Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 02-09-2023] Tháng 8 năm 2023 ghi nhận báo cáo về 21 học viên Pháp Luân Công qua đời trong cuộc bức hại vì kiên định đức tin của mình.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, vô số người Trung Quốc đã ấn tượng trước những Pháp lý thâm sâu và lợi ích sức khỏe của pháp môn này. Lo sợ trước sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công, vào tháng 7 năm 1999, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm bức hại và xóa sổ pháp môn này.

Trong 21 trường hợp tử vong được xác nhận, có 1 trường hợp qua đời vào năm 2007, 2 trường hợp vào năm 2021, 6 trường hợp vào năm 2022 và 12 trường hợp vào năm 2023. Trong số 21 học viên nói trên, 15 (71%) học viên là nữ giới. Đã xác định được tuổi (thời điểm qua đời) của 17 học viên tại (độ tuổi dao động từ 30 đến 79), trong đó 6 học viên ở độ tuổi 60 và 9 học viên ở độ tuổi 70.

Các học viên qua đời đến từ 12 tỉnh và thành phố. Sơn Đông và Nội Mông Cổ, mỗi nơi báo cáo 3 trường hợp; Liêu Ninh, Hồ Nam, Hà Bắc, Cát Lâm và Hắc Long Giang, mỗi tỉnh báo cáo 2 trường hợp; 5 địa phương còn lại, bao gồm Giang Tây và Phúc Kiến, cùng 3 thành phố trực thuộc trung ương là Thiên Tân, Trùng Khánh và Bắc Kinh, mỗi nơi báo cáo 1 trường hợp.

Có 2 học viên đã tử vong trong lúc bị giam giữ. Một giáo viên nghỉ hưu 75 tuổi đã qua đời vào ngày 13 tháng 7 năm 2023 trong khi đang thụ án 6 năm tù tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang. Lính canh đã tùy tiện hỏa táng thi thể của bà trước khi thông báo cho người thân của bà. Một nam học viên khác qua đời vào tháng 3 năm 2021 tại Nhà tù Võng Lĩnh ở tỉnh Hồ Nam, sau chưa đầy 3 năm bị cầm tù.

2 học viên không thể hồi phục từ những thương tích hình thành trong lúc bị giam giữ, và tử vong ngay sau khi được thả. Trong đó có một bác sỹ châm cứu ở tỉnh Sơn Đông, qua đời vào ngày 28 tháng 3 năm 2023, ở tuổi 58. Bà bị bệnh tim sau khi bị tra tấn trong 3 trại lao động cưỡng bức và bị đầu độc bằng những loại thuốc không rõ chủng loại trong lúc bị giam giữ. Một người phụ nữ khác đến từ Thiên Tân qua đời vào ngày 28 tháng 6 năm 2023, sau chưa đầy 2 tháng chấp hành bản án 5,5 năm tù.

Một số học viên liên tục bị sách nhiễu và khủng bố. Họ phải chịu áp lực tinh thần, nỗi sợ hãi và thống khổ tột cùng. Trong số họ có những người đã phải rời khỏi nhà sống lưu lạc nay đây mai đó để tránh bị bức hại. Một số học viên khác gặp khó khăn về tài chính vì không thể tìm được việc làm hoặc bị đình chỉ lương hưu.

Một người phụ nữ ở tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào năm 2023 ở tuổi 63, sau nhiều năm sống trong cảnh nghèo túng. Một người phụ nữ ở tỉnh Giang Tây qua đời vào năm 2023 ở tuổi 50, vì không đủ tiền điều trị tại bệnh viện. Một người phụ nữ ở tỉnh Cát Lâm đã bị kết án 9 tháng tù, dù lúc đó bà đang ở trong tình trạng nguy kịch. Cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà trong thời gian bà đang thụ án tại nhà. Áp lực tinh thần khiến tình trạng sức khỏe của bà nhanh chóng xấu đi và bà qua đời vào tháng 8 năm 2022.

Dưới đây là một số trường hợp tử vong được báo cáo vào tháng 8 năm 2023. Danh sách đầy đủ của 21 học viên có thể tải xuống tại đây (PDF).

