc. Mặc dù cha của cô phải nhập viện, các nhân viên chính quyền vẫn tiếp tục theo dõi và sách nhiễu cô.

Sự sách nhiễu triền miên này đã giáng một đòn nặng lên sức khỏe của ông Thái. Ông đã không thể gắng gượng và qua đời vào ngày 15 tháng 2 năm 2022.

Ngày 5 tháng 1 năm 2023, cô Thái đã đến phòng quản lý xuất nhập cảnh ở huyện Thông Hứa để làm hộ chiếu. Cô được biết Công an quận Thuận Hà đã cấm cô đi ra nước ngoài cho đến ngày 25 tháng 1. Khi cô cố gắng lấy hộ chiếu của mình vào ngày 29 tháng 1 tại một văn phòng địa phương, cô được cho biết rằng cô vẫn phải tham vấn phòng quản lý xuất nhập cảnh. Ngày 2 tháng 2, phòng quản lý xuất nhập cảnh nói với cô rằng cô đã bị cấm xuất ngoại cho đến ngày 1 tháng 8 năm 2023 mà không nêu rõ nguyên nhân. Đến ngày 2 tháng 8, lệnh cấm này bị sửa thành kéo dài vô thời hạn.

Đầu tháng 9 năm 2023, cô Thái đã đệ đơn khiếu nại lên chính quyền thành phố Khai Phong. Giữa tháng 9, khi cô kiểm tra lại với phòng quản lý xuất nhập cảnh thì được cho biết nguyên nhân cô bị cấm xuất ngoại là dựa trên Điều 12(2) của Luật Quản lý Xuất Nhập cảnh Trung Quốc. Điều luật quy định rằng công dân Trung Quốc không được phép rời khỏi Trung Quốc nếu đã bị kết án phạt hình sự và chưa kết thúc thụ án, hoặc là đối tượng tình nghi hay bị cáo trong những vụ án hình sự.

Tin muộn: Một người phụ nữ 75 tuổi ở An Huy đã qua đời sau vài tháng được thả khỏi khoa tâm thần của bệnh viện sau khi bị cưỡng chế nhốt 8 tháng ở trong khoa tâm thần

Bà Hồ Hoành Mỹ (75 tuổi) ở huyện Kim Trại, tỉnh An Huy đã qua đời vào ngày 26 tháng 3 năm 2023, chỉ vài tháng ra viện sau 8 tháng bị cưỡng chế nhập viện tại khoa tâm thần.

Bà Hồ không mắc bất kỳ chứng rối loạn tâm thần nào và bị chính quyền nhắm mục tiêu chỉ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Thông thường, chính quyền sẽ nhốt các học viên khỏe mạnh vào bệnh viện tâm thần và cưỡng chế họ dùng thuốc và tra tấn thể xác họ.

Vụ cưỡng chế bà Hồ vào bệnh viện tâm thần xảy ra vào ngày 25 tháng 2 năm 2022, khi Đồn Công an xã Du Điếm và Chính quyền xã Du Điếm đến nhà bắt giữ bà và đưa bà thẳng đến Khoa Tâm thần của Bệnh viện Bạch Vân.

Họ đưa bà vào một khu cùng với tám người khác, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền. Sự quản lý trong bệnh viện này không khác gì cách thức vận hành một nhà tù. Hàng ngày, bà Hồ không được cung cấp đủ thức ăn và bị cưỡng chế uống ba viên thuốc đáng ngờ 3 lần/ngày. Khi bà từ chối uống thuốc, y tá đã túm cổ và tát vào mặt bà.

Đôi khi, năm y tá đã giữ chặt bà Hồ và ép bà uống thuốc. Kết quả là, xương sườn của bà gần như bị gãy. Y tá còn bức thực bà, trách mắng bà ăn quá chậm. Đôi khi họ còn thổi khí vào trong dạ dày của bà qua ống truyền thức ăn để khiến bà thêm đau đớn. Trong khi những người bị giam giữ khác có thể đi ra ngoài để nghỉ ngơi thì bà Hồ không bao giờ được phép rời khỏi phòng. Lính canh có thể đá và trói bà một cách tùy tiện. Họ còn lấy mẫu máu của bà hàng tháng.

