Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 13-07-2023] Trong nửa đầu năm 2023 đã ghi nhận báo cáo về 120 học viên Pháp Luân Công đã qua đời vì kiên định đức tin.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, vô số người đã ấn tượng với những Pháp lý thâm sâu và lợi ích sức khỏe của pháp môn này. Lo lắng về sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công, vào tháng 7 năm 1999, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động chiến dịch toàn quốc nhằm bức hại và xóa sổ pháp môn này.

Hàng trăm nghìn học viên đã bị sách nhiễu, bắt bớ, giam giữ, cầm tù và tra tấn. Tính đến ngày 14 tháng 7 năm 2023, trang Minghui.org đã ghi nhận tổng số 4.974 trường hợp tử vong. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các trường hợp học viên bị tử vong không thể luôn được báo cáo kịp thời hoặc có sẵn thông tin và con số tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều.

Trong 120 trường hợp tử vong mới được xác nhận, có 26 (21,7%) trường hợp xảy ra vào năm 2003 và 2021, 37 (30,8%) trường hợp qua đời trong năm 2022 và 54 (45%) trường hợp qua đời trong năm 2023. Có 3 học viên hiện chưa rõ qua đời vào năm nào.

0b50670e7ecd6435c3fc1e4412c98823.jpg

120 học viên, 72 (60%) nữ, đến từ 20 tỉnh và 4 thành phố (Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh). Hắc Long Giang báo cáo nhiều nhất (14), sau đó là Cát Lâm (12), Liêu Ninh (11) và Hà Bắc (10). Tám khu vực khác báo cáo từ 5 đến 9 trường hợp, 12 tỉnh và thành phố còn lại báo cáo từ 1 đến 4 trường hợp.

bc642910754caf0b178fa7f2638c332e.jpg

99 học viên đã xác định được tuổi tại thời điểm tử vong có tuổi từ 32 đến 92

11 học viên qua đời trong lúc bị giam giữ, trong đó 1 người qua đời trong năm 2003, 3 người trong năm 2022 và 7 người trong năm 2023. Những học viên tử vong trong năm 2023 gồm một người phụ nữ qua đời tại nhà giam của công an sau 6 ngày bị bắt giữ. Hầu hết những học viên khác qua đời trong khi đang thụ án tù, gồm 1 học viên 30 tuổi là phát thanh viên của một đài phát thanh, một cựu kỹ sư 86 tuổi qua đời chỉ vài ngày trước khi mãn hạn án tù (kỳ hạn 4 năm) và một người phụ nữ 77 tuổi đã qua đời trong khi đang thụ án 13 năm tù.

Nhiều học viên qua đời sau vài ngày được trả tự do khỏi các cơ sở giam giữ gồm một người phụ nữ đã qua đời sau 6 ngày mãn hạn bản án lao động (kỳ hạn 6 tháng) và một phụ nữ khác qua đời ở tuổi 80, chỉ vài ngày sau khi bà được nhà tù cho tạm tha y tế.

Ba học viên bị tiêm thuốc độc hoặc cưỡng chế uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Họ qua đời chỉ sau vài tháng được trả tự do.

Các học viên khác qua đời do không chịu nổi sự sách nhiễu, cầm tù và tra tấn trong thời gian dài. Một người phụ nữ ở tỉnh Tứ Xuyên đã bị giam trong tù cho đến khi mãn hạn án tù 3 năm, mặc dù bà đang trong tình trạng hôn mê. Bà qua đời sau 6 tháng được trả tự do. Một người đàn ông ở Bắc Kinh đã qua đời sau 1,5 năm mãn hạn án tù (kỳ hạn 4 năm), ông đã bị mất cả cha lẫn mẹ vì cuộc bức hại.

Cuộc bức hại cũng khiến nhiều người nhà có học viên qua đời sống trong nỗi bi thương và đau buồn khôn tả. Một bé gái 6 tuổi đã mất mẹ vào năm ngoái đã trở thành trẻ mồ côi khi cha cháu qua đời vào tháng 4 năm 2023. Sự ra đi của cụ bà 73 tuổi vì quá đau buồn sau cái chết của con gái và chồng. Trong số các học viên qua đời có một số là vợ chồng.

Một nữ y tá dành 13 năm chăm sóc người chồng bị liệt đã bị bắt giữ sau khi chồng bà qua đời 1 tháng và bị kết án 5,5 năm tù. Không chịu được sự kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, bà đã qua đời sau 3 năm được trả tự do, khi mới 54 tuổi.

caa3992b303581eaed30d4607ef1794e.jpg

Các học viên Pháp Luân Công đã qua đời được báo cáo trong nửa đầu năm 2023

Hàng đầu (từ trái qua phải): Bàng Huân, Tần Tĩnh, Vương Vũ Đông, Kim Thành Sơn, Khang Thục Cầm
Hàng thứ 2 (từ trái qua phải): Lưu Tân Dĩnh, Vương Ngọc Phương, Hướng Hoài Hương, Túc Quế Hoa, Trương Quế Vân
Hàng thứ 3 (từ trái qua phải): Dịch Triêu Linh, Vương Khuê, Dương Linh Phú, Diêu Xuân Lan, Triệu Tâm
Hàng thứ 4 (từ trái qua phải): Lý Bồi Cao, Tề Kính Phổ, Lý Hội Tường, Vương Trạch Phương, Vương Trạch Hưng

Dưới đây là một số trường hợp học viên tử vong chọn lọc trong nửa đầu năm 2023. Danh sách đầy đủ của 120 học viên có thể tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh và tiếng Trung).

Tử vong trong lúc bị giam giữ

Vũ Hán: Một người phụ nữ qua đời chỉ 6 ngày sau khi bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công

Một người phụ nữ 64 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã qua đời sau 6 ngày bị bắt giữ vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Ngày 30 tháng 3 năm 2023, bà Hồ Vĩnh Tú bị bắt ở bên ngoài bệnh viện khi đang nói với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Ngày 5 tháng 4 năm 2023, gia đình bà xác nhận rằng bà qua đời vào ngày hôm đó. Việc bày biện linh đường của bà tại nhà bà cũng bị cảnh sát giám sát chặt chẽ. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt nên chưa có thông tin chi tiết về cái chết của bà.

