Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 03-10-2023] Tháng 9 năm 2023 ghi nhận báo cáo về 10 học viên Pháp Luân Công đã qua đời bởi cuộc bức hại chỉ vì kiên định đức tin của mình, nâng tổng số trường hợp học viên tử vong được báo cáo tính đến thời điểm hiện tại lên 166.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện dựa trên tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn”. Pháp môn này đã đợc giới thiệu ra công chúng từ năm 1992 và trong vài năm tiếp theo, hàng triệu người dân Trung Quốc đã đón nhận những Pháp lý uyên thâm và lợi ích sức khỏe của môn tu luyện này. Thế nhưng, chính quyền cộng sản Trung Quốc lại lo sợ sự phổ biến của môn tu luyện này nên đã phát động một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999 và cuộc đàn áp vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Trong 10 trường hợp tử vong mới được báo cáo, năm 2019, 2020 và 2022 mỗi năm ghi nhận 1 trường hợp tử vong; 6 trường hợp xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2023 và 1 trường hợp xảy ra vào năm 2023 (chưa có thông tin về tháng). Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản Trung Quốc, các trường hợp học viên bị tử vong không thể luôn được báo cáo kịp thời hoặc có sẵn thông tin và con số tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều.

Tỉnh Hồ Bắc và Nội Mông Cổ mỗi tỉnh ghi nhận 2 trường hợp tử vong và 6 tỉnh còn lại bao gồm Cát Lâm, Quảng Đông, Giang Tô, Liêu Ninh, Thiểm Tây và Tứ Xuyên, mỗi tỉnh có 1 trường hợp.

Trong số 10 học viên đã chết bao gồm 8 phụ nữ. Người trẻ nhất 52 tuổi và cao tuổi nhất là 93 tuổi tại thời điểm qua đời. Ngoài ra còn có 2 học viên ở độ tuổi 60, 4 học viên ở độ tuổi 70 và 2 học viên ở độ tuổi 80.

Hầu hết các học viên đều bị tra tấn và giam giữ trong thời gian dài trước khi qua đời. Đặc biệt, có một ông cụ 83 tuổi liên tục bị sốc điện bằng dùi cui, xịt nước cay vào mắt và buộc phải dùng bữa xong trong vài giây; Một học viên khác đã bị tiêm những loại thuốc đáng ngờ trong khi bị giam cầm, khiến bà bị mất trí nhớ và thường xuyên gặp ác mộng; Một cụ bà 93 tuổi vẫn bị chính quyền sách nhiễu một ngày trước khi qua đời; Một người đàn ông mất vợ và hai người phụ nữ mất chồng vì cuộc bức hại trước khi họ qua đời.

Dưới đây là toàn bộ 10 trường hợp tử vong được báo cáo vào tháng 9 năm 2023. Danh sách đầy đủ của 21 học viên có thể tải xuống tại đây (PDF) (bằng tiếng Anh và tiếng Trung).

Tin muộn: Cụ bà 80 tuổi tử vong khi đang trong chấp hành án tại nhà

Bà Vu Huệ Ngọc ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô từng công tác trong một xí nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào cuối năm 1995 và nhiều bệnh tật của bà như huyết áp cao, bệnh dạ dày và xơ cứng động mạch võng mạc đã sớm biến mất.

Thế nhưng, chỉ vì không từ bỏ Pháp Luân Công khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà Vu đã nhiều lần bị chính quyền bắt và giam cầm. Cuộc bức hại cũng gây áp lực rất lớn lên chồng bà (người không tu luyện Pháp Luân Công). Sự đau khổ về tinh thần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông và ông đã qua đời vào tháng 7 năm 2010.

Sức khỏe của bà Vu cũng bắt đầu suy giảm vào khoảng năm 2017. Bất chấp tình trạng của bà, tòa án địa phương vẫn kết án bà (chưa rõ thời hạn) và lệnh cho bà phải chấp hành án tại nhà.