Sau hơn tám tháng bị giam giữ, cảnh sát đã quay video và chụp ảnh bà Hồ. Họ còn ra lệnh cho bà ký tên vào một bản tuyên bố cam kết sẽ không bao giờ tu luyện Pháp Luân Công nữa. Vì bà chưa kết hôn nên anh trai bà được yêu cầu đến bệnh viện đón bà vào tháng 10 năm 2022 và đưa bà đến Viện Dưỡng lão xã Du Điếm, nơi bà chấp hành án giám sát tại nơi cư trú. Quay trở lại thời điểm tháng 10 năm 2021, bà cũng từng bị đưa vào trong viện dưỡng lão này để chấp hành án giám sát tại nơi cư trú sau khi bị bắt giữ.

Viện trưởng của Viện Dưỡng lão Vương Long Phi (+86-13865721389) và nhân viên của ông ta liên tục gây áp lực ép bà Hồ phải từ bỏ Pháp Luân Công sau khi bà nhập viện vào tháng 10 năm 2022. Trong khi vẫn đang phải chịu đựng những biến chứng của việc dùng thuốc không tự nguyện tại bệnh viện, bà còn phải chật vật đương đầu với áp lực không ngừng và đã từ trần vào ngày 26 tháng 3 năm 2023.

Bà Hồ từng nói cả rằng cuộc đời bà thật khốn khổ. Khi còn trẻ, một bác sỹ quân y đã thực hiện phẫu thuật dạ dày cho bà, mặc dù bà hoàn toàn khỏe mạnh. Bà đã cố gắng khiếu nại lên chính quyền trung ương, nhưng không đủ tiền mua vé tàu đến Bắc Kinh. Bà đã quá giang trên một chuyến tàu chở hàng và phải chịu đựng những khó khăn không thể tưởng tượng được trên hành trình đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, bà đã không nhận được sự công bằng mà bà xứng đáng được hưởng. Nhiều thập kỷ sau, bà qua đời do cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Người đàn ông Cát Lâm ngoài 70 tuổi bị đình chỉ lương hưu hơn 1 năm quaÔng Kim Đức Tuấn ở thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, đã bị đình chỉ lương hưu vào tháng 7 năm 2020 và phải chật vật mưu sinh. Ông qua đời ở tuổi 74 vào mùa xuân năm 2023, sau một thời gian sống trong cảnh nghèo đói và bệnh tật.

Ông Kim sinh vào ngày 17 tháng 5 năm 1949. Ông bị kết án 9 năm tù vào năm 2000 vì không từ bỏ đức tin của mình. Trong chín năm đó, ông đã bị giam giữ và tra tấn tàn bạo trong nhiều nhà tù ở các thành phố thuộc Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm và Công Chủ Lĩnh. Vì không chịu nổi áp lực của cuộc bức hại, vợ ông đã ly hôn ông khi ông đang bị giam giữ trong tù. Khi được ra tù, ông trở thành người vô gia cư và khánh kiệt.

Cục An sinh Xã hội thành phố Diên Cát đã đình chỉ lương hưu của ông Kim vào tháng 7 năm 2020. Vào thời điểm đó, ông đã 71 tuổi và thậm chí không thể chi trả nổi tiền thuê nhà ở mức thấp nhất, huống hồ là chi phí sinh hoạt hàng ngày. Ông đã qua đời ba năm sau đó trong tình cảnh không một xu dính túi và bệnh tật.

Một cư dân Hắc Long Giang qua đời sau khi liên tục bị cảnh sát sách nhiễu

Bà Thang Xuân Hoa (53 tuổi) ở thành phố Ninh An, tỉnh Hắc Long Giang qua đời vào tháng 8 năm 2023, sau nhiều năm bị bức hại vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Bà Thang Xuân Hoa tin rằng Pháp Luân Công đã phục hồi sức khỏe của bà và giúp bà được tận hưởng một cuộc sống vô bệnh. Bà vốn bị bệnh thận nặng từ khi còn trẻ và tình trạng của bà ngày càng xấu đi theo năm tháng. Dù bà phải dùng nhiều loại thuốc mỗi ngày để kiểm soát các triệu chứng bệnh, nhưng chúng không giúp ích gì.

