Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 10-03-2023] Báo cáo tháng 2 năm 2023 ghi nhận 19 học viên Pháp Luân Công tử vong do cuộc bức hại của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Trong số các trường hợp tử vong, bốn trường hợp diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2021, bảy trường hợp vào năm 2022 và năm trường hợp vào năm 2023. Đến nay vẫn chưa rõ thời điểm chính xác về cái chết của ba học viên còn lại. Do tình trạng kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các trường hợp học viên bị tử vong không thể luôn được báo cáo kịp thời hoặc có sẵn thông tin.

Các học viên tử vong đến từ 12 tỉnh thành. Tỉnh Sơn Đông và Giang Tây mỗi nơi ghi nhận bốn trường hợp. Tỉnh Hắc Long Giang báo cáo hai trường hợp. 9 tỉnh còn lại gồm Vân Nam, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Sơn Tây, Giang Tô, Cát Lâm, Quảng Đông, Cam Túc và Nội Mông, mỗi nơi ghi nhận một trường hợp tử vong.

Trong số các học viên qua đời, có hai trường hợp là trong khi bị giam giữ, gồm một cựu phát thanh viên 30 tuổi bị đánh đập đến chết trong tù và một kỹ sư cao cấp 86 tuổi qua đời chỉ vài ngày trước khi mãn hạn bốn năm tù. Một nữ học viên qua đời do suy sụp tinh thần chỉ ba năm sau lần bắt giữ cuối cùng. Hầu hết những học viên còn lại qua đời do không chịu nổi sự bức hại về thể chất và tinh thần trong nhiều năm.

Dưới đây là một số trường hợp điển hình. Danh sách đầy đủ của 19 học viên có thể tải xuống tại đây (PDF).

Tử vong trong quá trình bị giam giữ

Học viên 30 tuổi, từng là người dẫn chương trình phát thanh bị đánh đập đến chết trong tù vì kiên định tu luyện

Ngày 2 tháng 12 năm 2022, anh Bàng Huân, 30 tuổi, nguyên là người dẫn chương trình của Đài Phát thanh Nhân dân Tứ Xuyên, bị đánh chết trong thời gian thụ án oan năm năm ở Nhà tù Gia Châu, tỉnh Tứ Xuyên.

705174dd9204fcc177d5cf5fd4e6cc6f.jpg

Anh Bàng Huân

Thi thể anh Bàng đầy những vết bầm tím do bị đánh đập, vết thương do bị điện giật và vết trói bằng dây thừng. Trước lúc mất, anh còn không tự chủ được đại tiểu tiện.

4e06161b04b6219eb95da7eeef35736f.jpg

bc3695e4b1540c4761fa32ccfff6452e.jpg

8db8dd622b75950604a09714f643b4b2.jpg

1a5088ac8e51f1fe268ff100ab34ce99.jpg

Thi thể anh Bàng Huân đầy vết bầm tím khi qua đời.

Nhà tù không thừa nhận đã tra tấn anh Bàng, và một mực khẳng định anh chết là do bị bệnh cường giáp.

Ngày 27 tháng 7 năm 2020, anh Bàng bị bắt giữ vì phát tài liệu Pháp Luân Công, sau đó bị kết án năm năm tù và thụ án tại Nhà tù Gia Châu.

Cụ ông 86 tuổi qua đời chỉ vài ngày trước thời điểm mãn hạn tù oan sai

Một cư dân 86 tuổi ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã qua đời vào ngày 4 tháng 1 năm 2023, chỉ vài ngày trước khi mãn hạn bốn năm tù oan vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Lý Bồi Cao là kỹ sư cao cấp của Công ty Xây Lắp Vân Nam, đã nghỉ hưu vào năm 1994 và sống một mình. Sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ông Lý trở thành đối tượng bị đàn áp liên tục chỉ vì giữ vững đức tin của mình. Ông đã bị giam giữ ba lần trong một trung tâm tẩy não, bị bắt giữ hàng chục lần và nhà ông bị lục soát bảy lần. Khi ông không bị giam giữ, cảnh sát lại kiểm soát và theo dõi, nghe trộm điện thoại và thường xuyên triệu tập ông đến thẩm vấn.