Bà Hồ là học viên Pháp Luân Công thứ hai ở Vũ Hán được biết là đã bị bức hại đến chết trong năm 2023. Học viên còn lại, bà Tông Minh, đã tiều tụy và nói năng khó khăn tại thời điểm được thả vào ngày 26 tháng 12 năm 2022, sau khi bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não địa phương suốt 8 tháng. Tóc bà Tông đã ngả bạc. Gia đình đã đưa bà đến bệnh viện vào ngày 1 tháng 1 năm 2023, nhưng bác sỹ từ chối tiếp nhận và bà đã chết ở trong phòng cấp cứu vào ngày hôm đó. Bà hưởng dương 59 tuổi.

Nguyên người dẫn chương trình 30 tuổi của một đài phát thanh đã bị đánh đập đến chết trong tù vì kiên định đức tin của mình

Anh Bàng Huân, 30 tuổi, nguyên là người dẫn chương trình của Đài Phát thanh Nhân dân Tứ Xuyên đã bị đánh chết vào ngày 2 tháng 12 năm 2022, khi đang chấp hành bản án oan sai 5 năm trong Nhà tù Gia Châu, tỉnh Tứ Xuyên.

2023-7-11-mh-pang-xun_01.jpg

Anh Bàng Huân

Theo thông tin từ một người trong cuộc, thi thể anh Bàng đầy những vết bầm tím là do bị đánh đập, vết thương do bị điện giật và vết trói bằng dây thừng. Trước lúc mất, anh còn bị đại tiểu tiện không tự chủ do sự tra tấn.

Nhà tù không thừa nhận đã tra tấn anh Bàng và khăng khăng rằng anh chết là do bị bệnh cường giáp, dù lúc bị bắt anh hoàn toàn khỏe mạnh và không có bất kỳ bệnh tật nào trước đó.

Anh Bàng bị bắt giữ vào ngày 27 tháng 7 năm 2020 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công và sau đó bị kết án 5 năm tại Nhà tù Gia Châu.

31fa585eabf8d0a212cdd180dadec573.jpg

aa50041f5c56bd20b9e53cb6ff23c698.jpg

Thi thể anh Bàng Huân đầy rẫy vết bầm tím khi qua đời.

Người đàn ông 31 tuổi qua đời trong khi đang thụ án 8,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Cha mẹ của anh Khương Dũng đã nhận được thông báo về cái chết của anh vào ngày 23 tháng 1 năm 2023 (2 ngày trước Tết Nguyên đán). Anh Khương hưởng dương 31 tuổi.

Anh Khương, một cư dân ở thành phố Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm, đã bị kết án và phải chấp hành bản án oan sai 8,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bất chấp tình trạng nguy kịch của anh vì lần tuyệt thực phản bức hại kéo dài, chính quyền từ chối tạm tha y tế cho anh Khương với lý do anh không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Anh Khương đã bị bắt giữ tại nhà vào ngày 28 tháng 6 năm 2021 và bị kết án 8,5 năm tù ở trong Nhà tù Công Chủ Lĩnh và bị gán tội danh “lật đổ chính quyền quốc gia.” Gia đình anh Khương đã liên tục đi tới Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Cát Lâm và Nhà tù Công Chủ Lĩnh để yêu cầu anh được tại ngoại điều trị y tế, nhưng đều bị phớt lờ hoặc thoái thác.

Giáo sư về hưu qua đời ở tuổi 82 trong khi đang thụ án 3 năm tù vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công

Một cụ bà 82 tuổi ở thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm đã qua đời vào ngày 22 tháng 5 năm 2023, trong khi đang thụ án 3 năm tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Vụ bắt giữ cuối cùng của bà An Phúc Tử xảy ra vào cuối tháng 8 năm 2021 và vài tuần sau đó bà bị đưa vào Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm.

Vài tháng trước khi bà An qua đời, nhà tù thông báo cho gia đình bà rằng bà bị tràn dịch màng phổi và yêu cầu họ hợp tác để điều trị y tế cho bà. Thời điểm đó, con trai và con gái của bà đều đang làm việc ở Hàn Quốc và đã yêu cầu được gặp bà hoặc gọi điện thoại trực tuyến nhưng không được phía nhà tù chấp thuận. Nhà tù cũng viện cớ đại dịch để không cho các thành viên khác trong gia đình bà đến thăm bà.

Sau khi bà qua đời, nhà tù yêu cầu gia đình ký tên vào giấy đồng ý hỏa táng cho bà, nhưng không rõ những người thân của bà có làm theo hay không. Nhà tù đã hỏa táng thi thể của bà mà không có sự hiện diện của bất kỳ thành viên nào trong gia đình bà.

Bà An là người dân tộc Triều Tiên và là giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Phát thanh Truyền hình Diên Biên. Bà không phải là người duy nhất trong gia đình mất đi sinh mạng vì cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà An Anh Cơ em gái bà cũng qua đời ở tuổi 64 vào ngày 26 tháng 12 năm 2022, sau nhiều năm bị giam giữ và sống lưu lạc để tránh bị bắt giữ.

Cụ ông 86 tuổi đã qua đời chỉ vài ngày trước thời điểm mãn hạn tù oan sai

Một cư dân 86 tuổi ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã qua đời vào ngày 4 tháng 1 năm 2023, chỉ vài ngày trước khi ông mãn hạn tù oan sai 4 năm vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công.

Cụ ông Lý Bồi Cao là kỹ sư cao cấp của Công ty Xây Lắp Vân Nam, đã nghỉ hưu vào năm 1994 và sống một mình. Sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ông Lý trở thành đối tượng bị đàn áp liên tục chỉ vì đức tin của mình. Ông đã bị giam giữ 3 lần trong một trung tâm tẩy não, bị bắt giữ hàng chục lần và nhà ông bị lục soát đến bảy lần. Khi ông không bị giam giữ, cảnh sát sẽ kiểm soát và theo dõi, nghe trộm điện thoại và thường xuyên triệu tập ông đến thẩm vấn.

Bản án lần này của ông Lý xảy ra sau vụ bắt giữ ông ngày 26 tháng 11 năm 2015. Mặc dù ông đã sớm được bảo lãnh tại ngoại vì tuổi cao, song tòa án địa phương đã kết án ông 4 năm tù vào ngày 8 tháng 10 năm 2016. Ông bị đưa tới Nhà tù tỉnh Vân Nam để chấp hành án tù và trong khoảng thời gian đó nhà tù không cho phép người nhà vào thăm ông.

Theo thông tin từ các tù nhân được thả trước ông, sức khỏe ông Lý vẫn rất tốt khi ở trong tù, và họ rất sốc khi ông đột ngột qua đời, chỉ vài ngày trước khi ông được thả. Nhà tù tuyên bố ông chết vì bị bệnh, nhưng không cung cấp bất cứ thông tin gì cho gia đình ông.