Những đau khổ về thể xác cũng khiến bà trở nên cáu kỉnh và bồn chồn. Bà trở nên ghét giao tiếp xã hội và không bao giờ cười. Chồng và các con bà đều rón rén đi xung quanh bà vì sợ sẽ khiến bà nổi giận và họ cũng để bà làm mọi thứ bà muốn. Mặc dù vậy, bà vẫn cảm thấy vô vọng và tự hỏi liệu mình có bao giờ thấy tiếng cười trong nhà mình không. Cha mẹ bà đang sống cùng bà, cũng rất lo lắng cho sức khỏe của con gái họ và đi khắp nơi tìm cách chữa trị cho con gái.

Tình cờ vào năm 2010, mẹ bà Thang có được một cuốn sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) và bà đọc sách. Ban đầu, bà Thang không để tâm đến điều đó vì bà không tin Pháp Luân Công có thể phục hồi sức khỏe cho một người. Mẹ bà bắt đầu đọc cuốn sách và khỏi bệnh chỉ sau một tháng. Bà Thang đã rất ấn tượng trước sự hồi phục kỳ diệu của mẹ mình và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 15 tháng 7 năm 2010.

Ba tháng sau, bệnh thận của bà Thang biến mất mà không cần điều trị y tế. Lần đầu tiên sau hai thập kỷ, bà được trải nghiệm cảm giác không bệnh tật. Chồng và các con bà rất vui mừng và ngôi nhà của họ lại tràn ngập tiếng cười.

Bà Thang đã có thể tự chăm sóc bản thân, làm việc nhà và trông coi cửa hàng tiện lợi của gia đình.

Nhiều người dân địa phương thường lui tới cửa hàng tiện lợi của bà đã chứng kiến những thay đổi đáng kể của bà và nhận ra rằng Pháp Luân Công không giống như những gì được mô tả trong tuyên truyền thù hận của chế độ cộng sản. Bà Thang và mẹ bà cũng làm việc chăm chỉ để giúp mọi người nhìn thấu những lời dối trá của chế độ và đánh giá cao sự tốt đẹp của Pháp Luân Công.

Mẹ của bà Thang bị bắt vào năm 2022 chỉ bởi nói với người dân về Pháp Luân Công. Sau đó bà được thả ra, nhưng bà và con gái đã bị ĐCSTQ nhắm mục tiêu. Cảnh sát thường sách nhiễu họ tại nhà và thường xuyên triệu tập bà Thang đến đồn công để thẩm vấn nhằm khiến bà từ bỏ Pháp Luân Công.

Dưới áp lực ngày càng to lớn, bà Thang đã bị đột quỵ vào tháng 8 năm 2023 và qua đời không lâu sau đó.

Một người đàn ông Cát Lâm qua đời vì những vấn đề sức khỏe do tra tấn gây ra Ông Dương Tín ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt và giam giữ nhiều lần vì không từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bị giam giữ ở trong tù, ông đã bị tra tấn đến mức thổ huyết và gần mất thị lực hoàn toàn. Sự tra tấn mà ông phải chịu trong Trại tạm giam khiến ông bị đi ngoài ra máu. Ông bị mất lương hưu do cuộc bức hại. Chính quyền không ngừng sách nhiễu ông. Cuối cùng, ông qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm 2023.

Ông Dương và ông Chu Hải Sơn (cũng đã qua đời bởi cuộc bức hại) đi ra ngoài phân phát đĩa DVD thông tin Pháp Luân Công vào ngày 23 tháng 7 năm 2010 và bị bắt giữ. Tòa án thành phố Du Thụ đã kết án ông Dương 3 năm tù vào ngày 30 tháng 12 năm 2010.