Bà đã qua đời ở tuổi 80 vào tháng 10 năm 2019, chỉ vài tháng sau khi bị kết án tù.

Những lần bịbắt giữ trong quá khứ

Bà Vu đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 9 năm 2000 và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Bà bị áp giải trở lại Nam Kinh và bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Nam Kinh 1 tháng và sau đó là Trung tâm Tẩy não quận Tần Hoài (không rõ thời hạn).

Sau đó, bà bị giam trong cùng trung tâm tẩy não này sau một vụ bắt giữ khác vào tháng 4 năm 2002.

Ngày 9 tháng 6 năm 2005, bà Vu cùng chồng đến một phòng khám để truyền dịch thì bị cảnh sát bắt giữ tại đó và đưa tới Trung tâm Tẩy não thành phố Nam Kinh. Nhà của bà bị lục soát và các sách, tài liệu về Pháp Luân Công và sổ danh bạ điện thoại của bà đều bị tịch thu.

Bà Vu bị lại bị bắt khi đang đi mua hàng tạp hóa vào tháng 5 năm 2010. Cảnh sát đã đột kích vào nhà bà khi không có ai ở đó. Nhiều tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công của bà bị lấy đi.

Lần bắt giữ tiếp theo của bà xảy ra vào ngày 8 tháng 3 năm 2017, sau đó bà bị thẩm vấn tại Đồn Công an Chỉ Mã Doanh. Vì trại tạm giam thành phố Nam Kinh từ chối tiếp nhận bà mà không nói rõ lý do, cảnh sát đã để bà bão lạnh tại ngoại.

Sau đó, cảnh sát đã chuyển hồ sơ của bà Vu tới Viện Kiểm sát quận Tần Hoài vào ngày 16 tháng 5 năm 2017. Bà bị truy tố vào ngày 20 tháng 6 năm 2017. Tòa án quận Tần Hoài đã tổ chức xét xử bà vào các ngày 23 tháng 6 và ngày 8 tháng 9 năm 2017. Cảnh sát còn cố bắt giữ bà vào ngày 20 tháng 9, nhưng phải thả bà 1 ngày sau đó sau khi trại tạm giam từ chối nhận bà do huyết áp cao.

Tòa án đã tổ chức một phiên xét xử khác đối với bà Vu vào cuối tháng 9 năm 2017 và bí mật kết án bà vào khoảng tháng 5 năm 2019. Bà được chấp hành án tại nhà vì lý do sức khỏe. Năm tháng sau, bà Vu qua đời.

Giám đốc nhân sự 52 tuổi qua đời sau 1 năm mãn hạn án tù 5 năm ngoại giam

Bà Diêu Uy, một cư dân 52 tuổi ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Quảng Đông, đã qua đời vào ngày 6 tháng 10 năm 2020, một năm sau khi kết thúc án tù 5 năm bên ngoài nhà tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Bà Diêu Uy, quê gốc ở thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông. Bà từng giữ chức giám đốc nhân sự của một công ty giải pháp kỹ thuật số ở Thâm Quyến. Bà bị bắt tại văn phòng làm việc vào khoảng chiều ngày 16 tháng 6 năm 2014. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu hơn 80 cuốn sách Pháp Luân Công, 1 máy tính xách tay, 1 máy in và một số tài liệu thông tin Pháp Luân Công dưới nhiều hình thức khác nhau (bao gồm 103 DVD).

Theo một người trong cuộc, bà Diêu bị nhắm đến sau khi bị trình báo vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở một khu phức hợp. Cảnh sát đã xem lại các video giám sát và phát hiện bà đã đi tới khu phức hợp đó nhiều lần nên đã ra quyết định bắt giữ bà.

Bà Diêu bị giữ tại trại tạm giam quận Phúc Điền cho đến tháng 6 năm 2015, khi bà bị kết án 5 năm và chấp hành ngoại giam tại nhà.

Bà Diêu đã mãn hạn án tù vào tháng 6 năm 2019, nhưng vẫn tiếp tục bị chính quyền gây áp lực vì cuộc bức hại. Bà đã qua đời vào ngày 6 tháng 10 năm 2020.