Cụ bà 77 tuổi qua đời khi đang thụ án 13 năm vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 16 tháng 2 năm 2023, bà Phí Thục Cần ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã tử vong trong Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang khi đang thụ án 13 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, ở tuổi 77.

f3d15d6e79308889c20f149ec096e088.jpg

Bà Phí Thục Cần

Theo gia đình bà Phí, bà bị u xơ tử cung, huyết áp cao và bệnh tim mạch ngay sau khi bị cầm tù, nhưng nhà tù đã liên tục từ chối đơn xin tạm tha y tế cho bà. Gia đình đã không được phép gặp bà kể từ năm 2019.

Khi bà Phí chán ăn và liên tục buồn ngủ, bà bị đưa đến bệnh viện nhà tù vào ngày 13 tháng 1 năm 2023. Bác sỹ phát hiện bà bị nhồi máu nhiều lỗ khuyết, teo não và bệnh phổi nghiêm trọng. Bất chấp tình trạng của bà, nhà tù vẫn từ chối yêu cầu thăm thân của gia đình cũng như nhất quyết không thả bà.

Khoảng 13 giờ chiều ngày 16 tháng 2, nhà tù thông báo với gia đình bà Phí rằng họ sẽ chuyển bà tới một bệnh viện khác. Nhưng chỉ một tiếng sau, nhà tù gọi lại và thông báo bà ấy vừa qua đời. Gia đình bà nghi ngờ có thể trong lần nhà tù gọi điện lần trước, bà đã tử vong rồi.

Ban đầu nhà tù cấm gia đình bà Phí xem thi thể của bà, nhưng trước sự kiên quyết của gia đình, lính canh đã nhượng bộ sau khi cấp trên của họ chấp thuận. Gia đình bà Phí cho biết bà gầy hốc hác và đầu bà bị cạo trọc.

Bà Phí, nghỉ hưu trong ngành thực phẩm, bị bắt giữ vào ngày 29 tháng 3 năm 2013 vì treo biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hải” dọc theo đường cao tốc lớn. Tòa án huyện Y Lan đã kết án bà 13 năm tù.

Sau 2 năm sống thực vật và bị từ chối tạm tha y tế, người đàn ông Hà Bắc qua đời khi chỉ còn 2 tháng nữa là mãn hạn tù

Sau 7 năm dài đằng đẵng vợ ông Lại Chí Cường mong ngóng được đoàn tụ với chồng, nhưng đến ngày 3 tháng 1 năm 2023, khi chỉ còn 2 tháng nữa là ông mãn hạn tù, bà lại nhận được tin sét đánh rằng chồng bà đã qua đời.

Sau khi biết tin ông Lại qua đời, vợ của ông đã vội vã đến Nhà tù Số 2 Ký Đông ở tỉnh Hà Bắc, chỉ để nhận được yêu cầu phi lý rằng bà phải trả 1.000 nhân dân tệ để được xem thi thể của chồng. Không rõ liệu bà ấy có trả khoản tiền đó hay không, nhưng đến ngày hôm sau bà mới được xem thi thể của chồng.

Theo lời kể của vợ ông Lại, thi thể của ông ở tư thế cuộn tròn, trên mặt có nhiều vết thương. Năm lính canh đã giữ bà để ngăn không cho bà lại gần hoặc chạm vào thi thể ông. Họ từ chối trao lại thi thể cho gia đình và lừa con gái ông ký vào giấy đồng ý hỏa táng.

Ông Lại, một cư dân thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt vào ngày 31 tháng 3 năm 2016 và bị kết án bí mật 7 năm tù. Người mẹ già của ông vì quá đau buồn trước bản án oan sai của con trai mà đã qua đời không lâu sau đó.

Trong năm 2019, ông Lại bị đột quỵ do bị tra tấn và nhà tù đã nhiều lần từ chối yêu cầu thăm thân từ phía gia đình ông. Cuối cùng, khi vợ ông Lại được phép thăm ông vào tháng 1 năm 2020, bà đã rất xót xa khi thấy lính canh khiêng ông ra ngoài. Ông hầu như không thể cử động, mặt không có biểu cảm gì khi bà khóc lóc và dường như ông ấy không nhận ra vợ mình.

Một người biết rõ sự tình tiết lộ, ông Lại đã bị giam tại bệnh xá của nhà tù trong gần 6 tháng và bị bức thực hàng ngày. Lính canh tù đã để ống dẫn thức ăn trong dạ dày ông. Do không được cho uống đủ nước nên môi ông bị khô và nứt nẻ. Thỉnh thoảng, một số y tá còn dùng một chiếc khăn bông để nhỏ một chút nước vào miệng ông. Mỗi lần họ làm như vậy, ông thường chảy nước mắt, và mấp máy môi nhưng không thể nói thành tiếng.

Gia đình ông Lại yêu cầu được bảo lãnh ông tại ngoại để điều trị y tế, nhưng nhà tù nói rằng họ phải đợi chỉ thị từ bên trên. Trong khi đó, nhà tù yêu cầu gia đình phải nộp vài nghìn nhân dân tệ và nói rằng khoản tiền đó là để thanh toán các hóa đơn y tế của ông Lại.

Trong năm 2020, tình trạng của ông Lại ngày càng xấu đi và ông bị nhiễm trùng phổi vào tháng 8 năm 2020. Ông rơi vào trạng thái thực vật và cảm thấy khó thở. Khi nhà tù đưa ông ấy đến bệnh viện, bác sỹ chỉ phẫu thuật cắt mở khí quản cho ông và không thực hiện các điều trị khác. Bác sỹ ngụ ý rằng ông Lại không có nhiều hy vọng hồi phục.

Bất chấp tình trạng của ông Lại, nhà tù vẫn cùm ông bằng xích nặng. Sau hơn 1 tháng điều trị trong bệnh viện, ông được đưa trở lại nhà tù vào ngày 9 tháng 9 năm 2020, dù khí quản của ông chưa được khâu lại.

Gia đình ông Lại tiếp tục đệ đơn xin tạm tha y tế cho ông, song nhà tù tuyên bố rằng văn phòng tư pháp đã bác bỏ yêu cầu của họ. Khi gia đình ông đến thẳng văn phòng tư pháp để nộp đơn kiến nghị, họ đã bị chặn lại ngoài cửa và không có cơ hội để nói chuyện với bất kỳ ai.