Bản án oan sai gần đây của ông Lý là sau lần bị bắt giữ vào ngày 26 tháng 11 năm 2015 cùng hai học viên khác, bà Kỷ Phúc Tiên và bà Hòa Song Phượng. Do tuổi cao, ông được tại ngoại. Ông bị Tòa án Quận Tây Sơn xét xử vào ngày 8 tháng 9 năm 2016, và bị kết án bốn năm vào ngày 8 tháng 10 năm 2016. Tháng 1 năm 2019, ông bị đưa đến Nhà tù Tỉnh Vân Nam để thụ án. Nhà tù không cho phép người nhà vào thăm ông.

Theo thông tin từ các tù nhân được thả trước ông, sức khỏe ông Lý vẫn rất tốt khi ở trong tù, và họ rất sốc khi ông đột ngột qua đời chỉ vài ngày trước khi ông được thả. Nhà tù tuyên bố ông chết vì bị bệnh, nhưng không cung cấp bất cứ thông tin gì cho gia đình ông.

Những trường hợp tử vong do bị bức hại trong thời gian dài

Sau 10 năm bị tra tấn tàn nhẫn, người phụ nữ Sơn Đông suy sụp tinh thần sau lần bắt giữ gần nhất và qua đời 3 năm sau đó

Bà Dương Văn Kiệt, một cư dân thành phố Chiêu Viễn, tỉnh Sơn Đông qua đời vào ngày 1 tháng 2 năm 2023 ở tuổi 61, chỉ ba năm sau khi bị suy sụp tinh thần do lần bắt giữ gần đây nhất vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 8 tháng 3 năm 2018, bà Dương Văn Kiệt bị bắt vì treo biểu ngữ có nội dung “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Trong ba tháng đầu tiên bị giam trong Trại tạm giam Phúc Sơn, lính canh tù không cho người nhà vào thăm bà. Bà không được cung cấp bất kỳ nhu yếu phẩm hàng ngày nào, kể cả giấy vệ sinh. Tại thời điểm bị bắt, bà chỉ mặc một chiếc áo khoác dày. Khi thời tiết ấm lên, trại tạm giam cũng không cung cấp cho bà quần áo mỏng hơn để thay.

Một người được thả khỏi trại giam cho biết bà Dương bị biệt giam, và không ai biết bà đã bị tra tấn như thế nào, tuy nhiên những người ở các phòng giam gần đó nhiều lần nghe thấy tiếng la thất thanh đầy tuyệt vọng của bà.

Cảnh sát không thông báo cho gia đình bà Dương về vụ bắt giữ. Phải hơn 10 ngày gia đình mới xác nhận được rằng bà đã bị bắt. Khi gia đình bà đến Đội An ninh Nội địa để yêu cầu thả người, cảnh sát nói họ sẽ thả bà sau hai tuần nữa.

Hai tuần trôi qua, cảnh sát đã nuốt lời và lại nói họ sẽ giam bà trong ba tháng. Khoảng 50 ngày sau khi bà Dương bị bắt, cảnh sát đã gọi điện cho gia đình bà thông báo lệnh bắt giữ bà đã được phê chuẩn, và họ đã chuyển hồ sơ vụ án của bà lên viện kiểm sát.

Gia đình đi tới viện kiểm sát để hỏi về trường hợp của bà. Nhân viên tiếp dân nói rằng hồ sơ vụ án của bà vẫn đang nằm ở cơ quan công an và công an có một tháng rưỡi để thu thập bằng chứng chống lại bà. Gia đình quay trở lại Đội An ninh Nội địa, nhưng bảo vệ không cho họ vào và cảnh sát phụ trách từ chối trả lời cuộc gọi của gia đình.

Vài ngày sau, cảnh sát bất ngờ gọi điện yêu cầu gia đình bà Dương đến đón bà. Gia đình vô cùng đau lòng khi thấy bà suy sụp tinh thần và cư xử kỳ lạ. Họ nghi ngờ bà đã bị đầu độc bằng thuốc trong trại giam. Gia đình đã đưa bà vào bệnh viện tâm thần để điều trị. Sau ba năm, tình trạng của bà vẫn không mấy cải thiện, đến ngày 29 tháng 1 năm 2023, chỉ ba ngày sau khi gia đình chuyển bà tới một bệnh viện địa phương, bà đã trút hơi thở cuối cùng.