Ở trong Nhà tù Thạch Lĩnh ở thành phố Tứ Bình, lính canh và tù nhân đã cố gắng ép ông Dương từ bỏ đức tin của mình. Họ sốc điện ông bằng dùi cui điện, đánh đập, cấm ngủ và bắt ông ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu hàng giờ. Hậu quả của cuộc tra tấn khiến ông gần như bị mất đi thị lực và tình trạng thể chất của ông ngày càng xấu đi. Khi ông cận kề cái chết, nhà tù đã thả ông ra để tránh phải chịu liên đới. Tuy nhiên, thay vì đưa ông về nhà, một đặc vụ từ Phòng 610 thành phố Du Thụ lại đưa ông đến một trung tâm tẩy não và tiếp tục tra tấn ông.

Sức khỏe thể chất và tinh thần của ông Dương vĩnh viễn không thể hồi phục sau khi được thả. Ông cảm thấy yếu ớt và không còn sức lực. Với việc suy giảm thị lực, ông không thể làm nông để tự nuôi sống bản thân và phải cho những nông dân khác mượn thửa đất nông nghiệp của mình.

Tháng 7 năm 2017, cảnh sát của Đồn Công an thị trấn Thành Phát bắt đầu sách nhiễu ông Dương, chỉ vài tháng trước Đại hội 19 của chính quyền cộng sản. Từ năm 2017 đến năm 2021, cảnh sát đã bắt giữ ông bốn lần, lục soát nhà và giam giữ ông tổng cộng 18 ngày.

Ngày 18 tháng 11 năm 2020, một quan chức thị trấn Thành Phát đã sách nhiễu ông Dương cùng vợ ông, bà Điền Phong Hoa, và ra lệnh cho họ ký cam kết ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Vị quan chức này nói rằng nếu họ ký vào bản cam kết, chính phủ sẽ không bao giờ sách nhiễu họ nữa và sẽ trả lại số tiền đã tịch thu từ họ. Vì hai vợ chồng không chịu ký nên lương hưu của ông Dương đã bị đình chỉ.

Do liên tục bị sách nhiễu, ông Dương sống trong sự căng thẳng và thống khổ tột độ. Ông mất ngày 10 tháng 8 năm 2023, ở tuổi 70.

Một kỹ sư cao cấp qua đời ở tuổi 77 do sức khỏe bị suy giảm sau khi bị tra tấn ở trong tù

Ông Du Vân Thanh ở thành phố Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông từng là kỹ sư cao cấp tại một bộ phận của Tập đoàn Phát triển và Công nghiệp Mỏ dầu Thắng Lợi. Ông đã bị bắt bốn lần và bị cầm tù hai lần với tổng cộng là 9,5 năm kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu.

Tháng 7 năm 2005, trưởng công an của Công an Mỏ dầu Thắng Lợi đã tát vào mặt ông nhiều lần nhằm ép ông từ bỏ đức tin của mình. Vụ bạo hành quá nghiêm trọng khiến ông Du rơi vào tình trạng nguy kịch và phải hồi sức.

Ngày 26 tháng 6 năm 2008, Quách Hồng Đường, phó đội trưởng của Đội An ninh Nội địa thành phố Thọ Quang, đã bắt giữ ông Du. Họ nhốt ông ở một nơi bí mật và trói ông trên một chiếc ghế sắt với tay và chân bị còng. Họ không cho ông ngủ trong suốt 7 ngày. Một cảnh sát đã sốc điện ông bằng dùi cui điện và đập vào đầu ông, đánh cho đến khi da ông tróc ra. Sau đó, ông Du bị kết án 6 năm tù và thụ án trong Nhà tù tỉnh Sơn Đông.

Ở trong Nhà tù tỉnh Sơn Đông, ông Du bị tra tấn dã man khiến huyết áp của ông tăng vọt ở mức nguy hiểm. Trong vòng 5 năm, ông đã được đưa đến bệnh viện để cấp cứu 12 lần. Sau đó, sức khỏe của ông tiếp tục suy kiệt và ông thường xuyên bị ngã. Có lần ông đã bất tỉnh và cận kề cái chết.

Ông Du lại bị bắt vào tháng 4 năm 2017 và bị kết án thêm 3,5 năm tù. Ông bị đưa vào Nhà tù tỉnh Sơn Đông vào ngày 14 tháng 12 năm 2017. Ông vẫn kiên định tu luyện Pháp Luân Công và lại bị tra tấn. Tháng 7 năm 2019, ông lên cơn đau tim và bác sỹ đã ra thông báo về tình trạng nguy kịch. Ông yêu cầu được tạm tha y tế khi nhập viện nhưng chức trách nhà tù đã bác bỏ yêu cầu của ông.