Người phụ nữ 53 tuổi tử vong ở trong tù khi đang thụ án 7 năm vì kiên định đức tin của mình

Bà Đằng Thục Lệ, 53 tuổi ở thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời vào ngày 10 tháng 1 năm 2023, trong khi đang thụ án 7 năm tù.

Bà Đằng bị bắt tại nơi ở vào ngày 12 tháng 10 năm 2020 và bị kết án 7 năm tù cùng 80.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 2 tháng 6 năm 2021. Sau khi bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào năm 2021, mỗi ngày bà bị buộc phải xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Bà cũng bị cấm ngủ và buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ suốt nhiều tiếng đồng hồ mà không được cử động.

Sự hành hạ về tinh thần lẫn thể xác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà Đằng. Bà ăn được rất ít và ngày một tiều tụy. Một khối u đã phát triển ở khoang bụng của bà, khiến bà bị chảy máu nghiêm trọng mỗi lần đi đại tiện.

Bà Đằng yếu đến mức nằm liệt giường, không thể tự đứng dậy ngay cả khi lính canh đến kiểm tra phòng giam. Tù nhân cùng phòng lo sợ bà có thể chết bất kỳ lúc nào. Sau đó, bà được phát hiện mắc bệnh ung thư trực tràng và gan giai đoạn cuối.

Chồng của bà Đằng bị tước quyền thăm thân dù ông đã nhiều lần đề nghị. Nhà tù cũng từ chối yêu cầu của ông ấy về việc cho vợ ông được tạm tha y tế, ngay cả khi bà đang ở bên bờ vực của cái chết.

Bà Đằng đã qua đời ở trong tù vào ngày 10 tháng 1 năm 2023.

Những trường hợp học viên qua đời do bị tra tấn trong tù và sách nhiễu trong thời gian dài

Một cụ bà 80 tuổi trong tình trạng nguy kịch khi bị giam tù, qua đời vài ngày sau khi được phóng thích sớm vì lý do y tế

Bà Lý Quý Bân, một cư dân ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc đã bị kết án 4 năm tù ở tuổi 76 vì tu luyện Pháp Luân Công. Vào giữa tháng 4 năm 2023, 2 năm sau khi bà Lý Quý Bân bị đưa đến Trại tù nữ tỉnh Hà Bắc, con trai bà nhận được thông báo của trại tù rằng bà sắp chết. Anh vội vã đến trại tù và đưa bà đến một bệnh viện ở Thạch Gia Trang (nơi có trại tù) sau khi trại tù đồng ý phóng thích sớm cho bà vì lý do y tế.

Sau hai ngày điều trị, bà Lý được đưa về nhà (cách Thạch Gia Trang khoảng 370 dặm) và nhập viện tại một bệnh viện địa phương. Bà qua đời ngay sau đó vào ngày 16 tháng 4 ở tuổi 80. Theo một người đã nhìn thấy thi thể của bà, bà chỉ còn da bọc xương sau 2 năm bị cầm tù. Không rõ bà đã phải chịu sự tra tấn nào trong tù.

Bà Lý bị bắt vào ngày 27 tháng 4 năm 2018 khi đang học các bài giảng Pháp Luân Công cùng với ba học viên Pháp Luân Công khác. Bởi bà Lý không qua đợt khám sức khỏe bắt buộc để giam giữ, cảnh sát đã phóng thích bà và quản thúc bà tại gia. Bà Lý đã lại bị bắt 2 lần nữa, vào ngày 20 tháng 8 và vào ngày 27 tháng 12 năm 2018. Mỗi lần, bà đều bị thẩm vấn và được phóng thích. Khi bà từ chối ký vào biên bản thẩm vấn, cảnh sát đã ký giấy tờ thay bà trái với ý nguyện của bà.

Do bị sách nhiễu liên tục, bà Lý đã xuất hiện các triệu chứng của một cơn đột quỵ. Bà không thể nói chuyện và đi lại khó khăn trong một khoảng thời gian.

Tòa án huyện Trường Lịch đã kết án bà Lý 4 năm tù và phạt bà 10.000 tệ. Bà Lý đã bị đưa trở lại trại tạm giam Tần Hoàng Đảo vào ngày 18 tháng 11 năm 2020 và bị chuyển đến Trại tù nữ Thạch Gia Trang vào tháng 5 năm 2021.

Cụ ông 78 tuổi bị mất trí nhớ qua đời sau 8 tháng được trả tự do

Tại thời điểm ông Hàn Thuận Hưng ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam đã được trả tự do vào tháng 9 năm 2022 sau khi mãn hạn án tù 2 năm, ông đã mất hoàn toàn trí nhớ, bị mất phương hướng và vô cùng yếu. Ông được đưa tới nhiều bệnh viện địa phương, nhưng không có phương pháp điều trị nào có tác dụng với ông. Ông đã qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2023, ở tuổi 78.

Khổ nạn của ông Hàn bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 15 tháng 12 năm 2017, sau khi hai học viên bị trình báo vì phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Ông bị kết án 2 năm tù cùng 6.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 14 tháng 8 năm 2020. Ông Hàn đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Lạc Dương, nhưng cơ quan này đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của ông.

Sáng ngày 20 tháng 9 năm 2020, vài cảnh sát đã kéo tới nhà ông Hàn và bắt ông tới Nhà tù Tân Mật. Ông kiên trì tu luyện Pháp Luân Công và bị tra tấn tàn bạo và kết quả là ông đã bị mất đi sinh mạng.

Bị bức hại thành người thực vật ở trong tù, người phụ nữ Tứ Xuyên qua đời sau 8 tháng được trả tự do

Tại thời điểm bà Liêu Quang Huy được trả tự do vào ngày 20 tháng 7 năm 2022, bà đã bị bức hại trở thành người thực vật sau khi thụ án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Tám tháng sau, cư dân thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên này đã qua đời vào ngày 23 tháng 3 năm 2023, hưởng thọ 70 tuổi.

Ngày 10 tháng 3 năm 2021, bà Liêu bị té ngã khi đang thụ án oan sai ở trong Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên. Nhà tù đã từ chối yêu cầu tạm tha y tế của gia đình bà và giam bà cho đến khi mãn hạn tù, bất chấp tình trạng hôn mê của bà sau cú ngã.

Do bệnh viện nhà tù đã không chữa trị đúng cách trong quá trình phẫu thuật cắt mở sọ, nên phần đầu bà xuất hiện một vùng lõm lớn ở phía bên phải. Bà còn được gắn một chiếc ống thông hút đờm qua cổ họng, một ống cho ăn qua đường mũi và một ống thông tiểu. Toàn bộ cơ thể bà cứng đờ.