Những lần bức hại trước đây

Trước lần bị bắt vừa qua, bà Dương đã bị kết án hai kỳ trại lao động liên tiếp, tổng cộng là sáu năm tù từ năm 2002 đến năm 2008. Bà liên tục bị đánh đập, biệt giam và cấm ngủ. Lính canh còn còng tay bà trong những tư thế cực kỳ tàn bạo hoặc treo cổ tay bà lên. Bà không được phép về thăm cha (đã ngoài 80 tuổi) sau khi ông ngã bệnh, cũng không được về dự đám tang cha sau khi ông qua đời.

Cuối tháng 7 năm 2010, bà Dương lại bị bắt và bị kết án bốn năm tù. Trong vài tháng đầu tiên, bà bị cấm ngủ, không được đánh răng hay mua giấy vệ sinh. Lính canh cũng bức thực bà bằng nước tiểu.

Lính canh đã giam bà Dương trong một căn phòng rộng năm mét vuông suốt bốn năm, không có cửa sổ, chỉ có một lỗ nhỏ trên cửa để lính canh đưa thức ăn và nước uống vào cho bà. Trong phòng không có giường, bà phải ngủ dưới nền nhà, kể cả trong mùa đông lạnh giá. Vào mùa hè nóng bức, căn phòng nóng đến mức bên trong bốc hơi, mà không có hệ thống thông gió. Nhà vệ sinh không có nước để xả, mỗi khi bà dùng xong, tù nhân chỉ cho bà một bát nước nhỏ để dội chất thải đi.

Người phụ nữ Sơn Tây bị cưỡng chế uống thuốc không rõ nguồn gốc trong khi bị giam giữ, và qua đời sau chín tháng

Bà Điền Kim Nga, một cư dân ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, đã bị cưỡng bức uống một số thuốc không rõ nguồn gốc trong thời gian bị tạm giam 10 ngày vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi được thả, bà có phản ứng chậm chạp và trí nhớ giảm sút rõ rệt. Lòng bàn tay và ngón tay của bà đen sạm đi. Khoảng chín tháng sau, bà qua đời. Gia đình nghi ngờ loại thuốc mà bà bị cưỡng chế uống trong lúc bị giam giữ là thuốc độc.

Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài gần 24 năm qua của chính quyền cộng sản Trung Quốc, việc cưỡng ép các học viên sử dụng các loại thuốc độc thường được áp dụng tại các cơ sở giam giữ và nhà tù trên khắp Trung Quốc nhằm hủy hoại sức khỏe và ý chí của các học viên.

Ngày 30 tháng 8 năm 2019, bà Điền Kim Nga bị cảnh sát bắt giữ trong một cuộc truy bắt tập thể. Trong thời gian bà bị giam ở trại tạm giam Thành phố Đại Đồng, cảnh sát tuyên bố bà bị cao huyết áp và yêu cầu bà phải uống một số loại thuốc. Khi bà từ chối, cảnh sát đã trói bà vào giường và đe dọa bức thực bà bằng thuốc. Lúc đó, một cảnh sát đến nói với bà Điền: “Chúng tôi chỉ giữ bà ở đây 10 ngày. Nếu tự uống thuốc thì bà sẽ không bị bức thực, vì bức thực sẽ khiến bà đau đớn đấy.”

Sau đó, bà Điền đã đồng ý tự uống thuốc. Nhưng 10 ngày sau, khi được thả, trí lực của bà đã suy giảm nhiều. Bà thường hay quên đồ và phản ứng rất chậm. Diện mạo của bà già nua đi nhiều.

Tháng 5 năm 2020, chỉ hai ngày trước khi bà Điền qua đời, một người bạn của bà phát hiện lòng bàn tay và các ngón tay của bà tím đen lại. Người này liền hỏi đã có chuyện gì xảy ra với bà. Bà Điền trả lời chúng đã như vậy trong mấy tháng qua.