Tử vong trong lúc bị giam giữ

Tin muộn: Người đàn ông Hồ Nam qua đời năm 2021 khi đang thụ án tù 8 năm vì tu luyện Pháp Luân CôngÔng Lưu Triều Dương là một cư dân của thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam. Ông bị bắt vào ngày 12 tháng 5 năm 2015 và bị kết án 8 năm tù vào tháng 6 năm 2018. Ngày 23 tháng 10, ông bị đưa vào khu số 10 của Nhà tù Võng Lĩnh (thành phố Chu Châu, Hồ Nam). Trong vòng chưa đầy 3 năm bị giam cầm, ông đã tử vong trong tù sau khi bị tra tấn vào tháng 3 năm 2021.

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông Lưu thường xuyên bị bắt và bỏ tù vì không từ bỏ tu luyện. Theo lời kể của một học viên từng bị giam giữ trong cùng Trại tạm giam với ông Lưu vào khoảng tháng 5 năm 2001, lính canh đã trói ông Lưu trên một chiếc ghế băng và ra lệnh cho ông phải đọc hoặc xem những tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Ông Lưu từ chối tuân theo và nhắm mắt để phản kháng. Lính canh sau đó đã cạy mắt ông mở ra và còn không cho ông ngủ. Sau đó, ông bị phạt lao động cưỡng bức (không rõ thời hạn).

Vào khoảng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm 2005, cảnh sát ở Thường Đức đã bắt giữ nhiều học viên sau khi theo dõi họ trong một thời gian dài, trong đó có ông Lưu. Sau đó, ông bị kết án tù (không rõ thời hạn). Ông bị đưa vào Nhà tù Tân Thị vào tháng 10 năm 2005. Khi bị giam trong Trung tâm Điều phối của nhà tù, ông đã bị Trương Sầm Hoa (giám đốc trung tâm) và một số lính canh đánh đập dã man. Quần áo của ông bị xé rách và mặt ông sưng vù vì bị đánh đập.

Sau một vụ bắt giữ khác vào tháng 8 năm 2015, ông Lưu bị thẩm vấn tại trại tạm giam Bạch Hạc Sơn. Cảnh sat đánh đập ông tàn bạo, khiến phần thân dưới của ông chảy máu. Ông được trả tự do vào khoảng tháng 10 năm 2015.

Một giáo viên về hưu 75 tuổi qua đời trong Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang

Bà Mưu Vĩnh Hà, một giáo viên đã nghỉ hưu 75 tuổi, đã bị tra tấn đến chết vào ngày 13 tháng 7 năm 2023 trong Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang. Lính canh đã tùy tiện hỏa táng thi thể của bà trước khi thông báo cho gia đình bà.

2018-8-12-193935-0.jpg

Bà Mưu Vĩnh Hà

Bà Mưu bị bắt vào tháng 9 năm 2019 và bị Tòa án Quận Nhượng Hồ Lộ kết án 6 năm tù vào tháng 5 năm 2020. Ở trong Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang, lính canh thường chỉ đạo tù nhân tra tấn và làm nhục bà Mưu. Nhiều năm bị tra tấn khiến sức khỏe của bà bị tổn hại nghiêm trọng và bà hầu như không thể cử động.

Sau khi bà Mưu bị đại tiện không tự chủ vào tháng 8 năm 2022, một tù nhân đã đánh bà và đổ nước lạnh lên người bà. Sau đó, bà bị rối loạn tâm thần, nhưng lính canh và các tù nhân khác vẫn không ngừng đánh đập bà.

Một tù nhân phàn nàn rằng bà Mưu đi quá chậm và đã đẩy bà từ phía sau vào cuối tháng 12 năm 2022. Kết quả là bà bị ngã xuống đất, mặt mũi bầm tím. Đêm hôm đó bà bắt đầu đi tiểu thường xuyên, và phải thức dậy hơn 10 lần mỗi đêm. Các tù nhân được giao nhiệm vụ trông chừng bà thường xuyên chửi bới và đánh đập bà vì điều này.

Do bị ngược đãi triền miên, bà Mưu thường thức dậy lúc nửa đêm và la hét. Tiếng la lớn đến mức tù nhân ở phòng giam khác có thể nghe thấy rõ. Bà bị lú lẫn, và thậm chí không thể nhận ra những học viên Pháp Luân Công khác ở cùng phòng giam với bà.