Khi ra tù vào tháng 6 năm 2021,ông rất yếu và phải đeo túi đựng nước tiểu. Sức khỏe của ông tiếp tục xấu đi khi ông hầu như không thể đứng vững. Ông cũng trở nên mất phương hướng. Ông qua đời ở tuổi 77 vào ngày 21 tháng 8 năm 2023.

Vợ của ông Du, bà Lý Tố Chân, cũng là một học viên Pháp Luân Công. Vụ bắt giữ ông Du vào tháng 4 năm 2017 đã khiến bà suy sụp và bà từ trần vào ngày 27 tháng 10 năm 2017, trong khi ông vẫn đang bị giam giữ.

Người đàn ông 70 tuổi qua đời trong thời gian thụ án oan sai vì kiên định đức tin, thân nhân nghi ngờ có uẩn khúc sau cái chết của ông

Một cư dân 70 tuổi ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm đã qua đời vào ngày 18 tháng 9 năm 2023, trong khi đang chấp hành bản án 4 năm tù oan sai vì lên tiếng cho đức tin của mình – Pháp Luân Công

Ông Mã Trường Thanh bị bắt vào khoảng ngày 10 tháng 8 năm 2022, sau khi cảnh sát thấy ông treo một tấm áp phích thông qua camera giám sát của Bệnh viện Trung y thành phố Du Thụ. Ngày hôm đó, cảnh sát đưa đến một trại tạm giam ở thành phố Trường Xuân lân cận. Con gái của ông, vốn đang mắc chứng động kinh và không thể tự chăm sóc bản thân, đã bị đưa đến một viện dưỡng lão. Năm 2023, ông bị Tòa án thành phố Đức Huệ, tỉnh Cát Lâm kết án phi pháp và bị chuyển đến Nhà tù thành phố Cát Lâm.

Ngày 18 tháng 9 năm 2023, nhà tù gọi điện cho chị dâu của ông Mã, thông báo họ đang đưa ông đến bệnh viện để phẫu thuật do ông bị thoát vị ruột non. Nhưng vài giờ sau, nhà tù đã gọi điện lại, cho biết ông Mã đã tử vong. Vì nhà tù từ chối cung cấp thông tin chi tiết về cái chết của ông Mã, chị dâu của ông nghi ngờ nhà tù đang cố gắng che giấu nguyên nhân thực sự phía sau cái chết của ông, vì chứng thoát vị thường không phải là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Bà băn khoăn rằng liệu có phải em trai bà đã bị tra tấn đến chết ở trong tù vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công hay không.

Ông Mã Trường Thanh là nhân viên nghỉ hưu của bộ phận bảo trì đường bộ thành phố Du Thụ. Tháng 10 năm 1981, trong khi bê vật nặng tại nơi làm việc, ông bị chấn thương cột sống. Kể từ đó ông phải đeo nẹp ở lưng để tránh bị liệt nửa người. Một cánh tay của ông không thể nhấc lên được. Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 5 năm 1996, ông không cần phải đeo nẹp ở lưng nữa, cánh tay của ông cũng vận động bình thường trở lại. Môn tu luyện này đã giúp ông khỏe mạnh, và có một gia đình hạnh phúc.

Trong suốt 24 năm kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Mã Trường Thanh bị bắt cóc và giam giữ phi pháp nhiều lần. Ông từng phải thụ án 2 năm tù vì trong nhà có các vật phẩm Pháp Luân Đại Pháp. Vợ ông, bà Mục Xuân Ba, tổ trưởng tổ dân phố và cũng là một học viên Pháp Luân Công, qua đời vào năm 2012 do bị bức hại. Từ nhỏ, con gái của họ bị động kinh, và tình trạng của cháu ngày càng tồi tệ hơn trong những năm qua do bị tổn thương khi thấy cha mẹ bị bức hại.