Một người phụ nữ Liêu Ninh bị tàn tật sau khi bị tiêm chất độc đã qua đời sau 20 năm chịu thống khổ

Bà Tống Hương Trân bị mất khả năng vận động và trí nhớ vì bị tiêm chất độc hại sau khi bà bị bắt vào mùa hè năm 2002 vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã qua đời vào tháng 7 năm 2022 sau 20 năm chịu thống khổ. Bà hưởng thọ 73 tuổi.

Bà Tống ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Bà bị bắt tại nhà vào tháng 6 năm 2002. Đội trưởng Lữ Vỹ đã trùm đầu bà và đẩy bà xuống cầu thang mà không cho bà kịp thay giầy. Kết quả là, một chiếc giầy bà đang mang đã bị rơi ra khi bước xuống cầu thang và cảnh sát không cho phép bà xỏ nó lại.

Hai ngày sau, họ đưa bà vào Trại Cai nghiện Ma túy thành phố Thẩm Dương hai ngày sau đó. Bà đã tuyệt thực để phản kháng. Khi bà ngất xỉu vì đói, nhân viên trại đã chỉ đạo tù nhân tiêm thuốc độc vào người bà. Điều này khiến bà rơi vào tình trạng nguy kịch giữa tháng 7 năm 2002. Trại đã gọi xe cấp cứu đưa bà đến Bệnh viện 739 Thẩm Dương. Cảnh sát đã thông báo cho gia đình về tình hình của bà, nhưng mãi đến lần thứ 3 họ đến bệnh viện, cảnh sát mới cho họ vào thăm bà.

Chỉ trong 1 tháng bị giam giữ, cân nặng của bà Tống đã giảm một nửa (từ 60 kg xuống còn 30 kg). Bụng bà chướng lên và bà không thể đi tiểu. Chồng bà kể lại lúc nhìn thấy bà, ông thực sự lo lắng rằng bà có thể ngừng thở bất cứ lúc nào.

Sau khi trở về nhà, lúc bà Tống mới hồi phục một chút thì bà lại mất gần hết trí nhớ và phải chật vật để ghi nhớ những điều mới. Bà còn bị mất khả năng tự chăm sóc bản thân và thậm chí không thể đi xuống cầu thang. Bà thường xuyên gặp ác mộng và hét lên: “Người xấu đó lại đến!”

Chồng bà đã chăm sóc bà một cách chu đáo, nhưng nhiều năm kiệt quệ về thể chất và áp lực tinh thần to lớn đã khiến sức khỏe của ông bị tổn hại nghiêm trọng. Ông bị đau tim và qua đời vào khoảng năm 2015.

Sau khi ông qua đời, con gái bà Tống phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc bà. Bà Tống phải chống chọi với tình trạng sức khỏe suy giảm và qua đời vào tháng 7 năm 2022.

Một người phụ nữ Nội Mông Cổ tử vong sau khi bị cảnh sát sách nhiễu

Bà Lý Ái Lâm ở thành phố Hô Luân Bối Nhĩ, Nội Mông Cổ đã bị bắt vào tháng 4 năm 2023, sau khi có người trình báo bà phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Do bị thẩm vấn tại Đồn Công an 3 quận Hải Lạp Nhĩ và sau đó là lục soát nhà, bà bị áp lực đến mức bắt đầu cảm thấy tức ngực và khó thở. Lo sợ bà có thể chết trong khi bị giam, cảnh sát đã ra lệnh cho con trai bà đến đón bà về nhà. Một tháng sau bà qua đời vào ngày 10 tháng 5, ở tuổi 66.

Cựu giáo viên tiểu học qua đời trong khi đang thụ án tù oan sai

Năm 2020, bà Hạ Cúc Anh, một giáo viên đã nghỉ hưu của Trường Tiểu học Đường sắt thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, bị trình báo phân phát tài liệu Pháp Luân Công và sau đó bị người của Đồn Công an Thái Bình bắt giữ. Họ đã giam giữ bà 15 ngày và đột nhập vào nhà bà vài lần.