Người con trai thứ hai của bà đã yêu cầu ban quản lý nhà tù để mẹ anh được tạm tha y tế, nhưng không được chấp thuận dù đã nhiều lần yêu cầu.

Bị thương tích nghiêm trọng dai dẳng và qua đời sau khi ra tù

Một bác sỹ châm cứu bị tra tấn đến mức suy sụp tinh thần, kiệt quệ thể xác và đã qua đời ở tuổi 58

Sau nhiều năm bị bức hại, một bác sỹ châm cứu được cấp phép của Bệnh viện Tỉnh Sơn Đông đã qua đời ở tuổi 58, vào ngày 28 tháng 3 năm 2023.

2023-9-1-201656-6.jpg

Bà Miêu Bồi Hoa

Bà Miêu Bồi Hoa tốt nghiệp Đại học Y học Cổ truyền Sơn Đông vào năm 1986. Trước kia bà từng bị mắc chứng xơ tử cung, thoát vị đĩa đệm thắt lưng và huyết khối vai trong nhiều năm. Một tháng sau khi bà luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, toàn bộ bệnh tật của bà đều biến mất, bà cảm thấy hạnh phúc vô bờ.

Đầu năm 2000, bà Miêu đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị bắt giữ. Bà từ chối tiết lộ danh tính và bị phạt 1,5 năm ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Lính canh trói bà vào giường chết và tiêm những loại thuốc không rõ chủng loại. Sau khi bà bị chuyển tới Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Thành phố Bảo Định (cũng ở Hà Bắc) lính canh đã xúi giục các tù nhân khác đánh đập, cạy miệng và bức thực bà.

Tháng 3 năm 2007, bà Miêu lại bị bắt vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà bị kết án lao động lần thứ 2 với thời hạn 1 năm.

Bà lại bị bắt vào ngày 31 tháng 3 năm 2009 sau 1 năm được trả tự do và bị kết án lao động lần thứ 3 với thời hạn 21 tháng ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Số 1 Tỉnh Sơn Đông. Lính canh đưa bà vào một phòng biệt giam và đánh đập bà thậm tệ. Họ xô bà vào tường rồi đá vào ngực khiến bà nôn ra máu. Họ dùng 3 tấm ga trải giường quấn bà lại và mãi đến ngày hôm sau mới cởi ra. Vụ tra tấn này khiến bà bị mắc một căn bệnh về tim.

Khi bà được mãn hạn vào tháng 1 năm 2011, thay vì phóng thích bà, người của Phòng 610 đã đưa bà đến một trung tâm tẩy não trong 3 tháng. Trong thời gian đó, bà bị bức thực bằng hơn 10 loại thuốc tâm thần khác nhau với tần suất 3 lần 1 ngày, đồng thời, bà còn bị sốc bằng dùi cui điện 2 lần 1 ngày. Dần dần, bà gặp khó khăn trong việc phát âm và thường xuyên mơ màng, buồn ngủ. Người bà run rẩy, khuôn mặt bị biến dạng. Các nhân viên y tế cười nhạo bà và không làm gì để giúp đỡ bà.

Lần bắt giữ cuối cùng của bà xảy ra vào ngày 9 tháng 6 năm 2015, vì bà nói với người dân về Pháp Luân Công. Sau khi bà được thả khỏi Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông vào năm 2019 sau 4 năm giam giữ, cảnh sát và viên chức địa phương liên tục sách nhiễu bà tại nhà. Áp lực tinh thần nặng nề cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của bà.

Một người phụ nữ Thiên Tân qua đời chỉ 1 tháng sau khi mãn hạn bản án 5,5 năm tù oan sai vì đức tin vào Pháp Luân Công

Khoảng 8 giờ 30 sáng ngày 28 tháng 12 năm 2017, bà Lã Hậu Phân ở Thiên Tân bị 4 cảnh sát bắt giữ ngay khi vừa bước ra khỏi tòa chung cư của mình. Hơn 10 cảnh sát khác đột nhập vào nhà bà và tịch thu nhiều tài sản có giá trị.

Tòa án Quận Nam Khai đã tổ chức xét xử vụ án của bà Lã vào ngày 23 tháng 1 năm 2019, sau đó kết án bà 5,5 năm tù. Trong Nhà tù Nữ Thiên Tân, bà bị tra tấn tàn bạo và mắc bệnh lao. Tại thời mãn hạn tù vào ngày 28 tháng 6 năm 2023, người bà chỉ còn da bọc xương.