Trước lần bị bắt gần nhất này, bà Điền đã bị kết án một năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Thái Nguyên sau khi bị bắt vào ngày 19 tháng 4 năm 2007 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.

Người phụ nữ Giang Tô qua đời vì giữ vững đức tin sau nhiều năm bị giam giữ và sách nhiễu

Trải qua hai lần ở trại lao động cưỡng bức, một án tù và nhiều lần bị sách nhiễu và giam giữ vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, một cư dân thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã qua đời vào ngày 25 tháng 12 năm 2022, ở tuổi 61.

Bà Vương Huệ Lan từng bị Hội chứng Sjogren (một chứng rối loạn hệ thống miễn dịch) và bị đau khớp. Bà mất khả năng lao động hoặc tự chăm sóc bản thân. Ngay khi mất đi hy vọng vào cuộc sống, bà đã tu luyện Pháp Luân Công và bình phục.

Bà bị chính quyền đưa vào danh sách đen, và bị sách nhiễu và giam giữ trong thời gian dài vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công sau khi cuộc bức hại xảy ra. Trong thời gian thụ án trong trại lao động và nhà tù, bà liên tục bị đánh đập và bức thực bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Cha mẹ bà chấn thương tâm lý nặng nề vì con gái bị bức hại, vì thế mà lần lượt qua đời. Chồng bà cũng buộc phải ly hôn với bà để tránh bị liên lụy.

Lần cuối cùng bà Vương bị bắt là vào giữa tháng 3 năm 2020 khi bà đọc sách Pháp Luân Công tại nhà của một học viên khác. Bà bị giam trong một trung tâm tẩy não trong gần 10 ngày và được thả sau khi bà lên cơn sốt cao.

Bà Vương buộc phải sống phiêu bạt mấy tháng sau khi bị trưởng Phòng 610 sách nhiễu vào ngày 10 tháng 7 năm 2020. Mùa hè năm 2021, bà mất khả năng lao động và tiểu tiện không tự chủ. Đến tháng 11 năm 2021, bà trở nên lú lẫn và đại tiện mất kiểm soát. Anh trai bà đã đưa bà đến một viện dưỡng lão. Bà dần mất khả năng nói, và qua đời ngày 25 tháng 12 năm 2022.

Một người phụ nữ ở tỉnh Sơn Đông qua đời vì bị bức hại

Ngay sau khi bị bắt vào năm 2018 vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công, bà Trương Tĩnh bị suy tim nặng và có lần đứng bên cửa tử. Chưa đầy một năm sau khi bà được tại ngoại, tòa án địa phương lại kết án ba năm rưỡi tù cho bà, và tòa án cấp cao bác đơn kháng cáo của bà.

Do tình trạng sức khỏe nên bà Trương chưa bị bắt để thi hành án ngay. Kể từ tháng 4 năm 2020, sức khỏe của bà ngày một kém đi và đã nhiều lần phải đi cấp cứu. Sau ba năm chống chọi với bệnh tật, người phụ nữ ở huyện Cự Dã, tỉnh Sơn Đông này đã qua đời vào ngày 2 tháng 2 năm 2023 ở tuổi 66.

Bản án mới nhất của bà Trương được ban hành cho lần bà bị bắt giữ vào ngày 9 tháng 11 năm 2017 vì chăm sóc một học viên Pháp Luân Công địa phương đang đau ốm. Bà Trương đã tuyệt thực và được trả tự do sau ba ngày, không phải chấp hành quyết định tạm giam 15 ngày mà cảnh sát ban hành.

Ngày 11 tháng 10 năm 2018, cảnh sát tìm cách bắt giữ bà Trương với lý do bà chưa thi hành án. Bà Trương thoát được vụ bắt giữ vì không có nhà khi cảnh sát đến, nhưng kể từ đó bà buộc phải sống phiêu bạt để tránh bị bắt giữ.

Trong thời gian sống xa nhà, bà đã viết thư tay gửi cho cảnh sát và kêu gọi họ ngừng tham gia vào cuộc bức hại. Cảnh sát đã xác định được vị trí của bà thông qua lá thư và bắt giữ bà vào ngày 27 tháng 11 năm 2018. 20 ngày sau, vụ bắt giữ bà mới được Viện kiểm sát Huyện Cự Dã phê chuẩn.