Tòa án địa phương đã kết án bà 3,5 năm tù vào tháng 3 năm 2022. Bà nhanh chóng bị đưa vào Nhà tù Nữ tỉnh Hồ Bắc (nằm ở thủ phủ Vũ Hán của tỉnh). Bà qua đời vào ngày 18 tháng 7 năm 2023, trước khi mãn ạn án tù, ở tuổi 79.

Nhà máy gia đình bị tịch thu, mất vợ do cuộc bức hại, người đàn ông cao niên qua đời sau 10 ngày kể từ vụ sách nhiễu của cảnh sát

Một cư dân thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã qua đời ở tuổi 78 vào đầu tháng 8 năm 2023, 10 ngày sau khi bị cảnh sát sách nhiễu.

e5b70c916db068d222e60b3685b75019.jpg

Ông Triệu Húc Đông

Ông Triệu Húc Đông liên tục bị sách nhiễu từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2022. Cảnh sát và viên chức khu dân cư đã chụp ảnh nhà ông mà không được ông đồng ý, sau đó tra hỏi rằng liệu ông có còn tu luyện Pháp Luân Công không. Ông bị bắt vào ngày 27 tháng 9 năm 2022 và đã được thả vào buổi tối cùng ngày.

Ông Triệu bị bắt lại vào ngày 4 tháng 5 năm 2023. Mặc dù bác sỹ phát hiện đang bị huyết áp cao ở mức nguy hiểm, cảnh sát vẫn giam ông đến ngày 26 tháng 5.

Một cảnh sát của Đồn Công an Ha Đạt Loan đã sách nhiễu ông tại nhà vào ngày 31 tháng 7 năm 2023, rồi ra lệnh cho ông đến đồn công an. Tuy nhiên, ông Triệu từ chối tuân thủ. Mười ngày sau, ông đã qua đời vào sáng sớm ngày 10 tháng 8.

Ông Triệu không phải là người duy nhất trong gia đình bị chính quyền cộng sản Trung Quốc nhắm mục tiêu vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước đó vợ ông, bà Lý Diễm, đã qua đời vào ngày 5 tháng 2 năm 2012, sau khi không vượt qua được nỗi sợ hãi và đau khổ tinh thần từ cuộc bức hại. Con trai họ, anh Triệu Quốc Hưng, đã bị giam cầm và tra tấn trong hơn 13 năm. Em gái anh, cô Triệu Quốc Khôn, hiện đang phải đối mặt với án tù sau khi bị truy tố vào ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Công ty của ông Triệu cũng bị chính quyền tịch thu. Khi ông đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi) vào năm 2006, các nhân viên chính quyền không thể tìm thấy hồ sơ công tác trước đây của ông ở trong một doanh nghiệp nhà nước, điều này khiến ông không thể được lĩnh phúc lợi hưu trí. Kết quả là, một gia đình từng khá giả phải đối mặt với sự túng thiếu.

8c84888aee4c413741f34673e7cb3e46.jpg

Ảnh chụp gia đình ông Triệu

Góa chồng vì cuộc bức hại Pháp Luân Công, người phụ nữ Nội Mông Cổ cũng qua đời sau nhiều năm sống lưu lạc

Bà Giả Quốc Cầm, một cư dân thành phố Xích Phong, Nội Mông, đã qua đời vào ngày 8 tháng 8 năm 2023, sau nhiều năm sống xa nhà để tránh bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 72 tuổi.

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà Giả và gia đình đã nhiều lần bị chính quyền nhắm mục tiêu vì đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công. Chồng bà bị tra tấn đến chết vào năm 2005 ở tuổi 55.

Bà Giả, chồng bà là ông Trần Quốc Tường và con trai họ là anh Trần Ngọc Kim đã bị bắt lần đầu vào ngày 24 tháng 6 năm 2000. Bà bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức, chồng và con trai bà mỗi người bị tuyên phạt 3 năm lao động cưỡng bức.