Sức khỏe của bà Lã liên tục suy giảm sau khi trở về nhà và bà cần được hỗ trợ đi lại. Phổi và dạ dày của bà bị tổn thương do bị tra tấn trong thời gian ở trong tù và bà gặp khó khăn khi tiêu hóa dù chỉ ăn vài ngụm cháo. Bà qua đời vào ngày 9 tháng 8 năm 2023, chưa đầy 2 tháng sau khi được thả, hưởng dương 66 tuổi.

Sức khỏe suy giảm và qua đời sau nhiều năm bị sách nhiễu và bức hại tài chính

Nguyên trưởng phòng phát triển công nghiệp huyện qua đời sau nhiều năm cơ cực và sống trong sợ hãi

Ông Trác Quý Tân sinh sống ở huyện Dịch, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Ông nguyên là cục trưởng Cục Phát triển Công nghiệp Huyện Dịch. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, nhà của ông đã nhiều lần bị cảnh sát đột nhập và ông cũng bị bắt giữ nhiều lần. Ông đã 2 lần bị phạt lao động cưỡng bức với tổng thời hạn 6 năm, 1 án tù với thời hạn 3 năm tù giam cùng 4 năm thử thách.

Để tránh bị bức hại thêm nữa, ông đã nhiều lần phải sống lưu lạc và lâm vào cảnh cơ cực. Sau nhiều năm sống trong sợ hãi và liên tục bị sách nhiễu, sức khỏe tinh thần và thể chất của ông suy giảm nghiêm trọng. Ông đã qua đời vào ngày 25 tháng 4 năm 2022, hưởng thọ 75 tuổi.

2023-9-1-201656-7.jpg

Ông Trác Quý Tân

Sức khỏe của người phụ nữ Cát Lâm suy giảm và qua đời do bị chính quyền sách nhiễu triền miên

Ngày 11 tháng 1 năm 2022, trong khi bà Khúc Quế Thanh ở huyện Phủ Tùng, tỉnh Cát Lâm đang ở nhà thì một cảnh sát đến và cáo buộc bà nói với người dân về Pháp Luân Công 1 tháng trước đó. Cảnh sát bắt giữ bà và tống giam bà ở trong trại tạm giam Thành phố Bạch Sơn 12 ngày.

Tháng 3 năm 2022, cảnh sát và một số viên chức chính quyền địa phương đến nhà bà Khúc nhằm đưa bà đến một bệnh viện ngoại thành để khám sức khỏe. Lúc đó bà Khúc phải nhập viện vì sức khỏe kém. Người thân của bà đề nghị để bà đi khám sức khỏe ở bệnh viện lân cận, nhưng một người phụ nữ từ cục tư pháp địa phương đã từ chối và nói: “Kết quả khám sức khỏe tại địa phương không được tính. Bà ấy sẽ phải tới thành phố Bạch Sơn (cách đó khoảng 112 km) để khám sức khỏe, trừ phi bà ấy là người thực vật.”

Ngày 29 tháng 4 năm 2022, bà Khúc bị đưa ra hầu tòa và bị kết án 9 tháng tù chấp hành ngoại giam vì sức khỏe yếu. Chính quyền liên tục sách nhiễu bà tại nhà. Bà lại phải nhập viện vào đầu tháng 7 và xuất viện vào ngày 14 tháng 7. Chỉ trong 2 ngày, 8 người đã đến nhà bà và yêu cầu bà ký tên vào bản cam kết từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Bà đã không thể hồi phục và qua đời 1 tháng sau đó, vào ngày 10 tháng 8 năm 2022.

Nhân viên cục thuế ở tỉnh Sơn Đông qua đời chưa đầy một năm sau khi ra tù

Một cựu nhân viên Cục Thuế Thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông đã nhiều lần bị bắt và bỏ tù vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Ngày 5 tháng 8 năm 2022, ông Nhậm Thanh Bá bị bắt khi đang trên đường đi làm và bị đưa vào trại tạm giam. Sau đó, cảnh sát từ Đội An ninh Nội địa Quận Mưu Bình, trong đó có đội trưởng Điêu Thánh Cơ, đã lục soát nhà của ông. Ông đã được bảo lãnh tại ngoại 1 năm, trong thời gian đó ông chỉ được nhận 70% tiền lương.