Sau vài giờ bà được cho về nhà từ nhà tù, gia đình đã gấp rút đưa bà đến bệnh viện địa phương vì họ không biết cách chăm sóc. Một tuần sau, vào lúc 8 giờ sáng ngày 27 tháng 7 năm 2021, toàn thân bà đột nhiên co giật, môi và phần trên cơ thể tím tái. Mặc dù bà đã sống sót sau khi hồi sức nhưng gia đình bà ấy không đủ khả năng duy trì cho bà ấy nằm viện để điều trị kéo dài. Sau đó người thân đưa bà về nhà để tự chăm sóc. Gia đình bà chịu sự đả kích nặng nề khi bà Liêu từ trần vào ngày 23 tháng 3 năm 2023.

01b0207f2f6279fa20de634587e884fc.jpg

Bà Liêu Quang Huy trong tình trạng hôn mê

Ngày 20 tháng 7 năm 2019, bà Liêu bị bắt tại nhà và bị Tòa án Quận Phù Thành kết án thành 3 năm tù. Lúc 5 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 2021, gia đình bà Liêu nhận được điện thoại của lính canh nhà tù, yêu cầu họ đến Bệnh viện Hoa Tây để ký giấy đồng ý phẫu thuật sọ não cho bà. Người lính canh này cho biết bà đã “bị ngã đập đầu khi đi vệ sinh”, nhưng bác sỹ tiết lộ rằng bà còn bị thương ở khí quản và một bên phổi.

Ngày 14 tháng 3 năm 2021, khi chồng của bà Liêu là ông Lý Song Toàn, và con trai đến thăm bà trong bệnh viện, đầu bà đã được quấn băng gạc và bà đang thở oxy. Bà vẫn trong tình trạng hôn mê và gia đình không được phép gặp lại bà cho đến khi bà mãn hạn tù.

Người phụ nữ 67 tuổi ở Thiên Tân qua đời trong tình trạng vô gia cư sau hàng thập kỷ bị bức hại

Ngày 14 tháng 6 năm 2023, bà Lưu Thụ Bình ở Thiên Tân đã qua đời ở tuổi 67 trong khi đang sống trôi giạt sau hàng thập kỷ phải chịu đựng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công đang xảy ra.

Bà Lưu tin rằng Pháp Luân Công đã phục hồi sức khỏe cho bà, thế nhưng sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, bà đã nhiều lần chính quyền bị nhắm đến chỉ vì kiên định đức tin của mình. Bà bị lãnh án cưỡng bức lao động 1 năm vào tháng 12 năm 2000, nhưng cuối cùng bản án này lại trở thành án tù và bà bị giam giữ trong 6 năm tiếp theo vì không từ bỏ đức tin. Sau khi được trả tự do, bà vẫn phải đối mặt với sự sách nhiễu không ngừng từ chính quyền. Kể từ năm 2018, bà buộc phải rời nhà sống trôi giạt để tránh bị bắt giữ thêm nữa.

Trong thời gian sống lưu lạc, bà Lưu đã không thể có mặt vào ngày cháu trai bà chào đời và cũng không thể gặp mẹ mình lần cuối trước khi bà cụ trút hơi thở cuối cùng.

Những người thân yêu của bà Lưu cũng phải chịu rất nhiều thống khổ vì cuộc bức hại. Chồng bà, một học viên Pháp Luân Công, cũng bị chính quyền bắt giữ nhiều lần. Ông từng bị gãy chân sau khi cố gắng trốn thoát khỏi sự giam giữ của cảnh sát bằng cách nhảy ra từ cửa sổ tầng 2. Một cảnh sát hả hê nhìn thương tích của ông và nói: “Cả đời ông đừng nghĩ đến việc ra khỏi giường nữa!”

Con gái của họ phải nghỉ học từ năm 11 tuổi (khoảng năm 2001), sau khi cảnh sát yêu cầu ban giám hiệu nhà trường xúi giục các học sinh khác bắt nạt và cô lập cô vì cha mẹ cô tu luyện Pháp Luân Công.

Cuối năm 2002, cha của bà Lưu đột ngột mắc bệnh tim sau khi cảnh sát nói với ông rằng họ sẽ giam giữ con gái ông thêm vài năm nữa thay vì thả bà như đã hứa. Ông đã qua đời sau đó vài ngày.

Bi kịch gia đình

Hai vợ chồng qua đời cách nhau 3 tháng

Khi được trả tự do vào ngày 2 tháng 1 năm 2023 sau khi thụ án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Cao Chấn Tài rất tiều tụy, gần như bị mù và mất khả năng lao động. Vợ ông là bà Từ Tố Cầm đã không còn ở nhà để đón ông trở về vì bà đã qua đời 1 tháng trước do căng thẳng tinh thần vì cuộc bức hại.

Sau chưa đầy 2 tháng, ông Cao cũng qua đời vào ngày 26 tháng 2, hưởng dương 71 tuổi.

Ngày 3 tháng 7 năm 2019, ông Cao bị bắt giữ tại nhà riêng và bị kết án 3,5 năm vào ngày 11 tháng 11 năm 2020.

Bởi bà Từ và con gái của họ thường xuyên tới đồn công an để yêu cầu trả tự do cho ông, cảnh sát và nhân viên ủy ban khu dân cư liên tục sách nhiều họ và yêu cầu bà ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối tuân thủ, cảnh sát nỗ lực ép con gái bà, không tu luyện Pháp Luân Công, ký thay cho bà.

Ngoài việc sách nhiễu, chính quyền còn xúi giục hàng xóm giám sát bà Từ. Đôi khi họ còn theo dõi bà lúc bà đi ra ngoài. Khi bạn bè của bà tới thăm và mang thực phẩm cho bà, hàng xóm sẽ tới nhà bà và đe dọa các bạn của bà không được tới nữa.

Do căng thẳng tinh thần, bà Từ bắt đầu bị sốt dai dẳng và phù toàn thân. Dần dần, bà mất khả năng tự chăm sóc bản thân và qua đời vào giữa tháng 11 năm 2022.

Bé gái 6 tuổi trở thành trẻ mồ côi trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Mất mẹ ruột vào tháng 7 năm 2022, gần đây bé gái Lily (hóa danh) 6 tuổi ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, đã trở thành trẻ mồ côi khi cha cháu cũng qua đời vào tháng 4 năm 2023.