Ngày 28 tháng 10 năm 2001 (chỉ 4 tháng sau khi bà Giả được trả tự do), con gái bà là cô Trần Huệ Mẫn cũng bị bắt và bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức. Bà Giả lại bị bắt vào tháng 11 năm 2001 và bị giam ở trong một trrung tâm tẩy não trong 64 ngày. Trong thời gian đó, nhà bà bị đột nhập 2 lần và bà bị mất số tài sản trị giá gần 10.000 nhân dân tệ. Bà lại bị bắt vào tháng 3 năm 2003 và bị đưa đến một trung tâm tẩy não và bị giam ở đó 2 tuần.

Tháng 4 năm 2003, con trai và chồng bà Giả đều bị bắt đến một trung tam tẩy não vào và bị giam ở đó 2 tuần. Sau đó con trai bà được thả ra, còn chồng bà bị giam giữ và bị kết án 3 năm lao động cải tạo vào tháng 1 năm 2004. Lính canh tại Trại Lao động Cưỡng bức Ngũ Nguyên liên tục chích điện vào lòng bàn chân ông bằng dùi cui điện trong hơn 1 tháng. Không chịu nổi nỗi đau tột độ về thể xác và áp lực tinh thần khủng khiếp, ông đã hai lần cố gắng tự tử.

Sự tra tấn kéo dài đã gây tổn hại nặng nề đến sức khỏe của ông. Kết quả là, ông bị tích tụ dịch nghiêm trọng ở ngực và khoang bụng, bị bệnh lao phổi và suy tim. Ngay cả khi ông nhập viện, cảnh sát vẫn còng tay ông vào thành giường. Lo sợ ông có thể chết trong trại lao động, lính canh đã thả ông vào ngày 24 tháng 2 năm 2005. Thời điểm đó, người ông gầy trơ xương, tiều tụy và gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng khi đi lại.

Do bị cảnh sát tiếp tục sách nhiễu, gia đình ông phải rời khỏi nhà và liên tục thay đổi chỗ ở. Việc sống lưu lạc khiến sức khỏe của ông Trần bị tổn hại. Ông đã qua đời vài tháng sau đó vào ngày 19 tháng 12 năm 2005.

Bà Giả vẫn tiếp tục sống xa nhà kể từ đó. Cuộc sống khó khăn cũng như sợ hãi và đau khổ về tinh thần do cuộc bức hại đã khiến sức khỏe bà bị tổn hại, cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của bà vào ngày 8 tháng 8 năm 2023.

Một cựu trợ lý kỹ sư qua đời sau vài tháng mãn hạn án tù 5 năm

Ông Ngụy Vĩnh Thanh, một cựu trợ lý kỹ sư tại Đại học Tây Hoa ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã rơi vào tình trạng hôn mê sau khi được thả vào tháng 2 năm 2023, khi mãn hạn án tù 5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông thậm chí còn không còn biết sử dụng nhà vệ sinh và phóng uế ở bất cứ đâu mỗi khi mắc tiểu. Vài tháng sau, ông qua đời vào ngày 29 tháng 8, ở tuổi 83.

Ông Ngụy bị bắt vào ngày 3 tháng 2 năm 2017 và Tòa án quận Bì Đô đã kết án ông 5 năm tù và phạt tiền 20.000 nhân dân tệ vào ngày 31 tháng 5 năm 2018. Thẩm phán đã lừa ông từ bỏ kháng cáo bản án bằng cách nói bà ta sẽ không thi hành án đối với ông. Thế nhưng, chỉ 5 ngày sau khi thời hạn kháng cáo 10 ngày kết thúc, thẩm phán đã ra lệnh cho hai chấp hành viên tòa án đưa ông Ngụy vào Nhà tù Gia Châu.