Trong trại tạm giam Thành phố Hà Trạch, bà Trương bị suy tim nặng và sưng phù toàn thân. Gia đình và luật sư của bà đã nhiều lần hối thúc Viện Kiểm sát Huyện Cự Dã trả tự do cho bà, nhưng công tố viên đã từ chối và chuyển vụ án của bà lên Viện Kiểm sát Huyện Tào. Mặc dù ngày 19 tháng 1 năm 2019, Viện Kiểm sát Huyện Tào đã cho bà Trương được tại ngoại, nhưng họ không hủy bỏ vụ án mà vẫn tiếp tục truy tố bà.

Tòa án Huyện Tào đã kết án bà Trương 3,5 năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Hà Trạch, nhưng cơ quan này giữ nguyên án sơ thẩm. Do tình trạng sức khỏe của bà Trương, tòa án tạm thời hoãn thi hành án.

Đến tháng 1 năm 2020, cảnh sát đến sách nhiễu và lục soát nhà bà Trương sau khi bà bị tố giác vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Trong vài tháng tiếp theo, sức khỏe của bà nhanh chóng xấu đi, và bà phải nhập viện vào tháng 4 năm 2020. Trong khi đó, cảnh sát đã ra lệnh cho công ty cũ của bà đình chỉ lương hưu và bảo hiểm y tế của bà. Các con của bà phải tự trang trải 150.000 Nhân dân tệ chi phí y tế cho bà trong ba năm tiếp theo. Trong khi bà nằm liệt giường, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục sách nhiễu bà và người nhà.

Người đàn ông Cam Túc qua đời sau nhiều năm bị giam giữ và sách nhiễu

Sau nhiều năm bị giam giữ và sách nhiễu vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, ông Cao Cát Ngân đã qua đời vào ngày 29 tháng 12 năm 2022 ở tuổi 50. Thậm chí một tháng sau khi ông qua đời, cảnh sát vẫn gọi điện cho gia đình ông và hỏi ông có ở nhà hoặc đi ra ngoài để nói với mọi người về Pháp Luân Công hay không.

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, cả hai vợ chồng ông Cao đã nhiều lần bị bắt giữ và sách nhiễu.

Trong một lần bắt giữ ngày 15 tháng 10 năm 2004, cảnh sát đã đánh và đá họ một cách tàn nhẫn ngay trước mặt con trai năm tuổi của họ. Cậu bé bị bỏ lại ở nhà một mình, nhiều ngày sau mới được một người họ hàng đến đón. Sau đó, ông Cao bị kết án năm năm và bà Vương bị kết án ba năm.

Trong tù, ông Cao bị cấm ngủ, bị cưỡng chế xem các video phỉ báng Pháp Luân Công và bị các tù nhân đánh. Cách thức đánh đập của tù nhân khiến ông Cao bị nội thương mà không có biểu hiện bên ngoài. Mặc dù khi đó ông mới ngoài 30, nhưng tóc đã ngả bạc, ông bị mất ngủ và phản ứng chậm chạp. Các ngón tay bị tê bì, và bị đau cổ triền miên.

Hai vợ chồng ông tiếp tục bị sách nhiễu không ngừng sau khi ông được thả. Năm 2017, có lần, một số thanh niên tiếp cận ông Cao khi ông đang trên đường từ cửa hàng về nhà lúc 6 giờ sáng. Một người đã bóp cổ ông, đẩy ông vào một ô tô màu trắng gần đó và đưa ông đến đồn công an.

Vào lúc 8 giờ sáng, một số cảnh sát đến nhà ông Cao, một người trong đó gắn máy quay trên vai. Họ cố gắng mở cửa bằng chiếc chìa khóa đã giật được từ ông Cao. Sau khi vợ ông khóa trái cửa, cảnh sát đã gọi một thợ khóa đến và cố gắng đột nhập vào trong.

Chứng kiến cảnh cha mẹ bị bắt nhiều lần, cậu con trai 17 tuổi của đôi vợ chồng này chạy ra cửa sổ căn hộ ở tầng năm và hô hoán hàng xóm đến giúp đỡ. Chỉ khi đó, cảnh sát mới rời đi.