Khổ nạn của Lily thậm chí đã bắt đầu trước cả khi cô bé chào đời. Do không biết mình đang mang thai, bà Chu Tú Mẫn đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ và tra tấn phi pháp kéo dài suốt 5 tháng vì tu luyện Pháp Luân Công. Thật thần kỳ khi bà vẫn giữ được thai nhi trong đó và bà đã hạ sinh thành công bé Lily vào ngày 8 tháng 12 năm 2017.

Chỉ sáu ngày sau sinh nhật của Lily, cha của cô bé là ông Vương Vũ Đông đã bị kết án 3 năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Bà Chu vừa phải một mình vật lộn để chăm sóc Lily vừa phải né tránh sự sách nhiễu của cảnh sát.

Khi ông Vương được trả tự do vào tháng 3 năm 2020, ông phải chống chọi với việc suy giảm khả năng vận động và khả năng nói chuyện do từng bị đột quỵ ở trong tù. Với sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát, gia đình họ vẫn không có khách nào để đoàn tụ bên nhau. Vào năm 2021, mẹ bé Lily đã đưa cô bé trở về nhà để sống cùng với cha, trong khi bản thân bà vẫn tiếp tục phải trốn chạy.

Rồi cơn ác mộng tồi tệ nhất của ông hóa thành sự thật khi có người gọi điện báo cho ông biết về việc bà Chu qua đời vào tháng 7 năm 2022. Mặc dù ông luôn nỗ lực hết mình để dành trọn tình yêu thương và sự chăm sóc cho cô con gái bé bỏng của mình, kể từ khi cô bé chào đời, chưa có ngày nào cháu sống yên bình mà không phải lo sợ và áp lực trước cuộc bức hại, đồng thời tổn thương về thể xác lẫn tinh thần mà ông Vương phải chịu đựng trong ngần ấy năm qua đã vượt quá giới hạn chịu đựng của ông. Ngày 9 tháng 4 năm 2023, ông ấy đã ra đi trong một giấc ngủ say. Dù cô con gái nhỏ có cố lay gọi cha mình trong tuyệt vọng thế nào, ông ấy cũng không bao giờ tỉnh dậy nữa. Cả ông và bà Chu đều qua đời ở tuổi 51.

a99ff29ded149f7f66825ed3e0bbfd8b.jpg

Ông Vương Vũ Đông

9f6b4b33903e772353fcc110357e84f1.jpg

Ông Vương Vũ Đông cùng gia đình

57b43ad0e12c9619ce302674737ac528.jpg

Con gái của ông Vương

4d48f63fafd2c80b8f9d4dbc85492a16.jpg

Con gái ông Vương ngay sau khi chào đời

Người cựu y tá bị bắt giữ chỉ một tháng sau cái chết của chồng bà, và cuối cùng bà cũng qua đời một cách oan uổng vì cuộc bức hại

Chồng của bà Lưu Tân Dĩnh đã bị liệt nửa người sau khi bị tra tấn ở trong trại lao động vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông phải nằm liệt giường trong suốt 13 năm và qua đời vào ngày 19 tháng 2 năm 2014, khi mới 45 tuổi. Một tháng sau sự ra đi của chồng, bà Lưu bị chính quyền bắt giữ và kết án 5,5 năm tù, cũng vì tu luyện Pháp Luân Công.

Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà Lưu sau khi bà trở về nhà vào tháng 3 năm 2020. Cảnh sát thường hỏi liệu bà có định ra nước ngoài định cư hay không. Ngay cả khi bà nói bà không có ý định này, cảnh sát vẫn theo dõi sát sao cuộc sống hàng ngày của bà. Họ luôn bám theo bà khi bà đi thăm con gái ở địa phương khác.

Nhiều năm vất vả chăm sóc chồng và nuôi nấng con gái, cùng như áp lực tinh thần ngày càng gia tăng từ cuộc bức hại, đã khiến sức khỏe của bà Lưu bị tổn hại nghiêm trọng. Ngày 22 tháng 4 năm 2023, cư dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh này đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 54. Thậm chí 1 tháng trước khi bà qua đời, cảnh sát địa phương vẫn gọi điện yêu cầu được nói chuyện với bà.

b5c1cfac10e9ffcf195cf7bfed29fef5.jpg

Hai vợ chồng bà Lưu Tân Dĩnh và ông Khúc Huy

Sau khi mất chồng và con gái, người phụ nữ 73 tuổi cũng qua đời vì cuộc bức hại Pháp Luân Công

Sau cái chết bi thảm của chồng và con gái nhiều năm về trước, bà Hướng Hoài Hương, một cư dân thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam, qua đời vào ngày 2 tháng 4 năm 2023 do cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 73 tuổi.

ba0bf02ad4d7fda4e638d4ebc42f0d01.jpg

Bà Hướng Hoài Hương

Con gái duy nhất của bà Hướng, cô Trần Lệ Quyên, bị bắt vào năm 2000 khi đang luyện các bài công pháp Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Lúc đó cô khoảng 20 tuổi và vẫn đang là sinh viên đại học. Cảnh sát Sâm Châu đi tới Bắc Kinh để áp giải cô về. Trong khi bị giam giữ, cô bị tra tra tấn dẫn đến căng thẳng và rối loạn thần kinh. Sau đó cô được tại ngoại, và cuối cùng bị đưa vào bệnh viện tâm thần để điều trị vào tháng 7 năm 2000. Tuy nhiên, tình trạng của cô trở nên tệ hơn, và cô qua đời vào tháng 11 năm 2004.

Sau vụ bắt giữ cuối cùng của bà Hướng vào ngày 19 tháng 7 năm 2010, chồng bà, ông Trần Chí Cường, thường đi tới Tòa án quận Tô Tiên để yêu cầu trả tự do cho vợ mình, nhưng bị nhân viên tòa án đe dọa. Do quá đau khổ về tinh thần, ông mắc bệnh ung thư gan. Vì bệnh nặng, ông đã nhiều lần cầu xin chính quyền trả tự do cho bà Hướng để bà có thể về chăm sóc cho mình nhưng luôn bị từ chối. Sau đó ông Trần tử vong tại nhà. Sau khi thi thể của ông bắt đầu phân hủy và bốc mùi thối rữa thì hàng xóm mới phát hiện ra.

Ngày 18 tháng 7 năm 2017, bà Hướng được trả tự do và phát hiện lương hưu của mình bị đình chỉ từ tháng 9 năm 2014. Bà đã nhiều lần khiếu nại với đơn vị công tác cũ và cục an sinh và xã hội tỉnh, nhưng không có kết quả.