Do bị tra tấn trong trại tạm giam, ông Nhậm trở nên hốc hác, đau ngực và cơ thể khó chịu sau khi được thả. Do liên tục bị cảnh sát sách nhiễu, sức khỏe của ông suy giảm. Ông đã qua đời vào ngày 24 tháng 7 năm 2023, ở tuổi 57, gây ra một cú sốc tinh thần to lớn cho người cha già 90 tuổi của ông.

Cựu quan chức chính phủ 77 tuổi qua đời vì liên tục bị bức hại

Trong cuộc bức hại 24 năm qua, ông Lưu Kế Thuận đã 2 lần bị kết án, tổng cộng 6,5 năm tù giam, và 1 lần bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức. Ông phải chịu đựng sự tra tấn tàn bạo trong mỗi lần bị giam giữ và nhiều lần trong tình trạng thập tử nhất sinh. Ông cũng bị sa thải vào năm 2001 và không được nhận lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi) vào năm 2006. Không có thu nhập và liên tục bị chính quyền sách nhiễu, sức khỏe của ông ngày càng suy giảm và cuối cùng ông đã qua đời sau nhiều năm bị bức hại triền miên.

Ông Lưu bị sa thải không lâu sau khi bị kết án 3 năm tù vào năm 2001. Ông bị lính canh và những tù nhân khác tra tấn dã man. Họ đấm và đá ông, bắt ông đứng úp mặt vào tường trong thời gian dài, thậm chí còn ép ông ăn thức ăn cho lợn và chó.

Tại thời điểm được trả tự do vào năm 2004, ông bị biến dạng đến khó nhận ra. Cơ thể ông sưng phù và ông không thể đứng vững. Có lúc chỉ số huyết áp tâm thu của ông còn tăng tới 240 mmHg (mức bình thường không quá 120 mmHg) và ông đã suýt chết.

Ông Lưu đã nhiều lần khiếu nại lên chính quyền địa phương, phòng lương thực huyện và phòng an sinh xã hội về việc bị cắt lương trong thời gian ở tù và không có lương hưu, nhưng không cơ quan nào trả lời ông. Ông phải chật vật kiếm sống trong những năm cuối đời. Sức khỏe của ông Lưu tiếp tục suy giảm và cuối cùng ông đã qua đời vào ngày 27 tháng 7 năm 2023.

Một người phụ nữ 50 tuổi qua đời sau nhiều năm bị bức hại vì kiên định đức tin

Bà Hồ Hỏa Muội (50 tuổi) ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã qua đời vào ngày 3 tháng 8 năm 2023, sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin vào Pháp Luân Công. Bà Hồ Hỏa Muội đã 2 lần bị phạt lao động cưỡng bức và 2 lần bị kết án tù, tổng cộng bị giam giữ 7,5 năm. Sau khi được thả, bà sống trong cảnh nghèo khó, vì không thể tìm được việc làm do bị cảnh sát và quan chức cộng đồng sách nhiễu.

2023-8-17-mh-huhuomei.jpg

Bà Hồ Hỏa Muội

Bà Hồ bị bắt vào ngày 10 tháng 4 năm 2018 trong khi đang đọc các bài giảng của Pháp Luân Công tại nhà một học viên khác. Tòa án Quận Tây Hồ kết án bà Hồ 1,5 năm tù và phạt tiền 5.000 Nhân dân tệ, mà không tổ chức xét xử hay thông báo cho gia đình bà. Bà Hồ thụ án tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Nam Xương. Bà thường xuyên phải ngủ trên sàn bê tông, và không được cung cấp đủ thức ăn. Bà được thả vào tháng 10 năm 2019.

Cảnh sát và viên chức ở ủy ban khu phố liên tục sách nhiễu bà tại nhà trong những năm cuối đời, đặc biệt là vào những ngày nhạy cảm như các cuộc họp chính trị quan trọng và những ngày sự kiện liên quan đến Pháp Luân Công. Họ cũng nhiều lần cưỡng chế chụp ảnh bà tại nhà để làm bằng chứng đảm bảo bà đang ở nhà chứ không đi ra ngoài để nói với công chúng về chân tướng cuộc bức hại.