Ngày 20 tháng 9 năm 2021, khi ông Cao đang ngủ trưa thì một tiếng động ở gần cửa sổ khiến ông tỉnh giấc. Ông đứng dậy và thấy một bàn tay thò vào bên trong vén rèm lên.

Ông nhìn ra ngoài cửa sổ thì thấy hai người đàn ông đứng trong thang máy, một người đang chụp ảnh bên trong căn hộ. Cùng lúc đó, một số người gõ cửa nhà ông ấy và quát tháo: “Cao Cát Ngân, chúng tôi là người của ủy ban. Mau mở cửa! Chúng tôi biết ông đang ở nhà!“

Do bị bức hại trong thời gian dài, ông Cao bắt đầu xuất hiện những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ông trở nên tiều tụy và qua đời vào ngày 29 tháng 12 năm 2022.

Người phụ nữ Thiểm Tây qua đời ở tuổi 53 sau bản án bốn năm tù và nhiều lần bị sách nhiễu

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Phương Lập Đình cùng người nhà bị bắt giữ, tống giam và tra tấn. Sự đau khổ về tinh thần triền miên đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà. Ngày 19 tháng 1 năm 2023, bà Phương, cư dân ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã qua đời ở tuổi 53.

Bà Phương, tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Tây An, đã tu luyện Pháp Luân Công trước khi cuộc bức hại bắt đầu. Bố chồng bà, ông Dương Hằng Thanh, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học và Công nghệ Tây An; mẹ chồng bà, bà Long Ái Cầm, một nhân viên của một trường đại học đã nghỉ hưu; và anh rể bà, ông Dương Chiêu Tuấn, một luật sư, cũng tu luyện Pháp Luân Công.

Mùa thu năm 2000, Bà Phương đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã trốn thoát được sau khi bị bắt. Khi trở về Tây An, bà và các học viên địa phương khác đã thành lập các điểm in tài liệu thông tin về Pháp Luân Công trên quy mô lớn nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.

Trong một cuộc truy quét của cảnh sát nhằm triệt phá các điểm in tài liệu, ngày 31 tháng 8 năm 2002, cha mẹ chồng của bà Phương đã bị bắt. Ba ngày sau, bà Phương cũng bị bắt. Cả nhà bà và nhà mẹ ruột bà đều bị lục soát.

Cảnh sát đã treo cổ tay bà Phương lên và thẩm vấn bà. Ban đầu, bà bị giam tại Trung tâm Cai nghiện Ma túy Lạp Gia Than và sau đó bị chuyển đến Trung tâm Tẩy não Thành phố Tây An, trước khi bị kết án bốn năm.

Tại Nhà tù Nữ Tỉnh Thiểm Tây, bà Phương bị cưỡng bức lao động nặng và bị bỏ đói. Các tù nhân tùy ý tra tấn bà và thường xuyên buộc bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bản án của bà đã giáng một đòn nặng nề vào người cha của bà, khiến ông qua đời không lâu sau đó. Trong thời gian bà bị cầm tù, con gái ba tuổi của bà bị sinh chứng viêm cơ tim.

Bốn năm tù giam cũng bào mòn sức khỏe của bà Phương, thận của bà bị tổn thương nghiêm trọng.

Ngày 23 tháng 8 năm 2015, bà Phương đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chính quyền cộng sản, thủ phạm khởi xướng cuộc bức hại. Để trả đũa, cảnh sát liên tục sách nhiễu bà. Sự sách nhiễu càng gia tăng trong chiến dịch “Xóa sổ” vào năm 2021 và 2022, khi chính quyền muốn ép buộc tất cả các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ.

Sự thống khổ về tinh thần đặt lên bà Phương áp lực chồng chất, khiến sức khỏe của bà nhanh chóng suy giảm và chức năng thận suy kiệt. Cuối cùng, bà qua đời vào ngày 19 tháng 1 năm 2023.

Báo cáo liên quan:

15 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 1 năm 2023

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/10/457583.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/15/207680.html

Đăng ngày 31-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share