Lãnh đạo đơn vị công tác cũ của bà cầu bà trả lại hơn 90.000 nhân dân tệ tiền lương hưu mà bà được nhận được từ tháng 9 năm 2010 đến tháng 9 năm 2014. Vì bà không có tiền để chi trả, công ty khấu trừ tiền từ tài khoản lương hưu của bà từ tháng 8 năm 2017 (1 tháng sau khi bà được thả). Họ thông báo sẽ phát cho bà một khoản trợ cấp để trang trải sinh hoạt phí tối thiểu sau khi thu hồi đủ 90.000 nhân dân tệ trong 9 năm, nhưng sẽ không khôi phục lương hưu cho bà. Sự đau khổ về tinh thần và áp lực tài chính cuối cùng cướp đi sinh mạng của bà, và cuối cùng bà qua đời lúc 5 giờ sáng ngày 2 tháng 4 năm 2023.

Người phụ nữ Sơn Tây qua đời sau 19 tháng ra tù, để lại người con gái bị suy nhược thần kinh do cuộc bức hại từ gần 20 năm trước

Tháng 1 năm 2021, bà Si Tú Lâm cư trú ở huyện Bình Định, tỉnh Sơn Tây đã bị kết án 10 tháng tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi được thả vào tháng 11 năm 2021, bà Si đối mặt với sự sách nhiễu liên tục từ phía chính quyền. Bà sống trong sợ hãi và qua đời vào tháng 6 năm 2023.

Bà Si bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 1999 và không bao giờ dao động đức tin của mình kể từ sau khi cuộc bức hại bắt đầu 6 tháng sau đó. Bà bị bắt vào năm 2003 và bị kết án 1 năm 2 tháng lao động cưỡng bức.

Con gái bà, cô Lưu Diễm Minh, lúc đó 24 tuổi và là một giáo viên của Trường Tiểu học Đông Tỏa Hoàn, huyện Bình Định, bị liên lụy sau vụ bắt giữ năm 2003 của bà Si. Cảnh sát và ban giám hiệu nhà trường gây áp lực to lớn lên người phụ nữ trẻ này chỉ vì đức tin của mẹ cô. Cô Lưu bị sốc đến mức suy nhược thần kinh và không thể làm việc kể từ nửa cuối năm 2004.

Người đàn ông Giang Tô qua đời sau hai thập kỷ bị sách nhiễu và tống tiền trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Lý Kiến Bình, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đã bị bắt giữ nhiều lần vì kiên định đức tin. Lúc không bị bắt giam, ông phải sống lưu lạc trong một khoảng thời gian để trốn tránh cảnh sát. Sau khi trở về nhà, ông phải đối mặt với sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát và sống trong nỗi sợ thường trực rằng mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Vì quan tâm đến công ty tư nhân và số bất động sản của ông Lý, cảnh sát tìm đủ mọi lý do để tống tiền ông. Từ cuối năm 2019, cảnh sát tăng cường giám sát ông Lý. Họ cùng các nhân viên ủy ban khu dân cư thậm chí còn tổ chức chơi mạt chược (một trò cờ bạc) ngay tại nhà ông và ép ông chơi cùng hòng tống tiền ông.

Viên cảnh sát chỉ huy dọa ông: “Ông nên thông minh hơn một chút. Ông nghĩ chúng tôi rảnh rỗi chỉ để chơi trò này với ông cả ngày à? Tôi nói cho ông biết, đối với loại người cứng đầu như ông, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể giết ông để moi tim gan. Hãy bảo với vợ ông, nếu chúng tôi không đến nhà ông, bà ấy sẽ phải đến chỗ của tôi. Tôi sợ rằng ông sẽ không thể tìm thấy bà ấy nữa nếu chuyện này xảy ra. Không ai giúp ông được đâu. Ông cũng có thể nói với con cái của ông như vậy. Khi chúng tôi đến đây, ông có thể giữ được công ty và tài sản của mình, vợ chồng con cái còn có thể đoàn tụ, vui vẻ hòa thuận. Há chẳng phải là tự giải quyết ổn thỏa đó sao!“

Việc sách nhiễu và tống tiền khiến tinh thần ông vô cùng căng thẳng. Ông qua đời vào giữa tháng 4 năm 2023, ở tuổi 61.

Ông Lý không phải là nạn nhân duy nhất trong gia đình bị nhắm mục tiêu trong cuộc bức hại kéo dài 24 năm qua. Mẹ ông (cũng là học viên Pháp Luân Công) đã bị cảnh sát đe dọa không được liên lạc với ông, bằng không, cả bà cụ và ông Lý đều phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Bà cụ ngoài 80 tuổi qua đời trong thống khổ vào cuối năm 2017.

Qua đời sau khi bị tiêm thuốc độc hoặc cưỡng bức dùng thuốc không rõ nguồn gốc

Tỉnh An Huy: Người đàn ông bị tiêm chất độc trong khi bị giam giữ, qua đời sau 10 tháng được trả tự do

Một cư dân ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã mất khả năng nói chuyện sau khi bị tiêm thuốc độc vào một tháng trước khi kết thúc án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Kể từ sau khi được trả tự do, ông Bành Ngọc Tín phải vật lộn với sức khoẻ suy giảm. Ông đã qua đời vào giữa tháng 8 năm 2022 ở tuổi 55, chỉ 10 tháng sau khi ra tù.

Ông Bành, một cựu viên chức của Cục Thống kê Tỉnh An Huy, đã bị bắt tại khu phố ông ở vào ngày 24 tháng 4 năm 2020. Cảnh sát không trình giấy tờ chứng minh thân phận, lệnh lục soát hoặc xưng danh tính, đã liền xông vào nhà ông Bành và tịch thu máy tính xách tay, 2 máy in, 50 sách Pháp Luân Công cùng 500 Nhân dân tệ tiền mặt của ông. Ông Bành được thả vào khoảng 11 giờ đêm.

Tháng 5 năm 2020, ông Bành đã đến đồn công an để yêu cầu cảnh sát trả lại đồ bị tịch thu, nhưng ông đã bị bắt và bị giam ở trại tạm giam Thành phố Hợp Phì. Sau đó, ông bị kết án bí mật 1,5 năm và thụ án trong cùng trại tạm giam đó.

Một tháng trước khi được trả tự do, ông Bành bị đưa ra khỏi trại tạm giam địa phương để tiêm chất độc màu hồng tổng cộng sáu lần. Sau khi được thả vào ngày 23 tháng 10 năm 2021, ông gần như mất khả năng ngôn ngữ, không thể nói năng mạch lạc.