Ngày 15 tháng 11 năm 2010, cảnh sát của Đội An ninh Nội địa thuộc Sở Công an thành phố Du Thụ đột nhập vào nhà ông Mã. Họ không xưng danh tính hay xuất trình bất kỳ giấy tờ pháp lý nào, mà tiến hành lục soát căn nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp cùng 33.516 Nhân dân tệ tiền mặt.

Việc bức hại về tài chính giáng một đòn nặng vào bà Mục. Bà bị xuất huyết não và hôn mê vào tháng 12 năm 2010. Chi phí điều trị của bà lên tới 50.000 Nhân dân tệ. Do không đủ tiền nộp cho bệnh viện nên ông Mã phải đưa vợ về nhà.

Ở nhà, ông cho bà Mục ăn thức ăn lỏng qua một cái ống, và hút dịch đờm của bà qua một vết rạch trên cổ họng. Sau đó, bà bị lở loét nghiêm trọng ở lưng, mông và chân. Bà qua đời một cách đau khổ vào ngày 29 tháng 3 năm 2012.

Người phụ nữ Hồ Nam chết trong cảnh cô độc sau khi thường xuyên bị sảnh sát sách nhiễu

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu, bà Dương Chí Lan ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam đã bị bắt giữ nhiều lần. Ngày 2 tháng 9 năm 2005, bà bị kết án 2,5 năm tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại và bị tra tấn không ngừng nghỉ ở trong Nhà tù Nữ tỉnh Hồ Nam. Lính canh buộc bà phải đứng hoặc ngồi yên trong thời gian dài, vặn và còng tay bà ra sau lưng trong nhiều giờ và bức thực bà bằng những loại thuốc gây hủy hoại thần kinh (không rõ chủng loại).

Ngày 21 tháng 6 năm 2021, các quan chức địa phương từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật quận Thạch Cổ, Ủy ban Dân cư thôn 1 Tây Hồ và Công an quận Thạch Cổ đã lục soát chỗ ở của bà Dương, tịch thu 16.000 Nhân dân tệ tiền mặt và sổ ngân hàng của bà.

Sau đó, cảnh sát thường xuyên sách nhiễu và theo dõi bà khi bà ra ngoài. Họ cắm chốt gần nhà bà để theo dõi các học viên khác đến thăm bà. Họ thậm chí còn sách nhiễu con gái bà và ra lệnh cho cô ấy ký một cam kết hứa rằng mẹ cô sẽ không ra ngoài phát tài liệu Pháp Luân Công hay nói với người dân về cuộc bức hại.

Ngày 19 tháng 1 năm 2022, 6 cảnh sát từ Đồn Công an Thanh Sơn ở quận Thạch Cổ đã cố gắng đưa bà Dương đến bệnh viện để khám sức khỏe. Bởi bà từ chối mở cửa cho họ, nên họ cắt điện nước của bà và chầu chực bên ngoài nhà bà, ý định bắt bà ngay khi bà đi ra ngoài. Không rõ sự việc này kéo dài bao lâu.

Vì bị sách nhiễu không ngừng, bà Dương đã không thể sống một cuộc sống yên ổn. Ngày 6 tháng 10 năm 2023, một người dân trong tòa nhà chung cư của bà Dương ngửi thấy mùi khó chịu từ căn hộ của bà và gõ cửa nhiều lần nhưng không có ai trả lời. Con gái của bà được gọi đến để kiểm tra. Cô phát hiện mẹ mình đã qua đời vài ngày trước. Một người hàng xóm của bà nói họ không nhìn thấy ánh sáng hoặc nghe thấy tiếng động từ căn hộ của bà sau ngày 6 tháng 10 năm 2023 và suy đoán rằng bà ấy đã chết vào khoảng thời gian đó. Bà hưởng thọ 75 tuổi.

Bài liên quan:

10 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 9 năm 2023

21 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 8 năm 2023

120 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong nửa đầu năm 2023

20 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 5 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 4 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do bị bức hại, theo báo cáo xác nhận vào tháng 3 năm 2023

Báo cáo tháng 2 năm 2023: 19 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại

15 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 1 năm 2023

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/4/467752.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/27/213101.html

Đăng ngày 14-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share