Khi ông Ngụy từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, ông bị xịt hơi cay, cưỡng chế ngồi dưới ánh nắng trong thời gian dài cho đến khi mông ông bị mưng mủ và còn bị chích điện bằng dùi cui điện. Ngoài ra, lính canh còn bắt ông phải ăn hết đồ ăn chỉ trong vài giây– đây là một hình thức tra tấn do lính canh ở Nhà tù Gia Châu nghĩ ra.

Tại thời điểm ông Ngụy được trả tự do, ông không chỉ phải vật lộn với chấn thương cả về tinh thần lẫn thể chất, mà còn phải đối mặt với sự khủng hoảng tài chính khi lương hưu của ông bị đình chỉ. Vợ ông phải cho thuê ngôi nhà của họ ở thành phố để kiếm chút thu nhập, trong khi bà và ông Ngụy phải sống ở nông thôn, nơi các cán bộ thôn giám sát chặt chẽ hoạt động hàng ngày của họ. Ông Ngụy bị ngã vào cuối tháng 8 và qua đời vài ngày sau đó.

Một cư dân Thiểm Tây qua đời trong khi chờ phán quyết vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Đỗ Phượng Anh, một cư dân thành phố An Khang, tỉnh Thiểm Tây, đã bị quản thúc tại gia sau khi bị bắt vào ngày 24 tháng 9 năm 2022. Bà phải hầu tòa vào ngày 23 tháng 4 năm 2023 và cảnh sát đã liên tục quấy rối bà nhiều lần trong khi chờ phán quyết. Áp lực tinh thần đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà và bà qua đời vào ngày 6 tháng 9 năm 2023, ở tuổi 66.

Ngày 24 tháng 9 năm 2022, bà Đỗ, cùng con rể là anh Trần Quân và một học viên Pháp Luân Công khác là bà Cao Ping đang đi du lịch thì cảnh sát đã bám theo và bắt giữ khi họ dừng lại nghỉ giải lao. Cảnh sát còn lục soát xe của ông Trần và tịch thu một số cuốn sách nhỏ có nội dung về Pháp Luân Công. Sau đó 3 người bị đưa đến đồn công an để thẩm vấn và phải ngủ qua đêm trên ghế băng.

Ngày hôm sau, khi phát hiện bà Đỗ bị huyết áp cao ở mức nguy hiểm, các trại tạm giam địa phương đều từ chối tiếp nhận bà và cảnh sát đã ra quyết định quản thúc bà tại gia. Bà Cao Ping và ông Trần lần lượt bị giam ở trong trại tạm giam quận Hán Tân và trại tạm giam Tuần Dương. Ba học viên phải ra hầu tòa vào ngày 23 tháng 4 năm 2023. Luật sư đã bào chữa vô tội cho họ, nhưng thẩm phán thường xuyên ngắt lời luật sư và không cho phép các học viên lên tiếng.

Do thường xuyên bị cảnh sát và nhân viên cộng đồng sách nhiễu nên sức khỏe của bà Đỗ ngày càng suy giảm. Cuối cùng, bà đã qua đời vào ngày 6 tháng 9.

Ngoài vụ bắt giữ gần đây nhất, bà còn từng bị bắt một lần khác vào ngày 1 tháng 11 năm 2014 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công và bị giam trong 15 ngày.

Cụ bà 93 tuổi qua đời trong cuộc bức hại

Bà Cao Sở Đệ, một cư dân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã nhiều lần bị sách nhiễu và lục soát nhà kể từ khi cuộc đàn áp xảy ra. Bà đã qua đời vào năm 2023. Thậm chí chỉ 1 ngày trước khi bà qua đời, một số cảnh sát vẫn kéo đến nhà sách nhiễu bà.

Bài liên quan:

21 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 8 năm 2023

120 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong nửa đầu năm 2023

20 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 5 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 4 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do bị bức hại, theo báo cáo xác nhận vào tháng 3 năm 2023

Báo cáo tháng 2 năm 2023: 19 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại

15 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 1 năm 2023

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/3/466736.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/12/212454.html

Đăng ngày 08-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share