Nhiều năm bị bức hại khiến gia đình bà lâm vào cảnh nghèo khó. Chứng kiến những vụ bắt giữ và bức hại của mẹ mình trong nhiều năm, người con trai ngoài 20 tuổi của bà bị trầm cảm và không thể làm việc bình thường. Con gái của bà hiện đang học đại học, cũng phải vật lộn để trang trải học phí.

Áp lực từ phía chính quyền và cuộc sống khó khăn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà Hồ, vốn đã suy giảm kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Mắt của bà dần dần mờ đi, và người bà gầy hốc hác. Lúc nào bà cũng cảm thấy mệt mỏi. Bà không thể bước đi được vững và thường xuyên bị ngã. Ngoài ra, bà còn hoàn toàn phải nằm liệt giường trong những tháng cuối đời.

Bà Hồ rơi vào tình trạng nguy kịch vào ngày 21 tháng 7 năm 2023, và được đưa vào bệnh viện. Tình trạng của bà được cải thiện phần nào sau vài ngày ở phòng chăm sóc tích cực (ICU), nhưng gia đình phải cho bà xuất viện vào ngày 3 tháng 8, khi họ không còn tiền để trang trải chi phí y tế cho bà (ở Trung Quốc, bệnh nhân thường phải thanh toán trước các khoản chi phí y tế). Bà qua đời 5 phút sau khi về nhà. Lúc đó bà chỉ nặng hơn 40 kg một chút.

Người phụ nữ 63 tuổi ở tỉnh Liêu Ninh qua đời sau nhiều năm bị bức hại vì kiên định đức tin

Bà Trâu Tú Cúc, quê ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm 2023, khi đang sống trong cảnh cơ cực để tránh bị cảnh sát bắt giữ vì đức tin vào Pháp Luân Công

Trước đó, anh trai bà, ông Trâu Văn Chí, qua đời ở tuổi 54 vào ngày 16 tháng 10 năm 2000, sau khi bị đánh đập triền miên từ 8 giờ sáng đến khoảng 4 giờ chiều ngày hôm đó bởi nhân viên bảo vệ tại nơi làm việc của ông – Nhà máy Sản xuất Alkali của Tập đoàn Đại Liên. Họ nhắm mục tiêu vào ông vì không từ bỏ Pháp Luân Công

d582052fcfa7ad6aa14c91147c4f0dc5.jpg

Ông Trâu Văn Chí

Nhà của bà Trâu bị đột kích 4 lần trong cuộc bức hại và bà đã 2 lần bị kết án lao động cưỡng bức, nhiều lần bị giam ở các cơ sở giam giữ khác nhau. Bà bị tra tấn dã man trong mỗi lần bị giam giữ.

Khi bà Trâu bị giam ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Thành phố Đại Liên, lính canh biệt giam bà trong một cái lồng sắt lớn và tra tấn bà. Họ còng tay bà ra sau lưng, và buộc bà phải đứng yên trong nhiều giờ. Tại Trại giam Thành phố Đại Liên, lính canh còng tay bà ra sau lưng, và trói tay bà vào cùm chân, buộc bà phải quỳ suốt ngày đêm. Trong 2 năm ở Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia, lính canh trói bà vào giường chết, dùng một chiếc kìm cạy miệng và bức thực bà sau khi bà tuyệt thực.

Trong những khoảng thời gian bà không bị giam giữ, cảnh sát địa phương và viên chức khu dân cư theo dõi bà, và sách nhiễu tại nhà bất cứ lúc nào họ muốn, thậm chí cả vào nửa đêm. Cảnh sát từng nói với bà: “Bà sẽ là người đầu tiên chúng tôi tìm đến mỗi khi có chỉ tiêu về việc bắt giữ học viên Pháp Luân Công“.

Bà Trâu bị buộc phải sống xa nhà trong những năm gần đây, và qua đời trong cảnh túng thiếu, không có nơi ở ổn định.

Bài liên quan:

120 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong nửa đầu năm 2023/

20 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 5 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 4 năm 2023

25 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do bị bức hại, theo báo cáo xác nhận vào tháng 3 năm 2023

Báo cáo tháng 2 năm 2023: 19 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại

15 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 1 năm 2023

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/9/2/464850.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/12/211293.html

Đăng ngày 27-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share