Ông chỉ có thể thỉnh thoảng thốt ra một vài từ đơn lẻ. Khi được hỏi liệu có phải ông bị tiêm thuốc độc hay không, ông gật đầu. Nhận thức tổng thể của ông cũng giảm sút đáng kể. Ông không thể viết địa chỉ của mình. Nhưng khi những người khác viết vài địa chỉ cho ông, ông có thể nhận ra địa chỉ chính xác. Do tình trạng của ông, không rõ liệu ông Bành có bị tra tấn bằng các hình thức khác trong khi bị giam giữ hay không.

Ông Bành đã vật lộn với tình trạng sức khoẻ kém sau khi được thả, nhất là khi ông chỉ sống một mình. Vào giữa tháng 8 năm 2022, các học viên Pháp Luân Công địa phương đột nhiên nghe tin ông qua đời. Theo lời chị gái ông Bành, hàng xóm của ông đã báo cáo cái chết của ông với cảnh sát và xét nghiệm pháp y do Công an Quận Thục Sơn công bố rằng ông tử vong do lên cơn đột quỵ.

Người phụ nữ Sơn Tây bị ép uống thuốc không rõ nguồn gốc trong khi bị giam giữ, và qua đời 9 tháng sau đó

Bà Điền Kim Nga, một cư dân ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, đã bị cưỡng bức uống một số thuốc không rõ nguồn gốc trong thời gian bị tạm giam 10 ngày vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Sau khi bà được thả, bà xuất hiện phản ứng chậm chạp và trí nhớ giảm sút rõ rệt. Lòng bàn tay và ngón tay của bà ấy chuyển sang màu đen sậm. Khoảng 9 tháng sau thì bà qua đời. Gia đình nghi ngờ rằng loại thuốc mà bà bị cưỡng chế uống trong lúc bị giam giữ là thuốc độc.

Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công kéo dài gần 24 năm qua của chính quyền cộng sản Trung Quốc, việc cưỡng ép các học viên sử dụng các loại thuốc độc thường được áp dụng tại các cơ sở giam giữ và nhà tù trên khắp Trung Quốc nhằm hủy hoại sức khỏe và ý chí của các học viên.

Ngày 30 tháng 8 năm 2019, bà Điền Kim Nga bị cảnh sát bắt giữ trong một cuộc truy bắt tập thể. Trong thời gian bà bị giam ở Trại tạm giữ thành phố Đại Đồng, cảnh sát tuyên bố bà bị huyết áp cao và yêu cầu bà phải uống một số loại thuốc. Khi bà từ chối, cảnh sát đã trói bà vào giường và đe dọa bức thực bà bằng thuốc. Lúc đó, một cảnh sát đến và nói với bà Điền: “Chúng tôi chỉ giữ bà ở đây 10 ngày. Nếu bà tự mình uống thuốc, bà sẽ không bị bức thực, vì điều này sẽ khiến bà khá đau đớn.”

Sau đó bà Điền đã đồng ý tự uống thuốc. Nhưng 10 ngày sau, khi bà được thả, trí lực của bà đã suy giảm đáng kể. Bà thường hay quên đồ và phản ứng rất chậm chạp. Diện mạo của bà già nua đi nhiều.

Tháng 5 năm 2020, chỉ 2 ngày trước khi bà Điền qua đời, một người bạn của bà phát hiện lòng bàn tay và các ngón tay của bà tím đen lại. Người này liền hỏi đã có chuyện gì xảy ra với bà. Bà Điền trả lời rằng chúng đã như vậy trong mấy tháng qua.

Ngoài lần bị bắt gần nhất này, trước đó bà Điền đã bị kết án một năm tại Trại lao động cưỡng bức nữ Thái Nguyên sau khi bị bắt vào ngày 19 tháng 4 năm 2007 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.

Người đàn ông Liêu Ninh qua đời sau 10 tháng kể từ lần bị bắt giữ gần nhất chỉ vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công

Một cư dân Thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh đã bị ép tiêm cái gọi là vắc-xin COVID-19 và bắt đầu xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng hai ngày sau đó. Sau khi bị sốt và ho dai dẳng trong 10 tháng, ông Điền Hiểu Phi đã qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 2023. Khi đó ông 65 tuổi.

Ông Điền bị bắt tại nhà vào ngày 13 tháng 7 năm 2022 chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát đội mũ trùm màu đen lên đầu ông và đưa ông đến đồn công an để thẩm vấn. Cảnh sát trả lời: “Chúng tôi bảo vệ kẻ xấu và bắt người tốt.”

7a6438a744d6972a03826dcc223e7ade.jpg

Hình minh họa: Bị nhốt trong lồng kim loại

Cảnh sát nhốt ông Điền trong một chiếc lồng kim loại, trong đó ông không thể đứng dậy hoặc duỗi chân. Ông đã tuyệt thực trong hai ngày. Cảnh sát liên tục thẩm vấn và đe dọa ông, nhưng ông không thỏa hiệp.

Một viên cảnh sát tên Trần đe dọa ông: “Kể cả tôi phải bỏ tiền túi, tôi cũng sẽ hối lộ để đưa ông vào trại tạm giam địa phương và kết án ông thêm 10 năm nữa.”

Cảnh sát đưa ông Điền tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Họ giữ ông và ép ông tiêm một mũi tiêm mà họ tuyên bố là vắc-xin COVID-19. Khi ông Điền không qua được cuộc kiểm tra sức khỏe, cảnh sát đã cố ép buộc bác sĩ làm giả kết quả kiểm tra sức khỏe của ông. Bác sĩ từ chối làm theo, và sau đó trại tạm giam đã từ chối tiếp nhận ông.

Ông Điền được đưa về nhà vào tối ngày 15 tháng 7 năm 2022. Ông không thể ăn được gì, còn phải chịu đựng cơn sốt và ho dai dẳng. Ông cũng bị sụt cân nghiêm trọng. Ông đã qua đời trong vòng chưa đầy 10 tháng sau khi về nhà.

Trước vụ bắt giữ cuối cùng này, ông Điền đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 26 tháng 12 năm 2000. Ông bị bắt vào ngày 26 tháng 2 năm 2002 và bị kết án bí mật 10 năm tù.

Bài liên quan:

20 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 5 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 4 năm 2023

Báo cáo tháng 2 năm 2023: 25 học viên Pháp Luân Công qua đời do bị bức hại

Báo cáo tháng 2 năm 2023: 19 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại

Báo cáo tháng 1 năm 2023: 117 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

15 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 1 năm 2023

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/13/462863.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/18/210362.html

Đăng ngày 24-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share